phỏng vấn nhà báo, nhà thơ [ Saigon cũ] VƯƠNG TÂN/ Lê Thị Huệ phỏng vấn (bài 1/6) -- www.gio-o.com
VƯƠNG TÂN- HỒ NAM ( giữa)[ i.e. Lê Nguyên Ngư 1930- 15/ 12/ 2015 Mỹ Tho/ Nam bộ.)
chụp chung với Lê Thị Huệ (phải) + Nguyễn Thùy Song Thanh (trái)
chụp chung với Lê Thị Huệ (phải) + Nguyễn Thùy Song Thanh (trái)
phỏng vấn
nhà báo, nhà thơ
VƯƠNG TÂN
thực hiện: Lê Thị Huệ
(bài 1)
(bài 1)
Vương Tân là nhà báo, nhà thơ đặc biệt có gốc gác, giềng mối quen biết và thân cận với một số thành phần cầm bút, thành phần quân đội, thành phần chính trị quan trọng của chế độ Sài Gòn Miền Nam Quốc Gia 1954 – 1975
gio-o.com hân hạnh giới thiệu bạn đọc cuộc phỏng vấn thú vị với nhà thơ nhà báo Vương Tân (lth)
Lê Thị Huệ: Xin ông cho biết các đường nét chính trong đời sống của ông.
Vương Tân: Tôi sinh ra tại thị xã Sơn Tây quê cha tôi, ông già tôi là một công tử con quan nhưng không thích làm quan. Lúc nhỏ học chữ nho, tuy nhiên đến tuổi tới trường thì lại vừa học trường Tây vừa học chữ nho. Tôi tên khai sinh là Lê Nguyên Ngư, cha tôi tên Lê Nguyên Long, cha tôi là em của Lê Nguyên Thăng (ông nội tướng Việt Nam Cọng Hòa Lê Nguyên Khang), và cũng là em Lê Nguyên Úc (ông nội tướng Lê Nguyên Vỹ người tuẫn tiết ngày 30 tháng 4, 1975 ngay sân cờ Sư Đoàn 5). Mẹ tôi tên Nguyễn Thị Nhung, một tiểu thư con quan ở làng Yên Mẫn ngay thị xã Bắc Ninh. Mẹ tôi là cô của tổng giám đốc nha Thông Tin Báo Chí Nguyễn Ngọc Linh.
Cha tôi theo Tây học sang Pháp học đậu kỹ sư cầu đường nên về nước làm việc cho nhà chức trách Đông Dương lúc ở VN lúc ở Lào đôi khi ở Miên do đó tuổi trẻ tôi được đi khắp Đông Dương.Nhà tôi có đồn điền trồng trà ở Thái Nguyên,nên cứ hè là tôi về sống ở đồn điền của gia đình. Tới tuổi đến trường tôi học trường Tây nhưng khai tâm lại học chữ Hán,cha tôi đón một ông thầy đồ về dạy anh em tôi chữ Hán từ năm tôi năm tuổi tới năm tôi 10 tuổi. Tuổi trẻ của tôi từ bé tới 16 tuổi là những ngày sống trong nhung lụa. Tháng 12 năm 1946 tôi theo gia đình tản cư vào Thanh Hóa khi cuộc chiến tranh Việt Pháp nổ ra khắp nước, lúc này tôi sửa soạn thi tú tài, nhà tôi ở gần chỗ nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh tản cư,ông thường hay sang nói chuyện với cha tôi và hết lời ca ngợi tướng Nguyễn Sơn, cha tôi nói với nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh rằng ông không nên tin bọn cộng sản nhất là những người cộng sản từng sống và làm việc ở bên Tầu,nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh nói rằng tướng Sơn là một người Mác xít trong sáng và có học đàng hoàng,cha tôi đáp lời nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh rằng cộng sản họ có nhiều mặt nạ lắm coi chừng ông bị lầm đấy.
Khi tướng Nguyễn Sơn bị rời khu bốn nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh quyết định về Hà nội rồi vào Saigon cha tôi cũng quyết định về Hà nội. Chuyến trở về Hà nội của cha tôi, được cha tôi tổ chức khá kỹ lưỡng,nên không gặp một trở ngại nào.
