Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

về nhà văn DƯƠNG NGHIỄM MẬU [i.e. Phí Ích Nghiễm 1936- 2016 saigon] --blog phan nguyên




Thursday, 14 April 2011


Dương Nghiễm Mậu (1936 - 2016)















Dương Nghiễm Mậu qua ống kính Trần Cao Lĩnh





Dương Nghiễm Mậu

(19/11/1936 Hà Đông - 2/8/2016 Sài Gòn)
thọ 80 tuổi
tên thật: Phí Ích Nghiễm
bút danh khác: Hương Việt Hương

nhà văn























Ở bên bờ sông Sài gòn với Đinh Cường, Phan Nguyên, Nguyệt Hồng, Thận Nhiên. Tháng 7-2010








Thuở nhỏ sống Hà Nội, di cư năm 54 vào Nam cùng gia đình. 
Bắt đầu sáng tác từ 1957. 
1962 làm Tạp Chí Văn Nghệ và viết cho Thế Kỷ 20, Sáng Tạo, Tin Sáng, Văn, Văn Học, Bách Khoa, Giao Điểm v.v...  
1963 Xuất bản tập truyện ngắn đầu tay: Cũng Đành
1966 nhập ngũ. 
Từ 1967, làm phóng viên quân đội đến 30/4/75. 
Tù cải tạo đến 1977.
Từ 1977 sống bằng nghề làm tranh sơn mài tại Sài Gòn. Ông qua đời ngày 2/8/2016 . Hưởng thọ 80 tuổi 























trái: Đỗ Quý Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Trần Dạ Từ

1957














Tác phẩm đã xuất bản:


















Tập truyện ngắn












1
Cũng Đành 
(Văn Nghệ, 1963)





Cũng Đành



Tôi trốn đơn vị chạy về nằm ở Cố Thổ vào cuối mùa thu cùng với những cơn sốt rét cách nhật. Bà cô tôi thương sót mỗi ngày vào rừng nhặt những lá, rễ cây về nấu cho tôi uống nhưng vô hiệu nên nghĩ đến chuyện trở về Hà Nội. Ngày tôi rời Cố Thổ về Sơn Tây cô tôi gói cho một gói cơm trộn tám phần sắn khô như củi, nhạt nhẽo. Cô tôi dặn về tìm một người quen ở đó giúp đỡ. Về tới nơi họ cũng không giúp đỡ được gì ngoài những bữa cơm sắn ăn với rau tàu bay luộc chấm muối. Những cơn sốt lại hành hạ. Người ta không thể xin được giấy cho tôi. Nghe lời mách của người hàng xóm muốn cho khỏi rét nên nuốt những con run đất. Họ bảo có thể trị sốt rét được. Không còn cách gì hơn, tôi kiếm một con dao cùn và chiếc gáo dừa vỡ đi đào run, những con run dài xanh đỏ ưa nằm chỗ ẩm, tôi cứ việc lật những viên gạch vỡ ở bên vại nước, và đào ở các bờ rãnh hàng bát run mang rửa và nuốt. Những con run còn sống nguyên, bò ngoi đầu lúc nhúc tôi cầm từng vốc bỏ vào miệng cho nó trườn vào cổ họng. Những ngày đầu ghê tởm, nôn mửa qua đi. Những ngày tiếp theo tôi nuốt thản nhiên. Những con run sống ấy vào trong bụng tôi đã nhiều nhưng những côn sốt cách nhật vẫn hành hạ và dữ dội thêm là khác, sức tôi yếu dần thêm nữa.

Tôi chỉ còn tìm cách nào vào thành may ra kiếm được ký ninh uống.

Không ai dám bảo đảm xin giấy thông hành cho tôi. Tôi vẫn liều ngày ngày ra bến xe trèo lên để vào, nhưng dù ngồi yên chỗ rồi khi hỏi đến giấy không có, chuyến xe lại bỏ tôi lại. Rất nhiều lần như thế, đến khi có xe cho đi thì tôi lại không có một đồng. Hà Nội – Sơn Tây 43 cây số, với những cơn sốt tôi không còn đủ sức để lê về. Mãi sau vì nài nỉ quá có chiếc xe chở củ nâu, với người phu xe thương hại cho tôi đi bằng cách ấn tôi vào giữa những bao củ nâu. Hắn bảo tôi trước là nếu vô phúc bị khám mà lộ ra thì chịu khó mà ở tù đừng oán thán gì. Tôi hơi mỉm cười bảo:

- Thì sao mà cưỡng được...

Khi xếp những bao tải củ nâu lên xe hắn chừa lại một chỗ trống ở giữa cho tôi ngồi vào đấy rồi hắn lấy thêm những bao khác lấp lên trên. Tôi ngồi co rúm không thể cựa quậy, nhúc nhích. Mùi củ nâu, mùi bao tải hôi sì, mùi xăng nhớt như muốn chết ngạt. Giữa trưa xe từ giã tỉnh Sơn vào con đường trở về. Xe chạy nhanh sóc trên những quãng đường gồ ghề, những bao củ nâu bị lắc mạnh cứ dẹp mãi xuống, chung quanh tôi kín bưng chả thấy gì, tôi nghĩ như mình bị bỏ vào quan tài đã đậy ván thiên lại chỉ có điều là tôi còn thở. Cơn sốt lại đến với tôi giữa những quãng đường ấy, chân tay run rẩy, hai hàm răng đánh vào nhau và tôi lả người đi vì mệt mỏi.

Khi tỉnh dậy thì xe đang dừng. Tôi lắng tai nghe tiếng giày đinh lộp cộp, những bao củ nâu bị lay động và có tiếng chọc của một chiếc gậy sắt. Tôi biết là xe đang bị khám, nên hai lần bị gậy sắt thọc vào lưng tôi không dám nhúc nhích và thở mạnh, tôi nghiếng răng, nhắm mắt lại... Những chặng gác thoát dần sự khám xét khiến cho xe về đến bến thì trời đã tối mịt. Bến xe Kim Mã hoang vắng người phụ xe dở bao tải cho tôi chui ra, tôi nghe tiếng chuông xe điện đổ dồn, tôi bước xuống mặt đường chân tay run lẩy bẩy vì đói vì lạnh. Tiếng đầu tiên tôi được nghe là của người phụ xe:

- Tới rồi đấy, có thể đi về nhà được không? Không có giấy thì coi chừng tụi Ba-tui nó nhặt bỏ nhà Tiền đấy.

Tôi cứng cả lưỡi không nói được. Tôi không biết về đâu cho qua đêm để sáng mai có thể đi tìm kiếm, dù tôi chưa biết là sẽ tìm kiếm cái gì. Về nhà. Người phụ xe nhìn tôi ái ngại. Hắn có khuôn mặt đen khắc khổ, đôi gò má cao làm cho hai mắt đen sâu bóng tối. Tôi nói với hắn tình cảnh của tôi, tôi muốn hắn cho tôi nằm ở trên xe cho đến sáng hôm sau. Nhưng hắn từ chối. Hắn nói với tôi một ít điều phân trần không sao có thể giúp tôi được. Tôi cám ơn hắn. Hắn xếp lại mấy bao củ nâu, đóng thùng xe rồi hắn quay lại nhìn tôi. Nghĩ thế nào hắn móc túi dúi cho tôi mấy đồng bạc. Không nói thêm nửa lời hắn trèo lên phía trước xe. Chuyến xe chạy vào con đường có đèn thắp sáng.

Tôi không thể đứng lâu hơn được nên ngã quỵ xuống. Quá mệt tôi phải cố sức bò dần vào một túp lều bỏ không rồi lăn mình xuống đấy. Tôi nằm im một lúc cho hồi tỉnh rồi cố dậy sờ soạng trong bóng tối xem có cái gì có thể ôm vào người được cho đỡ cô đơn, nhưng sờ soạng mãi tôi mới nhận ra có một cái bàn nhỏ và có một cái ghế dài nhỏ. Ðó là đồ dùng của một quán nước, hoặc quà bánh gì đó. Tôi không có gì để ôm vào người. Tôi sờ mặt đất nhớp nháp, vơ những rác rưới ẩm nước hôi hám, những bã mía, lá bánh, giấy vụn. Tôi cố vơ thành một đống rồi rúc mình vào cho đỡ lạnh và êm hơn mặt đất. Muỗi kêu vo ve, những con chuột kêu thành tiếng chui vào đống rác kiếm ăn. Chúng cắn chân mà tôi không muốn cựa, chúng cắn chán lại rúc, lại kêu. Tôi vớ những nắm lá chuối ướt nhép bỏ vào mồm nhai cho đỡ buồn miệng. Tôi nghĩ chắc thịt tôi đã hết máu nên lũ chuột chả thèm ăn, và chắc chúng nó nhiều máu hơn tôi là khác, nghĩ thế tôi há lớn miệng tự nhủ: để chú nào vô phúc rúc vào mình sẽ ngậm miệng lại mà nhai một miếng cho khoái bao tử. Bởi vì nếu có con nào đến gần tôi cũng khó chộp được, chúng khoẻ và nhanh lạ. Lũ chuột rúc mãi chắc cũng chả kiếm được gì nên bỏ đi dần cho tôi nằm một mình nghe tiếng muỗi kêu vo ve.

Mãi tôi cảm thấy như có một con vật nào đó rất kỳ dị, to lớn tiến đến ôm choàng lấy tôi, tôi bị nghẹt thở không kêu được, thân thể cứng đờ rồi thiếp dần đi...

Tôi thức dậy khi trời đã sáng rõ, bụng đói cồn cào, chân tay rời rã, nhưng đầu óc tỉnh táo kỳ lạ. Tôi nằm im cho mãi đến khi có một người đàn bà bước vào lều. Khi bà ta đưa mắt nhìn đến đống rác thì kêu thét lên. Tôi ngọ ngoạy rồi chui đầu ra. Chắc hẳn người đàn bà tưởng tôi là một con vật, như con chó ốm ghẻ lở nào đấy. Khi thấy cả thân hình tôi ngồi dậy được thì trên khuôn mặt bà ta hiện ra nhiều nét ngạc nhiên đầy kinh dị:

- Trời ơi tao tưởng mày là xác chết rồi chứ... thế mà đêm lính nó không nhặt đi...

Tôi trở ra ngoài vươn vai, thở mạnh, phủi những rác rưởi bám trên quần áo, mắt tôi kèm nhèm. Tôi nhổ một chút nước bọt ra bàn tay rồi chét vào mắt mà dụi cho tỉnh táo. Những chuyến xe không, bắt đầu vào bến nằm. Mặt đường nhựa rét cứng. Mùa đông vào thành phố, vẻ buồn thảm càng nhiều. Người đàn bà dọn quán. Bà ta bán bún riêu, bánh đúc. Sau khi bầy bát đĩa, tôi ngồi vào tấm ghế dài, kẹp tay vào giữa hai bắp đùi rồi nói với bà ta:

- Cho một bát bánh đúc.

Người đàn bà mãi mới nhìn lên dò xét, tôi biết bà ta đang nghĩ gì:

- Này người ta chưa bán mở hàng đâu đấy. Có tiền không mà ăn?

Tôi moi mấy đồng bạc của người phụ xe cho mà để lên bàn, tôi lên giọng chững chạc:

- Cho hai đồng thôi...

Hai bát bánh đúc chan canh riêu nóng hổi vừa ăn vừa thổi làm tôi tỉnh táo. Tôi ngốn rau chuối như lợn cốt đầy dạ dày. Tôi ăn thật nhiều ớt cho tê cả miệng và ràn rụa nước mắt.

Nghĩ đến chuyện bị hỏi giấy, tôi đi vào phố xá lén lút như một kẻ ăn cắp, như chú cừu đang lạc vào bầy sói tôi đang lẩn thân bên những xác ma chập chờn lẩn quất. Trông người nào tôi cũng thấy họ hung ác ngay cả những đứa trẻ con cũng vậy và lúc nào tôi cũng tưởng họ sắp thộp lấy gáy mình hỏi lăng nhăng rồi bỏ vào nhà tù cho đông đảo thêm.

Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là trở về nơi bãi Phúc Xá xem nhà cũ thế nào. Thành phố xa lạ một cách không ngờ. Những dấu vết chiến tranh đang được cố gắng lấp đầy để quên lãng. Tôi đứng ở đầu nhà máy đèn, nhìn xuống bãi Phúc Xá vắng tanh chơ vơ vài bức tường đứng cô đơn. Cầu Long Biên xám đứng đằng xa. Tôi không dám lần xuống bãi. Tôi cố nghĩ xem, quen ai, tìm ai, ở đâu, ăn gì, uống gì. Tôi ngồi ở vỉa hè nhìn nền trời xám.

Tôi đi men theo nhà Ideo lên phiá Yên Phụ. Những rặng cây trút lá chạy dài. Những tên lính Tây la thét cười cợt hát hổng ở phía trong bức tường cao. Tôi thấy chúng vứt những ống bơ ra theo lối cửa sổ. Tôi đến những đống rác ấy bới móc nhặt những chút vỏ bánh mì đen thui ấn vào mồm mà nhai mà nuốt. Tôi bới hết đống này đến đống khác. Tôi vét vào mồm từng chút cặn thịt hộp đã thiu thối, từng chút đầu hay đuôi cá tanh lợm còn sót lại trong những chiếc ống bơ. Tôi nhặt cả từng miếng bánh mặn nhỏ ấn vào hai túi áo. Ði bới hết những đống rác tôi ngồi nhai những mẩu bánh, khi cổ khô vì khát tôi tìm một cái máy nước áp mặt vào nốc.

Tôi đi lang thang lẩn lút từ phố này sang phố khác. Chen vào đám đông nhìn vào từng khuôn mặt xem có ai quen không. Nhưng suốt buổi tôi không tìm kiếm được gì.

Ðến buổi trưa tôi theo đường tàu điện ra tận Giám, ngồi trong Văn Miếu bên những bia đá, nhà đổ, gạch ngói và cỏ hoang buồn buồn tôi lộn hai túi áo ra nhặt nốt những vụn bánh còn sót lại bỏ vào mồm. Ngồi chán leo lên bức tường đổ ra chợ Con Bò. Ðang thơ thẩn bỗng nghe tiếng cười hỏi giật:

- Kìa cậu Kha, cậu mới hồi cư à? Ông bà ở đâu?... Cháu vẫn để ý tìm mà không gặp – may quá...

nhà cháu ấy... Tôi ngạc nhiên phủi áo rồi nhìn vào mặt người đàn ông một lúc. Tôi không nhận ra ai. Thấy tôi im lặng, người đàn ông lại nói tiếp:

- Cháu đây mà – cả Mạnh hồi xưa trông cửa hàng cho ông bà nhà...

Bây giờ thì tôi đã có người quen rồi cho dù tôi không nhận ra ai.

- Tôi nhớ, chết thật lâu ngày... tôi cũng đang đi kiếm...

- Thế ông bà nhà?

- Có mình tôi thôi... thầy đẻ tôi... Tôi đang đi tìm một chỗ ở.

- Thế ra có một mình cậu.

- Vâng...

- Thật rõ...

- Tôi muốn có một chỗ ở tạm – nhà bác?

Người đàn ông lưỡng lự. Bác ta vào độ 40 tuổi, mặt già nua đen sạm, những vết nhăn chằng chịt trên trán. Một con mắt bị tật để lộ ra một mí đỏ lòm và ít râu thưa mọc lởm chởm trên mép.

- Cho tôi ở tạm thôi...

- Nhà cháu cũng không có chỗ tử tế. Sợ cậu ở không được.

- Vẽ ra, đến có ổ chuột mà rúc vào cũng hay rồi đấy, loạn mà bác?

Sau cùng – bác Mạnh – bây giờ tôi có thể nhớ được tên bác – đưa tôi về ngõ Thông Phong ở tận mãi chỗ Ô Chợ Dừa nơi con đường Hàng Bột. Vừa vào đầu ngõ đã phải đi qua một xưởng thuộc da hôi thối và những ruộng muống tanh lợm mùi bùn. Bác Mạnh làm nghề thổi thông phong cho một xưởng nhỏ ở luôn tại đó làm người gác nữa. Bác có một chỗ ở bằng ba chiếc chiếu ngánh bằng mấy tấm tôn vào cái lò nấu thủy tinh. Trong nhà chỉ có một cái gường tre độc nhất là chỗ ăn, chỗ ngồi chơi hút thuốc lào và chỗ ngủ cho hai vợ chồng và một đứa con gái hai tuổi gầy teo. Tiếng nó khóc như tiếng mèo kêu nhưng cũng nhờ tiếng khóc đó tôi biết nó còn sống.

Tôi nói tình cảnh tôi cho bác Mạnh nghe. Bác tỏ vẻ ái ngại về chuyện vật đổi sao dời làm tôi khó chịu. Tôi nhờ bác xin cho một việc làm ngay ở xưởng. Ở đây người ta mua những mảnh vụn chai, kính vỡ về nấu rồi thổi thông phong, những ve chai nhỏ để đóng thuốc cho mấy tiệm thuốc bắc. Tôi không biết thổi nên nhận một chân đốt lò, khuân thủy tinh, quét dọn. Buổi tối tôi giải chiếu ngay nơi cửa lò – chỗ làm việc của bọn thợ ban ngày mà ngủ cho ấm.

Bây giờ thì tôi đỡ lo là chưa chết ngay. Mùa đông kéo dài những ngày rét mướt. Tôi vay tiền mua hai cái bao tải tối đến chui vào đó. Với những ngày làm việc mệt nhọc những cơn sốt vẫn trở lại với tôi. Tôi lãnh tiền công chỉ trả tiền cơm cho bác Mạnh và mua thuốc ký-ninh vàng về uống hoài. Uống mãi những cơn sốt lui dần thì tôi hoá ra nghễnh ngãng, ù tai nghe không rõ. Người ta sai bảo tôi chẳng nghe được, người chủ đuổi tôi không cho làm vì không thể mượn một người điếc. Tôi buồn sao không điếc hẳn mà lại còn đủ sức để nghe tiếng quát tháo. Theo lời khuyên của bác Mạnh. Tôi đeo lên vai một cái giỏ rách, với một cái móc sắt đi theo những người móc rác đi nhặt mảnh chai, kính vỡ, vụn sắt về bán.

