Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

TRẦN THỊ BÔNG GIẤY, NỖI BI TRÁNG LẶNG CÂM/ tùy bút: TÔN NỮ MẶC GIAO -- www.tranthibonggiay.net/

                         
trần thị bông giấy [1950-  ]
 (ảnh: chinhkhi.net)


                                       TRẦN THỊ BÔNG GIẤY, NỖI BI TRÁNG LẶNG CÂM
                                                           bài viết: TÔN NỮ MĂC GIAO



 Trời xanh sao khéo ghét thương/ Đọa đày một kiếp má hồng truân chuyên.  Đời người có mấy lần duyên/ Nàng luôn dang dở chuốc phiền cô đơn/ Cũng may còn có đứa con/ Luật bù trừ đã ban ơn cho nàng/ Tài hoa một kiếp hơn người/ Ngón đàn ngòi bút tuyệt vời không gian/ Mừng nàng giờ đã bình an /Không tình chẳng ái chỉ cần thong dong. Tâm linh hiểu chữ “vô thường” Thấm nhuần Phật pháp tiếng chuông nhiệm mầu .

 Tôi quen biết với Trần Thị Bông Giấy (TTBG) đúng 12 năm. (2001). Lúc ấy 2 thiên kim của tôi hãy còn nhỏ; và, đang là học trò piano của cô. Khoảng thời gian này, người chồng Trần Nghi Hoàng (TNH) của cô đã đi ra khỏi cuộc đời cô từ lâu rồi, nên tôi cũng chẳng biết gì về ông ta cả. Bây giờ các con tôi đã lớn không còn học cô nữa! Tôi vì tiếc cây đàn nằm lặng lẽ giữa nhà không người sử dụng uổng phí, nên đã ghi danh học piano với cô, để đêm đêm về “mổ cò” nghe tiếng đàn “rổn rảng” khua vang khắp nhà cũng vui tai.

Tôi gọi TTBG bằnglà vì thế. Dạo ấy TTBG dưới con mắt của tôi là một người đàn bà lãnh đạm, dáng vẻ lãng đãng và có hơi kiêu ngạo. (nếu không muốn nói là khó có cảm tình). Còn tôi thuộc týp người liệng vào đâu cũng sống được, cho nên tôi cũng… lạnh lùng không ý kiến. Thời gian chờ đợi các cháu học xong để đón về, tôi ngồi lại nơi phòng khách nhà Cô và đưa mắt quan sát căn nhà của người đàn bà lãnh đạm.

Tôi thấy lối bày biện trong nhà không “tân tiến” như những ngôi nhà ở Mỹ bây giờ mà nó có vẻ hơi cổ điển phương Tây. Điểm đặc biệt là nhà Cô rất nhiều sách, sát vách tường đâu cũng là kệ sách. Ngoài những loại sách giá trị thuộc về triết lý khoa học, nghệ thuật âm nhạc hay lịch sử văn hoá Âu Á gì gì đó, (những loại này tôi không bao giờ dám đụng tới -hiểu gì nổi mà đọc) còn có những cuốn sách tựa đề rất là lạ đối với tôi như: Nước Chảy Qua Cầu, Một Truyện Dài Không Có Tên, Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau, Trân Sa …v…v…



thân mẫu Trần thị Bông Giấy (khi 27 tuổi.)
( ảnh: ĐIỆU MÚA CUỐI CÙNG CỦA CON THIÊN NGA (II) tr. 350.)

---------------------------------------------

tác phẩm mới nhất của trần thị bông giấy: 
          VIẾT CHO NGƯỜI ĐÃ CHẾT ( June 21/ 2017)
thủ bút+ chữ ký Trần thị Bông Giấy


 Tôi tò mò liếc qua một dọc những tựa sách lạ rồi “chộp” cuốn Trân Sa, bật bật vài trang. Cứ tưởng đọc cho qua thì giờ chờ đợi đỡ nhàm chán, nào ngờ càng đọc càng thấy hấp dẫn, tôi lật trở lại bìa tìm tên tác giả rồi nhíu mày suy nghĩ. TTBG là ai lạ hoắc, tôi nghĩ chắc không phải thuộc thời những nhà văn trước 75 mà tôi thường đọc như Hoàng Hải Thủy, Nhã Ca, Mai Thảo, Duyên Anh… mà mới viết ở bên Mỹ cũng không chừng.