Trở về Hà nội tôi đi học trở lại và bắt đầu viết lách khi nhà thơ Hà Bỉnh Trung làm chủ bút tuần báo Quê Hương của nhà báo Bùi Đức Thịnh. Ông nhờ tôi dịch một số truyện ngắn của một số nhà văn người Mỹ đăng trên tuần báo Quê Hương. Nhờ những ngày ở Thanh Hóa tôi chuyên chú đọc và luyện tiếng Anh nên những truyện ngắn tôi dich rất được bạn đọc hoan nghênh. Tôi bắt đầu nghề viết băng dịch thuật sau đó viết phóng sự rồi truyện ngắn truyện dài cuối cùng mới làm thơ. Tinh thần chủ đao khi tôi bắt đầu làm văn chương là viết phải trên tinh thần sáng tạo độc đáo lấy sự thật làm chất liệu lấy cái thiện làm mục đích lấy cái đẹp làm chân lý.
Khi nhà thơ Hà Bỉnh Trung vào Đà lạt nhập ngũ làm chủ bút tờ báo của trường võ bị quốc gia Đà lạt thì ông nhường tôi chức chủ bút tuần báo Quê Hương.
Thời kỳ này tôi sống khá ung dung vừa làm báo vừa học đai học luật Đông Dương.
Khi hội nghị Genève về VN diễn ra tiến tới chia cắt nước VN làm hai miền cha tôi quyết định vào Saigon bỏ hết nhà cửa ở Hà nội, tôi theo Đoàn sinh viên Hà nội vào Saigon ở lều bạt tại nền khám lớn trên đường Gia Long và quyết định theo nghề làm văn làm báo.
Tờ báo đầu tiên tôi làm là nhật báo Tự Do. Tại báo này tôi vừa làm phóng viên vừa sửa bản sắp chữ chót trước khi đem đúc đưa lên máy in, tuy nhiên tôi chỉ làm ở báo này có ba tháng thì sang làm tuần báo Đời Mới của nhà báo Trần Văn Ân vì không thích cái tiếng nói của dân Bắc kỳ di cư này.
Phải nói rằng làm phóng viên kiêm biên tập viên của tuần báo Đời Mới của nhà báo Trần Văn Ân thật thú vị, được gần gũi nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh,một người từng đi lính Lê Dương từng đậu kỹ sư điện từng dạy học, kiến thức rất uyên bác lại là bạn thân với trùm mật thám Cousseau, từng sát cánh với những Trương Tửu, Đặng Thái Mai lập nhóm Hàn Thuyên. Ông Quỳnh viết tiểu thuyết rất hay ngoài những Thằng Kình, Thằng Cu So tác phẩm để đời của ông là cuốn Làm Lại Cuộc Đời có lối viết không giống ai. Bên cạnh chủ bút Nguyễn Đức Quỳnh là Tổng Thư Ký tòa soạn.
Tế Xuyên, người từng nổ phát súng đầu tiên cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng khi bắn chết tên Bazin ở Lò Đúc Hà nội. Ông Tế Xuyên tên khai sinh là Hoàng Văn Tiếp con trai bà cả Mộc nhân vật nổi tiếng là người phụ nữ đầu tiên ở Bắc Kỳ phát động chương trình làm việc xã hội với Hội Tế Sinh. Tế Xuyên dân Tây có tên là Leon Sanh học trường Tây khi làm cách mạng mới 17 tuổi nổ súng xong ông trốn vào Saigon nên không bị án chém, như những người VNQDĐ tham gia khởi nghĩa Yên Bái. Ông Tế Xuyên rất thích Vương Tân ông thường cưỡi xe Moto hiệu Peugeot 'đèo' Vương Tân đi tiếp xúc với những người viết văn làm báo đi kháng chiến về Saigon như Trần Bạch Đằng, Thiếu Sơn , Dương Tử Giang. Gặp những người này Vương Tân thường nói với họ rằng văn chương miền Bắc bị nhuộm Đỏ theo Tàu rồi đang tanh mùi máu của đấu tố, chúng ta phải đưa văn chương trở lại con đường của văn chương vì con người vì thời đại, những nhân vật này nói Vương Tân theo chủ nghĩa hiện sinh, thật ra lúc đó Vương Tân chỉ mới đọc vài cuốn sách của Sartre và Camus nhưng không thú lắm.
