Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

về cựu sĩ quan VNCH & thi nhân PHAN LẠC TUYÊN [ 1928 -- 2011 Saigon ] -- source: thanhnien.vn

Phan Lạc Tuyên - con người cầm súng, con người cầm bút


HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN



Trò chuyện với ông ở lứa tuổi thất thập cổ lai hy, mà sao tôi vẫn cảm thấy hào hứng như đang đối diện với những mùa xuân trẻ trung, tươi đẹp nhất của đời người.
Từng là người hùng đảo chính chống Ngô Đình Diệm 11.11.1960; vừa ở tù, vừa viết báo yêu nước ở Phnom Penh; là nghĩa quân dưới cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam VN... nhưng trước hết Phan Lạc Tuyên là một nhà thơ.
Từ trước năm 1960, Phan Lạc Tuyên đã sớm nổi tiếng với bài thơ Tình quê hương được Đan Thọ phổ nhạc:
“Anh về qua xóm nhỏ
Em chờ dưới bóng dừa
Nắng chiều lên mái tóc
Tình quê hương đơn sơ
Quê em nghèo cát trắng
Tóc em lúa vừa xanh
Anh là người lính chiến
Áo bạc màu đấu tranh
Em mời anh dừng lại
Đêm trăng ướt lá dừa
Bên nồi khoai mới luộc
Ngát thơm vườn ngâu thưa
Em hẹn em sẽ kể
Tình quê hương đơn sơ
Mẹ già như chiều nắng
Nhớ con trai chưa về
Ruộng nghèo không đủ thóc
Vườn nghèo nong tầm thưa
Ngõ buồn màu hoang loạn
Quê nghèo thêm xác xơ...”


