Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

'phỏng vấn nhà báo, nhà thơ VƯƠNG TÂN- HỒ NAM [i.e. Lê Nguyên Ngư 1930- 15/12/ 2015 Mỹ Tho/ Nam Bộ ] / Lê Thị Huệ thực hiện ( bài 2) -- www.gio-o.com/

vương tân- hồ nam [i.e. lê nguyên ngư 1930- 15/ 12/ 2015  mỹ tho/ nam bộ.] phỏng vấn
nhà báo, nhà thơ
VƯƠNG TÂN

thực hiện: Lê Thị Huệ

kỳ 2



Vương Tân là nhà báo, nhà thơ  đặc biệt có gốc gác, giềng mối quen biết và thân cận với một số thành phần cầm bút, thành phần quân đội, thành phần chính trị quan trọng của chế độ Sài Gòn Miền Nam Quốc Gia 1954 – 1975

gio-o.com hân hạnh giới thiệu bạn đọc cuộc phỏng vấn thú vị với nhà thơ nhà báo Vương Tân (lth)

Lê Thị Huệ: Được biết Vương Tân đã có hơn nửa thế kỷ hoạt động sáng tác và làm báo,  tác phẩm và giai đoạn nào làm ông ưng ý nhất từ 1954 đến nay.
Vương Tân:  Vương Tân tâm đắc nhất là  là tập khảo luận Vượt Mác viết năm 1955.  Trong đó trình bầy những nghiên cứu của Vương Tân cho thấy Các Mác đã ảo tưởng khi đưa ra học thuyết cộng sản.  Nhất là vấn đề đấu tranh giai cấp và thuyết thặng dư giá trị đấu ntranh giai cấp chỉ tạo ra một xã hội đầy máu và nươc mắt phát sinh ra gai cấp mới là giai cấp cán bộ đăc quyền đăc lợi còn thuyết thặng dư giá trị thì ảo tưởng và hoàn toàn sai vì Việt Nam ta có câu phương ngôn  “Một người lo bằng kho người làm”.   Và công nghệ là cốt lõi của sản xuất.  Cái sức sản xuất của công nhân chẳng là cái đinh gì cả so với công nghệ và tài tổ chức của giới chủ.  Đã thế thời đai đã có chủ trương thăng tiến cần lao đồng tiến xã hội thì đấu tranh giai cấp,đấu tố lập công xã chỉ bần cùng hóa nhân dân và không đi đến đâu.
Về thơ Vương Tân có một trường ca rất thú vị mà phần đầu cho công bố trên số báo Xuân tạp chí Văn Nghệ năm 1962 do Đoàn Tường Lý Hoàng Phong làm chủ nhiệm,  Dương Nghiễm Mậu làm thư ký tòa soạn.  Tác phẩm này có được giáo sư Nguyễn Thiên Thụ nhắc tới trong cuốn sách History of Vietnamese Literature xuất bản ở Canada
Tập trường ca này dài hai mươi nghìn câu và gồm nhiều thể loại thơ nó là tập đại thành  của sự nghiệp thi ca của Vương Tân.
Ngoài ra Vương Tân cũng viết trương giang tiểu thuyết Sống Chết, đã công bố một phần ở trong nước và hải ngoại được nữ sĩ Phương Hằng Việt kiều Mỹ chuyển ngữ qua tiếng Anh một nhà xuất bản ở Mỹ đã thương lượng in bản dich này sau khi nó được công bố một phần trên báo.
Cũng thời gian này Vương Tân viết bộ chân dung văn học nghệ thuật dày 2500 trang mang tựa đề 100 Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ  gồm 5 tập đã xuất bản hai tập gây nhiều tiếng vang trong và ngoài nước.
Phải nói rằng giai đoạn từ 1954 tới 1975 là giai đọan Vương Tân viết sung sức nhất.  Nhưng so với giai đoạn từ 1975 tới  nay thì giai đoan sau này Vương Tân viết hứng khởi hơn sâu sắc hơn, và dấn thân hơn

Lê Thị Huệ:  Một số nhân vật được ông nhắc đến trong câu trả lời trước, gây tò mò vì những huyền thoại ở chung quanh họ.  Ví dụ Nguyễn Đức Quỳnh.  Nguyễn Đức Quỳnh đươc nhiều người truyền tụng là một nhà lý luận về chính trị, triết học, văn học.  Nhưng ông ta không để lại vết tích, trước tác cụ thể bao nhiêu. Ông có thể cho biết cảm tưởng của ông về nhân vật Nguyễn Đức Quỳnh.

