Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

' Nguyễn Tất Nhiên: " Người từ trăm năm trở về như dao nhọn"/ Trần Thị Bông Giấy -- trích lại từ www.https://kontumquetoi.com/


BÀ TRẦN THỊ BÔNG GIẤY KỂ CHUYỆN NGUYỄN TẤT NHIÊN:”NGƯỜI TỪ TRĂM NĂM VỀ NHƯ DAO NHỌN ” !


tạp bút
logo Văn học
Trình chơi Âm thanh

“Người từ trăm năm về như dao nhọn “

tranthibonggiay3
tranthibonggiay
(bài viết cũ)
nguyentatnhien
San Jose. Chủ Nhật 20/9/1992. Một đêm…
Như đã hẹn nhau từ trước, buổi tưởng niệm 49 ngày chết của Nguyễn Tất Nhiên sẽ được tổ chức tại nhà tôi.
Đúng 7 giờ tối, Trần Quảng Nam, Đằng Sơn, Từ Hiếu Côn, mỗi người xách trên tay một chai rượu ngon, cùng xuất hiện. Nguyễn Hữu Liêm cũng hẹn đến, nhưng giờ cuối bận, gọi điện thoại hủy bỏ. Một mâm thức ăn tôi lo từ ban chiều được dọn lên. Ngay “chỗ ngồi” của Nguyễn Tất Nhiên –được xếp giữa TNH và Trần Quảng Nam- có để một cốc gạo cắm ba cây nhang, cái ly, cái chén và đôi đũa.
Tôi vốn rất sợ các không khí ma chay cúng kiến, nên bỗng dưng thấy rờn rợn gây gây mà hình dung rất nhanh đến khuôn mặt và con người Nguyễn Tất Nhiên.
[Một buổi tối tháng 4/1991, tôi nhận một cú điện thoại gọi từ Santa Ana. Đầu dây kia là giọng đàn ông nói tiếng Nam, tự xưng tên Nguyễn Tất Nhiên.
Do bởi TNH vắng nhà nên tôi phải tiếp cú điện thoại ấy. Tôi nghe Nhiên nói:
“Tui sắp sửa khởi hành đi San Jose chút nữa đây. Nghe Trần Ngọc nói là lên San Jose, cứ tìm đến nhà vợ chồng TNH, sẽ được tiếp đón. Vậy xin hỏi chị, sáng sớm mai tui đến, có gì bất tiện?”
Tôi hơi khựng vì câu hỏi đột ngột này.
Tôi chưa hề quen Nguyễn Tất Nhiên, ngoại trừ một lần duy nhất gặp anh tại hội chợ Tết San Jose năm 1988, được TNH giới thiệu nhưng chẳng nói gì ngoài một cái chào ngắn ngủi. Tuy nhiên, nghĩ rằng anh là bạn TNH, lại do Trần Ngọc -một người bạn được tôi quí mến- giới thiệu; vả nữa, trên khía cạnh giao thiệp bạn bè, giữa TNH và tôi có một sự kết hợp rõ ràng chính xác; nên tôi thấy không có gì trở ngại nếu chấp thuận Nguyễn Tất Nhiên đến nhà mà chưa có sự hội ý với TNH. Vì thế, tôi đáp lời qua điện thoại khi ấy:
“Anh cứ đến. Nhưng sáng mai tới San Jose, nhớ điện thoại cho TNH ra đón.”
Vậy là 8 giờ sáng hôm sau, chị Nguyễn Bá Sanh chở Nhiên tới nhà tôi.
Thoạt đầu tôi ngỡ Nguyễn Tất Nhiên chỉ lưu lại dăm ngày. Nào ngờ, buổi sáng thứ nhất, sau khi đưa anh đi uống café và mua ít vật dụng cá nhân, trở về, TNH nói với tôi:
“Thằng Nhiên tội lắm em à! Nó kể là suốt hai năm qua, từ lúc vợ chồng nó thôi hẳn nhau, nó buồn, sống bụi đời không cửa nhà gì cả, chỉ ngủ chùa hay ngủ ngoài xe.”
Rồi chàng hỏi:
“Em nghĩ sao nếu mình cho nó ở lại nhà mình để nó kiếm việc làm và tự ổn định một đời sống mới? Bố bảo nó là khả năng vợ chồng mình chỉ cưu mang nó nổi trong vòng hai tháng.”
Tôi đồng ý ngay tức khắc, giao cái phòng của thằng con trai lớn cho Nguyễn Tất Nhiên toàn quyền sử dụng, còn chính thằng bé thì ngủ salon!]
Trần Quảng Nam giơ cao chai rượu có cái vỏ rất đẹp phân trần:
“Chai này tôi mua tới 65 đô la, trong khi tiền phúng điếu của Trần Chí Phúc đưa qua tay tôi chỉ có 50 đồng. Lỗ mất 15 đồng bạc!”
Đằng Sơn hỏi:
“Ủa! Tại sao mình không mời Trần Chí Phúc?”
TNH gật:
“Ừ! Phải mời nó chứ! Bữa giỗ này, nguyên nhân phần lớn được tổ chức là nhờ 50 đồng phúng điếu của nó mà!”
Nói là làm, chàng đứng lên, điện thoại cho Phúc, nhưng chẳng ai bắt máy. Chàng bèn nhắn vào máy, bảo đến ngay!
Trần Quảng Nam rót rượu vào ly Nguyễn Tất Nhiên, giọng diễu cợt:
“Hôm nay ông ăn uống cho đã lần cuối rồi siêu thoát đi nhé!”