 Sau này ký check trả tiền, mới biết TTBG là Cô.

 Thì ra tôi đoán không sai, TTBG quả là một cây bút mới mọc lên tại San Jose, một cây bút đã từng gây phẫn nộ làm xôn xao dư luận không ít trong giới văn nghệ sĩ tại hải ngoại và mà tôi không biết đấy thôi! Sau đó tôi được Cô tặng cho vài cuốn đem về nhà đọc. Phải công nhận Cô viết thật sống động và lôi cuốn, đọc truyện Cô tôi rất là nghẹt thở. Không phải Cô viết truyện kinh dị làm tôi sợ đến nghẹt thở, mà Cô chỉ kể lại những mối tình đã dang dở trong đời Cô. Chuyện tình yêu không hề có một chút “sex” nào trong đó nhưng rất đẹp, rất lãng mạn mà cũng không kém phần bi thiết. Tôi đọc mà tưởng như chuyện của chính mình khiến trái tim tôi cũng bị đau theo. Đau đến không thở được đến phải tạm ngưng đọc, ngước mặt lên trời nhắm mắt thở đều để lấy lại sự quân bình cho đầu óc. Cảm giác nghẹt thở của tôi là như vậy đó! Từ ấy đến nay quen Cô đã mười mấy năm, con gái tôi nay đã lớn không còn học Cô nữa, nhưng tình thân giữa gia đình Cô với vợ chồng tôi thì ngày một thân hơn. Tôi thấy giữa tôi và Cô có nhiều điểm tương đồng, nhất là tấm lòng thủy chung và cá tính bộc trực. Những điểm giống nhau ấy, (tạm gọi là như thế) đã tạo nên kết quả hoàn toàn trái ngược đến buồn cười. TTBG và tôi lúc nhỏ đều có một cái tự ti giống nhau là xấu nhất nhà. Sự tự ti mặc cảm này đã khiến tôi trở nên nhút nhát suốt cuộc đời. Nhưng ngược lại đã tạo cho TTBG một cá tính độc lập ngay từ nhỏ và trở nên cứng cỏi, kiêu ngạo trước cuộc đời. TTBG suốt một đời đi tìm tri kỷ và một tình cha trong người đàn ông của mình nhưng không được toại nguyện. Còn tôi rất giản dị, chỉ cần một người đàn ông “thương tôi thiệt là thương” và tôi sẽ hết mình vì người đó.

Tôi may mắn hơn TTBG là đã tìm được con người ấy bằng một cuộc hôn nhân trọn vẹn cho đến suốt cuộc đời. (tôi tin chắc như vậy). TTBG đàn hay viết giỏi. Tôi cũng là người cầm bút và yêu thích văn nghệ. Nhưng nói về tài hoa thì tôi kém xa TTBG nếu không muốn nói là không có một chút tài hoa nào hết. Có lẽ tại có những điểm tương đồng và đối chọi nhau như thế cho nên chúng tôi ngày càng thân nhau hơn? TTBG là một người con có hiếu, nhà có nhiều anh chị em nhưng chỉ mỗi Cô nuôi mẹ già. Điểm này cũng giống như tôi ngày xưa, anh em đông nhưng cha mẹ ruột cũng chỉ ở với vợ chồng chúng tôi cho đến khi qua đời. Bà cụ mẹ già của TTBG thật là đáng thương và đáng phục, góa chồng năm 32 tuổi, còn rất đẹp (xem chân dung ảnh) một nách 7 đứa con mọn, bé nhất chỉ mới 11 tháng tuổi. Bà cụ kể rằng lúc sắp lâm chung, cụ ông đã trối trăng lại là cuộc sống có khó khăn cách mấy thì cũng ráng cho con học hết cái Trung học. (lớp đệ tứ ngày xưa , lớp 9 bây giờ). Lúc ấy bà cụ nghĩ thầm trong bụng rằng "Tưởng học đến ông này bà nọ gì, chứ chỉ học đến Trung học thôi thì làm gì mà lo không nổi".

