Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

bài đọc thêm: Hoài Khanh, Sài Gòn buổi ấy lạc nhau ... / bài viết: Viên Linh -- source: www.nguoi-viet.com >

Hoài Khanh, Sài Gòn buổi ấy lạc nhau…


Viên Linh
Sài Gòn buổi ấy lạc nhau
Là thôi nước chảy qua cầu nước trôi.
Hai câu thơ trên là hai câu cuối cùng trong tập Lục Bát của Hoài Khanh kỳ in lần thứ ba, 2009, với bài tựa của Tuệ Sỹ, trong đó “có bổ sung một số bài thơ mới” chưa in trong những lần trước, trong có bài thơ nhan đề “Sài Gòn buổi ấy lạc nhau,” một trong những bài thơ khá dài của Hoài Khanh (1933-23 tháng 3.2016), bài thơ ấy rất cụ thể, hầu như ra ngoài dòng thơ lãng đãng mơ hồ của anh, kể từ thi phẩm đầu tay in năm 1957: Dâng Rừng. Rất ít khi người ta thấy Hoài Khanh cụ thể, mà bài này sự việc rất rõ ràng: “Một hôm trở lại Vũng Tàu…”
Nhà thơ Hoài Khanh. (1933- 23.3.2016)
Quả có thế. Anh nhắc lại cuộc tái ngộ với một thiếu phụ: “em tôi,” Anh Trâm. Anh cầm tay nàng, nhưng nàng “lặng lẽ rút tay” ra, “dường như muốn nói ‘từ đây hết rồi.’” Nàng đi đâu? Có lẽ là tới một đất nước xa xôi miền lạnh giá “băng tuyết dập vùi biết đâu.” Tôi thích bài thơ này cho dù kể ngược lại quá khứ tôi đã đọc thơ bạn từ năm 1957, trước khi những bài này được in ra trong tập Dâng Rừng, tập thơ do một trong những người bạn khác của tôi vẽ bìa: Phạm Hoán. Hoài Khanh không quen Phạm Hoán, ít người biết tới cái tên này, nhưng đó là em ruột họa sĩ Phạm Tăng, người vẽ tranh minh họa cho các báo Tự Do của nhóm chủ trương “Tam Lang Mặc Đỗ Đinh Hùng Như Phong Mặc Thu,” và báo Bách Khoa của Huỳnh Văn Lang thời mới sáng lập, 1957, với Nguiễn Ngu Í trông coi phần sinh hoạt văn nghệ. Khi Phạm Tăng được học bổng đi tu nghiệp hội họa ở Ý (và không bao giờ trở về) thì Phạm Hoán được mời thay thế anh ở Bách Khoa, nhưng đã từ khước. Cho nên khi nghe tin Hoài Khanh nằm xuống ở tuổi 82, 83 vào tháng trước, trí nhớ tôi lại mơ hồ hiện dần lên những hình ảnh quá khứ ở một vùng có Hoài Khanh: vùng mấy con phố Võ Tánh, đường Gia Long, hẻm Phát Diệm, nơi nhà bà mẹ của Mặc Lan Giao (sau dùng tên thật là Nguyễn Thụy Long), mà đi về phía Trần Hưng Đạo thì sẽ tới nhà in và trụ sở báo Cách Mạng Quốc Gia của nhà nước – nơi đặt luôn tòa soạn tờ báo Văn Nghệ Học Sinh – tôi không viết cho hai tờ này mà làm cho hai tờ khác, nhật báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong; thư ký tòa soạn Giang Tân của Văn Nghệ Tiền Phong lại cũng là thư ký tòa soạn của Văn Nghệ Học Sinh. Đã làm báo người lớn không ai thèm viết cho báo con nít nữa, cho dù có trả nhuận bút. Mà báo con nít thì làm sao mà có nhuận bút.
Nhớ đến Hoài Khanh là “hai mươi thời của tuổi trẻ” hiện về trong tâm trí, mà thật sự những năm 1955-1957 là thời tuổi trẻ của tôi, những chập chững vào đời và lui tới những địa chỉ văn nghệ, và những ngõ hẻm Sài Gòn, Chí Hòa, Khánh Hội, Xóm Lách,… nơi trú ngụ của các bạn trẻ, còn là học sinh, sinh viên. Những tên tuổi hồi ấy, dù chỉ mới là tác giả năm ba bài thơ, một hai truyện ngắn, “xa gần” đều biết nhau. Còn nhớ những Chế Vũ, Mặc Tưởng, Thanh Việt Thanh, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt một phía, phía khác có Tạ Ký, Thế Viên, Châu Trị, Y Dịch, Hoài Nam, Huy Phương, Hải Phương, Đinh Cường, có bốn năm người tôi đều gặp ở Xóm Lách Yên Đổ, Bến Tắm Ngựa. Chẳng hạn Đinh Cường lúc nào cũng tươm tất, cái phòng nhỏ vuông vắn của anh phải leo lên một cái thang ngắn vì nó ở trên gác, nhỏ thế mà có một cái bàn và 4 cái ghế đẩu sáng bóng, cho bốn cô nữ sinh tới học vẽ. Anh ở đầu xóm gần đường Công Lý, tôi ở cuối xóm. Từ cuối xóm có con rạch chảy vòng cắt ngang đường Công Lý qua bên kia khu Yên Đổ, vì thế có cầu Công Lý để con rạch chảy thong dong phía dưới. Bên tay phải con rạch một quãng sau này mọc lên một ngôi chùa uy nghi bề thế, chùa Vĩnh Nghiêm của Hòa thượng Tâm Giác. Ra vào Xóm Lách từ trên gác nhìn xuống Đinh Cường thấy hết.
Hãy đọc những câu thơ coi như tự thuật của Hoài Khanh.
Tôi lớn lên ven bờ sông Cà Ty
Với giữa hai triền núi Cú và Tà Dôn
Lưu truyền nhìn biển cả gọi hồn đi tám hướng […]
Cha tôi một nơi mẹ tôi một nơi và súng nổ
Làm chúng tôi ôm nhau khóc hoài
Giữa cánh đồng mà vài tấm tranh không sao che nổi
Cơn gió bấc
Cũng như tôi lớn lên sau này không sao che nổi
Nỗi buồn đau trên gương mặt rầu rĩ của tôi.

