Mở Lại Cuốn Vòng Đai Xanh Của Nhà Văn Ngô Thế Vinh


NHẬT TIẾN

Vong Dai Xanh

Ngô Thế Vinh sinh năm 1941 tại Thanh Hoá, bác sĩ, hiện đang làm việc tại bệnh viện dành cho các cựu chiến binh Mỹ ở Long Beach, California. Trước 1975, ông là chủ bút báo Tình Thương của Sinh viên trường Đại học Y Khoa Sài Gòn. Đã xuất bản các tác phẩm : Mây Bão (1963), Bóng Đêm(1964), Gió Mùa(1965), Vòng Đai Xanh (1971), và ở hải ngoại : Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng (2000).

NHẬT TIẾN

Không phải là một sự tình cờ mà tôi ngồi giở ra đọc lại tác phẩm Vòng Đai Xanh của nhà văn Ngô Thế Vinh. Chính là số phận bi thảm của hàng trăm đồng bào Thượng (các báo chí xuất bản gần đây đã tường thuật sự việc khá đầy đủ) đã khiến cho tôi làm công việc đó. Các đồng bào này đã bị chính quyền Cộng Sản o ép đến phải bồng bế kéo nhau rời khỏi rừng núi của mình để ra đi, rồi sau những cuộc vận động, giằng co với đầy rẫy những tình tiết bi thảm ở bên trong, cuối cùng họ đã được đi  định cư tại Hoa Kỳ.

Nhà văn Ngô Thế Vinh viết Vòng Đai Xanh từ năm 1969, thời gian ông làm bác sĩ Quân y phục vụ tại một đơn vị Biệt Cách Dù ở Tây Nguyên. Cuốn sách phát hành lần đầu năm 1971 tại Sài Gòn. Đây là một tác phẩm mang nặng tính cách  phóng sự điều tra hơn là một tác phẩm tiểu thuyết  dù ông đã ghi nó là tiểu thuyết và dù những trang có tính cách tiểu thuyết trong cuốn này cũng đã rất đậm đà, phong phú. Tuy nhiên, vì tình hình chiến tranh và vì những nhu cầu tin tức nóng hổi của thời cuộc, tác phẩm của Ngô Thế Vinh đã không gây được tiếng vang nào rộng rãi vào thời điểm đó, tuy đã chất chứa biết bao nhiêu vấn đề có thể gọi là lớn lao chẳng những gắn bó rất mật thiết đối với số phận của đồng bào Thượng miền cao mà còn tới cả sự toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam trong bất cứ  thời điểm nào. Hơn 30 năm sau tính từ 1969 là thời điểm cuốn sách ra đời, khi đọc lại Vòng Đai Xanh, ngườụi đọc không khỏi sửng sốt khi thấy những vấn đề liên quan tới số phận của những người thuộc bộ lạc thiểu số ấy nay vẫn còn tồn tại. Và có thể nó sẽ còn tồn tại trong một thời gian lâu dài nữa, với mức độ xem ra còn tàn tệ hơn những gì mà chúng ta đã từng được nghe và thấy.

Vòng Đai Xanh đưa ra một vài nhân vật điển hình, mỗi nhân vật nhìn vấn đề Kinh Thượng theo một nhãn quan khác nhau được dẫn dắt bởi những ý đồ khác nhau của mỗi người.

– Đầu tiên là bác sĩ kiêm Mục sư Denman, một giáo sư chuyên về nhân chủng học, một người  thiên về hoạt động  xã hội và nghiên cứu hơn là công tác truyền giáo. Ông ta vừa nói tiếng Việt lưu loát, vừa thạo cả một số thổ ngữ  nên  có rất nhiều ảnh hưởng đối với đồng bào Thượng và chính nhờ ông mà Lực Lượng đặc Biệt Mỹ đã xây dựng được những cơ sở đầu tiên ở các bộ lạc hẻo lánh. Cái nhìn của ông Mục sư  này đối vấn đề Kinh Thượng như sau :

