Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

bài đọc thêm (2) : tạp chí Văn Học & Phan Kim Thịnh / bài viết : Lê Văn Nghĩa -- trích : blog Virgil Gheorghiu ( 31 /12/ 2020 )

 

THỨ NĂM, 31 THÁNG 12, 2020

Tạp chí 'Văn học' & Phan Kim Thịnh / Lê Văn Nghĩa -- nguồn : Văn học Sài Gòn 1954- 1975 Những chuyện bên lề / Nxb Tổng hợp Tp. HCM, quý 4/ 2020

 


          TẠP CHÍ VĂN HỌC & PHAN KIM THỊNH


                              Lê Văn Nghĩa


lời bàn Đường Bá Bổn


   Phan Kim Thịnh dẫn tác giả Lê Văn Nghĩa đến gặp tôi, hình như vào cuối tháng 11/ 2019. 

Sau đó, chúng tôi thường la cà trong những lần cà-phê, cà-pháo bàn chuyện văn chương Đông Tây Kim Cổ,  nước trong & nước ngoài; trừ chuyện thời sự " chính chị, chính em 'quốc nội, quốc tế". 

  Nói vui:" chuyện nước đã có người lo, việc gì  anh phải lo ngày, lo đêm".

Phan Kim Thịnh và tôi đã vào tuổi trên 80 , tôi  89, Thịnh 85 -- riêng Lê Văn  Nghĩa trẻ nhất đã gần kề 70.

Tháng 10/ 2020, lại gặp nhau ở Restaurant  Sông Phố --  tác giả Lê Văn Nghĩa tặng cuốn VĂN HỌC SÀI GÒN 1954- 1975 / NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ dày cộm gần 500 trang (chính xác 480 tr.)  với lời ghi :

" Kính tặng lão đại ca nhà văn Thế Phong với lòng yêu quý / 10/2020  " (ký tên)

(tôi cầm sách nặng trịch, về nhà đọc mải miết,  quả thực " giá trị văn chương nặng trịch , thật đáng nể phục !")

Không chỉ qua lời ghi tặng, còn  nhấn mạ nh ở Lời tri ân của tác giả: 

" ... Xin được cảm ơn lão đại ca Thế Phong, Phan Kim Thịnh, các văn hữu Huỳnh Như Phương, Trần Văn Chánh, Phạm Chu Sa, A.Nhân Quất ... đã khuyến khích giúp đỡ, tạo điều kiện để tôi có thể hoàn thành quyển sách này " ...  ( Lời tri ân tác  giả / tr. 2 ).

Bật nhớ trong trí tôi,  2 từ đại ca  tập thơ Mưa Nguồn (*) Bùi Giáng đề tặng 2 người / 1 cuốn  :" ...  trao nương tử Ý Nhi và đại ca Thế Phong".

-------

(*) -   Ý Nhi tái bản  thơ của một tác giả ở Miền Nam [Việt Nam Cộng Hòa].  (Bt)


 Cứ làm như 2  người  chỉ có  2 cẳng, 1 đầu tóc ngắn + tóc dài, 1 miệng (2 giọng nam nữ gộp chung )...

 Ý Nhi là  chủ xị tái bản tập thơ, thôi thì  nhường đại ca  (sước danh)  Thằng Phải Gió đọc cuốn có chữ ký tác giả.   ./.


 31 - 12 -2020 / 4 h PM

ĐƯỜNG BÁ BỔN


Sau năm 1975, có dịp gặp một vài người bạn từ Hà Nội vào. ngồi hàn huyên bên quán cà phê cóc ở con đường sách Cá Hấp (Đặng Thị Nhu). Khi chém gió về văn học tiền chiến, nhiều bạn ngạc nhiên  bảo: "Ơ, trong này anh cũng thuộc thơ Quang Dũng, Hoàng Cầm, cũng biết Lão Hạc, Chí Phèo nữa cơ à? Mấy em làm như tụi ở trong Sài Gòn này "vô văn học" chỉ biết đọc truyện khiêu dâm không vậy? Một vài em gái nhỏ nhẹ, nhún vai ra chiều "eo ơi". " Eo ơi, em gái có biết không cũng có học chút ít ở sách" giáo pha" nhưng chủ yếu là học sinh tụi anh "chủ động" (phải dùng từ mới học thời này cho nó có vẻ cách mạng nhưng với ý khác) đọc ở tạp chí Văn học.

