Viết về chủ nhiệm tạp chí Bách Khoa tôi lại nhớ đến anh Phan Kim Thịnh-người chủ trương tạp chí Văn Học.Tạp chí này đầu tiên là dành đất cho Sinh Viên Học Sinh SàiGòn như một bài viết của Trần Hoài Thư mà tôi xin trích 2 đoạn như sau:
“Văn Học được ra đời do một số người trẻ nhập cuộc. Họ là những học sinh, sinh viên của các trường Trung học, Đại học trên toàn quốc, và một số đang du học tại ngoại quốc nhưng đã cùng nhau chung một lý tưởng thực hiện một tờ tạp chí nghiên cứu và phê bình về văn hóa và chính trị để làm diễn đàn chung cho những thanh niên tự do tại Miền Nam.
Số đầu tiến phát hành vào tháng 11- 1962 trong thời Đệ nhất Cọng Hòa, và số cuối cùng là số Mùa Xuân 75, kéo dài được 13 năm – số tuổi xem như rất thọ so với các tạp chí văn học miền nam khác , ngoại trừ chỉ sau tạp chí Bách Khoa. Từ số 1 đến số 72 (1-5-67), khổ báo khổ lớn (15×25 cm). Từ số 73 đến số cuối cùng khổ giấy loại nhỏ (14×20 cm).
Hai năm đầu, báo được phát hành mỗt tháng một kỳ, sau đó, báo đổi thành bán nguyệt san, phát hành mỗi nửa tháng một kỳ (kể từ số 21).
Chủ nhiệm đứng tên là Phan Kim Thịnh, nhưng chủ bút thì thay đổi ba lần. Hai năm đầu (1961-1963), chủ bút là Dương Kiền, sau đó chủ bút là Phan Kim Thịnh. Tiếp đến vào năm 1966 là Nguyễn Đình Toàn (từ số 63 ngày 1-9-66 đến số 69 ngày 15-11-66). Sau đó vai trò chủ bút lại được giao lại cho Phan Kim Thịnh.
Hai năm đầu (từ số 1 đến số 20), tạp chí nhắm vào thành phần thanh niên sinh viên như tiêu đề trên bìa của tạp chí: Nguyệt san văn hóa xã hội nghệ thuật. Diễn đàn sinh viên Việt Nam tự do.Mỗi số báo đều có mục liên quan đến sinh viên như Sinh Hoạt Sinh Viên do Trần văn Ngô, Phương Khanh, Hà Thanh phụ trách… Cọng thêm vào những bài viết liên quan đến những vấn đề của sinh viên như “vài tâm trạng nghịch thường của thanh niên trước những giá trị xã hội (Dương Nhất Nhân – số 1), Sinh Viên và trí thức lảnh đạo (Quan điểm, số 2), Chính sách sinh viên (Quan điểm, số 3), cái nhìn của người sinh viên (Nguyễn Vũ, số 4),. Dân chủ hóa nền đại học (Quan điểm, số 5), Chỉ huy hay hướng dẫn (Quan điểm, số 6) hay mỗi số có mục Vấn Đề của chúng ta ví dụ: Bài trả lời ông Nguyễn Đăng Thục, Khoa trưởng đãi học văn khoa SG của Văn Học(số 4), Nhân các kỳ thi: Đặt lại vấn đề nguyên tắc (số 6) v.v….
Sau số 20, tiêu đề Diễn đàn sinh viên Việt Nam tự do được lấy ra, và nội dung Văn học có tinh cách khai phóng hơn, ảnh hưởng nhiều bởi thời sự. Sau 1965 chiến cuộc càng lúc càng leo thang, những người cọng tác viên trẻ phải vào quân ngũ, hay xa Saigon, để lại một khoảng trống lớn cho Văn Học. Cọng vào sắc luật 007 đã khiến chủ trương của Văn Học từ một tờ báo chính trị văn học đổi sang một tờ báo thuần túy văn học kể từ năm 1968…”
Và:
“Ngày từ số 3, ta thấy những nhà văn như Võ Phiến, Dương Nghiễm Mâu. Vũ Bằng, Nhật Tiến, Nguyễn thị Vinh, Linh Bảo, Nguyễn Đình Toàn, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Đinh Hùng, Thanh Lãng, Nguyên Sa bắt đầu có mặt trên Văn Học cọng thêm vào lực lượng chủ chốt của Văn Học như Viêm Đẩu, Nguyễn Hữu Dung, Thế Viên, Hoàng Vũ. Lê Đôn Khoan, Vương trân Nam, Dương Cự, Dương Kiền, Vương Thanh, Nguyễn Đông Ngạc , Trần Triệu Luật, Lôi Tam… Một tên tuổi cọng tác rất tích cực và thường xuyên ngay từ số đầu chuyên về lĩnh vực dịch thuật cũng như lãnh vực nghiên cứu văn học là Bác sĩ Hoàng văn Đức, tức Hoàng Vũ Đức Vân.