Tôi tìm ra bãi đổ rác, bới những đống hôi thối, nhặt chai, kính... từng chút sắt vụn, vỏ cam, rẻ rách. Khi chiều về lọc ra từng thứ bán cho bà Cả Ới. Bà ta chuyên mua lại của những người đi nhặt rồi bán cân cho xưởng thổi phong long, cho lò đúc, rẻ rách bán cho dân Bưởi làm giấy cho xưởng ô-tô làm rẻ lau. Vỏ cam vỏ quýt cho tiệm bào chế và cả lông vịt lông gà...

Tôi kiếm đủ ăn, tối về ngủ ở chỗ bác Mạnh như một con chó vô chủ.

Tôi bới chán ở đống rác lại đi tìm bới ở những căn nhà đổ nát chưa có chủ về. Tôi nghĩ đến nhà tôi, và những thứ còn lại ở đấy chắc chưa ai nhặt nên muốn mò về. Một bữa tôi lên đê Yên Phụ nhìn sang bãi Phúc Xá với ý nghĩ ấy nhưng rồi không dám qua. Tôi đi dọc bờ sông lên chỗ xưởng dép cao-su Con Hổ chen vào một đám đông đảo tụ lại ở chân đê.

Tôi thấy người ta đang đào một cái hố lớn, họ đào sâu và vứt lên vô kể những mảnh chai sắt vụn mà không ai nhặt thì mừng quá. Tôi nhặt lại từng đống rồi thuê xe ba gác chở về. Tôi vớ được một món bất ngờ. Tôi không hiểu họ đào gì mà chốc có người lại cúi xuống nhặt lên một mẩu xương, khi to khi nhỏ rồi xem xét, truyền tay nhau. Khi thì xương bò, khi thì xương lợn, khi xương gà, xương chó... Khi biết thế họ lại vứt đi và đào nữa – Sau tôi mới biết họ tìm xương người. Toán người ở đó được một nhà giàu ở đây thuê đào tìm xương của ông bố chết hồi chạy loạn mà người đó nghi là chết ở tăng-xê nơi chỗ này. Bởi thế nên mỗi khi gặp một chút xương họ phải xem có phải là xương người không, nhưng mỗi lần họ đều thất vọng, đào mãi cũng không thấy gì. Ngày thứ hai họ có ý thôi, tôi nghĩ đến sắt vụn mảnh chai nên bảo:
- Tăng-xê này sâu lắm, ở dưới nữa kia. Ðào chưa tới đâu. Thấy nói vậy họ tưởng tôi biết nên xúm lại hỏi, yên trí tôi biết. Tôi bảo chính hồi Nhật thả bom tôi đã chui vào đây và có lẽ mẹ tôi cũng bị chôn ở đây nữa. Họ tiếp tục đào và cho tôi kiếm ăn. Nhưng lẽ dĩ nhiên họ không tìm ra một chút xương người nào. Khi họ yên trí bảo chắc ông cụ không chết ở đây. Tôi vỗ tay vào trán như mới nhớ ra: - À, nhưng chỗ này có những hai cái tăng-xê cơ – hay ông cụ chui ở cái đằng này...
Tôi chỉ cho họ chỗ cách đó độ năm thước, tôi quả quyết còn một cái nữa – và họ tiếp tục đào cho tôi nhặt mảnh chai, sắt vụn. Tôi nghĩ giá hồi xưa biết vậy tôi chết quách chỗ này cho bây giờ họ nhặt lấy xương mà làm ma, làm chay và cho là bố họ có hơn không. Rồi đào mãi họ cũng bỏ. Tôi nghiêm nét mặt rồi nói lớn:
- Sao không đào cái đống thịt thối này của tao mà lấy đầu lâu và xương cốt...
Lũ người bảo tôi là thằng điên họ tức bực muốn dần cho chết. Có một đứa bông lơn cho cả lũ cười.
- Ðến vứt cái xác mày cho chó nó cũng chả gặm nữa là xương cốt...
Tôi cất tiếng cười lớn theo đám đông xúm quanh làm họ thôi cười.
Số tiền kiếm được làm tôi phè phỡn. Một bữa tối tôi qua phố Hàng Buồm mua hai con gà luộc
sẵn về cho vợ chồng bác Mạnh một con, còn một con tôi ngồi xé ra ngoạm.
Tôi đang ăn thì có đứa con gái đứng ở cửa nhìn vào. Tự nhiên tôi nói lớn:
- Có ăn thì vào cho miếng chứ nhìn gì?
Nó vào ngồi ở bên cạnh rất thản nhiên. Tôi nghĩ chắc nó cũng sống như tôi – thật tội nghiệp. Tôi nhìn vào mặt nó. Nó cũng chỉ độ tuổi tôi. Tóc uốn quăn môi son và mặt chát phấn. Nó mặc quần áo trắng. Nó ăn hết rồi ngồi mút mười đầu ngón tay còn vẻ thèm nhạt. Tôi hỏi:
- Ở đâu?
- Trong ngõ
- Có nhà à?
- Có
- Hạnh phúc, hạnh phúc.
- Còn anh?
Nó nói tiếng anh ngọt sớt. Tôi vứt bỏ mẩu xương cuối cùng rồi co vạt áo lên chùi mồm.
- Không có gì cả... không có gì cả mà...
- Về ở với em...
Nó lại xưng em. Tối hôm đó tôi theo về nhà nó – một gian nhà lá mãi trong cuối ngõ. Nó chỉ cho tôi nằm ở một cái chõng con và vứt cho tôi một cái chăn đơn. Nó ngủ ở một cái gường có màn buông và hai cái gối. Lần đầu tiên tôi được một chút êm ấm. Ðêm nó thắp đèn kể chuyện tâm sự cho tôi nghe. Nó chả có cha mẹ gì và nó làm nghề kiếm khách. Tôi về ở đó ngày ngày đi móc rác, đêm về ngủ. Nó thì ban ngày ngủ, đêm đến mặc quần áo, đánh phấn chải đầu rồi đi kiếm mối đem về nhà. Chúng nó cởi truồng ra đùa rỡn với nhau chán rồi ôm nhau lên giường ngủ như không có tôi. Những ngày mùa đông rét mướt kéo dài mãi nền trời xám và mưa đêm. Những ngày không có khách nó co tôi sang ngủ chung cho ấm. Có đêm cơn sốt rét lên nó thấy tôi run như sắp chết thì hoảng sợ.
- Ê chết sao mà rãy dữ vậy?
- Không.
- Ðừng rỡn, chết làm sao ta chôn.
- Thì cứ vứt ra đường là xong
- Vứt sao được...
- Ðùa chứ chết gì, ôm cho chặt vào thì không chết đâu, khỉ.
Nó cởi hết quần áo tôi ra mà đùa rỡn coi tôi như một khúc gỗ. Ðêm nào nó cũng cần ôm lấy một thân thể mới ngủ được. Tôi là một cái thân thể để cho nó đắp vào những đêm không có khách. Có đêm tôi lên cơn rét, thân thể hoàn toàn bất lực, nó cố vác bỏ tôi sang chõng rồi ngồi chờ thằng tầm quất đi qua. Thằng tầm quất tới nó gọi vào rồi đóng cửa lại, nó bảo đấm bóp chán rồi ôm lấy. Thằng tầm quất không cưỡng lại được, sáng hôm sau như lả đi. Nó bảo tôi giúp sức kéo bỏ ra ngoài đường. Ðến một hôm có một gã đàn ông khoẻ mạnh đến rồi ở luôn lại. Tôi nằm một mình buồn tủi. Rồi đứa con gái bảo tôi:
- Em sắp lấy chồng.
- Gã đó?
- Chứ sao.
Tôi buồn rầu bảo:
- Lấy anh đi... tương lai mà...
Nó bĩu môi rồi tát vào mặt tôi một cái mà bảo:
- Ứ ừ... để rồi tao đi móc rác với mày à – Rồi con cái – rồi tuổi già?...
- Ðồ khỉ – Lại còn con cái? Lại còn tuổi già? Rồi sống được đến già à?
Tôi ôm lấy nó như chưa ôm bao giờ.
- Ðừng lấy gã đó. Ở với anh...
Mấy ngày sau chúng nó tống tôi đi với mấy chục bạc. Tôi ngày ngày đi móc rác, chiều đến mò vào Văn Miếu nằm. Ðêm đêm sờ soạng những bia đá, những gạch ngói nằm im mà thấy tủi thân. Ôm vào lòng cũng chỉ thấy cứng ngắc. Buổi sáng thức dậy soi mặt xuống làn nước hồ nghe tiếng quạ kêu trên những ngọn cây khô già cỗi.
Ðến một khuya kia tôi thức dậy vì ánh sáng đèn bin soi vào mặt. Tôi mở mắt nhìn tụi lính chĩa súng vào người. Chúng hỏi giấy tờ tôi không có gì nên bị điệu về bót. Chúng giam tôi đến sáng hôm sau mới dẫn lên hỏi:
- Tên gì?
- Con tên Kha.
- Thẻ căn cước?
- Con mới vào nên chưa có.
- Ở đâu?
- Con ở ngõ Thông Phong
- Số nhà?
- Con quên.
- Với ai?
- Với vợ con.
Chúng bắt tôi dẫn về ngõ Thông Phong, tôi đưa vào nhà đứa con gái. Tôi chỉ vào nó mà bảo với
tụi lính:
- Vợ con đây.
Tụi lính cất tiếng hỏi:
- Có phải bà là vợ nó không?
- Không, tôi có chồng.
- Bà biết nó không?
- Không – tôi không biết nó là ai cả.
- Nó là vợ tôi mà...
- Này thằng kia – mày trông rõ xem tao ngủ với mày bao giờ...
Tôi thấy yêu đứa con gái vô cùng. Tụi lính đánh tôi túi bụi.
- Khai láo, khai láo... quân lưu manh... đánh cho chết đi...
Ðêm chúng đem tôi về nhận vào bể nước rồi đánh nữa. Khi tôi ngất đi chúng lại phun nước cho tỉnh dậy và tiếp tục đánh như nhồi một trái banh – rồi chúng lại bắt tôi cung khai. Tôi không còn biết mình nói gì:
- Mày mới ở ngoài vào phải không?
- Vâng... dạ
- Ðịnh phá hoại phải không?
- Dạ vâng...
- Với ai, tổ chức nào?
- Vâng...
- Ai?
- Dạ...
- Ai?
- Nguyễn-mạnh-Kha...
- Ở đâu?
- Số bảy, tám, chín Hàng Khay.
- Ðúng không?
- Nó cho ở...
Tụi lính lại dẫn tôi đi, tới nơi tôi vừa tỉnh để bảo:
- Không, tôi nhầm. Tôi là Nguyễn-mạnh-Kha.
Tôi khai lung tung, bạ gì nói nấy. Chúng đánh chán tay rồi giam tôi vào buồng tối như một con chó cho muỗi nó đốt. Chúng tra khảo tôi mãi cũng chán nên giam tôi lại cùng với những người khác, mỗi ngày ném cho một nắm cơm. Có một ngày lũ người bị giam được tập trung vào một khoảng sân ngó thấy nền trời. Tay bị xích lại. Hôm đó có một viên cố đạo bảo là đến làm phép lành cho lũ tù. Hắn nói những điều tôi chưa hề nghe bao giờ như: yêu mến chúa, thiên đường, địa ngục, cứu rỗi, tội lỗi, xám hối, quỷ quái, thánh thần, yêu thương, huynh đệ... Lũ lính vác súng bắt lũ tù ngồi yên nghe.
Viên cố đạo làm dấu nhìn chúng bị đánh đập. Nhưng tôi còn đủ sức chửi bới và văng tục. Tụi lính lại tra khảo tôi mà không chịu buông tha:
- Mày tên gì?
- Con khỉ
- Ở đâu?
- Con khỉ... cởi truồng...
- Cha mẹ mày tên gì?
- Ai?...
- Cha mẹ mày?
Khi nghe rõ đến hai tiếng cha mẹ thì tôi khóc rống lên chúng tiếp tục đánh đập tôi nữa:
- Mày tên gì?
- ... thịt thối...
- Ở đâu?
- Viên cố đạo
- Cha mẹ mày tên gì?
- A ha!... A ha!...
Ðến một đêm tối lũ lính dồn tôi lên một chiếc xe bọc kín mang tới một cánh đồng cùng mấy đứa nữa. Chúng bắt đào hố. Tôi biết là sắp được tự chôn mình. Tôi nghe tiếng lên đạn lách cách,
xong chúng bắt quay mặt vào hố. Tôi nhớ đến câu hỏi, và tự nhắc.
- Cha mẹ mày tên gì?



1958




























2
Đêm 
(Giao Điểm, 1965)


















3
Đôi Mắt Trên Trời
 (Giao Điểm, 1966)


















4
Sợi Tóc Tìm Thấy
 (Những tác phẩm hay, 1966)


















5
Nhan Sắc
 (An Tiêm, 1966)



















6
Kinh Cầu Nguyện
 (Văn Xã, 1967)















7
Ngã Đạn

(Tân Văn, 1970)

























8
Quê Người
 (Văn Xã, 1970)

















9
Trong Hoang Vu
 (Tân Văn, 1971)
















10
Cái Chết Của....
(Văn Xã, 1971)

















11
Tiếng Sáo Người Em Út 

(2007)























Ngày Đốn Cây Vú Sữa





Bên kia bờ sông của quận lỵ là một xóm nhỏ, những căn nhà thưa rải rác trên những khoảng đất trống không đều, có khoảng đất được canh tác, có khoảng bỏ cỏ hoang, những cây ăn trái và ít gốc dừa nước rải rác theo với mép sông nước ròng, có mấy con kinh nhỏ đưa nước vào sâu trong xóm. Trong khu xóm có một ngôi nhà ngói cũ, ba gian, một sân gạch nay đã hư nát, ngôi nhà ở phía ngoài đường liên tỉnh để tới đầu cầu đưa vào thị trấn. Trong khoảng vườn rộng của ngôi nhà có trồng một cây hoàng lan lớn. Ngôi nhà có một khoảng mái bị đạn nay được vá lại bằng một tấm tôn sáng bóng. Cách với ngôi nhà không xa, bám vào con đường liên tỉnh có một ngôi trường học nay bỏ hoang với mái ngói sụp đổ và là nơi những toán quân ngang qua vẫn coi chừng bằng cách nổ những loạt đạn bâng quơ vào trong những tường gạch đã cũ vì mưa nắng và um tùm những cỏ dại.

Một người đàn ông đứng tuổi đạp chiếc xe đạp cũ vào thẳng trong sân ngôi nhà, trời đã chiều, toán dân vệ từ đồn nơi đầu cầu đi hàng một dọc theo con đường khởi đầu chuyến kích đêm ngoài vòng đai bảo vệ huyện lỵ. Người đàn ông chậm chạp ngừng xe lại trước cửa nhà, nhẹ nhàng bước xuống rồi nhấc chiếc xe lên hiên, đẩy cửa bằng bánh xe trước vào trong căn nhà đầy bóng tối. Tiếng người đàn bà:

- Ai đó?

- Không có, tôi đây, sao bà không đốt đèn lên một chút...

Tiếng bước chân nặng nhọc từ trong nhà vọng ra. Người đàn ông lúi húi mở dây chiếc bao đèo phía sau chiếc xe. Người đàn bà già yếu, da xanh đứng tựa nơi cửa vào nhà trong:

- Thằng hai nó gửi cho bà ký bôm, thằng nhỏ mới sinh thật ngộ, nó đen khoẻ như cha nó vậy, đôi mắt tròn quay dễ thương hết sức, thằng hai nói sẽ đón bà lên ở với bọn nó, nó la tôi quá trời, bọn nó đâu có hiểu gì...

Người đàn bà lặng lẽ đón lấy những trái bôm tím ngon lành, hơi thở mệt nhọc, người đàn ông bật hộp quẹt châm lửa vào ngọn đèn huê kỳ nhỏ để trên bàn thờ, ánh sáng vàng úa lan ra căn nhà trống:

- Bà ăn gì chưa.

- Ông ăn cơm với bọn nó rồi há.

- Ừa, ăn cơm sớm, thằng hai còn bận vào trại, tội nghiệp con vợ, người làm không có, trông vào con gái lớn một chút, cái hôm nó sinh may nhờ có hàng xóm người ta giúp cho không thì đẻ ra nhà, rồi ngày ngày thằng hai phải về mà bới cơm cho vợ, bọn nhỏ thì không có ai coi hết, mình mà ở trên đó được thì đỡ cho bọn nhỏ, thật cực hết sức...

- Tội nghiệp...

Người đàn bà nói buông thõng, người đàn ông cầm chiếc mũ vải đập đập trên tay rồi móc lên chiếc đinh đóng nơi tường mé gần chiếc bàn lớn dài bằng gỗ đã cũ. Người đàn bà đi ra ngồi xuống ghế:

- Ông có nói chuyện hồi hôm cho thằng hai nó biết không?

- Có...

- Nó nói sao?

- Nó nói mình lên trên đó ở với bọn nó.

- Thế còn nhà cửa, còn thằng tư...

- Thì tôi cũng nói vậy, nhưng nó nói nhà cửa mà làm gì, còn người còn của, chuyện thằng tư thì... coi như nó chết rồi.

- Chết rồi, nó rủa em nó như vậy được sao, đằng nào thì cũng là em nó, tôi thương nó...

Giọng nói chùng thấp nhợt nhạt, tiếng thở dài của người đàn ông. Thấp thoáng ngoài cửa bóng ngọn dừa lay động mơ hồ.

- Thằng hai nói, chuyện ở trong quận người ta hỏi mình, làm rộn mình một chút là chuyện không thể tránh được, mình ở ngay chẳng hơi đâu mà sợ, nhưng tôi nói, tôi lo cho thằng tư, hồi này đã lâu rồi không thấy nó về, chắc là khó khăn, bà thấy đó, tối đến lính họ nằm ngoài đường lộ, tối không còn nghe thấy chó sủa, không biết hồi này nó thế nào, tôi lo nó chết bờ chết bụi mất xác...

