" từ chuyện VIẾT MỚI TIẾNG VIỆT đến nhà văn NGUIỄN NGU Í / Phan Chính -- www. vanchuongviet.org/
Từ chuyện viết mới tiếng Việt đến nhà văn Nguiễn Ngu Í PhanChính Nguiễn Ngu Í [ i.e. Nguyễn hữu Ngư 20/4/ 1921-- 18/ 02/ 1979 Saigon.] (ảnh: tạp chí Bách Khoa.) ...<<QÊ HƯƠNG>>... NGUIỄN- NGU- Í NGHÊ-BÁ-LÍ TÂN-FONG-HIEB (bìa sách: báo Thanh Niên/ tp. HCM.) | |
Chưa bao giờ câu chuyện chữ nghĩa lại có sự bùng nổ khá rôm rả và gần như nghiêng về thái độ phê phán, bài bác đối với công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền nguyên Phó hiệu trưởng ĐHSP ngoại ngữ Hà Nội công bố trong hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam -Hội nhập và phát triển”. Theo đó, báo chí và các trang mạng xã hội đã không ngừng chỉ trích và lo lắng cho công trình này sẽ được áp dụng, coi đó là nguy cơ làm xáo trộn, dẫn đến hệ lụy cho xã hội nhiều mặt. Có tính dung hòa hơn, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng “ có nhiều điểm không hợp lý và khó khả thi”, bởi thực tế chữ quốc ngữ đã sử dụng rất lâu, tạo thành thói quen , trở thành chuẩn mực chính tả phổ thông nếu thay đổi sẽ trở thành rắc rối… Cứ tưởng đơn giản khi giảm ký tự bảng chữ cái từ 38 xuống còn 31, bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái và bổ sung thêm một số chữ Latin F, J, W, Z… theo PGS. Bùi Hiền và khi ứng dụng thành văn bản thì phức tạp đến dường nào, chỉ một đoạn giữa hiện hành và cải tiến sau đây:
Luật Giáo Dục
Điều 7- Ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác, dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số…
Luật Záo Zục
Diều 7- Qôn qữ zùq cop wà cườq và kơ sở záo zụk xak, zạy và họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk wiểu số…
Cũng có chuyên gia ngôn ngữ học coi cách thể hiện chữ viết như vậy không khác gì tiếng “lóng” chỉ phù hợp với một số ít giới trẻ X9 trên facebook mà thôi. Không thể nào coi đó là sự sáng tạo, là đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian, giấy mực, giảm công sức được.
Qua câu chuyện này, liên hệ lại trường hợp nhà văn, nhà báo Nguiễn Ngu Í cùng với số tư liệu, tác phẩm của ông, cho thấy có sự trùng hợp khá lý thú về việc sửa đổi cách viết trong tiếng Việt dù với khoảng cách nhau gần 60 năm. Nguiễn Ngu Í tên thật là Nguyễn Hữu Ngư (1921-1979) tại làng Tam Tân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Thân sinh của ông là Nguyễn Hữu Hoàn (Giáo Hoàn) quê Hà Tĩnh vào Hàm Tân ẩn dật và là người đứng ra cứu vớt 6 người tù Côn Đảo trôi dạt vào bờ, trong đó có nhà cách mạng Nguyễn Đình Kiên (Tú Kiên), bí thư kỳ bộ Tân Việt Nam kỳ, rồi phải bị mang bản án tù đày lên Lao Bảo. Nguiễn Ngu Í còn có bút danh Ngê Bá Lí, Tân Fong Hiệb… Ông được gia đình cho vào Sài Gòn học và đậu bằng Thành chung (Diplôme) và hai bằng Brevet cùng với người bạn học là nhạc sư Trần Văn Khê. Ông sớm thành danh trong lĩnh vực báo chí, văn chương nhưng cuộc đời của Ngu Í cũng lắm thăng trầm dẫn đến tình trạng phân thân giữa điên và tỉnh. Học giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét “…anh nhiều lý tưởng, nuôi nhiều mộng cao đẹp mà gặp toàn những điều bất như ý, cứ phải cố nén xuống và sức nén càng mạnh thì sức bùng lại càng dữ…” (1967). Ngu Í đã ghi tên tuổi mình qua một số tác phẩm được người đọc yêu thích, đó là Việt sử, Hồ Thơm Nguyễn Huệ, Hồ Quí Li, Suối Bùn Reo, Khi người chết có mặt, Khi người điên trở về, Thái Bình điên quấc, Có những bài thơ và loạt bài phỏng vấn mới lạ “Sống và Viết với…” với các học giả, nhà văn, nhà báo nổi tiếng ở Sài Gòn trên tạp chí Bách Khoa khoảng những năm 69-70. Trong giới báo chí, văn nghệ ở Sài Gòn thời ấy có nhiều giai thoại về Ngu Í vừa vui vừa xót xa cho một nhân tài mang nhiều ước vọng. Nhưng việc Ngu Í được nhắc đến nhiều qua cách viết trong các tác phẩm, bài báo của mình dựa trên âm ngữ, âm sắc, âm vị để thay đổi cách viết xưa nay thì khá đặc biệt, hiếm có. Như Qu thay Q (quê = qê, qần chúng), K thay C (kinh= cinh, đao kiếm= đao ciếm), Gi thay J (La Gi= La Ji, giả từ= jả từ ), Kh thay K (khen= ken, không= kông), Ph thay F (phải= f ải, phê bình= fê bình), Ngh thay Ng (khắc nghiệt= kăc ngiệt, chính nghĩa= chính ngĩa) … và chữ Y thay I, chữ cuối P thay B (tội ngiệb, lịch thiệb, theb)… Trừ chữ Y/I nếu đặt sau cùng một từ có khi không phù hợp như: Thâm thúy phải đọc thâm thúi, cổ xúy thành cổ xúi, rất hay là rất hai…nhưng trên những vần tự chúng đã có thanh sắc với những vần tận cùng bằng p, c, t, ch. (đap, chiêc, hêt, chêt, đât, thach…) thì không cần ghi dấu sắc. Với phụ âm C đọc Cơ ráp với nguyên âm ca, ce, ci, cu … thay vì ke, ki, kê... hay phụ âm G đọc Gơ ráp với các nguyên âm ga, ge, gê, gi, go, gu…. thay vì ghe, ghê, ghi…hay như J thay gi đọc giơ, Q đọc quơ thay cho qu…
