Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

'Bay trên đất Bắc "/ Lê Bá Định [ 1939- 2014 saigon] -- source: Việt Văn Mới ( 27/ 3/ 2021)

 Việt Văn Mới

Ảnh bià chụp từ tập sách do nhà văn
Huy Sơn Dương Thuận chuyển tặng Từ Vũ từ Branford HoaKỳ .

Huy Sơn- Dương Thuận [ 1936- 2020] (Bt)












BAY TRÊN ĐẤT BẮC









T ôi đã nhiều lần vượt vùng trời Bến Hải với những chuyến bay ném bom trên đất Bắc. Lần này tôi được chỉ định dẫn dắt mười hai phi cơ tiến đánh một mục tiêu xa hơn những lần trước. Đó là hai trại quân quan trọng nằm trong vùng rừng nơi phía Tây Bắc thành phố Vinh.

Tôi ghi nhớ nhiều về chuyến bay này vì là lần đầu tiên tôi điều khiển hoàn toàn một phi vụ Bắc phạt.

Những lần trước tôi chỉ hướng dẫn một phi tuần bốn phi cơ theo sự điều khiển của phi đội trưởng.

Đối với phi công khu trục, cấp trung uý dù rằng với chức vụ trưởng phòng hành quân phi đoàn, đây là một danh dự và là một hãnh diện nữa khi được lệnh đảm trách một công tác quan trọng như vậy.

Suốt từ lúc được lệnh bay, xuyên qua buổi thuyết trình về phi vụ, tôi đã hỏi rất nhiều, rất kỹ lưỡng vị sĩ quan Quân Báo về các vị trí phòng không địch, cho đến khi đứng lên nhắc lại các phương thức phi hành cùng các đoản lệnh hành quân cho các chiến hữu cùng bay với tôi, tôi cảm thấy nôn nao vô cùng.

Có thể hơn thế nữa, gần như là một mối lo âu. Không thể là sự lo sợ được đối với một người trẻ tuổi như tôi, đã được rèn luyện trong cái khí thế hiệp sĩ của một phi công khu trục bao lần vùng vẫy trên vùng trời lửa đạn.

Tôi run run đếm những số giây cuối cùng cho các bạn tôi điều chỉnh giờ đúng. Nỗi lo âu ngập tràn. Khẳng định không phải là sự thiếu tự tin. Những người trẻ tuổi thường không sợ sệt trong lý tưởng mà luôn muốn chứng minh khả năng của mình trong khi bay. Khả năng của tôi đang được khảo thí. Một cuộc khảo thí quan trọng vô cùng, vì từ giờ trở đi, những quyết định của tôi, một phi công hai mươi ba tuổi, nếu sai lầm sẻ phải trả bằng giá của sinh mạng tôi và của cả mười một phi công khác mà số tuổi chỉ trên dưới hai mươi.

Tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong nghề, lần này tôi sắp sửa thêm một kinh nghiệm nữa mà mãi sau này tôi vẫn thấy thú vị vô cùng. Danh nhân nào đã nói kinh nghiệm là một ông thầy khó tính, bắt ta phải khảo thí trước khi dạy ta.

Tôi đang là thí sinh của cuộc khảo thí kỳ cục đầy hào khí này. Hình ảnh cuốn phim Le Pont de Toko Ri chợt đến bao trùm trong tôi thật rõ ràng linh hoạt như ngày nào tôi mười hai tuổi xin tiền mẹ bốn lần để xem đi xem lại phim này.

Vùng trời Đà Nẵng hôm đó thật thấp và âm u với nhiều mây xám. Đã có lác đác vài hạt mưa rơi.

Các bạn tôi lộ vẻ chán nản và nói “Chán quá! Lại phải hủy bỏ phi vụ”. Chúng tôi có những giới hạn thời tiết tối thiểu để hoạt động. Dù với lòng quả cảm chấp nhận hiểm nguy nhưng chúng tôi đều phải tôn trọng những luật lệ về an phi. Tuy nhiên tôi thản nhiên ra lệnh: “Vẫn cất cánh như đã dự trù”.