Sau đó, mọi người chuyền tay nhau chai rượu. Trước khi uống, ai nấy đều cùng “cụng ly” với Nguyễn Tất Nhiên.
TNH vừa gắp một miếng thịt quay bỏ vào chén Nhiên, vừa khấn:
“Ông sống cũng chẳng ít lợi gì cho ông hay các người thân, còn làm phiền bạn bè nữa. Bây giờ ông đi là sướng rồi. Tụi tôi ở lại mới cực!”
Tôi nhìn vào ly rượu và chỗ ngồi Nguyễn Tất Nhiên, tưởng tượng cái cười nửa miệng của anh khi nghe các câu chuyện đối đáp của bạn bè trên dương thế.
[Trong các cuộc rượu tại nhà tôi thời gian hai tháng anh lưu trú, Nguyễn Tất Nhiên vẫn thường ngồi cười dại ngây như vậy. Dáng anh cao ráo, tóc tai bờm xờm không chải, áo quần luôn luôn xốc xếch. Anh ít nói, chỉ cười, nhưng mỗi khi nói thì rất hăng, cơ hồ không dứt, nước miếng nước bọt văng ra tứ phía. Trong câu chuyện, luôn luôn anh đề cập đến một ông bác sĩ nào đó tên Tôn Thất Niệm dưới Santa Ana và cứ khăng khăng cho rằng ông này đã tìm cách hãm hại cuộc đời anh.
Câu chuyện thật hay giả, không ai kiểm chứng; nhưng nó nhàm chán đến nỗi chẳng ai buồn phê phán; trừ ra một lần trong cuộc rượu nhà tôi, Huệ Thu –gặp anh lần đầu- đã mắng thẳng vào mặt anh rằng:
“Nếu anh sợ Tôn Thất Niệm thì chứng tỏ anh là một thằng hèn!”]
Từ Hiếu Côn ngồi cạnh TNH, nói nhẹ:
“Sao? Đọc văn tế Nguyễn Tất Nhiên đi chứ!”
Vậy là TNH lôi từ tủ sách bài thơ vừa mới làm xong trưa nay, dành riêng cho dịp này, trao qua tay Đằng Sơn. Mọi người lại “cụng ly” với Nguyễn Tất Nhiên, sửa soạn cho mình cái vẻ trang trọng và chờ nghe bài thơ tế.
Tế Nguyễn Tất Nhiên
‘this is a book,
a book on the shelf’.’
đây là Nguyễn Tất Nhiên
Nguyễn Tất Nhiên đã chết
ô hô! ai tai!
[Ngày đầu đến nhà tôi, ngồi trò chuyện một lúc với nhau, tôi nghe Nhiên nói:
“Bấy lâu hư quá! Bây giờ tui phải làm lại cuộc đời!”
Tôi ngạc nhiên:
“Ủa, sao phải ‘làm lại’? Vậy chứ xưa nay anh làm gì?”
Nhiên đáp trong cái cười hề hề:
“Tui làm thinh! Bây giờ tui phải bỏ công ra học Anh Văn cho nhuyễn nói tiếng Mỹ như gió thì tụi nó mới sợ!”
Thấy lối nói chuyện kỳ kỳ của anh, tôi chỉ ngồi im mỉm cười mà chẳng muốn hỏi xem ‘tụi nó’ là ai.
Nguyễn Tất Nhiên lại tiếp:
“Thuở đời mình không biết nói tiếng Mỹ, tụi nó coi thường nên cứ bày đặt chuyện mà hại mình, ý cho rằng nếu có đi cớ bót thì mình cũng chẳng biết đường nào mà nói. À mà chị dạy tui đánh piano nghe?”
Tôi chưa kịp trả lời thì anh đã cười:
“Chị đừng lo! Tui trả tiền đàng hoàng mà! Nhưng tui chỉ muốn chị dạy tui một bản nào thật tình để tui đi cua đào. Hồi xưa tui đã có học qua, nhưng ông thầy ổng bắt tui tập ngón dữ quá mà không dạy cho bài ruột, nên tui bỏ, không học nữa!”
Vậy là từ đó, bất cứ đi đâu, xuống tiệm sách, ra quán Dakao ngồi với TNH hay Nguyễn Ý Thuần, Nhiên cũng đều kẹp bên nách một cuốn vỡ lòng Anh Văn do TNH tặng và lầm rầm đọc: “This is a book, A book on the shelf!”]
Nguyễn Tất Nhiên đã chết như một viên đạn kẹt
gần 40 năm không ra được khỏi nòng
cây súng thần công
là cuộc sống!
Nguyễn Tất Nhiên !
mày sống ngơ ngơ và chết ngu ngu
nhưng đích thực mày là thi sĩ
Maiakovski chết không một lời rên rỉ
ô hô! ai tai!
