Cernuschi triển lãm hội họa Việt Nam "Từ Sông Hồng đến Cửu Long"
Bức tranh lụa "Thiếu nữ uống trà” của tác giả Vũ Cao Đàm
hiện diện trong cuộc triển lãm tại Pháp
Tạp chí Mỹ Thuật (Beaux - Arts Magazines) xuất bản tại Paris, số 339 tháng 9.2012, giới thiệu về triển lãm: “... Theo những đường tàu của các nhà thám hiểm lạc lối đâu đó trên mảnh đất châu Á, có nhiều chàng họa sỹ trẻ đặt cái nhìn chiêm ngưỡng các thiếu nữ bản xứ trong tà áo lụa, ngỡ ngàng trước ruộng non ngát xanh hay những cát trắng bờ sông... 1924 là năm thành lập Trường Mỹ thuật Hà Nội, dưới hướng dẫn của Victor Tardieu, được họa sỹ Đông Dương Nam Sơn giúp đỡ, đã tạo ra một thế hệ nghệ sỹ thành thạo lối vẽ phương Tây. Thực tài của nhiều họa sỹ làm ta phải thán phục...”
Từ Sông Hồng đến Cửu Long - Những tầm nhìn về Việt Nam (Du Fleuve Rouge au Mékong – Visions du Vietnam). Đó là tựa đề cuộc triển lãm tại viện bảo tàng Cernuschi. Nếu như vài năm trước, các bảo tàng ở Paris từng trưng bày cổ vật và nghệ thuật của Việt Nam, thì lần này, Cernuschi đã tập hợp được khá nhiều tác phẩm hội họa và mỹ nghệ đầy giá trị.
Sơn dầu, tranh lụa, sơn mài, màu nước, tượng đồng hay đất nung, khoảng 70 tác phẩm của các nghệ sĩ người Pháp cũng như của người Việt đưa người xem triển lãm ngược dòng thời gian, tìm lại phong cảnh và dáng vẻ con người Việt Nam từ hậu bán thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX.
Cuộc triển lãm, khai mạc từ chiều hôm qua, chính thức mở cửa tiếp đón công chúng kể từ hôm nay (thứ Sáu 21/09/2012) cho đến 27/01/2013. Ngoài việc trưng bày các bức tranh của các họa sĩ Pháp từng đến hay từng sống ở Việt Nam, viện bảo tàng Cernuschi còn giới thiệu nhiều tác phẩm của danh họa Việt Nam, đa số xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương, cho thấy là từ sự tiếp cận và cọ sát với kỹ thuật Tây phương, đã nảy sinh rồi phát triển các trường mỹ thuật tại Việt Nam.
Trong số các họa sĩ Pháp, có nhiều người từng được trao giải thưởng Đông Dương như Henri Dabadie, Charles Fouqueray, François de Marliave, Jonchère Évariste, Lucien Lièvre, Louis Bâte.... Về phía Việt Nam, có rất nhiều tên tuổi đã để lại dấu ấn sâu đậm trong làng hội họa như Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân, Vũ Tiến Chức, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Lưu Văn Sìn, Tôn Thất Đào ... Giao lưu Pháp - Việt sẽ là chủ đề trong chương trình văn hóa kỳ tới.
Cuộc triển lãm Từ Sông Hồng đến Cửu Long có giá trị ít nhất là trên ba điểm. Thứ nhất, hầu hết các tác phẩm đều là chính gốc, nguyên tác có ghi rõ xuất xứ hoặc chứng nhận sở hữu. Thứ nhì là giá trị lịch sử, bởi vì một số tác phẩm đã bị thất lạc bặt tin từ hàng chục năm qua, người xem chỉ được thấy qua ảnh chụp, sách báo minh họa hay bản sao chép, nay các tác phẩm này xuất hiện trở lại.
Thứ ba là giá trị tình cảm : nhiều bức tranh đến từ các bộ sưu tập gia đình, ít khi nào đem ra phổ biến cho công chúng, trường hợp tiêu biểu của họa sư Nam Sơn, người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nằm tại đường Yết Kiêu - Hà Nội) vào năm 1924 với họa sĩ Victor Tardieu. Gia đình của cụ Nam Sơn đã cho viện bảo tàng mượn hai bức tranh để triển lãm. Bên cạnh đó, đằng sau một số tác phẩm còn ẩn chứa nhiều giai thoại thú vị, nói lên tâm tình, hoàn cảnh của chính tác giả, trường hợp của họa sĩ Nguyễn Văn Thịnh và Nguyễn Gia Trí.
