Trường Y khoa Đại học Sài Gòn trên đường Hồng Bàng trước năm 1975 /// Ảnh: T.L



Trường Y khoa Đại học Sài Gòn trên đường Hồng Bàng trước năm 1975           ẢNH: T.L

                                                                                                                                                   Lê Văn Nghĩa          




Đi ngang góc đường Võ Văn Tần - Lê Quý Đôn (tp.HCM) ai cũng biết số nhà 28 Võ Văn Tần là Bảo Tàng Chứng tích Chiến Tranh, nhưng ít người rõ nơi này ngày xưa là chùa Khải Tường, được lập theo lệnh vua Minh Mạng để ghi dấu tích nơi ngài chào đời và sau đó là Trường Thuốc Sài Gòn.

Nơi tập hợp những giáo sư cự phách
Người Pháp đã chiếm ngôi chùa để lập đồn lính. Đến tháng 12.1860 viên đại úy Barbet, chỉ huy trú đóng, bị nghĩa quân phục kích giết chết. Khoảng năm 1947 thì số nhà 28 này tấp nập sinh viên (SV) trường thuốc. Trường thuốc ngày xưa mang tên Y Dược hỗn hợp Đại học đường (Faculté mixte de Médecine et de Pharmacie) được thành lập sau Hiệp định Genève. Trước năm 1947, đây là chi nhánh của Trường Y khoa Đông Dương thuộc Viện Đại học Đông Dương đặt ở Hà Nội.
Trường thuốc y dược hỗn hợp này ít được biết đến vì chẳng có ngôi trường to đùng như bây giờ. Trường thuốc ngày ấy được đặt trong một tòa nhà cũ kỹ, trước kia là nhà của một bà bác sĩ, lùi mình vào giữa một sân rộng với rào cây xanh tươi, mang số 28 ở góc đường Testard - Barbet một vùng yên tĩnh, ít ai qua lại. Vì trường đặt trong một ngôi biệt thự, chẳng cải tạo lại nên giảng đường là những phòng nhỏ bé, chật hẹp.
Trường thuốc Sài Gòn ngày tháng cũ - ảnh 1
 Y khoa Đại học đường tại số 28 đường Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần, tp. HCM.ẢNH: T.L
Bài phóng sự Trường thuốc Sài Gòn của báo Đời Mới (năm 1959) cho biết: “Chỉ có ba gian ở tầng lầu trên dùng cho cả hai trường y dược nên nhiều khi không đủ, SV phải đi học nhờ ở những nơi khác như Viện Pasteur, ở phòng thí nghiệm vật lý học đường hay ở ngay nhà xác Chợ Rẫy khi học giải phẫu. Tại trường, lớp học chỉ vừa đủ để chứa một ít SV nên mỗi năm vô thêm người là cả vấn đề. Lúc sơ khai, nhà trường đóng những bàn nhỏ vừa cho hai người ngồi. Gặp phải “nạn nhân mãn”, ông viện trưởng nghĩ ra một diệu kế là cưa ngay mặt bàn làm hai theo chiều dài để tăng số bàn gấp đôi...”. Các “ông thầy” Nguyễn Chấn Hùng, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Đông A, Ngô Thế Vinh, Trương Thìn.... thuở SV chắc đã từng ngồi trên những cái bàn này?
Dù nhỏ và chật hẹp như vậy nhưng vào đầu năm 1960, Trường Y Dược hỗn hợp có một dàn giáo sư (Gs) cự phách. Được biết đến là Gs Khoa trưởng Phạm Biểu Tâm, Phụ tá khoa trưởng là Gs Ngô Gia Hy và 83 Gs - bác sĩ (Bs) Việt lẫn nước ngoài như Gs Trần Quang Đệ, Gs Nguyễn Đình Cát, Gs Trần Ngọc Ninh, Gs Nguyễn Ngọc Huy, Bs giảng sư Trần Lữ Y, Bùi Duy Tâm, Nguyễn Phước Đại... Khoảng đầu thập niên 1960, Trường Y Dược hỗn hợp tách ra và đổi tên thành Y khoa Đại học đường.
