Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

bài đọc thêm (1) : " " tác giả & tác phẩm - ĐẶNG TRẦN HUÂN -- source: https://t-vn.net/

 Ngộ Không : Tác Giả và Tác Phẩm-Đặng Trần Huân

Tiểu sử
Sinh ngày 1.3.1928. Nguyên quán làng Phù Đổng Bắc Ninh.

Mất ngày 21.3.2003 tại El Monte, California.

Tác phẩm

Ngày vui (1962), Chuyện cấm đàn bà (1969), Thành phố buồn hiu (1970)

Chuyện vợ chồng (1970), Hành trình một H.O. (1995), 20 năm văn học Việt Nam hải ngoại (1975) Những người thích dấu huyền (1998), Chữ nghĩa bề bề (2000).

 

Đọc Chữ nghĩa bề bề của Đặng Trần Huân

Vĩnh Liêm


Thị trường sách báo Việt ngữ ở hải ngoại lúc này thật là khởi sắc. Đa số các nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng trước năm 1975 đều đang có mặt tại hải ngoại, đông đảo nhất là ở Hoa Kỳ. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Đợt ra hải ngoại đầu tiên, trước hoặc trong ngày Dương Văn Minh đầu hàng Việt Cộng, tạm gọi là Di Tản, gồm có nhà văn Nhị Lang, nhà văn Võ Phiến, nhà văn Lê Tất Điều, nhà thơ Nguyên Sa, nhà văn Thanh Nam, nhà văn Tuý Hồng, nhà thơ Hà Huyền Chi, nhà văn Linh Bảo, nhà văn Minh-Đức Hoài-Trinh, nhà văn Vũ Khắc Khoan, nhà văn Xuân Vũ, nhà thơ Du Tử Lê, ký giả Thái Lân, nhà văn Cao Thế Dung, nhà thơ Trần Quốc Bảo, nhà thơ Hà Bỉnh Trung, nhà thơ Vi Khuê, họa sĩ Ngọc Dũng, ký giả Phạm Trần, ký giả Thái Linh, v.v
Đợt thứ hai, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tạm gọi là Thuyền Nhân, gồm có nhà văn Nhật Tiến, ký giả Vũ Thanh Thủy, ký giả Dương Phục, nhà văn Mai Thảo, nhà văn Trần Hoài Thư, nhà thơ Hà Thúc Sinh, nhà văn Triều Khê, nhà văn Chu Tấn, v.v Có thể nói rằng đợt Thuyền Nhân này đông đảo nhất và hùng hậu nhất. Đợt sau cùng gồm những văn nghệ sĩ kém may mắn hơn vì đã bị tù đày trong lao tù Cộng sản, ít nhất cũng phải 5 năm, cho nên đã được chính phủ Hoa Kỳ đặc ân cho đi theo diện HO. Vì vậy, đợt sau cùng này được gọi là HO. Nhà văn Đặng Trần Huân là một trong những văn nghệ sĩ nằm trong diện này.
Mặc dù qua Mỹ muộn màng, sức khỏe sa sút, tuổi tác lại cao nhưng nhà văn Đặng Trần Huân vẫn hăm hở cầm bút trở lại, viết một cách hăng say, qua nhiều thể tài khác nhau. Chỉ trong vòng 5 năm mà ông đã xuất bản 3 tác phẩm, gồm có: Hành Trình Một Hát Ô (bút ký, 1995), Những Người Thích Dấu Huyền (1998), và Chữ Nghĩa Bề Bề (chuyện văn nghệ, 2000).
Nhắc tới nhà văn Đặng Trần Huân, đa số người Việt ở hải ngoại chỉ nhớ tới truyện vui rất nổi tiếng của ông vào cuối thập niên 60 và và đầu thập niên 70, đó là Chuyện Cấm Đàn Bà 1 & 2 (1969 & 1970), chớ ít ai còn nhớ ông là tác giả tập truyện ngắn Ngày Vui (1962) và Truyện dịch Hải Đảo Thần Tiên (1963). Còn anh em ở trong quân đội thì hay gọi ông là nhà báo Đặng Trần Huân vì ông làm việc ở Cục Tâm Lý Chiến, ngành thông tin báo chí.
Cuốn Chữ Nghĩa Bề Bề có gì lạ? Tại sao gọi là chữ nghĩa bề bề? Trong bài Nỗi Sợ ở trang 212, người đọc đã bắt gặp câu:
Văn chương chữ nghĩa bề bề,
Thần lờ nó ám thì mê mẩn đời

để ám chỉ những nhà trí thức khoa bảng sợ vợ. Nhưng ở tác phẩm này thì tôi không thấy tác giả có một tiết lộ nào về việc ông sợ vợ cả!
Như tác giả đã xác định, tác phẩm này là nói về chuyện văn nghệ–phát biểu ý kiến hoặc góp ý về tác phẩm–mà ông đã có dịp đọc một cuốn sách, xem một cuốn phim hoặc nghe một bài hát Tuy nhiên, chẳng những tác giả không giới hạn thể tài ở lãnh vực này, mà ông còn bước sang các lãnh vực khác như thời sự, chính trị, xã hội, v.v Nhưng ở bất cứ lãnh vực nào, ông cũng đều có những nhận xét thật là tỉ mỉ và sâu sắc. Theo tôi, tác phẩm này có thể được gọi là tập phiếm luận, vì cái ý thâm trầm của tác giả khi bình phẩm một việc gì không đến đỗi gắt gao, mà chỉ châm biếm một cách nhẹ nhàng, đầy thú vị.