đạn bắn vào đầu là vô chung hữu thủy
[Sống trong nhà, vài ngày đầu chưa quen, thấy rất khó chịu vì thái độ và cử chỉ của Nguyễn Tất Nhiên. Cởi đôi giày ra là anh quăng bừa vào một góc phòng khách. Ăn tô mì gói là vung vãi bẩn thỉu khắp cả bàn. Mỗi khi anh vào buồng tắm là sau đó, cái toilette biến thành như chỗ đã lâu không ai chùi rửa. Học trò tôi đa số con gái lứa 18-20 tuổi, anh từ buồng tắm đi ra, thường dừng lại ngay cửa lớp mà nhìn vào, có khi còn ở trần, có khi quần quên cả gài dây kéo! Thoạt đầu khó chịu, nhưng sau quen dần, chẳng ai buồn để ý, chỉ riêng TNH cứ phải khổ công chầm chập nhắc chừng anh.]
mày, Nguyễn Tất Nhiên
thống thiết không thống thiết
bi ai chẳng bi ai
mày, Nguyễn Tất Nhiên
chơi trò thuốc ngủ – ngủ giấc dài
chết tình cờ như một trận chiêm bao…
[Một lần đi ăn với cả gia đình, tôi nghe Nhiên hỏi:
“Chị là dân âm nhạc, vậy chị nghĩ là nhạc Phạm Duy với nhạc Trần Quảng Nam, ai hay hơn?”
Tôi đáp:
“Tôi là dân âm nhạc thiệt, nhưng loại nhạc tôi ưa thích và thường xuyên nghe là cổ điển Tây Phương, thành ra rất dốt về nhạc Việt Nam. Biết thì biết vậy nhưng không dám phê bình ai hay ai dở. Còn anh, anh nghĩ ai hay hơn?”
Nguyễn Tất Nhiên trả lời:
“Trần Quảng Nam trẻ, ít kỹ thuật nhưng nhiều cảm xúc. Vì vậy tui cho là nhạc Trần Quảng Nam hay hơn nhạc Phạm Duy!”
Rồi Nhiên kể:
“Hồi trước tui cũng có bày đặt làm nhạc, lái xe từ Santa Ana đem lên cho Trần Quảng Nam xem, nhờ nó sửa lại giùm chút đỉnh. Nó cầm cây viết quẹt qua quẹt lại có vài nốt mà tui lại thấy hay hơn bản nhạc chính của mình rất nhiều!”
TNH xen vào:
“Trần Quảng Nam ‘nể’ Phạm Duy lắm, ông biết không?”
Nguyễn Tất Nhiên thản nhiên bày tỏ:
“Thằng cha dâm tặc đó thì có gì đáng nể? Chả chuyên môn ăn cắp thơ người khác làm lời nhạc của mình. Tui may, nên tên tui mới được chả đề trên các bản mà chả đã lấy thơ tui phổ nhạc. Nhờ thơ tui mà nhạc thằng chả mới lên đó chứ!”
Nói xong câu ấy, Nguyễn Tất Nhiên ra chiều đắc ý lắm, cười to hô hố giữa quán. TNH và tôi cùng nhìn nhau, vẻ ngạc nhiên, sau chính chàng cũng cười góp theo Nhiên, điệu thích thú.]
Nguyễn Tất Nhiên!
sống chưa khôn thì chết phải làm sao?
cớ gì mày lại hỏi tao?
mày sống chưa khôn vì mày chọn làm thi sĩ.
[Hai lần, TNH nhờ bạn bè kiếm được giùm cho Nguyễn Tất Nhiên hai việc làm, nhưng anh nại cớ này cớ nọ để không đi nhận việc. Nguyễn Hữu Lộc tặng anh một chiếc xe hơi cũ làm phương tiện di chuyển ngay ngày thứ nhì anh đến San Jose. Nguyễn Ý Thuần, Tưởng Năng Tiến, TNH thường xuyên thay nhau đưa anh ra Dakao uống café ăn sáng. Cái số anh cũng sướng! Mẹ tôi rảnh rang, thường ngồi ăn cơm chung với anh, hỏi về gia cảnh, anh kể rằng có người vợ rất tốt và hai đứa con trai rất đẹp. Mẹ tôi hỏi:
“Rồi vợ anh đâu?”
“Cổ bỏ con đi lấy chồng khác, hai đứa nhỏ đi theo cổ”.
“Tội chưa!”, mẹ tôi nói.
Anh bật cười ha hả:
“Tội gì con hở bác? Tại con bê bối quá nên cổ mới bỏ! Con đành phải lên chùa mà ở.”
Mẹ tôi đùa:
“Có phải tại anh mê làm thơ quên cả vợ con?”
Nguyễn Tất Nhiên lắc đầu quầy quậy:
“Không đâu! Cổ chán con vì con đào địch tùm lum chứ không phải chán vì con làm thơ đâu bác!”
Thế rồi, chừng như để chứng minh cho rõ hơn về sự “mê gái” của mình, khi nghe mẹ tôi hỏi:
“Lên chùa, anh ăn chay trường được sao?”
thì anh cười hề hề đáp:
“Ở chùa, cho ăn chay ăn mặn gì đối với con cũng xà-va hết. Nhưng con có cái tật là hễ cứ thấy gái đẹp đi cúng chùa thì thế nào cũng phải ngừng ăn mà dòm chăm chăm vào mặt cổ!”]
nhớ linh xưa Nguyễn Tất Nhiên !
tướng dạng khoòng khoèo cao gầy liếng khỉ
mười mấy tuổi đời đã dựng trước Thiên Tai
(dấu huyền mày bỏ cho ai
mấy khi có một Thiên Tài cụt chân!)
[Một lần ngồi trong quán Danh, tôi nói với Nhiên:
“Khi tôi vừa lớn, ngồi quán café nào cũng nghe các bài thơ của anh, Phạm Duy phổ nhạc. Nghe nhiều đến nỗi chúng trở thành một dấu ấn thời gian trong ký ức. Bây giờ gặp anh, điều đầu tiên tôi nghĩ là nhớ lại cái thời mới lớn ấy của tôi!”
