Lang Thang – Cao Mỵ Nhân

Lang Thang – Cao Mỵ Nhân

Trong lúc đang lang thang ở Bắc Cali, chờ 2 ngày nữa xuống San Jose “Ra mắt sách” tức là lần thứ hai giới thiệu tập thơ tình NHỊP TIM THƠ, thì nhận được tin nữ sĩ Mình Đức Hoài Trinh, đã ra đi về cõi Vĩnh hằng hôm nay, ở nam Cali, do nhà văn Nguyễn Quang, phu quân chị thông báo.

Bất giác hình ảnh nữ sĩ Mình Đức Hoài Trinh thấp thoáng, chơi vơi…rồi nổi bật lên trong mông mênh biển nghiệp…

Thủa thanh xuân, chị như một con tàu say gió viễn phương …

Chị hơn tôi cả giáp, nhưng với tôi, chị lúc nào cũng mới mẻ trẻ trung, cũng đầy khuôn thước mẫu mực trong suy nghĩ, văn chương …để có thể trở thành ” hó tính” một chút.

Tôi cũng giữ nhiều khách sáo, tự trọng đối với chị. Không bao giờ tôi nghĩ tôi sẽ vượt khỏi cái rào cản đặt trước chị và tôi, mặc dầu tôi rất cảm phục và kính mến chị về sở học dân gian, hơn là từ chương sách vở.

Tôi từng quen biết chị trước khi tôi có mặt trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (cứ gọi là PEN/VNHN).

Thủa đó, khoảng giữa thập niên 60 thế kỷ trước, chị từ năm châu thế giới về Saigon, làm phóng viên chiến trường với bằng cấp làm báo ở châu Âu, chứ không từ các lớp phóng viên chiến trường cấp thiết thành lập thời đệ nhị Cộng Hoà.

Chị theo một phái đoàn từ trung ương ra Vùng I chiến thuật, tức Quân Đoàn I/Quân Khu I của… tôi.

Khối Chiến Tranh Chính Trị phải tiếp đón phái đoàn này.

Đại Tá Chang là trưởng toán cố vấn của Trung Hoa Quốc Gia, nên ông quá phục tài nói tiếng Hoa của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Tất nhiên chị vẫn xài tiếng Pháp và tiếng Anh với các thành phần khác trong phái đoàn.

Hôm đó chị mặc bộ đồ hoa rừng Dù, chắc của vị sĩ quan mũ đỏ nào tặng, để tóc thẳng cắt ngang như tôi.

Minh Đức Hoài Trinh vừa từ Quân Doàn II/ Quân Khu II Pleiku về, nên chị đeo mấy cái vòng đồng, và khoác bên ngoài một chiếc áo thổ cẩm Ra Đê.

Tôi chỉ đứng nhìn chị thôi, không thể len vào khả năng chị được, kể cả thơ, vì chị cũng là thi sĩ, với tập thơ đầu tiên, tên sách là “Lang Thang” Chị ngó tôi, đôi mắt sáng nhưng mơ hồ ánh lửa rừng xa.

Sau một thời gian ra các chiến trường miền Nam, chị lại xuất ngoại. Có một thời chị mang quốc tịch Anh.

Tôi không có dịp gặp chị nữa …

Nhưng tôi vẫn có tin tức của chị qua vị họa sĩ tên Văn Thanh, khi vị họa sĩ này tới Câu Lạc Bộ Dưỡng Sinh học thể dục Dưỡng Sinh, mà tôi là một trong những huấn luyện viên hướng dẫn cho học viên đến tập thể dục đó.

Họa sĩ Văn Thanh còn dặn chừng tôi, là đi được Hoa Kỳ thì tìm gặp chị, cho ông gởi lời thăm và lời chúc phúc sức khỏe chị…

Tới khi qua được Hoa Kỳ theo diện tị nạn, tôi thỉnh thoảng gặp nữ sĩ Mình Đức Hoài Trinh qua sinh hoạt Văn Bút VNHN.

Chị với tôi có hơi thân một chút, nhưng tôi vẫn xem chị như “tiền bối ” về niên tuế và tài năng.

Chị có nhiều tài riêng hơn hẳn quý vị cùng thời, cùng sinh hoạt văn hoá văn nghệ ở những vùng đất mà chị vẫn gọi là đã và đang lang thang …

Nữ sĩ Mình Đức Hoài Trinh luôn giữ thái độ chững chạc, nhân diện nghiêm trang, dung nhan xa vắng …

Phu quân chị là một mẫu người hết sức phẩm cách, tôn trọng quý mến bạn đời, song không đánh mất “cái tôi” của ông.

Những ngày tháng sau cùng, phu quân chị Mình Đức Hoài Trinh, tức nhà văn Nguyễn Quang chăm sóc chị thật tỉ mỉ, từ nấu nướng đến cơm ăn, áo mặc… ông đều lo như một người mẹ lo cho con vậy.

Cả tháng nay tôi rất buồn, rất bận, rất bịnh, nhưng tôi vẫn nghĩ tới những ngày mùa xuân sẽ không còn tươi thắm với bất cứ ai nơi cõi đời này… khi được gọi là người luống tuổi.

Tôi vẫn nhớ những lời tôi hẹn với anh chị Nguyễn Quang, Mình Đức Hoài Trinh, là sẽ thu xếp để xuống nhà anh chị thăm, rong chơi một ngày thật trọn vẹn.

Tôi cứ hẹn, dù biết mình sẽ không phải quên, mà chưa tới được …

Tại sao chúng ta dư biết ngày tháng với người già, người bệnh không là chuỗi thời gian vô vị, đến nỗi ta cố để nó thất thoát từ từ…không biết tiếc rẻ gì cả.

Anh bảo biết chuỗi thời gian đó thất thoát mất, thì phải trân trọng, nâng niu …dù anh “độc đoán” tới đâu, mình text cho anh trong nỗi tuyệt vọng rằng:

“Khi nghe tin nữ sĩ Mình Đức Hoài Trinh mệnh chung, mình thấy mùa xuân không còn nán lại đợi chờ…”

Và chị Minh Đức Hoài Trinh có bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, mình rất thích: “Đừng Bỏ Em Một Mình”.

Mình đã dùng lời này, để thay cho câu kết bài gởi anh hôm nay, đồng thời mình sẽ không… lang thang nữa, mình đi tìm một cái mốc để dừng lại…  ./.

CAO MỴ NHÂN


source: www.tvvn.org>


===============