Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975

sưu tầm & biên soạn:
HUỲNH ÁI TÔNG
____________________________________________

LUÂN HOÁN



luân hoán [i.e. lê ngọc châu 1941-    ] 
 (ảnh: internet)



 một tác phẩm luân hoán  ký bút danh lê bảo hoàng 
(nxb sông văn/ usa 2005)
            tr. 3 Tác giả Việt Nam 
-- " có lời cảm ơn dịch giả Nguyễn đắc Sơn [1931 - ) ở Hoa Kỳ gửi tặng, với hàng chữ:
" Từ Mỹ, Đắc Sơn gửi món quà Tết Bính Thân 2006 về hai tác giả: nhà văn Thế Phong và nhà thơ Ý Nhi có tên trong tác phẩm  thống kê này . " ( ĐẮC SƠN ký tên) 
 (TP chú thích)
 Thế Nguyên -- Thế Phong  -- Thế Uyên   .... (tr. 596 - vần T. )

Tên thật Lê ngọc Châu, sinh cuối năm Canh Thìn, vào ngày 10 tháng 01 năm 1941 tại nhà hộ sinh Tô Thành Giang ở Hội An Quảng Nam. 

Con ông Lê Hoán (gốc Liêm Lạc Hòa Ða, Quảng Nam) và bà Nguyễn thị Luân. (gốc Vĩnh Ðiện, Quảng Nam). 

Từ năm 1953 gia đình chuyển ra sinh sống ở Ðà Nẵng. 

Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc thiếu úy, mất chân trái tại mặt trận Mộ Ðức, Quảng Ngãi vào cuối năm 1969. Nên được giải ngũ. Sau đó, làm việc cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, tại Ðà Nẵng.

Có bài đăng từ 1960 trên các báo : Tuổi Xanh, Gió Mới, Thời Nay, Mai, Bách Khoa, Văn Học, Ngàn Khơi, Kỷ Nguyên Mới, Ðối Diện, Bộ Binh, ...

Từ 02 tháng 2 năm 1985, định cư tại Montreal Canada.
Từ 1986-1990 là công nhân hảng Aronoff Canada.

Từ khi ra hải ngoại, cộng tác với Văn , Văn Học, Nắng Mới, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Nhân Văn, Thời Tập, Khởi Hành, Phố Văn, Chủ Ðề, Việt Báo, Hồn Quê, ...

Trong ban biên tập của các tạp chí :

Văn Học Sài Gòn (1964 - 1975), Nhận Thức, Huế, Trước Mặt, Quảng Ngải, Làng Văn, Canada (1986-1990), Sóng, Canada (1986 - 1991), Quê Mẹ, Pháp (từ 1986), Sóng Văn, Hoa Kỳ (từ 1996) .

Chủ trương nhà xuất bản Thơ (với các thi phẩm đã xuất bản của: Hà Nguyên Thạch, Phan Nhự Thức, Ðynh Hoàng Sa, Thành Tôn, Khắc Minh, Luân Hoán, ...)

tác phẩm:

- Về Trời (Văn Học, 1964)
- Trôi sông (Văn Học, 1966)
- Chết trong lòng người (Ngưỡng Cửa, 1967)
- Viên đạn cho người yêu dấu (thơ, 1969)
- Hoà bình ơi hãy đến (thơ cùng Lê Vĩnh Thọ, Phạm Thế Mỹ, 1970)
- Nén hương cho bàn chân trái (thơ với nhiều bạn văn, 1970)
- Thơ tình (thơ 1970)
- Ca dao tình yêu (thơ với Khắc Minh, 1970)
- Lục bát ca (thơ cùng Lê vĩnh Thọ, nhạc Vĩnh Ðiện, 1970)
- Rượu hồng đã rót (thơ 1974)
- Hơi thở Việt nam (Sông Thu - Hoa Kỳ, 1986)
- Ngơ ngác cõi người (Nhân Văn - Hoa Kỳ, 1989)
- Ðưa nhau về đến đâu (Nhân Văn - Hoa Kỳ, 1989)
- Cảm ơn đất đá trổ thơ Lòng ta hạt bụi vu vơ bám hoài (Kinh Ðô - Hoa Kỳ 1991)
- Mời em lên ngựa (Sông Thu - Hoa Kỳ, 1994)
- Nuôi thơm chùm kỷ niệm xa (thơ- Canada, 1995)
- Cỏ hoa gối đầu (Sóng Văn - Hoa Kỳ, 1997)
- Sông núi cùng người thơm ngát thơ (thơ, Canada, 2002 ). 

