Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

hồi ức đỗ xuân tê / về một thời học tập cải tạo : MỘT CỖ XE TRÂU -- blog phamcaohoang)

ĐỖ XUÂN TÊ
mt c xe trâu

xe trâu 
 (nguồn: danviet.vn)
                                                                                                               
Trại tù Vĩnh Quang cách đỉnh Tam Đảo chừng ba mươi cây số đường chim bay, nhưng lại nằm ẩn trong phía trũng của một thung lũng hẹp, mà cứ mỗi mùa bão lụt nước sông Lô tràn về làm ngập lụt nguyên vùng. Muốn vô trại khách qua đường phải đi qua một chuyến phà và băng qua một con đường độc đạo. Cái tên Phà Trang trở thành địa điểm thân quen cho cả người nam lẫn kẻ bắc. Nó là đầu mối chuyên chở hàng quà tiếp tế cho các sĩ quan viên chức chế độ cũ từ Sài gòn bị đưa ra cải tạo tại đây. Nó cũng là nơi vợ con họ dùng làm nơi ngủ trọ dừng chân sau khi vất vả trên các chuyến xe lửa, xe đò, xe trâu, xe thồ, xe ngựa đưa họ vượt cả ngàn cây số ra thăm nuôi chồng con tại chốn heo hút này.
      
Hôm nay một sớm đầu thu, vùng đất nơi đây như chuyển mình theo tiết trời se lạnh, bầu trời trong xanh của những áng mây thưa, tương phản với màu úa của những giọt nắng sớm, càng làm rõ thêm màu tím nhạt của những bụi sim rừng. Cảnh vật như tiêu biểu rõ nét cho bức tranh toàn cảnh của một vùng quê trung du với nương chè đồi cọ làm người ta liên tưởng đến các áng văn thơ tiền chiến của Thanh Tịnh, Hữu Loan từng gây bâng khuâng xao xuyến cho nhiều thế hệ người đọc. Nhưng dân tình ở đây vừa quá quen thuộc lại khó nhọc vì miếng cơm manh áo nên chẳng nhìn như cách của thi văn. Nói chi những người tù khổ sai bị đem ra chốn này đầu óc đâu mà cảm nhận được những đổi thay xoay vòng của trời đất.

Quanh đây mấy cô sơn nữ dân tộc người Dao đang rảo bước trên con đường đất đỏ, họ mặc váy đeo kiềng với những hoa văn rất lạ của người thiểu số, đáng chú ý là phần ngực được che bằng một dải yếm trắng không khác gì kiểu yếm của các cô gái Quan Họ vùng xuôi, nhưng dù ăn mặc trang sức thế nào đôi bàn chân họ vẫn để trần vì vốn dĩ họ là những người đàn bà quen đi chân đất. Đang chuyện trò líu lo pha âm sắc của thứ ngôn ngữ miền cao, bỗng nhiên mấy chị em ta im bặt, lặng lẽ tẻ bước nhường đường cho một cỗ xe trâu.
      
Vẫn con trâu già với chú tù hình sự đánh xe thường ngày của trại, nhưng hôm nay hình như có vài nét gây quan tâm cho khách qua đường. Con trâu đôi mắt tỏ lộ buồn, mắt như nhìn vào chốn xa xăm, không cần định hướng vì nó quá quen thuộc với con đường đất. Chú hình sự chẳng chú ý nhiều đến món hàng trên xe, nhưng mắt luôn để ý đến bát cơm kẹp quả trứng và nén hương thắp dở. Con trâu không phải dùng sức nhiều vì món hàng nhẹ hơn mọi khi, nhẹ đến độ nó tưởng như đang tải chiếc xe không. Có khác mọi ngày là cỗ xe có dăm người đi theo, tay cầm dụng cụ lao động cuốc xẻng. Họ ăn mặc khác chú hình sự, loại đồ rằn ri của các ông lính miền Nam, đã cũ rách và có nhiều miếng vá.
      
Toán người rằn ri trông mặt ai cũng buồn, có người tưởng họ buồn vì đói, kiệt sức sau một tuần lễ lao động. Con trâu già không nghĩ như vậy, họ buồn vì cái gì đó. Khác với chú hình sự, những người này họ quan tâm nhiều đến món hàng. Bình thường là loại hàng hậu cần cho nhà bếp nhưng kiện hàng sáng nay là loại thùng hình hộp với bốn tấm dài hai tấm ngắn, đóng bằng loại gỗ mới được xẻ vội từ một loại cây dễ đốn, được đóng đinh sơ sài chủ yếu chỉ nhằm đủ an toàn giữ cho món hàng bên trong ở nguyên vị trí.

Hình như trong số mấy người tù có một người cứ sụt sùi than tiếc, ông này già nhất trong đám, số còn lại tuổi đời trên dưới ba mươi. Cách xa mấy bước có ông mặc quần áo vàng theo sau, không phải màu vàng của các tu sĩ Phật giáo thường đi sau đám ma, mà là người cán bộ cai tù. Anh ta đi để giám quản tóan tù và làm công việc chỉ đạo của một người đại diện cho trại.
      
