Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

' Lên dốc SƠN NÚI [ i.e. Sao Trên Rừng- Nguyễn Đức Sơn 1937 - 2020] -- source: trích Web Văn Thơ Lạc Việt

“Lên dốc Sơn Núi 

10/07/2020
Phạm Xuân Nguyên


Hôm nay tôi cùng bạn đọc tập thơ “Chút lời mênh mông” của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (1937 – 2020).
Ông sinh ở Ninh Thuận, quê gốc Thừa Thiên – Huế. Xuất hiện trên văn đàn miền Nam từ thập niên 1960 và nổi tiếng với bút danh Sao Trên Rừng, ông là một trong mấy gương mặt “kỳ dị” của văn chương Sài Gòn cùng với Bùi Giáng, Phạm Công Thiện. 
Ông thường sống ở núi nên có biệt danh Sơn Núi để phân biệt với Sơn Biển là biệt danh của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn sống ở Phan Thiết (tác giả tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi” cũng nổi tiếng trước 1975). Sự nghiệp văn chương của ông đã xuất bản 8 tập thơ và 3 tập truyện ngắn từ 1965 đến 1973. 

Đọc
sách cùng bạn: "Lê dốc sơn núi" - Ảnh
1.

Tập “Chút lời mênh mông” là sự xuất hiện trở lại văn đàn của Nguyễn Đức Sơn sau gần nửa thế kỷ biệt tích gồm 110 bài thơ chưa in trong các tập trước của tác giả, được các con ông tập hợp lại. Các bài thơ ở đây có những bài tương đối mới, lại có những bài viết nửa thế kỷ trước, từ thời lao tù quân dịch của tác giả. Trong tập có lời tựa công phu của nhà sư Thích Không Hạnh, có bức vẽ và các thủ bút của tác giả, có các bức thư hoạ của nhà thư pháp Hồ Công Khanh. 
Nhà thơ còn kịp thấy tập thơ xuất bản đầu năm nay trước khi qua đời ngày 11/6/2020 sau nhiều năm sống ở vùng rừng núi Bảo Lộc (Lâm Đồng). Một năm trước, tại Mỹ, ở Nhà xuất bản Văn học, cũng đã ra một tập thơ Nguyễn Đức Sơn nhan đề “Thơ và Đá” bằng ba ngữ Việt – Anh – Nhật với lời tựa của thầy Tuệ Sỹ.
Nói tới thơ Nguyễn Đức Sơn, người ta hay bảo đó là thơ dâm tục. Nhưng trước khi nói chuyện đó, bạn hãy cứ đọc vào tập thơ này của ông để thấy ông rất đời. Chỉ lấy riêng những bài ông viết về con cái đã đủ thấy. Ông nhìn con tập lẫy thấy “Co chân tròn trịa như hòn đá lăn” nên dặn con “Muốn cho đời sống không cằn / Tập cho quen mất thăng bằng từ đây” (tr. 26). Ông dỗ con ăn chén bột gạo không có đường vàng nên phải cho muối vào và động viên con “Mặn thì dương tính phải cao / Mai kia cứng cáp con lao vào đời” (tr. 31). Rồi đến một hôm ông lại dỗ con nữa:
 “Hết đường cha trộn với trăng
Hình như sắc độ vàng bằng với nhau
Thôi thì con ráng ăn mau
Hôm nay lạt lẽo ngày sau ngọt ngào” (tr. 32)
Đi vào thơ Nguyễn Đức Sơn, trước hết hãy đọc những bài rất đời như thế đã. Giờ mà nói chuyện thơ ông dâm tục có khi còn bị mắng, bị phê, dù thơ ông đã lưu hành bao năm và nay đã được in như ở tập này. 
Nhưng cái cần nói thì cũng phải nói. Về chuyện dâm tục trong thơ Nguyễn Đức Sơn, có hai câu thơ của ông hay được dẫn ra để nói, nhưng cũng là hai câu được nhớ nhiều nhắc nhiều, và cả khen nhiều. Đó là hai câu ở bài “Vũng nước thánh” in trong tập “Đêm nguyệt động” (1967): “Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người / Em chưa đái mà hồn anh đã ướt“. Bảo nó tục vì nói chuyện tiểu đái ướt hồn thì là tục theo cái lẽ xưa nay coi là tục tĩu những chuyện bài tiết cơ thể. Nhưng bảo đó là một câu thơ cực hay về tình yêu xưa nay chưa ai viết thì nó thực là hay. Cái dâm tục trong thơ Nguyễn Đức Sơn là thế đấy. Và trước nay đã có nhiều người luận giải, phân tích cái tục đó để nói đó không phải tục. Cũng như đã có nhiều bài viết mổ xẻ thơ ông nói chung với rất nhiều lẽ cao siêu thâm thuý.
