Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

bài liên quan: " [ tạ duy anh: " quyết liệt với chinh minh"/ phỏng vấn: lê thiếu nhơn -- blog phan nguyên

 
Tạ Duy Anh (người thứ 2 từ trái sang)
+ các kỹ sư dầu mỏ khai thác Đại Hùng, cách đất liền 250 km
(ảnh: blog phan nguyen)


[Phỏng vấn nhà văn Tạ Duy Anh: ]
"Quyết liệt với chính mình "

LÊ THIẾU NHƠN
thực hiện



Nổi danh ngay từ truyện ngắn đầu tiên Bước qua lời nguyền, nhà văn Tạ Duy Anh thường mang lại cho đời sống văn chương không ít xôn xao mỗi khi tung ra tác phẩm mới. Đầu tháng 3-2008, Tạ Duy Anh trình làng tiểu thuyết Giã biệt bóng tối do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả về những gì phía sau Giã biệt bóng tối

. Phóng viên: Trước hết, xin chúc mừng anh trở lại văn đàn bằng Giã biệt bóng tối. Với tên tuổi của Tạ Duy Anh, chắc chắn tiểu thuyết này sẽ được đón nhận một cách hào hứng. Với cá nhân anh, Giã biệt bóng tối có ý nghĩa đánh dấu một chặng đường mới không?

- Nhà văn Tạ Duy Anh: Cảm ơn anh đã đọc và có ấn tượng tốt đẹp về tôi và sự nghiệp văn chương của tôi. Chẳng phải ai cũng yêu quý tôi như vậy đâu. Thế nên tôi đâm lo chả biết có được như anh kỳ vọng không? Khi đặt bút viết bất cứ một tác phẩm nào, tôi phải có đủ niềm tin rằng nó chưa hề được thể hiện như vậy ở đâu đó, kể cả của chính mình, thì tôi mới có thể duy trì được cảm hứng và sức lực để “kéo cày” nhiều ngày nhiều tháng liền. Vì vậy, sau Giã biệt bóng tối, nếu tôi còn viết tiếp thì các thủ pháp, cách thể hiện sẽ phải hoàn toàn khác. Tóm lại, với tôi, mỗi cuốn sách chưa viết đều là một chặng đường mới và khi viết xong rồi thì chặng đường đó đã ở phía sau.

. Khi anh vừa theo nghề cầm bút, đã có ngay một truyện ngắn Bước qua lời nguyền vang dội, đến mức giáo sư Hoàng Ngọc Hiến dùng tên gọi ấy để đặt cho cả một dòng văn chương sau đổi mới. Tuy ở hai thể loại khác nhau, nhưng tôi thấy rằng yếu tố quyết liệt trong Giã biệt bóng tối cao hơn Bước qua lời nguyền rất nhiều. Liệu anh đã đủ tự tin để “bước qua lời nguyền” của chính mình?

- Một câu hỏi thật thú vị và dồn tôi vào chỗ khó, nơi chân tường. Trong trường hợp đó, nếu là anh thì anh sẽ làm gì? Còn tôi thì đành liều mình thôi. Tường thì có bức cao, bức thấp. Bức thấp có thể nhún mình bước qua. Còn gặp bức cao, lại có hàng rào gai bao bọc, bên dưới lại nhan nhản cạm bẫy thì phải lấy đà xa để nhảy qua, mà phải nhảy sao cho không bị rơi trở lại. Tức là phải thật quyết liệt với chính mình. Tôi nghĩ là đã trả lời vào câu hỏi của anh cho trường hợp Giã biệt bóng tối.

. Nếu theo lời tự giới thiệu của “người dẫn chuyện” thì Giã biệt bóng tối có phẩm chất “có vẻ như nó là một câu chuyện hoang đường và không phải dành cho người yếu bóng vía”. Thế nhưng, khép lại cuốn sách chưa hẳn là một tiểu thuyết “kinh dị”. Anh có thấy vậy không?

- Vâng, tạng của tôi không hợp cho truyện kinh dị, theo như cách định nghĩa có trong từ điển văn học. Nhưng gây cho người khác sợ không cứ phải là truyện kinh dị. Tôi muốn nói đến khả năng chịu đựng. Anh đọc Bước qua lời nguyền rồi đấy, nó thật hiền lành, giàu tình cảm... vậy mà khi ra đời vẫn khiến có người... sợ? Sẽ lại có những người sợ Giã biệt bóng tối, đúng hơn là không chịu đựng được nó và đương nhiên với tôi, họ là những người yếu bóng vía. Tôi không muốn những người đó trách tôi là đã không ghi cảnh báo trên sản phẩm.