Rồi cụ bà đã khấn vái trước quan tài cụ ông rằng sẽ cố gắng dạy dỗ và nuôi con ăn học đàng hoàng. Tội nghiệp người mẹ trẻ goá bụa rất sớm đã ở vậy, bương chải tìm đủ mọi cách nuôi dạy đàn con nên người. Đám con trai thì được đi du học, đám con gái cũng trình độ đại học hết chứ có phải chỉ lớp 9 như lời trối trăng của người chồng trước khi chết thôi đâu. Thân phụ TTBG là một “tài hoa mệnh bạc”. (từng là nhạc sĩ dạy Violon nổi tiếng khoảng thập niên 40-50 tại Huế và Sàigòn; cũng là nhạc sĩ chuyên soạn hoà âm phối khí cho ban hợp ca Thăng Long của gia đình Phạm Duy thời ấy.). Ông đã ra đi quá sớm bỏ lại người vợ trẻ bơ vơ giữa chợ đời với đám con thơ còn non dại, sợ người vợ không đủ sức lo cho con nên chỉ dám ước mong đám con được học hết lớp 9 là ông mãn nguyện.

 Nào ngờ người vợ trẻ đã kiên cường không ngã quỵ trước cái chết của người chồng mà vùng dậy, đứng lên chống chọi với phong ba bão táp của cuộc đời để bảo bọc và nuôi dạy đàn con nên người cho đến bây giờ. “Hổ phụ sanh hổ tử” quả không ngoa, người con nào cũng có tài năng và tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn trước 1975. Nhưng tài hoa nhất chỉ có TTBG và người em trai kế tên Trần Trọng .(nay đã qua đời). Trần Trọng đã tốt nghiệp thủ khoa đàn Violon chuyên khoa về nhạc Cổ Điển Tây Phương niên khóa 1959-1967. Cô Thu Vân (TTBG) hạng nhì cùng một niên khoá với Trọng. Tôi chưa có dịp (phải nói là không còn dịp đúng hơn) được nghe Trọng đàn, nhưng tôi đã từng nghe qua TTBG đàn. "Tài năng" chỉ là biểu diễn hay, đàn giỏi trọn vẹn được một bài nhạc không khuyết điểm, đủ để cho người ta vỗ tay tán thưởng. Còn "Tài hoa" là tiếng đàn đi vào lòng người làm cho người nghe xúc động, thương cảm như hiểu thấu được nỗi lòng người nhạc sĩ khi tấu lên bản nhạc. TTBG đã cho tôi có được cái cảm xúc đó! Mười mấy năm quen biết đủ để cho tôi hiểu và thấm theo sự cô đơn của Cô qua lối sống thầm lặng gần như không muốn giao tiếp với ai. Dáng người nhỏ bé đến tội nghiệp nhưng ngầm chứa một sức chịu đựng đáng sợ. Bao nhiêu năm rồi, tôi chỉ âm thầm quan sát lối sinh hoạt của hai mẹ con Cô với một bà mẹ già , (nay đã gần 90 tuổi) mà thấy tội tội làm sao; mặc dù tôi biết rõ họ chẳng cần ai thương hại. Nhất là đứa con gái (tên Âu Cơ) của Cô với TNH, giống Cô nhiều hơn giống cha, từ vóc dáng đến tính tình. Có thể nói Âu Cơ là phiên bản của Cô thì đúng hơn. Cho nên mỗi khi nhìn con gái Cô, tự dưng tôi thấy thương và xót xa trong lòng thế nào ấy. Một đứa trẻ mới 10 tuổi đầu mà đã cảm nhận được nỗi đau “mất cha” như người lớn khi diễn tả lại nỗi đau đó bằng một bức tranh tự vẽ hình một trái tim được xếp bằng nhiều mảnh vụn nhỏ, dùng làm món quà tặng mẹ ngày Noel năm 1998, bên dưới ghi những lời lẽ sâu sắc dễ dàng làm mũi lòng người đọc: "Một trái tim bị bể nát đã được chữa lành bởi lòng thương yêu của một người mẹ.” Gạt nước mắt tim em như bể nát/  Mái gia đình phút chốc vụt vỡ tan/  Em thương mẹ nước mắt buồn chảy ngược/  Mẹ thương em sầu tím cả ruột gan./  Một đứa bé gái xinh như thiên thần, lại rất thông minh, không ngờ đầu óc nhạy cảm và trưởng thành sớm như vậy."