Trước đó ít phút, cỗ xe trâu không xuất phát từ nhà bếp gần cổng trại như thường lệ. Con trâu phải đi sâu thêm một đoạn tới gần khu bệnh xá để nhận hàng. Hàng lên xe, cỗ xe từ từ tiến ra cổng trại. Con trâu thấy lạ là toàn cảnh khu trại hôm nay trùng ngày chủ nhật có vẻ khác những ngày thường. Trong suốt lộ trình khoảng hai trăm mét, nhiều toán người tụ tập gần mỗi ô cửa, họ cố nhìn qua song sắt để như đưa tiễn một người nào đó trên cỗ xe trâu. Ai là người thì có thể dễ dàng nhận ra, nhưng con trâu với tư duy của nó thì chỉ thấy bỗng nhiên nó trở thành tâm điểm của một sự việc khá quan trọng khi chính nó đang dẫn đầu cỗ xe cùng toán người đi theo.

Hình như có nhiều người ngó theo con trâu già, một thoáng hãnh diện làm nó nhớ lại hồi trẻ, rồi chuyển bước đi với dáng đường bệ của một con trâu thời sung sức. Nhưng sao mấy người đứng dọc hai bên dẫy lán họ buồn quá, có người khóc, có người lại đứng nghiêm, tay chào kính cẩn trong tư thế của người lính, kính cẩn thật tình chứ không như kiểu tù nhân chào cai tù. Con trâu có thể kéo cỗ xe đi nhanh hơn, nhưng nó cố tình giữ nhịp độ chậm lại vì từ đây nó nghiệm ra rằng món hàng trên xe là một thứ như dễ vỡ và được người ta tỏ lòng trân trọng.

Cỗ xe qua cổng trại, con trâu lấy lại nhịp kéo bình thường. Cứ theo sự hướng dẫn của chú hình sự thì chuyến xe này không theo lộ trình quen thuộc, mà lại vào tận sâu trong thung, băng ngang một ngọn đồi thoải, mùa này đang có hoa sim nở, nhưng màu tím của đồi càng làm cho ngày buồn thêm. Có đoạn nó phải ráng sức vì cỗ xe qua nhiều chỗ gập ghềnh, nhiều hố trâu bò lở sụt do lũ lụt, phần vì nó không muốn món hàng phải di động nhiều, nhất là đủ thăng bằng để cho bát cơm quả trứng khỏi lăn đùng trên xe. Cỗ xe ngừng lại tại một chân đồi, đất đá khô cằn chỉ hạp cho mấy bụi sim dại, do cảnh vật hoang vắng không khí cô tịch nên những người tù quen gọi nơi này là đồi Cô Liêu. Ai lên đồi Cô coi như ở lại với núi rừng và sự vĩnh viễn vắng mặt được coi là  ‘lên đồi’, một từ vựng để chỉ lối thoát ly thế gian không hề tự nguyện của những người bị lưu đầy sau một thời trai trẻ chiến đấu bên tuyến phía Nam.
      
Nhiệm vụ của con trâu đến đây là xong. Chú hình sự tháo ách khỏi càng xe và cho nó nghỉ dưới một bóng cây. Giờ này toán người mới khởi sự làm việc. Họ khiêng chiếc hòm gỗ lên chỗ cao hơn, đào xới một hồi, đặt chiếc hòm xuống, lấp đất. Trước khi lấp đất theo thủ tục của trại, một ‘lệnh tha’ được viên cán bộ chủ quản đọc lớn để bảo đảm danh tánh người tù xấu số được bạch hóa (nhóm từ dân gian ‘quỉ tha ma bắt’ không ngờ lại hạp cho giây phút này).

Công việc hạ huyệt hoàn tất nhanh gọn. Vài cây hương dở được cắm xuống. Toán đào huyệt được coi như nhân chứng làm vài dấu riêng trên nấm mộ để có dịp nhắn lại thân nhân người quá cố, tất nhiên nếu họ còn sống sót. Ông già nhất trong đám không kềm nổi xúc động khóc to thành tiếng, các người kia biểu lộ cảm xúc kín đáo hơn. Bát cơm và quả trứng trở thành phần bồi dưỡng cho chú hình sự, nếu cứ để đây có người đi qua họ cũng lấy. Ăn vội quả trứng, chú quay lại tra càng xe vào thân trâu, thoáng ngạc nhiên sao con trâu hôm nay biết khóc. Không phải mình chú, toán đào huyệt cũng nhận ra điều này, mấy con trâu già do bản năng trời cho rất nhạy cảm, chính vậy mà dân quê miền Bắc họ quý hai loài vật vừa trung thành lại có tình người là …chó và trâu.