– Theo lịch sử và truyền kỳ thì cả miền Trung và Cao nguyên xưa kia là của người Thượng với kinh đô ở gần bờ biển phía đông, có lẽ là tỉnh Nha Trang hiện giờ. Những người già cả còn sống sót cũng kể lại rằng quê hương ông cha họ trước kia ở phía mặt trời mọc, cho đến vị vua cuối cùng của họ vì say mê cưới một nàng công chúa người Việt ở phương Bắc và chính nàng công chúa này đã âm mưu hãm hại nhà vua. Kể từ đấy họ hoàn toàn bơ vơ không ai hướng dẫn và bị người Kinh tàn ác xua đuổi họ vào mãi tận rừng núi sống khổ cực cho đến ngày nay…. Khi kế hoạch bình định cao nguyên rơi vào tay người Mỹ, đã có nhiều điều được cải thiện. Khác hẳn với người Việt, dân Thượng sống rất hòa thuận với những người lính da trắng. Họ tin cậy vào các viên chức này sẽ bênh vực họ. Những lãnh tụ Thượng khi gặp tôi họ đều tỏ vẻ tin tưởng rằng sau người Pháp, người Mỹ có thể giúp họ kiến thiết lại một xứ cao nguyên tự trị. Đó là nguyện vọng của dân tộc họ tôi không có thêm ý kiến.

Và mặc dù ông Mục sư  không có ý kiến, nhưng chính ông cũng đã góp phần phiên dịch bức thư  của nhóm lãnh đạo phong trào đấu tranh của người Thượng gởi ông Đại sứ Mỹ và cả Liên Hiệp quốc để họ bầy tỏ  nguyện vọng của mình. Như thế ý đồ của ông Mục sư  này đã quá rõ. Ông chủ trương thành lập một lãnh thổ tự trị của người Thượng trên cao nguyên, một ý đồ mà trước đây tổ chức FULRO đã từng theo đuổi. Nhân vật mục sư Denman không chỉ tồn tại trong tác phẩm tiểu thuyết của Ngô Thế Vinh viết ra từ hơn 30 năm trước, mà ngay trong thực tế, vào thời điểm của đầu thiên niên kỷ 21, người ta không khỏi giật mình khi thấy một nhân vật có tên tuổi, có chức sắc đang mở ra  những cuộc vận động với  những bài viết, những hình ảnh, có cả mầu cờ riêng cho một nước tự trị được phổ biến trong một Website trên Internet. Những ai đã từng quan tâm đến sự toàn vẹn của lãnh thổ tất không thể nào bỏ qua được sự kiện này.

– Phụ họa cho Denman là Tacelosky, viên Tư lệnh Lực Lượng Đặc biệt của Mỹ tại Việt Nam. Quan điểm của nhân vật này cũng  sặc mùi chia rẽ.

Lịch sử là một liên tục chứ không tái diễn, theo tôi ngày phải trả lại  cho một nền  tự trị cao nguyên là điều không thể tránh được. (Vòng Đai Xanh, trang 54).

Nhưng đó chỉ là những ý đồ chính trị của những con người bên ngoài. Còn cái nhìn cũng như nguyện vọng đích thực của những người Thượng chân chính thì sao? Nhà văn Ngô thế Vinh đã trình bầy một khuôn mặt người Thượng tên Nay Ry, rất đáng chú ý như sau:

Nay Ry một nhân sĩ Thượng rất trẻ, một trong số những người Thượng hiếm hoi có học thức, xuất thân từ trường Yersin Đà Lạt, tốt nghiệp thủ khoa về các vấn đề cao nguyên tại học viện Quốc gia Hành chánh. Gốc người Djarai, là một nhân vật có uy tín với nhiều phía: chánh phủ, người Mỹ và kể cả phe tranh đấu. Ông cũng đang hoàn thành một cuốn sách nghiên cứu vấn đề thiểu số mà theo ông đã có rất nhiều ngộ nhận từ trước đến nay ở các nhà bác học Pháp và Mỹ. Khi được tôi hỏi về yếu tố chủng tộc chi phối các phong trào nổi dậy, quan niệm của Nay Ry rất rõ rệt:

