Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018

'gặp gỡ thi sĩ tác giả ĐỘNG HOA VÀNG/ PHẠM THIÊN THƯ ở Saigon / bài viết: Huỳnh Ái Tông -- blog huỳnh ái tông

Wednesday, February 14, 2018

Gặp gỡ nhà thơ Phạm Thiên Thư [ở Sài gòn]


Huynh Ái Tông


Hôm qua, con rể tôi đưa đi thăm vài khách hàng, thăm chợ hoa Phú Mỹ Hưng. Năm nay, nói chung nhiều khu bán hoa nho nhỏ bên đường và có nhiều chợ hoa. Cho nên hôm nay, chúng tôi muốn đi xem chợ hoa ở đường Thành Thái, nhân tiện đi xem vài nơi khác. Nhưng sau khi xem chợ hoa ở đường Thành Thái, nhớ tới anh Phan Đình Du, nhà ở khu cư xá Bắc Hải, nên tôi tìm đến thăm.

Mặc dù không nhớ rõ địa chỉ, nhưng tôi nhớ mang máng nhà anh gần khu chợ nhỏ trong xóm và gần nhà thờ, nên tôi tìm thăm được anh ngay.

Anh Du lớn hơn tôi đến 3 tuổi, anh cũng có bệnh của người già như tiểu đường, cho nên đi lại hơi chậm, nhưng theo anh cho biết, mỗi ngày anh vẫn đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ trong khu cư xá, nên anh được khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ được.

Anh và chị có con ở nước ngoài, đứa ở Úc, đứa ở Mỹ. Anh không muốn đi, nhưng chị muốn định cư ở nước ngoài, anh để chị đi một thời gian, rồi chị trở về, nhưng do có người chị tuổi già sức yếu, nên anh Du ở nhà, còn vợ sang nhà người chị để chị em có nhau khi “tối lửa, tắt đèn”.

Tôi biết anh họ hàng Phan Đình với Mai Chí Thọ, Bộ Trưởng Bộ Công an, nhưng anh kín tiếng, nên anh Hiệu trưởng người miền Nam tập kết không biết, trù dập anh không nương tay, anh thì “cây ngay chẳng sợ gió lừng”, cho nên chẳng dựa vào “gốc” nào cả.
Nhân tiện, tôi hỏi anh có biết quán cà-phê của Phạm Thiên Thư không ? Anh đã vẽ đường Hồng Lĩnh cho tôi tìm đến, anh cho tôi biết quán ở ngã 3, gần đó có đồn công an, quán ở bên nây, thì Phạm Thiên Thư ngồi bên kia đường. 


Tôi tìm được đồn công an ở gần ngã 3 và nhờ đó dễ tìm ra quán cà-phê Hoa Vàng, địa chỉ Y1B đường Hồng Lĩnh, Phường 15, Quận 10, Tp. HCM. Đối diện quán cà-phê, tôi thấy có mấy người ngồi ở vỉa hè, trong đó có một cái bàn với hai người ngồi cạnh nhau nhìn ra đường. Tôi nhận 1 trong 2 người đó là Phạm Thiên Thư, tuổi đã cao dễ nhận ra, vì giống với hình ảnh tôi đã từng xem qua trước đây.


Tôi và nhà tôi chọn cái bàn gần với bàn của Phạm Thiên Thư. Sau khi ngồi xây lưng lại Phạm Thiên Thư, quay mặt nhìn vào quán bên kia đường, tôi gọi ly cà-phê đen, nhà tôi gọi cà-phê đá, tôi thích cái cách gọi của người miền Nam trên 50 năm trước rất gọn, giản dị như tánh của người miền Nam, không phải dài lê thê “cà-phê" đen nóng và “cà-phê đen đá”.

Sau khi có cà-phê, trong khi chờ đợi phin cà-phê nhỏ giọt xuống cái tách, tôi đứng lên quay lại phía nhà thơ hỏi:

- Xin lỗi, có phải anh là Phạm Thiên Thư ?

Nhà thơ không ngần ngại trả lời ngay:

- Dạ tôi đây !

- Lâu nay nghe biết anh, nhưng hôm nay mới gặp, tôi xin giới thiệu, trước kia học ở Đại học Vạn Hạnh.

Nghe qua thế là anh Phạm Thiên Thư lấy một quyển sách, mang sang bàn tôi, kéo ghế ngồi, đưa sách cho tôi, tôi để lên bàn rồi giới thiệu tiếp cho anh dễ thông cảm hơn.

- Tôi học ngay từ khi Viện Đại Học Vạn Hạnh mở ra, tôi tham gia cùng thầy Chơn Thiện thành lập Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh, nhiệm kỳ tiếp theo chị Cao Ngọc Phượng làm Chủ tịch, tôi làm Phó, chị Nhất Chi Mai làm Thủ quỷ.

Tôi hỏi anh về thầy Nghị, năm 1970, tôi đi học trở lại, có môn Hán Văn, ban Văn Học và Phật Học học chung, có 3 vị thầy cùng học với chúng tôi, trong đó có thầy Nghị và 2 thầy khác, anh Thư cho biết thầy Nghị đã mất, tên của thầy anh cố nhớ ra là Lê Nghị, còn 2 thầy kia anh có biết nhưng không nhớ.

Tôi thắc mắc nên cầm lên quyển sách Đoạn trường Kiều, hỏi anh:

- Anh đưa quyển sách nầy cho tôi làm chi ?

- Tặng cho anh đó !

- Vậy thì anh vui lòng, đề tặng cho tôi mấy chữ làm kỷ niệm.