Bỗng dưng Nguyễn Tất Nhiên quay sang TNH, chửi đổng:
“Đ.M. mấy cái thằng già thiếu máu như Phạm Duy, Du Tử Lê, Mai Thảo chúng nó làm hư tui quá ông ơi!”
TNH cười cười, vẻ diễu cợt hiện trên khuôn mặt:
“Nếu tôi có chửi Du Tử Lê, Mai Thảo hay Phạm Duy thì còn có lý, bởi vì tôi chẳng ‘nợ nần’ gì họ; chứ còn ông, ông không nên chửi.”
Nhiên có nét ngạc nhiên:
“Tại sao?”
TNH đáp:
“Tại vì Du Tử Lê là người đã đặt cho ông cái tên Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy phổ nhạc thơ ông, còn Mai Thảo gặp ông đâu cũng đều tỏ vẻ ưu ái ông lắm, mấy người đó, dù sao ông cũng mang ơn họ, ông nên loại ra mà không được quyền chửi!”
Và TNH tiếp:
“Tôi thì tôi sướng hơn ông ở chỗ tôi không chui từ ‘lò’ nào ra cả!”
Nguyễn Tất Nhiên mặt bắt đầu đổ quạu:
“Đúng rồi! Ông là người trên trời rớt xuống mà!”]
Nguyễn Tất Nhiên ô lý! ô là!
vì chữ Danh mày gắng mày gò
mày so đo giận hờn vui sướng
(mày lập danh mà chẳng biết lập thân
thân danh trong cõi phù trần
là hai cái phải xà quần với nhau!)
mày thua người một cái đầu
mày hơn người ở cái màu của trái tim
[Sống hai tháng trong nhà tôi, anh không làm phiền ai mà kỳ thực là phiền cũng không ít. Ý hướng tương lai mà tôi nghe anh bày vẽ lúc đầu thấy chẳng tiến lùi gì cả. Mỗi ngày, cả buổi sáng anh nằm lì trong phòng hút thuốc lá -căn phòng anh mở cửa ra là hôi nồng mùi khói thuốc, xế trưa có khi đi ăn quán với bạn bè, có khi lục cơm nguội trong bếp nhà tôi, xong, xuống tiệm sách, ngồi vào cái bàn café trong góc, lầm rầm học tiếng Anh. Nếu có được chục bạc nào Nguyễn Ý Thuần, Nguyễn Hữu Lộc hay Tưởng Năng Tiến dúi vào tay là anh đi mua ngay một xâu bia đem về tiệm sách, rủ TNH cùng uống. TNH từ chối, lấy cớ chỗ làm ăn, nhậu nhẹt không tiện. Vậy là anh xách xâu bia ra cầu thang phía sau nhà tôi, đối diện tòa soạn Người Việt Tự Do của Nguyễn Ý Thuần, uống một mình.]
trái tim màu đỏ chói
thằng thi sĩ lớn phổi
ít ra mày đã hơn 20.000 thằng làm thơ múa rối
mày làm thơ tình và sống để mà yêu
có những thằng cầm bút viết rất nhiều
viết những điều ở ngoài cái đầu của nó!
viết liều!
những điều trong trái tim nó chẳng bao giờ dòm dỏ.
ít ra mày đã hơn 40.000 thằng làm thương-gia-chính-trị
cách-mạng-anh-hùng-khỉ-gió
mày sống làm thơ mày chết như mơ
[Nguyễn Tất Nhiên và tôi ít trò chuyện, trừ ra những lần cùng ngồi chung trong tiệc rượu tại nhà hay tại quán với bạn hữu và TNH. Dưới mắt tôi, anh là một người hơi bất thường, nhưng cũng vẫn lịch sự. Những khi Như Hà, cô bé học trò 14 tuổi xuất sắc nhất của tôi đến học, Nhiên thường đứng sau lưng nghe đàn, rồi cất lời khen thành thật:
“Cháu đàn hay quá! Nếu chú có học thì kiếp này qua đến kiếp sau chú cũng không đàn hay như cháu đâu!”
Một lần, sau khi đi uống café cùng Nhiên về, TNH kể cho tôi nghe mẩu đối thoại nhỏ giữa chàng, Nguyễn Tất Nhiên và Hoàng Anh Tuấn:
“Nguyễn Tất Nhiên hỏi TNH: ‘Tui thấy bà xã ông cũng hiền, bằng chứng là bả vui vẻ cho tui ăn ở trong nhà, vậy mà tại sao bên ngoài lại đồn là bả dữ?’ TNH gật đầu: ‘Bả hiền chứ, có bao giờ tôi thấy bả dữ đâu!’ Hoàng Anh Tuấn cười: ‘Muốn biết TTBG hiền hay dữ, cứ giở trò cà chớn ăn nói bậy bạ thì sẽ biết!’”]
giờ đây đã khuất bến bờ
Nguyễn Tất Nhiên! Nguyễn Tất Nhiên!
bạn bè dăm ba đứa
cognac một hai chai
hương lòng không cần lửa
mày về đây lai rai
nhớ mày chết bốn chín ngày.