Cho nên tôi mới nói, bạn nếu chưa đọc thơ Nguyễn Đức Sơn bao giờ thì hãy cứ đi thẳng vào thơ ông, đến trực tiếp với câu chữ lời thơ của ông, cứ trực cảm với ông bằng cảm xúc chính mình, cứ uyên nguyên trần trụi, bỏ qua mọi sự luận giải lý tính. Hãy đọc thơ, và không cứ thơ, bằng mắt bằng hồn bằng tâm của mình, bằng cái không trong mình, chớ để ai đổ lấp bất cứ cái gì vào đó. Đọc bằng mình sau đó mới đọc bằng người. Đọc hồn nhiên nhi nhiên tự nhiên.
 Và đọc như thế thì bạn trước hết sẽ được thích khoái với thơ của ông Sơn Núi. Có ai ngộ được “Bát nhã” như ông thế này không:
Một sớm sương giăng mờ núi sông
Ghé thăm tình cũ cảm mênh mông
Cầu tiêu em ỉa quên chưa dội
Bãi cứt nhìn qua hiện đoá hồng” (tr. 88)
Bạn choáng, tôi chắc thế, khi chạm phải cái từ vẫn bị coi là dơ bẩn, và sẽ càng choáng hơn khi thấy từ nó hiện ra một đoá hồng của tình yêu. (Tôi nhớ ông Sơn Biển cũng có câu thơ với cái từ tục này “Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt / Nhưng vì sao ta lại yêu em“. Sau này khi được in lại, câu thơ đã bị biên tập sửa thành “Ta vốn ghét đàn bà như ghét đất” thế thì còn gì là ý vị của tình yêu!). Bạn choáng vì chưa bao giờ gặp một sự kết hợp lạ lùng đến thế của những từ ngữ, hình ảnh, cảm xúc ngỡ như không bao giờ kết hợp được. Ấy vậy nhà thơ mới gọi tên bài thơ là “Bát nhã” như trao bạn một chìa khoá thơ.
CHÚT LỜI MÊNH MÔNG
Tác giả: Nguyễn Đức Sơn
Thư viện Huệ Quang & Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2020
Số trang: 150
Bởi vì thiên nhiên vũ trụ là vô hình vô tướng:
Có bay cao chín tầng trời
Chỉ nghe thượng đế ngàn đời nín thinh
Có dòm sâu tận cửa mình
Cũng không thấy được cái hình thế gian” (tr. 54)
Giữa cõi vô đó hiện ra một Nguyễn Đức Sơn:
Bởi quen ăn nói lùng khùng
Trăm năm xã hội không dùng được ta
Một đời vô lượng thơ ca
Ngàn năm trời đất bao la thở dài” (tr. 59)
Bài thơ này mang tên “Trăm năm, Ngàn năm”. Con người sinh ra đời là bị giãy dụa trong cõi nhân gian phàm tục. Mấy ai biết “một điều phải hiểu cho sâu / trăm năm hai chữ vô cầu mà thôi” (tr. 34). Những hệ luỵ trần gian ai cũng phải trải. Nhưng có ai trải rồi lại được như Nguyễn Đức Sơn:
Sướng quá đời ta tuổi sắp già
Bao nhiêu học thuyết bước đều qua
Nay về dắt bóng chơi am vắng
Ấu trĩ vườn trăng một tiếng gà” (tr. 78)
Đó là sự vượt thoát cõi sống, siêu thoát nhân sinh của người thấu lẽ vô thường vũ trụ. Cái bãi cứt ở trên và trái ổi ở đây là cùng trong một quán tưởng của thi nhân. 
 “Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên
Đồi cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên” (tr. 77)
Và như thế với Nguyễn Đức Sơn cái gì cũng là thơ, bất luận là cái gì. Cho nên đọc thơ ông đừng bận tâm dâm tục xấu đẹp, đừng để cái trí biện biệt chi phối cái cảm thức toàn thể. Tôi đã nói đến cái thích khoái giật mình choáng váng của người lần đầu đọc thơ Nguyễn Đức Sơn. Vì mọi cái bình thường tầm thường dung tục vào thơ ông một cách tự nhiên bất ngờ mà cũng đơn sơ giản tiện như hàng ngày chúng vẫn có đó, trong ta và ngoài ta, ai cũng nhìn cũng biết nhưng không ai thơ chúng được như ông. 