Sau này gặp lại Nguyên Sa Trần Bích Lan bạn cũ hồi trường Tây, về lại Saigon năm 1955, Nguyên Sa thuyết về triết học hiện sinh tràng giang đai hải, rồi rủ cùng Duy Thanh tới nhà riêng ông Huỳnh Văn Lang tại lầu 1 Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam ăn tết trung thu bàn chuyện xuất bản tạp chí Bách Khoa. Nguyên Sa lại nói liên miên về thuyết hiện sinh chuyện này Nguyên Sa có ghi trong hồi ký văn nghệ xuất bản ở Mỹ.
Làm tờ báo Đời Mới Vương Tân có hai cái thú là rong chơi trên cái moto của nhà báo Tế Xuyên và đọc báo ngoại văn từ báo Tây báo Mỹ tới báo Hồng Kông . Phải nhận rằng nhà báo Trần Văn Ân là người không tiếc tiền mua báo ngoại văn,trong thư viện của ông không thiếu một thứ báo tiếng Anh tiếng Pháp tiếng Hoa nào.
Tại tòa soạn báo Đời Mới trên đường Trần Hưng Đạo quận 5, Vương Tân gặp lại người bạn quen khi ở khu tư là Hồ Mậu Đề lúc này Đề mang tên mới là Hồ Hán Sơn. Hồ Hán Sơn làm thơ hay có tư tưởng quân sự muốn làm nhà chiến lược. Hồ Hán Sơn được Đức Hộ Pháp Đao Cao Đài Phạm Công Tắc phong quân hàm đai tá quân đội Cao Đài và trao cho nhiệm vụ phụ trách chính trị quân đội Cao Đài. Hồ Hán Sơn nói Sơn mới được chính phủ của thủ tướng Ngô Đình Diệm cấp cho giấy phép xuất bản tuần báo Việt Chính muốn mời Vương Tân làm thư ký tòa soạn. Chính nhờ chuyện nhận làm báo cho Hồ Hán Sơn mà khi nhà báo Trần Văn Ân tham gia Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia , báo Đời Mới bị đóng cửa Vương Tân không bị kẹt về làm thư ký tòa soạn hai tờ báo Việt Chính và Thời Đại. Thời kỳ này Vương Tân viết tập khảo luận đắc ý Vượt Mác được ông Ngô đình Nhu tâm đắc mời gặp trao đổi ý kiến.
Cuối năm 1958 nhà văn Hồ Trường An, em trai nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ tới trường Thăng Long số 207 đường Bùi Viện quận 2 xin gặp Vương Tân.Tiếp nhà văn Hồ Trường An tại phòng giáo sư của trường. Vương Tân được Hồ Trường An thông báo rằng ông đã cùng bà chị Thụy Vũ cùng nhà thơ Phương Đài và một nhóm thân hữu độ 20 người mới thành lập Vương Tân Fan Club. Muốn kiếm địa điểm để ra mắt, tôn vinh Vương Tân, nhưng chưa kiếm ra địa điểm.Vương Tân trả lời dễ thôi để Vương Tân giới thiệu với nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thái chủ Câu Lạc bộ Văn Nghệ ở đường Tự Do sẽ có địa điểm ra mắt Fan club thoải mái.
Thật bất ngờ ngày Vương Tân tới dự buổi ra mắt của Fan club thì thấy cái biểu ngữ Vương Tân+ Cung Trầm Tưởng Fan club.
Vương Tân đươc mời phát biểu ý kiến khai mạc Vương Tân cảm ơn sự ngưỡng mộ của bạn đọc và thêm rằng Vương Tân không phải tài tử điện ảnh nên xin được miễn tôn vinh tiếp lời Vương Tân Cung Trầm Tưởng cũng từ chối sự tôn vinh. Thế mà báo Văn Mới của nhóm Trình Bầy[chủ nhiệm: Thế Nguyên] đã dành 2 số liên tiếp nói về chuyện này [ để] đả kích Vương Tân và Cung Trầm Tưởng ,chẳng ra làm sao cả.
Suốt từ năm 1954 tới 1968, Vương Tân vừa làm báo viết văn làm thơ, đi dạy học tư sống thoải mái thú nhất là tham gia ba tạp chí Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, và Văn Nghệ .