                                                                    trần nghi hoàng  --  (ảnh: internet)

Âu Cơ có cặp mắt to và buồn với nụ cười e dè. Trong đôi mắt buồn vời vợi của cháu, tôi nhìn ra được cả một sự thách thức như sẵn sàng chống trả chứ không hề sợ hãi nếu gặp phải một sự nhe nanh múa vuốt nào đó. Bây giờ “cô bé” đã trưởng thành, cặp mắt vẫn buồn, nụ cười vẫn e dè nhưng không sợ sệt. Có một lần vợ chồng chúng tôi, cô TTBG, bà cụ mẹ già của Cô và Âu Cơ ngồi chia xẻ với nhau về những hiểu biết trong đạo Phật, Âu Cơ đã nói lên được một câu gì đó rất “thấm nhuần đạo Phật” (tôi quên rồi). Chúng tôi cười vang khen hay; tôi định chồm tới ôm Âu Cơ vào lòng biểu lộ sự ngợi khen, nhưng cháu đã nhanh nhẹn co rúm người lại né ra xa ngay lập tức. Cũng là người nhạy cảm, tôi hiểu và dừng lại ngay khi chợt vỡ ra cô bé này không muốn làm thân với ai hết, cho dù người đó đã từng quen biết nhiều năm qua. Tôi thông cảm chứ không hề giận, nhưng cứ suy nghĩ hoài về phản ứng của cháu, về những đoản văn cháu viết khi bố bỏ ra đi rồi tự hỏi: "Nếu như tâm hồn cháu không bị tổn thương vì sự tan vỡ giữa bố mẹ, thì liệu cháu có ít nói và khép kín gần như 'ở ẩn' như vậy không?" Trong đời tôi, tôi thương nhất là người già và trẻ thơ. Cho nên thấy người già hay trẻ con nào gặp phải sự bất hạnh là tôi thương lắm! Cứ suy nghĩ hoài rồi tưởng tượng nếu nạn nhân là cha mẹ mình hay con cái của mình tôi cứ đứt cả ruột. Đọc “Một Truyện Dài Không Có Tên” của Cô tôi mới hiểu tại sao Cô bị giới văn nghệ sĩ tẩy chay và cô lập từ nhiều năm qua.

 Như đã nói ở trên, tôi không dám phê bình văn của ai hết mà chỉ diễn tả cái cảm nghĩ của mình khi đọc mà thôi. Nhân danh người cầm bút (chứ không phải nhà văn) tôi tin rằng ai cũng có cái giới hạn cho riêng mình khi viết. Tôi cũng vậy! Cái gì nên viết, cái gì không nên viết tôi biết phân nặng nhẹ. Và tôi cũng đã viết rất thật, nhưng xin thú thật là vẫn chưa thể nào “thật” được như TTBG. Và tôi cũng rất khâm phục trí nhớ tốt cùng tài hùng biện giỏi như luật sư đang “chửi” nhau trước tòa của Cô. Càng đọc và càng tiếp xúc nhiều với Cô, tôi càng nhìn ra được sự hài lòng an phận và vui hưởng của hai mẹ con Cô trong niềm “hạnh phúc” vô biên được bảo bọc bằng nỗi cô đơn mà mẹ con Cô đang sống. Ngoài ra Cô còn có một tấm lòng nhân ái “lạ đời” khiến tôi cũng phải “sợ” Cô luôn.