Ơ, trong này mà cũng có tạp chí Văn học nữa à? Có chứ, Văn gì cũng có tuốt. Tôi phịa thêm ra ngoài ra còn có Văn, có thêm Văn vẻ, Văn chương, Nhà văn, Văn nhân, Văn lang, Văng bu-lông, Văng bún ốc, Văn miểng, Văn lựu đạn ... Dù rằng tám chơi cho có vẻ là thông kim bác cổ nhưng thực ra những kiến thức văn học, về văn thi sĩ tiền chiến, đọc được trong bộ Sống mòn của Nam Cao, sinh viên Vạn Hạnh diễn kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm, thuộc lòng Tấy tiến, Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng  mà thằng tôi thu lượm được là nhờ vào tạp chí Văn học của bác Phan Kim Thịnh. Ôi bác Thịnh ơi ... Em cám ơn bác nha nha ...

Nếu như Bách khoa là một tạp chí sống dai nhất thì phải công nhận  - không cần xác lập kỷ lục - thì tạp chí Văn học của bác Thịnh sống thuộc loại dai nhì mà không cần nhằn nha. (Nhưng bác Thịnh lại sống dai hơn bác Lê Ngộ Châu - bây giờ vẫn còn xách gậy đi uống cà phê với tôi). Xuất hiện từ cuối năm 1962 và tồn tại đến năm 1975, dù không nhận được một đồng tài trợ nào của nhà nước cũng như tờ Bách khoa. Những tờ như Sáng tạo (của Mai Thảo) 31 số chết, rồi năm 60 lại ra tiếp, rồi chết tiếp. Hiện đại đến 9 số chết queo ... vì không còn tiền trợ cấp. Trong số Văn học xuân Ất Mão năm 75 Nguyên Sa " đúc rút"; " Một tờ báo sống được trên 10 năm là một hiện tượng cũng so sánh với đời người. Tạp chí thọ được trên 10 năm cũng như đời người sống trên trăm tuổi. Hiếm lắm. Tôi đã làm cho những tờ báo chết lẹ, tôi biết rõ những điều đó. Tờ Sáng tạo được độ 4 năm, tờ Gió mới khoảng 5 năm nhưng 5 năm đó có những lúc đã tan rồi lại được giải phẫu hồi sinh. Hiện đại vỏn vẹn có 9 tháng là chê cuộc đời văn nghệ bỏ đi luôn không hẹn ngày tái ngộ. Hiện nay chỉ có 3 tờ tạp chì đạt kỷ lục trên 10 năm là ông Bách khoa, ông văn và ông văn học; trong 3 ông này ông Bách khoa là niên trưởng, ông Văn học hàng nhì, ông Văn trẻ nhất trong số 3 tay kỳ cựu". (tr.24).

Hai năm đầu, tạp chí được phát hành mỗi tháng một kỳ, sau đó, đến 9/1964 đổi thành bán nguyệt san, phát hánh mỗi nửa tháng một kỳ (kể từ số 21). Trong thời gian đầu, Văn học có tham vọng rất lớn đã ghi rõ ngoài bìa không cần tranh cãi: Bán nguyệt san văn hóa xã hội chánh trị. Chủ nhiệm Phan Kim Thịnh. Chủ bút Dương Thứ Lang. Tiền bạc, ngân phiếu gửi cho Phan Kim Thịnh.

Chủ nhiệm đứng tên là Phan Kim Thịnh, nhưng chủ bút thì thay đổi 3 lần. Ba năm đầu (1/11/1962 - 1/1/ 1965, chủ bút là Dương Kiền ( Dương Thứ Lang), sau đó chủ bút là Phan Kim Thịnh. Tiếp đến vào năm 1966 là Nguyễn Đình Toàn(từ số 63 ngày 1/9/1966 đến số 69 ngày 15/11/1966). Sau đó vai trò chủ bút lại được giao lại cho Phan Kim Thịnh.

Tạp chí Văn học ra đời do ý tốt của ông Trần Kim Tuyến muốn giúp cho ông Phan Kim Thịnh một con đường sinh sống sau khi ông Tuyến rời khỏi Sở Nghiên cứu Chính trị. Trần Kim Tuyến là ông trùm vô danh - không chức vụ gì cao trong chính phủ, chỉ là một giám đốc nhưng là người có quyền đề bạt lên Tổng thống Ngô Đình Diệm những ông tỉnh trưởng, bộ trưởng, trung đoàn trưởng ...