[Nguyễn Tất Nhiên không làm phiền ai hết mà kỳ thực thì cũng rất phiền. Đời sống ở Mỹ, căng thẳng thần kinh là điều mỗi ngày con người phải đối diện. Nguyễn Tất Nhiên không hiểu những điều ấy. Anh sống trong cái tháp ngà suy tưởng riêng mà không cần biết đến ai khác. Lúc nào anh cũng chỉ đem câu chuyện có ông bác sĩ muốn hại anh ra mà kể. Lối nói của anh rối mù không lối thoát. Lúc nào anh cũng chỉ muốn người khác phải chia xẻ những khó khăn của anh mà chẳng bao giờ anh chịu nhìn đến nỗi khó của những kẻ chung quanh.
Lại thêm những điều phiền phức thuộc về vật chất. Đứa con trai lớn không có phòng riêng, sự học hành ngủ nghê của nó đâm bất thường không ít. Đời sống tôi, sự làm việc gần như chiếm hàng đầu thì giờ, ăn và ngủ phải đếm trên từng giây từng phút; bây giờ phải gánh thêm chuyện dọn dẹp những giăng xả bừa bãi bẩn thỉu của một người bạn thì cũng là điều vô cùng xáo trộn…]
nhớ linh xưa! nhớ linh xưa!
mày cà lăm nói một thành hai
mày uống rượu hai ly thành một
mồm văng nước bọt
toét cười ha ha!!!
mày sinh lầm trên trái đất
lại lưu ly chi đến xứ Cờ Hoa?
mày chết một mình
vợ con mày ở xa!!!
mày ‘đi’ tao không ‘đưa’
tao mừng mày ‘TAI QUA’
[Bữa nghe Nguyễn Bá Sanh điện thoại báo tin Nguyễn Tất Nhiên tự tử chết bằng thuốc ngủ, tôi nghe lòng rất dửng dưng. Điều dửng dưng này làm cho tôi ngạc nhiên một cách buồn bã. Khi ấy, tôi đang viết bài về tiểu sử Púshkin cho Văn Uyển Số Mùa Thu 1992. Tôi tự hỏi, có thể nào tâm hồn mình chai đá đến độ trước tin chết của một người từng quen biết, lại không nghe chút nào xúc cảm?
Hỏi, suy nghĩ, tìm tòi rồi đi đến kết luận rằng tâm hồn tôi chưa chai đá, bởi vì cái chết của Púshkin gần 200 năm trước, tôi vẫn nghe xúc động khi viết đến. Vậy, có phải sự dửng dưng trước cái chết của Nguyễn Tất Nhiên mang ý nghĩa “mừng” mà không phải là “buồn” cho anh? Cuộc đời nay, nhất là xứ Mỹ với trăm ngàn chông gai bày ra từng giờ từng phút, không phải ‘đất’ của anh; một con người thiếu hẳn nghị lực và tâm trí bất thường như anh, làm sao kham nổi?]
Nguyễn Tất Nhiên! Nguyễn Tất Nhiên!
khi mày sống tao đuổi mày ra khỏi nhà
[Thời gian cuối cùng lưu lại nhà tôi, tâm trí Nhiên càng tỏ ra bất thường hơn nữa. Anh thường mua bia về ngồi dưới chân cầu thang uống, có khi một mình, có khi với Lê Hữu Quệ. Chất bia mà TNH hay bảo rằng “dễ làm cho nó nổi cơn khùng!” quả thật tác hại lên tâm não Nhiên không ít. Trông anh dường tăng thêm ngây dại. Câu chuyện về gã bác sĩ Tôn Thất Niệm nào đó hại anh cứ được lập đi lập lại mãi với mẹ tôi một cách rối mù.
Cho đến một buổi chiều, mẹ tôi đi chợ về, TNH phụ khiêng mấy giỏ thức ăn vào nhà sau. Nguyễn Tất Nhiên đang ngồi nơi cầu thang uống bia, gặp, nói với mẹ tôi:
“Chắc phải đánh nó quá bác à! Nó nuôi mình trong nhà, đánh nó mới sướng!”
TNH quay sang Nhiên:
“Ông đừng nên nói đùa với mẹ tôi như thế!”
Nguyễn Tất Nhiên bỏ cầu thang, theo TNH và mẹ tôi lên nhà bếp, lập lại câu nói ban nãy. Mẹ tôi hỏi: “Anh muốn đánh ai?”
Nhiên chỉ vào TNH lúc ấy đang đứng rửa tay nơi bồn chén bát:
“Đánh thằng này! Thằng TNH đó bác!”
Anh vừa nói vừa cười, nhưng cái cười rõ ràng bất thường, kỳ lạ. TNH quay hẳn người đối diện Nhiên, giọng lạnh lẽo:
“Nếu ông muốn đánh nhau với tôi thì tụi mình xuống sân đi! Ông điên, tôi sẽ đánh cho ông tỉnh! Đánh xong, mời ông xách valise ra khỏi nhà tôi ngay!”
“Ông nói giỡn sao?”, Nhiên hỏi.
TNH lắc đầu:
“Tôi nói thiệt! Bây giờ dù muốn đánh hay không đánh, ông cũng phải đi ra khỏi nhà tôi ngay!”
Nhiên xin được gọi một cú điện thoại về cho vợ cũ ở Stockton. Qua cuộc điện đàm hơn nửa tiếng đồng hồ, trước mặt các đứa học trò của tôi lúc ấy đang ngồi đợi giờ học, anh chửi thề lung tung, lại dùng toàn những danh từ rất thô tục để chuyện trò với vợ cũ. Sau đó, anh bỏ đi uống rượu với Trần Quảng Nam. Độ 9 giờ tối, anh trở về, dáng say say.