 Đời thưở nào mà nhà chỉ có ba người nữ, một già, một trẻ, một trung niên, vậy mà Cô dám cho một người đàn ông “homeless” trú ngụ tạm phía vườn sau. Cô nói “tội nghiệp, để họ có chỗ che nắng che mưa và ngược lại họ chăm sóc vườn cho mình thôi chứ làm gì có tiền mà trả". Tôi tuy cũng có tấm lòng “đại bác” nhưng nếu là tôi, quả thật tôi không dám chứa khi nhìn thấy khuôn mặt không mấy “thiện cảm” cho lắm của người homeless, mặc dù ông ta nói năng hiền lành chất phác. (kiểu dân quê miệt vườn của VN nước mình). Chính vì sự làm phước bất vụ lợi ngay tức thì khi gặp người hoạn nạn mà không cần biết hậu quả tốt xấu, có bị lừa hay không mà Cô cũng đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ “trên trời” rơi một cách bất ngờ khi cần thiết. Đáng lý ra tôi chẳng viết về TTBG vì quen nhau lâu rồi chuyện riêng tư gì mà không biết.

 Chúng tôi có buổi họp mặt hằng tuần chia sẻ với nhau về Phật pháp, sau đó là tán dóc và tâm sự cho nhau nghe. Chỉ năm người thôi, TTBG, Âu Cơ, bà mẹ già (thân mẫu TTBG) và hai vợ chồng chúng tôi. “Bà mẹ già” nay ốm mai đau nên lúc có mặt lúc không vì khó ngồi lâu được. Gần 90 tuổi rồi, chỉ sức khoẻ suy kém thôi chứ trí óc Cụ còn rất minh mẫn. Những lúc ngồi tán gẫu, Cụ kể lại vanh vách cho nghe những chuyện xưa, nhớ từng chi tiết một không quên. Tôi rất thương Cụ, vì Cụ biểu tượng hình ảnh người mẹ già đã qua đời của tôi. Cụ là người hiểu biết kiểu có học, tình nghĩa thủy chung lại tinh thông Phật pháp. Tôi rất ngưỡng mộ và kính trọng Cụ, một người đàn bà đáng được tuyên dương. Hôm nay tôi viết về TTBG vì đã gặp TNH, và cũng vì không biết phải nói thế nào với Âu Cơ (an ủi, hay cho một lời khuyên?) sau khi đọc xong lá thư của cháu. Một cô bé chỉ mới ngoài 20 mà đã có được những nhận định sâu sắc, những lời lẽ cứng cỏi, cương quyết, đượm phần kiêu ngạo không kém gì mẹ để viết cho nhà văn Văn Thanh sau khi gặp lại người cha TNH. [Trần Nghi Hoàng.]. Có thể vì lần viết “thật” này mà giao tình tốt đẹp mười mấy năm qua giữa tôi và TTBG chấm dứt cũng nên. Ôi! Cũng chỉ vì ngứa ngáy tay chân mà cái máu “nhà văn” nó lại trỗi dậy khiến không kềm được.