- Thời buổi loạn lạc...

Người đàn bà đi vào nhà trong, người đàn ông ngồi im một lúc rồi lấy ra hộp thuốc vấn hút, ngụm khói đục trắng lờ lững không muốn tan. Nghe từ xa, ngoài sân có tiếng gà gọi nhau lên chuồng. Đêm đang xuống...

Người đàn bà lấy chiếc tô lớn múc cháo từ trong chiếc soong nhôm ra, màu gạo đỏ lờ, ngọn đèn nhỏ leo lét trên mặt chiếc bàn cũ đã đen lại, gian nhà rộng mênh mông mịt mù trong ánh sáng nhờ nhờ đau yếu... Người đàn ông cài cửa nhà ngoài trở vào nằm trên bộ ngựa lớn nơi góc phòng. Tiếng nhai của người đàn bà chậm chạp rời rã.

- Thế bà có tính lên trên đó với thằng hai không?

Không khí im lặng kéo dài, tiếng con muỗi bay quấn vào gần vành tai khó chịu. Người đàn bà ngừng lại, nhìn vào ngọn đèn. Chiếc bóng thủy tinh có những bọt không đều nhau, phía trên khói đã bám đen thành một vòng đều. Người đàn ông bắt tay phải lên trán che hết ánh sáng trên đôi mắt vẫn còn mở lớn không động đậy:

- Tùy bà, tôi sao cũng được, thật tôi cũng không còn ruột gan nào mà nghĩ, bà tính coi...

Người đàn bà theo dõi mấy con muỗi cỏ đang bay quanh ngọn đèn, có lúc chúng đạp vào bóng đèn nóng loạng quạng một lúc rồi lại tiếp tục bay vòng quanh...

Người đàn ông kéo chiếc ghế dài lùi xa chiếc bàn một chút, rồi ngồi xuống, người thanh niên bận quần màu lục sẫm cắm cúi đọc tờ giấy bỏ trên bàn lúc lâu mới ngửng lên người đàn ông trước mặt, tóc cắt cao không chải, có những ngọn tóc dựng đứng, hai bên tóc mai những sợi bạc, nước da xám, những vết nhăn, đôi mắt kèm nhèm, chiếc áo bà ba đen đã cũ, chiếc khăn ca rô vắt trên vai nhàu nhượi, hai bàn tay khẳng khiu bỏ trên mặt bàn và cái nhìn lơ đãng:

- Bác còn cậu con đi theo giải phóng phải không?

- Dạ, nó là thằng tư, thằng con trai út của tôi.

- Anh ấy đi hồi nào vậy?

- Có hơn hai năm, hồi quận chưa có.

- Lâu nay có về nhà không?

- Dạ không.

- Bác cứ nói thật đi, không sao đâu, tôi muốn bác nói anh ấy nên về chiêu hồi đi, về làm ăn không sao cả...

- Dạ lúc trước nó về tôi có nói, nhưng không được, vợ chồng tôi coi nó cũng như chết rồi...

- Sao bà con lối xóm nói mới đây anh ấy có về thu thuế mà, tôi hỏi thật bác, nếu anh áy có trốn ở trong nhà thì bác không nên giấu chúng tôi...

- Chết, đâu có, lúc trước cũng có đôi lần nó về, về ban đêm chốc lát rồi đi, khổ lắm, nó về thì chỉ thấy xin tiền bạc mà vợ chồng tôi thì có gì nữa, ruộng vườn bỏ cả, vợ chồng tôi cũng tính lên hẳn trên quận ở với thằng hai trên đó, nó làm việc trên quận, chắc ông biết...

- Dạ, chúng tôi có biết bác có người con cả làm việc ở trên.

- Hồi trước nó xuýt chết vậy đó ông, trước đây nó về thăm tôi, vừa ra khỏi nhà thì mấy ông du kích ập vào bắt nói nó làm mật thám cho đế quốc, mấy ông ấy cũng bắt chúng tôi phải kêu nó về với nhân dân, với giải phóng... Vợ chồng tôi thì già, sinh con ra lớn lên bọn nó làm gì thì làm chúng tôi nào có biết, ông nghĩ coi, rồi sau đó tôi được biết giải phóng kết án tử hình nó, từ đó tôi đâu có dám cho nó về, ông tính... (đó là những khuôn mặt dữ dằn, tiếng nói quen thuộc , quần áo nhem nhuốc, bất chợt có mặt và mất đi thật nhanh trong đêm tối chỉ để lại những tiếng chó sủa trong đêm thanh vắng, kẻ bị bắt được nói cho đi học tập, hoặc được mang ra ngoài vườn sau và một mũi dao thích vào bụng hoặc một tràng đạn nổ vào ngực, con ông Năm trong xóm được mời đi học tập, hai hôm sau thấy xác nổi trôi táp vô bờ sông hai tay bị trói giật sau lưng...).

- Bác nên khuyên anh ấy về, không thì e khó sống được nếu còn quanh quất ở đây, bác biết tên xã ủy không, hắn bị hạ rồi, hôm đó bọn tôi nhanh thì con bác cũng bị hạ, may thoát. Bác biết chúng tôi về đây để giữ cho làng ấp được yên, bác coi hồi này đâu có bị phá rối, thu thuế, thu thóc như trước.

- Dạ, cũng nhờ ơn mấy ông...

- Mong bác ráng khuyên anh ấy, nếu không được khi nào anh ấy về bác mật báo cho chúng tôi.

- Dạ, nhưng tôi chắc nó cũng chết rồi.

- Không đâu anh ấy còn sống, người ta còn nhận được mặt anh ấy mà, bác không nên che chở cho đứa con hư ấy nữa. Và bác cũng đừng tiếp tế cho họ, nếu không bác cũng liên lụy, chúng tôi biết bác là người làm ăn lương thiện, chúng tôi cũng biết con lớn của bác mà.

- Dạ cám ơn mấy ông hiểu dùm cho vợ chồng tôi.
Người thanh niên mở xấp giấy lấy ra một bức hình đưa về phía người đàn ông:
- Bác có nhận thấy mặt con trai bác không, đó, anh ta vác khẩu súng nơi vai, người đứng giữa là tên xã ủy chúng tôi mới hạ được, còn tên này nữa, nó là bí thư xã, nó đã bắn mấy người ở trong xã, chúng tôi đang tìm hắn, bác nhận mặt rõ chưa, nếu gặp hắn thì bác báo ngay cho chúng tôi và đừng bao giờ chứa hắn, hắn đã giết người.
Dạ... (thằng tư mặc đồ bà ba đen, đầu trần, vai khoác khẩu súng ngắn gọn, nó đang tươi cười bá vai tên bí thư, tên giết người, sao hình hồi nào mà trông nó khoẻ và trẻ quá, sau nầy nó gầy đi nhiều mà có thấy nó mang súng như vậy bao giờ đâu).
Người đàn ông ra khỏi nhà hội đồng lúc mặt trời đã đứng bóng. Nhấc chiếc xe đạp quay đầu ra ngoài rồi nhẹ nhàng leo lên và đạp ra con đường đất để ra con đường liên tỉnh. Khi chiếc xe vào đến sân, ngừng lại dưới hiên để nhấc chiếc xe vào nhà, người đàn ông nhận thấy hai chân hơi run và ù nơi hai mang tai, những giọt mồ hôi chảy ròng xuống cổ. Buổi trưa im vắng và nồng...
Người cha ngồi hút những hơi thuốc đầy, nhìn lơ đãng vào khoảng không. Người con ăn, nhai vội vã, bàn ăn chỉ còn một mình người con với những bát chén ngổng ngang của những người đã xong bữa.
- Thôi ba đừng nghĩ gì cả coi như không có thằng tư... Nào đâu mọi người không nghĩ đến nó.
- Nhưng đằng nào thì nó cũng là em mày...
- Vậy bây giờ bảo con phải làm sao? Thời buổi mà anh em phải bịt mặt mà giết nhau. Hồi về nhà may mà con không bị bắt, nếu không thì ba tính... Bây giờ con muốn ba lên ở luôn trên này với bọn con, thế là xong, nhà cửa thì nhờ bà con ở dưới vậy...
- Nhưng má con không muốn đi, bà ấy thương nó...
Người con bỏ chén bát đứng lên khỏi bàn ăn. Người cha vẫn ngồì im nhìn lơ đãng trên mặt bàn. Người con đi xuống nhà mang lên hai ly nước trà, một ly cầm nơi tay, một ly để trước mặt người cha. (Khi đi làm trở về người nhà đưa cho một lá thư, nét chữ quen của người em ruột: Mặt trận đã tuyên án xử anh, mong anh hồi tâm trở về thì sẽ được khoan dung, nếu không thì em cũng không thể cứu được anh. Cùng với phong thư có kèm theo một trái lựu đạn đã thối)...
- Con nghĩ chắc thằng tư cũng không còn ở trong vùng nữa, bây giờ đâu có dễ gì mà lọt được trở lại vùng bình định, ba má có ở lại cũng không giúp được gì cho nó đâu, mà ba má thì già rồi, mình lên trên này khi nào yên hẳn thì về, nhà cửa ruộng vườn còn đó chứ ai lấy đi được mà lo.
- Thôi được rồi, để rồi ba thu xếp, nhhưng con có cách nào gọi nó về được không?
- Cách nào, biết nó ở đâu mà tìm, mà gặp nó nói nó chịu về không, thì ba má cũng đã nói với nó rồi. Nhà mình ba má được hai đứa, giá yên bình thì con cũng ở nhà làm ăn chứ có sao, nào đâu phải con xung phong đi lính, lệnh đi thì đi, cũng may là con chưa phải cầm súng mà đi kiếm nó, nó có số phần của nó... Con chỉ lo nó quanh quẩn đâu đó...
Người cha uống một ngụm nước, đứng lên rời khỏi bàn ăn tới ngả lưng xuống chiếc ghế vải để ở bên cạnh tường. Người con vặn máy thu thanh, tiếng hát vang lên đầy căn nhà rộng... Người con ngồi xuống chiếc ghế thấp cầm lấy tờ báo đọc. Đứa trẻ sáu tuổi từ trong nhà chạy ra lăn vào lòng người con. Người con bỏ tờ báo xuống:
- Thôi mà, làm nũng gì đây nữa, lại chơi với nội đi, thôi mai theo nội về vườn mà ăn trái cây, mùa này có vú sữa rồi đó.
Đứa trẻ nằm im mở mắt nhìn nghiêng tới ông nội nó đang trầm ngâm hút thuốc. Người con vuốt tay lên đầu đứa trẻ... Người đàn bà từ trong nhà đi ra:
- Ba vào trong giường nghỉ trưa cho khoẻ.
- Thôi ba nằm ngoài này cũng được, chút ba về rồi.
- Mai ba lên?
- Ừa để xem đã, còn nhà cửa ở dưới...
- Hay để mai con xuống đón ba má luôn thể, mình kiếm một chuyến xe lam, còn đồ đạc lếch thếch, má thì yếu...
- Con khỏi lo, con đi về rồi ai coi bọn nhỏ, ba khoẻ mà lo chi.
Người đàn bà bế đứa nhỏ dỗ nó đi ngủ, người đàn ông vuốt tay lên má nựng nó giọng ngọt ngào. Đứa nhỏ bị nhột cười khích khích khi người đàn bà bế nó vào nhà trong. Không khí căn nhà trở lại im vắng.
Buổi chiều người đàn ông đạp chiếc xe chậm chạp vượt qua cây cầu, chiếc xe không chạy thẳng, vòng xuống phía dưới, gần với bờ sông, chiếc xe chạy chậm chạp, người đàn ông chú ý tới những băng vải viết chữ căng ngang, những tờ truyền đơn rải bay trên đường đi, và những bích chương màu dán nơi những thân cây bờ tường gần nơi hội đồng xã, nơi đó một vài người qua lại. Người đàn ông ghé lại nhà một người quen, khoảng sân đất rộng, ngôi nhà tôn thấp. Một người đàn bà từ trong nhà đi ra:
- Chú lại chơi.
- Anh có nhà không thím?
- Nhà tôi xuống dưới xóm, người ta tìm thấy xác vợ ông hội đồng hồi trưa, thật tội nghiệp...
- Ở đâu vậy?
- Ở ấp bên, nhà của ông gì đó, trong vườn, dưới một cái hố, trời ơi, nhà tôi nói trông mà phát khiếp vậy đó chú, họ cho ngồi xuống rồi đập đầu cho vỡ và đậy lên trên mấy miếng gạch xi măng, sao chết đã lâu mà chưa gì hết, còn chân thì xơ ra và quần thì bị rách lên tận thắt lưng, thật là tội...
- Sao mà tìm được vậy?
- Nghe đâu có người hồi chánh ở đâu đó nghe chuyện biết được nên chỉ cho quận, quận liền theo đó mà tìm. (Trong đêm tối một tốp người vào nhà gọi cửa bắt đi, bà ta không chịu đi, họ bắt đi, hai người mỗi người giữ một tay kéo đi, mặc tiếng kêu khóc vang lên cả ấp không ai dám mở cửa ra ngoài, rồi mất tích...).
- May mà còn tìm được xác, ông bà ấy từ xưa tới nay ăn ở cũng đường hoàng, có gì đâu, chẳng biết có thù oán gì với ai không? Ông bà ấy chỉ còn có một người con đâu ở trên Sài gòn.
Người đàn ông như nhớ ra mình vẫn còn đứng dưới sân với chiếc xe đạp, ông ta từ từ đẩy chiếc xe vào gần nhà dựa vào tường rồi bước lên hiên:
- Tôi tính sang nhờ anh chị coi giúp cho cái nhà, tôi đưa bà ấy lên trên với thằng hai.
- Bao giờ chú đi.
- Thủng thẳng ít bữa, đồ đạc thì cũng không có gì, nhưng cái nhà thì phải ráng giữ cho nay mai yên ổn thì về có chỗ mà ở, thằng hai nó nói quá chứ tôi không muốn đi.
- Dạ.
Người đàn ông đứng im ngó nhìn những ngọn dừa xanh vượt lên bầu rời cao, buổi chiều êm ả không có gió. Một chiếc máy bay xuất hiện ở trên cao. Lúc sau người đàn ông xuống hiên đi vòng quanh khoảng sân ngó lên những ngọn cây ăn trái, những luống rau trồng ngoài vườn, khi trời đã sẫm người đàn ông đạp xe trở ra con lộ về nơi ngôi nhà mái ngói. Bóng tối xuống chậm...
Khu vực ngoài thị trấn lúc trước, có một thời rất đông dân cư, đời sống khá sung túc, vườn tược sau thời gian chiến tranh canh tác trở lại, những ruộng bỏ hoang bắt đầu những vụ lúa mới, nhưng thời gian ấy kéo dài không lâu, chiến tranh trở lại, có lúc khu vực như hoàn toàn chịu quyền kiểm soát của thế lực mới, dân chúng không chịu được chiến tranh kéo sát bên mình một cách thường trực nên bỏ đi làm ăn xa tùy theo phương tiện và hoàn cảnh cho phép, tuy nhiên có một số người chỉ biết ruộng vườn thì buộc phải giữ lấy cuộc sống vẫn có, có người đã dời gia đình ra ở nơi những căn nhà làm bằng đất ngoài đồng trống để tránh tai hoạ. Chậm rải theo thời gian, số người sống mỗi lúc một hao mòn, số người đi xa cũng nhiều thêm, những trẻ nhỏ tha thẩn ngoài ruộng bùn với những bàn tay chai cứng, trong căn nhà tối chật hẹp chỉ còn những người già cả... Thôn xóm mang theo khuôn mặt buồn hiu. Có lúc người ta dửng dưng không còn xúc động với những cái chết. Những cuộc hành quân mở ra với từng đoàn xe nối nhau trên con đường liên tỉnh thỉnh thoảng xáo trộn đời sống bình thường của dân chúng, những trẻ nhỏ đứng ra dọc bên đường vẫy tay những ngườu lính lạ... Dần dần an ninh được vãn hồi, dân chúng lại làm ăn, một đôi người ở xa trở về thăm lại nhà cũ, và đã có một hai chuyến xe lam chạy nối khu vực với quận lỵ ở trong, và những phiên chợ bắt đầu đông hơn xưa... Nhưng ban đêm tới vẫn là những đe doạ không chừng, có những tiếng súng đánh thức người dân đang ngủ với nỗi lo âu bức rức thường trực...
Buổi sáng bắt đầu với vẻ nhạt nhoà, người chồng ra sân đứng nhìn toán nghĩa quân đi kích trở về vẻ chậm chạp ngái ngủ mang theo ba lô, ít bó rau, ít trái cây, họ đi dọc theo mép con lộ về phía cây cầu, bóng chiếc trực thăng, đang bay vòng quanh ở phía nam, tiếng động nghe xa rời. Chiếc xe bò chở lá dừa chậm chạp lăn bánh với tiếng kêu khô khan và ngắn. Một người đàn bà gánh rau đang đi xuống phía nhà hội đồng. Nắng sáng trong nhảy nhót trên những cành lá xanh. Người chồng thở dài ngồi xuống nhìn cây vú sữa trụi lá giơ những cành khô lên trên trời... Mấy tháng trước, hai vợ chồng già chợt ngỡ ngàng nhìn nhau khi thấy những cành lá trên hầu hết những cây ăn trái trong vườn bỗng vàng và đổ xuống không đúng mùa. Người ta nói bị ảnh hưởng thuốc khai quang từ vùng trong theo gió trở ra. Sau đó, mùa mưa trở lại, cây cối phần lớn hồi phục với vẻ èo oặt, chỉ có cây vú sữa lá không ra, mỗi ngày người chồng ra bấm vào vỏ cây thăm dò và sau chót thì người chồng lắc đầu nói với người vợ: nó khô rồi...
Người chồng đi vào nhà mang ra cây rựa lớn và bắt đầu đốn cây vú sữa, thân cây cũng không lấy gì làm lớn, người vợ từ trong nhà đi ra, ngồi xuống hiên mát nhìn người chồng bổ từng lát chốc chốc ngừng lại nghỉ:
- Ông còn đốn làm gì nữa, khô rồi, mặc sức, hơi đâu...
- Trông cái cây khô tôi khó chịu, đốn nó đi cho những cây chung quanh nó lớn, thế là nhà mình không còn cây vú sữa nào nữa, tôi còn tiếc cái cây năm trước bị bão...
- Để mình trồng mấy cây khác, thứ này không chịu được thuốc khai quang, chỉ một chút cũng khó sống... Nhưng trồng rồi có được ăn trái không?
- Mình không ăn thì con cháu nó hưởng, bà thì thật...
- Thế ông tính bao giờ mình lên với thằng hai...
- Bây giờ bà giục tôi, thì để vài bữa nữa, sao tôi cứ thấy bứt rứt không yên...
Người đàn ông tiếp tục đốn cây vú sữa, mỗi lần chiếc rựa ăn vào thân cây, cây vú sữa khô lại rung lên, một vài cành nhỏ mục rụng xuống lần đất ẩm... Người đàn bà cầm chổi quét khoảng hiên nhỏ hẹp, con gà mái quanh quẩn dưới chân chạy theo sau người đàn bà vẻ quấn quýt. Nắng còn bỏ lại khoảng mát lớn trên chiếc sân vuông vức. Liên tiếp những nhát rựa chặt vào thân cây, cho tới khi đã mệt người đàn ông nhận thấy chỉ mới được nửa thân cây. Ông ta dùng hai tay cố sức rung nhưng thấy vẫn còn chắc, ông ta bỏ vào lấy nước uống và ngồi nơi hiên vấn thuốc hút. Người vợ đứng ngoài sân:
- Ông viết thư cho thằng tư ra sao?
- Tôi gửi cho nó một ít tiền, nói nó về, tôi cũng gửi cho nó một giấy thông hành nữa, tôi đã hỏi kỹ người ta rồi, có một thằng bạn nó cũng mới bỏ ngoài ấy về trình diện đây...
- Chết, rồi nếu người đưa thư ấy không kín...
- Người tôi gửi tin cẩn lắm, bà khỏi lo, nhưng thật tôi không hy vọng, nó là thằng cứng đầu...
- Tôi lo cho nó...
Người đàn bà quay mặt đi, không khí rời rã, người đàn ông nghỉ ngơi một lúc rồi ra dốn tiếp cây vú sữa, lúc cây khô ngã xuống thì bóng mát trên sân cũng đã thu hẹp lại. Một người đàn bà từ ngoài hớt hải đi vào, nhìn người đàn ông:
- Bác ơi, bác đi theo cháu coi...
Người đàn ông ngó lên, nhăn mày:
- Gì vậy cháu?
- Bác đi theo cháu coi xem có phải thật không, người ta vớt được một xác chết, có người nói trông như anh tư nhà bác...