Các bạn tôi đều ngạc nhiên và cho là một quyết định khá liều lĩnh. Thật ra tôi đã quyết định ngay từ lúc rời phòng thuyết trình và thầm mong một biến chuyển thời tiết khả quan hơn. Tôi nhớ thật rõ các dữ kiện mà sĩ quan khí tượng đã cho biết. Trong trí tôi, cuốn phim Le Pont de Toko Ri đang quay chậm. Tôi ôn lại các lối lượn bay toát mồ hôi lạnh trong phim.

Có ai ngờ mười mấy năm sau tôi lại đóng vai chính của một cuốn phim oai hùng.

Thời gian trôi qua thật nhanh chóng.

Tôi tưởng chừng như mới hôm qua còn ngồi trên ghế nệm thoải mái trong rạp hát, hồi hộp theo dõi một kiệt tác của nghệ thuật thứ bảy. Để rồi hôm nay ngồi trong phòng lái chật hẹp tù túng, trước mắt là cánh quạt động cơ ào ào rung chuyển quay tròn như cơn gió lốc, như trộn lẫn định mệnh với cuộc đời…

Thế rồi phơn phớt dưới chân mây, là đà trên ngọn núi, chúng tôi đem tuyệt kỹ phi hành để khắc phục trắc trở thiên nhiên. Tôi đem hết hiểu biết kinh nghiệm để dẫn dắt mười hai cánh chim lao về Bắc.

Nhìn các bạn tôi chao đi trong mưa gió âm u, lòng tôi se lạnh. Trong gió mưa cuồng loạn các bạn hãy cố gắng lên. Chúng ta còn đến trung tâm một cơn bão khác quay cuồng hơn, đang đe doạ không riêng chúng ta mà cả hàng triệu chiến hữu đang gian khổ dập tắt cơn bão loạn này. Tôi biết trời âm u lắm, đôi cánh nặng vô cùng, các bạn hãy theo tôi đi dẹp tan cái âm u khác đã triền miên từ lâu. Theo tôi cho vững để trút cái nặng nề dưới đôi cánh, xoá tan những áp lực núi đá khác đang đè nén quê hương.

Nhìn xem kìa, bên trái hướng chín giờ, Huế cố đô thân yêu. Chân mây cao hơn đôi chút rồi. Đừng dùng máy nhiều nhé, nhớ tiết kiệm từng giọt xăng.

Chúng ta còn đi xa lắm, dù mang thêm bình xăng phụ nhưng lúc giao chiến, đôi khi chúng ta phải thả đi cho nhẹ bớt để còn mặc sức vẫy vùng. Máu của cánh chim, máu của chính mình đó các bạn.

Tôi đang cố gắng giữ hướng Bắc dù cho đôi cánh đang chao mạnh run rẩy từng cơn.

Hãy tin ở tôi, ở tuổi trẻ Việt Nam.

Quảng Trị, Đông Hà, Cửa Việt…

Các bạn thấy Cửa Việt chưa? Cố lên, hãy tra chìa khoá vào cánh cửa Việt Nam đang bị rỉ sét để mở ra cho lịch sử thôi tù túng, đóng khung.

Đừng bay quá xa về phía biển, chúng ta sắp vượt Bến Hải, vĩ tuyến đau thương. Ha ha, chiếc cầu với hai cột cờ. Chẳng có ý nghĩa gì với chúng ta.

Các bạn còn nhớ bài Địa Dư vỡ lòng ngày nào?

Nước Việt Nam trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu. Đâu có ai ngờ là đứt khúc nơi Bến Hải.

Bên cánh trái là giang sơn gấm vóc của giống Tiên Rồng. Dưới cánh phải là Thái Bình Dương đang dâng sóng vỗ về đất nước. Chúng ta cố bay nhanh để sớm quay về, chắp đôi cánh lại cho thanh bình mau ấp ủ quê hương…

Vĩnh Linh, Quảng Khê, Đồng Hới…

Tôi đã bay trên miền trời các địa danh đó, đã đem tử thần đến và cũng đã chạm mặt tử thần ở những nơi này. Quê hương tang tóc rối bời. Những trại quân bị tàn phá, những chiếc cầu gẫy gục, những quang cảnh tiêu điều, vết tích lưu lại những lần oanh tạc trước vẫn còn lở lói bên dưới kia.