Vương Tân:   Nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh là một huyền thoại.  Ông tự nhận là hậu duệ của Nguyễn Thiện Thuật, người anh hùng Bãi Sậy quê ông.  Nguyễn Đức Quỳnh sinh năm 1909 tại Trà Bồng , Hưng Yên-Bắc Việt.  Con nhà khá giả học trường Tây bạn học với Cousseau, sau này làm chánh mật thám Đông Dương, một người Pháp, có nhiều ảnh hưởng chánh trị tại Đông Dương.  Chính nhờ là bạn Cousseau mà Trương Tửu chủ nhà xuất bản Hàn Thuyên phải mời Nguyễn Đức Quỳnh làm giám đốc chánh trị nhà xuất bản Hàn Thuyên cùng chủ bút tạp chí Văn Mới của nhà xuất bản Hàn Thuyên để Nguyễn Đưc Quỳnh lo kiểm duyệt sách và báo của nhà xuất bản Hàn Thuyên không gặp trở ngại.
Nguyễn Đức Quỳnh học trường Tây rồi đi lính Lê Dương, một sắc lính quốc tế của quân đội Pháp.  Được sang Pháp học, Nguyễn Đức Quỳnh học đậu kỹ sư điện ở Pháp nhưng về nước lại đi viết báo và dạy học tư.  Chứ không làm quan. Tờ báo đầu tiên Nguyễn Đức Quỳnh cộng tác là báo Khoa Học của nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu cháu ba đời Nguyễn Công Trứ và là anh vợ nhà văn nhà giáo Trương Tửu.
Nguyễn Đức Quỳnh khởi sự viết nghiên cứu về dân tộc ít người ở Tây Nguyên sau mới viết tiểu thuyết.  Những tiểu thuyêt Thằng Kinh ,Thằng Cu So (viết về Cousseau), Thằng Phượng của Nguyễn Đức Quỳnh được nhà văn Vũ Ngọc Phan khen ngợi hết lời trong bộ Nhà văn Hiện Đại Việt Nam.  Nhưng tác phẩm độc đáo nhất của ông, Nguyễn Đức Quỳnh lại ký bút danh Hà Việt Phương có tựa đề Làm Lại Cuộc Đời đăng toàn bộ trên báo Đời Mới.  Và tác phẩm Ai Có Qua Cầu ký bút danh Hoài Đồng Vọng nhà xuất bản Quan Điểm in và phát hành lại được người đọc chú ý hơn
Nguyễn Đức Quỳnh là nhân vật thích làm quân sư cho thiên hạ.  Hết làm quân sư cho Cousseau lại làm quân sư cho tướng Nguyễn Sơn được tướng Nguyễn Sơn cho về Hà nội móc nối với Cousseau. Vụ này nhà xuất bản Công an ở Hà nội có cho in cả một cuốn tiểu thuyết với tựa đề Câu Lạc Bộ Chính Khách do nhà văn đai tá công an Việt Cộng Lê Tri Kỷ  viết  bôi bác Nguyễn Đức Quỳnh và nói rõ vụ án Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hướng bị bắt ở khu tư về vụ chiến khu Phục Việt.  Rồi Nguyễn Đức Quỳnh làm cố vấn chánh trị cho trung tướng Nguyễn văn Hinh nổi loạn chống thủ tướng Ngô Đình Diệm. Và Nguyễn Đức Quỳnh làm cố vấn chính trị cho bộ trưởng Công Dân Vụ Ngô Trọng Hiếu.  Cố vấn chánh trị cho bộ trưởng phủ thủ tướng Nghiêm Xuân Hồng.  Nói về chuyện tại sao mình hay làm quân sư quạt mo Nguyễn Đức Quỳnh thường tâm sự với Vương Tân rằng biết thì phải nói.  Thiên hạ xin ý kiến thì phải cho. Trả lời thắc mắc của Vương Tân rằng tại sao ông làm cố vấn cho tới hai vị tướng đều là lưỡng quôc tướng quân là Nguyễn Sơn và Nguyễn Văn Hinh.  