Người đàn ông đứng bật dậy, người đàn bà từ trong nhà đi ra. Người đàn bà đứng dưới sân nói:
- Có lẽ người ta nhìn lầm...
- Thằng tư...
Người đàn ông vội vã đi xuống sân ra phía cổng; người đàn bà đi theo, người đàn ông quay trở vào lấy chiếc xe đạp ra hiên, nhưng lại dựa chiếc xe vào tường rồi vội vã đi:
- Bà ở nhà, tôi ra coi, thằng tư...
Người đàn bà ngồi xuống hiên nhà ôm mặt khóc. Người đàn ông vừa đi vừa chạy, người đàn bà theo sau tức tưởi. Đám đông tụ lại nơi bờ sông, gần nơi nhà hội đồng, toán nghĩa quân lố nhố ở bên, người đàn ông rẽ đám đông vào trong, một xác chết ướt sũng nằm trên bờ cỏ, tờ giấy báo phủ lên mặt, bộ quần áo đen ướt nhẹp, bàn chân cứng chỉ lên trời đã chương. Người đàn ông cầm tờ báo bỏ ra. Đầu tóc bù xù, miệng há lớn phơi ra hàm răng trắng hếu, dấu đạn khoan thủng một miếng nơi bả vai bên trái gần với cổ. Người đàn ông đậy vội tờ báo lại. Người đàn bà đứng sau, đám người im lặng, người đàn bà nói nhỏ:
- Phải anh tư không?
- Thằng tư nhà tôi...
- Trời ơi, tội nghiệp...
Người đàn ông không nói, mặt bình thản chậm chạp quay ra đi trở lại con đường về nhà.../.



1969









































Tiếng nói




Tặng Ngô Mạnh Thu

Hắn chết đêm hôm trước. Mãi đến buổi sáng hôm sau người ta mới biết. Hắn cố ngoi từ giường đến cửa sổ kẹp đầu vào khe hở giữa hai chấn song mà chết. Máu chảy từ miệng trào ra thành cửa, loang những đường thâm trên mặt tường vôi bẩn. Người ta cứ ngại làm dấu và thương tiếc một cách dửng dưng. Mấy đứa trẻ con lối xóm lấy ngón tay quệt nước bọt bôi vào chỗ máu đọng vẽ ra tường: hình ảnh một con người dang tay chân, đầu to hơn bụng, mắt tròn mồm méo. Đứa này thêm tí chân, đứa kia thêm tí tay, tí râu, tí tóc, tí đuôi, để trở thành một con vật, một con vật thực sự.

Màu máu đen khô dần dần. Rồi mấy con ruồi xanh kéo đến...rồi mùa nắng qua...rồi mùa mưa tới. Hình ảnh con vật dị kỳ vẫn dang chân, dang tay. Rồi lại có mấy người thanh niên đến ở. Những mẫu chuyện sau đây là của một người, của nhiều người đã bỏ đi - đã bỏ đi hẳn...

2

Có lẽ tôi sắp chết - tôi tự bảo tôi như thế và cho rằng mình linh cảm thấy một điều gì rất đúng không sao chạy trốn được.

Tôi muốn trở vào con đường những năm trước -thật quen thuộc. Đã mấy năm rồi ? Hay chỉ mới hôm qua, hôm kia, lúc sáng, buổi chiều hay vừa xong đây. Tôi không có một chút ý nghĩ về thời gian nữa.

Con đường vẫn thế. Có phải mùa mưa đã trở về không ? Ngõ gập ghềnh từng vũng nước đọng. Khoảng tường đen lầm lũi. Ngọn đèn vàng vọt làm cho những căn nhà dấu bớt vẻ đau yếu của nó. Lúc này có lẽ - ừ như tôi nhìn thấy đây này - có lẽ chị Liên đang tiếp khách. Tôi muốn nhìn thấy cái cảnh bẩn thỉu khốn nạn ấy ư? Hay là chị Liên đang gục đầu vào vai một kẻ giang hồ hò hẹn một tương lai để lừa dối cả cái hiện tại này.

Tôi nhớ ra rồi - thật rõ như lúc nãy. Buổi chiều hôm ấy tôi đã đập bỏ cái gương lớn.

- Sao em lại đập đi ? Chị lấy gì mà trang điểm.

- Tôi không phải là em của cô. Tôi không là em một con đĩ được. Tôi không muốn nhìn thấy mặt tôi. Mặt tôi bẩn thỉu nhơ nhớp đến chính tôi còn tởm tôi nói chi đến người khác. Tôi không thể sống như thế này được.

- Em còn khinh chị còn kể gì đến người ta. Bây giờ em mới nhận ra như thế sao ? Chị nhận ra như thế từ lâu rồi. Kể cũng hơi muộn mằn, nhưng cũng còn được. Em có nghĩ đến sự ràng buộc của tình ruột thịt không ?

- Không có gì ràng buộc con người cả. Tình ruột thịt là đối với một con đĩ sao ? Cô còn muốn gì nữa ?

- Không muốn gì cả. Có điều chị không có gì để tự cho là mình còn một người thân duy nhất:

Thuấn là em của chị Liên. Chị đáng được che chở. Nhưng lại phải tự mình làm lấy. Chị làm đĩ nhưng chị biết chị. Em xấu hổ lắm sao ?

- Vâng, tôi xấu hổ lắm. Cha mẹ khi còn sống có bao giờ nghĩ đến thế này chăng. Em không thể nào nhắc đến tên những người đã khuất ở căn nhà này được. Chẳng ai tạo ra đời sống của ta cả, ta tự tạo lấy như thế này đấy thôi. Không thể than van được. Cô hãy câm mồm đi. Cô còn nói nữa tôi sẽ tát vỡ mồm cô ra. Tôi không ràng buộc gì với cô. Cô là con hoang. Tôi là con hoang. Tôi không thể tự nhổ đờm vào mặt, nên tôi phải bỏ đi thế thôi !

Chị Liên gục đầu vào đống gương vỡ mà khóc. Đầu tóc rũ rượi như một con điên. Màu đèn đỏ cuồng loạn bay nhảy trên tường, trên trần, dưới sàn. Tôi nhớ tiếng khóc tấm tức. Tôi nhìn xuống bóng mình lầm lũi. Lúc chị Liên ngẩng lên thì tôi nhìn thấy máu trát đầy mặt; và đấy là hình ảnh cuối cùng lúc tôi xô cửa bỏ ra đường với gói quần áo trên tay.

Căn nhà ấy đây. Khuôn cửa tôi đã bước qua hôm ấy đây. Vết chân của kẻ sát nhân hình như còn hằn máu. Tôi đã cắt đứt sợi dây ruột thịt cuối cùng: Chị Liên.

Bây giờ tôi trở về đây. Tôi sẽ trông thấy trong khuôn cửa khép kín kia một cảnh mà hồi bỏ đi tôi đủ cho là nhục nhã. Tấm màn đỏ vẫn ở chỗ cũ. Chiếc bàn trang điểm vẫn ở góc phòng, màn chiếu vẫn như ngày tôi đi. Tôi nghĩ thế. Tôi trở về để làm em chị Liên.

Tôi sẽ đẩy cửa gặp chị, và tôi sẽ kể lại cho chị nghe, những kỷ niệm đau đớn hay vui tươi của ngày xưa. Tôi là em chị Liên. Chỉ có em và chị mới có những kỷ niệm về nhau và kể nhau nghe. Mẹ tôi bị Tây bắn chết lúc họ về lập tề, trong lúc thầy tôi chung sống với người dì ghẻ ở Sơn Tây.

Hai ngày sau khi chôn mẹ tôi, thầy tôi mới trở về. Tôi và chị Liên khóc nhìn thầy tôi một lần khi người đứng trước linh vị, rồi chúng tôi bỏ nhà xuống bà ngoại ở cho đến khi thầy tôi đi Sơn Tây. Chúng tôi trở về với ông nội và chú thím. Mẹ tôi chết không kịp trối trăn nửa lời - và tôi chỉ còn mỗi kỷ niệm này : máu người chảy nóng trên tay tôi cho đến khi tắt thở. Người sống âm thầm từ ngày thầy tôi bỏ đi với người vợ thứ không có phép cưới, nhưng ở trong gia đình đều nín thinh và không bao giờ nhắc đến. Ông nội tôi thương con dâu có một lần thầy tôi về ông tôi giận dữ đập bể chiếc điếu Mai hạc rất quí mà mắng thầy tôi, nhưng rồi câu chuyện vẫn thế. Chúng tôi sống âm thầm khi vắng người cha. Ông nội và bà ngoại thương mẹ tôi nhiều lắm. Chú thím tôi muộn mằn chưa sinh nở nên cũng quí mến chúng tôi.

Nhưng hai tháng sau ngày mẹ tôi mất -ông nội tôi bệnh nhẹ rồi qua đời. Người nhắc lại lời lúc mẹ tôi mất : Lá xanh rụng trước lá già. Ông thương các cháu quá.

Những năm sau tiếng súng nối tiếp, người ta giết người không kịp kêu. Chiến tranh làm cho đời sống tức thở và bất trắc.

Năm giỗ đầu chú thím tôi trang trọng cúng mẹ tôi. Những người thân thuộc nhắc đến thầy tôi thật nhiều. Ngày hôm ấy tôi khóc không ăn được gì và nằm ngoài đống rơm. ngủ hết đêm. Chị Liên đi tìm không thấy khóc sưng cả mắt vì lo lắng. Chúng tôi không sống thêm được bao lâu như thế thì thầy tôi trở về với người dì ghẻ, trình giá thú cho ông chưởng bạ rồi mang theo chúng tôi đi. Chú thím tôi khóc thương tiếc nhưng không sao ngăn cản được. Chúng tôi có thêm một người mẹ - mẹ kế. Người ta nói nhiều đến cảnh dì ghẻ con chồng cho chúng tôi nghe, nhưng cả hai chị em đều không tin.

Thầy tôi đi làm ở cảng mang theo chị Liên để hầu hạ. Tôi ở lại với dì ghẻ và hai đứa em. Tôi đòi theo chị Liên nhưng không được. Lần ấy tôi co vạt áo nâu của chị cắn nát một bên mà không biết.

Tôi còn nhiều chuyện buồn. Chị Liên ơi ! em kể cho chị khóc một lần.

Tôi được đi học buổi chiều, buổi sáng trông em. Tôi vẫn nhủ thầm : nó là em mình. Tôi vẫn thường bảo : Tồi quá, em có thấy anh khóc bao giờ đâu. Chúng cười và khen tôi. Tôi giặt quần áo, nấu cơm buổi sáng và rửa bát buổi chiều. Tôi làm những công việc của một người đàn bà. Dì tôi coi tôi như một đứa ở. Tôi vẫn nghĩ rằng tôi bị bà trả thù mẹ tôi. Khi mẹ tôi còn sống có lẽ vì người mà hai người không được cưới nhau chính thức nên trong giấy khai sinh hai đứa em nhỏ đều không có tên cha. Nó là con hoang và nó không được quyền chia gia tài với tôi. Tôi mong cho bà sinh thêm một vài đứa nữa để tôi nhẹ tội. Nhưng tình trạng vẫn không thay đổi. Tôi thương dì ghẻ vì lúc nào bà cũng cau có. Sự cau có của bà làm cho thân hình trở nên một thần tượng đau khổ.

Chưa bao giờ tôi nói với dì ghẻ về một câu chuyện gia đình. Tôi nghĩ bà ghét lắm. Nhưng người ngoài còn có thể thương được nhau, huống chi chúng tôi lại gần gụi nhau - vì có thầy tôi, vì bà là mẹ kế tôi và sống dưới một mái nhà đêm ngày đoàn tụ với nhau.

Tôi chỉ nhớ mang máng về khuôn mặt bà dì ghẻ : có một nốt ruồi bên mũi, mắt hơi lác. Tôi chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt bà. Tôi lo, nếu chẳng may bà chết bất ngờ trong một tai nạn nào thì khó mà tôi nhận được mặt. Mỗi lần làm việc gì hơi trái ý, bà mắng tôi, tôi chỉ biết ngồi ở đầu bàn nhớ mẹ tôi, và tỏ sự tức giận bằng cách vẽ mặt một người đàn bà có một mắt lác, một nốt ruồi bên mũi và có râu ba chòm. Có những chuyện tấm tức mà tôi không biết kể cùng ai.

Có lần bà bảo tôi ăn cắp năm đồng đi ăn cháo tiết. Tôi khóc :

- Con nghĩ người ngoài còn thương được nhau. Sao dì thù con mãi. Thầy ở xa, con thì biết gì. Nhưng con không ăn cắp. Lúc chiều con thấy em bé cầm năm đồng chơi ở sân...

- Nó là con tao, nó không giống mẹ mày. Đồ ăn cắp.

Tôi hỏi :

- Sao dì biết mẹ con ăn cắp, người chết rồi. Con chưa làm được gì cả. Sao dì lại nói đến người.

Cứ đánh hay trả thù con còn hơn.

Tôi gói quần áo, ngửa tay xin mười đồng để trở về với chú thím tôi.

- Cho con về quê đi chăn trâu cắt cỏ. Lạy dì cho con được về.

Nhưng tôi chả làm sao sống được theo ý mình. Tôi treo ảnh mẹ tôi trước bàn học, dì ghẻ liệng ra sân, kính bể làm nhiều mảnh nhỏ. Bà nói mẹ mày chứ mẹ tao ư mà thờ, muốn thờ thì mang vào cầu tiêu. Tôi nhặt tấm ảnh cất vào gói quần áo để ở gầm giường và những đêm không ngủ, tôi moi ra ngắm ở ngoài lan can. Ánh đèn đường lờ mờ tôi thấy mẹ tôi buồn rười rượi...

Còn gì nữa nhỉ. Tôi nhớ nhiều lắm. Tôi nhớ ngày thầy tôi trở về quê rồi mất tích. Mãi tuần lễ sau mới tìm thấy xác trôi ở sông Đáy.

Rồi sao ? Những ngày tháng về sau nhớ ngày thầy mẹ tôi mất mà không biết cúng giỗ thế nào...

Tôi sẽ mở cánh cửa kia. Chị Liên hãy tha thứ cho em và Thuấn vẫn là em chị. Chị không có gì đáng trách cả. Chị đã sống can đảm. Em là đồ hèn nhát và bây giờ em mới thấy không thể thiếu được sự ràng buộc của tình ruột thịt.

Tôi trở về để thấy mình có một người chung máu mủ với mình.

Tôi tiến lên đây, và tôi đẩy cánh cửa quen thuộc...

Thực ra thì không còn gì nữa, không còn gì nữa...Có phải thế không...

Chị Liên ơi ! Sao chị không cho em nói với chị một điều hối hận. Hay chị không thấy còn gì ràng buộc vào căn nhà này nữa nên chị bỏ đi. Còn gì khốn nạn hơn khi chính những kẻ chung máu mủ còn khinh rẻ nhau.