Song song với triển lãm, viện bảo tàng Cernuschi còn tổ chức nhiều buổi thuyết trình bổ sung và chiếu phim tài liệu nói về việc trùng tu các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Trong số những chuyên gia tham gia thuyết trình có giáo sư Đinh Trọng Hiếu, chuyên ngành dân tộc học, từng giảng dạy bộ môn Văn minh Việt Nam tại đại học Paris VII. RFI đã mời giáo sư Đinh Trọng Hiếu nói về tầm vóc và ý nghĩa của cuộc triển lãm Từ Sông Hồng đến Cửu Long. Sau đây là nguyên văn phát biểu của giáo sư :
"Đầu thu năm nay Bảo tàng Cernuschi tổ chức một cuộc triển lãm tôi cho là quan trọng. Bảo tàng này là một trong những Bảo tàng xưa nhất ở Paris, chuyên lưu trữ và chưng bày hiện vật và tác phẩm mỹ thuật về châu Á. Lần này cuộc triển lãm xoay quanh đề tài «Từ sông Hồng đến Cửu Long, những cách nhìn về Việt Nam ». Triển lãm bao gồm những tác phẩm hội họa, điêu khắc của những nghệ sĩ Pháp, phần lớn đã được « Giải thưởng Đông Dương », ghi lại phong cảnh và con người ở đất nước ta. Có lẽ cũng có vài bức đẹp, nhất là của ông Imguimberty và của bà Alix Aymé, cả hai đều giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, từ 1924 trở đi. Nhưng tôi muốn nói nhiều hơn đến những tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam, phần lớn là những họa sĩ tên tuổi, nổi danh từ những năm 1930, trong đấy phải kể đến : Nam Sơn, vừa là họa sĩ vừa là họa sư, Lê Phổ, Mai Thứ, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm, v.v…
Phải nhấn mạnh đến một điểm : đây là cuộc triển lãm hiếm hoi, có thể nói là duy nhất từ mấy chục năm qua, trong ấy tranh tượng đều là « đồ zin », nói như bây giờ thường nói, toàn đồ thật, không có đồ rởm, đồ giả, nhiều bức tranh ghi rõ lai lịch, xuất xứ. Đấy là nhờ công sức của nhà sưu tập từ hàng chục năm nay, bỏ công bỏ của ra để gìn giữ, trân trọng di sản văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam. Tôi không muốn nói nhiều, như có vẻ « quảng cáo ».
Tính chất « thật » của các tác phẩm khiến giới chuyên môn chú ý : sẽ có một phái đoàn năm chuyên gia sưu tập người Nhật đến thăm triển lãm, và ngắm nghía một bức tranh, bức tranh lụa « Lên Đồng » do Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1931. Bức này được kỹ sư điện Pierre Massé mua ngay với họa sĩ, tại Hà Nội, để làm quà cưới cho phu nhân. Sau đấy, không ai nhắc đến nữa, chỉ còn hình do báo ảnh Illustration và người chủ là Roger Baschet in lại và lưu truyền cho tới nay. Dựa vào ảnh này, người ta đã vẽ lại, vẽ rất khéo, một bức « Lên Đồng » khác hiện có mặt trong Bảo tàng (xin miễn nói ở đâu) cho nên giới hâm mộ nghệ thuật của Nguyễn Phan Chánh, nhất là bên Nhật, đâm ra thắc mắc. Cho nên họ sang tận nơi, ở Paris này, để xem một bức tranh thật quý giá và nổi tiếng mà hơn 70 năm ít người được thấy. Bức này đã được mua lại và có giấy chứng nhận của gia đình ông bà Massé.
Một bức tranh lụa khác, thật đẹp, cũng của Nguyễn Phan Chánh, nhan đề là « Thiếu nữ chải tóc », cũng được trưng ra trong cuộc triển lãm này : nó thuộc sở hữu của Bảo tàng Cernuschi. Lê Phổ, Tô Ngọc Vân cũng có mặt với những bức tranh lụa từ thập niên 30, trong sưu tập cũ của giáo sư Pierre Huard. Ai trong chúng ta cũng biết rằng giáo sư Huard đã cùng bác sĩ Đỗ Xuân Hợp góp phần giảng dạy môn giải phẫu không những ở Đại học Y khoa Hà Nội, mà còn chính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật nữa, cho nên cách chọn tranh rất là tinh tế.
