bài đọc thêm (3) : Chim bay vội vã / Cao Mỵ Nhân -- source : Cao Mỵ Nhân Blog ( 2/ 25/ 2021)
Cao Mỵ Nhân
— Never Say Never —
Chim bay vội vã
CAO MỴ NHÂN
Còn mười phút nữa mới 8:00 PM. Trời vẫn sáng. Mình vẫn thích cái không gian như vầy. Mùa sắp vào hạ nhưng sao mình vẫn lạnh, vẫn ba, bốn cái áo len, thun, nỉ, vẫn không rời đôi vớ.
Anh chưa hề hỏi thăm mình nóng mùa hạ, lạnh mùa đông bao giờ.
Còn mình vẫn nghe rất rõ tiếng chim én rời tổ bay đi, chỉ ở lại đây có đúng ba tháng mùa xuân.
Mình vừa khép cửa sổ lớn trong phòng, ngó về phương Nam, trời bắt đầu tối, ánh sáng nhá nhem, hay giờ gà lên chuồng như ở quê xưa thường nói thế.
Một năm xa cách… rồi sẽ mười năm, và bao nhiêu năm sau chả biết, sẽ hết trăm năm.
Anh là nhân vật tiểu thuyết của mình nên có đứng sát bên mình vẫn là xa cách.
Anh thân kính ơi, tại sao chỉ với một bàn tay thôi là chúng ta mở được cửa thiên đường hạnh phúc.
Ố ô, lâu nay mình vẫn cảm nhận được điều hạnh phúc dù ở xa anh, mà vẫn tưởng anh đang ở cạnh mới tuyệt vời chi lạ.
Hôm qua mình gặp lại một nhà văn cũ, ông ta hỏi thăm một cách chân tình rằng mình có vừa ý cuộc sống đương thời không.
Mình hỏi lại để làm gì, ông nói vì thấy các nhà văn, các nhà thơ hay trả lời phỏng vấn thường chuẩn bị sẵn câu trả lời có lợi cho cuộc đời và sự nghiệp họ.
Nhưng mình có là nhân vật được hỏi đâu, nên chả cần phải giữ gìn, mình nói với ông nhà văn nêu trên cũng rất chân tình:
Ông ạ, tôi thích cuộc sống này quá, chỉ sợ thời gian không kéo dài thêm cho tôi được sống mãi… như vầy thôi.
Ông nhà văn trố mắt nhìn tôi:
Ôi, lần đầu tiên tôi gặp một người, mà là nữ giới nữa, bằng lòng với số phận của mình.
Chu choa, thì tôi có lúc tự hỏi là trên đường đời tôi đã đi qua, lên cao, xuống thấp đã từng, chắc tôi cũng đã so sánh phần nào số phận mình để kết luận tôi đang thực sự yêu quý thời gian này.
Sau cuộc đổi đời 30 – 4 – 1975, là một sĩ quan nữ quân nhân chế độ cũ, tôi có hai lần bị trả lời một câu hỏi mà bạo quyền cộng sản nghĩ là tôi không thật lòng khai báo.
Câu hỏi được đặt ra như vầy:
Chị cho biết thời gian nào chị sung sướng nhất và thời gian nào chị khổ sở nhất.
Khi đặt câu hỏi này, người ta dư biết câu trả lời sẽ là sự miệt thị chế độ cộng sản, lòng hoài cảm chế độ cũ VNCH, để sau đó tuỳ cách ứng xử, nếu trong tù cải tạo thì theo luật rừng mà ngoài xã hội thì theo luật… rú chẳng hạn.
Tuy nhiên tôi đã nói thật với lòng mình… là cứ lấy cái mốc thời gian 1975 cho dễ hiểu, trước 30 – 4 – 1975, cuộc sống tôi dư thừa vật chất, chan hoà phương tiện, nhưng tinh thần tôi, đúng ra là tâm tư tình cảm tôi rất không như ý vì ông xã tôi quá hào hoa phong nhã nên tình chồng vợ có hao hụt ít nhiều; sau 30 – 4 – 1975, cuộc sống vật chất hoàn toàn phá sản, nhưng tinh thần tôi, vẫn tâm tư tình cảm thôi nhé, thư giãn ít nhiều vì ông xã tôi trực tiếp chấm dứt tình trạng phong lưu, hào phóng, cuộc sống gia đình yên ổn phần nào.