Lúc này thì TNH đã quyết định phải mời anh ra khỏi cửa. Chàng nói với tôi rằng không thể chứa một gã điên trong nhà có đàn bà con nít. Không ai biết việc gì sẽ xảy ra trong trường hợp như vậy. Tôi hỏi, làm thế có bất nhẫn không? TNH dứt khoát:
“Nó điên thì có nhà nước lo. Lòng mình như vậy đã đủ. Bố hứa cưu mang nó hai tháng để xây dựng một cái gì mới cho nó, nhưng bây giờ thấy thì chẳng bao giờ nó chịu tự xây dựng chính nó cả. Hai tháng lời hứa của mình đã hết.”
Mẹ tôi cũng nói:
“Để sáng mai hãy hay!”
TNH lắc đầu:
“Mẹ đừng lo! Trời tháng Sáu ấm áp, nó ngủ ngoài xe cũng không sao. Để nó trong nhà, lỡ đêm hôm nổi điên đốt nhà, làm sao biết được? Với thằng Nhiên, phải cứng. Mình không thể mất thì giờ và tâm trí thêm nữa vì nó. Con còn bao nhiêu việc phải làm!”
Vậy là đêm đó anh đi khỏi nhà tôi. Mẹ tôi đưa cho anh tấm chăn. Anh cầm lấy, nói cảm ơn, rồi chui vào xe mà ngủ.
Ngày hôm sau chúng tôi được biết anh theo Nguyễn Hữu Lộc về nhà, nhưng chỉ độ một hay hai ngày gì đó, vợ Nguyễn Hữu Lộc đuổi thẳng anh ra khỏi cửa. Anh đến tá túc nhà Trần Quảng Nam.
Thời gian ở với Trần Quảng Nam, tôi được nghe kể là Nguyễn Tất Nhiên chẳng có gì tiến triển khá về tâm lý bệnh hoạn, mà dường như bất thường hơn nữa. Về sau, trong một buổi họp mặt tại nhà tôi, Đằng Sơn thuật lại câu chuyện về Nhiên dạo ở với Trần Quảng Nam như sau:
“Hôm đó, Trần Quảng Nam có mời ông Trịnh Duy Phương, tục danh Sân Lộ Thiền Sư, đến chữa bệnh cho Nguyễn Tất Nhiên. Sân Lộ Thiền Sư bèn kéo Nhiên vào võ đường của Trần Khang rồi cả hai quì gối trò chuyện với nhau. Lúc ấy tôi đang tập võ giữa sân. Trong khi Sân Lộ Thiền Sư bảo Nhiên ‘nhà người phải thế này, thế kia’… thì Nhiên nói: ‘Lòng tui bây giờ từ bi lắm, bằng chứng là ngày hôm qua tui biết ông Đằng Sơn ổng muốn tui ăn khúc bánh mì mốc trong thùng rác, vì vậy tui đã moi khúc bánh mì mốc ấy ra mà ăn.’
Nghe vậy, tôi hoảng hồn dừng tập, bảo Nhiên:‘Mẹ! Ông vô lý! Ngày hôm qua tôi không hề có mặt ở đây.’’
Nguyễn Tất Nhiên mặt tỉnh bơ: ‘Đúng, ông không có mặt, nhưng cái luồng tư tưởng của ông từ phương xa bay đến, chui vào đầu tui, bảo cho tui biết là ông muốn tui ăn khúc bánh mì mốc, và tui đã làm vừa lòng ông mà ăn hết cả.’
“Sau đó, Sân Lộ Thiền Sư kéo riêng tôi ra ngoài, nói: ‘Thằng này đã hết thuốc chữa. Nó bị Thần Đạo Nhật Bản nhập vô rồi. Ông phải hiểu, Thần Đạo kinh khủng lắm, giống y như một thứ quỷ. Khi ai ước điều gì với Thần Đạo thì phải trả giá cho cái điều đã ước. Thằng này nó có một ý muốn nào đó, ví dụ như muốn cua đào hay muốn được nổi tiếng, nó bèn cầu nguyện, nhằm ngay cái lúc Thần Đạo đang bay lượn trên không, nhập mẹ vô nó.’
Sân Lộ Thiền Sư nói tiếp với tôi: Thằng Nhiên nó chỉ còn một hay hai năm để mà thoát, không thì tiêu luôn!’”
Dứt câu chuyện kể của Đằng Sơn, TNH bật tiếng “xì” thật lớn: “Sân Lộ Thiền Sư Trịnh Duy Phương! Cũng lại một thằng cha khùng không thua gì thằng Nhiên! “
Nguyễn Tất Nhiên lưu lại khoảng bốn tháng trong nhà Trần Quảng Nam. Sau, vì lẽ gì không rõ, Trần Quảng Nam đi quyên góp trong số bạn bè được 300 đô la cho Nhiên, rồi tự chính tay Trần Quảng Nam “áp tải” Nhiên (chữ dùng của Trần Quảng Nam) về lại Santa Ana. Sau đó, tôi không được biết thêm gì về anh nữa.
Lần cuối cùng tôi gặp Nhiên là tại quán Dakao, lúc ấy anh đang lưu trú nhà Trần Quảng Nam. Con bé Âu Cơ níu áo tôi, kêu nhỏ:
“Chú Tám kìa mẹ!” (Từ lúc nào không biết, hai đứa con tôi tự đặt cho anh cái tên “chú Tám”).