***
Cuốn Chữ Nghĩa Bề Bề gồm tất cả 19 câu chuyện đã được đăng tải trên các báo Việt ngữ ở hải ngoại, từ tháng Giêng năm 1998 cho tới tháng 7 năm 2000.
Câu chuyện mở đầu là Cũng đủ lãng quên đời. Đó là chữ nghĩa của nhà thơ Đinh Hùng mà nhà văn Mai Thảo đã mượn làm tên cho cuốn tiểu thuyết của ông. Đây là chuyện tản mạn về văn chương, nhắc tới chuyện Phạm Quỳnh ca tụng Kiều một cách khá hăng say: truyện Kiều còn, nước ta còn ( trang 12).
Một chuyện vui khác, một nhà văn ca tụng cuốn sách đầu tay của Y sĩ Đại Tá Nguyễn Tuấn Phát một cách rất nồng nhiệt: Một nhà văn có tiếng đã viết bài giới thiệu sách có một câu đại ý là Lâm Ngữ Đường viết Một Nghệ Thuật Sống thật là xuất sắc nhưng so với Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát thì còn kém xa. Vị bác sĩ nghệ sĩ đọc lời phê bình, má hơi ửng đo (trang 13).
Thêm một chuyện khác, nhà văn Hà Thượng Nhân đã hạ bút khen bài Bát phở đầu đời của (cựu Đại Tá) Nguyễn Tử Đóa bằng cách so sánh như sau: Chỉ với bài thơ nhỏ tôi dám nghĩ rằng Nguyễn Tử Đóa có cái phong cách của Bạch Cư Dị lẫn Đỗ Phủ. Bạch trong sáng và Đỗ thâm sâu (trang 13). Bạn đã có dịp đọc bài thơ này chưa?
Nhà văn Vũ Thư Hiên cũng đã hết lời khen nhà văn Kim Lân ở ngoài Bắc mà độc giả miền Nam chưa hề nghe biết tới: Trong Đêm Giữa Ban Ngày, Vũ Thư Hiên kể Kim Lân có một truyện ngắn nhan đề Thằng Câm và so sánh Kim Lân với văn hào Nga Tourgueniev cho rằng nhà văn Nga này khó vượt nổi được Kim Lân (trang 13).
Và còn nhiều nhân vật nữa, chẳng hạn như nhà văn Trần Bích San khen nhà văn Hoàng Dược Thảo, chủ nhiệm báo Sài Gòn Nhỏ mà tác giả đã thuật lại như sau: Khi viết lời giới thiệu cho tập truyện Tiểu Thư Con Gái Nhà Ai? của Hoàng Dược Thảo, Trần Bích San cũng liên hệ tới nhà văn Nga Chekhov và viết: Anton Chekhov để lại cho nhân loại những truyện ngắn hoàn hảo đến độ một ngự sử văn học danh tiếng Tây Phương cho là không ai có thể thay đổi một chữ, dù chỉ một chữ thôi, trong các đoản thiên của ông (trang 14).
Nhà văn Sơn Nam cũng đã có lần bốc nhà thơ Truy Phong lên tận mây xanh: Bài thơ Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ của Truy Phong đăng trên tuần báo Tiến Thủ được Sơn Nam nhận xét là một trong những bài thơ đẹp nhất của thế kỷ hai mươi (trang 15).
Nhà văn Xuân Vũ cũng đã có lần hết lời ca tụng một văn hữu như sau: Xuân Vũ khi giới thiệu cuốn Qua Các Nẻo Đường Quê của Xuân Tước xuất bản năm 1994, ca tụng truyện ngắn Con Rắn Vú Nàng như sau: Trước nhất đây là một truyện ngắn kiệt xuất có thể xếp vào loại truyện hay nhất Việt Nam. Nếu có nhà xuất bản nào in một tập truyện chọn lọc Việt Nam thì xin hãy đọc truyện này (trang 15).
Rồi tác giả quay sang báo chí, nhắc tới việc nhà văn Nhật Thịnh và nhà thơ Nguyên Phương đã so sánh (quá lố) tờ Saigon Post ở Nam California với tờ báo ảnh Paris Match ở Ba-Lê.
Việc giới thiệu sách cũng được tác giả nhắc tới, mà điển hình là nhà văn Hồ Trường An viết lời bạt cho tác phẩm đầu tay của một nhà văn nữ mà ông chưa hề biết mặt, chỉ nhìn tấm ảnh cũng đủ để ông ca tụng nhan sắc và duyên dáng của nhà văn nữ này!
Sau cùng, tác giả bước sang lãnh vực ca nhạc, nhắc lại bài viết của Vũ Xuân Hùng ca tụng ca sĩ Bích Chiêu, đưa nàng lên tận mây xanh, điển hình như sau: Sang đến nhạc twist, Bích Chiêu đốt lửa chuốc rượu vào lòng khách nghe bằng lối trình diễn của loài trăn, loài cọp. Nàng hát đâu ra đó. Điệu nào cũng hay, nhạc nào cũng tuyệt. Thật là sống động hết sức!
Quả đúng là những chuyện tản mạn về văn học, vì ít khi người đọc để ý tới những chi tiết nhỏ nhặt ấy. Nhưng những chi tiết nhỏ nhặt ấy lại là những yếu tố làm cho uy tín của tác giả bị sứt mẻ phần nào hoặc tác phẩm mất đi tính trung thực của nó.
Về từ điển Việt Nam, tác giả Đặng Trần Huân đã viết hai bài về lãnh vực này: Câu chuyện từ điển Việt Nam (trang 21) và Cuốn từ điển tái bản tám lần (trang 59). Tại sao tác giả lại chú ý quá nhiều đến từ điển? Vì Bất cứ nước nào đã tự hào là có một nền văn hóa là phải có một cuốn tự điển để chuẩn xác cho ngôn ngữ của quốc gia mình hầu tránh sự dùng chữ bừa bãi, lố lăng hay lai căng, vay mượn (trang 21). Nhưng đối với Hà Nội, sự lố lăng, lai căng và sự dùng chữ bừa bãi là việc rất thường tình và đầy ắp trong các cuốn từ điển do Hà Nội tung ra thị trường. Chẳng những thế, những chữ có ý nghĩa khác hẳn nghiã thông thường cũng được bắt gặp trong các cuốn từ điển của Hà Nội, chẳng hạn như: công nghiệp, đường kính, lái xe, lô gích, hồ hỡi, quá độ, sự cố
Các soạn giả từ điển của Hà Nội còn nặng đầu óc tuyên truyền vì phải đi theo đường lối và chỉ thị của đảng Cộng Sản nên họ bất chấp những sai lầm tai hại trong lãnh vực văn hóa. Hơn thế nữa, sau hiệp định Geneva 1954, cộng sản chính thức trở về tiếp thu Hà Nội cũng chưa có thì giờ lo chuyện này. Tới sau ngày 30.4.75 chiếm được Sài Gòn cán bộ văn hóa Hà Nội vào Sài Gòn còn ào ào vơ vét các loại từ điển song ngữ Anh-Việt, Pháp-Việt, Hán-Việt mà Hà Nội không có (trang 24). À thì ra thế! Vì đói sách, đói từ điển nên cán bộ văn hóa của Hà Nội phải vào Sài Gòn vơ vét tất cả những cuốn từ điển hiếm qúi của ngụy để đem về Hà Nội xào nấu và biến chế ra những cuốn từ điển loại mì ăn liền, chẳng những thiếu phẩm chất, mà còn ngô nghê, lai căng, tối nghĩa, v.v
Tác giả Đặng Trần Huân đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng và phân tích một cách tỉ mỉ những sai lầm của các soạn giả từ điển của Hà Nội. Những lời bình luận của tác giả Đặng Trần Huân rất có giá trị, mà người đọc muốn dành cho độc giả có cơ hội nghiền ngẫm một cách thích thú.
Tưởng cũng cần nhắc lại, khi chủ trương tờ Việt Nam Thời Báo (có ấn bản Anh ngữ là Vietnam Times) năm 1985, chúng tôi đã đặt vấn đề văn hóa qua các mục thường xuyên, như: Những vấn đề tiên quyết cho một sách lược văn hóa (do Nguyễn Đằng Vân và Bùi Giá Vũ phụ trách) và Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ( do Triều Khê phụ trách).
Về vấn đề cải cách tiếng Việt cũng đã được tác giả Đặng Trần Huân đề cập tới một cách tỉ mỉ trong bài Chuyện cải cách tiếng Việt (trang 33). Ông nói: Nếu chỉ vì ngại khó mà cứ đọc sao viết vậy thì chữ nghĩa không còn là chữ nghĩa nữa. Hai dấu hỏi và ngã có nghĩa khác nhau, dùng trong những trường hợp khác nhau [nên] không thể đồng hóa thành một được (trang 40). Hơn thế nữa, Học chữ hay muốn nói cho đúng thì cũng phải chịu khó nên không thể ngại khó mà đơn giản hóa quá mức đến thành thiếu sót, thiếu nghĩa. Không thể viện cớ đơn giản để mà đưa đề nghị bắt chước người Mỹ chỉ cần xưng hô bằng hai tiếng I, You cho tiện để bỏ hết những từ ông, bà, cô, bác, chú, thím, cậu, dì thân thương, độc đáo của Việt ngữ (trang41).
Vấn đề này làm người đọc nhớ lại vào đầu thập niên 80, học giả Hoàng Văn Chí cũng đã đưa ra đề nghị cải cách tiếng Việt. Cụ Hoàng Văn Chí đề nghị các danh từ kép thông dụng nên viết liền với nhau và có một số chữ quen thuộc cũng không cần bỏ dấu. Cụ Chí viết:
Nước nào cũng viết liền danhtừ-kép, vì hai chữ gộp-lại chỉ có một nghĩa. Người Anh, người Pháp viết Locomotive là đầu tầu, họ không viết rời Loco Motive, hoặc Loco-motive. Chúng ta cứ viết rời chữ một vì chúngta bị ảnhhưởng chữ Hán, mà chữ Hán không có cách viết liền. Nên để-ý rằng bây giờ, khi viết bằng mẫu tự Latin, người Tầu cũng viết liền danh từ kép, như Beijing, Shanghai, Deng Xiaoping.
Người Nhật cũng viết liền Tokyo, Nagasaki, không viết rời To Kyo (Đông Kinh) và Naga Saki (Trường Thành).
Chúng tôi viết Họcgiả, với nghiã là Người có học. Nếu viết rời hai chữ học và giả thì chữ giả có thể hiểu là giả dối, không thực, chẳng khác vú giả, răng giả. Nếu danhtừ-kép nào cũng dùng vạch-nối thì lại có quá nhiều vạch-nối. Chúngtôi tin rằng đọc tới trang này các bạn đã thấy quen mắt. Viết liền cũng là một bước tiếntới việc miễn bỏ dấu những chữ quá quenthuộc, như Vietnam, Hanoi, Saigon, v.v
Tuy-nhiên chúngtôi vẫn phải dùng vạch-nối (-) mỗi lần có thể đọc lầm, như Tu-nghiệp, vì nếu viết liền Tunghiệp thì người đọc phải mấtcông nghĩ-ngợi một chút, xem là Tu-nghiệp haylà Tung-hiệp (Duy-Văn Sử-Quan, Hoàng Văn Chí, trang 16).
Theo đề nghị của Cụ Hoàng Văn Chí thì những chữ thông dụng (quá quen thuộc) không cần bỏ dấu, như vậy ta có thể kể: cakhuc (ca khúc có thể đọc là cá khúc), cakich (ca kịch cũng có thể hiểu là cả kích), casi (ca sĩ có thể hiểu là ca sì), v.v Thật khó mà phân biệt được những danh từ thông dụng với những danh từ ít thông dụng! Còn những danh từ thông dụng nhưng lại rắc rối thì sao? Chẳng hạn như: bacdau (danh từ bắc đẩu, nhưng nếu không bỏ dấu thì độc giả có thể hiểu lầm là bạc đầu, bác đau, bác dâu), danchung (danh từ dân chúng, nhưng cũng có thể đọc lầm là dẫn chứng), dongho (danh từ đồng hồ, cũng có thể đọc lầm là đong hộ hay đóng hờ), mauam (danh từ mẫu âm, có thể đọc là mau ấm hoặc mà u ám), quansu (danh từ quân sự có thể hiểu là quân sư, còn quân sư có thể đọc là quân sự), v.v Vì thế cho nên đề nghị của Cụ Hoàng Văn Chí đã không được khán thính giả và độc giả hưởng ứng.
Nhà văn Đặng Trần Huân kết thúc vấn đề này như sau: Để kết luận vấn đề ngôn ngữ, chúng tôi thiết nghĩ tiếng Việt hiện nay đã sử dụng được trong bậc đại học, đã có những thuật ngữ diễn đạt được những vấn đề chuyên môn, khó khăn mà không gặp trở ngại nên chúng ta có thể tự hào về ngôn ngữ hiện tại. Công việc cần của chúng ta là bảo tồn ngôn ngữ ấy sao cho tiếp tục trong sáng mà đừng chế ra những cải cách lai căng làm vẩn đục tiếng Việt như Hà Nội đã làm (trang 42).
Về văn học, nhà văn Đặng Trần Huân đã dành nhiều thời giờ cho vấn đề này trong hai bài Văn học Việt Nam hải ngoại (trang 71) và Lạm bàn về một bộ sách văn học (trang 223).
Trong bài Văn học Việt Nam hải ngoại tác giả đã lạm bàn về bộ (trọn bộ gồm 2 cuốn) 20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995 (gọi tắt là HMNVHVNHN). Ông phân tách về bộ sách này như sau: Ngoài bìa ghi một trăm năm mươi tám tác gia nhưng bên trong có 160 tên tác giả được giới thiệu gồm các nhà văn, nhà thơ và 17 họa sĩ, 2 nhiếp ảnh gia và 1 điêu khắc gia. Sở dĩ có sự khác biệt giữa 158 và 160 vì có tác giả có tới 2 bài, trừ bài in ở đầu sách Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Ở Hải Ngoại của Nguyễn Hưng Quốc dài 16 trang vì là bài tổng kết chứ không phải là một bài trong hợp tuyển. [Nguyễn Hưng Quốc cũng có một bài thứ nhì trong tập sách chung với các tác giả khác và ký tên Nguyễn Ngọc Tuấn] (trang 72).