(không rõ nhan đề)(1)

Xa Quê Nghe Gió Nồm
Đã mòn chưa núi sông xanh
Biển ầm sóng gọi hai ngành phân ly.
Ngàn năm một bến Cà Ty
Đổ ra cửa biển còn gì thanh xuân.
Với chim quốc vọng sau rừng
Với tranh tóc xõa nắng bừng ngày trưa
Với triều nước lũ theo mưa
Sương trên Tà Cú nguồn đưa gió về.
Sáo chiều giục giã lê thê
Trắng con buồm gió lòng về sớm hôm
Chiều sa ngọn cỏ gió nồm
Trùng vây bước lạnh một hồn thu thanh.
(Hoài Khanh, theo Trần Tuấn Kiệt) (2)
Mục Thời Sự Nhân Văn từng nhắc đến Hoài Khanh trong bài viết về tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ do Nhất Hạnh chủ trương, Hoài Khanh làm thư ký tòa soạn. Năm 2013 còn có bài “Bằng Hữu Cuối Trời.” Sau khi báo ra khoảng nửa tháng, một đài phát thanh ở hải ngoại có phỏng vấn thi sĩ, và nhân đó, thi sĩ muốn nói chuyện vài câu với tôi, qua điện thoại, thật là vui thú bất ngờ, dù chỉ ngắn ngủi vài lời. Chúng tôi chỉ hỏi thăm nhau những câu thông thường, biết rằng không có thì giờ để hàn huyên. Chỉ là để nghe tiếng nói, nghe tiếng cười hàng chục năm xa vắng.
Hoài Khanh là bút hiệu, tên thật Võ Văn Quế, có sách viết ông sinh ngày 13 tháng 9.1933 tại Đức Nghĩa, Bình Thuận, (1); có sách viết ông sinh năm 1943. (3) Trần Tuấn Kiệt viết: “Viết đến Hoài Khanh tôi lại nghĩ tới một người muốn an phận, không chịu đựng nổi cái đời sống văn nghệ quá hỗn tạp nhưng kém chiều sâu của tư tưởng và nghệ thuật. Anh sống trong một nông trại nuôi gia súc ở Biên Hòa.”
Những năm đầu thập niên ’50, tôi gặp Hoài Khanh nhiều lần, biết là anh hơn mình tới 4, 5 tuổi, tôi không bàn luận gì để phải kết thúc gì, vả chăng, thấy anh rụt rè, chậm rãi, tôi tự nhiên cảm thấy nơi anh con người nhẫn nhục. Lúc ấy phong trào thơ văn nhập vào thế hệ trẻ, mà thơ văn lúc ấy còn rập dềnh Bến Hải, báo chí lúc ấy luôn luôn nhắc nhở chuyện Sông Gianh, lòng Quốc Hận, thơ Hoài Khanh cũng có ít bài nhắc đến, nên nếu cây bút này tìm hiểu cây bút khác, vấn đề nêu ra lại là thi pháp hay khuynh hướng văn chương, tuổi trẻ lúc ấy không thảo luận đến ý thức hệ trong thơ văn. Sự việc ấy chỉ xảy ra sau này, trong thập niên ’60, sau khi có Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tháng 12.1960 và nhất là sau các cuộc đảo chánh. Thi Ca 1955-1957 khi có Dâng Rừng của Hoài Khanh còn đậm đặc tình cảm