Ông nói cả hai đều là tướng tài nên Pháp và Trung Quốc đều phong tướng. Trả lời câu hỏi tại sao ông làm cố vấn cho bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu nhân vật thứ ba trong chế độ Ngô Đình Diệm mà lại bị mật vụ Dương Văn Hiếu bắt, ông Nguyễn Đức Quỳnh nói ông bị bắt là do lệnh của ông Ngô Đình Nhu.
Theo nhà quân sư Nguyễn Đức Quỳnh thì người chịu nghe lới ông nhất là bộ trưởng phủ thủ tướng Nghiêm Xuân Hồng của thủ tướng Nguyễn Khánh nhưng cơ sự không đi đến đâu là vỉ tướng Khánh tuy phục luật sư Nghiêm xuân Hồng nhưng lại ưng nghe lời người anh em cột chèo Phạm Quang Tước một ông cò cảnh sát nắm ngành mật vụ hơn là nghe lời bộ trưởng Nghiêm Xuân Hồng.
Câu hỏi mà nhà văn Nguyễn Đưc Quỳnh thường trả lời Vương Tân loanh quanh là ông có làm tham mưu cho bạn Cousseau của ông không.  Ông nói Cousseau là ngươi Pháp giỏi và biết điều,  nhưng ông ta ít nghe lời Nguyễn Đưc Quỳnh.  Nếu ông nghe lời Nguyễn Đức Quỳnh thì không xẩy ra vũ nổ tầu Amyot D ‘inville và Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hướng không  bị đi tù Lý Bá Sơ.
Nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh để lại  nhiều sách và một bộ hồi ký chưa in.  Quan trọng là ông có truyền nhân là nhà báo Lý Đai Nguyên.  Ông Nguyễn Đức Quỳnh có hai dòng con.  Dòng lớn có Nguyển Đức Kim  là nhà doanh nghiệp lớn ở Hà nội giầu cỡ tỷ tỷ phú, và ba con trai dòng nhỏ là nhà văn Duy Sinh Nguyễn Đức Phúc Khôi,  nhà báo Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ (nhân vật lớn trong võ phái Vo vinam, nhà báo Nguyễn Đức Kình
Nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh qua đời ngày 6 tháng 6 năm 1974 vì ung thư bảo tử dù đươc người học trò cưng Trần Ngọc Ninh hết sức chạy chữa.  Nhưng bị di căn vẫn không qua khỏi tay tử thần.  Hiện nhà báo Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ còn giữ đươc một số di cảo của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, nhất là tập nhật ký của ông.
Cái di sản đáng nhờ của Nguyễn Đưc Quỳnh để lại cho anh em là việc ông lập Đàm Trường Văn Nghệ Viễn Kiến tại nhà ông cạnh chùa Từ Quang của Hòa Thượng Thich Tâm Châu một diễn đàn mở để anh em văn nghệ sĩ trẻ già tha hồ phát biểu ý kiến đưa ra những tác phẩm mới cùng nhau trao đổi.  Theo một số nhà văn thì sở dĩ năm 1963 ông Ngô Đình Nhu phải ra lệnh cho mật vụ bắt Nguyễn Đức Quỳnh và truyền nhân của ông là nhà báo Lý Đai Nguyên vì cho rằng Đàm Trường Văn Nghệ Viễn Kiến là cái ngòi nổ sẽ làm sập chế độ độc tài.  Nếu Vương Tân không nhanh chân trong vụ này cũng bị mật vụ tóm.