Do có người quen giới thiệu nên ông Phan Kim Thịnh  được ông Trần Kim Tuyến nhận vào làm nhân viên của Sở, được biệt phái sang làm thư ký hành chánh cho tờ Quê hương. Công việc của ông Thịnh tại tờ Quê hương là nhận bài, giao bài của các tác giả, bạn đọc gửi đến cho Lý Hoàng Phong (Đoàn Tường - anh củ thi sĩ Quách Thoại) rồi giao nhuận bút, nhận quảng cáo ... Khoảng năm 1962, ông Trần Kim Tuyến biết mình bị thất sủng, nên bảo ông Thịnh làm một tờ báo gì đó để sống, chứ không nên làm ở Sở Nghiên cứu Chính trị nữa. Với kinh nghiệm làm "tà lọt" cho Lý Hoàng Phong ở tờ Quê hương, ông Thịnh bèn xin được làm một tờ tạp chí. Với lá thư tay của ông Tuyến gửi Giám đốc Nha Xổ số kiến thiết đề nghị trợ giúp quảng cáo cho tờ tạp chí sắp ra đời mang tên Văn học cả năm.

Khi có giấy phép rồi, Phan Kim Thịnh nhờ bạn mình là Dương Kiền (lúc đó là sinh viên Luật) đứng tên làm chủ bú và thực hiện nội dung. Trong 2 năm này, tạp chí Văn học có đăng nhiều bài liên quan đến sinh viên như "Vài tâm trạng nghịch thường của thanh niên trước những giá trị xã hội"(Dương Nhất Nhân - số 1),"Sinh viên và lãnh đạo "(Quan điểm, số 2), "Chính sách sinh viên" (Quan điểm- số 3), " Cái nhìn của người sinh viên"(Nguyễn Vũ- số 4), "Dân chủ hoá nền đại học"(Quan điểm - số 5), "Chỉ huy hay hướng dẫn" (Quan điểm - số 6) hay mỗi số có mục' Vấn dề của chúng ta', ví dụ bài trả lời ông Nguyễn Đăng Thục, Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn của Văn học (số 4), 'Nhân các kỳ thi': " Đặt lại vấn đề nguyên tắc" (số 6) v.v. ...

Tờ Văn học lúc đó đi theo khuynh hướng của Sáng tạo, Hiện đại, Quan điểm - nghĩa là đất cho những tài năng văn học cày xới. Ngay từ số 3, người đọc thấy bài viết của những nhà văn như Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Vũ Bằng, Nhật Tiến, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo , Nguyễn Đình Toàn, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Đinh Hùng. Thanh Lãng, Nguyên Sa. Rồi bắt đầu có mặt trên văn học những cậy viết mới, trẻ: Luân Hoán, Cao Thoại Châu, Thành Tôn, Hoàng Lộc, Chu Tân, Trần Dzạ Lữ, Đynh Hoàng Sa, Trần Quang Long, Phan Duy nhân, Nguyễn Nho Nhượng, Sâm Thương, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn văn Bổn(Tần Hoài Dạ Vũ), Lê Đình Phạm Phú, Thái Ngọc San, Phan Nhự Thức, Võ Quê, Khắc Minh, Trần Hoài Thư, Lê Nghiêm Vũ, Trần Hữu Nghiễm ... Đến năm 1965, Dương Kiền nghỉ làm chủ bút vì đã trở thành luật sư không thể đứng tên làm một tờ báo và bị gọi đi nhập ngũ sĩ quan Thủ Đức nên Phan Kim Thịnh đảm nhiệm công việc chủ bút từ năm 1963 đến 1965 rồi sau đó bàn giao lại cho Nguyễn Đình Toàn.