Năm 1968 Vương Tân phải nhập ngũ, vì tướng Nguyễn Cao Kỳ bị ông Hà Thúc Ký lôi ba đời ra chửi trên tivi, nghi rằng Vương Tân mớm cho ông Hà Thúc Kỳ chửi. Bắt Vương Tân đi lính dù Vương Tân là cựu quân nhân sĩ quan quân đội Cao Đài do Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc tấn phong.
Vương Tân bị bắt lên Quang Trung nhập ngũ đã nhanh chân thi vào lính thông ngôn được phong quân hàm trung sĩ thông ngôn cho Mỹ. Cháu [của] Vương Tân là tướng Lê Nguyên Khang, 'bồ ruột' của tướng Nguyễn Cao Kỳ giải thích với tướng Kỳ rằng:" ông chú tôi là nhà văn không có liên quan gì tới chuyện ông Hà Thúc Ký lên tivi chửi ông. Ông đừng hiểu lầm, rồi trung tá Hoàng Ngọc Liên+ đại tá Nguyễn Đình Tuyến cùng trình trung tướng Nguyễn Văn Vỹ bộ trưởng bộ Quốc Phòng làm bưu điệp chuyển Vương Tân từ trường Sinh Ngữ Quân Đội về Bộ Quốc Phòng phụ trách chương trình truyền hình Bộ Quốc Phòng. Lúc này Vương Tân mới được thoải mái viết văn viết báo."
Phải nói rằng từ 1968 tới 1975 Vương Tân làm được nhiều thơ viết được 10 bộ tiểu thuyết đăng báo, hoàn thành tập đầu trong 5 tập biên khảo 100 Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ. Rồi ngày 30 tháng 4 1975 ập tới. Vương Tân trễ tầu nên kẹt lai không lên tầu Việt Nam Thương Tín cùng Chu Tử đào thoát. Thế là tù đầy liên tiếp tù đầy hết kẹt Vụ Án Văn Nghệ Sĩ Phản Động,lại bị bắt vì gửi bài ra nước ngoài. Rồi vụ cùng Vũ Uyên Giang xuất bản hai tập Một Trăm Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ ở Mỹ. Rồi vụ tham gia ban giám khảo giải thưởng Văn Thơ Lạc Việt. Ra tù Vương Tân cùng nhà nghiên cứu nhà thơ Thanh Vân- Nguyễn Duy Nhường nhận lời hiệu đính bộ Từ điển Từ Nguyên tiếng Việt của giáo sư Vũ Văn Mẫu vừa hoàn thành công trình thì dính vụ cùng Đoàn Viết Hoạt xuất bản tạp chí Viễn Tượng trong năm năm liền ở Mỹ và ở Việt Nam.
Về vụ án gọi là Vụ Án Văn Nghệ Sĩ Phản Động xẩy ra tháng tư năm 1976 mà Việt Cộng gọi là Vụ Án Hồ Con Rùa. Việt Cộng bắt nhà văn nhà báo bỏ tù thật ra xẩy ra từ tháng 5 năm 1975 nhà báo đầu tiên bị Việt Cộng bắt nhốt là nhà báo Nguyễn Tú nhà báo thứ hai là nhà báo Lý Đại Nguyên. Nhưng đó chỉ là bắt lẻ tẻ chứ bắt hàng loạt phải là sau Vụ Nổ Hồ Con Rùa ở trước Viện Đai Học Saigon. Vụ này theo sách của ông cố đai tá công an Việt Cộng Huỳnh Bá Thành thì nhóm vua Nùng Đặng Hải Sơn ,anh em cột chèo với nhà thơ Trần Dạ Từ cùng em là Đặng Hòang Hà và một nhóm người Nùng cho nổ con rùa trên hồ để phá lá bùa yểm giữ bằng an cho dinh Độc Lập. Vụ án này có khoảng 100 nhà văn nhà báo bị bắt nhưng vào tù thì Vương Tân mới biết trước đó đã có kịch tác gia Đinh Xuân Cầu và phê bình gia Dương Giang-Lê Khải Trạch bị bắt . Kịch tác gia Đinh Xuân Cầu bị bắt vì làm thủ tướng chính phủ VN Tự Do (trong đó có nhà văn Duyên Anh làm bộ trưởng thông tin) . Vụ án này người bị giam ở Chí Hòa 11 năm là nhà văn Lý Thắng. Người chết ở trại Xuyên Mộc là nhà văn Nguyễn Mạnh Côn còn đi tù 10 năm ở trại Gia Trung rồi sang Mỹ là nhà văn Nguyễn Sĩ Tế. Vương Tân trong Vụ Án Hồ Con Rùa này được ông tiến sĩ Trần Trọng Đăng Đàn [ CS]viết cả một cuốn sách hơn một trăm trang hạch tội.