Theo như nhận xét của chị thì ngoài xã hội đang khó khăn, vất vả hay sao?
Tôi nghĩ đó không phải đặt ra câu hỏi vì ai trong xã hội đương thời đều biết cuộc sống trước mặt.
Thế rồi thì tôi dù muốn dù không, bị cuốn vào cái xã hội mà chủ trương của nó là tôn sùng vật chất Như lý luận học thuyết duy vật, mà biện chứng, lý giải thì hẳn là điều không khốn khó, khổ cực sẽ không phải phương châm đấu tranh của họ.
…tới lúc tôi thèm nhìn một cánh diều trên đồng cỏ cháy nơi nông trường Tây Nam, buổi trưa ngồi giữa nắng chờ nghe tiếng chim bay vội vã lên núi Bà Đen, lòng trống trải buồn vô hạn. Ông xã tôi đã trên đường vượt biển, để lại cho tôi nỗi mông mênh chán nản.
Câu chuyện sướng khổ vẫn được nối tiếp theo những trang nhật ký mà tôi nghĩ rằng nếu có bị bạo quyền phát giác cũng chẳng có gì động chạm tới xã hội của họ. Bởi vì điều quan trọng nhất đối với tôi vẫn là tâm tư, tình cảm bỗng bị như bỏ quên, như mất mát, mình không có một hình ảnh, một lời nguyền đúng nghĩa trong tâm tưởng.
Tôi có lại cuộc sống trước 30 – 4 – 1975, giống một bức tranh có đường nét cũ, nhưng màu sắc mới, khi tôi đến được Hoa Kỳ.
Tất nhiên thời gian chồng chất thêm, tuổi tác cũng bắt kịp chuỗi ngày vội vã, thực dụng, tưởng như không thoát ra được cái khuôn sáo xã hội mới mẻ, bởi vì còn nơi nào khác nữa để tái định cư vui vẻ, tươi đẹp hơn xứ Mỹ này chớ.
Nghĩa là muốn gì có nấy, thích chi thì làm nhưng phải trong điều kiện không chạm tới quyền lợi của ai.
Do đó, tôi lại đi tiếp con đường của tôi.
Nhìn lại hành trình có vẻ ngắn bớt, hành trang thì bỏ đi nhiều nên tôi cảm thấy nhẹ nhõm, tha hồ tung tẩy như thủa mới vào đời.
Có một điều ít ai để ý là hình như mình biến thành vai phụ trong chính những công việc của mình. Đôi khi mình không tự quyết định công việc mình sẽ làm mà cứ phải hỏi thăm hay nhờ vả người thân hoặc bạn bè giúp đỡ.
Tức là đang ở trạng thái không đứng vững hay không chắc chắn đúng, thế nên cuộc sống cũng bớt đi phần nào vui vẻ lạc quan như ngày xưa.
Như vậy lại tự hỏi là có thể làm được gì khác hơn hoàn cảnh hiện tại?
Ở thời điểm tôi bây giờ, tôi thẳng thắn trả lời chẳng làm được gì cả đâu, hãy giữ gìn sức khoẻ để không bị đau ốm, làm phiền con cháu thôi.
Nhà văn xưa mới tái ngộ cười:
Bà nói đúng, ngay đến thế hệ sau chúng ta cả chục năm cũng đã sớm có tư tưởng về hưu rồi.
Thế nên tôi mới nói ở trên là tôi đang thích cuộc sống này, chưa hoàn hảo lắm nhưng thực sự thoải mái, thảnh thơi. Với tôi còn có thì giờ mơ mộng nữa chứ… ./.
CAO MỴ NHÂN
(2/ 25/ 2021)
source: Blog Cao Mỵ Nhân (Hoa Kỳ)
====================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