Những ai đó còn mê ngủ hay đã kinh hoàng tỉnh giấc trong những tràng bom nổ inh tai, dưới những làn phi tiễn nhức óc? Đừng để cho ảo tưởng bao trùm, hãy lên đây cùng chúng tôi, suốt con đường từ Nam ra Bắc để nhìn rõ bức dư đồ rách nát vì đâu?

Hãy ngồi bên chúng tôi để nhìn rõ quê hương, để biết cái cảm giác của một người bay trên quê hương mà phải nghĩ đây là đất địch.

Đã bao lần tôi muốn xua đuổi ý tưởng đau lòng đó, nhưng bên những sườn núi kia, trong thung lũng nọ, trên bờ biển này, tử thần đang chực chờ lôi kéo chúng tôi bằng lưới đạn giăng trời, để rồi sau cái tan vỡ kinh hoàng của một cánh chim, Thân xác cũng tan tành đưa chúng tôi đến nơi nào không biết, nhưng chắc chắn rằng cho đến lúc đó, chúng tôi chưa tận hưởng được cái khang cường thân thể với những mạch máu căng đầy sinh lực mà cha mẹ tạo thành, chưa mãn nhãn nhìn hết cái đẹp hùng vĩ đất nưóc của tổ tiên để lại, cũng như chưa tiêu xài hết một phần tuổi trẻ của cuộc đời.

Tôi đưa cả phi đội bay thật thấp để cố tránh tầm rada địch. Trong mũ nghe chỉ còn tiếng rè rè của vô tuyến. Chúng tôi âm thầm bay, không một ai lên tiếng trong lúc này, kể cả đài kiểm báo Sơn Trà. Ngoại trừ khi tôi cần. Tôi biết rằng chúng tôi không cô đơn, vì ở nhà bao con tim đang hồi hộp đợi chờ. Chúng tôi rời phương Nam đã lâu, nơi đó bạn tôi cũng chờ đợi.

Địch? Bạn?

Tại sao lại bắt chúng tôi dùng những từ ngữ ấy?

Tại sao không xoá bỏ những chữ ấy trong tự điển, trong lòng người? Tại sao lại xem chúng ta là kẻ thù để chúng tôi trở nên những người đối địch họ vì chúng ta sắp nhận là kẻ ác của những người thiện để tiêu diệt bất cứ kẻ ác nào muốn giết người thiện.


Từng phần đất quê hương sẽ thêm một lần vỡ tung dưới làn bom nổ. Thân thể mẹ Việt Nam đang bị vi trùng đục khoét, chúng tôi xót xa phải cắt bỏ những ung nhọt đang hoành hành.

Nguyện ước bây giờ là làm sao cho Mẹ bớt đau đớn, hết rên xiết, con cháu Mẹ sớm quây quần bồi dưỡng Mẹ. Mẹ, xin Mẹ cho chúng con thêm một lần chạm vào da thịt thiêng liêng để Mẹ sớm yên lành…

Hà Tĩnh nghèo nàn âm u kia rồi.

Vinh u buồn thảm não.

Chúng tôi cho vòng máy quay nhanh hơn bắt đầu vượt cao theo hướng Tây Bắc tràn vào.

Mây mù giăng đặc. Tôi cố lượn giữa các tầng mây, dò theo từng chi tiết trên bản đồ mà hầu như đã thuộc kỹ. Tôi không được phạm một sơ xuất nào, một lầm lỗi nào dù nhỏ đến đâu.

Tôi ra thủ lệnh cho các bạn tôi.

Loang loáng trong mây, mười hai hiệp sĩ như những cánh thiên thần đi tìm tử thần trong cái âm u của trời đất. Tôi phải tận dụng yếu tố thời tiết và bất ngờ, nếu không… nếu không thì…

Le Pont de Toko Ri ơi, sao có sự trùng hợp lạ kỳ?

Chỉ khác chăng không phải chiếc cầu mà là trại quân. Vẫn một thung lũng rợn người với ba mặt núi cao đầy lửa đạn. Vẫn một lối vào duy nhất như lùa vào tử lộ. Vẫn một lối ra hiểm trở, vách đá sừng sững chi chít cao xạ. Tôi có cảm tưởng như địch đã biết, đang mỉm cười chờ những cánh thiên thần.