Việc sắp xếp tên các tác giả trong bộ sách văn học cũng đã được tác giả góp ý như sau: Chưa đọc hết chỉ mới nhìn qua sự sắp xếp, người đọc đã nẩy ra nhiều ý kiến đóng góp. Trước hết sự sắp xếp tác giả theo thứ tự ABC cũng chỉ áp dụng cho các bài văn thơ được chọn mà thôi, vì tác phẩm cuả các nghệ sĩ tạo hình không theo thứ tự này.
Việc chọn thêm những tác phẩm không thuộc văn viết vào trong tuyển tập không thể tiêu biểu được cho ngành tạo hình trong văn học hải ngoại vì trong hai mươi năm mà chỉ có 20 vị vừa họa sĩ, nhiếp ảnh gia và một điêu khắc gia duy nhất thì quá nghèo nàn. Ta thấy vắng bóng nhiều họa sĩ tên tuổi như Tạ Tỵ, Trương Thị Thịnh, Thái Tuấn, Võ Đình, Mai Chửng, Hiếu Đệ, v.v (trang 72). Quả thật vậy! Các soạn giả không thể lấy lý do không liên lạc được với các họa sĩ kể trên. Ít nhất, các soạn giả cũng dư biết hoạsĩ Võ Đình đã ở tại Maryland từ trước năm 1975. Theo tôi được biết, Họa sĩ Hiếu Đệ đi theo diện HO, nhưng ông đã có mặt ở Mỹ trước khi bộ sách này ra đời.
Chưa hết! Việc bỏ sót các nhà văn tên tuổi đang ở hải ngoại cũng được tác giả nhắc tới: Các nhà văn có tên tuổi trong nước trước 1975, khi ra ngoại quốc vẫn sáng tác, đã được trích trong bộ sách nhưng còn thiếu rất nhiều. Chỉ tạm kể một số thôi mà trong số này có nhiều người rất dễ tiếp xúc. Hãy tạm kể: Bình Nguyên Lộc, Duyên Anh, Vũ Khắc Khoan, Thanh Nam, Minh Đức Hoài Trinh, Duy Lam, Cao Thế Dung, Đỗ Tiến Đức, Trùng Dương, Lê Thị Ý, v (trang 76).
Bộ sách này còn nhiều chỗ đã được nhà văn Đặng Trần Huân nhắc tới, xin để qúi độc giả tự tìm hiểu thêm. Hãy lật qua trang khác, hứa hẹn còn nhiều điều lý thú hơn. Trong bài Lạm bàn về một bộ sách văn học (trang 223), tác giả viết: Năm 1986 Võ Phiến cho xuất bản Văn Học Miền Nam Tổng Quan được độc giả đón nhận với hảo ý, rồi cuốn sách được nhật tu và tái bản hai năm sau. Đây là cuốn đầu trong bộ sách mà Võ Phiến gọi là Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975 như ghi ở trang 5 cuốn tái bản 1988 (trang 223).
Tác giả vốn biết rằng nhà văn Võ Phiến là người làm việc rất cẩn trọng, nhưng ông cũng tìm thấy rất nhiều sơ hở trong bộ sách này: Mười ba năm sau, (trong sách nói mười tám năm sau, trang 501) năm 1999, nhà xuất bản Văn Nghệ, Westminster, CA cho trình làng sáu cuốn tiếp theo của bộ sách, một công trình tỉ mỉ và lâu năm. Vì là nối tiếp cho cuốn Tổng Quan sáu cuốn sau ngoài bìa mang tên Văn Học Miền Nam cho gọn. Riêng sáu cuốn có tên là VHMN này dày khoảng 2750 trang, bắt đầu từ trang 491 và kết thúc ở trang 3238.
Tại sao sáu cuốn Văn Học Miền Nam chính thức bắt đầu bài vở ở trang 501 trong khi cuốn Tổng Quan chỉ mới chấm dứt ở trang 328? (trang 224).
Tác giả còn nhiều điều phân tách về cuốn VHMN này, thiết tưởng để qúi độc giả tìm hiểu thêm thì thích thú hơn. Để kết thúc loạt văn học này, xin mời qúi độc giả đọc lời nhận xét rất chí lý của tác giả như sau: Hơn nữa bộ sách đã mang tên Văn Học Miền Nam thiết tưởng cũng nên nói tới những trào lưu, những tác giả đã gây xôn xao một dạo dù rằng có thể sau này chìm lắng. Để người đọc cũng có thể qua đó biết được cả mặt xôn xao mà hời hợt trong một giai đoạn văn học (trang 231).
Còn rất nhiều nhận xét rất lý thú và sâu sắc về nhiều lãnh vực và khiá cạnh của văn chương, chữ nghiã, xã hội, v.v chiếm hơn nửa cuốn sách mà vì trang báo có hạn nên người đọc không thể dẫn chứng hết được. Để kết thúc bài này, người đọc xin góp ý với tác giả về Người em đồng hao của Vũ Ngọc Phan (trang 185), tức học giả Hoàng Văn Chí, để đóng góp thêm một số dữ kiện mà người đọc đã được hân hạnh biết do sự quen biết.
***
Tôi di chuyển về Hoa Thịnh Đốn vào đầu năm 1979 và được quen biết Cụ Ông và Bà Hoàng Văn Chí vào năm đó. Đầu năm 1980, Cụ Chí đề nghị tôi tổ chức lớp diễn thuyết văn hóa và Cụ sẽ đảm trách phần thuyết giảng. Vì thế, tôi đã xin phép tiểu bang Maryland để thành lập Viet Club, Inc. và tự bỏ tiền túi ra mướn trụ sở ở đường Thayer Ave., Silver Spring, nằm cạnh trụ sở của Phật Giáo Hòa Hảo do Tu sĩ Thái Hòa làm Hội Trưởng. Lớp văn hóa này sinh hoạt được hơn một năm thì ngưng vì số người tham dự càng ngày càng ít hơn; và cũng vì một số anh em trẻ ở Virginia muốn Cụ Chí sang bên đó thuyết giảng để có nhiều người nghe hơn. Thế là Cụ Chí đã nghe theo lời của các anh em trẻ và tôi cũng cất được gánh nặng.
Cụ Ông và Bà Hoàng Văn Chí vẫn thường mời vợ chồng chúng tôi và 2 cháu nhỏ tới gia đình dùng cơm vào cuối tuần. Thường thì hai Cụ vẫn dành cho chúng tôi những bữa cơm gia đình, mà ít khi có sự hiện diện của người thân ruột thịt trong gia đình như vợ chồng Hoàng Việt Dzũng, Tiến sĩ Điện Toán, con trai của ông bà cụ, hay vợ chồng giáo sư Nguyễn Tường Vân, người rất gần gũi của gia đình.
Ông bà cụ vẫn thường hay tâm tình với chúng tôi về mọi khía cạnh trong cuộc đời lăn lóc gió sương của Cụ, từ lúc trọ học ở Hà thành chung nhà với Võ Nguyên Giáp, Martin đến gặp Võ Nguyên Giáp như thế nào, thời gian ở Việt Bắc đúc tiền cho VC làm sao, Ông Hồ Chí Minh thích cái gì, đệ nhất Cộng Hòa ra làm sao, thời gian làm Phó Lãnh Sự ở Ấn Độ, năm năm lưu vong ở Pháp đói khổ như thế nào, và sau cùng là thời gian làm việc cho Đài VOA ở Mỹ.
Theo lời Cụ Bà kể, quả đúng thân sinh của Cụ Bà là Cụ Lê Dư, biệt hiệu Sở Cuồng, quê quán ở Quảng Nam. Tên của cụ bà là Lê Hằng Phấn. Nếu tôi nhớ không lầm thì Cụ Bà Lê Hằng Phấn gọi cụ Phan Khôi bằng Cậu. Tôi chỉ được biết bà chị của Cụ Bà là Lê Hằng Phương, vợ của nhà văn Vũ Ngọc Phan, chứ không hề nghe Cụ nhắc tới cô em là Lê Hằng Huân. Mặc dù Cụ Ông có nhắc tới Tướng Nguyễn Sơn nhiều lần, nhưng không hề nhắc tới Lê Hằng Huân.
Cụ Chí sinh năm 1913, thuộc gia đình Nho giáo ở Thanh Hóa. Trong các khóa giảng văn hóa, Cụ Chí đã nhiều lần nhắc tới dân tộc Mường một cách say sưa và Cụ thường đề cập tới sự lợi ích của việc ăn cơm Nếp của người Mường. Mặc dù Cụ Chí không trực tiếp nói với tôi, nhưng qua cách nói của Cụ, tôi biết chắc rằng Cụ là người có gốc Mường.
Tác giả Đặng Trần Huân có nhắc tới các tác phẩm của Cụ Hoàng Văn Chí như sau: Năm 1999, khi đọc bài đính chính đăng trên báo Ngày Nay, anh Vũ Đoàn, một người bạn cũ ở vùng Hoa Thịnh Đốn viết thư cho biết bà Lê Hằng Phấn là phu nhân của nhà biên khảo Hoàng Văn Chí, tác giả những cuốn Tâm Trạng Của Giới Văn Nghệ Miền Bắc và Từ Thực Dân Tới Cộng Sản, cuốn sau đã có bản Anh, Pháp ngữ (trang 187). Sự thật thì tên của cuốn trước là Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa (của Cụ Chí) xuất bản tại Sài Gòn năm 1959 và tên của cuốn sau là From Colonialism to Communism (nguyên tác bằng Anh ngữ, xuất bản năm 1964 tại New York), mà người đọc đã được Cụ Hoàng Văn Chí ký tặng. Cũng theo lời Cụ Chí nói với tôi thì cuốn From Colonialism to Communism đã được dịch ra 13 thứ tiếng, kể cả bản tiếng Việt có tên là Từ Thực Dân Đến Cộng Sản .
Về tác phẩm của Cụ Hoàng Văn Chí, tôi được biết như sau: Sau khi vào Miền Nam, Cụ Chí làm việc ở Sở Văn Hóa. Nhờ cơ hội này, Cụ thành lập Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa; đồng thời biên soạn cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc (1959). Theo chỗ tôi được biết thì cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc do Cụ Hoàng Văn Chí biên soạn, một phần lớn nhờ tài liệu của Tòa Đại Sứ Pháp và Anh cung cấp, phần còn lại là do thân nhân của Cụ Phan Khôi, chứ lúc bấy giờ Bộ Thông Tin của VNCH cũng còn đang mù mờ về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ở ngoài Bắc.
Trong thời gian đó, Cụ Hoàng Văn Chí có cộng tác với một số tạp chí văn hóa bằng tiếng Việt, Anh, Pháp và Hoa; đồng thời xuất bản tập truyện Phật Rơi Lệ. Cụ có một biên khảo về phong tục học nhan đề Đính chánh một định kiến sai lầm về nguồn gốc dân tộc Việt Nam đăng trong báo Ngày Mới ở Sài Gòn năm 1958. Theo cụ Chí cho biết thì, vì một lỗi lầm nào đó, khi bài này được dịch sang Anh ngữ và đăng trong tạp chí Asian Culture của Hội Liên-lạc Văn-hóa Á-châu, năm 1961, lại được ký tên là Nguyễn Đăng Thục, Hội Trưởng của hội văn hóa kể trên! Ngoài ra, Cụ Chí cũng đã xuất bản hai tác phẩm tại Sai Gòn trước khi đi Ấn Độ, đó là The Fate of The Last Viets (Hoa Mai, Sài Gòn, 1956) và The New Class in North Vietnam (Công Dân, Sài Gòn, 1958).
Nhờ vận động, năm 1959, Cụ Chí được đề cử giữ chức Phó Lãnh Sự Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại New Delhi, Ấn Độ. Một năm sau, Cụ ông cùng gia quyến bỏ sang Pháp sống cuộc đời lưu vong mất 5 năm ở Paris trong túng quẩn và nghèo khổ, có lúc gia đình phải gặm bánh mì mốc để dằn cơn đói. Cũng trong 5 năm gian khổ đó, Cụ Chí đã hoàn tất một tác phẩm để đời và được dịch ra 13 thứ tiếng (theo lời của Cụ Chí), đó là cuốn From Colonialism to Communism, nguyên tác bằng Anh ngữ do chính tay Cụ viết. Bản Việt ngữ có tên là Từ Thực Dân đến Cộng Sản, bản dịch của Mạc Định (1962). Bút hiệu Mạc Định là của Cụ Hoàng Văn Chí. Cụ Chí còn một tác phẩm dở dang, chưa kịp hoàn tất thì Cụ ngả bịnh qua đời (không nhớ rõ năm, 1986 hay 1987). Trưởng nam của Cụ Chí, Tiến sĩ Hoàng Việt Dzũng, sau đó đã cho ấn hành với tên là Duy Văn Sử Quan (1988).
***
Tác phẩm Chữ Nghiã Bề Bề của nhà văn Đặng Trần Huân (mặc dù tác giả khiêm nhường gọi là chuyện văn nghệ) là một tác phẩm phê bình rất có giá trị trong lãnh vực văn hóa và văn học. Bất cứ ở lãnh vực nào ông cũng đều phân tách một cách tỉ mỉ và sâu sắc. Điều gì biết thì ông nói là biết; điều gì viết sai thì ông nhận là sai và hiệu đính ngay; còn điều gì chưa biết thì ông nói là chưa biết. Tôi rất thích ở chỗ ngay thẳng của tác giả, vì có như thế người đi sau nếu có dẫn chứng những lời nói của ông thì cũng không sợ bị hố.
Cuốn Chữ Nghiã Bề Bề dày 250 trang, bìa màu rất đẹp, do Văn Mới xuất bản năm 2000.