Tạp chí Văn học xuất bản ngày 1 tháng 11 năm 1962 đến số 72 ngày 1 tháng 5 năm 1967(khổ lớn 15x25) và số 73 ngày 1 tháng 6 năm 1967 đến số 86 ngày 1 tháng 1 năm 1969 (khổ nhỏ (14x20). Dù ở khổ nào, từ số 1 đến số 86, tạp chí tên Văn học nhưng lại đề cập nhiều đến những vấn đề văn hóa, chính trị, xã hội.  Văn học từ số 87 (từ tháng 3 năm 1969 có khổ nhỏ (14x20) vế sau thục hiện những chủ đề liên quan đến văn học dân gian, văn học quốc tế, giới thiệu văn thơ của những văn thi sĩ tiền chiến và hiện đại. Chính từ khi chuyển hướng "chiến lược" tạp chí Văn học mới có chỗ đứng vững chãi trong dòng văn chương Sài Gòn như nhận định của nhà thơ Nguyên Sa :"Khai thác kho tàng văn chương tiền chiến, từ tác phẩm cho đến những bài biên khảo về cuộc đời sáng tác và sự nghiệp của các nhà văn tiền chiến mà đa số còn ở lại miền Bắc". Thí dụ như những số có chuyên đề về "Hoàng Cấm - nhà thơ kháng chiến" (số 41),"Văn Cao: nghệ sĩ đa tài"(số 115), "Vũ Trọng Phụng, dứt tình với làng văn" . (số 94).

Ông Phan Kim Thịnh đã nói với tôi (LVN) phải chuyển hướng tờ báo và nếu tờ báo chỉ là nơi để các nhà văn đăng sáng tác thì trước sau gi Văn học cũng chết như những tờ tạp chí trước đó. Ông nói:" Tôi nghĩ là phải làm một tờ tạp chí chuyên tập trung về những nhà văn tiền chiến, thỉnh thoảng có những số đăng tập trung sáng tác của những nhà văn hiện đại. Tôi nghĩ ra chủ đề rồi nhờ sự góp ý của nhà văn Vũ Bằng chủ đề này nên đặt ai viết bài, chủ đề khác thì ai biết rõ hơn v.v... vì ông biết nhiều về các nhà văn cùng thời đã di cư vào nam. Ông Vũ Bằng thường xuyên đến chơi và ngồi ở tòa soạn Văn học như người của tờ tạp chí này.

Phải nói rằng Văn học từ tạp chí đến giai phẩm vẫn sống phà phà là nhờ vào tài lèo lái của Phan Kim Thịnh. Văn hữu chỉ biết là ông hay gọi điện thoại đặt bài, đi lấy quảng cáo, chạy mua giấy; thi thoảng mới có viết một bài nên đã hiểu lầm về vai trò của ông ở tờ Văn học, cứ tưởng ông cũng là "tiểu đồng" như thời ở tạp chí Quê hương. Nguyên Sa đã viết về Phan Kim Thịnh như sau: "Tôi nghĩ rằng cái bí quyết làm cho tờ Văn học sống lâu là nhờ sự kiên nhẫn, sự chịu khó của Phan Kim Thịnh. Nhưng không phải chỉ do 2 yếu tố đó. Kiên nhẫn và chịu khó là bề mặt. Ở chiều sâu, cái động lực mang lại sinh khí bền vững cho tờ báo là sự chung thủy với bạn hữu và sự tin tưởng yêu mến văn chương một cách say mê của ông Phan Kim Thịnh. Ông Thịnh này có nhiều đổi thay. Tôi nhớ mười mấy năm trước ông ấy có da có thịt, bây giờ gầy. Lúc trước không để râu, một lúc lâu dài rất rậm rạp, bây giờ chút ria lún phún, có vẻ tài tử Charles Bronson. Ông Thịnh không có nhiều tiền vì tờ báo của ông cũng vất vả, chẳng thể sớm tiệc nhỏ, chiều tiệc lớn với anh em, nhưng niềm chân tình trước sau như nhất của Phan Kim Thịnh với anh em thấy có vài điều.  Thái độ của tờ Văn học đối với Dương Kiền mới đây chẳng hạn là một thái độ đẹp. Nhà viết kịch họ Dương trước kia có lúc là một cây bút trụ cột của Văn học. Đã nhiều năm cuộc dời đưa đẩy ông đi xa. Mấy tháng trước ông gặp hoạn nạn, Văn học dõng dạc cất tiếng. Thế là phải. Tôi có những năm viết cho Văn học, nhiều năm lắm nghỉ viết. Tôi không có thói que ghé thăm một tờ báo nào một cách đều đều cả.  Thỉnh thoảng ông Thịnh ghé lại chơi ôm theo một chồng Văn học để thân tặng. Cái khoảng cách có khi 3 tháng, 6 tháng hay một năm, mà ông chủ báo này kỹ lưỡng chí tình lần nào tới cũng mang lại biếu đủ những số chưa biếu. Tôi không thể căn cứ vào dữ kiện này mà nhận định tổng quát hàm hồ về cá tính của bất cứ ai. Có người hiện ra dễ thương với người này nhưng lại dễ ghét với người khác. Nhưng với tôi họ Phan thường để lại những cảm tình tốt đẹp. Hơn cả tình cảm tốt đẹp đến từ cách xử thế, sự tha thứ thiết của Phan Kim Thịnh với văn chương làm cho ông chủ báo này giữ được tờ báo sống lâu. Trực giác  bén nhạy của ông Phan Kim Thịnh cho ông thấy rằng tài liệu văn chương phong phú của dân tộc này bị phân tán  nhiều vì tình trạng chiến tranh và tình trạng đất nước qua phân và những người mới lớn lên cần đến lớp nhựa bắt nguồn từ lòng đất sâu đó.  Văn học bởi thế đi thẳng vào con đường cống hiến thường xuyên cho người đọc những tài liệu quý giá về văn chương mà ngành xuất bản không khai thác tới rồi dựa trên yếu tố này làm gắn bó độc giả, giúp cho tờ báo sống sống được dùng phần đất còn lại của tờ báo cho các cây viết sáng tác có chỗ thi thố tài năng.  Phương pháp làm báo này cũng như mọi kiểu làm báo bao giờ cũng có người khen, người chê, nhưng sự tồn tại của tờ báo là dấu hiệu của sự chấp nhận của người đọc đối với công thức Văn học. Công thức đó trở thành quen thuộc đến nỗi khi có ai muốn khai thác tài liệu nhằm cung cấp cho người đọc cái kho tàng văn chương tiền chiến cũng như cuộc đời tác phẩm của các nhà văn hiện đại người ta liền nhận thấy ngay đó là làm theo " kiểu Văn học" ( Văn học - Xuân 1975, tr. 25).