Trời âm u quái đãn, bay đến đâu mới nhìn được đến đó. Tầm nhìn xa bị giới hạn tột cùng. Thoáng qua vài lỗ hổng chân mây, xa xa là Thanh Hoá.

Tám phút trước mục tiêu, tôi chợt đổi đường bay về hướng Bắc. Các bạn tôi vẫn đeo sát.

Nhạc gió quay cuồng, tiếng máy thét gào rú mạnh.

Đài kiểm báo Sơn Trà như lo lắng gọi chúng tôi cho biết đang bay lệch mục tiêu ba mươi độ và báo động phi cơ địch được nhìn thấy trong vùng hoạt động. Tôi đáp hiểu, không giải thích lối đánh của tôi.

Tôi lượn quanh trong mây đổ chập chùng, vòng sang hướng Tây mục tiêu rồi chọc thẳng về hướng Nam, tin tưởng hoàn toàn vào tấm bản đồ không ảnh.

Các bạn tôi đã sẵn sàng ở đội hình chiến đấu.

Tôi từ đầu rặng núi vượt ra từ trong mây.
Số một lao vào mục tiêu. Tốc độ tăng nhanh như vũ bão. Áp lực ép mạnh vào người. Làm sao… Làm sao ngay từ giây phút đầu… Le Pont de Toko Ri… Phải, tôi phải cố gắng làm sao cho hai trái bom đầu tiên rơi đúng ngay trên mục tiêu nằm cách nhau non một ngàn thước để đánh dấu cho các bạn tôi nhìn thấy qua đám mây mù. Tôi phải lam sao cho các phi tiễn cùng lúc ấy phá vỡ các ổ cao xạ ở vách núi trước mặt ngăn chặn lối ra duy nhất.

Hơn nữa nếu tôi xuống quá thấp để tìm sự chính xác cho làn bom và phi tiễn thì lúc vượt lên sẽ quá muộn chỉ trong vòng một giây đồng hồ tôi sẽ cùng cánh chim dán vào vách đá.

Tôi còn phải lượn lại ít lắm hai lần, trong lúc các bạn tôi đang oanh tạc, để trút số bom còn lại lên các ổ phòng không hai bên vách núi đang kẹp mục tiêu như chiếc kéo của tử thần đang chực chờ họ. Tôi còn phải nhắc nhở và theo dõi họ lúc vượt qua vách núi chắn ngang. Tất cả đều tùy thuộc vào ở lúc này.

Tôi lao xuống mục tiêu đang tỏ dần trước mặt…

Bom nổ kinh hoàng, phi tiễn xé rách vùng trời thung lũng. đạn bay loè sáng… Tôi như chết đi trong con người, đắm chìm trong chiến trận. Tôi trở thành máy móc, một công cụ khoa học, một nô lệ kỹ thuật. Phòng không địch giật mình hoạt động. Nhưng trễ quá rồi.

Thời tiết xấu đã giúp chúng tôi tận dụng yếu tố bất ngờ. Các chú không ngờ chúng tôi tiến đánh lúc trời xấu phải không? Nếu trời trong thì với lối phòng thủ chắc ăn như vậy, các chú có thể xơi tác một con ruồi bay qua. Chúng tôi cần vài giây đầu tiên thôi. Đạn phòng không đỏ rực nổ tung dày đặc khung trời.

Lúc trở vào mục tiêu lần thứ ba, có nhiều va chạm mạnh ở toàn thân phi cơ. Cánh chim lao chao… Tôi trút hết số bom vào mục tiêu đang cháy bùng vỡ toang… Tôi chợt thấy rợn người… Tôi đã xuống quá thấp và hiện ra ở cách độ 1500 bộ… Vách đá trước mắt tôi với nhiều vết đạn dài bay lên như sắp đổ ập lên tôi… Chậm quá rồi…

Tôi phải kéo thật mạnh để tung bổng lên cao. Nhưng nếu cần lái lại bị kẹt vì lý do nào đó… Nếu các định luật gia tốc và thăng tốc không còn đúng nữa ở trong trường hợp này?