Trong triển lãm, ta còn thấy một bức tranh lụa khác mà tôi cho là đẹp, đấy là bức vẽ hai mẹ con đang ngồi thêu, ký tên Nguyễn Văn Thịnh. Họa sĩ Nguyễn Văn Thịnh tốt nghiệp Khóa IV Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Hà Nội (1928-1933), cùng khóa với những họa sĩ khác lừng danh : Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường (nổi tiếng vì kiểu áo dài Le Mur). (Nguyễn Gia Trí theo học Khóa IV, song bỏ học, sau tốt nghiệp Khóa VII, để trau dồi kỹ thuật sơn mài, chứ chẳng cần vội vàng tốt nghiệp). Trở lại họa sĩ Nguyễn Văn Thịnh : đây là bức họa « ra Trường » của một « thủ khoa ». Sau này ít nghe thấy nhắc đến tên tuổi Nguyễn Văn Thịnh, nếu không có bức họa này họa sĩ Nguyễn Văn Thịnh sẽ… mai danh !
Tác phẩm Phong cảnh sơn thủy, chất liệu chì son, (64x50cm, 1956) Đây là một trong hai tác phẩm của Nam Sơn Họa Gia giới thiệu trong triển lãm Từ Sông Hồng đến Cửu Long - tại viện bảo tàng Cernuschi - Paris
(Từ 21/09/2012 đến 27/01/2013)
Tầm quan trọng của cuộc triển lãm này là như thế, ngoài việc thưởng lãm những tranh tượng đẹp, ta còn có thể theo dõi chuyển biến nghệ thuật của những họa sĩ danh tiếng như Mai Thứ (từ tranh sơn dầu đến tranh lụa), Lê Phổ (từ cái nhìn thực đến hư cấu), Vũ Cao Đàm (từ điêu khắc đến cách điệu sơn dầu). Xin mở dấu ngoặc nhỏ : tôi cũng có một bức tượng đất nung, của Vũ Cao Đàm, nhưng có lẽ không đẹp bằng bức trưng ở Cernuschi. Đấy là chưa kể đến những tác phẩm khác có mặt trong phòng tranh : của Nam Sơn (hai bức), của Lương Xuân Nhị (hai bức). Nguyễn Gia Trí lần này, ở đây, chỉ có một tấm sơn mài nhỏ, thật đáng tiếc, vì ở Pháp, tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí được công chúng hâm mộ, có bức « bình phong » dài hơn bốn thước… Tuy vậy bức sơn mài nhỏ này chứa đựng tâm tư của nhà nghệ sĩ giữa thời cuộc : khoảng những năm cuối thập niên 40, đầu thập niên 50, họa sĩ bị nhà đương cuộc Pháp làm khó dễ, bắt bớ. May, nhờ người bạn là kỹ sư điện khí Nguyễn Duy Thanh có chân trong Hội đồng Liên hiệp Pháp can thiệp, nên được thả ra. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã tặng kỹ sư Nguyễn Duy Thanh bức tranh này, vẽ cảnh « Cá chậu chim lồng », để tri ân.
Cạnh cuộc triển lãm, mà tôi vừa nhắc qua đến tầm quan trọng, Bảo tàng Cernuschi muốn thêm phần hiểu biết về Việt Nam hơn, nên cho tổ chức một số thuyết trình, bổ sung cho triển lãm. Có thuyết trình của những nhà nghiên cứu khác, về hội họa, về kiến trúc, về âm nhạc, như phần của anh Trần Quang Hải về Hát Bội và Hát Chèo, về nghệ thuật Chàm, về truyền thuyết, vân vân… Phần tôi, sẽ thuyết trình ngày thứ năm 25 tháng 10 về đóng góp của « Trường Mỹ thuật Gia Định », mà ta thường gọi một cách thân mật là « Trường Vẽ Gia Định ». Như quý bạn đều biết, năm tới, ngày 14 tháng 10 năm 2013, sẽ kỷ niệm long trọng một trăm năm thành lập Trường này, cho nên đóng góp của tôi, tuy nhỏ nhoi, cũng có đôi chút ý nghĩa.