Không. Chị không đi đâu cả, chị còn ở đây. Trong một nơi mà chị đã tìm ra hạnh phúc. Thuấn là em chị....
3
Tôi đã trở về đây. Tôi đã trở về đây rồi. Tấn ơi ! Chúng ta có nhau là đủ. Tôi chỉ có một mình anh. Tôi bắt chước chúng nó đã đối với tôi. Căn nhà này đêm năm trước tôi đã để tay lên ngực anh mà bảo :
- Bạn chưa đủ. Chúng mình là anh em.
- Liệu có tin được nhau không ?
- Tôi có còn ai nữa.
Đêm hôm ấy tôi không ngủ nằm nghe tiếng máy điện chợ Quán kêu buồn, tiếng máy êm và nhẹ ấy hình như bây giờ còn vẳng bên tai.
Hồi tôi và Hoàng chung sống, nó chờ tôi đi vắng rồi ở nhà ăn cắp quần áo tôi đi. Thằng Thành đi ăn cắp bị bắt, vu cho tôi là đồng đảng. Tôi bị bắt hai tuần.
Có những bạn bè hồi thơ ấu chia nhau từng nửa cái kẹo ngày nay gặp nhau dửng dưng như kẻ xa lạ ngoài đời.
Nhiều lần đi với Tấn - Anh còn nhớ không, tôi thì vẫn nhớ như hôm qua này - tôi vẫn hỏi : có phải chúng mình sinh ra chỉ để suốt đời đi một mình hay không ? Những lần như thế Tấn lại bảo :
- Thế nào là một mình?
-...là không có ai cả.
Chẳng phải như thế đâu. Chỉ tại chính mình tự tạo ra một nhà tù rồi lại tự giam mình vào đó không để ai vào thăm hỏi, chia xẻ tâm sự với mình rồi mình kêu : tôi cô độc. Anh có mấy người bạn ?
- Chẳng có ai - vì có mà đều bội bạc.
- Tôi thấy bạn nào cũng tốt. Sự có mặt là cần thiết. Chúng mình ràng buộc với nhau nhờ những kỷ niệm còn thì chẳng có gì. Chúng mình hoàn toàn tự do. Bỏ nhau lúc nào cũng được. Có thấy thế không Thuấn ?
Có những câu chuyện buồn đi suốt đêm kể lể cùng nhau. Hai đứa cầm chặt lấy tay nhau. Tôi vẫn nhủ thầm rằng : có bao giờ tôi rời nhau ?
Thế rồi cũng đến - Tôi tỏ cho Tấn biết tôi muốn rứt sợi giây ruột thịt cuối cùng. Tấn hét vào mặt tôi :
- Đối với tình ruột thịt mày còn bội bạc như thế, thì đối với bè bạn mày sẽ bội bạc ngần nào. Là bạn, tao có quyền tham dự vào đời sống của mày. Không thể như thế được. Có thể tao không còn là bạn mày...
Anh Tấn ! Tôi đã trở về đây. Chúng ta phải nắm lấy tay nhau đi nốt cái đêm tối này. Tôi có bao nhiêu chuyện muốn nói với anh. Chúng ta có nhiều ràng buộc mật thiết với nhau. Cho tôi được kể. Đêm dài không hết. Tôi muốn được để tay lên ngực anh, và nói lời năm cũ :
- Bạn chưa đủ. Chúng mình là anh em.
4
Yêu là gây một cảm giác trang trí đời sống. Anh thật khốn nạn phải không Mai ? Anh đã nghĩ như thế khi em yêu anh. Nhưng đến lúc em bỏ đi rồi anh mới thấy đó là một thái độ tự kiêu thật vô cùng ngu dại.
Để anh kể cho em nghe. Anh muốn viết thư cho em lắm. Căn nhà này em chưa bao giờ đến, và chắc không bao giờ đến cả. Có một khuôn cửa nhìn ra con đường nhỏ. Anh nhớ đến căn nhà hồi xưa em ở mà anh vẫn đi qua mỗi buổi tối, để nhìn qua cửa sổ thấy em ở trong ấy. Nhưng căn nhà này, qua khuôn cửa nhìn vào đây em sẽ không nhìn thấy anh. Bóng tôi vây quanh và chả có ai để đốt lên một ngọn đèn nhỏ.
Chị Liên không bao giờ trở về. Tấn không bao giờ trở về. Và em có bao giờ trở về không ? Con đường ngày xưa chúng mình đi qua - anh còn như thấy rõ đây - và không ngờ đó lại là kỷ niệm cuối cùng để cho anh nhớ. Miền ấy là đất thánh của tình yêu. Trong những lúc sống, những giá trị sống của thời gian bom đạn đã gần như phá sản. Sự bất trắc của đời sống đã chẳng cho anh tin tưởng một cái gì. Đời sống chẳng là gì cả nếu nó không được trang trí...Gia đình, Bè bạn, Tình yêu có phải chỉ là cách thức gây cảm giác trang trí đời sống không ? Anh muốn đuợc nghi ngờ. Chỉ biết rằng : con đường chúng mình đi qua. Tay em ấm trong tay anh. Những khoảng trời trăng sao thầm thì trên đầu. Cây cỏ lặng im.
- Anh có yêu em không ?
- Sao bây giờ em mới nghĩ như thế. Gia đình, bạn bè chưa đủ. Tình yêu mới làm cho con người sống. Nhưng dù gì đi nữa thì chúng ta đừng để mất tự do.
- Có nghĩa là chúng ta tự do ?
- Hoàn toàn tự do.
- Lúc nào muốn có nhau thì muốn, không thì...chẳng có gì ràng buộc ư ? Không. Chúng mình ràng buộc với nhau. Có trách nhiệm về nhau. Anh có nghĩ đến tương lai không ?
- Tương lai là gì ? Anh muốn cái hiện tại này đã. Phải rồi, cái hiện tại này đã. Anh thật không xứng đáng chút nào.
Tại sao buổi tối hôm ấy anh lại không giữ chặt lấy vai em, hôn em và nói lời này : Anh yêu em. Và anh lập cuộc đời.
Có phải bàn tay thon nhỏ, mềm mại và ấm áp hôm nào bây giờ nằm gọn trong tay anh không ? Anh đã dại dột suy tính. Tình yêu không thể đến với kẻ nào suy tính. Kẻ không có tình yêu như cây cỏ phải không em ?
Em đã yêu anh để rồi bỏ đi. Em yêu thành thật. Anh đã lừa dối anh mà cho rằng yêu không cần thiết.
Đã mấy thời gian. Sự đe dọa của nhiều hình thức, cá nhân thu gọn run sợ sự ràng buộc. Những tin tưởng cần thiết chúng ta bỏ đi như tấm áo bào của kẻ sau khi chiến đấu. Rồi tự tách mình ra ngoài những liên lạc. Tự cho mình vô trách nhiệm. Tự tách mình làm thần thánh và nô lệ. Khi yêu nhau, chúng ta đang tham dự vào một tấn kịch. Đời sống là một tấn kịch liên tiếp, và chúng ta phải sống hết tấn kịch của mình. Yêu rồi lại trốn tránh, lẩn quất, từ chối tấn kịch mình đã chọn. Những lần lên đường ra đi, đi xa bằng xe lửa, đi gần bằng xe buýt trong một châu thành, hình ảnh cuộc đời như một chuyến xe. Khi nào còn bám được thì với điều kiện nào cũng phải bám lấy. Bị bỏ lại tức là không còn gì nữa.
Mai ơi ! yêu không thể gây cảm giác trang trí đời sống. Anh muốn được cùng em trở về miền biển mặn như năm trước. Với tất cả những kỷ niệm đã sống, để nhìn thấy tóc em phiêu bồng trong những chiều gió lộng. Biển xanh là mắt em (vì mắt em làm xanh nước biển). Tiếng sóng muôn trùng nghe thấy đời đời kia là lời anh tâm sự, và anh muốn được giữ lấy đôi vai bé nhỏ, áp má mình vào má người yêu, kề môi mình vào môi người yêu. Anh sẽ nói : anh yêu em. Rồi buông xuôi hai tay. Con người chết đi nhờ những kỷ niệm ấy.
Mai ơi ! Mai ơi ! Anh bỏ lỡ một chuyến xe và chuyến xe ấy không bao giờ trở lại. Kìa em, sao lại khóc lúc anh trở về đây ? Em đừng khóc nữa. Nước biển đã mặn quá rồi. Nước mắt có làm mất đi, xóa đi được cái gì đâu.
Điều tự hào lớn lao nhất của thời đại này là tự cho mình sự cô độc, nhưng nhất định không có anh ở trong ấy - dù anh sắp vắng mặt.
Khi yêu nhau người ta mang cả thế giới vào trong lòng. Anh muốn được sống trong căn nhà của thầy mẹ khi xưa đã sống, chị Liên đã sống, và anh viết tiếp cuốn gia phả cho con cháu chúng ta.
Bây giờ mùa đông rét mướt. Em hãy nhóm cho anh một bếp hồng. Lửa sẽ reo. Ánh đỏ rực lên ấm áp. Anh dùng quãng thời gian còn lại viết thiên anh hùng ca mà trong ấy anh ngợi ca cuộc đời, cuộc đời ràng buộc : gia đình, bè bạn và tình yêu. Người đời sau nhảy múa và ca hát mãi mãi.
Anh muốn được trở về cầm lấy tay em. Mai ơi ! Tình yêu là điều tha thiết hơn hết. Cho anh được gọi tên em. Kỷ niệm. Em gọi tên anh đi cho anh sống lại. Tôi muốn sống lại làm người.
5
Có ai đấy không ? Có ai đấy không ? Hỡi chị Liên ! Hỡi Tấn...Hỡi Mai ! Mai ơi !...có ai đấy không ? Thưa ông ! Thưa bà ! Thưa cô ! Thưa anh !...Tôi biết thế nào để xưng hô cho đúng nữa - xin lỗi quí ngài, xin tha thứ cho tôi. Nhưng dù sao thì cũng làm ơn, một cái ơn cuối, nhất định là cuối : cho tôi xin một chút ánh sáng...Đây là đâu ? là đâu ? Tôi muốn nhìn xem tôi ở đâu và cho tôi một chút hình ảnh trước khi khép mắt lại...cho tôi xin một chút ánh sáng, một chút thôi...Sao, sao người không trả lời tôi sao ? Bây giờ đêm tối dày đặc thế này, không có ánh sáng thì làm sao tôi nhìn ra cho được. Tôi mở mắt đây. Người hãy gây ánh sáng đi và nhìn vào mắt tôi này...Thôi cũng được - nếu người muốn dấu mặt - muốn tôi không còn gì nữa nhưng chết đi tôi sẽ có mãi điều này : không có gì hơn cả ngoài bóng tối dày đặc bao phủ quanh người và ở trong bóng tối ấy có hàng trăm hàng ngàn con mắt đang mở nhìn tôi, và hàng muôn bàn tay dơ ra...tôi xin các người, tôi sắp chết rồi cũng không cần những bàn tay ấy hóa kiếp cho nữa.
Cho tôi ân huệ cuối. Người không gây lên một chút ánh sáng thì xin cho tôi một chút tiếng động, một tiếng nói đi - để biết rằng chung quanh tôi này còn có sự sống - còn có hơi thở của người để gây lên tiếng nói. Ở quanh tôi là một nhà ? một xóm ? một hiên ? một phố ? hay xó chợ ? cuối đường ? một bệnh viện ? nhưng dù sao ở đấy có sự sống, có sự hiện diện của người. Người hãy cho tôi một tiếng nói. Lời cầu nguyện siêu thoát lời an ủi ngọt ngào, hay không thì một tiếng dửng dưng, và hơn nữa dù là một tiếng chửi tôi cũng sẽ vui lòng. Sao, sao không thì một tiếng ho, một tiếng thở dài - bởi vì tôi chắc không ai muốn hát lúc nửa khuya này... hay không thì một tiếng khóc cũng được - cũng được...Tôi mệt lắm rồi. Không cầu xin được gì ư...người sợ sự hiện diện của người. Sợ rằng các người mang tiếng có mặt mà không cứu một kẻ sắp chết. Thôi cũng được. Hay người hãy bắt chước tiếng chó, tiếng mèo, tiếng lợn, tiếng sói, tiếng hổ, tiếng báo như mấy kẻ làm xiếc, để tôi chết không oán hận người vì :chung quanh tôi toàn thú vật.
Sao im lặng ? Nếu không thì người ra dấu vậy. Người hãy gõ lên một tiếng kêu như thành cửa, chiếc thau đồng. Tôi biết giờ này không ai kéo chuông nhà thờ hay chuông chùa...dù sao thì tôi cũng cám ơn các người...
Đây là sa mạc ? Giữa bể khơi ? Hay khoảng trống không nào đó - hay góc nhà xác cũng nên - ôi những hình ảnh... ai kia...ai kia...ai đấy...một người nào đấy lại đến với tôi lúc này ?...Ô kìa ! Chị Liên ! Chị Liên! ...em nhớ ra chị rồi chị Liên ạ ! Sao chị gầy thế kia ? Chị nói đi ? Chị gọi tên em đi ? Đã bao lâu rồi em không còn được nghe đến một ai gọi đến tên mình. Chỉ một mình gọi lại tên mình, sờ lên da mặt mình...Chị không nói ư ? Chị đừng khóc, em đã nghe em khóc nhiều rồi...hay chị giận em lắm. Chị để em nói những điều hối hận với chị và em cũng chả còn sống được là bao nhiêu...hình ảnh chị, chị ở xa em quá. Em nghĩ đến chị thật nhiều lúc này. Thuấn là em chị Liên.
Kìa sao ai nhóm lửa lên thế, tôi lác mắt rồi ! Chị Liên ơi ! Chị Liên ! Chị đợi em với...chờ em với. Thuấn đây. Thuấn là em của chị Liên. Kìa ai thế ? Không phải chị Liên...phải rồi Tấn. Tôi nhớ anh lắm Tấn ạ. Bạn bè còn được mấy người. Tôi nhớ về một triền đồi cỏ xanh bên thung lũng mùa xuân trước, chúng ta đã chạy nhảy với nhau...Rồi sao nữa ? Cuộc chạy đuổi vẫn tiếp tục. Anh đừng bỏ chạy trước. Cho tôi cùng bắt đầu để tôi thấy rõ hơn : bao giờ tôi cũng bị bỏ lại phía sau. Anh chờ tôi với. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chạy đuổi. Tôi muốn có mặt. Sao ? sao anh nín câm...Kìa ai trói chân tôi thế này...
Ôi biển mặn ! biển mặn...Tôi đang nằm trên bãi cát. Sóng mặn đang táp vào mắt, vào mặt, vào tai...và cát nhét đầy miệng...Cho tôi nhìn thấy mặt biển. Cho tôi nhìn thấy màu xanh.
Em đi từ con đường nào đến đây ? Có phải con đường ấy từ hướng mặt trời lại và ánh sáng màu lụa mịn màng dưới bước chân em. Anh muốn làm thân loài cỏ nõn nằm dưới gót chân son ấy...Em dừng lại đi. Dừng lại để cho anh cầm lấy tay em...
Kìa loài quỷ dữ, mi muốn móc mắt ta ư? Được lắm, gì cũng được. Nhưng hãy khoan để cho ta nói với chị Liên, với Tấn, với Mai. Tôi đầy những ràng buộc với mọi người yêu dấu ở trần gian. Thuấn là em của chị Liên. Thuấn là bạn của Tấn. Thuấn là của Mai, của Mai muôn đời. Tôi xin quì dưới chân mọi người...Cho tôi sự an ủi. Không ai lên tiếng ư...Kìa loài quỷ dữ, gì cũng được. Tôi không mãn nguyện...
6
Không một đứa nào lên tiếng. Chúng nằm chồng đống lên nhau, nhưng chắc chắn không đứa nào ngủ nổi.
Một con ruồi xanh bay vào vo ve rồi đậu xuống một đứa vật vờ như những ngọn cỏ khô trên nấm mộ bỏ quên ở một miền đất tím màu thịt trâu chết. Nó bò lần trên đường tay áo rồi dừng lại trên mắt một đứa. Con mắt trũng sâu như lỗ huyệt
Nó bò lên một vầng trán. Bước chân khấp khểnh như một kẻ lữ hành trên miền sa mạc. Nó bò dần trên vành tai nhỏ loanh quanh như tìm một cái gì, một cái gì có thể dừng lại. Rồi nó bò lên chân một đứa. Nó dật tay đập mạnh. Một tiếng thét trên phím đàn câm. Mấy đứa choàng dậy.
- Gì đấy ?
- Gì đấy ?
Nó dơ một bàn tay đen lầy nhầy, nói phều phào chưa ra tiếng, và lời hỏi dồn :
- Máu ?
- Máu tím ?
- Ở đâu ?
- Ai ?
Nó chỉ xuống đàn và khẽ nói :
- Con ruồi xanh.
Mấy đứa sát lại với nhau. Giao tiếp hơi thở giữa những bàn tay lạnh giá chụm lại. Chúng nó không nói. Thảng thốt như người bất chợt nhìn lại phía sau trong đêm khuya. Như sau một chuyến đi chúng nó tin không có hy vọng cầm lấy tay nhau lần nữa.
Những ngả đường, mỗi đứa nghĩ một khác. Những phòng khách đợi nào đó ? Sân ga nào đó ? Góc chợ nào đó ? Vỉa hè nào đó ? Ôi thời gian !
Đi. Một cửa khám đường lúc khởi đầu tuyên chiến. Như mắt sáng nhìn nơi lần đầu tiên với sự sống bằng cái chết cuối cùng vĩnh viễn. Nhưng cũng có kẻ chết mở mắt.
Một đứa đứng lên. Cả lũ nhìn như níu lại. Nó run lẩy bẩy, miệng lắp bắp không ra lời. Nó đẩy cửa sổ, và thì thầm :
-Trời nhọ mặt rồi chúng mày ạ./.