Ghi chú: tài liệu này chỉ mới cập nhật các tác phẩm đã xuất bản của Luân Hoán đến thời điểm 2002.

trích thơ:


Chiều trên sườn đồi

ngày trần truồng trên sườn đồi
tiếng chim đầu ngọn lá
tôi uống ngụm nước trong
con suối vuốt ve nghềnh đá
con suối khuyên nhủ lòng tôi
thản nhiên mày
thản nhiên mày, đừng nghĩ
ngày trần truồng trên sườn đồi
nhịp gõ trên báng súng
tôi liếm giọt mồ hôi
chiều nắng vuốt ve ngực áo giáp
chiều nắng khuyên nhủ lòng tôi
thản nhiên mày,
thản nhiên mày, đừng nghĩ

ngày trần truồng trên sườn đồi
cây lá hát trong chiều gió
tôi mất trăm kẻ thù
tôi mất trăm thằng bạn
tôi mất luôn hồn tôi
hõi tôi, hỡi tôi, đừng nghĩ

ngày trần truồng trên sườn đồi
ngồi thở thầm trong lá
tôi nhìn thấy mặt người
tôi nhìn thấy trời cao
tôi nhìn thấy ngón tay
run run trên cò súng
thản nhiên mày,
thản nhiên mày, đừng nghĩ

ngày trần truồng trên sườn đồi
tiếng buồn đầy tiếng nổ
tôi chợt hiểu lòng tôi
con chim lìa cõi phúc
đường bay mù mù khơi
thản nhiên mày,
thản nhiên mày, đừng nghĩ


Đi ngang

Em nằm phơi rốn với chân
chiều đờ đẫn trải một sân nắng vàng
đúng vừa lúc tôi về ngang
hai con mắt níu hai bàn chân đi
đố em tôi đã nghĩ gì
hình như trục trặc cái chi trong lòng
nắng trời, ai bẻ cong cong
cái tâm phẳng lặng là không phải người
tại sao tôi phải hổ ngươi ?
câu thơ chợt mọc từ đùi nắng thơm
em nằm, hương tỏa, hoa đơm
tôi thu nhãn lực viếng thăm ngọn ngành
mượn thơ thưa thốt loanh quanh
rõ tồi, giấu vụng cái manh tâm mình



Hóa thân

1.
mỗi lần em nhờ gãi lưng
bàn tay thô nhám tưởng chừng mềm ra
bao nhiêu nguồn máu dưới da
dồn về một cõi hào hoa tuyệt vời
và tôi trốn thoát khỏi tôi
tan ra làm giọt nắng trời tinh khôi

2.
pha nước, giúp em gội đầu
tay mằn chân tóc lượm câu thơ tình
em nằm phơi phới hiển linh
cõi thơ lai láng cung nghinh qủi thần
niệm thầm kinh Phật tịnh tâm
vẫn phơi trước mắt mộ phần thanh xuân


3.
bắt đầu ngậm nụ ca dao
dòng đường thi dẫn đời vào động hương
chẳng đâu xa, cõi thiên đường
nằm co dãn giữa những nguồn xuân kinh
tuyệt vời thay phút rùng mình
ba ngàn thế giới thình lình hóa thân



Thơ chúc mỹ nhân

này người đẹp tuổi bính thân
em đang ngồi dũa móng chân hay là
mơ màng nằm trải lụa hoa
nghe tinh khôi ứa hương ra chiếu giường
nguồn tình còn ngậm hạt sương
nuôi thơ nữ sĩ Xuân Hương sống đời

với thân thơm suối thơm đồi
xin em dành một cõi ngồi tôi riêng
một mình tôi được ưu tiên
một mình tôi đủ thẩm quyền nhớ nhung
sẽ chạm tình dọc sống lưng
sẽ khắc thơ giữa hồng trung chánh tòa

cho em mặc sức trổ hoa
bốn mùa vĩnh viễn đều là mùa xuân
em tha hồ cỡi áo quần
ngâm mình giữa cõi nhớ nhung sinh tồn
câu thơ lục bát dẫu mòn
vẫn còn thơm ngát lũng cồn nữ vương

thấy chưa, tôi thật dễ thương
vẫn làm lục bát lót giường yêu em


Về ba mươi năm lang thang

tháng ba gãy súng (*) tôi về
phủi chân, lên bộ ván, thề, nghỉ chơi
gác tay lên trán nhìn trời
gặp cơn mộng dữ đổi đời - hỡi ơi !

vào rừng, lên núi khơi khơi
ngậm nghe khỉ dạy làm người tự do
hốt mây nặn vội con đò
kéo neo mà chạy khỏi lò sát sinh
bứt giây chuối cột quanh mình
tình thơm mấy nhánh linh tinh ăn đường

vốc lòng thắp tạ quê hương
chín đi, một ở , bốn phương quê nhà
lận lưng gói thơ Nguyên Sa
mà đi vẫn nhớ bóng hoa hương dừa

trải qua mấy trời sương mưa
một trang đời mới vẫn thừa long đong
sông Côn mùa lũ mấy dòng
cuốn không kịp những bềnh bồng đắng cay ?