Đặng Trần Huân, tác giả & tác phẩm

Nguyễn Mạnh Trinh

Nhà văn Đặng Trần Huân là một trường hợp đặc biệt của hai mươi năm văn học miền Nam và ba mươi năm văn học Việt Nam hải ngoại. Trước năm 1975, mặc dù là một sĩ quan thuộc Cục Tâm Lý Chiến phụ trách tòa soạn các tờ báo quân đội trong một thời gian dài nhưng chỉ xuất bản có vài tác phẩm như tập truyện ngắn Ngày Vui năm 1962, truyện dịch Hải Đảo Thần Tiên năm 1963, bút ký Thành Phố Buồn Thiu năm 1979, và tập truyện vui Chuyện Cấm Đàn Bà (hai tập) năm 1969 và Chuyện Vợ Chồng năm 1970. Sau năm 1975, ông bị tù “cải tạo” đến năm 1988, được trở về rồi năm 1992 thì định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO. Chỉ trong 5 năm ông đã xuất bản liên tiếp ba tác phẩm dù tình trạng gia cảnh khó khăn, mỗi cuốn sách ra đời là cả một công trình thành quả từ những cố gắng. Ba tác phẩm ấy là bút ký Hành Trình Một HO xuất bản năm 1995, tập tạp văn Những Người Thích Dấu Huyền in năm 1998 và chuyện văn nghệ Chữ Nghĩa Bề Bề xuất bản năm 2000. Những tác phẩm của ông cuất bản ở hải ngoại dường như là từ những kinh nghiệm sống của ông từ những năm phải vật vã sống ở trong nước của một thời đại rất đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Đọc những điều ông viết, độc giả có cảm giác đây là những chất chứa, những nỗi niềm của một người sau một thời gian dài cam chịu nay mới có cơ hội để phát tiết ra. Đây có thể gọi là những điều nếu không viết ra, không đụng chạm đến thì không thể nào chịu đựng nổi. Những sự kiện ấy thật gần cuộc sống, có nét chân thực, và được sự chia sẻ chung mang của những người cùng chung cảnh ngộ của một thời thế hỗn độn nhiểu nhương.

Ông sinh ngày 7 tháng 6 năm 1929 tại Bắc Ninh và mất ngày 21 tháng 3 năm 2003 tại thành phố El Monte, tiểu bang California, thọ 74 tuổi.

Ông viết tác phẩm đầu tiên ở hải ngoại, Hành Trình Một HO, trong một tình cảnh đặc biệt. Vốn sinh trưởng ở miền Bắc Việt Nam, chứng kiến ngày Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội năm 1945, vào Nam sau hiệp định Genève năm 1954, ông là một sĩ quan chiến đấu trong quân đội quốc gia. Sau năm 1975 ông bị giam cầm hơn mười năm trời trong các trại tù Biên Hòa, Sơn La, Yên Bái, Nghệ An, Hàm Tân. Khi ra khỏi nhà tù Cộng Sản, ông đã trở lại và thăm Hà Nội trong một tháng để chứng kiến và quan sát đời sống tại đây. Và với những điều đã nghe, nhìn, tại thành phố này, lúc sang định cư ở Hoa Kỳ ông đã có nhiều chứng liệu xác thực cho văn chương của ông. Với trên hai mươi năm sống dưới chế độ cũng như sống ở trong nhà tù Cộng Sản, ông nhìn ra được những điều sâu xa khác với những cái tuyên truyền có chất hào nhoáng bên ngoài của một chế độ đầy khiếm khuyết, vô nhân dựa trên một chủ thuyết không tưởng. Tác phẩm Hành Trình Một HO như một cuộc đối chiếu với những nhận xét và tài liệu mà bạn bè ông, những người cùng chung cảnh ngộ với ông, vừa tới Hoa Kỳ chia sẻ. Cuốn sách đã cống hiến cho độc giả những phần sự thực của thảm cảnh quê hương Việt Nam bây giờ với tư cách là một chứng nhân khả tín. Đời sống ấy, hiện thực ấy nếu những người Việt mà chế độ trong nước gọi là Việt Kiều chỉ sống một thời gian ngắn ở xứ sở của mình có thể không nhận ra. Ông đã viết Hành Trình Một HO trong những ngày vừa chân ướt chân ráo đến Mỹ nên hoàn cảnh khá khó khăn. Ông kể về những cố công ấy của mình:

“Nhà tôi ở phía Đông Los Angeles xuống Westminster để trả bài tôi phải đi ba chuyến xe buýt mất gần bốn tiếng đồng hồ và lúc trở về cũng thời gian như vậy. Trong những tháng hè ngày còn dài và còn áp dụng giờ tiết kiệm, daylight saving time, đi xe buýt còn nhàn hạ nhưng từ cuối tháng Mười vặn lùi lại giờ đúng lúc trời lạnh và chóng tối nên nên đi rất vội vã. Tuy vậy tôi vẫn phấn khởi và hy vọng sách sẽ ra mắt kịp vào dịp Tết Ất Hợi tháng giêng năm 1995”

Tâm sự của ông, nỗi niềm của ông, có khi không phải là chuyện cá nhân riêng mình mà đã thành nét chung mang của những người chung thế hệ. Trong một thời kỳ mà “cột đèn đường cũng còn muốn vượt biên” thì con đường xin đi Mỹ theo diện HO có lẽ là phương cách rời bỏ quê hương tốt đẹp nhất so với cách chọn là thuyền nhân hay bộ nhân đầy nguy hiểm. Nhưng, cũng chưa hẳn là dễ dàng mà còn đầy những trắc trở mà người HO phải vượt qua…Đoạn trường ai có qua cầu mới hay, những sự kiện ấy, những đời sống ấy chính là những biểu tượng của một thời thế mà xã hội được chấm phá toàn bằng những nét đen tối nhưng con người ở trong hoàn cảnh ấy phải vận dụng để tồn tại để sống còn. Một chế độ làm tiền công khai người dân bằng đủ mánh khóe thủ đoạn và cả một hệ thống từ trung ương đến địa phương tha hồ đặt riêng ra những luật và lệ mà mục đích giản dị là để vơ vét.
Ký giả Hồ Nam trong tác phẩm viết chung với Vũ Uyên Giang “100 Khuôn Mặt văn Nghệ Sĩ” đã kể chuyện về nhà văn Đặng Trần Huân khi ông ra khỏi tù Cộng sản sống ở thành phố Sàigòn:

“…Tôi còn nhớ rất rõ sau khi đi tù “cải tạo” về, Đặng Trần Huân làm nghề buôn bán sách truyện “con nít” tại cổng mấy trường tiểu học ở Sàigòn. Cứ sáng sáng mỗi khi Đặng Trần Huân bầy hàng là đám học trò tiểu học con nhà nghèo xúm đông xúm đỏ lại đọc “cọp” truyện của Đặng Trần Huân nhiều hơn mua, nhưng mắt Đặng Trần Huân lại sáng lên có vẻ sung sướng lắm.
Thường thường, Đặng Trần Huân làm nghề bán sách mỗi buổi sáng không tới một giờ đồng hồ và cứ một ngày đạp xe đạp tới một trường tiểu học và luân phiên bảy ngày mới trở lại trường cũ. Bán sách xong Đặng Trần Huân thu sách ế bỏ vô túi đem đi uống cà phê ăn cơm tấm bì hay gặm một khúc bánh mì độ nhật qua ngày và sau đó lại đạp xe tới mấy “vựa” ve chai mua sách cũ để “làm hàng” cho ngày hôm sau. Theo Đặng Trần Huân thì cái thời gian đáng sống nhất trong một ngày của Đặng Trần Huân là thời gian tới các vựa ve chai lục lọi tìm mua sách cũ để làm hàng cho ngày hôm sau. Thời gian này Đặng Trần Huân đã được đọc “hầm bà lằng” đủ loại sách báo đông tây kim cổ và nhất là chuyện tiếu lâm.”

Sinh sống như thế thì thu nhập chắc cũng không khả quan gì mấy và chính từ chuyện kể của ký giả Hồ Nam để chúng ta thấy được những cuộc sống lây lất không ngày mai của những người tù cải tạo trở về sống trong một xã hội không hứa hẹn một chút gì tươi đẹp cho bản thân họ và gia đình họ. Tuyển tập tạp văn Những Người Thích Dấu Huyền tác giả vui chân đi từ đề tài này sang đề tài khác. Có chất văn học như bài viết về huyền thoại Tự Lực Văn Đoàn hay những hạt sạn trong văn chương phê bình nhẹ nhàng nhưng chính xác. Cũng có chất hiện thực cuộc sống như thắc mắc hai chữ HO từ đâu mà có hoặc những chuyện đầu Ngô mình Sở, hay có thể là những trang tự sự như chuyện những hạt sỏi trong hành trình HO hay “Trên xa lộ 10 Đông, ba mươi tám giờ ngồi,” một bút ký du lịch. Văn phong của tác giả Đặng Trần Huân nhẹ nhàng, ngôn ngữ ôn tồn nhưng sâu lắng. Thí dụ như khi ông viết Hà Nội Sáng Tạo Tiếng Việt có những đoạn như:

“Thành ra với văn tự Hà Nội thì người và vật dùng lẫn lộn hòa hợp hòa giải rất là đề huề. Người và vật đồng hóa với nhau, chung đụng với nhau. Lãnh tụ là Người, voi cũng là người. Có phải thế chăng mà những người Cộng sản từ Liên Xô cũ, từ Đông Âu sụp đổ cho tới Trung Cộng, Cuba, Bắc Hàn, Việt Nam đang hấp hối đều tôn thờ thuyết Darwin là loài người thoát thai từ khỉ. Và cũng vì thế mà một tạp chí Việt ngữ sống dai nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam tự do khi nói về Cộng sản Hà Nội đã xếp vào chuyên mục Từ Người Xuống Vượn, Từ Vượn Lên Người.”

***

Tác phẩm Chữ Nghĩa Bề Bề có những bài viết liên quan đến văn học và tác giả đã nói rõ tâm cảm cũng như mục đích của ông:
“Trong những lá thư độc giả cũng có nhiều vấn đề được nêu lên, người viết xin có đôi lời trần tình. Có vị nói viết như mục này không phải là phê bình văn học. Xin thưa, ngay mấy tiếng phê bình văn học nghe đao to búa lớn quá kẻ này không đủ khả năng và không dám nhận.
Mục đích của người viết – nằm ở một nơi xa thị tứ thiếu tài liệu tham khảo – chỉ tình cờ đọc được cuốn sách hoặc xem được cuốn phim, nghe được bài hát nào thấy là lạ thì phát biểu ý kiến về tác phẩm đó, ý kiến của một độc giả, một khán thính giả có trình độ kiến thức trung bình như đa số. Vì vậy có khi chỉ nói lên sự thích thú hay nỗi bực mình chủ quan với cả tác phẩm, có khi chỉ là góp ý cho một câu, một đoạn mà thấy cần phải nêu lên. Cũng không câu nệ là tác phẩm mới ra hay đã cũ mèm. Không cứ mới mà hay và cũ như Kiều mà dở. Cũng như bây giờ mới được đọc thì cũ người mới ta, coi xong phải xuýt xoa hay nhăn nhó. Cũng như không phải một ca khúc được chính tác giả trình bày thì hay hơn người khác. Có khi tác giả chỉ giỏi về sáng tác mà không có giọng ca trời cho. Mà người đi xem vì ái mộ nhà soạn nhạc nên muốn thấy cái dung nhan mùa hạ.
Chính khi nói với vài bạn trong giới văn nghệ về mục này có bạn thân chỉ ở cách vài dặm đã cười hề hề và nói:
– Ông viết như thế thì bố ai dám gửi sách cho ông để ông mang ra diễu hả!”

Đúng là ngôn ngữ nửa thật nửa chơi. Nhưng trong cuốn Chữ Nghĩa Bề Bề có nhiều bài viết rất đứng đắn. Tác giả đặt vấn đề với sự cẩn trọng nhất là có sự nhận định về những cuốn sách hay đề cập đến những tác giả. Rõ ràng, với sự công tâm và cố gắng bớt đi sự chủ quan thiên kiến. Tác giả cũng là một người đi tìm cái đẹp cho văn chương và cái hay cho ngôn ngữ. Và ông cũng sẽ lắng nghe những phê phán nếu có.…
Thời gian mà nhà văn Đặng Trần Huân mất, thì trước đó nhà văn Long Ân cũng đã qua đời. Chỉ trong vài tháng, tôi mất đi hai người khá gần gũi. Một người là anh Long Ân, thường hay chuyện trò bù khú với nhau, sau một tai nạn, đã ra đi, đột ngột và đau xót.
Ngày cúng thất tuần của anh ở chùa Việt Nam, thì gặp anh Đỗ Tiến Đức cho biết là anh Đặng Trần Huân vừa vào bệnh viện và chắc không qua khỏi được trong vài ngày gần đây. Tự nhiên, tôi thấy có một cái gì mất mát. Trước đây tôi đã biết anh Đặng Trần Huân từ lúc còn ở Saigòn. Anh là người hàng xóm của ông anh cả tôi ở trong cư xá ở bên cạnh trại cảnh sát dã chiến mà tụi tôi hay gọi là thành Amac. Lúc đó anh là một ông sĩ quan già lọc cọc chiếc Honda sớm chiều đi về. Mấy người trong cư xá thì gọi ông là ông nhà báo lính hay ông “Chuyện cấm đàn bà”. Sở dĩ ông có biệt hiệu ấy là bởi vì những bài viết mang nhan đề ấy trên báo chí quân đội như Chiến Sĩ Cộng Hòa và sau tuyển chọn lại in thành một cuốn sách bán rất chạy, tái bản vài ba lần và làm ông nổi tiếng.
Có lẽ, tụi trẻ tụi tôi lúc ấy cũng chưa để ý lắm. Chúng tôi còn bận làm dáng với sách triết học Phạm Công Thiện hay lãng mạn với thơ Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, hoặc mơ mộng với văn xuôi Võ Phiến, Mai Thảo.…Tuổi trẻ thường nhìn văn chương như những cánh cửa mở vào những khung trời lạ, đôi khi chỉ có trong tưởng tượng.
Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, năm Mậu Thân, tôi vào lính. Sau đó, chúng tôi mới có dịp làm quen với những tờ báo như Lý Tưởng, Tiền Phong hoặc Chiến Sĩ Cộng Hòa. Đặc biệt trên tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, tôi đã đọc những chuyện vui cười, cũng thấy hay hay, và hiểu thêm được cái ngôn ngữ Trạng Quỳnh mà nhà văn Đặng Trần Huân hiển lộng. Và, hình như tôi cũng rất lạ lùng là một nhà xuất bản cực kỳ đứng đắn là nhà xuất bản “Sáng Tạo” của một nhà văn cũng cực kỳ mô phạm là nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đã in “Chuyện cấm đàn bà” rồi tái bản tới bốn lần. Có lẽ, đó là một chuyện khá độc đáo thời đó. Nhà văn Đặng Trần Huân thật thà kể lại trong sự hồi nhớ của mình:

“Năm 1969 tôi gom những chuyện đắc ý nhất để in thành sách. Tôi bàn với Duyên Anh, anh rất tán thành nhưng lại không khoái cái tên Chuyện Cấm Đàn Bà mà tôi chọn. Cả hai trang truyện tiếu lâm mà Duyên Anh yêu cầu tôi viết cho Con Ong số xuân năm đó khi đăng anh cũng không đề tên Chuyện Cấm Đàn Bà mà đổi nhan đề thành Chuyện Cấm Cười.
Tôi thì rất thích tên mà tôi đã chọn vì cho đó là một cái tên úp mở gợi sự tò mò của nữ độc giả và cũng là một cái mộc che những chuyện dâm. Năm 1962 và 1963 tôi đã xuất bản hai tập truyện nhưng bán chậm nên lần này muốn có tên một nhà xuất bản cho thêm uy tín. Lúc đó, Tô Thùy Yên là trưởng phòng văn nghệ Cục Tâm Lý Chiến và chủ trương nhà xuất bản Hồng Lĩnh (do tên thực Nguyễn Thị Băng Lĩnh bút danh Thụy Vũ, đệ nhị phòng của anh) Tôi đề nghị anh xuất bản Chuyện Cấm Đàn Bà thì anh nói với tôi điều kiện kiểm duyệt không bị bỏ bài nào. Tôi còn phân vân thì anh đổi ý trả lời là Hồng Lĩnh chỉ xuất bản sách văn nghệ không thể in truyện tiếu lâm.

Tôi gặp anh Doãn Quốc Sỹ chủ nhà xuất bản Sáng Tạo, một nhà xuất bản lâu năm nhưng ít vốn. Sau khi chuyện trò. Biết anh không có đủ khả năng in một số lượng lớn tôi đề nghị mượn tên nhà xuất bản của anh. Doãn Quốc Sỹ cười:
– Nếu anh có tiền in thì đâu có hề gì, anh cứ việc để tên Sáng Tạo miễn là phải in ấn cho đẹp như sách của Sáng Tạo. Rồi anh cười ha hả:
– Tiếu lâm cũng là văn hóa chứ sao!”
Tháng Tư đen, rồi cả nước vào tù, không ở trong hộp lớn thì cũng hộp nhỏ. Như tất cả các sĩ quan VNCH anh Đặng Trần Huân cũng rời cư xá ở đường Trần Quốc Toản để đi “cải tạo” tới hơn chục năm. Tôi thì cũng vậy, dù đi tù ít năm hơn và vượt biên tới Mỹ trước hơn. Mười mấy năm sau, những đợt HO đã mang anh tôi cũng như anh Đặng Trần Huân định cư xứ người. Và, chúng ta có thêm “Hành Trình Một Hát Ô”, một bút ký ghi lại trung thực những mảnh đời sống của những người chậm bước đến sau. Đọc những trang sách, như một chứng tích ghi lại một thời thế mà ở đó, chúng ta đã có những chọn lựa bất ngờ cho cuộc đời. Làm lại cuộc đời giữa tuổi về chiều, dĩ nhiên, ai mà chẳng xao động. Con đường nhân sinh chắc chắn không phải trải toàn gấm hoa. Áo cơm sinh kế đã mệt nhoài huống chi còn nghiệp văn chương đeo đuổi. Một thời những tâm tư được giãi bày, không mặc cảm và chân thành. Người sau đọc lại những trang sách này sẽ hiểu thêm được những khó khăn của những người đi tìm đất sống.
Sau bữa cúng thất tuần anh Long Ân, tôi và anh Hoàng Khởi Phong cũng là một người cũng có lúc ở cư xá Trần Quốc Toản lên thăm anh Đặng Trần Huân ở nhà thương. Anh Đỗ Tiến Đức đã dặn là nếu chậm thì không kịp nữa. Anh Huân vẫn còn tỉnh táo và vẫn hứng khởi khi nói chuyện sách vở văn chương. Anh nhắc đến cuốn sách của nhà văn Hoàng Hải Thủy vừa xuất bản và dù anh bệnh hoạn vẫn viết một bài đọc sách nhiều chia sẻ. Anh cũng nhắc đến bài viết “Cắt chỉ văn chương” mà anh có đụng chạm đến nhiều người. Anh nhấn mạnh rằng chính vì quý mến và trân trọng nên anh mới có những góp ý chân tình như thế. Hình như trong bài phỏng vấn của tôi về cuốn sách “Chữ nghĩa bề bề” anh cũng tỏ bày tương tự.
Trong khi nói chuyện, tuyệt nhiên tôi không tìm được một nét nào của một người sắp xuôi tay đi về cõi khác. Anh vẫn hăng say nói về những suy nghĩ của mình cả tiếng đồng hồ. Chúng tôi nhận được sự nâng niu văn chương của anh qua những diễn tả. Cũng như khi đề cập đến hiện trạng trong nước, anh đã mang kinh nghiệm sống của mình để thấy tiếc nuối cho một đất nước bị quá nhiều nghịch cảnh.
Tôi biết anh nặng lòng với bút mực hơn ai hết. Anh đã in được 3 cuốn sách khi sống ở hải ngoại: Hành Trình Một Hát Ô, Những Người Thích Dấu Huyền, Chữ Nghĩa Bề Bề. Không biết với những tác giả khác ra sao chứ tôi biết rõ mỗi cuốn sách của anh là cả những công trình. Như chuyện anh cư ngụ ở xa khu vực Tiểu Saigòn, không có xe phải đón bus mỗi lần đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Rồi không kể sự chật vật tiền bạc, những tác phẩm ra đời với anh là một sự hy sinh ghê gớm. Tôi nghĩ văn học Việt Nam ở hải ngoại mà còn tồn tại được đến bây giờ là do những đóng góp và hy sinh của những người cầm bút mà anh Đặng Trần Huân là một người trong đó. Ở đời sống này, ngồi vào bàn viết, trước những tờ giấy trắng, sao cô đơn quá đỗi. Có lúc, trong suy tư là một bãi sa mạc cô liêu không người hưởng ứng. Có phải chúng ta đang ở trong chợ chiều của chữ nghĩa? Có một nền văn học lưu vong hay không và chúng ta còn tồn tại được bao nhiêu thập niên? Những câu hỏi làm buồn lòng những người có tâm huyết. Nhưng mỗi ngày vẫn có những cuốn sách ra đời và những bàn viết vẫn sáng đèn đến tận buổi khuya. Dù rằng có tình trạng vàng thau lẫn lộn nhưng nhìn thêm một cuốn sách mới ra đời là chúng ta lại có cảm tưởng gốc rễ của cây văn chương hải ngoại có thêm nhựa sống.
Anh Đặng Trần Huân, bài viết này có hơi muộn màng. Những cuốn sách vẫn nằm im trên kệ, có một lớp bụi mỏng. Đã gần tám năm anh đi vào cõi miên viễn. Bây giờ, cảm xúc đã lắng đọng sau một thời gian, em viết những dòng chữ này không ngoài một mục đích nêu lên một trường hợp của một người cầm bút yêu văn chương và bất chấp những khó khăn để theo đuổi cái nghiệp của mình.
Hình như, ngày anh khởi hành đi vào một thế giới khác có tiếng hát “opera” đưa tiễn anh. Tiếng hát đã vút cao trong ngày tiễn đưa hôm đó. Trời đang xanh nắng và ở mút tầng trời có những cụm mây. Em chắc anh đang lãng đãng ở trên ấy. Những cuốn sách ngàn trang đang giở ra. Và ở trong đó, có phần nào ghi chép từ “Chuyện Cấm Đàn Bà “, “Hành Trình Một Hát Ô”, “Những Người Thích Dấu Huyền”, hay “Chữ Nghĩa Bề Bề.”…Chắc là phải có? Bởi, những dòng chữ như vậy phát xuất từ một trái tim rất Việt Nam và yêu đất nước dân tộc như yêu chính bản thân mình.