 Thời gian làm tờ Văn học, ông Thịnh không phải là Lý Nhân viết sách về Sài Gòn xưa, như bây giờ. Ông không viết văn mà chỉ tổ chức cho các nhà văn khác viết theo chủ đề tờ báo do mình soạn ra rồi quản lý và điều hành. Biết đâu được nếu ông là nhà văn thì sẽ không có tờ Văn học vì nhà văn chỉ là người viết chứ không phải là người quản lý và trị sự. Mà để một tờ tạp chí văn học sống còn là phải nhờ tài quản lý chuyên nghiệp nhiều hơn tài viết. Chẳng hạn như xin"bông giấy" nhiều hơn số lượng in rồi đổi lấy giấy với mấy chú Ba Tàu mà không phải tốn tiền mua giấy. (*) 

---------

(*) - " Bông cung cấp giấy cho báo"  bắt đầu từ thời Tổng trưởng Thông tin & Tuyên truyền  Phạm Xuân Thái ( khoảng tháng 5/ 1955 bàn giao bộ cho tân tổng trưởng Trần Chánh Thành -- Nội các Thủ tướng Ngô Đình Diệm liên hiệp với các đảng phái Cao Đài, Hòa Hảo ... ).  ": Đề xuất cấp  Bông giấy cho các báo ( số lượng nhiều hơn báo xuất bản )  cấp phát đầu tiên cho nhật báo Ngôn Luận ( báo chính quyền cấp giấy phép & tài trợ) ) do Công cán Ủy viên Bộ Thông tin Nguyễn Ngọc Tú (dịch giả Ngọc Thứ Lang sau này) đề xuất.  (Bt)


Quen biết với những ngân hàng, nhà máy thuốc lá để lấy quảng cáo ...  Điều này chính nhà thơ Nguyên Sa đã cay đắng và hùng dũng thừa nhận không chút ... mặc cảm!

Mà quên nữa, ông không chỉ là chủ nhiệm tạp chí Văn học mà còn là "sếp" các tạp chí Nhân văn, Báo mới, Bưu hoa. Đáng chú ý là tạp chí Nhân văn với những tác phẩm" Vài ngày làm việc ở Chung sự vụ  & Một mình một ngựa của Nguyên Sa, Nhà văn lắm chuyện của Vũ Bằng...


Lê Văn Nghĩa

(tr.  328 -  335 Văn học Sài Gòn 1954- 1975- Những chuyện bên lề )


trích  :  blog Virgil Gheorghiu (31/ 12/ 2020)


=============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