Tôi quay lại, thấy anh giơ tay vẫy chào, miệng cười nửa nụ. Vài bạn bè quen gặp TNH, có kể rằng Nguyễn Tất Nhiên đi đâu cũng nói “cám ơn vợ chồng TNH đã cưu mang tui hai tháng” và “nhờ TNH đuổi ra khỏi nhà mà tui mới tỉnh táo lại!” Anh không chút gì buồn phiền việc TNH đuổi anh, lại còn tỏ nét “mang ơn” vì “không ai chứa tui lâu được như vợ chồng nó.”]
khi mày sống nhiều người quen gặp mày là phải làm mặt lạ
ô hô! ai tai! mày chết rồi, nhiều đứa lạ thành quen!
[Vài ngày sau cái chết của Nguyễn Tất Nhiên, gặp tôi tại tiệm sách Văn Uyển, Nguyễn Ý Thuần nói, vẻ cay đắng:
“Thằng Nhiên nó đi yên thân nó, chỉ tởm là tởm cho những cái thằng mà lúc thằng Nhiên còn sống, chúng nó làm lơ chẳng dám tỏ ra quen biết, sợ dây phiền phức. Nay thằng Nhiên chết rồi, bày đặt viết bài tâng bốc kể lể!”
Thuần tiếp:
“Ở xa không biết, chứ anh em ở đây, chỉ có TNH, chị, tôi, Trần Quảng Nam, Đằng Sơn, Nguyễn Hữu Lộc mới có thẩm quyền nói về nó, bởi vì tụi mình đã từng giúp đỡ, chia xẻ khó khăn với nó dù nhiều dù ít. Chứ còn bọn kia… Toàn một lũ ruồi bu!”
Tôi không hiểu và cũng không hỏi xem chữ “bọn kia” Nguyễn Ý Thuần dùng để ám chỉ ai? Nhưng thấy lạ vì thái độ nổi giận của anh. Xưa nay, dù rằng trong lối nói có nhiều câng cáo hợm hĩnh nhưng trên bề ngoài, Nguyễn Ý Thuần vẫn tỏ ra rụt rè như con gái!]
có thằng gặp mày chỉ một lần
“this is a book
a book is not a monk!”
đã làm thơ viết bài khóc mày lả lướt
có những nàng con gái lúc sống mày từng muốn lần khân
không được
bây giờ mấy em đang đứt ruột khóc thương mày!
sướng nhé con trai!
“this is a book
a book of a fucking life!”
câu Anh văn mày học một đời hoài
[Sau khi Nguyễn Tất Nhiên chết được ba ngày, trên tờ Thời Báo ở San Jose thấy có xuất hiện bài viết về con người và cái chết Nguyễn Tất Nhiên, ký tên Trần Củng Sơn. Thoạt tiên, tôi không biết Trần Củng Sơn là ai. Sau, trong một buổi họp mặt tại nhà tôi, Trần Quảng Nam cho biết Trần Củng Sơn -mà Nam gọi đùa là Trần Lủng Củng- chính là Trần Chí Phúc, tác giả tập băng nhạc Sàigòn Em Ở Đó.
Xưa nay, tôi với TNH đều đồng ý với nhau rằng Trần Chí Phúc là con người rất háo danh nhưng lại dốt. Trong buổi ra mắt tập thơ Thơ Ngọc Vũ tại quán café Anh Vũ dạo tháng 12/1988, trước khá đông khán giả, Trần Chí Phúc đã lên máy vi âm tuyên bố một cách rất thản nhiên rằng:
“Trong toàn bộ Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi thấy chỉ có chừng 20 câu hay, còn tất cả đều xoàng, không đáng nói!” Ngay lúc ấy, tôi không biết có vị khán giả nào bàng hoàng không, chứ còn tôi và cả TNH- đều kinh ngạc sửng sốt.
Chưa hết, trong buổi ra mắt tập thơ Lưu Vong Hành của TNH, tháng 5/1988, tổ chức tại quán café Gitane, trước một cử tọa gần 200 người, Trần Chí Phúc đọc lên sáng tác Bài Thơ Ngày Cưới của TNH in trong tập Lưu Vong Hành, nhấn mạnh đoạn thơ:
“… giọt em là quán diệt
nên hình hoa long đong
ta nghe dạ khúc mênh mông
đầu em nghiêng giữa chiều không sắc chiều
dài tiếng thở cô liêu
thơ ta là tịch mịch…”
rồi khen hay, nhưng lại bảo “chẳng hiểu gì cả” câu thơ “đầu em nghiêng giữa chiều không sắc chiều”.
Bây giờ, trong bài viết về Nguyễn Tất Nhiên, Trần Chí Phúc đã đưa ra rất nhiều điều sai lạc có tính cách hàm hồ, không căn cứ. Đặc biệt câu viết:
“Thơ Nguyễn Tất Nhiên hay là nhờ nhạc Phạm Duy…”
đã làm cho cả ba Trần Quảng Nam, Đằng Sơn và TNH cùng nổi giận. (Đằng Sơn từ đầu câu chuyện đã hăng hái tham dự cuộc “trừng trị” Trần Chí Phúc trong kế hoạch “đánh lừa” Phúc bỏ tiền ra mua rượu cúng 49 ngày cho Nguyễn Tất Nhiên. Sau, không hiểu vì lý do gì, lại chối đi điều ấy và yêu cầu tôi sửa bài viết, không được đề tên anh trong việc ấy. Tiền hậu bất nhất vốn là cái bệnh của nhiều ông nhà văn, nhà thơ, nhà báo, và… nhà Tiến sĩ!)