Sự trùng hợp giữa PGS.TS Bùi Hiền với Nguiễn Ngu Í ở các chữ Ph=f, D=z, K=c, Y=i, Gi= z, Gh=g… Nhưng cùng dạng chữ phải thay theo PGS Bùi Hiền như Giữ gìn sang Zữ zìn, Khác thành Xák, Tổ chức sang Tổ cứk, Quốc tế là Kuốk tế, Ngoại ngữ sửa Qoại qữ, Liên tục thành Liên tụk … dù nhiều chữ cùng âm sắc, âm vị nhưng Ngu Í thì không dùng đến. Trong tập Thơ Điên ấn hành năm 1970 gồm Ngu Í, Bùi Giáng và một vài bạn đồng tâm bệnh do bác sĩ Tô Dương Hiệp -nhà thương điên Biên Hòa, con trai của nhà văn Bình Nguyên Lộc bảo trợ, mỗi bài thơ đều có 2 cách viết (cách viết hiện hành và cách viết của Ngu Í)… Nằm trên giường bệnh, Ngu Í bị ám ảnh cái màu trắng của bức tường vôi hoang lạnh, ông viết: “Ngó fía nào đây trắng cũng theo/ Trắng fủ vây tôi, tôi sợ qá/ Làm sao trốn trắng, hởi người ơi!” hay mấy dòng thơ mang tâm sự một nữ bệnh nhân cùng viện: “Em lạnh qá nên em thành đểu jả/ Em kổ nhiều nên dối trá qanh năm/ Em ngèo gê nên gặb thì cầm/ Qên hẳn của mình hay của ai ai đó…”. Với các bài viết trên báo chí, tuyển tập văn học mang bút hiệu của Ngu Í đều giữ nguyên cách viết của tác giả mà các biện pháp kiểm duyệt không hề đá động đến, còn nhà xuất bản thì tôn trọng, không can thiệp vào tác phẩm và từ đó tạo thành một hiện tượng khá đặc biệt trên diễn đàn văn học Miền Nam lúc bấy giờ. Có điều lạ là cách đổi thay chữ viết, Ngu Í chỉ nặng về âm sắc của từ ngữ phổ biến theo ý thức sáng tạo cá nhân, thêm một tính cách nghệ sĩ bốc đồng và hoàn toàn không dựa dẫm vào danh nghĩa, mục đích nào khác. Do đó với cách sử dụng chữ viết mới của Ngu Í không gặp phải sự phản bác của xã hội vì qua cách đọc, ngữ nghĩa không có gì sai lệch mà có thể chấp nhận được. Cùng thời gian này, nhiều tạp chí văn học có sáng kiến thể nghiệm cách viết mới như những danh từ kép viết có gạch nối và có khi viết dính liền nhau (nhân- loại, nhânloại…kỷ-nguyên-mới, kỷnguyênmới…), hoặc chữ đầu dòng không viết hoa và cả trang văn không có chấm xuống hàng…
Sự biến động trong chữ viết ghi chép vẫn từng có diễn ra do nhu cầu cho hoạt động, khá phổ biến là sử dụng tốc ký đối với ký giả trong tác nghiệp phỏng vấn bằng ký tự riêng. Đó là cách viết theo hệ thống cho 52 vần ghép và một số phụ âm kép hoặc ngành bưu điện từ đầu thế kỷ 20 đã dùng cách ghi chép telex bộ gõ tiếng Việt cho thư tín, công văn…Những nhà nghiên cứu về vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ trên nền tảng ký tự Latinh đã phát triển trên cơ sở nghiên cứu của Hội đồng cải lương học chính Đông Dương từ năm 1906 và đến năm 1930 chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt. Quá trình ứng dụng vẫn thấy ra một số bất cập tồn tại, có nhiều phát kiến sửa đổi như nhiều nước khác cũng gặp phải nhưng đều không mang tính khả thi. Nếu coi vấn đề cải tiến để đạt được yêu cầu giản lược, tiết kiệm thời gian liệu chăng có giải quyết được gì một khi cách viết, cách hiểu chữ quốc ngữ hiện nay mang giá trị biểu cảm trong tâm hồn người Việt. Do đó với những văn bản hành chánh, sách giáo khoa, lịch sử, chứng thư hộ tịch…dù trong thể chế nào cũng vẫn duy trì, bảo tồn bản sắc chính thống của quốc ngữ cho đến nay. Như vậy với cái gọi là công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết trong tiếng Việt mới đây không phải là sự kiện mới mẻ mà trong quá trình hình thành lịch sử chữ quốc ngữ đã có những chuyển động, phát sinh như một sự tất yếu bình thường.
| |
trích từ www.vanchuongviet.org/ ------------------------------------- |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