Đọc văn Đặng Trần Huân

Lạm bàn về một bộ sách văn học

Năm 1986 Võ Phiến cho xuất bản Văn Học Miền Nam Tổng Quan được độc giả đón nhận với hảo ý, rồi cuốn sách được nhật tu và tái bản hai năm sau. Đây là cuốn đầu trong bộ sách mà Võ Phiến gọi là Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 như ghi ở trang 5 cuốn tái bản 1988.
Lý do cuốn Tổng Quan được hoan nghênh và nghe đâu đang sắp in lần thứ ba vì trong đó Võ Phiến cho độc giả những nhận xét tổng quát mà khá đủ về mọi sinh hoạt văn học Việt Nam Cộng Hòa từ độc giả, tác giả, ngành xuất bản cho tới các giai đoạn, các bộ môn văn học. Phần cuối ông đã dành hơn ba chục trang tiểu sử và tác phẩm của nhiều nhà văn khiến ta nhớ tới cuốn Tiểu Truyện Các Tác Gia Hiện Đại của Trần Phong Giao do nhà xuất bản Lá Bối đang in dở dang vào đầu năm 1975 thì giữa đường đứt gánh.


***

Biên khảo là một loại sách kén chọn độc giả nhưng với thành công ban đầu như vậy là một điều phấn khởi và độc giả chờ đợi những cuốn kế tiếp mà Võ Phiến hứa hẹn với sự làm việc cẩn trọng vốn có của ông.
Mười ba năm sau, (trong sách nói mười tám năm sau, trang 501) năm 1999, nhà xuất bản Văn Nghệ, Westminster, CA cho trình làng sáu cuốn tiếp theo của bộ sách, một công trình tỉ mỉ và lâu năm. Vì là nối tiếp cho cuốn Tổng Quan sáu cuốn sau ngoài bìa mang tên Văn Học Miền Nam cho gọn. Riêng sáu cuốn có tên là VHMN này dày khoảng 2750 trang, bắt đầu từ trang 491 và kết thúc ở trang 3238.
Tại sao sáu cuốn Văn Học Miền Nam chính thức bắt đầu bài vở ở trang 501 trong khi cuốn Tổng Quan chỉ mới chấm dứt ở trang 328? Theo chúng tôi nghĩ có thể tác giả chừa lại một số trang để sau này nếu cần bổ túc cho cuốn Tổng Quan thì khỏi phải có những trang bis hay ter. Sống ở Mỹ, ảnh hưởng văn hóa Mỹ thì cách đánh số trang cũng theo cách đánh số nhà rất thực dụng của Mỹ. Ta không lạ khi thấy có những con đường mà nhà đầu mang số 1, nhà cuối mang số 500 chẳng hạn nhưng đếm chỉ có 400 nhà vì số nhà đánh cóc nhẩy để chừa cho những nhà sắp xây hoặc chẳng bao giờ xây (* 4).
Cũng như ở Mỹ người Giao Chỉ phải nói pha trộn tiếng Mỹ. Như một diễn giả sinh trưởng tại Việt Nam tuổi cũng quá tứ tuần diễn thuyết cho đồng bào Việt lại mở đầu rằng: ATôi xin trình bày sáp dếch này nó liên quan tới pô ly tích và ê cô nô mích, để chứng minh là Việt cộng không tôn trọng cái hiu mân rai của người dânA. Sống ở Mỹ nói pha tiếng Mỹ cho ra vẻ thời thượng. Và nói như ngôn ngữ Việt cộng thì: “Cũng tốt thôi!”
Sáu cuốn Văn Học Miền Nam gồm ba cuốn 1, 2, 3 nói về truyện, cuốn 4 ký, cuốn 5 tùy bút, kịch và cuốn 6 thơ. Sáu cuốn sau này là một hợp tuyển, trích những bài văn của nhiều tác giả để người đọc vì thiếu sách có thể thưởng thức được một mẫu tác phẩm của đa số tác giả mà nay không có điều kiện tái bản. Chủ yếu của soạn giả là giới thiệu những tác phẩm cho nên trong gần 3000 trang sách phần trích tác phẩm chiếm khoảng trên 65%, phần còn lại soạn giả phê bình nhận xét từøng tác giả trước khi trích đăng tác phẩm của họ.
Có những bài Võ Phiến viết cách đây chừng vài chục năm từ 1962, 1963, 1973 khi giới thiệu Linh Bảo, Đỗ Tấn, Trần Thị NgH . . . (869, 2852, 1531) nhưng đa số là những nhậân xét viết sau 1975 khi ông đã ra hải ngoại, có những bài viết ngay đầu năm 1999 như khi nói về Vương Hồng Sển, Nguyễn Đình Toàn . . .(2283, 2953).
Khi giới thiệu mỗi tác giả từng bộ môn cũng có sự dài ngắn khác nhau. Viết về Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến đã bỏ ra tới 44 trang (573), Thế Uyên, Thanh Tâm Tuyền, Nhất Linh. . . . đều trên hai chục trang trong khi nhiều văn, thi sĩ khác chỉ được nhắc tới trong hai trang như Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Thị Vinh, Giản Chi, Văn Quang . . . (1037, 1137, 2879, 1655) thậm chí Dương Hùng Cường, Tuyết Hương . . . chỉ có vài câu (688, 1627).
Về điểm này Võ Phiến đã nói ngay từ đầu là chuyện viết về một người dài hay ngắn không nhất thiết phản ảnh một sự đánh giá nào (504). Tuy nhiên rất nhiều người đọc – có thể vì thiếu tinh thần tự lập chăng – nên vẫn cứ bị ám ảnh với cách đánh giá của nhiều soạn giả từ điển Tây phương.
Đã có những soạn giả cân nhắc rất kỹ sự lựa chọn người để ghi vào sách và tính toán từng giòng khi nói về một nhân vật. Nếu tôi không lầm thì cuốn từ điển nhỏ Petit Larousse Illustré rất phổ biến của Pháp, mỗi năm in lại một lần, bốn năm có bổ sung, khi phát hành ấn bản 1960, có tờ báo văn học Pháp đã tỏ ra mừng rỡ khi thấy trong cuốn mới này đã có hai tài tử điện ảnh Fernandel và Brigitte Bardot. Nhưng cô đào khêu gợi không có tên chung với các danh nhân khác mà chỉ có tên dưới bức tranh in cạnh tên họa sĩ Van Dongen là tác giả bức chân dung. Người Pháp rất dè dặt trong việc lựa chọn nghệ sĩ điện ảnh trong khi lại rộng lượng với các diễn viên kịch nghệ. Cho tới ấn bản kể trên hình như tài tử điện ảnh chỉ có hai người trong từ điển Petit Larousse Illustré là Charles Chaplin và Fernandel.
Người đọc sách cũng như người nghe hát thường hay có thói quen so sánh với những tác phẩm đi trước, trình bày trước và đó cũng là một trong những bất lợi cho người sáng tác sau khi mà tác phẩm trước xuất hiện lúc thể loại đó còn hiếm hoi và đã từng gây ấn tượng mạnh tới người thưởng ngoạn.
Võ Phiến sắp xếp các tác giả được đề cập theo thứ tự ABC và phân loại theo các bộ môn. Khi Vũ Ngọc Phan viết Nhà Văn Hiện Đại ông xếp theo tác giả, vì vậy mỗi tác giả chỉ được kể tới một lần trong bộ môn xuất sắc nhất, rồi ở cuối bài mới nói tới những bộ môn khác mà ông cho là kém quan trọng. Hoài Thanh, Hoài Chân viết Thi Nhân Việt Nam sau gần năm chục trang giới thiệu tổng quát Một Thời Đại Trong Thi Ca mới lần lượt nói từng nhà thơ với lời nhận xét tiểu sử, trích thơ và có cả ảnh các tác giả. Nhiều tuyển tập thi ca sau này gom các tác phẩm của người khác không giới thiệu, không tiểu sử thì cuốn sách chỉ thuần túy là một hợp tuyển, soạn giả chỉ có công gom và chọn theo ý riêng mình để đem in.
Sáu cuốn VHMN cũng giống như một hợp tuyển bổ sung cho cuốn Tổng Quan nhưng Võ Phiến có công phu đọc và giới thiệu từng tác giả trước khi trích in. Có những tác giả được nói tới trong ba cuốn khác nhau như Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Nhã Ca . . . hay trong hai cuốn khác nhau như Mai Thảo, Lê Tất Điều . . . trong khi có nhiều vị cũng viết nhiều thể loại nhưng Võ Phiến chỉ lựa chọn một bộ môn như Nhất Linh, Nguyễn Thị Hoàng, Hà Thúc Sinh . . . Do đó trong phần truyện nói tới 50 tác giả, ký 22, tùy bút 4, kịch 10, thơ 32 nhưng không thể đơn giản cộng những con số đó lại để nói rằng Võ Phiến đề cập tới 118 tác giả.
Sự lựa chọn của Võ Phiến khiến ta nhớ tới một câu trong bài Những Chuyến Xe Trong Đời của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo mô tả cuộc đời từ đứa trẻ nằm trong xe nôi tới người từ giã cõi thế nằm trong xe tang. Đoạn giữa cuộc đời chuyến xe mà người phụ nữ mong đợi là chiếc xe hoa mà nàng hồi hộp bước lên. Nhưng có phải ai cũng bước lên vui vẻ đâu. Bởi vì: Duyên tơ, có người chỉ một xe đầu, có người vài lần thương đau, có người chẳng bao giờ đâu!