Thời nào cũng vậy, mộng ước của cha mẹ của các cô gái là kiếm được chàng rể “BS, kỹ sư” cho nở mày nở mặt với thiên hạ. Tôi thì không dám mơ trở thành BS vì chỉ ham chuyện văn chương còn những thằng bạn tôi, khi còn học trung học đã mơ đời BS nên từ khi lên lớp đệ tam (lớp 10) đã chọn ban A để dễ dàng thi lấy chứng chỉ SPCN (Sciences Physiques, Chimiques et Naturelles) hoặc chứng chỉ sinh lý - sinh hóa. Khi có chứng chỉ này được xem như vào lớp dự bị y khoa. SV phải vượt qua kỳ thi tuyển vì sĩ số có hạn. Niên khóa 1971 - 1972, 952 thí sinh dự thi nhưng chỉ có 203 người vượt vũ môn (trong đó 65 nữ SV). Sau 6 năm học tập và thực tập tại các bệnh viện (chưa kể năm dự bị), SV được xem là y sĩ và có thể hành nghề tại các bệnh viện. Nhưng nếu muốn có được bằng BS y khoa, y sĩ phải trình một luận án trước một hội đồng gồm 5 thành viên. Bằng Bác sĩ  y khoa do trường y khoa cấp được xem là tương đương với văn bằng y khoa nước ngoài.
Trường thuốc Sài Gòn ngày tháng cũ - ảnh 2
GS Phạm Biểu Tâm nói chuyện với SV tại tòa nhà số 28 đường Testard, sau đổi lại là Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần)ẢNH:  báo LIFE
Ngôi trường mới của thầy thuốc
Ngày 9.5.1963 là ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng trung tâm giáo dục y khoa (TTGDYK) tại đường Hồng Bàng (Chợ Lớn), nay là Đại học Y Dược TP.HCM, với thiết kế của công ty kiến trúc Mỹ Smith, Hinchman & Grylls và đoàn kiến trúc sư VN do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ hướng dẫn. Bắt đầu từ năm 1961, hai bên đã cộng tác để thiết lập đồ án kiến trúc nói trên. Khoảng tháng 6.1962, hai bên đã hoàn thành đồ án xây cất TTGDYK với đầy đủ các chi tiết. Trường có nhiều phòng thí nghiệm, những giảng đường với 200 chỗ ngồi, một đại thính đường với 450 chỗ ngồi, một thư viện 200 chỗ ngồi, một quán cà phê và một bệnh viện y khoa. Với cơ sở lớn như vậy, hằng năm có độ 200 Bác sĩ y khoa và 50 nha sĩ tốt nghiệp.
Sau ba năm xây dựng, ngày 16.11.1966, chính quyền Sài Gòn đã làm lễ khánh thành TTGDYK với kinh phí xây dựng là 150 triệu đồng. Gs Phạm Biểu Tâm đã đọc một bài diễn văn khai mạc trong đó có đoạn đáng chú ý: “Trung tâm này sẽ xứng danh là một TTGDYK vào bậc nhất nhì vùng Đông Nam Á”.
Sau này, trường được gọi là Y khoa Đại học đường Sài Gòn trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Trong gần 10 năm cộng tác giữa hai phía, trường đã hợp tác chặt chẽ với 20 bộ môn của 19 trường y tại Mỹ. Ngoài việc 140 giảng viên VN được huấn luyện tại Mỹ từ 6 tháng đến 6 năm, phía Mỹ đã gửi đến VN lượng sách, báo đồ sộ cho thư viện và một lực lượng ban giảng huấn hùng hậu với 171 giảng viên, trong đó 22 chủ nhiệm bộ môn, 37 giảng viên hợp tác dài hạn, 112 hợp tác ngắn hạn, với những tên tuổi lớn của y khoa Mỹ lúc bấy giờ. Từ ngôi trường y khoa này, xuất hiện một loạt BS tài ba, những Gs - tiến sĩ y khoa đầu ngành nổi tiếng tại VN hiện tại. Nhiều thế hệ Bs kế tục, đã và đang được đào tạo bởi các Gs-Bs thi đậu vào TTGDYK năm đầu tiên.
Năm 1976, các trường Y khoa Đại học đường Sài Gòn, Dược khoa Đại học đường Sài Gòn, Nha khoa Đại học đường Sài Gòn và Trường Đào tạo cán bộ y tế miền Nam hợp nhất thành Trường đại học Y Dược TP.HCM trực thuộc sự quản lý của Bộ Y tế.
Từ năm 1947 đến nay, 70 năm qua, Trường đại học Y Dược TP.HCM ngày càng phát triển, cũng nên nhớ lại địa chỉ 28 Võ Văn Tần - nơi xưa kia đã có một trường đào tạo những sinh viên trường thuốc “sẽ săn sóc miễn phí cho người nghèo và không bao giờ đòi hỏi một thù lao quá đáng so với công việc làm” (trích lời thề Hippocrates do Bs Nguyễn Đình Cát dịch).

Lê Văn Nghĩa
(báo Thanh Niên)


                                    trích từ nhật báo Thanh Niên)