Tôi sẽ trình bày về Bộ Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương (Monographie dessinée de l’Indochine), Bộ Chuyên khảo này ít người biết tới, năm 2008 đã đoạt giải « Sách Vàng », và đến năm 2011 được triển lãm tại Lễ hội đường sách Xuân Tân Mão năm 2011. Đây là bộ tranh đồ sộ gồm 520 bức vẽ, in li-tô, phần lớn đều tô màu, mô tả phong cảnh, cách sinh sống của dân nước ta vào khoảng 1935. Chính xác thì có 4 bộ về xứ Bắc, 1 bộ về miền Trung, 6 bộ về miền Nam, 2 bộ về Căm-pu-chia và nước Lào. Tranh vẽ đặt dưới sự chỉ đạo của ông Jules Gustave Besson, thanh tra các Trường Mỹ thuật và Mỹ nghệ ở miền Nam, và cũng là Hiệu trưởng của Trường Mỹ thuật Gia Định đến hơn 10 năm. Học sinh Gia Định tham gia đông đảo để thực hiện cuốn sách này, và tụ họp lại thành « Hiệp hội các Nghề Trang trí và Hợp tác xã Gia Định ». Sách do Nhà xuất bản Paul Geuthner in theo các bản vẽ (1935-1938-1943).
Tôi đã dùng nhiều hình ảnh trong bộ tranh này từ năm 1991 để minh họa cho cuộc sống của dân ta, trước đây, và ngày nay, để so sánh một số khác biệt Bắc Nam (nhất là về quy mô sản xuất lúa gạo) và cũng để minh họa cho nhiều biên khảo nằm trong việc giảng dạy môn «Văn minh văn hóa Việt Nam » tại Đại học Paris 7, từ năm 1975 cho đến khi nghỉ hưu năm 2002. Điều này nói lên sự chính xác của hình vẽ, phần lớn là vẽ bút chì, thêm tô màu công phu, của học sinh Trường Vẽ Gia Định. Về mặt này những bức vẽ đã giúp ta có một cái nhìn thực tế của đất nước và con người Việt Nam, khác hẳn cách nhìn thật mỹ miều nhưng không « đẫm mồ hôi » của các nhà họa sĩ. Nói vậy không có nghĩa là bắt họa sĩ chỉ được « tả chân » và buộc nghệ thuật phải có tầm mức « tư liệu ».
Hòa âm - Tranh lụa của Mai Trung Thứ
Không ! Nghệ thuật là sáng tạo, nhưng tôi vẫn muốn hỏi : tại sao một họa sĩ Nhật, như Hokusai, như Hiroshige lại có thể cho ta, vừa thưởng thức thiên nhiên Phù Tang, vừa yêu cái nên thơ của bức họa, vừa thấy được đời sống thường nhật của đại đa số quần chúng ? Đấy chỉ là một câu hỏi. Theo tôi, thì ở bên Pháp cũng thế : nếu được đào tạo theo cách nhìn của một Puvis de Chavanne thì sẽ vẽ « thoát tục » như Puvis de Chavanne, còn có cái nhìn sắc sảo, châm biếm như Honoré Daumier thì sẽ vẽ thể hiện cuộc sống một cách thật táo bạo, châm biếm, phê phán, nếu không gọi là đấu tranh… Tôi làm buổi thuyết trình này cũng có ý lập lại cán cân thăng bằng, không những chỉ về cái nhìn về đất nước ta, cho thấy một cách nhìn đầy thực tiễn mà cũng vẫn rất đẹp, đầy tính chất sáng tạo, nhưng còn muốn lập lại cái cân bằng cho những họa sĩ Trường Mỹ thuật Gia Định, vắng mặt trong cuộc triển lãm.
Buổi thuyết trình của tôi nhằm tránh cái « vênh » ấy : đã bảo rằng « Từ sông Hồng đến Cửu Long » mà ít thấy bóng dáng cây dừa, sông rạch… Không ổn. Đành rằng có mặt một Lê Văn Đệ, một Diệp Minh Châu, nhưng cả hai đều được đào tạo ở Hà Nội. Có bức tranh sơn mài của Thành Lễ, nhưng nếu nhìn kỹ thì có suối, có núi, có rừng, có cầu, có người gồng gánh, kẻ cưỡi ngựa, tổng hợp lại cả Bắc Trung Nam,nhiều thời đại… Cũng hay ! Song, nếu xem cảnh một góc chợ dưới bàn tay, con mắt của học sinh Gia Định, sẽ thấy đâu là cái đặc thù của buổi họp chợ ở miền Nam. Ngoài ra, còn cảnh sản xuất, quy mô lớn, cung cách miền Nam (giã gạo 3 người, xay gạo, xay bột nhiều người), còn những ngành nghề mà, tuy có mặt ở miền Bắc, cũng không bao giờ được thấy mô tả, như cảnh sản xuất hàng trăm ngàn chiếc guốc, cảnh ngồi đóng cối xay gạo… Thật là chính xác, thật là phong phú, phải xem xét, so sánh, chứ nói trống không trên Đài khó quá !