Lê Thị Huệ:  Còn nhân vật  Hồ Hán Sơn.  Ông đã gặp Hồ Hán Sơn trong những trường hợp nào. Ông biết gì về vai trò của Hồ Hán Sơn trong việc truất phế Bảo Đại và suy tôn Ngô Đình Diệm cùng với các ông Nguyễn Bảo Toàn, Nhị Lang.

Vương Tân:    Tôi gặp Hồ Hán Sơn tại khu 4 lúc đó ông thường cặp kè với Hồ Tùng Mậu và tướng Nguyễn Sơn.  Thiên hạ nói ông từng học quân sự ở trường Hoàng Phố và từng đi Vạn Lý Trường Chinh với Nguyễn Sơn.  Hồ Hán Sơn thời kỳ này mang tên Hồ Mậu Đề.  Ở  trong bộ tham mưu của tướng Nguyễn Sơn và làm nghề chính là dạy chiến lược ở trường võ bị Trần Quốc Tuấn phân hiệu khu 4.  Tại khu 4 lúc đó những người cộng sản từ Tầu về có hai phe:  Phe Hoàng Văn Hoan và phe Hồ Tùng Mậu.  Hồ Hán Sơn theo phe Hồ Tùng Mậu người cùng quê Hà Tĩnh với ông.  Mặc dầu Hồ Tùng Mậu trong nghi án lich sử bán Phan Bội Châu cho mật thám Pháp.   Thiên hạ nói rằng Hồ Tùng Mậu  có dính với Hồ Chí Minh nhưng ở khu Tư Hồ Tùng Mậu thường công kích Hồ chí Minh là kẻ nhiều mặt.  Hết làm việc cho KGB lại làm việc cho OSS (tiền thân của CIA),  và đố kỵ người tài.  Tại sao lại phong Nguyễn Bình một nhân vật VNQDĐ làm trung tướng trong khi chỉ phong Nguyễn Sơn làm thiếu tướng.  Và phong một con nuôi mật thám Pháp Marty là Võ Nguyên Giáp làm đại tướng khi ông Giáp chưa hề học một trường quân sự nào.  Có lẽ vì những phát ngôn nặng lời với Hồ chí Minh mà ông Hồ Tùng Mậu đã bị Hồ Chí Minh cho người chỉ điểm tầu bay Pháp oanh tạc giết chế Hồ Tùng Mậu.
Sau khi Hồ Tùng Mậu bị phi cơ Pháp oanh tạc chết ở nông giang Thanh Hóa thì Hồ Mậu Đề biến khỏi khu Tư về Hà Nội.
Hồ Mậu Đề “dinh tê” về Hà nội đổi tên là Hồ Hán Sơn liên lạc với bác sĩ Đặng Văn Sung một lãnh tụ Đai Việt.  Đặng Văn Sung người Nghệ Tĩnh.   Bác sĩ Đặng Văn Sung giới thiệu Hồ Hán Sơn với đồng chí là thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí.   Nguyễn Hữu Trí nói với chức danh của ông thì ông chỉ có thể ký quyết định đồng hóa Hồ Hán Sơn là đai úy đồng hóa Bảo Chính Đoàn một loại quân đia phương của lãnh thổ Băc Việt.  Lãnh lương đai úy Bảo chính đoàn phụ trách quân huấn,  Hồ Hán Sơn cho xuất bản tác phẩm Nghệ Thuật Chỉ Đạo Chiến Tranh ca ngợi chiến lược chiến tranh toàn diện , chiến tranh tổng lực.  Kịp đến khi ông Bửu Lộc được quốc trưởng Bảo Đại trao cho quyết định triệu tập Đai Hội Quốc Dân đã nhờ sử gia Trần Trọng Kim làm đầu tầu triệu tập Đại Hội Quốc Dân, Hồ Hán Sơn được bác sĩ ĐăngVăn Sung  cử tham gia đoàn đai biểu Bắc Việt dự Đai Hội Quốc Dân.  Tại đai hội này Hồ Hán Sơn gặp lại nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh lúc đó đang làm tham mưu cho Cousseau cố vấn chánh trị của Cao ủy Pháp, và chủ bút báo Đời Mới.  Nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh mời Hồ Hán Sơn tham gia bộ biên tập tuần báo Đời Mới dịp này Hồ Hán Sơn vớ đươc bộ Tự điển Bách Khoa  đồ sộ bản mới nhất của Pháp ở thư viện của báo Đời Mới và ông đã đọc ngấu nghiến ngày đêm rồi nghĩ ra mục hỏi đáp để phổ biến những tư tưởng bách khoa đã đọc được với bút danh Hồng Nam.