Phan Lạc Tuyên - con người cầm súng, con người cầm bút - ảnh 1
Đại úy Phan Lạc Tuyên  năm 1960
Ông đã bắt đầu đời lính và đi vào cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam bằng thứ tình cảm lãng mạn như vậy. Lính gì thì lính, khi con người cầm bút này đã biết ca ngợi thứ tình quê hương ngọt ngào đến thế, thì con người cầm súng kia chắc chắn không thể là kẻ ác ôn, phản bội đồng bào và Tổ quốc. Ngược lại Phan Lạc Tuyên đã sớm nhận ra bộ mặt tàn bạo của chế độ Diệm, nhất là qua những chiến dịch tố cộng đẫm máu. Ông đã quyết không để cho chế độ Diệm làm đôi tay mình nhuốm máu những người chiến sĩ cách mạng. Năm 1956, những người kháng chiến cũ bị Diệm giam giữ ở nhà tù Tân Hiệp đã tổ chức vượt ngục tìm đường về căn cứ. Phan Lạc Tuyên được lệnh truy sát họ. Trong quyển sách nhan đề Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp 2.12.1956 do những người cựu tù chính trị ở Đồng Nai viết về sự kiện ấy, có đoạn như sau: “Đại úy Phan Lạc Tuyên lúc đó đang chỉ huy một đơn vị hành quân truy kích đoàn tù chính trị vượt ngục ở hướng chiến khu D. Khi phát hiện dấu vết của đoàn, anh ra lệnh cho đơn vị đi về ngã khác, đồng thời giả vờ đánh rơi lương thực dọc đường cố ý giúp cho đoàn...”. Hiện nay, trong phòng truyền thống của đoàn cựu tù chính trị Tân Hiệp có cả chân dung của Phan Lạc Tuyên và hằng năm đến ngày kỷ niệm ấy, ông thường được mời về tham dự.
Trong cuộc đời nhà binh của Phan Lạc Tuyên có một giai đoạn tương đối dễ chịu. Đó là lúc ông được bố trí vào Trường Chỉ huy và Tham mưu, làm chủ bút tạp chí Đại học Quân sự và giảng dạy môn Binh pháp Á Đông. Ít lâu sau, vào tháng 9.1957, Phan Lạc Tuyên được gửi sang Mỹ học trường báo chí ở New York cùng với học viên sĩ quan quân đội các nước đồng minh của Hoa Kỳ.
Sau khi tốt nghiệp về nước, Phan Lạc Tuyên được bổ nhiệm làm chỉ huy phó Liên đoàn Biệt động quân - Quân khu thủ đô. Điều bất ngờ là một hôm, vào đầu năm 1960, Ngô Đình Diệm cho mời Phan Lạc Tuyên vào gặp riêng ở phủ Tổng thống. Ngô Đình Diệm nói: “Lâu nay tôi có theo dõi những bài của ông trên báo Đại học Quân sự. Ông là người có năng lực như thế mà để làm ở chỗ ấy thì cũng uổng phí. Nếu ông đồng ý, tôi sẽ bổ nhiệm ông làm tỉnh trưởng Bình Dương, phụ trách hành chính lẫn quân sự. Ông sẽ là tỉnh trưởng trẻ nhất. Ý kiến ông thế nào?”. Lần đầu tiên đối diện với “Ngô Tổng thống”, Phan Lạc Tuyên nhận thấy Diệm có đôi mắt sắc bén, khuôn mặt lạnh lùng vô cảm, giọng nói đều đều, không một lời dư thừa và không một nụ cười. Phan Lạc Tuyên suy nghĩ rất nhanh: “Nếu nhận lời, mình sẽ trở thành gia nô của ông ta. Nếu từ chối ngay, cũng sẽ rất khó sống. Tốt nhất là hoãn binh chi kế”. Bèn lễ phép trả lời: “Đây là việc quan trọng trong đời tôi, xin Tổng thống cho tôi về thưa lại với thân sinh để ông cụ quyết định, chứ phận làm con không dám tự chuyên”. Thật ra còn một lý do khác, rất không tiện thưa với Tổng thống. Đó là lúc này Phan Lạc Tuyên và một số sĩ quan khác đã bắt đầu âm thầm xúc tiến kế hoạch đảo chính lật đổ Diệm - Nhu.
Cuộc đảo chính đã bùng nổ vào ngày 11.11.1960. Phan Lạc Tuyên kéo 10 đại đội biệt động quân và một tiểu đoàn pháo 12 khẩu 105 ly từ Tây Ninh tiến công vào Sài Gòn. Quân đảo chính nhanh chóng đánh chiếm đài phát thanh Sài Gòn, bộ Tổng tham mưu, đánh tan Lữ đoàn Liên binh phòng vệ phủ Tổng thống, bắt sống đại tướng Lê Văn Tỵ - Tổng tham mưu trưởng và trung tướng Thái Quang Hoàng - Tư lệnh Quân khu thủ đô, hai nhân vậåt đầu não trong quân đội Diệm rồi bao vây phong tỏa phủ Tổng thống. Cánh quân của Phan Lạc Tuyên chiếm giữ Bộ Tổng tham mưu với một khẩu đội trọng pháo và 2.000 viên đạn sẵn sàng san bằng phủ Tổng thống. Nhưng Ngô Đình Diệm dùng kế hoãn binh, thương lượng với nhóm sĩ quan đảo chính xin cho ông ta có thời gian sắp xếp, bàn giao quyền hành trước khi ra nước ngoài. Trong khi đó, Diệm đã huy động quân đội các nơi về ứng cứu. Mờ sáng 12.11.1960, các sư đoàn thiết giáp và thủy quân lục chiến của Trần Thiện Khiêm, Huỳnh Văn Cao đã kéo về. Các lực lượng khác của Tôn Thất Xứng, Lê Nguyên Khang, Chung Tấn Cang... cũng tập họp lại phản kích. Quân đảo chính cốt ở đánh nhanh rút gọn, nay bị căng mỏng ra nên lần lượt thất thủ. Các sĩ quan cầm đầu như Vương Văn Đông, Nguyễn Chánh Thi... lên một chiếc máy bay vận tải đem theo tướng Thái Quang Hoàng làm con tin sang Campuchia tị nạn chính trị. Rõ ràng đây là một cuộc binh biến hoàn toàn tự phát, không hề có thế lực nào ở đằng sau hay bên ngoài hỗ trợ.
Về chuyện này, có một chi tiết hay hay. Ông Nguyễn Cao Kỳ, khi ấy là đại úy không quân, tình nguyện lái máy bay đưa các đại ca đi lánh nạn, nhưng nhóm đảo chính đã bố trí đại úy Phan Phụng Tiên lo việc này nên ông Kỳ đành ở lại. Riêng cánh quân của Phan Lạc Tuyên đóng ở Bộ Tổng tham mưu thì rút theo đường bộ qua cửa khẩu biên giới Gò Dầu - Tây Ninh rồi cũng đến Campuchia trong ngày hôm đó.
Sau hơn một năm bị chính quyền Campuchia quản thúc ở Phnom Penh, các thành viên của nhóm đảo chính có một số như Vương Văn Đông, linh mục Hồ Văn Vui... xin qua Pháp, Nguyễn Chánh Thi xin qua Mỹ. Riêng nhóm của Phan Lạc Tuyên xin được trở về vùng giải phóng miền Nam Việt Nam để tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nguyên hồi còn ở Sài Gòn, Phan Lạc Tuyên nhận được một lá thư của cách mạng viết: “Biết ông có lòng yêu nước, mong ông đem lòng yêu nước và tinh thần dân tộc để đóng góp cho cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Mãi về sau Phan Lạc Tuyên mới biết người gửi cho ông lá thư ấy là đồng chí Mười Cúc (tức Nguyễn Văn Linh), nhưng ngay từ những ngày đầu bị quản thúc ở Phnom Penh, nhóm Phan Lạc Tuyên và một số đồng đội như Năm Thúc, Sáu Nghĩa (nhà văn Thủy Thủ, Tư Minh) đều đã khẳng định quyết tâm đi theo cách mạng. Cơ sở cách mạng ở Phnom Penh là tờ báo Trung Lập do ông Trần Văn Kiêm làm chủ bút. Phan Lạc Tuyên và Thủy Thủ tích cực viết bài cho báo Trung Lập, ngoài ra còn cộng tác với tờ La Dépêche de Cambodge (Tin nhanh Campuchia), có quan điểm tiến bộ, gây được ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng Việt kiều ở Campuchia. Hóa ra những điều học được trong trường báo chí ở New York, giờ đây lại rất có ích cho ông trong cuộc chiến đấu bằng ngòi bút.