Thơ ông rất trong đời và cũng rất ngoài đời. Ông cuốc đất và thấy đất cười “bốc hơi nức nở như người đang vui“, chừng đó đủ để ông gửi con trọn một niềm tin “dù cha cuốc phải trái mìn nổ tung” (tr. 30). Người đời nhìn núi chỉ là núi. Còn Nguyễn Đức Sơn bồng con ngắm núi “thấy trong bóng núi trùng trùng bóng ta” (tr. 66), ra suối nhìn hoa trôi chợt trong một sát na “thấy trong nước cuốn có tôi và người” (tr. 97). Ông đau đớn một kiếp người, cả trùng trùng kiếp người, khi “Đêm thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh” (tr. 144), một bài thơ thật khủng khiếp Nguyễn Đức Sơn.
Có thể hình dung đường vào thơ Nguyễn Đức Sơn là đường dốc núi. Người đọc phải lên dốc ngược với những gì mình quen đọc, quen coi là thơ. Đường dốc nhiều gai góc trơn trượt nhưng mỗi bước lên là một bước mở cao sáng trời. Nhà thơ đã có bài thơ mang tên “Lên dốc sơn núi” hiểu tả thực thì như chỉ chỗ ông ở mà hiểu theo cách thơ thì là “bày đường” vào thơ ông:
 “Lên dốc
Sơn núi
Bên thơm
Bên thúi
Tỉnh thức
Khỏi cần
Đầu ngẩng
Đầu cúi” (tr. 146).
Và đây “Chút lời mênh mông” ông viết dịp sinh nhật tuổi 33 (1970), nửa thế kỷ sau đến với bạn đọc như lời di chúc của ông ở tuổi 83, giã từ một cuộc chơi trong cõi trời cõi người.
 “Một mai cha chết đừng chôn
Ngại chưa xuất kịp chút hồn thiết tha
Cái gì cha nói chưa ra
Biết đâu còn sót trong da máu này
Tuy nhiên đừng để lâu ngày
Đốt ngay lập tức là hay nhất đời
Con mang tro bụi xa vời
Gửi cho thiên địa chút lời mênh mông” (tr. 147)
Bạn đọc thơ Nguyễn Đức Sơn cách gì cũng sẽ gặp chút lời của ông gửi vào mênh mông đó. Từ đọc thơ theo cách đời đến đọc thơ theo cách triết, cách thiền, bạn sẽ dần leo được dốc Sơn Núi và gặp được một nhà thơ đã tự họa mình “Xem tôi chánh hậu thằng điên / Tim pha chút máu thánh hiền cho vui” (tr. 135). Và rồi những lời thơ khác lạ, “điên khùng” của ông sẽ giúp bạn thấm trải đời hơn trong tất cả những xấu xa tốt đẹp tục lụy của nó.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.      ./.

Đà Lạt, 9.7.2020
PHẠM XUÂN NGUYÊN
*****


                                                                    ***


                                 ------------------------------------------------------------------


                                                             chúc mừng

                                    nhà báo, nhà phê bình văn học ' độc lập '  Hà Nội
                                                      PHẠM XUÂN NGUYÊN
                                                      bút danh NGÂN XUYÊN






                                                              vào tuổi 62






                                                                 Thế Phong
                                                           blog Virgil Gheorghiu
                                                         Saigon, August 17, 2020

                                     --------------------------------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