Tại Đại Hội Quôc Dân Hồ Hán Sơn với cái giọng Nghệ Tĩnh đã cùng Nguyễn Đức Quỳnh  khuấy đảo không khí chính trị với tinh thần phải có độc lập dân tộc tức khắc khiến cho sử gia Trần Trọng Kim người cầm chịch Đại Hội Quốc Dân phải đi tới nghị quyết Việt Nam  phải  được độc lập không ở trong Khối Liên Hiệp Pháp như hiện tại. Chính cái nghị quyết này đã khiến quốc trưởng Bảo Đai đưa hoàng thân Bửu Lộc lên làm thủ tướng chính phủ  thay thủ tướng Nguyễn Văn Tâm một nhân vật thân Pháp và cái chết khó hiểu của sử gia Trần Trọng Kim sau đó ở Đà lạt.
Chính nhờ Đại Hội Quốc Dân mà Hồ Hán Sơn nổi đình đám lọt vào mắt xanh của Đức Hộ Pháp Đại Đao Tam Kỳ Phổ Độ Phạm Công Tắc được ngài mời tham gia quân đội của giáo phái này và ban thánh lệnh phong quân hàm đai tá phụ trách chánh trị quân đôiCao Đài.
Nhờ ngốn hết bộ Tự Điển Bách Khoa  cộng với những điều học được từ Trung Quốc Hồ Hán Sơn bước vào chính trường với bản lĩnh văn hóa Đông Tây khá vững nên khi sang Nam Dương Quần Đảo dư hội nghị Á Phi lần thứ nhất Hồ Hán Sơn chỉ là một nhà báo theo chân phái đoàn miền Nam VN,nhưng lại được thành viên có ảnh hương nhất trong phái đoàn là thiếu tướng Cao Đài Liên Minh Trình Minh Thế người vừa được thủ tướng Ngô Đình Diệm qua cố vấn là tướngtình báo CIA của Mỹ.  Ông Lansdal chiêu mộ đem quân kháng chiến về với chánh phủ,mời làm cố vấn.
Chính tại cái hội nghị Á Phi lần thứ nhất ở Nam Dương Quần Đảo,  tướng Trình Minh Thế đã đưa ra tiếng nói của lưc lượng quôc gia kháng chiến theo ý của Hồ Hán Sơn được dư luận quốc tế chú ý,  Hồ Hán Sơn thành cánh tay mặt của tướng Trình Minh Thế.
Khi tướng Thế và Hồ Hán Sơn về nước thì đúng dịp tranh chấp giửa quốc trưởng Bảo Đai vả thủ tướng Ngô Đình Diệm vào cao trào,tướng Lansdal cho tướng Thế biết,người Mỹ muốn lật quốc trưởng Bảo Đai đưa thủ tướng Ngô ĐìnhDiệm lên nhưng cần người kềm ông Diệm nên muốn tướng Thế làm công việc này.Tướng Thế đem chuyện này hỏi ý kiến Hồ Hán Sơn,Hồ Hán Sơn nói muốn lật Bảo Đai cần có sự tham gia của Nguyễn Bảo Toàn,nhân vật từng cùng Huỳnh giáo chủ lập Dân xã đảng ông này đang là cố vấn chánh trị của tướng Hòa Hảo Nguyễn Giác Ngộ và ông lên kế hoach lập một Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng truất phế Bảo Đai
Tướng Trình Minh Thế đem kế hoạch lập Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng truất phế Bảo Đại của Hồ Hán Sơn trao cho tướng Lansdal duyệt ông này đã đồng ý khi trung tướng Nguyễn Văn Vỹ cùng đai tá Nguyễn Tuyên đem Ngư Lâm quân từ Đà lạt về ép thủ tướng Ngô Đình Diệm qua Pháp trình diện quốc trưởng Bảo Đại thì nhà văn Nhị Lang theo lệnh của tướng Trình Minh Thế rút sùng ra tuyên bố nhân danh Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng bắt tướng Nguyễn Văn Vỹ, và chỉ thả khi tướng Vỹ chịu ra lệnh cho đại tá Nguyễn Tuyên cùng Ngư Lâm Quân rút ra khỏi khu vực dinh Độc Lập 3 cây số để quân Cao Đài Liên Minh và quân Cao Đài của tướng Nguyễn Thanh Phương vào thay thế. 