. Khi đặt cạnh hai tiểu thuyết trước đây của anh là Đi tìm nhân vật và Thiên thần sám hối thì Giã biệt bóng tối có bước chuyển biến về bút pháp khá rõ nét. Bên cạnh ưu điểm ấy, liệu anh có chút băn khoăn về tính khái quát và tính “nóng bỏng” giảm sút của Giã biệt bóng tối so với hai tác phẩm trước đó?

- Nghe anh hỏi nhẹ nhàng thế mà tôi cảm thấy bị đè nặng cả ngàn cân về trách nhiệm không phải chỉ với anh, mà còn với độc giả, với chính mình. Vậy là nặng, nhẹ, nóng bỏng hay điềm đạm, đâu chỉ ở mức độ quyết liệt trong ngôn từ mà là khả năng xoáy sâu vào tâm can người khác lời cật vấn về điều mà chúng ta muốn họ quan tâm. Nhưng mà được anh hiểu cho thế thật mừng. Tôi đang lo có người bảo tôi càng già càng cay nghiệt hơn đấy.

. Anh có dòng “tự quảng cáo” rằng: “Nhà văn Tạ Duy Anh, tác giả của tiểu thuyết Sinh ra để chết (chưa công bố)! Thoạt nghe rất ấn tượng. Xin hỏi lại cho rõ, chưa công bố hay chưa chấp bút?

- Tôi sẽ không bao giờ khoe về một tác phẩm nào đó khi vẫn còn một vài dòng phải sửa chữa. Sinh ra để chết hoàn thành từ năm 2005, trước khi tôi bắt tay viết Giã biệt bóng tối một năm. Đó là cuốn tiểu thuyết mà tôi dành cho nhiều sự quan tâm nhất và tôi cũng muốn được nhiều người đọc nhất-so với những tác phẩm của tôi, trước hết vì nó sẽ cho họ sự sảng khoái. Tôi đã sửa đi sửa lại suốt mấy năm qua đến mức phải thề là không sửa nữa kẻo nát cả bản thảo.

. Nghe nói, ngày nào anh cũng viết. Vậy trung bình mỗi ngày anh “cày” được bao nhiêu trang?

- Không phải thế đâu. Ngày nào tôi cũng suy nghĩ về việc viết thì đúng hơn. Tôi nghĩ về tác phẩm nào đó thì lâu, nhưng thể hiện nó rất nhanh. Khi tôi bị cuốn vào bàn viết thì không có ngày, đêm, giờ giấc gì nữa. Có thời kỳ cả tuần tôi không ra khỏi ngõ. Nhiều phen, nửa đêm vợ tôi lên phòng làm việc của tôi nghiêm nghị yêu cầu tôi nghỉ. Nhưng chỉ một lát, thấy tôi cựa quậy trên giường thì lại bảo: Thôi, thà anh làm việc tiếp đi còn đỡ khổ hơn.

. Và thông thường, anh có phải chỉnh sửa lại bản thảo nhiều hay ít?

- Thời gian tôi sửa chữa một tác phẩm thường gấp 5-7 lần thời gian viết nó ra.

. Với thể loại tiểu thuyết mà anh đang theo đuổi, anh cho rằng tiểu thuyết Việt Nam có đáng đồng tiền bát gạo so với thực tế đời sống Việt Nam không?

- Tôi không biết khi độc giả bỏ ra vài chục ngàn đồng để mua một cuốn tiểu thuyết Việt Nam, trong đó có tiểu thuyết của tôi, thì họ có xót như khi bỏ ra ngần ấy tiền mua mấy cốc bia không? Tôi chỉ biết rằng sách ở Việt Nam rất rẻ căn cứ trên giá bìa. Đương nhiên, nếu họ mua xong để lại phải đem ném đi, thì một hào cũng là quá đắt. Vì vậy, phải căn cứ trên từng cuốn sách cụ thể anh ạ. Mà điều này thì tôi không thể biết được.

. Nếu so với tiểu thuyết các nước khác thì tiểu thuyết Việt Nam có đáng để tự hào chưa?

- Là một nhà văn nghiêm túc, cũng như một kinh tế gia nghiêm túc, hay một người bình thường nghiêm túc thì cũng nên thường xuyên nhìn ra bên ngoài để biết mình đang ở đâu. Và theo tôi, thái độ tự trọng sẽ giúp mỗi người cần phải làm gì. Tôi vẫn cho rằng đa phần người Việt đang quá lạm dụng lòng tự hào và tôi cố để không bị gộp chung vào số đó.


LÊ THIẾU NHƠN 
thực hiện 







--------------------------------
trích từ blog phan nguyên
=================






0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