(tạp chí Sáng Tạo số 31 tháng 9/1959).--  bản của Ấn Thư Quán





























Trong Cõi U Minh





Phán quan để tập giấy trắng xuống trước mặt tôi. Anh ta ngồi ngay phía đối diện, lưng thẳng, hai tay để trên mặt bàn. Phán quan nói: Anh chưa thành thật khai báo. Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta: tôi không có gì để khai thêm. Các ông muốn biết điều gì các ông cứ đặt câu hỏi, tôi sẽ trả lời, khai thì tôi không có gì để khai. Hai bàn tay để trên mặt bàn không động đậy, nét mặt như đanh lại, giọng nói khô: anh phải khai, phải khai hết ra, tôi biết gì anh mà hỏi. Tôi ngậm miệng mắt nhìn về phía trước, thân hình ngay cứng. Thoạt đầu phán quan ngồi thẳng người, mắt nhìn xuống tập giấy trắng để trước mặt. Tôi nhìn lên đầu anh ta: những sợi tóc dựng đứng như cỏ cháy ngày khô hạn. Phán quan nói: anh khai đi, anh phải khai thôi... Một giọng nói nhẹ nhàng khác hẳn trước đó. Tôi thẳng người dựa nhẹ vào lưng ghế. Giọng phán quan tiếp tục: tôi tên là....bố tôi tên là...mẹ tôi tên là...ông nội tôi tên là...Anh bỏ ngay cách khai của anh đi. Những anh sinh ở đâu, học ở đâu, thi đậu năm nào, làm quan, đi sứ, những vợ, những con, những cái đó tôi không cần anh khai... Tôi đứng lên: Sao tôi nghe nói, muốn biết rõ một con người cần phải biết tới ba đời của anh ta, biết càng nhiều càng tốt? Anh nói rõ đi? Các anh cần cái gì?

Tôi đứng lên, bước ra, đi vòng một quãng rồi trở lại đứng ở sau lưng ghế của mình. Tập giấy trắng vẫn nằm im, không khí lặng lẽ với một vùng ánh sáng đục lờ làm những vật chung quanh như nhòe đi. Phán quan đứng lên, ở yên một chỗ: chúng tôi muốn biết những gì anh đã sống, đã nghĩ, đang nghĩ... 

Tôi cười phá lên: Ở gần đây có sẵn vạc dầu đang sôi không? Để làm gì? Phán quan hỏi và nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi nói: Để anh dẫn tôi tới rồi thảy tôi xuống đó cho xong mọi chuyện. Phán quan lặng lẽ ngồi xuống, hai bàn tay đan vào nhau, hai ngón tay trỏ cử động không ngừng. Chợt anh ta cười nửa miệng: đâu có phải chết rồi là mọi chuyện đã xong, đã hết, đã kết thúc. Hạnh phúc cho ai được chết một lần. Anh tưởng ai cũng được chết một lần hả? Không đâu. Có người phải chết nhiều lần, có kẻ phải chết đi sống lại. Bao kẻ xác bỏ quan tài còn phải lôi ra, quần áo bị lột bỏ. Đâu đã yên, nhiều kẻ còn bị moi ruột, móc óc ... Bao kẻ còn bị đào lên lấp xuống đến nỗi không kịp thối... Vì sao thế anh biết không ?Tôi cười: chắc là tại không thành thật khai báo ?

Phán quan đứng lên làm mấy động tác thư giản, anh ta bước lại gần tôi, giọng nhẹ nhàng: anh hãy quên chuyện khai báo đi. Giữa anh với tôi là trao đổi, là làm sáng tỏ một điều gì đó.Tôi ngồi xuống ghế trở lại: Tôi đã chết rồi. Anh nhớ cho tôi điều đó. Phán quan trở lại ghế ngồi: Anh nói đúng. Anh đã chết rồi. Nhưng chết rồi đâu có nghĩa mọi điều cũng chết theo. Anh có nhớ câu: trâu chết để da người ta chết để tiếng. Lại còn: trăm năm bia đá thì mòn ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Anh thấy đó: nhiều kẻ sống đã khai gian lý lịch, khai gian để lừa người. Nào thay họ đổi tên, thay[2] đổi quê quán, thay cả tên tuổi cha mẹ. Như thế chưa khiếp. Có kẻ còn tạo ra một tiểu sử đề cao mình, suy tôn mình... Muốn chết thanh thản người ta phải sòng phẳng với đời. Chỉ có thành thật và thành khẩn người ta mới chết yên được. Chính vì thế mà chúng tôi muốn tận tình giúp đỡ anh.

Giúp đỡ, giúp đỡ hết lòng. Quả thực tôi muốn văng tục. Tôi nói: cám ơn anh, tôi không có gì để khai nữa. Bao nhiêu trang giấy tôi đã giao cho anh như vậy chưa đủ sao? Anh muốn làm gì thì làm. Tôi chết rồi. Phán quan gằn giọng: đúng là anh đã chết, nhưng vẫn còn sống ở một thế giới khác. Vả lại những điều anh viết ra, tôi đã đọc nhưng nay tôi không còn nhớ gì nữa. Anh cứ coi như bây giờ mình mới bắt đầu câu chuyện có được không? Phán quan bước đi khoan thai nhiều vòng trong gian phòng. Không một tiếng động. Một giọng nói chậm, nhẹ vang lên như từ một cõi nào xa lắm: Mình có thể nói chuyện với nhau bắt đầu từ chỗ nào nhỉ? Cuộc đời của anh cũng có nhiều phiên hồi đáng ghi nhớ...Khi khóc, khi cười, khi lên khi xuống...Anh cũng có lúc bị tống giam phải không? Anh nhớ chứ? Mình có thể bắt đầu ở chỗ này không? Hay lùi xa lên ở cái lúc dinh cơ của ông anh Nguyễn Khản bị Kiêu binh đốt cháy? Hay lùi lại vào lúc anh thi đỗ tam trường? Nhưng thực ra phải đợi đến khi anh ra làm quan cho Nguyễn Ánh thì lý lịch mới rõ ràng, phải thế không? Mọi điều tưởng như rõ ràng nhưng thực ra ở đó vẫn còn những khuất lấp. Anh biết rõ điều này hơn ai hết. Sao anh lại im lặng? Khó thật đấy. Bắt đầu từ chỗ nào chăng nữa chắc cũng làm anh lúng túng với những điều khó nói. Anh cũng có lúc bị bắt giam, bị nhốt lại, được hỏi han, chắc chưa bị tra khảo? Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại... Với anh nói tù thì cũng không đúng hẳn phải không? Phán quan đã dừng lại ở một góc khuất nào đó mà tôi không thể nhìn thấy. Giọng nhẹ và đều vang vang: Sống vào thời của anh, thời của những động loạn không ngừng: lửa cháy, máu và nước mắt tuôn trào và những chia tan thảm thiết, những hận thù... Anh viết: cổ kim vị kiến thiên niên quốc ...Từ một thực tại anh đã nhìn thấy những đổi thay. Anh đã trải qua bao nhiêu đời vua? Chỉ ngừng lại và nghĩ đến thôi hẳn anh đã bồi hồi. Thời nhiễu nhương làm đảo lộn những giá trị. Trung thần đó mà cũng nghịch thần đó. Phản trắc đó mà trung thành đó. Chẳng còn vò đậu đen và vò đậu trắng riêng biệt. Đen trắng đã đổ lẫn với nhau. Dù anh có đào một cái hang mà chui xuống cũng không thoát. Anh thấy vậy không? Những kẻ tròn như viên bi, trơn như lươn còn mất mạng, hoặc khốn đốn, nói gì đến những người như anh sinh ra đã sần sùi, có góc có cạnh... Tôi đứng vùng dậy: chẳng ai lại muốn bước chân vào nhà giam, vào cũi sắt. Ai cũng muốn sống. Có con chim nào lại không muốn bay cao và cất tiếng hót. Sống lương thiện sao lại bị tù? Phán quan nhìn vào mặt tôi: Nhưng thế nào là lương thiện? Không chờ [3] câu trả lời, phán quan cười ngất: có thời chính vì lương thiện nên người ta phải ngồi tù. Anh không hiểu vì sao à? Khi bọn bất lương cầm quyền thì người lương thiện đi ở tù. có khi bị treo cổ, có khi bị chém đầu. Những người chính trực phải chết khi dối trá, bạo lực ngự trị cuộc sống...Anh nghĩ lại coi. Đối với anh có một nghi vấn: anh bị bắt giam, bị nhốt tù có phải vì một mưu toan? Có phải anh định đi vào miền Nam? Nhưng đâu phải chỉ có một mình anh đi Nam, sao những ngươi khác không bị bắt? Hay anh có can dự vào một tội ác nào đó? Xin lỗi, có lẽ tôi đã dài lời. Bây giờ là việc của anh. Phán quan bỏ đi trong im lặng.

Tôi ngồi im. Nơi này đã có bao nhiêu người đến rồi đi? Có bao nhiêu phán quan? Đây là đâu? Tôi nhìn chung quanh, tất cả bao trùm trong một thứ ánh sáng đục, vây quanh tôi hình như là một bức tường. Tôi đập mạnh tay xuống bàn, xô cái ghế. Sao không có một tiếng động nào? Tôi đang ở đâu? Tôi đã chết. Một ngày nào đó, tôi nhớ: tôi nằm im không còn cựa quậy, đầu óc tỉnh táo, người như nhẹ hẳn...Tôi thấy chung quanh tôi bao nhiêu là người, tôi chú ý và nhận ra những gương mặt thân quen. Tôi đang ở đâu? Dần dần những gương mặt như mờ và trôi đi ... Những tiếng nói thân thuộc đầm ấm mỗi lúc một nhỏ đi rồi biến vào im lặng ... Tôi đã chết. Tôi nhớ lại những giây phút cuối cùng đó. Tôi thấy mình rất tỉnh táo nhưng sao cả thân người thì cứng đơ và lạnh dần... Tôi cố gắng nói với người ngồi gần nhất, không biết là con, là cháu hay là một người nào đó: sờ giúp cái chân một chút. Sao tôi không còn thấy một cảm giác nào. Có tiếng nói: lạnh rồi. Lạnh rồi. Tôi nghe rõ. Tôi nhìn lướt nhanh những khuôn mặt nhòe nhoẹt đang vây chung quanh tôi. Có phải cả tôi và những chung quanh đều đang đợi một điều gì đó. Tôi cố gắng mở rộng mắt, lấy hết sức để nói: được...được. Tôi muốn nói một điều gì khác nhưng lưỡi đã cứng lại. Có còn điều gì để nói nữa? Tôi nhủ thầm: mình đang chết, chết từ chân lên ...Tôi lịm đi. Tôi chìm dần vào trong bóng tối .. Những bóng người chập chờn không rõ nét, những tiếng nói rì rầm mơ hồ. Tôi thấy mình như đang trôi đi ...Tôi đã chết. Mình đã bước vào một cõi khác. Phú Xuân, đó là nơi tôi đã sống những giây phút cuối cùng của đời mình. Phú Xuân, đó đâu phải quê tôi. Tôi được sinh ra ở một nơi khác. Tôi đã sống ở nhiều nơi. Tôi không có ngôi nhà nào là nhà của mình. Tất cả là ăn gửi nằm nhờ. Người ta nói sống gửi thác về. Nhưng về đâu ? 

Phán quan ở đâu bỗng xuất hiện, bước tới, ngồi xuống ghế đối diện với tôi. Không khí im lặng như làm tôi nghẹt thở. Phán quan nhìn xuống tờ giấy những ghi chép nhằng nhịt. Phán quan ngẩng nhìn lên giọng hoài nghi: Anh họ Nguyễn sao? Tôi nói: Tôi họ Nguyễn, thế anh muốn tôi họ gì? Phán quan cười thành tiếng: Tôi làm sao mà có thể muốn thế này thế khác. Tôi được biết có người họ Nguyễn mà không phải họ Nguyễn. Có chắc anh [4] họ Nguyễn không? Có nhiều người họ Nguyễn nhưng gốc là họ Hồ, họ Mạc, họ Trịnh, họ Lý ... Những thay họ đổi tên này có gốc gác bởi một tên vô lại mù là lịch sử. Có điều này tôi muốn hỏi anh: họ Nguyễn của anh có liên hệ gì với họ Nguyễn của Nguyễn Ánh không? Câu hỏi của phán quan làm tôi nhớ tới những gì thuộc về nguồn gốc. Tôi họ Nguyễn. Nếu lấy Nguyễn Bặc thời Đinh Tiên Hoàng làm gốc thì Nguyễn Ánh với tôi cùng một dòng, cùng một tổ. Có điều chi của tôi bị đại tông khai trừ. Tại sao thế? Cái này là do những đổi thay của các triều đại. Gia phả họ tôi ghi về những ông tổ mà tôi được biết thì nó thế này. Gốc họ Nguyễn của tôi ở làng Cổ Hoạch, sau này gọi là Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Nơi này hiện còn nhà thờ tổ. Một trong những cụ tổ có cụ Nguyễn Doãn Địch, cụ đỗ thám hoa triều Lê Thánh Tông. Dòng họ Nguyễn này của tôi có nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao và ra làm quan từ thời Lê thịnh. Sau đó vào thời nhà Mạc có Nguyễn Thuyến đậu trạng nguyên và cả ba cha con đều làm quan trong triều. Làm quan cho nhà Mạc nên Nguyễn Thuyến, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn bị kết án phản Lê. Sau đó Nguyễn Thuyến bỏ nhà Mạc vào Thanh Hóa phù Lê trung hưng. Nguyễn Thuyến chết, hai người con lại trở ra Bắc phục vụ dưới trứơng Mạc Mậu Hợp. Sau này tôi có được đọc trong ngoại sử nói chính Nguyễn Bỉnh Khiêm, người có những liên hệ với Nguyễn Thuyến đã khuyên hai người con của Nguyễn Thuyến về giúp nhà Mạc. Cả hai người này sau bị Trịnh Tùng giết. Con của Nguyễn Miễn là Nguyễn Nhiệm tìm đường chạy vào Nghệ An và chọn Tiên Điền làm quê hương mới. Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân, Nghệ An ra đời. Tôi sinh ra ở Tiên Điền. Tôi là hậu duệ của kẻ bỏ chạy khỏi đất bắc để tránh bị tiêu diệt bởi những thế lực tranh nhau quyền thống trị. Thực ra tới thời gọi là Lê Trung Hưng thì không còn nhà Lê nữa. Nhà Lê chỉ là bù nhìn cho các chúa Trịnh thao túng.

Phán quan nói: cái họ của anh nhiều người học giỏi, làm quan to mà sao lung tung quá, nay theo người này mai theo người khác, vậy là thế nào? Hôm nay là minh chủ mai đã thành kẻ địch? Đó có phải là câu hỏi dành cho tôi không? Câu hỏi này có lẽ người muốn moi móc tới những vị tiền bối của tôi. Nhưng vào cái thời nhiễu nhương giữa Lê Trịnh, Mạc, Nguyễn thì cũng khó để nói tới những lựa chọn minh bạch. Nhưng có một câu hỏi mà cho tới nay mỗi khi nhớ tới tôi vẫn thấy choáng váng: có phải anh đã chạy theo Lê Chiêu Thống bám gót giặc ngoại xâm? Đây là sự thật tôi không thể nào trối được. Nếu ba anh em tôi mà chạy kịp sang Tàu thì đời tôi đã như thế nào nhỉ? Bám gót giặc ngoại xâm? Điều này thì oan cho tôi. Nhưng tại sao lại chạy theo Lê Chiêu Thống? Có phải vì Lê Chiêu Thống là hậu duệ của Lê Lợi, người đã đánh đuổi giặc Minh dựng nền tự chủ. Vua chết tôi phải chết. Thờ hai vua là bất trung. Điều này ở đâu ra vậy. Nhà [5] Trần suy tàn, Hồ Quý Ly đứng dậy lập triều đại mới. Nhà Lê thối nát bạc nhược, Mạc Đăng Dung nổi lên dựng nghiệp, một số các quan chống đối, dân không đồng lòng. Thấy xã hội bất công dân tình khốn khổ, Cao Bá Quát phất cờ khởi nghĩa bị gán là giặc châu chấu. Sợ thay đổi, đó là bản chất của những ông quan, quan lớn hay quan nhỏ cũng thế. Vì mất chức thì họ sống bằng gì? Những ông quan tốt nhất của giới sỹ phu thấy những sai trái của triều chính thường chỉ biết dâng sớ tâu vua, nhưng thường vua đâu có nghe, kẻ còn liêm sỉ chỉ có con đường từ quan, đó là hành động cao nhất mà họ dám làm. Tại sao họ không chiêu mộ nghĩa sỹ đứng lên kêu gọi dân nổi dậy. Lịch sử Đại Việt không có truyền thống nổi dậy chống bạo quyền. Anh làm quan nhà Lê Trịnh cũng như ông cha anh với quyền cao chức trọng nên tất nhiên anh phải trung thành với họ. Thời nào cũng vậy mỗi triều đại đều thiết lập một cơ chế gồm những kẻ trung thành, được ưu đãi để cai trị dân và duy trì chế độ lâu dài , hẳn nhiên những kẻ này chẳng bao giờ muốn thay đổi. Thời Lê Trịnh tôi đã là một ông quan dù là một ông quan nhỏ. Có phải vì thế mà tôi sợ thay đổi ?

Cha mẹ tôi mất sớm, được đi học là nhờ người anh lớn khác mẹ nuôi nấng. Nhưng tới một lúc anh tôi như linh cảm thấy những bất trắc đang chờ đợi và ông mang gửi gấm tôi cho một ông quan võ họ Hà. Bao nhiêu sự kiện dồn dập xẩy ra: một vụ án đưa anh tôi vào tù, ra tù, làm quan lớn hơn nhưng kiêu binh đốt nhà phải bỏ chạy về quê. Nhờ làm con nuôi họ Hà tôi được yên thân tiếp tục học hành để sau đó cắp giấy bút tới Sơn Nam dự kỳ thi hương và đỗ ba trường. Cha nuôi của tôi qua đời, tôi được kế chân, đúng là cha truyền con nối. Cha làm vua thì con làm vua, cha làm quan thì con làm quan, từ thời nào đã có diện chính sách. Tại sao tôi lại là con nuôi nhà họ Hà mà không phải là con nuôi nhà họ khác?