Theo TNH kể thì vào một buổi xế trưa, Nguyễn Tất Nhiên đang ngồi lầm rầm đọc: “This is a book. A book on the shelf…” nơi tiệm sách Văn Uyển, Trần Chí Phúc từ ngoài cửa bước vào. TNH giới thiệu cả hai với nhau. Phúc vồn vã nói cùng Nhiên:
“Tôi nghe tiếng anh đã lâu. Dạo này anh còn sáng tác gì không?”
Nguyễn Tất Nhiên, vẻ ngơ ngơ, nhìn chăm chăm vào mặt Phúc mà không đáp. Phúc cũng không nói gì nữa, quay qua chuyện trò cùng TNH.
Khi Trần Chí Phúc vừa ra khỏi cửa, Nhiên hỏi ngay TNH:
“Thằng đó là ai vậy? Ông có quen với nó không? Có phải nó là điệp viên do thằng Tôn Thất Niệm phái lại dò chừng tôi?”
Từ sự việc này mà Đằng Sơn đưa ra giả thuyết rằng bài viết của Trần Chí Phúc khởi nguồn từ cảm nghĩ đã bị Nguyễn Tất Nhiên xem rẻ.
Cũng theo một luồng dư luận khác trong vòng bè bạn thì nguyên nhân sâu thẳm trong lòng Trần Chí Phúc về việc “hạ giá” thơ Nguyễn Tất Nhiên xuất phát từ việc Phúc sắp cho ra một cuốn băng nhạc mới, nên muốn “nâng bi” Phạm Duy, mong mỏi biết đâu Phạm Duy nhờ đọc bài này mà “xoa đầu” trở lại Trần Chí Phúc!
Vì vậy, trong một buổi họp mặt cuối tuần tại nhà tôi, để bắt Trần Chí Phúc phải tạ lỗi với vong linh người đã chết, Trần Quảng Nam bàn cách “trừng trị” Phúc -với sự biểu đồng tình (gián tiếp) của Đằng Sơn và (trực tiếp) của TNH. Kế hoạch đưa ra là “đánh lừa” Trần Chí Phúc, buộc phải “lòi” ra 50 đô la đóng góp với anh em để mua rượu cúng 49 ngày cho Nguyễn Tất Nhiên. Sau đó, dẫu có phân trần rằng đã đi phúng Nhiên 50 đồng qua tay quyên góp của Đỗ Vẫn Trọn, Trần Chí Phúc vẫn bằng lòng đem đến “nộp” cho Trần Quảng Nam 30 đô la.]
Nguyễn Tất Nhiên! Nguyễn Tất Nhiên!
bạn bè dăm ba đứa
cognac một hai chai
hương lòng không đợi lửa
mày về đây lai rai!!!
nhớ mày chết bốn chín ngày
thuận hưởng!
Đọc xong bài thơ, Đằng Sơn kêu lên:
“Hay! Hay!”
Tất cả mọi người cùng “cụng ly” lần cuối với Nguyễn Tất Nhiên.
Tôi ngậm ngùi nhớ lại anh: dáng cao ráo, khoòng khoèo, nước da tai tái, đôi mắt ngơ ngơ, cái cười dại dại. Anh tuổi Thìn, bằng tuổi cậu em tôi. Anh thích đùa với Âu Cơ, nhưng cứ mỗi lần anh xáp lại là nó đẩy anh ra mà kêu lớn:
“Chú Tám hôi quá! Con không thích chú Tám!”
Khi anh sống, tôi tiếp đãi anh bình thường, không thân và cũng không lạ; tiếp anh trên cương vị một người vợ bạn. Khi anh đi khỏi nhà tôi, tôi có nghe lòng dấy lên chút xúc động rồi tình cảm đâu cũng lui nhanh vào chỗ đó. Khi nhận tin anh chết, tôi thấy mừng cho anh được giải thoát, nên dửng dưng không rung cảm.
Nhưng rồi ngày một ngày hai, những hình ảnh cũ trong hai tháng anh lưu trú nhà tôi, có lúc hiện rõ trong óc. Kỷ niệm đối với tôi vô cùng quý báu. Kỷ niệm về anh, dù ngắn ngủi, thú vị hay phiền phức, cũng là những gì được tôi tôn trọng và cất sâu vào ký ức tâm tư.
Bây giờ, đêm nay, trong bữa giỗ 49 ngày của anh (dẫu chỉ là một tỗ chức tình cờ mang tính cách nghịch ngợm của những người bạn cũ), giữa mùi khói nhang trầm mặc, giữa âm vang đều đều của Đằng Sơn đọc lên bài thơ tế, giữa cái nét nghiêm trang một cách tự nhiên không cố ý trên khuôn mặt các người hiện diện, tôi bỗng dưng thấy lòng bồi hồi kỳ lạ. Và tôi tưởng tượng nơi “chỗ ngồi của anh” có thấp thoáng khuôn mặt ngây ngây với cái cười hiền nửa miệng; cái cười mà con bé Âu Cơ rất sợ sau một lần anh dọa nó:
“Con mà không ăn cơm, chú Tám sẽ cắn! Chú Tám cười như vậy là sắp sửa muốn cắn con nít đó!”
Thế rồi, nhìn cái vẻ sợ hãi của con bé, anh bỗng dưng bật lên tràng cười ha ha!!!  ./. 

(SAN JOSE, CALI. CUỐI THÁNG 9/1992)
TRẦN THỊ BÔNG GIẤY

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