Anh Phạm Thiên Thư vói tay lấy bút trong túi xách đen ra, viết mấy chữ đề tặng tôi và ký tên. Sau đó anh lấy thêm quyển Tân Liêu Trai - Mỹ nhân hồ tặng cho tôi. Tôi cũng yêu cầu:

- Anh tặng cho tôi, xin anh chịu khó ký tên, khỏi phải viết, vì tôi thấy anh viết hơi khó khăn phải không ?

Anh cười, rồi viết vài chữ và ký tên.


Sau đó, tôi nói với anh về thầy Chơn Thiện, thầy Tuệ Sỹ còn anh nói với tôi về những trùng hợp Nguyễn Du và anh, văn hào Nguyễn Du sinh ngày 1 tháng 1, anh cũng sinh vào ngày tháng đó, Nguyễn Du có 3 bà vợ anh cũng có 3 bà. Trong đó có thi sĩ Tuệ Mai, tôi cho anh biết tôi có biết Tuệ Mai, nhưng chưa từng sinh hoạt chung dưới mái chùa Phuớc Hòa, Sàigòn.

Rồi anh nói sang chuyện trị bệnh ung thư, bệnh aid, bệnh tiểu đường, anh đưa cho tôi 1 tập giấy photocopy về những giấy Thử nghiệm y khoa của bệnh nhân… Tôi nghĩ đã gặp anh khá lâu, nên xin phép anh ra về, hẹn sẽ gặp lại anh sau. Tôi không quên chụp một tấm ảnh với anh.


Mặc dù trông anh vẫn bình thường, nhưng có hơi khác thường một chút, tôi tự nghĩ hình như anh có chút bệnh. 


Tìm hiểu thêm, theo Hồ Nam viết về Phạm Thiên Thư, đăng trên blog https: //ongvove.wordpress.com/2009/07/31/phạm-thien-thư/, như sau:

"Trong thời gian “tu tại gia” Phạm Thiên Thư “sáng tác” ra phương pháp chữa bệnh bằng nhân điện mệnh danh là “Phathata” [Pháp thân tâm]; ông luyện công chữa bệnh thế nào đến mất trí nhớ luôn, điên điên khùng khùng may nhờ một thầy lang trùng tên họ với ông đó là thầy lang Phạm Kim Long xem mạch hốt thuốc chữa cho ông lành bệnh."



Năm 2012, Phạm Văn Hà viết vê Phạm Thiên Thư, được đăng lại trên một trang blog,  như sau:

"Nếu tôi nhớ không lầm khoảng năm 1970 dưới thời Tổng thống Thiệu ông được giải thưởng văn học toàn quốc với tác phẩm Đoạn Trường Vô Thanh, tiếp nối Đoạn Trường Tân Thanh của đại thi hào Nguyễn Du.Tác phẩm này dài hơn truyện Kiều của Nguyễn Du 20 câu, ông có vẻ tự hào kể lại. Ông nói cuộc đời ông và cuộc đời của Nguyễn Du có sự trùng hợp kỳ lạ. Nguyễn Du sinh năm Canh Thìn thì ông cũng sinh năm Canh Thìn. Cha của Nguyễn Du chết lúc Nguyễn Du 10 tuổi thì cha ông cũng chết lúc ông 10 tuổi. Nguyễn Du ở Thái Bình 10 năm thì ông cũng ở Thái Bình 10 năm. Nguyễn Du nghiên cứu kinh Kim Cương thì ông phổ thơ kinh Kim Cương, Nguyễn Du viết truyện Kiều thì ông viết Đoạn trường vô thanh v v...Ông còn kể nhiều nữa nhưng tôi không nhớ hết. Chắc ý ông muốn nói ông có đủ điều kiện để tái kiếp Nguyễn Du chăng?        

Đặc biệt Nguyễn Du có ba bà vợ thì ông cũng có 3 bà vợ.Bà vợ đầu là nữ sĩ Tuệ Mai con gái của nhà văn Á Nam Trần Tuấn  Khải. Sau khi hai người chia tay ông 'cáp' [cặp]  với bà Đồ Thị Mai Trinh có với bà này 3 người con. Thập niên '80 hai người lại ly dị. Ông bán căn nhà ở đường Trần Kế Xương, Gia Định (định mở quán 'café' Động hoa vàng) được 40 cây, ông chỉ lấy 10 cây, còn lại để bà lo cho mấy đứa con. Ông lên xã Nha Bích tỉnh Bình Phước mua mấy mẫu rẫy, nhờ người trông coi trong khi ông vẫn ở Saigon dạy điện công Phathata (Pháp - Thân - Tâm). Ông lấy bà ba là bà Trần Thị Như Báu là một nha sĩ. Bà này trông có vẻ nhà quê, không có gì là trí thức, tướng mình dây, chân dài như người mẫu, tuy đã 62 tuổi. (thua ông 10 tuổi). Bà ta có một người con gái riêng là y tá. Khi mua căn nhà hiện ở bây giờ, ông bán mảnh rẫy ở Nha Bích được bốn trăm triệu bỏ vào xây. Xây xong, vợ ông làm giấy tờ cho con gái đứng tên, coi như ông trắng tay, đành mang kiếp 'ăn nhờ, ở đậu'. Thời gian đầu bà chẳng coi ông ra gì, cư xử 'mách qué' với ông. Nhưng sau này bà ta đổi thái độ vì nhờ tiếng tăm của ông quán 'café' mới đông khách. Vắng ông, khách cũng vắng theo."

Cũng là cái duyên vào những ngày cuối năm, đi xem chợ hoa thì lại được thăm nhà thơ Phạm Thiên Thư tác giả của Động hoa vàng, khi tuổi anh cũng như tôi đã vào tuổi xế chiều, vào những ngày giáp Tết Mậu Tuất ở vùng đất Sàigòn.


HUỲNH ÁI TÔNG
866414022018




0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