 Gần Noel năm ngoái (2012), TNH muốn gặp lại đứa con gái đã xa cách 16 năm không một lần hỏi han thăm viếng. Buổi gặp gỡ sẽ diễn ra tại nhà cô BG trong bữa cơm chiều. Vì quá thân nhau đến độ coi như “người nhà”, TTBG và ngay cả Âu Cơ cũng muốn có mặt vợ chồng tôi nên đã mời chúng tôi đến. Chiều hôm đó khi vợ chồng chúng tôi đến, TTBG nói: "Âu Cơ nó muốn ngồi giữa mẹ với cô G." Âu Cơ giải thích thêm: "Hồi nào tới giờ, ngoại trừ mẹ con, con không có thích ai ôm con hết! Cho nên con chọn ngồi giữa mẹ với cô G. để tránh cho ổng khỏi ôm con!".  Tôi nghe càng thêm thương cháu, chợt bùng lên ý nghĩ sẵn sàng “bảo vệ” cháu nếu cần. (mặc dù tôi chưa biết mình sẽ bảo vệ cháu như thế nào).

Một chập sau nhà văn Văn Thanh và TNH bước vào nhà. Đây là lần đầu tiên tôi được “hân hạnh” diện kiến một người đàn ông đã “can đảm” làm lơ trước lời van xin của đứa con gái nhỏ 10 tuổi mong cha nó đừng bỏ đi, nhưng người cha vẫn cứ khăng khăng dứt áo đòi “đi tìm lại cuộc đời” của chính mình. (chữ của Âu Cơ).

Sau khi sắp xếp chỗ ngồi theo ý Âu Cơ muốn, tôi nói ít, lặng lẽ quan sát nhiều hơn và ngầm có ý “bảo vệ” Âu Cơ nếu cần. TTBG cũng ngồi im lặng sau khi giới thiệu cho mọi người biết nhau và chỉ lên tiếng khi cần thiết. Chỉ mỗi nhà văn Văn Thanh là nói nhiều, có ý vun vô cho hai cha con TNH. Còn TNH dưới con mắt tôi hôm ấy rất lạ lùng, tôi không nói đến dung mạo bề ngoài, dĩ nhiên về già chả ai còn “đẹp” được. Tôi muốn nói lạ lùng ở đây là “cóc chết ba năm quay đầu về núi”(?) thái độ phải nên có thành ý một chút thì may ra làm cảm động được đứa con gái nhỏ.

 Đằng này tôi thấy ổng tỉnh bơ đi lòng vòng quan sát các cái kệ sách như muốn tìm kiếm lại những vết tích ngày xưa còn sót lại sau khi đã dứt áo ra đi? Có lẽ bởi có mặt vợ chồng chúng tôi nên ổng ngượng, hoặc vì lòng cao ngạo không cho phép ổng nói một lời xin lỗi? Bữa cơm chay đạm bạc do tôi thết đãi cũng trôi qua trong êm đẹp. Biết TTBG rất bận rộn, phần dạy học trò phần chăm sóc mẹ già nên tôi lãnh phần làm cơm. Nhưng vì là người ăn chay trường nên tôi cho ăn chay tuốt luốt cho nó nhẹ tội lỗi. TNH cũng nói ít, ngoại trừ những lúc nói với Âu Cơ ở phòng ngoài.

Ông Văn Thanh thì cứ huyên thuyên mãi câu nói: "Hai mẹ con TTBG và Âu Cơ đều là những người có trái tim sắt!". Chính vì câu nói này của ông Văn Thanh mà Âu Cơ đã “trả đũa” bằng một lá thơ thật làm cho “người lớn” phải xấu hổ và đau điếng khi đọc 1 . (xin phép Âu Cơ cho phép Cô phổ biến lá thư này).

 1) Thư Âu Cơ gửi nhà văn Văn Thanh sau buổi chiều hội ngộ:

 Monday, Dec. 24/2012

 Thưa Bác Văn Thanh,
 Từ hôm thứ Bảy gặp lại Bác và bố con, con cứ suy nghĩ rất nhiều. Nếu Bác là một người bạn tốt của bố mẹ con thì sao 15 năm trước, Bác không hết sức cản bố con bỏ đi để con không mất một người cha và gia đình con không tan nát? Tại sao bây giờ Bác lại hết sức làm người bạn tốt của bố con để cứ ép con phải gặp "ổng". Hồi xưa Bác không gợi lòng người cha của bố con thì thôi, sao giờ lại cứ gợi lại lòng người con của con? Nếu trong 15 năm qua mà mẹ con không phải là người có nghị lực, thì giờ con cũng đã chết rồi; hay, lang thang, hư đốn ở ngoài, chứ không ngồi đây mà tiếp bố con hoặc là còn kêu "ổng" một tiếng “bố.” Vậy khi Bác nói mẹ con con là những người có trái tim sắt, con nghĩ Bác nên tự xét lại xem trong chuyện này, ai mới là người có trái tim sắt, thưa Bác." 

 Khi nhà văn Văn Thanh và TNH đã ra về, chúng tôi vẫn còn ngồi lại chuyện vãn. Âu Cơ cười nói:

 "Hồi nãy khi bác Văn Thanh ép con phải qua ngồi gần bố con, con thấy cô G. cứ đứng lên kéo ghế xếp cho ổng ngồi bên kia, con bên đây một cách lộ liễu, con mắc cười quá!"

 Tôi cũng cười: "Thì con cũng muốn vậy mà!"

 Âu Cơ giải thích:
 "Con sợ ổng thấy cô làm vậy ổng ghét cô."

 Tôi lắc đầu: "Nhằm nhò gì cô chả sợ! Vả lại có bao giờ gặp lại nhau đâu."

 Âu Cơ tâm sự:
 "Tại sao ổng không đi luôn đi còn đòi gặp con làm gì? Mười mấy năm trước con năn nỉ ổng ở lại quá trời mà ổng cứ đòi 'đi tìm lại cuộc đời' của ổng. Thêm chuyện này nữa: Khi ra đi bố con có bỏ quên lại chiếc cặp da; thì thôi đi luôn đi, cái cặp đó mẹ con sẽ gởi qua đường bưu điện cho ổng cũng được. Nhưng không, hai tiếng đồng hồ sau bố con quay trở lại để chỉ lấy chiếc cặp da bỏ quên. Ổng làm cho con mừng hụt, và trái tim con bị đau tới hai lần! "Con đã từng ngồi đọc cuốn Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau (II )cho mẹ con đánh máy, nên con biết hết tất cả. Đầu tiên, con mang Bác một ơn lớn lắm là năm 1996 mẹ con uống thuốc ngủ tự tử, chỉ một mình Bác là người gọi điện thoại tùm lum để kêu cứu trong khi ông Trần Quảng Nam [nhạc sĩ] và những người “bạn” khác đã từng ăn nhậu với bố mẹ con, không thèm chạy tới coi mẹ con ra sao theo lời xin của Bác. Thêm lời kể lại của cô Hoàng Mộng Thu: "Khi cô hỏi tâm trạng Bố con thế nào lúc ngồi nơi phòng đợi bệnh viện chờ mẹ con tỉnh dậy thì ổng chỉ đáp gọn ghẽ bốn chữ: 'Mất thì giờ quá!" Vì những lý do đó, con không hiểu tại sao Bác cứ muốn con phải gặp bố con. Bác phải là người biết hơn hết tại sao con không muốn gặp ổng. Mỗi mùa hè về thăm VN, con luôn luôn suy nghĩ về những người VN bỏ đi và những người ở lại. Con thấy những người đang ở lại chịu cực chịu khổ để xây dựng đất nước mới là người được quyền hãnh diện về đất nước, chứ không phải những người bỏ đi rồi quay lại tự xưng mình là Việt Kiều giầu có làm oai làm phách. Quan trọng nhất không phải là người quay lại, mà là người chưa bao giờ bỏ đi. Vì vậy, trong những mùa hè được giao thiệp với những người ở VN, con không bao giờ dám tỏ ra mình là Việt kiều chẳng ra gì hết. Trong chuyện bố mẹ con, con luôn luôn tự nghĩ con là đất nước VN đó. Bác hay nói mẹ con kềm kẹp con. Nếu Bác hay bố con gọi đòi gặp riêng con, con cũng sẽ hỏi ý kiến mẹ con vì mẹ con là người đã ban cho con sự sống và tiếp tục nuôi con khôn lớn, nên trong đời, trừ ra mẹ con, không có ai có quyền can dự trong những quyết định của con. Bác không thể nào nói con “bỏ qua” chuyện ổng bỏ con đi. Con không cần biết bố con bỏ đi vì lý do gì để “tìm lại cuộc đời” như lời bố con nói trong cuốn Nhật Nguyệt Buồn như Nhau (II), nhưng mà chuyện 17 năm qua bố con bỏ đi là một cái thực thể cho con. Bác già hơn con rất nhiều, và bữa nọ ở nhà con, chính Bác nói là muốn khi cháu nội lớn lên, Bác sẽ nuôi dạy nó để phục hồi lại cái truyền thống tốt đẹp của một xã hội VN thuở xưa. (chứ không phải hư hỏng như xã hội CS hiện nay). Chuyện đất nước rơi vào tay CS đã gần 40 năm rồi, sao Bác không nghĩ là nên bỏ qua, giờ lại khuyên con quên cái chuyện đau lòng của con chỉ mới 17 năm thôi? Bác đã từng và vẫn còn là bạn thân của bố con, con tin rằng Bác hiểu bố con nhiều hơn là con trình bày trong lá thư này. Con nói ít, Bác hiểu nhiều. Bố con là người nghiên cứu đạo Phật nhiều năm. Con nghĩ Bác nên nhờ ổng giảng cho nghe thế nào là "nghiệp báo". Cám ơn Bác đã đọc thư con.