Cha nuôi tôi là người thân tín trong đường giây quyền lực của cha tôi và ông anh quyền thế. Đây chắc chắn là điều khiến tôi trở thành con nuôi nhà họ Hà. Tôi luôn nhớ: nhờ quan Chánh Thủ Hiệu tỉnh Thái Nguyên mà tôi có chốn nương thân và sau khi ông qua đời tôi đã thành quan Chánh Thủ Hiệu mới. Làm quan, tôi giật mình. Đỗ ba trường nhưng thực chất ở mức đó không dễ để được làm quan. Muốn được làm quan phải ít ra là đậu cử nhân. Kế thừa chức của cha nuôi tôi thành một ông quan võ không biết võ. Có lúc tôi tự hỏi: tại sao mình lại chấp nhận một cách thụ động như vậy? Mình cũng ham làm quan lắm sao ?Thật là khó nói. Đi học với bao công sức, đi thi với bao nhọc nhằn cay đắng để làm gì? Tất nhiên để làm quan. Nếu không đi học đi thi làm gì? Đã hơn một lần tôi tép miệng ngán ngẩm: không làm quan thì lấy gì để ăn ? [6] Anh bị bắt giam, bị nhốt tù có phải vì một mưu toan? Phán quan vừa nói vừa nhìn tôi với vẻ dò xét. Anh ta muốn biết điều gì nơi tôi? Sao anh ta lại nghĩ tôi có mưu toan? Bị bắt nhốt vào tù thì hẳn phải có nguyên nhân. Từ ngày anh bỏ đi khỏi Tuyên Quang đến nay anh đã làm những gì? Dù sống ở xa kinh đô nhưng tôi cũng được biết tin về những gì đã diễn ra ở đó: Nguyễn Huệ đã ra Thăng Long truất bỏ chúa Trịnh, Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền, Nguyễn Huệ ra bắc lần thứ hai, Chiêu Thống chạy sang Tàu cầu cứu quân Thanh, Nguyễn Huệ ra bắc lần thứ ba đánh tan quân Thanh, Chiêu Thống bỏ chạy theo giặc kết thúc vương nghiệp nhà Lê. Trong khung cảnh những biến động ấy đám bề tôi của triều đình Lê Trịnh đã bị đặt trong tình huống rối bời. Chính trong khung cảnh đó tôi cũng tìm đường bỏ chạy trong hoảng loạn.Trước sức tấn công như sóng lửa vào kinh thành Thăng Long, quân Thanh chống đỡ trong tuyệt vọng, tàn quân đạp lên nhau cố gắng chạy sang bên kia sông.Tôn Sĩ Nghị phải chui vào ống đồng cho binh lính kéo chạy. Chiêu Thống chạy ra bờ sông bị dân kẻ chợ cởi thắt lưng tìm vàng bạc châu báu và bị lột cả hoàngbào... Chạy theo vua không kịp , đi đâu đây?

Đi đâu đây ? Trở lại nhiệm sở ? Không được. Về nhà? Tôi còn nhớ như in thời điểm đó khi ba anh em tôi dừng lại trên con đường cái quan và nhìn nhau bần thần. Đi đâu ? Về đâu? Cuối cùng ba anh em tôi chia tay nhau mỗi người đi một ngả. Hình như chúng tôi chẳng có điều gì để dặn dò hay hẹn ước. Anh Nễ về quê mẹ ở Từ Sơn, chú Úc về Tiên Du còn tôi về Thái Bình, nơi vợ con tôi đang sống. Những ngày tháng ở Thái Bình có gì để nhớ? Chỉ có niềm vui nhỏ được sống bên vợ con nhưng thực ra bao nhiêu sự việc làm rối lòng đã khiến cho niềm vui đó chẳng còn ý nghĩa gì với tôi. Tin từ Nghi Xuân cho biết dinh thự, nhà thờ... đã bị đập phá tan hoang vì Nguyễn Quýnh kết lạp nghĩa sỹ nổi dây chống Tây Sơn. Trong khi Nguyễn Nễ đang ẩn náu ở Bắc Ninh thì nhận được dụ của Quang Trung triệu vào Phú Xuân. Cùng lúc Đoàn Nguyên Tuấn, anh vợ tôi, ra cộng tác với nhà Tây Sơn và có mặt trong đoàn sứ bộ sang Tàu. Một triều đại mới đã bắt đầu. Nhà Lê đã dứt. Bao nhiêu sự việc ngổn ngang lại thêm cái chết bất ngờ của người vợ thân yêu, tôi quyết định trở về quê nhà.

Quê nhà ngày tôi trở lại vẫn còn nguyên đó một vùng đất nghèo,một thiên nhiên khô cằn với cát và đá, cỏ cây xơ xác, những luống khoai bụi sắn èo oặt, những diện tích trồng lúa nhỏ hẹp, ít ỏi chen vào giữa những đồi đất đá rộng lớn... Tôi tự hỏi: Sao tổ tiên tôi lại dừng chân ở nơi này để khởi nghiệp? Tại sao không đi thêm nữa về phương Nam nơi có những cánh đồng màu mỡ bạt ngàn, những dòng sông đầy tôm cá, những cánh rừng đầy cây ăn trái? Tổ tiên tôi đã đến đây, đã ở lại đây. Tôi đâu có quyền để chọn [7] nơi mình sinh ra ...Những đổi thay của cuộc sống thời nhiễu loạn như đã để lại dấu vết trên từng tấc đất dưới bước chân tôi. Quê nhà đã không còn như ngày ra đi. Qua xã Xuân Yên, Tiên Điền vẫn còn đó nhìn ra biển Đông bao la lộng gió, bờ biển cát trắng một màu, trên sóng nước những cánh chim biển bay lượn ... Phía tây dãy Hồng Lĩnh vươn cao sừng sững. Nước sông Lam vẫn chảy, bến Giang Đình còn đây nhưng dinh thự, từ đường, chùa miếu thời cha tôi ở lúc thịnh thời xây dựng đã không còn, có chăng một mảng tường , một cột trụ , một bậc thềm rêu phong ... Thay vào đó có mấy ngôi nhà nhỏ mái ngói còn tươi là những xây dựng của Nguyễn Nễ. Một thời đã qua.

Tôi đã trở lại quê nhà. Những gặp gỡ bàng hoàng. Những nghẹn ngào không nói thành lời... Bao nhiêu câu chuyện đau lòng. Những miệng cười mếu máo. Những hàng nước mắt bỗng trào ra. Tôi bước đi trên những con đường quen thuộc mà sao bỗng thấy xa lạ. Tôi lại nhớ những nơi chốn đã từng đặt chân tới như đất Thiên Trường của nhà Trần, đất Lam Kinh...lịch sử mới qua đó nay đã sớm hoang tàn. Điều đó cũng đã hiện hữu ngay trên quê hương Tiên Điền của tôi. Đi thăm những gia đình người thân nhà nào tôi cũng thấy có bàn thờ, có thư phòng với bút nghiên, trên cột, nơi vách đều có treo câu đối, những bức họa đề thơ. Tôi nhớ tới hai câu ca dao truyền tụng: Bao giờ Ngàn Hống hết cây, Sông Rum hết nước họ này hết quan.Trong họ có bao nhiêu người học giỏi, bao nhiêu người đỗ đạt, bao nhiêu người làm quan, quả thực tôi không thể nhớ hết. Có một điều buộc tôi phải biết: tất cả những người đó nay không chung về một mối. Kẻ hướng về nhà Lê, người ra làm quan với nhà Tây Sơn, kẻ lui về ở ẩn, có người hướng về phương Nam. Tôi hoang mang trước những lựa chọn. Tôi quanh quẩn nơi quê nhà với thực tế cuộc sống : cơm gạo. Phải làm gì đây? Sao không vứt bỏ bút nghiên mà lội chân xuống ruộng cầm lấy cái cày cái cuốc. Mở hai bàn tay ra trước mặt: bàn tay này không cầm bút có thể cầm cuốc, cầm cày được không ? Tôi thầm điểm danh những người chung quanh, những người đã có chút chữ nghĩa thì chẳng thấy ai chân lấm tay bùn, chẳng thấy ai nói tới lúa khoai, bàn về mưa nắng, nông vụ...Thường mọi người gặp nhau bên khay trà , hoặc chung quanh bình rươu luận bàn về Tứ Thư, Ngũ Kinh ... Chuyện thơ phú và những ngâm vịnh có khi thâu đêm suốt sáng. Điều này đã hình thành từ bao giờ. Truyền thống của những người ra đi mở cõi khai hoang lập nghiệp sao không còn thấy. Ở đất này hình như ai cũng làm thơ , đọc thơ , thuộc thơ .Chữ nghĩa , thơ phú lúc này đối với tôi thực vô nghĩa. Tôi quẩn quanh, đi ra đi vào, nằm ngồi lẩn thẩn có lúc lại cầm lấy cuốn sách lật ra đóng lại với đầu óc rỗng không. Những người trẻ trong làng thường kết hợp lại thành những nhóm nhỏ khoảng năm bảy người. Có đám vào núi đi săn, có đám đi câu, có đám đêm đêm rủ nhau sang làng bên ca hát...hình như họ chẳng bận tâm gì tới cuộc sống. Sự thay đổi triều đại, những va đập của chọn lựa đã không hiện diện trong trao đổi. Tại sao vậy ? Tôi lúng túng với chính mình: tại sao lại bắt tôi phải lựa chọn? Và tôi tự đưa ra câu trả lời: hãy vào rừng lên núi mà săn thú, bắn chim, Hãy ngược[8] sông, ra biển mà bắt cá, hãy vui chơi mà quên đi thế sự ... Nhưng tôi không thể nào quên được với một tâm tư nặng trĩu những âu lo dằn vặt ...

Tại sao anh không ra hợp tác với tân triều? Anh nghĩ nhà Lê sẽ khôi phục lại cơ đồ à ? Hay anh đang hướng về Nguyễn Ánh ở phương Nam ? Mấy câu hỏi của viên phán quan làm tôi nhớ tới cái lúc bước chân vào nhà giam ở trấn Nghệ An hôm nào . Việc xẩy ra vào một buổi sáng: một toán lính đứng trước cổng với công văn gọi đích danh Nguyễn Du lên trình diện quan Trấn thủ Nghệ An. Tôi tự hỏi: cái gì vậy ?Toán lính lặng lẽ dẫn tôi đi không nói một lời. Tới dinh quan trấn thủ tôi được ra dấu đứng lại nơi giữa sân. Một người lính bước vào trong, lúc sau anh ta đi ra đứng trước mặt tôi bảo: đi theo tôi. Tôi được dẫn đi về phía sau ngôi nhà lớn, vượt qua thêm mấy lớp cửa và người lính ngừng lại trước một gian phòng có những chắn song lớn. Người lính mở cửa và nói với tôi: có lệnh bắt giam anh. Tại sao? Không một lời giải thích. Tôi bất ngờ với sự việc. Kẻ cầm quyền khi nào cũng có lý cho hành động của mình. Tôi bước chân vào trong phòng, người lính đóng mạnh cánh cửa. Tôi đã trở thành tù nhân. Phải có lý do để trấn thủ Nghệ An ra lệnh bắt giam mình. Tôi thử tìm kiếm lấy một câu trả lời, nhưng tất cả đều mơ hồ. Có một buổi sáng tôi thấy khu nhà tù chộn rộn một cách khác thường: từng toán người được đưa đi sau lại có những toán khác được đưa vào. Tôi chờ đợi đến phiên mình. Tôi ngồi sát ra cửa đưa mắt quan sát sinh hoạt ở phía ngoài. Không xa, ở gần một lớp cửa có hai lính gác đang nói chuyện với nhau . Một giọng khàn: hôm nay quan ra lệnh cho thả hết những tên trộm cắp sau khi bắt gia đình viết tờ cam kết bảo lãnh và mỗi tên bị đánh năm trượng, đứa nào khóc la bị đánh thêm hai trượng. Một giọng khô: có hai thằng ăn trộm trâu không ? Có - Hai đứa đó là anh em mồ côi thì lấy ai bảo lãnh? Còn cái bọn kiêu binh kết bè đảng đi ăn cướp ? – Mấy đứa già yếu bệnh tật được tha ,còn những tên khỏe mạnh bị đưa đi đập đá trên núi. Riêng ba cha con đi đào trộm củ chuối thì không chịu về - Bọn nó điên à – Thằng bố bảo ở đây không đói , về nhà phải đi ăn trộm khổ lắm - Quan xử trí làm sao ?- Cho lính lôi bỏ ra đường trong khi chúng kêu khóc thảm thiết. Trại giam đông quá, phải thả bọn nó ra mới có chỗ mà nhốt bọn khác chứ. Sao nhiều kẻ bị bắt thế nhỉ - Nghe đâu toàn bọn phản động, trong đó có cả tàn quân của tên Nguyễn Quýnh bị giết lúc trước. bọn phục Lê ở đất này xem chừng còn nhiều. Lúc sau hai tên lính bỏ đi , cánh cửa được đóng lại . Tôi nghĩ : chắc là mình nằm trong danh sách rồi, ông anh mình mới làm loạn đó thôi, trối làm sao được.

Cái mặt của tên phán quan hiện ra với vẻ đáng ghét: anh có mưu toan, anh chống Tây Sơn, anh định vào phương nam theo Nguyễn Ánh, trấn thủ Nghệ An bắt nhốt anh là phải rồi. Nhưng sao anh chỉ ở trong tù chưa hơn trăm ngày đã được tha? Chắc anh đã van xin, đập đầu kêu oan, đã viết cam kết trung thành với tân triều? – Anh nghĩ tôi là một người như thế sao? Đó là quyền của anh.Tôi chẳng làm gì cả - Anh làm gì ở trong tù ai mà biết được. Tôi biết chắc một điều: anh có làm thơ. Không sẵn giấy bút nhưng thơ nó ở trong đầu anh. Ai vào tù cũng ham làm thơ, nhiều khi chỉ là vè để gửi tâm sự: nào nhớ vợ nhớ con, nào ân hận đã không ở nhà để phụng dưỡng cha mẹ, có kẻ [9] làm thơ thế sự, có kẻ làm thơ kể khổ, có kẻ làm thơ dặn con về mai sau , cũng không thiếu những bài thơ mà kẻ viết coi như di ngôn muốn nhắn gửi cho hậu thế. Có kẻ nói về ngày ra khỏi ngục thất sẽ vẫy vùng phá tan tất cả những nhà tù trên thế gian này. .. Ôi thôi thơ trong tù thì vô số kể. Anh mà ở trong tù lâu hẳn có nhiều thỏ để lại cho hậu thế. Thật đáng tiếc. Khi anh bước chân ra khỏi nhà tù chắc anh biết vì sao anh được tha. - Tôi chẳng biết gì cả cho tới khi về nhà mới hay: anh Nguyễn Nễ đã nói chuyện với tướng Tây Sơn tên là Nguyễn Thuận, họ từng là ban với nhau. Tên phán quan phá lên cười một cách khả ố: họ cùng phe với nhau mà, thế còn ông anh vợ lúc đó ở đâu ? Làm sao tôi biết ông ấy ở đâu ...Thế anh không tức giận vì bị bắt giam sao ? Ở trong nhà giam có lúc tôi thấy ở trong hay ở ngoài cũng thế thôi. Tôi chẳng muốn nghĩ ngợi gì. Tôi buông tôi trôi đi chẳng thắc mắc là mình sẽ trôi tới đâu. Tôi ngoái cổ nhìn lại đời mình, tôi chỉ thấy tôi bị đẩy tới không ngừng và tôi đã chẳng hề chủ động quyết định hay tham dự gì. Thật là khốn khổ phải không ?Phán quan đứng thẳng người hai tay dơ lên trời : Anh kêu khốn khổ mà tôi thì không thấy , cả đời anh chỉ đi học , làm quan , đọc sách , làm thơ, khi chết thì nhắm mắt ở kinh đô nhưng xương cốt được đưa về táng ở quê nhà. Vậy còn đòi gì nữa ? Tôi thấy anh tham quá. Bây giờ anh có muốn sống lại và trở về quê hương không ? Không. Không. Trở về đó làm gì ? Phán quan gật gật đầu : tôi biết trước điều anh nói. Anh đã từng viết : Hồn ơi ! hồn ơi! Đông ,Tây,Nam ,Bắc không có nơi nào nương tựa đâu ! Lên trời ,xuống đất đều không được ,Về đất Yên , đất Dĩnh mà làm gì ? Anh đã chẳng viết thế để gửi cho hương hồn người đã nhảy xuống sông Mịch La đó sao? Anh còn bảo : Họ không để lộ vuốt nanh sừng và nọc độc. Nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đừơng. Nghĩa là sao ? Chẳng lẽ anh đã trải nghiệm như thế nơi cõi trần ? Anh không muốn trở lại quê hương cũng có nghĩa anh không muốn trở lại cõi trần, không muốn trở lại làm người ? Vậy anh muốn đi đâu ? Tôi phải thú thật với anh : tôi không thể hiểu được anh .



(trích Tự Truyện Nguyễn Du)

























Truyện dài









12
Gia Tài Người Mẹ
 (Văn xã, 1964)



















13
Đêm Tóc Rối
(Thời Mới, 1965)


















14
Tuổi Nước Độc

 (Văn, 1966)























15
Phấn Đấu

 (Văn, 1966)














16
Ngày Lạ Mặt
 (Giao Điểm, 1967)
















17
Gào Thét

(Văn Uyển 1969)





















18
Con Sâu

(Văn, 1971)



















Tác phẩm khác:








19
Địa Ngục Có Thật
(Ký. nxb Văn Xã 1969)









20Tên Bất Lực
(Tạp Chí Văn Học,1972)












21
Kẻ Sống Đã Chết

(Giao Điểm,1972)






*




Biên khảo:







Nhân nghĩ về Khái Hưng

Dương Nghiễm Mậu





Khái Hưng đã chết như thế nào? Từ rất lâu, mỗi lần gặp lại tên Khái Hưng, tôi lại nghĩ đến điều đó và cùng lúc tôi vẫn muốn biết Khái Hưng, cùng Tự-lực văn-đoàn,cũng như tất cả những người ở thế hệ Khái Hưng đã làm cách mạng như thế nào, họ đã nghĩ gì, làm gì. Họ đã hoạt động trong giai đoạn kháng chiến giải phóng dân tộc ra sao?