Trên thế giới ngày nay không còn một dân tộc nào tự hào rằng mình còn giữ nguyên được sự thuần khiết về huyết thống. Đem yếu tố huyết thống vào cuộc tranh đấu chẳng phải là điều hữu lý. Thí dụ như Hiệp chủng quốc qui tụ gồm bao nhiêu sắc dân, mỗi sắc dân vẫn có thể giữ những tập tục và sinh  hoạt cá biệt nhưng họ vẫn có thể hợp nhất để tạo một quốc gia hùng mạnh. Với một Âu Châu văn minh nhưng phân tán, người ta còn cố gắng đi tới một khối thống nhất huống chi một quốc gia quá nhỏ bé như Việt nam; nếu không tìm được một liên minh trong cộng đồng Á châu đề tồn tại thì làm sao đối phó với lục địa của hơn 700 triệu dân Trung hoa, còn nói chi tới sự xâu xé phân tán….Tôi  quan niệm rất ư rõ rệt: tranh đấu cho quyền tiến bộ của người Thượng rất ư là chánh đáng nhưng biến nó thành một cuộc phiêu lưu của thù hận là điều không thể nào chấp nhận được. Khôn ngoan như người Pháp rồi cũng phải ra đi, người Mỹ còn cách xa chúng ta cả một đại dương minh mông vậy không lý gì người Thượng chúng tôi lại nhẹ dạ chạy theo họ. Hơn ai hết chúng tôi hiểu rằng cuối cùng chỉ còn lại những người Kinh mà chúng tôi phải chung sống với đề tồn tại và hy vọng tiến bộ. Một màu cờ riêng, một quân đội tách biệt, một quốc gia Đông Sơn ly khai chẳng phải là nguyện vọng thiết yếu của đồng bào Thượng. Còn những đòi hỏi  khác thì không sai, chẳng hạn việc xin chánh phủ thiết lập Bộ Thượng vụ, cử số người đại diện xứng đáng trong quốc hội, lập thêm trường học và duy trì việc giảng dạy thổ ngữ, trả lại những đất đai từ trước đến nay bị chiếm hữu, cho phép lập  lại tòa án phong tục Thượng. Đó là những điều hợp lý và không mấy khó khăn mà chánh phủ có thể thỏa mãn ngay để làm yên lòng họ. Đặc tính của người Thượng chất phác là rất dễ tin và cũng rất dễ nghi ngờ, bởi vậy tục ngữ chúng tôi có câu hứa tay mặt phải cho ngay tay trái là nghĩa như vậy.

Thật đáng ngạc nhiên là những nhận xét ở trên đã được viết ra từ năm 1969, từ một ngòi bút trẻ mới 28 tuổi. Ông đã như một nhà tiên tri, một kẻ cố vấn về những vấn đề Cao nguyên cho chính quyền VNCH trước chiến tranh  cũng như  cho cả nhà cầm quyền CS, hiện nay, vốn đã và còn đang bị thắt họng vì vấn đề Cao nguyên người Thượng.Vì không có một Bộ lo riêng vấn đề thiểu số, vì không lập  thêm trường học, không duy trì việc giảng dậy thổ ngữ, vì không những không trả lại các đất đai từ trước bị chiếm hữu mà nhà nước CSVN lại còn đưa nhiều di dân vào cao nguyên để chiếm hữu đất đai của dân thiểu số, rồi nạn phá rừng, nạn chặt cây bừa bãi huỷ hoại môi sinh và đất sống của các bộ lạc, nạn tham nhũng thối nát của các cán bộ ăn chặn tiền trợ cấp hay tiền sử dụng trong các công trình phát triển vùng cao…và chưa kể tới cả những thế lực đến từ bên ngoài với ý đồ xúi dục đòi tách riêng để tự trị, tất cả đã là nguyên nhân những cuộc nổi dậy của người Thượng để dẫn tới những cuộc đàn áp đẫm máu cũng như những cuộc bồng bế nhau bỏ nước ra đi.

Dĩ nhiên là chúng ta cảm thông với số phận đau thương của đồng bào Thượng trải dài trong lịch sử. Họ có nhiều lý do để tìm cách thoát khỏi vùng đất của một quê hương vốn cũng đã từng khổ đau trong những chặng đường dài như thế. Vào thời điểm Ngô Thế Vinh viết cuốn này thì : Dàn đại pháo của trại binh Mỹ đang nhả từng loạt đạn vào mãi xa trong rừng sâu, tiếng nổ rung chuyển cả động núi và lung lay đến tận trăng sao. Nạn nhân có thể là những tên cộng sản lẩn lút, đám người Thượng nào đó còn sót lại hoặc là cả những con thú vô phước có mặt trong một khu được coi là oanh kích tự do. Súng đạn dù không thù nghịch vẫn làm những người Thượng kinh hãi ( trang 38), – Hay là nói đến Việt cộng là chúng tôi hết cả hồn vía, dân làng vẫn thường gọi chúng là chim Dụng tức là con dơi, còn nói về tàn bạo thì chúng tôi sợ họ như cọp dữ. Họ bắt đồng bào chúng tôi đi dân công tải đạn, chúng lại còn thâu thuế cướp bóc gạo và gia súc của dân làng. Nếu chúng tôi có ý định bỏ đi thì họ dọa bắn giết cả làng, không ai có thể đi xa khỏi vùng quá mấy cây số (trang 50) Hoặc là cả những lý do chủ quan ở ngay trong hàng ngũ của các dân thiểu số. Không làm gì có được một chủng tộc  Thượng đồng nhất mà là sự cọ sát của hơn ba mươi sắc dân với những căn bản quyền lợi nhiều khi rất mâu thuẫn. Việc đặt để những người Thượng tự quản trị lấy cũng lại gây thêm nhiều khó khăn. Chung sống trong một hoàn cảnh xã hội chậm tiến như Việt Nam, người Thượng vần còn ngót một thế kỷ xa cách với thời đại văn minh. Một quốc gia Đông Sơn riêng biệt chỉ là sự nhiễm độc của vài bộ óc non nớt khi giao tiếp với những người lính Mũ Xanh. Cách đây ngót ba mươi năm, một Nam kỳ tự trị cũng được nhen nhúm khai sinh khi giải đất miền Nam đã bị dẫm nát bời gót chân của những người lính Pháp. Lịch sử không phải là một sự liên tục như Tacelosky đã nói, đó là sự tái diễn ở trong những hoàn cảnh khác. (trang 58).