Về vụ sách 100 Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ có dư luận nói Vương Tân bị lợi dụng đưa người này lên dìm người khác xuống. Vương Tân xin nói rõ Vương Tân nhận trách nhiệm viết nặng tay với một số tác giả. Nhưng với một số tác giả khác, Vương Tân đã để người cùng chủ biên Vũ Uyên Giang trích đăng nhửng bài của thiên hạ viết. Đó là lỗi của Vương Tân lần tái bản sắp tới Vương Tân sẽ loại bỏ những bài này.
Lê Thị Huệ: Cuộc gặp gỡ với ông Ngô Đình Nhu sau khi ông viết quyển "Vượt Mác", ông có thể kể lại cuộc gặp gỡ này xảy ra ở đâu, cảm tưởng của ông khi tiếp xúc với ông Ngô Đình Nhu như thế nào ?
Vương Tân: Ông Ngô Đình Nhu nhờ Tạ Chí Diệp (Nguyễn Phan Châu) mời Vương Tân vào Dinh Độc Lập gặp ông, và ông Ngô Đình Nhu nói với Tạ Chí Diệp rằng nếu Vương Tân nhận lời thì ông Ngô Đình Nhu sẽ cho xe tới đón Vương Tân và Tạ Chí Diệp vào cổng trước Dinh Độc Lập và tiếp Vương Tân tại nơi ông làm việc.
Vương Tân nhận gặp ông Ngô Đình Nhu nhưng đi xe gắn máy chung với Tạ Chí Diệp và vào cổng dinh Độc Lập đường Nguyễn Du.
Vương Tân+ Tạ Chí Diệp vào cổng Nguyễn Du vừa ngừng xe thì thấy bác sĩ Trần Kim Tuyến ra đón và mời lên xe của ông đến tòa nhà mầu trắng bên cánh mặt khuôn viên Dinh Đôc Lập và cho biết ông Ngô Đình Nhu đang chờ tiếp Vương Tân và Tạ Chí Diệp ở đó.
Ông Ngô Đình Nhu tướng người nho nhã, ăn nói nhỏ nhẹ . Ông cho biết đã đọc kỹ toàn văn công trình Vượt Mác của Vương Tân đăng trên số báo Việt Chính đăc biệt và rất thích. Ngô Đình Nhu hỏi Vương Tân đã đọc Thái Dịch Lý Đông A chưa. Vương Tân trả lời đã đọc nhiều sách của Thái Dịch Lý Đông A nhưng mê thơ của tác giả này hơn luận thuyết của ông ta. Ông Ngô Đình Nhu nói Lý Đông A là nhà tư tưởng lớn, nhưng sách Lý Đông A viết hơi trừu tượng và giản lược ông Ngô Đình Nhu đã cho thành lập một nhóm chuyên khảo về Thái Dịch Lý Đông A. Trong nhóm này có luật sư trẻ Nhuệ Hồng Nguyễn Hữu Thống. Ông Nhu nói ông sắp cho triệu tập Đại hội Văn Hóa;và muốn Vương Tân tham gia.Vương Tân trả lời sẵn sàng tham gia ban triệu tập Đại hội Văn hóa . Ông nói bác sĩ Trần Kim Tuyến có một cái quỹ yểm trợ anh em làm việc Vương Tân cần cứ liên lạc với bác sĩ Trần Kim Tuyến . Vương Tân trả lời thẳng ông Nhu , Vương Tân không cần ai yểm trợ cả Vương Tân không thiếu thốn gì. Ông Ngô Đình Nhu cười.
(còn tiếp)
LÊ THỊ HUỆ
thực hiện
-----------------------------
trích từ www.gio-o.com
-----------------------------
LÊ THỊ HUỆ
thực hiện
-----------------------------
trích từ www.gio-o.com
-----------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