Khi giới thiệu Mai Thảo và Thế Uyên, Võ Phiến đã nhấn mạnh về khía cạnh phóng túng trong tác phẩm của hai tác giả này. Oâng phân tách thái độ những nhân vật trong Mười Đêm Ngà Ngọc và Cửa Trường Phía Bên Ngoài mà Mai Thảo đã tuyên ngôn ca tụng tình yêu với nhân vật là những người chồng, người vợ bỏ người hôn phối, bỏ con cái đểâ bay lên trời cao, ca hát giữa vùng ánh sáng với những người tình mới (900, 901, 902). Khi nói về Thế Uyên, Võ Phiến tốn nhiều giấy mực về khía cạnh dục tình. Ôâng dẫn chứng bằng những sự kiện của nhân vật trong truyện Thế Uyên như con gái dậy đứa nào cũng dâm nhưng sợ đau, những chuyện liên quan tới giao hợp hay không giao hợp giữa những cặp nhân tình, với em nhỏ mười sáu tuổi, trong hầm trú ẩn nấp bom đạn, dưới gầm giường v . v . . . (1481).
Bởi đâu Võ Phiến lại thắc mắc nhiều đến thế? Phải chăng vì là một người đã lớn tuổi, đã quen cái đạo lý trọng những nền tảng tinh nhần của Việt Nam xưa cũ ông đã không thể thích hợïp với lối sống của xứ sởû mới mà ông đang sống. Giở báo ra ta thấy súng ống là trò chơi hợp pháp, trẻ lên ba mang súng của bố ra chơi, mười một tuổi xách súng bắn chết năm người, đàn ông lấy đàn ông, đàn bà lấy đàn bà được hợp pháp hóa ở một số tiểu bang, một trăm năm mươi phụ nữ cởi truồng giữa đường phố đông người qua lại. Mở ti vi thì thấy những chuyện loạn luân, dâm dục, sa đọa của trai gái vị thành niên, chuyện đổi vợ đổi chồng công khai, chuyện không quen biết bỗng nhiên được giới thiệu và cấp tiền cho đi ngủ khách sạn với nhau, chuyện triệu phú tuyển vợ khi hàng vài chục thiếu nữ chưa quen biết lượn trước mặt để ông lựa chọn như một chợ gà trong các chuơng trình ti vi chiếu trên cả nước như Jerry Springer, Change of Heart, Blind Date, Who Wants to Marry a Multimillionaire v. v . . . Phải chăng vì lo sợ cho thế hệ thiếu niên Việt Nam quên nền đạo lý Việt Nam cũ nên ông đã nhắn khéo các tác giả Việt Nam đừng đổ dầu thêm nữa.
Khi nói tới một tác giả, Vũ Ngọc Phan theo cách viết mà các tác giả ngoại quốc áp dụng từ lâu nghĩa là viết nguyên tên họ hay biệt hiệu Nguyễn Du, Tú Xương, Khái Hưng mà không có những chữ cụ, ông, bà hay anh, chị đi kèm đằng trước vì nhà văn đủ mọi lứa tuổi và giới tính. Nên khi gọi đủ tên họ là một vinh dự cho danh nhân rồi giống như khi lấy tên những vị đó đặt tên đường hay những công trình to lớn. Hầu hết nhà văn, nhà báo của ta mặc nhiên chấp nhận điều đó.
Võ Phiến nói ông chỉ gọi các nhà văn bằng hai tiếng ông, bà khi đứng một mình không kèm theo tên họ hay bút hiệu trừ Lê Tất Điều, Nguyễn Mộng Giác ông gọi trống không là Điều, Giác vì là bạn thân lâu năm (819, 824). Quy định này ông áp dụng ngay cả với nhà văn đã quá cửu tuần Vương Hồng Sển (2283- 2288). Tuy nhiên ông cũng phá lệ rất nhiều lần khi thêm những tiếng ông, cụ trước họ tên với khá nhiều nhà văn trẻ hơn như ông Bình Nguyên Lộc, ông Mai Thảo, ông Phan Tùng Mai, cụ Vi Huyền Đắc v. v . . . (515, 896, 2563)
Nhưng cái phần của VHMN khiến cho một số độc giả không mấy hài lòng có lẽ chính ở sự lựa chọn tác giả nào để đưa vào sáu cuốn VHMN. Có người thắc mắc vì sao còn thiếu nhiều nhà văn, nhà thơ đã có những tác phẩm xuất sắc chẳng hạn như Đoàn Thêm, Cung Trầm Tưởng, Hà Huyền Chi, Du Tử Lê v. v . . .
Cũng biết trước là sẽ có người phiền trách về điều đó nên ở trang 506, 507 ông đã trình bày sự thiếu sót sẽ có của ông. Ông viện dẫn người đi trước là Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh. Thực ra thì bộ Nhà Văn Hiện Đại hay cuốn Thi Nhân Việt Nam không phải là toàn bích, (mà làm sao có được một tác phẩm toàn bích dù rằng viết bởi nhiều người?). Đã có dư luận cho rằng Vũ Ngọc Phan thiếu vô tư khi bỏ quên Nguyễn Bính mà chọn Nguyễn Giang. Khi chọn Tô Hoài mà quên Nam Cao dù rằng khi đó tài của hai người không biết ai hơn ai khiến nhiều người nói Vũ Ngọc Phan thiên vị vì Tô Hoài khi đó viết cho báo Hà Nội Tân Văn mà ông là chủ bút.
Võ Phiến đã lựa chọn những tác giả để giới thiệu vào bộ sách của ông theo nhận xét chủ quan và theo những sách mà ông đọc được. Vì thế cũng có thể có những tác giả thân quen được ông đọc đầy đủ, thấy được cái hay, mà có những cuốn sách hay mà ông vô tình không được biết. Chắc chắn là ông đọc đầy đủ tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Ngọc Tuấn, Lê Tất Điều, Võ Chân Cửu . . . là những người cộng tác thân thiết với ông hoặc là cùng quê hương Bình Định. Thì cũng như Vũ Ngọc Phan hiểu sâu sắc những người cộng tác trong Hà Nội Tân Văn hay Nhất Linh phát hiện sớm và hiểu sâu sắc các cộng tác viên Phong Hóa, Ngày Nay hay những người thân trong đại gia đình.
Hơn nữa bộ sách đã mang tên Văn Học Miền Nam thiết tưởng cũng nên nói tới những trào lưu, những tác giả đã gây xôn xao một dạo dù rằng có thể sau này chìm lắng. Để người đọc cũng có thể qua đó biết được cả mặt xôn xao mà hời hợt trong một giai đoạn văn học.
Có thể nói một trong những khó khăn nhất của người viết phê bình văn học vẫn là sự lựa chọn ai để đưa vào sách, đánh giá sao vừa ý mình mà lại hợp lòng đại đa số độc giả, được độc giả cho là hợp ý. Đó cũng là chuyện làm dâu trăm họ, mang lấy nghiệp thì đành chịu mọi búa rìu.
Phương tiện truyền thông tân tiến hơn thì ý kiến, dư luận cũng phổ biến nhiều cách hơn và sâu rộng hơn. Sau khi bộ sách ra đời hẳn Võ Phiến đã đọc nhiều bài nói về công trình của ông, trên báo chí, phát thanh, trên internet. . .
Lời khen, lời giới thiệu dè dặt thường xuất hiện trên báo chí nhưng lời lẽ mạnh bạo nặng nề thường xuất hiện trên internet, phương tiện truyền thông không ai phủ nhận được là tối tân nhất hiệân nay. Ngoài những công dụng hữu ích vô tiền khoáng hậâu, internet cũng là con dao hai lưỡi vì cái tự do tuyệt đối của nó. Không ai kiểm duyệt, không có ông chủ bút, chủ nhiệm nào có quyền ý kiến gì về bài của mình cả. Mình là tác giả kiêm chủ nhiệm, chủ bút tự mình phóng bài lên mạng lưới chả ai ngăn cấm. Thế nên mới có những chuyện làm tình, chuyện kiểu bảy đêm khoái lạc như vụ Monica Lewinsky được những người đại diện dân cho phép phóng lên, những tuyên ngôn đao to búa lớn chẳng biết thực chất ra sao kêu gọi thế giới, những quảng cáo khoác lác, những bài chửi nhau chát chúa tay đôi, tay ba của các đoàn thể hay cá nhân tung hoành qua không gian. Phải chăng người phát minh ra máy điện toán đã nhìn thấy mặt xấu của nó nên phải ngăn ngừa lạm dụng khi đặt ra nút delete và một thùng rác điện tử mang tên tiếng Anh là recycle bin.
Với cuốn Tổng Quan ra đời mười ba năm trước và 6 cuốn tiếp theo gần đây bộ Văn Học Miền Nam dù sao vẫn cần có trong tủ sách để chúng ta có một số tài liệu tìm hiểu về văn học quốc gia giai đoạn đệ nhất và đệ nhi cộng hòa ở miền Nam.
Cộng sản tịch thu, đốt bỏ các tác phẩm của miền Nam. Bây giờ họ còn khôn khéo hơn, cho in lại một số rất nhỏ những văn phẩm cũ cho ra vẻ tự do, hòng xóa đi tội đốt sách sau 30. 4. 75 nhưng trong kế hoạch trường kỳ, họ vẫn ngấm ngầm triệt hạ nền văn học miền Nam.
Trong thực trạng ấy nếu phía chúng ta không có người làm công việc soạn thảo những sách về một nền văn học đã qua và nếu không có người góp ý, ai ai cũng thờ ơ, chẳng làm gì cả mà chỉ ngồi chỉ trích thì lớp trẻ sau này lấy gì để biết về văn học miền Nam đã kéo dài và rạng rỡ suốt hơn hai chục năm ở phần đất chưa rơi vào tay cộng sản.  .  ./.


source: T.Vấn& Bạn hữu 


===============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