Chuyên môn của tôi là ngành Dân tộc học, tôi làm việc ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học (CNRS, Pháp). Tôi thán phục tài thể hiện sống động những gì học sinh Gia Định thấy trong đời sống thường ngày ở miền Nam. Họ không là « nhà Dân tộc học » mà sao lại thành công thế nhỉ ? Tôi chỉ khung lại miền Nam thôi, vì đấy là bí quyết thành công. Ông giám đốc Jules Gustave Besson cũng là họa sĩ, nhưng tranh của ông tầm thường, chú ý đến cách thể hiện ánh nắng, bóng râm rất khéo, tuy không khéo bằng Monet hay Seurat. Ông chẳng làm gì để tôi đặc biệt chú ý cả. Tuy nhiên, ông rất giỏi về điều động : vị tướng tài không phải là vị tướng phải bắn súng giỏi, mà là vị tướng chỉ huy giỏi.
Ông Besson đã gửi học sinh miền Trung về miền Trung vẽ, những bức vẽ của một Duy Liêm mà sinh quán ở Phan Thiết, vẽ về Phan Thiết, thì nhất rồi. Vì thế, người miền Nam ra Bắc vẽ, khó lòng mà vẽ đạt về đời sống thường ngày ở miền Bắc; ở Căm-pu-chia, ở nước Lào, cũng thế. Nhưng vẽ về miền Nam, thì đúng là họ vẽ “số dách”, khó ai sánh bằng. Phải chăng tôi thiên vị ? Ông Louis Malleret, Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ (E.F.E.O.)viết bài tựa dài 11 trang, có ý phê bình những họa sĩ đi dạo qua một xứ sở nào đó, cưỡi ngựa xem hoa, hỡi ôi. Về những tác phẩm của học sinh Trường Mỹ thuật Gia Định, ông viết một câu rất thâm thúy : qua tranh họ vẽ, tôi thấy họ yêu quê hương của họ.
Dưới ngòi bút của một trí thức người Pháp, thời Pháp thuộc, đấy là một lời khen rất đáng tự hào, và đáng để chúng ta suy ngẫm."
(batinh.com Xin Cảm ơn ông Nguyễn An Kiều đã giới thiệu ngồn thông tin này!)
BTV.Vũ Thanh Nhàn Theo nguồng: Tuấn Thảo (TẠP CHÍ VĂN HÓA – RFI)
Loan và bức tranh "Gia đình" của họa sĩ Lê Văn Đệ.
Bài viết của Đạo diễn Việt Linh nhân đến triển lãm "Từ sông Hồng đến Cửu Long, những cách nhìn về Việt Nam" tại Bảo tàng Cernuschi từ 21.9.2012 đến 27.1.2013.
Tôi nghĩ mình may mắn khi trở lại Pháp đúng dịp triển lãm còn mở cửa. Và gặp Loan...
Lịch sử suýt mai một
Là tôi đang nói đến triển lãm "Từ sông Hồng đến Cửu Long, những cách nhìn về Việt Nam" tại Bảo tàng Cernuschi từ 21.9.2012 đến 27.1.2013.