Sợ bị giết tướng Nguyễn Văn Vỹ đã làm theo yêu cầu của nhà văn Nhị Lang con rể nhà văn Nhất Linh , và cuộc truất phế  quốc trưởng Bảo Đai đã diễn ra khá suôn sẻ.
Sau khi làm công việc truất phế Bảo Đai,  Hồ Hán Sơn thành phó chủ tịch thứ nhất Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng và được tướng Trình Minh Thế rất tin tưởng.  Trình Minh Thế hứa với Hồ Hán Sơn ông lên làm thủ tướng thì sẽ đưa Hồ Hán Sơn làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng . Lúc này Hồ Hán Sơn thương lái chiếc xe Citroen 15 mã lực rủ Vương Tân đi ăn cơm Tây và nói muốn Vương Tân tham chính cùng Hồ Hán Sơn.  Tôi trả lời Vương Tân thích làm văn nghệ hơn làm chính trị.  Cụ tham Sinh bố Đinh Sinh Pài từng làm văn hóa vụ trưởng cho bộ trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành ngồi cùng xe với Vương Tân tủm tỉm cười.
Thình lình tướng Trình Minh Thế chết.  Đại úy Tạ Thành Long vệ sĩ của tướng Thế nói ông Trình Minh Thế bị bắn ở dinh Đôc Lập nhưng bị đưa lên xe jeep chở qua cầu Tân Thuận nói  bị quân Bình Xuyên bắn.  Vợ con tướng Trình Minh Thế cũng hô hoán lên như vậy.  Nhưng chính phủ Ngô Đình Diệm làm quốc tang vinh thăng trung tướng và đặt tên đường và nhất định là tướng Trình Minh Thế bị quân Bình Xuyên từ dưới kinh Tầu Hũ bắn lên giết chết tướng Trình Minh Thế.
Cái chết đột ngột của tướng Trình Minh Thế làm cho Hồ Hán Sơn chới với giữa lúc đó Hồ Hán Sơn gặp em nhà cách mạng TrươngTừ Anh và “kết” cô này quyết định sẽ làm đám cưới với cô gái họ Trương quê Phú Yên.
Cũng trong thời gian này một người từng quen Hồ Hán Sơn trong thời kỳ Hồ Hán Sơn tên Hồ Mậu Đề đó là luật sư Trần Chánh Thành, cánh tay mặt của ông Ngô Đình Nhu lúc đó đang là chủ tich Phong Trào Cach Mạng Quôc Gia kiêm bộ trưởng bộ Thông Tin gặp lại Hồ Hán Sơn mời đi ăn cơm Tây, bàn chuyện lãnh đao báo chí.  Hồ Hán Sơn đã nhận lời đi ăn cơm Tây với bộ trưởng Thành
Chính vì bữa cơm Tây này mà tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương nghe lới báo cáo của ông anh là đai tá Nguyễn Thành Danh phụ trách tình báo của quân đội Cao Đài là Hồ Hán Sơn đã phản Cao Đài đi theo Trần Chánh Thành phục vụ nhà Ngô nên sai đại úy Nguyễn Sỹ Hưng bắt cóc Hồ Hán Sơn mang về trại Bến Kéo ở Tây Ninh giam giữ rồi trong khi tướng Văn Thành Cao dẫn quân Nùng lên tấn công tòa Thánh Tây Ninh khiến Đưc Hộ Pháp Phạm Công Tăc phải lưu vong sang Nam Vang.  Chân tay của tướng Nguyễn Thành Phương đã thủ tiêu Hồ Hán Sơn đem sác vứt xuống một cái giếng ở trại Bến Kéo.
Về cái chết của Hồ Hán Sơn nhạc sĩ Phạm Duy đã viết khá chi tiết trong hồi ký xuất bản ở Mỹ.                                                                