Nhưng dù nhân danh bất cứ lý do nào, với bất kỳ sự đau thương, tang tóc thế nào thì sự chia cắt lãnh thổ thành những vùng đất đai riêng biệt, có cờ riêng, có tên quốc gia riêng là một điều không bao giờ có thể chấp nhận được. Xin nhắc lại rằng, ngay trong thời điểm hiện tại, tức những năm đầu của thiên niên kỷ mới, những âm mưu thâm độc nhằm chia cắt lãnh thổ nhân danh vấn đề sắc tộc vẫn đang còn tiếp diễn với những phương tiện hiện  đại nhất vốn còn quá xa lạ với đa số đồng bào Thượng : phương tiện của Internet và Computer ! Như thế phải nhìn  nhận sự kiện này như một âm mưu thâm độc của chính những thế lực ở bên ngoài các sắc dân thiểu số. Để giải quyết tận gốc vấn đề Kinh Thượng, nhà văn trẻ 28 tuổi Ngô Thế Vinh, năm 1969 đã đưa ra quan điểm của mình qua lời một nhân vật nhà báo tên David như sau:

–  Tuyệt nhiên không có mặc cảm kỳ thị về chủng tộc đúng nghĩa như người Đức đối với dân Do Thái, hay như sự thù hằn đen trắng ở Mỹ trước đây. Bằng chứng là chẳng bao giờ có trong lịch sử ở đây một chiến dịch diệt chủng như Hitler diệt dân Do Thái hay một phong trào kiều như  KKK ở Mỹ. Có một điều kỳ lạ là sự dễ dàng chung sống giữa các sắc dân giữa các tôn giáo qua mấy ngàn năm ở trên lục địa Á châu này: hiện tượng Tam giáo ở Việt nam là một bằng chứng. Theo tôi nguyên nhân tấm thảm kịch dai dẳng ở cao nguyên không bắt nguồn từ một mâu thuẫn chủng tộc mà là sự bất bình đẳng về nguyền lợi và cơ hội tiến bộ giữa Kinh Thượng. Có điều là sự cách biệt đó sắc nét hơn giữa sự nghèo ở thôn quê và trong thành phố. Nhưng chúng cùng là một đối tượng cho một phương thức giải quyết, đó là một cuộc cách mạng về công bằng xã hội.

Tác phẩm Vòng Đai Xanh của nhà văn Ngô Thế Vinh khi đặt trong bối cảnh thời sự hiện tại như thế, đã làm nẩy ra nhu cầu khiến ta phải đọc kỹ lại và để ta phải suy ngẫm nhiều hơn.

Từ Vòng Đai Xanh (1969) cho đến Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng (2000), nhà văn Ngô Thế Vinh đã đặt ra những vấn đề hết sức lớn lao, liên hệ mật thiết đến vận mệnh của dân tộc, chẳng những đối với chúng ta bây giờ mà còn cho  cả nhiều thế hệ mai sau: Chúng ta và con cháu chúng ta sẽ phải hành xử như thế nào để lãnh thổ Việt Nam vẫn  luôn luôn toàn vẹn không bị chia cắt bởi những âm mưu khai thác vấn đề chủng tộc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long không bị rơi vào những hoàn cảnh bi đát: Nước sông cạn đi, nước biển tràn vào trước ảnh hưởng của những con đập ngang nhiên xây chặn dòng sông Cửu do Trung Quốc đã và đang còn tiếp tục thực hiện.  ./.

NHẬT TIẾN
(tháng 9-2002)


===========