Triển lãm trưng bày hơn 70 hiện vật của 40 tác giả, phần lớn là tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam thời kỳ đầu Trường Mỹ thuật Đông Dương, cùng một số tác giả Pháp từng đến Việt Nam thời gian này như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, André Maire, Alix Aymé, Géo Michel…
Cuộc triển lãm - mà theo Thị trưởng Bertrand Delanoe "Cho chúng ta cái nhìn vừa cảm động vừa sắc sảo hiếm có về một nền văn hóa còn quá ít người biết đến" - thu hút hơn vạn người xem bởi tất cả là nguyên tác, trong đó có nhiều tác phẩm từ lâu bặt tăm, nay xuất hiện trở lại. Nhiều tranh đến từ các bộ sưu tập gia đình, như hai bức của họa sĩ Nam Sơn. Hay tranh của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh… mượn từ các bộ sưu tập tư nhân Pháp ở Paris. Nhiều bức vốn chỉ được biết qua ảnh chụp, nay được giới thiệu nguyên bản như hai bức tranh lụa "Lên đồng", "Thiếu nữ chải tóc" của Nguyễn Phan Chánh; bức "Thợ thêu" của Tô Ngọc Vân; tranh sơn dầu của Joseph Inguimberty vẽ phụ nữ Hà Nội…
Thật ra không phải tất cả tranh, tượng trong triển lãm đều tuyệt tác, nhưng đại biểu cho giai đoạn lịch sử quan trọng: Các trường mỹ nghệ thực hành được hình thành ở Đông Dương khá sớm, như Trường Mỹ thuật đồ mộc Thủ Dầu Một năm 1901, Trường Nghệ thuật, Kỹ nghệ Biên Hòa 1903, Trường vẽ Gia Định 1913; nhưng chưa có trường chuyên mỹ thuật. Năm 1921, họa sĩ Victor Tardieu có dịp đến Bắc bộ, đề xuất thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Sự hợp tác khăng khít giữa Tardieu và đồ đệ Nam Sơn đã tạo ra thế hệ họa sĩ có phong cách sáng tác đặc thù. Những tác phẩm lụa, sơn dầu, sơn mài với kỹ thuật hòa giao Âu - Á đã đưa tên tuổi Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Lưu Văn Sìn… đi vào lịch sử nghệ thuật Việt Nam và vang danh thế giới. Người xem, đặc biệt người Pháp hẳn lưu ý tác phẩm của các họa sĩ Pháp - những người từng đoạt giải thưởng Đông Dương rồi sang dạy ở Việt Nam. Riêng tác giả nữ Alix Aymé - người hướng dẫn học trò Việt Nam nghệ thuật trang trí của phương Tây và nghệ thuật thếp vàng của sơn mài Nhật Bản - luôn níu chân người xem bằng chiếc tủ sơn mài tuyệt đẹp.
Rung động nguyên bản
Tính nguyên bản, quý hiếm là giá trị của triển lãm. Một đoàn chuyên gia Nhật đã đến xem bức tranh lụa "Lên đồng" Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1931 - bức tranh được kỹ sư Pierre Massé mua tặng vợ. Do lời đồn có nhiều tranh Nguyễn Phan Chánh bị sao chép từ ảnh, nên giới hâm mộ muốn đến tận đây để xem tranh thật. Hay như bức tranh lụa ra trường "Người thợ may" của Nguyễn Văn Thịnh - bức họa mà nếu không có nó tên tuổi Nguyễn Văn Thịnh đã hoàn toàn mai danh.
Rất tiếc Nguyễn Gia Trí chỉ có một bức sơn mài nhỏ trong triển lãm, tuy nhiên nó chứa đựng chút tâm tình. Rằng cuối thập niên 40, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt, may nhờ bạn là Nguyễn Duy Thanh giải thoát. Bức tranh "Cá chậu chim lồng" là để tri ân bạn, và được con cháu ông Thanh lưu giữ. Tính nguyên bản của triển lãm còn ở nội dung tác phẩm. Nếu tôi phải dừng mắt khá lâu trước bức tranh "Người đàn bà mặc áo dài đen" - hình ảnh khởi xướng kiểu áo ôm sát người - của Lê Phổ, hay bâng khuâng trước tượng đất nung "Thiếu nữ ngồi" của Vũ Cao Đàm, thì tôi phải bật cười bởi bức tranh mang tên "Lễ nơi Ngọ Môn" của Géo-Michel; trong đó, nơi tiền cảnh khuất mát, có anh lính ngả nghiêng nhìn cuộc lễ nghiêm trang!
Rõ ràng tác giả đã tinh nhạy chỉ ra cái thuộc tính xuề xòa, chểnh mảng - khi có dịp - khá phổ biến của người Việt. Không thật sự phong phú nhưng tính lịch sử, nguyên bản là cái duyên lôi kéo, khiến người xem để lại hàng trăm ghi chép nồng nhiệt, với lác đác câu kết thúc: "Cảm ơn Loan de Fontbrune".
Thiếu nữ ngồi (đất nung) của họa sĩ Vũ Cao Đàm.