Lê Thị Huệ:  Trong đoạn trước ông có nhắc đến tướng Nguyễn Sơn.  Ông đã nghe nói về  tướng Nguyễn Sơn như thế nào. Về sự liên hệ giữa tướng Nguyễn Sơn và các phong trào cách mạng chính trị của Trung Hoa. Ông có biết gì về cái chết của tướng Nguyễn Sơn

Vương Tân:    Ớ  Khu 4 Vương Tân đã gặp tướng Nguyễn Sơn một nhân vật giống như nhân vật Từ Hải của thi hào Nguyễn Du.  Cao lớn râu quai nón cưỡi ngựa đeo súng lục sệ bên hông, ăn  nói bặm trợn nhưng đâu ra đó.  Theo nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh thì tướng Nguyễn Sơn tên khai sinh là Vũ Nguyên Bác.  Ông là con cụ Vũ Trương Xương một nhà đai tư sản ở Hà nội,.  Tướng Nguyễn Sơn sinh ngày 1 tháng 10 năm 1908 ở làng Kiêu Kỵ Gia Lâm Hà nội, 5 tuổi học trường Tây do mấy ông cố đao mở gọi là trường nhà Dòng, 14 tuổi đậu vô trường  Sư Phạm Hà nội.  Học Sư Phạm nhưng Nguyễn Sơn chuyên cầm đầu sinh viên đi đánh nhau với Tây, nên  khi ông 17 tuổi gia đình bắt phải lấy vợ. Vợ ông tên Nguyễn Thị Giệm, hơn ông 4 tuổi sinh cho ông một cô con gái đặt tên là Vũ Thanh Các khi con gái ông ra đời sáu tháng tuổi, ông được Nguyễn Ái Quốc từ bên Tầu cho người về móc nối đưa sang Quảng Châu và được Nguyễn Ái Quốc lúc đó bí danh Lý Thuy đặt tên là Lý Anh Tự trong khi Phạm Văn Đồng được Hồ Chí Minh đặt tên là Lý Tống.  Nguyễn Sơn được Nguyễn Ái Quốc đưa vào học trương quân sự Hoàng Phố cùng khóa với Lê Hồng Phong, ra trường ông gia nhập Quốc Dân Đảng Trung Quốc.
Tháng 4 năm năm 1927 Tưởng Giới Thạch làm binh biến ở Quảng Châu,  Nguyễn Sơn bỏ Quôc Dân Đảng Trung Quốc gia nhập Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Ngày 2 tháng 8 năm 1927 Nguyễn Sơn tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu  ra nhập Phương Diện Quân số 2 của Diệp Kiếm Anh.  Cuộc khời nghĩa thất bại Nguyễn Sơn đào thoát qua Thái Lan.  Năm 1928 Nguyễn Sơn trở về lại Trung Quốc tham gia Hồng quânTrung Hoa dưới bí danh Hồng Thủy.
Theo nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh thì Đảng Cộng Sản Trung Quốc lúc đó năm bè bẩy mối rất phức tạp. Trong khi Nguyễn Sơn lại là ngươi mê tư tưởng Trosky và Ti To nên gặp khá nhiều rắc rối.  Tới ba lần bị khai trừ Đảng. Tuy nhiên Nguyễn Sơn là ngươi kiên trì và rất đươc Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai tin tưởng nên đã cho tham gia cuộc Vạn lý Trường Chinh năm 1934 và đi suốt cuộc trường chinh này.
Tháng 12 năm 1935 Nguyễn Sơn đươc tham gia khóa đầu tiên của Đai Học Hồng Quân Trung Hoa do đích thân Mao Trạch Đông Chu Ân Lai giảng dây.  Tháng 7 năm 1937 Nguyễn Sơn cùng Chu Đức và Bát lộ quân  vượt  Hoàng Hà đến Sơn Tây lập căn cứ chống Nhật ở Ngũ Đài Sơn và năm 1938 Nguyễn Sơn lập gia đình với nữ chiến sĩ Trần Kiêm Qủa có hai con trai.Theo nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh ở Trung Quốc có lúc Nguyễn Sơn được vô trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc và nhiều phen bị án oan suýt mất mạng. Tháng 11 năm 1945 Nguyễn Sơn về nước được Hồ Chí Minh cử làm chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam.  Chính dịp đi Nam tiến này ông đã gặp thi sĩ Hữu Loan và là nguồn cảm hứng khiến thi sĩ Hữu Loan sáng tác bài thơ Đèo Cả lừng danh.