 P.S. Sẵn đây, bữa nọ Bác có hỏi rằng "con với thằng Thái -- cháu của Bác-- có gì mà 'cãi nhau' ". Con xin trả lời: "Con chưa từng coi nó là gì, nên không cho nó cái quyền được “cãi nhau” với con. 

 Những lời nói trên là tâm trạng của Âu Cơ khi mới 10 tuổi. Nỗi đau đó đã được tình thương của người mẹ chữa lành, [còn] vết sẹo do người cha để lại đã hằn quá sâu trong lòng cháu. Tôi e rằng với cái tánh cứng rắn và cương quyết của cháu thì hình ảnh cũng như sự yêu kính đối với một người cha trong lòng cháu có lẽ cũng lạnh như băng tuyết tháng 12 mà thôi!

TTBG không hề ngăn cấm hay có ý kiến gì trong chuyện “đoàn tụ” này. Cô chỉ nói một câu sau khi nghe Âu Cơ trải bày tâm sự: "Đó là cái nghiệp, [mà] ổng đã gây thì bây giờ ổng phải nhận!" .

Tôi thật bối rối khi cứ phải xoay quanh hai chữ “nghiệp quả”. Bây giờ thì ai gây nghiệp và ai trả nghiệp đây? Mười sáu năm trước TNH đã làm cho trái tim của một đứa con gái nhỏ đau đớn như bị bể bung thành từng mảnh vụn, mà lại là đứa con gái ruột do chính mình tạo ra. Ngày nay trái tim của TNH có đau đến bể bung ra khi nhận được lá thư như muốn chối bỏ tình cha của đứa con gái mới vừa gặp lại sau 16 năm xa cách không?

 Ôi! Phù du một cõi ta bà giới/  Có đến có đi một kiếp người/  Gieo nhân gặt quả tùy thiện ác/  Bể khổ cuộc đời mãi lăn trôi/  Lục đạo luân hồi tam cõi giới/ Chúng sanh vẫn cứ mãi vô minh/  Ham chi danh vọng đắm chi tình/  Tỉnh giấc “vô thường” muộn muộn thôi!!!...
 []

TÔN NỮ MẶC GIAO

www.tranthibonggiay.net/TTBGNoiBiTrangLangCam  pdf

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