Trước khi nói về Loan - một trong hai người trách nhiệm triển lãm, tôi muốn nhắc qua phim tài liệu "Chương trình phục chế tranh Nguyễn Phan Chánh" của hãng sản xuất Creative Position Core được chiếu ở đây. Phim kể rằng dù được đánh giá là di sản nghệ thuật lớn của dân tộc, song nhiều tranh của Nguyễn Phan Chánh đang được lưu giữ ở bảo tàng, hoặc gia đình đều bị hư hỏng nặng do điều kiện bảo quản khiếm khuyết và khí hậu ẩm ướt.
Trong một lần sang Việt Nam năm 2001, bị tranh lụa Nguyễn Phan Chánh mê hoặc, chuyên gia hội họa Nhật Bản Tsutomu Nakamura ngỏ ý mang sang Nhật phục chế, và được gia đình hoạ sĩ đồng ý. Sau cuộc du hành nâng niu và một năm kỳ công của bà Kikuko Iwai - giám đốc Viện Phục chế nghệ thuật, người nổi tiếng phục chế thành công các tuyệt phẩm của Picasso, Monet - ba bức tranh "Cô gái cưỡi bò qua sông" (1967), "Hun thuyền" và "Đốn củi" (1938) của Nguyễn Phan Chánh đã được hồi sinh, triển lãm khá lâu tại Tokyo. Xem phim, không ít lần tôi nín thở, cay mắt cùng động tác tu sửa công phu của Kikuko Iwai. Đạo diễn rất đúng khi ưu tiên thời lượng cho mắt người phục chế - nó tha thiết, tinh tường, trân quý. Đôi mắt đó hoàn toàn tương phản với phong dáng bệ vệ, những phát biểu khuôn sáo lơ mơ về Nguyễn Phan Chánh của một quan chức bảo tàng trong nước. Xem phim, ta tin không chỉ thời gian, thời tiết làm chết tranh, và phục sinh tranh không hẳn chỉ bằng tiền.
Loan de Fontbrune
Gốc Huế, Loan de Fontbrune đi Pháp năm 1979 khi hai mươi tuổi. Loan nói chị thích hội họa từ nhỏ nên khi sang Pháp đã theo học tiếng Hoa và tiếng Nhật, sau đó học chuyên lịch sử nghệ thuật. Hỏi từ đâu có ý tưởng triển lãm này, Loan nói Bảo tàng Cernuschi vốn là dinh thất của chủ nhà băng gốc Ý Henri Cernuschi (1821-1896) tặng thành phố Paris cùng với bộ sưu tập nghệ thuật châu Á, chủ yếu Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản. Giám đốc Bảo tàng Christine Shimizu, người quen của Loan, nhân lần về Việt Nam trong Hội nghiên cứu gốm châu Á đã nảy ra ý muốn triển lãm gốm Việt Nam. Loan gợi ý mỹ thuật.
Hỏi vì sao chọn mỹ thuật quá khứ, Loan nói muốn cắt nghĩa lịch sử hội họa Việt Nam, giới thiệu cho thế giới tài sản vô giá bị lãng quên của người Việt, những bức tranh ít người biết đến… Loan nói mình mãn nguyện lấy lại công bằng cho hội họa Việt Nam chân chính, bởi lâu nay tranh giả Việt Nam gây định kiến xấu. Cũng có người thất vọng trên số lượng tác phẩm, nhưng Loan cho biết chỉ có thể mượn tranh ở Pháp do kinh phí có hạn.
Nền nã, dịu dàng như những người phụ nữ trong tranh, Loan nói chị vui vì triển lãm có đông khách, nhiều người trở lại, dẫn thêm bè bạn, báo chí khen ngợi. Đặc biệt, người Pháp rất cảm động khi tìm lại được một thời bị nước Pháp lãng quên do mặc cảm. Gia đình, học trò của các họa sĩ Pháp, Việt từ nhiều nước xa xôi cũng tìm đến xem tranh, tỏ lòng biết ơn thầy. "Giới thiệu cho thế giới các họa sĩ Việt Nam mình ngưỡng mộ, cũng là cách tôi gửi lời chia vui với con cháu họ, đã có những cha, ông đáng hãnh diện. Mong họ giữ gìn di sản, không làm phương hại uy tín của ông cha và tranh Việt Nam".
Với câu cuối bức xúc, tôi biết Loan ám nhắc những trường hợp giả tranh khá tai tiếng. Loan nói, sau triển lãm này chị sẽ lên kế hoạch cho các triển lãm khác về nghệ thuật Việt Nam.
|
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