Bao sức mạnh trong tôi dồn cả vào đôi tay níu kéo cần lái như chỉ một lần cuối níu kéo định mệnh, níu kéo những giây phút sau cùng của cuộc đời. Tôi cố nhấc bổng khối sắt nặng nhiều tấn đang rung mạnh lên cao… Hôm nay không có trời xanh cao đẹp, nhưng những đám mây xám ngoẹt kia giờ đây sao lại đẹp dị thường. Các bạn tôi đang tìm tôi trên vùng mây kia.

Những giây phút này chắc tôi không còn có thể đưa họ trở về phương Nam như một “đàn chim Việt”. Lòng tôi thanh thản vô cùng. Tôi nhớ rõ trước khi đi, tôi đã ra lệnh tỉ mỉ cho người phi đội phó thay tôi nếu tôi rơi rụng… Họ sẽ trở về an toàn dù có thiếu vắng tôi. Không có gì là quá đắt nếu chỉ một mình tôi phải trả giá cho phi vụ này… Trong phim Le Pont de Toko Ri có ai trở về đâu… Thế mà các bạn tôi sẽ trở về. Chắc chắn họ sẽ trở về… Chấp nhận kiếp sống mây trời là để sống hào hùng và chết oanh liệt…
Chợt một khe núi thoáng hiện bên phải hướng hai giờ. Tôi không cần thấy rõ những gì trong ấy. Bấy nhiêu đó quá đủ giúp tôi vượt khỏi bàn tay tử thần một lần nữa… Thôi tử thần, ta chào mi. Hẹn lần khác nhà.

Tôi vượt lên cao…

Các bạn tôi đang lượn vòng chờ đợi.

Chúng tôi im lặng hướng về Nam, luôn luôn ở đội hình chiến đấu để chờ đợi một cuộc săn đuổi của phi cơ địch. Nhưng rồi lại thoáng hiện chiếc cầu với hai cột cờ.

Lần này thì lại nằm bên cánh tay phải.

Phải, trái? Ai phải, ai trái? Tôi không cần.

Chỉ biết rằng chúng tôi đang trở về toàn vẹn và bây giờ hiện bay trên Huế…
Hầu hết phi cơ bị trúng đạn, nhưng nhạc gió vẫn quay đều. Tôi báo cáo sơ lược cho đài kiểm báo và cho biết đang trên đường về.

Hoàng hôn đẹp.

Sóng biển lấp lánh ánh bạc.

Tôi gỡ nhẹ đôi găng tay để đốt một điếu thuốc nhăn nheo được vuốt thẳng.
Trời tối dần. Khi đưa điếu thuốc lên môi, tôi chợt thấy bàn tay run run… Vì sung sướng thành công hay vì những phút giây căng thẳng rợn người vừa qua còn vương vấn? Có lẽ hai thứ hoà chung.

Thuốc ngon quá.

Buổi tối, lúc đang sửa soạn cho phi vụ hôm sau, thành tích của tôi được loan truyền trên đài phát thanh Sài Gòn. Tò mò bắt sang đài Hà Nội, họ đang khoe đã hạ được năm máy bay trong số ba mươi máy bay tiến đánh lúc ban trưa ở cùng một nơi chốn và thời gian mười hai chúng tôi đã đến và trở về.

Tôi mỉm cười…  ./


LÊ BÁ ĐỊNH

 (1939- 2014 Saigon] 


-------------

ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ


Lê Bá Định sinh ngày 1 tháng 4 năm 1939 tại Sài Gòn; thân phụ là người gốc miền Bắc.
Trở thành một phi công nổi danh trong quân chủng về khả năng bay khu trục lẫn khả năng viết.
Lê Bá Định cũng được biết đến như một cấp chỉ huy trẻ cương trực và quả quyết khi là Trung Tá Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật.
Sau 1975, Lê Bá Định trở thành tù nhân cải tạo nhiều năm, nhưng quyết định ở lại Sài Gòn mưu sinh bằng cách kèm dạy Anh Văn.
Ông qua đời ngày 4 tháng 2 năm 2014 tại Sài Gòn. Hưởng thọ 75 tuổi.



Đã đăng tải trên Newvietart.com ngày 23.11.2010 theo nguyên bản của tác giả trong Những Mảnh Trời Khác Biệt do nhà văn Huy Sơn Dương Thuận [ 1936- 2020]  chuyển từ Branford Hoa Kỳ

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