tôi như người đi trên mây
cuối ngày ngồi lại xem tay đoán mò
căn phòng thao thức buồn xo
cây gậy làm mưa cũng co bất ngờ
rất may, chợt nghĩ về thơ
chân trời lam ngọc đó chờ đợi tôi

mòn chân ngơ ngác cõi người
Dưa Cà Mắm Muối phai mùi đã lâu
may nhờ thêm mấy sợi râu
tăng thêm phong cách mái đầu ngấm sương
đủ để tưởng nhớ mùi hương
đủ sống và viết vài chương chữ rời
đủ cho tôi tìm thấy tôi
tìm thơ trong tiếng nói người thân quen

căn nhà, cõi tạm giăng giăng
mây qua phố cũ sầu mon men vào
miên man nhớ lại thuở nào
trại kiên giam, cửa địa lao trùng trùng
quê hương anh dũng nghĩa trung
đáy địa ngục giữa núi rừng ngát xanh

vết thương đóng vết sẹo lành
bỏ qua thù hận mong thành ca dao
ba mươi năm, hạt mưa rào
tôi bay trong giấc chiêm bao trường kỳ
thơ tình viết một đôi khi
nhớ em chẳng biết làm gì vậy thôi

dù em tờ mộng rách rồi
nụ cười tre trúc
 qua thời hồn nhiên
vẫn ưu tiên, vẫn có quyền
ngày quanh quẩn mộng đêm triền miên say
nói thầm với đá với cây
để em làm gió biết bay sáng chiều
nơi nào cũng có tình yêu
của mưa gởi nắng trăm điều vu vơ

dặm nghìn chân bước phất phơ
mùi hương quế giữa đôi bờ tử sinh
chung cuộcdòng chữ tâm tình
như gương mình lại soi mình vân vi
tiếc thương thương tiếc những gì
người trăm năm cũ vừa đi đã về

ba mưoi năm, muốn chưởi thề
mà thôi, thiện ác thủ huề với nhau
tôi ngồi thong thả sờ râu
nhớ lông em mọc những đâu cũng tình
câu thơ về người hiển linh
như hương mưa thở thơm tình lá hoa

---

(*)- chứ đứng) tên một số tác phẩm trong 30 năm tại hải ngoại của quí vị, theo thứ tự mượn dùng:  caoxuânhuy, bộiđiệp, ngu yên, nguyễnthịhoàngbắc, lêhân, tôthùyyên, phươnganh, nguyênsa, hoànglộc, phanthịtrọngtuyến, nguyễnmộnggiác, nguyễnxuânhoàng, songthao, trầndoãnnho, đỗkh, nguyễnhưngquốc, hồtrườngan, luânhoán, hàthúcsinh, maithảo, võphiến, đỗquítoàn, nguyễnsaomai, ngọchoàiphương, nguyễnngọcngạn, nguyễnchíthiện, địnhnguyên, tạtỵ, dutửlê, hồđìnhnghiêm, kiệttấn, trầnlonghồ, lệhằng, trầnmộngtú, ngôtịnhyên, trươnganhthụy, duynăng, dươngnhưnguyện, lêthịthấmvân, khánhtrường, ngônguyêndũng, doãnquốcsỹ, ngọcanh, hoàngkhởiphong, phanitấn, songvinh

Nguyễn Vy Khanh viết về Luân Hoán:

Người đọc vẫn yêu thích những bài thơ tình của Luân-Hoán, là lãnh địa của chàng, nơi chàng trai xứ Quảng quen lời ăn tiếng nói, quen hành cử phóng túng tình tang! Nơi xứ người, ông vẫn đa tình, da diết, vẫn nhiều vần thơ cho tình, nhưng người đọc thơ tình ông thì lại như hụt hẫng, vì hình như thời gian và không gian của tình đã qua, đã không trở lại, nếu có chăng cũng không trọn vẹn, tự nhiên!

Nhà thơ tình xứ Quảng, của Đà Nẵng, sau 1985, Luân Hoán đã dệt những vần thơ lưu xứ đậm tình người, những điệu rất thơ, rất Việt Nam ở chỗ bi thương, những "lưu bút" đáng kể của một trang sử Việt !

tài liệu tham khảo:

- Luân Hoán Web: luanhoan.net
- Luân Hoán Web: tkaraoke.com


 huỳnh ái tông
(Văn học miền Nam [Việt nam Cộng hòa] 1954- 1975)

(trích từ blog phạm cao hoàng)

        

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