Tại sao Cộng sản thủ tiêu Khái Hưng? tôi nhớ câu thơ ấy của Thanh Tâm Tuyền. Khái Hưng đã bị thủ tiêu, điều ấy đã chắc. Hồi còn nhỏ ở Hà-nội, đọc một tờ tuần báo vào khoảng năm 1950 gì đó tôi có được thấy trong một thiên hồi ký, không nhớ tên tác giả, không nhớ rõ tên thiên hồi ký, tôi chỉ nhớ thiên hồi ký mô tả lại những ngày tù tội của các chiến sĩ quốc gia bị V.M. bắt giam, trong thiên hồi ký có một đoạn tác giả cho biết đã gặp Khái Hưng trong một trại giam ở Việt Bắc, tác giả cho biết lúc đó Khái Hưng ốm yếu, bị đi kiết vì bị hành hạ và cuộc sống đầy ải của nhà tù, rồi Khái Hưng chết ở đây, những chiến sĩ quốc gia, những bạn của Khái Hưng đã đẵn tre làm phên quấn xác Khái Hưng thay quan tài và an táng trong một khu rừng ở Đại-từ, những điều này tôi nhớ mơ hồ lắm và cùng đó hình như tác giả còn nói ngày Khái Hưng chết là 17-11 năm 1947. Tôi không nhớ rõ, nhưng trí óc tôi còn mường tượng nên viết ra, nó không nhằm cung cấp chính xác một tài liệu, mà tôi chỉ muốn ghi lại những điều mà trong tâm tưởng tôi hai chữ Khái Hưng vẫn có lúc nhớ đến.

Trong thời gian làm tờ Văn Nghệ tại nhà in ở đường Cô Bắc tình cờ tôi được nghe truyện về Khái Hưng, người nói chuyện giới thiệu là một người cháu về đằng bà Khái Hưng, người này nói chính ông đã gặp Khái Hưng lần cuối vào ngay buổi chiều cán bộ V.M. bắt Khái Hưng dẫn đi, bọn cán bộ này là một thứ du kích tự vệ xã, Khái Hưng mặc quần áo thường, mang theo một chiếc chăn dạ màu cứt ngựa, người kể truyện gặp Khái Hưng ở đầu làng, Khái Hưng có nét mặt rầu rầu buồn bã mỉm cười và giơ tay chào. Sau đó, người nói chuyện bảo dù rất kín, mấy tên du kích đã lộ ra rằng họ bỏ Khái Hưng vào bao bố đâm chết rồi quăng xuống sông.

Không hiểu ngoài những điều mơ hồ, không có gì làm bằng chứng kia, còn có những điều nào khác được kể về cái chết của Khái Hưng? Có điều Khái Hưng đã chết. Khái Hưng đã chết thực và tác phẩm cuối cùng của Khái Hưng -theo như ghi chép- để lại cho chúng ta là tác phẩm Băn khoăn, trước khi Khái Hưng bước vào đoạn đường tranh đấu cách mạng cùng các bạn, cùng toàn dân để giải phóng dân tộc và Khái Hưng đã chết trong cuộc tranh đấu đó.

Nghĩ về cái chết của Khái Hưng, cùng lúc tôi nghĩ đến cái chết khác của các chiến sĩ quốc gia kéo theo sự thất bại của những người quốc gia trong lúc đối đầu với Cộng-sản, tôi muốn tìm hiểu và rút ra từ đó những nguyên nhân đưa đến hoàn cảnh lịch sử đương thời mà với chúng tôi buộc phải có trách nhiệm. Trở về khung cảnh, những hoạt động của sau năm 1901 khi Đông-Kinh Nghĩa-thục phải ngưng hoạt động, sau năm 1924 chiến khu Yên-thế của Hoàng Hoa Thám bị tan, sau năm 1930 Nguyễn Thái Học bị chết ở Yên-báy, Tự-lực văn-đoàn với Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ ... hoạt động trên mặt trận báo chí, văn chương không phải chỉ là để làm báo, làm văn chương, mà những công việc của nhóm đã chứng minh rõ, họ chỉ dùng văn chương báo chí để hoạt động cách mạng, hay nói khác đi, nhẹ hơn, đúng hơn dùng văn chương báo chí cho một vận động cải cách xã hội theo tinh thần Tây-phương. Những gì đã được viết ra trên báo Phong Hóa, báo Ngày Nay, cùng các tác phẩm đã minh chứng điều này. Sau bao nhiêu năm bế môn tỏa cảng, người Tây-học, người trí thức mới của thế hệ 1930 đã nhận thấy sức mạnh của Tây-phương, cụ thể là nền đô hộ của người Pháp, người trí thức mới nhận ra sự bại trận, nô lệ của mình: xã hội ta lạc hậu, tinh thần Nho-giáo suy đồi, hủ lậu, dân ta cực khổ thất học, với quá nhiều tệ đoan, mê tín. Họ thấy rõ muốn thoát cảnh lệ thuộc trước hết phải nâng cao dân trí, cải cách xã hội. Và họ đã làm. Các tác phẩm văn chương của Tự-lực văn-đoàn đã đóng một vai trò lớn trong công việc này: mô tả tranh chấp mới cũ, đề cao đời sống mới. Trên căn bản chấp nhận tinh thần tự do, dân quyền của những nhà tư tưởng đã làm thành cuộc cách mạng tư sản 1789 của Pháp. Lý thuyết gia chỉ đạo của Tự-lực văn-đoàn là Hoàng Đạo đã viết: Mười điều tâm niệm, Nhất Linh đã viết Đoạn tuyệt, Khái Hưng đã viết Nửa chừng xuân. Trên phương diện xã hội đã đưa ra phong trào Ánh Sáng. Sau cùng Tự-lực văn-đoàn thành đảng Hưng Việt hoạt động cách mạng, kéo liền theo đó, Khái Hưng chết. Nhất Linh bỏ ghế bộ trưởng chạy sang Tầu, Hoàng Đạo chết ở Tầu, Tú Mỡ, Thế Lữ ở lại với Cộng-sản, còn một mình Nhất Linh bơ vơ, lạc lõng ở Miền Nam đề cao văn chương vượt thời gian không gian, và với chính bản thân chọn cái chết chống lại chế độ Ngô Đình Diệm.

Suốt một lịch sử kéo dào ba mươi năm, trong đó liên tiếp 20 năm chiến tranh trên quê hương chúng ta, nếu đổ tội cho cái vận nước mình khốn khổ, khốn nạn thì không nói làm gì nữa, nhưng nói đến trách nhiệm của những ai tự nhận như một chiến sỹ quốc gia thì chúng ta phải nhận chúng ta đã thua, chúng ta phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc với hiện tình, và từ đó phải nhận định: từ những vận động của thế hệ 1930, qua cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đến nay, cuộc cách mạng phải có của chúng ta vẫn chưa chấm dứt, vì chúng ta vẫn chưa có một mẫu người mới, một xã hội mới được xây dựng trên một ý thức hệ Việt mới. Có phải tôi đã nói lông bông lang bang, vì tôi đang viết những gì về Khái Hưng không? Có thể phải mà cũng có thể không vì tôi đã nghĩ đến nó khi nhớ lại những điều Khái Hưng đã viết, và cái chết của Khái Hưng để lại cho tôi. Và vì tôi, chính tôi, đang có những vấn đề đặt ra: văn chương với xã hội, văn chương với cách mạng, sự liên hệ của người cầm bút với xã hội, quê hương và nhất nữa khi đặt mình là nhà văn tôi phải làm gì? Có văn chương nghệ thuật thuần túy không?

Trong số các tác phẩm của Khái Hưng, cuốn được ghi cuối cùng là Băn khoăn, cuốn sách hình như đã được viết ngay vào lúc đầu những hoạt động cách mạng của tác giả cùng với lúc Nhất Linh viết cuốn Bướm trắng. Tôi vẫn tự hỏi: tại sao giữa tác phẩm và đời sống tác giả lại không có một chút liên hệ nào như vậy. Tại sao Nhất Linh và Khái Hưng lại viết được hai tác phẩm thuần túy như thế vào giữa lúc họ bắt đầu hoạt động cách mạng. Có thực Băn khoăn và Bướm trắng đã được viết lúc ấy hay đã viết từ trước mà mãi lúc đó mới in ra?

Hơn nữa Nhất Linh đã viết Đôi bạn, và tôi nhớ có đọc được một vài số báo nào đó Khái Hưng viết truyện Xiềng xích rõ ràng là những tác phẩm liên can mật thiết đến tư tưởng và đời sống tác giả trong xã hội đương thời ấy.

Có hai tác phẩm của Khái Hưng tôi lưu giữ mà với chủ quan tôi cho là quan trọng và giá trị là Tiêu-sơn tráng sĩ và Băn khoăn. Cuốn trên tôi thích có lẽ một phần vì nhân vật Phạm Thái, một nhân vật vừa là chiến sĩ, vừa là tu sĩ, vừa là nghệ sĩ mà Khái Hưng đã làm sống lại được, còn cuốn sau, tôi cho đó là một tiểu thuyết rất mới của thời đó, và cho đến bây giờ nữa về nội dung đã cho tôi một phần nào lý do sự thất bại của những trí thức mới trong giai đoạn lịch sử vừa qua.

Băn khoăn của Khái Hưng muốn nói là "băn khoăn" của ai? Của Cảnh chăng? Cậu sinh viên trường luật học giỏi đã hai mươi nhăm tuổi đang yên ổn học hành... nhưng sang năm thứ ba một hôm như chợt lởn vởn trong đầu chàng câu hỏi: "Học để làm gì, và đỗ để làm gì?" Rồi câu hỏi trở thành ám ảnh dòng dã hàng tháng, ám ảnh kỳ cho tới khi nẩy ra câu trả lời mới thôi. Câu trả lời ấy là: "Học để chẳng làm gì ráo. Đỗ cũng chẳng ích lợi gì cho chàng, cho tương lai của chàng." Rồi chàng lý luận ầm ỹ trong thâm tâm để tìm nguyên tắc, quan niệm, ý nghĩa của sự sống, của đời mình. Luận lý cho tới lúc đến một kết cục chán nản, đau đớn. sống không mục đích, đời là vô vị[1]. Cảnh không học nữa, và mới bắt đầu một cuộc phiêu lưu, dấn mình vào cuộc sống chơi bời. "Muốn thì được" Cảnh thường nói. Mà khi người ta giàu như Cảnh thì người ta lại càng dễ được cái người ta muốn. Vì thế mà ngay đêm hôm ấy Cảnh đã trở nên tình nhân người yêu của bạn. Khi đã phạm tội, hai người ngỏ với nhau những ý riêng caủ mình rồi ôm nhau cười ngất.

Liên bảo Cảnh:

- Đối với bọn chúng ta chả còn cái gì chúng ta cho là thiêng liêng nữa.

Cảnh lạnh lùng:

- Rõ em khéo nói kiểu cách!... Và ở cái thời gian khoa học này, đến thần thánh cũng đã mất hết thiêng liêng đối với lòng tín ngưỡng thành kính của người đời, thì còn cái gì đáng gọi là thiêng liêng nữa. Họa chăng chỉ có cái tính xác thịt, cái thú vui hiện tại đáng gọi là thiêng liêng cho một cái gì"[2].Rồi Cảnh yêu Lan Hương, rồi yêu Hảo, ăn chơi, đánh bạc, bán cả nhà của bố cho, sau chót bỏ đi, đi đâu, phải chăng đó là cái "băn khoăn" Khái Hưng muốn nói?

Hay cái "băn khoăn" đó là cái "băn khoăn" của ông Thanh Đức, xuất thân từ một gia đình buôn bán, cai thầu, kinh doanh, và ông đi theo con đường ấy, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền, đến mỏ, đến đồn điền, cho ngay tới khi đang đánh bạc với một người tình mà ông đã say đắm theo đuổi nghe nói đến cơ hội làm giàu cũng rũ áo đứng lên ngay. Hoằng, người đang ngồi cùng chiếu bạc đã phê phán:"Kim tiền! Trời ơi! Kim tiền! Kim tiền làm cho người ta quên hết ghét, yêu, thù, tức để chỉ nghĩ đến nó, chỉ nhớ đến nó, chỉ chạy theo một nó. Kim tiền vạn tuế! Sống mãi trong xã hội này, thì một ngày kia tôi điên thật."[3] Chừng như với ông Thanh Đức tiền có thể mua được tất, mua người này một đêm, mua người kia một đêm, mua nhà, mua mỏ, mua nhân nghĩa danh vọng. Như vậy ông Thanh Đức "băn khoăn" cái gì, "băn khoăn" vì không lấy được Hảo chăng?

Hay cái "băn khoăn" đó là "băn khoăn" của Hảo, con gái độc nhất của bà án, giàu có, trẻ đẹp, 20 tuổi sống một cuộc đời nhung lụa với bên cạnh vô số bậc thượng lưu trí thức, vô số thanh niên tân học tán tỉnh, một người mà bố con Thanh Đức cùng yêu, cùng muốnchiếm đoạt mà cuối cùng lại lấy một người khác. Phải chăng "băn khoăn" bày tỏ tâm trạng lưỡng lự khi lực chọn trước vô số người trước mặt mình của Hảo?

Ba nhân vật Cảnh, ông Thanh Đức, cô Hảo là chính trong câu chuyện "băn khoăn" của Khái Hưng. Thời gian của tác phẩm ngắn ngủi, khởi đầu từ lúc có tin ông Thanh Đức muốn tục huyền cho tới khi cô Hảo, người con gái mà ông Thanh Đức theo đuổi, báo tin lấy ông huyện Tô thì chấm dứt.

Khung cảnh xã hội "một đời nhiễu loạn, vô gia đình giáo dục, vô gia đình luân lý"[4], đưa thanh niên đến nhận định "sinh ra ở đời để mà sung sướng, để mà thỏa mãn, chớ không phải để khổ sở; để than phiền, hay để theo đuổi một mục đích viển vông nào."[5] Khung cảnh của một xã hội thượng lưu với rượu, với cà-phê rum ngây ngất, với những canh bạc không nghĩ đến ăn thua; với một phút quyết định đã đủ phương tiện để rời Hà-nội đi Sầm-sơn tắm biển, rồi từ Sầm-sơn đi Hải-phòng coi chớp bóng, ngủ với gái, với sinh viên luật thấy chẳng cần phải thi đỗ, với bác sĩ có bịnh viện giao cho người phụ trông nom, với những cô gái mà tất cả các bạn đều là tình nhân chung chăn chung gối, chán người này đổi người khác, một xã hội mà ngay trong đó đã có người phán xét... "thấy đám thanh niên sống không mục đích, hay với mục đích độc nhất là sự chơi bời phóng lãng thì em ghê sợ... cho họ quá, và tiếc cho họ nữa... Những bực thanh niên trí thức như anh Đoan em mà chịu khó làm việc, làm việc với lòng tín ngưỡng thì... hay biết bao, có ích cho đồng bào biết bao?"[6].

Những nhà luân lý đã từng nói đến những truyện của Sagan thời hậu chiến vô luân, mà có ai nhớ đến rằng, chính đời sống vô luân, cảnh chồng chung vợ chạ, cảnh đề cao thú vui xác thịt đã có trong tác phẩm Khái Hưng từ thời tiền chiến ở Việt Nam.

Trình bày câu chuyện Băn khoăn của Khái Hưng tới đây, tôi ngưng lại để trở về nhận định tôi đã đưa ra: vì sao người trí thức Tây-học đã thất bại trong giai đoạn vừa qua khi lãnh đạo tranh đấu.

Lớp trí thức mới sinh ra sai khi tinh thần Văn-Thân khởi nghĩa đã hết, sau khi lớp trí thức Nho học đã tàn, và người Pháp đã mang văn hóa Tây-phương vào đào tạo một lớp người mới. Từ tình thế lụn bại của tinh thần quốc gia đó, người trí thức Tây-học chạy theo ngay, hạ bệ cái cũ một cách tàn tệ, kịch liệt, và cái mới chói lòa trước mắt làm họ không nhìn thấy gì nữa. Họ du nhập đơn phương, không lựa lọc, không nhìn chính vào mình. Họ lên án nhà Nho câu nệ khuôn bó theo Khổng-học, thì chính họ lại bước theo con đường đó để đến với Tây-học, và tạo ra một lớp trí thức mất gốc, rơi vào cái thực trạng mà cuốn Băn khoăn của Khái Hưng đã phản ảnh. Với lớp người như thế, với tư tưởng như thế, họ làm sao không thất bại, phải chăng, đó chính là điều "băn khoăn" của Khái Hưng?

Lỗi lầm của lớp trí thứ Tây-học từ ngay lúc đầu đã gây ra, đưa đến hiện trạng này, và ngày nay,lớp thanh niên mới,với bài học cũ của lịch sử, đã nhận ra chưa trách nhiệm của mình từ ngay trên căn bản tư tưởng trong cuộc dấn thân mà họ phải thực hiện. Hay họ đang tiếp tục đi trên con đường mòn nối dài khi xưa mà họ cố tình làm ngơ như không biết?

Nhưng tôi vẫn tự hỏi: vì sao giữa lúc bước chân vào cuộc tranh đấu cách mạng mà Khái Hưng lại viết được Băn khoăn? Không hề có ảnh hưởng giữa đời sống và tư tưởng tác giả với tác phẩm sao?

Dương Nghiễm Mậu

11-1964

Văn, số 22, ngày 15-11-1964, trang 33-39

[1] Băn khoăn, Khái Hưng, bản in lần thứ ba, Phượng Giang, Sài-gòn, 1958, trang 16


[2] Sách đã dẫn, trang 44.


[3] Sách đã dẫn, trang 268.


[4] Sách đã dẫn, trang 13.


[5] Sách đã dẫn, trang 50.


[6] Sách đã dẫn, trang 86.















(...)


-------------------------
trích 1 phần từ blog phan nguyên
----------------------------------------






0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