tâm sự và thiên nhiên, và lớp đương thời là những Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân, Đông Hồ, và nhất là cuộc biểu dương của trường phái tự do với Thanh Tâm Tuyền, khởi sự từ 1956 với thi phẩm Tôi Không Còn Cô Độc còn rầm rộ trên văn đàn. Sự hiện diện của Hoài Khanh bắt đầu từ Dâng Rừng, và hiện diện từ đó cho đến khi anh nằm xuống, không nổi bật song vẫn ở đó, với tiếng nói riêng. Ngoài thơ anh còn hiện diện trên văn đàn Miền Nam bằng một nhà xuất bản, Ca Dao, in đa số những tác phẩm do anh dịch thuật.
Nhiều người viết về nỗi buồn trong thơ Hoài Khanh, chuyện ấy đã đành. Nỗi buồn thơ anh dựng lên những cây cầu, khai mở những dòng sông, chia hai thành những bến những bờ, dẫn về thiên thu mịt mùng hay kiếp sau kiếp trước; nên viết về thơ anh là viết về những cây cầu và những dòng sông. Tôi lại thích thơ Hoài Khanh trong những bài cụ thể, nó cho thấy một thi sĩ rất dung dị rất con người:
Một hôm em ghé tìm ta
Đường Lê Lợi ấy vốn nhà in thuê
Cuộc đời bút mực ê chề
Áo cơm từng bận ê chề bấy nay.
Bỗng nhiên hạnh ngộ những ngày
Gặp người chi hỡi để đày đọa nhau.
Sài Gòn buổi ấy lạc nhau
Là thôi nước chảy qua cầu nước trôi.
Nhưng quên sao đặng hỡi người
Tóc mây đờ đẫn tơi bời xiết bao…
Nhưng “em lặng lẽ rút tay” “Dường như muốn nói ‘từ đây hết rồi,’” Đã thế, thi sĩ vẫn còn yêu, dặn vói theo, và đây là những dòng cuối cùng của tập thơ “Lục Bát” của Hoài Khanh mà tôi rất tán thưởng:
Hỡi người vóc dáng kiêu sa
Dáng trâm anh dáng ngọc ngà giữ cho
Ta dù một kiếp bơ vơ
Vẫn vui khi biết nàng Thơ vẹn toàn
Và vui hạnh phúc chồng con
Thì đời ta có lẽ còn vui lây.
(Vườn Cô Liêu giữa mùa hoa ngọc lan đầu tiên).

(Hoài Khanh, Sài Gòn buổi ấy lạc nhau, Lục Bát, trang 109). 
./.

VIÊN LINH
source:  www. nguoi-viet.com >

Chú thích
1.- Nguyễn Đình Tuyến, Những Nhà Thơ Hôm Nay, tr. 113, 1967.
2.- Trần Tuấn Kiết, Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, tr. 966, 1967.
3.- Cao Thế Dung, Văn học Hiện đại, Thi ca và Thi nhân, 1969. In lại trong Niên Giám Văn Nghệ Sĩ Việt Nam, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, Saigon, 1970, trang 153.

                                                                                  ===============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