Phan Lạc Tuyên - con người cầm súng, con người cầm bút - ảnh 2

Ngày 11.11.1960, quân đảo chính nã đại liên vào Dinh Độc Lập (ảnh: do nhân vật cung cấp)
Từ đây Phan Lạc Tuyên chính thức tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam VN. Tháng 7.1963, nhóm Phan Lạc Tuyên được Trung ương Cục bí mật điều động về khu giải phóng. Năm 1965, Phan Lạc Tuyên cùng phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN từ khu giải phóng công khai trở lại Phnom Penh tham dự Hội nghị Nhân dân Đông Dương do chính phủ vương quốc Campuchia đăng cai. Tại hội nghị, Phan Lạc Tuyên thay mặt nhóm đảo chính 11.11.1960 đọc tham luận chính trị gây tiếng vang rất lớn ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau đó, ông được giao công tác làm Ủy viên phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam VN tại miền Bắc (Hà Nội).
Phan Lạc Tuyên xuất thân từ một gia đình khoa bảng ở đất Bắc (Thạch Thất - Sơn Tây), từ cuối đời Lê có tiến sĩ Phan Bảng được khắc tên trong bia đá ở Văn Miếu Hà Nội. Bởi vậy, sau khi đã làm nhiệm vụ của người trai thời chiến, Phan Lạc Tuyên lại quay trở về với truyền thống bút nghiên của gia tộc. Trong thời gian công tác ở miền Bắc, ông đã tranh thủ nghiên cứu, học hỏi và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Dân tộc học ở Ba Lan.
Bây giờ nhắc lại chuyện cũ, tôi có thể gọi ông là đại úy hoặc tiến sĩ Phan Lạc Tuyên với tấm lòng ngưỡng mộ. Đối với ông, cả con người cầm súng lẫn con người cầm bút đều phải trải qua những thử thách chọn lựa mang ý nghĩa dấn thân của người trai thuộc thế hệ vàng của tuổi trẻ miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.     ./.
Hoàng Phủ Ngọc Phan

***


-------------------------------------------

tưởng nhớ

cựu sĩ quan VNCH & thi nhân

PHAN LẠC TUYÊN 
[1927 -- 2011 Saigon]



blog Virgil Gheorghiu
Saigon . May 19, 2020

--------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