Năm 1946 toàn quốc kháng chiến,  Uỷ Ban Kháng Chiến Miền Nam giải thể, Nguyễn Sơn đươc cử làm Tư Lệnh kiêm Chính Ủy Liên Khu 4,dịp này Nguyễn Sơn mở lớp đào tạo văn nghệ sĩ kháng chiến và kết quả của lớp này  là sự ra đời của văn thi sĩ Phùng Quán văn thi sĩ Minh Đưc Hoài Trinh.  Theo nhà thơ Hữu Loan thì Nguyễn Sơn là người nói về truyện Kiều tuyệt vời tới nỗi nhà văn nhà nghiên cứu Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa phải bái phục.  Theo nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh thì vì mê Trosky và Tito nên Nguyễn Sơn đã muốn làm một cuộc quốc gia kháng chiến nên cho Hoàng Đạo về thành liên lạc với thiếu tá tình báo Pháp Du Pra và anh em Đại Việt để họ lập chiến khu Phục Việt ở Thanh Hóa.
Vụ này khiến Hồ chí Minh sai Nguyễn Tạo tức Nguyễn Phủ Doãn về Thanh Hóa phá án và trả Nguyễn Sơn về Đảng Cộng Sản Trung Quôc gây ra vụ án gọi là vụ nổ chiến hạm Amyot D’Inville.  Sang lại Tàu,  Nguyễn Sơn trở lại theo phe Hồng Quân Trung Hoa và khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra Nguyễn Sơn được Bành Đức Hoài cử làm trợ lý khi ông đươc phong làm Tư Lệnh Quân Tình Nguyện Trung Quốc chi viện chiến trường Triều Tiên năm 1953.  Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên ngày 27 tháng 9 năm 1955, trong đợt phong quân hàm đầu tiên của quân đội nhân dân Trung Hoa Nguyễn Sơn được phong thiếu tướng .  Đầu năm 1956 Nguyễn Sơn  phát hiện  bi ung thư phổi ông đã xin về Việt Nam trị bệnh và sau đó qua đời tại Hà nội ngày 21 tháng 10 năm 1956. Cái chết của Nguyễn Sơn đã khiến nhà thơ Hữu Loan làm một bài thơ dài với những câu bất hủ.
Nguyễn Sơn như con tàu biển khổng lồ
mang giông tố đại dương đi đến đâu
            không 
               cho 
                  sóng 
                     ngủ
Nguyễn Sơn như núi lửa mọc ở đâu
là gây những đám cháy 
               vòng quanh …  
(thơ Hữu Loan)
Nguyễn Sơn danh tướng huyền thoại là như thế.  Một thiên tài quân sự.  Một đầu óc văn  nghệ phóng khoáng.  Ông có ảnh hưởng lớn trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc và là một người Mác xít sớm thấy sai lầm của chủ nghĩa muốn sửa sai muốn đổi mới như Trostky như Ti To,  nhưng cuối cùng lưc bất tòng tâm nhắm mắt xuôi tay.

(còn tiếp)

LÊ THỊ HUỆ
thực hiện


© gio-o.com 2015

---------------------------------------------
 trích từ www.gio-o.com
----------------------------------------------


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