Kể từ năm 1964 trở đi, độc giả thấy sự góp mặt tích cực của những cây bút trẻ miền Trung hay những người mới cọng tác với VH lần đầu. Số lượng này càng lúc càng đông đảo: Luân Hoán, Cao Thoại Châu, Thành Tôn, Hoàng Lộc, Chu Tân, Trần Dzạ Lữ, Đynh Hoàng Sa, Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Nguyễn Nho Nhượng, Sâm Thương, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ), Lê Đình Phạm Phú, Thái Ngọc San, Phan Nhự Thức, Võ Quê, Khắc Minh, Trần Hoài Thư, Lê Nghiêm Vũ, Trần Hữu Nghiễm…”
Thực hiện được một tạp chí văn nghệ, văn học kéo dài tới 13 năm ( 1962-1975) như thế là một kỳ công, đáng nể.Trước tiên là vợ chồng anh Phan Kim Thịnh sau đó là Dương Kiền, Nguyễn Đình Toàn.Tôi có duyên với Văn Học từ khi còn mài đũng quần ở ghế nhà trường.Hồi ấy chỉ liên lạc với báo qua Bưu Điện.Gửi bài thơ đầu tiên là tôi được đăng ngay.Số Văn Học ấy để ở nhà chị tôi đã thất lạc.Tôi chỉ nhớ mấy câu:
Đời một lần năng rưng/ Rồi hoàng hôn bằn bặt/Tôi một lần yêu em/Rồi xa nhau mãi mãi…( 1964).Năm 1965 tôi đăng bài thơ trên Văn Học khiến bạn đọc giật mình:
NHỚ NHẤT LINH
Người đi theo bóng thiên thu
Bỏ đây năm tháng sa mù nhân gian
Nhớ thương chim khóc trên ngàn
Nước ngơ đất ngẩn trời mang mang sầu
Trần Dzạ Lữ
Bài này đăng trên Văn Học số 41 năm 1965.Cũng vì mê Tự Lực Văn Đoàn và mê bài thơ này mà nhà văn Trần Hữu Ngư đã đi tìm tôi đến gần 50 năm mới gặp( 2017)…Tôi vô vùng cảm động Và thân thiết như từ kiếp nào.( nghe anh THN kể thì anh thích bài thơ này hồi còn học trung học ở Bình Tuy và có biết bài thơ của tôi được được SVHS SàiGòn viết lên “băng rôn” khi tưởng niệm nhà văn Nhất Linh.)
Đăng thơ từ 1964 cho đến năm 1973 tôi mới có dịp diện kiến anh chị Phan Kim Thịnh ở làng Báo Chí Thủ Đức.Lúc ấy cũng gặp và quen biết nhà thơ Du Tử Lê khi bước chân vào SàiGòn.Giữa năm 1974 tôi bị thương ra loại 2 chờ giải ngũ.Đây là dịp tôi có điều kiện gặp gỡ anh chị em văn nghệ SG.Lúc này tôi và nhà thơ Lê Vĩnh Thọ phụ giúp anh chị Phan Kim Thịnh tờ văn học.Chính lúc này tôi mới thấy chị Phương Khanh( vợ anh Phan Kim Thịnh) là một người đàn bà giỏi giang lạ vừa chăm sóc tờ báo cùng chồng vừa là nội tướng tuyệt vời.Suốt đời lang bạt kỳ hồ, đây là những ngày tháng tôi được ăn ngon nhất do chính bàn tay chị nấu.
Thời gian này, phụ giúp anh Phan Kim Thịnh ra số chủ đề về miền Trung.Trong đó tôi có bài viết giới thiệu 2 cây bút trẻ tài hoa và cá tính là Vô Ưu và Quyên Ca.Báo in nửa chừng thì có ngày 30.4.75…Thế là hết! Tiếc thay !
Tan đàn xẻ nghé.Tôi phải làm thơ đụng.Đụng đâu làm đó để kiếm sống.Chủ nhiệm tờ Văn Học cũng có hơn gì tôi.Vẫn phải xoay chuyển để mưu sinh. Mỗi người một số phận phải cưu mang nên sự gặp gỡ là điều hiếm hoi.Năm 1990, nhờ đổi mới mà tôi cũng có thi hứng trở lại và cũng được biết anh Phan Kim Thịnh ( người có nhiều tư liệu ) để viết bài cho nhiều tờ báo , kiếm sống…Hiện nay ,anh ấy dù tuổi cao nhưng đam mê viết lách vẫn như một dòng chảy không ngơi nghỉ.Chị Phương Khanh đã qua đời, tôi cũng không được biết để tiễn đưa chị đến nơi an nghỉ cuối cùng…Thôi đành kính mến trong lòng vậy.Lòng tôi vui khi thấy chủ bút Văn Học Phan Kim Thịnh giờ này còn ngồi trước computer.
Hình 1: Chủ bút Văn Học Phan Kim Thịnh
Hình 2 và 3: Thơ Trần Dzạ Lữ
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