Bẵng đi một dạo, sinh hoạt trại tù đột nhiên có nhiều biến đổi, có cái xảy ra như dự trù có việc xảy đến ngoài dự kiến. Con trâu già do làm việc quá sức bỗng bỏ ăn được xẻ thịt làm bữa ăn tươi cho toàn trại nhân ngày 2-9. Chú hình sự bạn đồng hành của nó đã được trại tha. Toán đào huyệt cùng toàn bộ số tù từ miền nam ra nay được nhà nước cho chuyển ngược về quê quán. Họ cũng chẳng hiểu vì đâu bảy tám năm về trước cả trăm ngàn người số phận như họ được đảng chuyển vội ra  Bắc, nay cũng số người này trừ một số đã chết và được tha (mà chết nhiều hơn tha) lại đựơc các chuyến tàu xuyên Việt chuyên chở về Nam.

Viên cán bộ chỉ đạo hôm đào huyệt lên thêm một sao được cử làm trực trại.Trại tù thu hẹp quay về chức năng nguyên thủy của nó vốn là chốn giam cầm các tù hình sự trên địa bàn tỉnhVĩnh Phúc Yên. Phà Trang thưa vắng. Nước sông Lô chảy xiết hơn do lượng lũ thượng nguồn đổ về. Mấy ông già chở thuê nay đã đổi nghề. Mấy con trâu trả về cho hợp tác xã. Dân xã Đạo Trù có vẻ buồn vì từ nay họ mất nguồn đổi chác quần áo thuốc men, lại lo lắng đám tù hình sự sẽ gây phiền nhiễu cho ruộng rẫy của họ. Đám cai tù từ rày phải trực diện với bọn đầu gấu, đâm thuê chém mướn từ xã hội đổ vào.

Nhiều người trong số cán bộ dù chức năng được dạy phải cảnh giác với kẻ thù giai cấp nay cũng nhận ra rằng những người tù miền nam chẳng phải là loại ‘ác ôn’ và vợ con họ ra thăm đều là những người tử tế, có giáo dục. Ban giám thị trại cũng chẳng cải tạo được gì về mặt ý thức hệ, nhưng phần nào thành công trong việc bắt họ tuân thủ qui trình lao động cưỡng bách khiến nhiều người lớn tuổi trong số họ không kham nổi đã phải tuyệt đường về với người thân.



Hồi tưởng lại gần ba mươi năm trước, tôi vẫn nhớ như in cỗ xe trâu chở Anh lên đồi trong một ngày chủ nhật buồn tại trại giam vùng Tam đảo. Tôi với anh là hai người ngồi cùng toa trên chuyến tàu chở tù ra bắc. Lúc trên tàu, hai anh em cứ ngỡ khi rũ bỏ áo lính chấp nhận thương đau trở về đời sống dân thường, hai phe cùng gà một mẹ sẽ quên đi quá khứ, xóa bỏ hận thù cùng nhau vá lại giải cơ đồ đã một thời rách nát vì bom đạn chiến tranh. Nhưng nào ngờ những người thua cuộc lại bị những kẻ thù dai bắt phải trả giá cho một thời kỳ khổ nạn -lại có máu và nước mắt- lại có sự nhân danh cho cái ý thức hệ bị xóa sổ mà lịch sử khách quan và bút mực có lương tri còn phải viết nhiều để đánh giá đúng mức những sai lầm của nó.
      
Ngồi trên xe lửa trên tuyến đường từ Vinh về Yên Bái, vừa bị nóng nực do khí trời oi ả, lại băng qua các dãy núi đá vôi, vừa thiếu không khí để thở do các toa đóng kín, anh Thụ ngồi như bất động chẳng tỏ ý phàn nàn, trong khi chúng tôi đám sĩ quan trẻ thì chửi thề liên tục dù khát khô cả họng. Tất nhiên đối tượng bị rủa là ai thì chỉ Bác biết. Tức nước vỡ bờ, cùi không sợ lở, lại không có cán binh quản chế (nếu có chắc họ cũng chửi thầm) nên không khí trong toa cứ như mấy cảnh trong phim buôn bán nô lệ xuyên đại dương của Mỹ được xem hồi chưa đi lính. Có điều bọn nô lệ còn muốn chống cự thoát khỏi xiềng xích còn bọn tôi chỉ đánh võ miệng phát ngôn cho hả nỗi lòng.
      
Rồi tàu cũng đậu lại ga cuối. Trời tối mịt. Mấy ông cộng sản có cái hay là tính toán thế nào lên tàu cũng đêm xuống tàu cũng tối, khó mà tính chuyện đào thoát, xét cho cùng bóng đêm luôn đồng lõa và là kẻ đồng hành của mấy ông. Không khí vùng Tây Bắc vừa tĩnh lặng vừa dịu mát làm cho đám tù dù chưa biết số phận trôi dạt về đâu, nhưng ít ra cũng chấm dứt cảnh bó gối năm sáu ngày đêm từ Nam ra Bắc. Được cho uống cho ăn, kèm ít lời động viên ráng học tập tốt lao động tốt như mấy bài học trong nam đã nhồi sọ, đoàn tù được biên chế lại.

Đây là thủ thuật đặc biệt của giới áp tải đoàn tù, xào đi xáo lại cốt để đám tù không thể kết bè kết đảng chống đối hoặc đào thoát. Nhiều anh lúc ra đi yên chí cùng hội cùng thuyền cùng ngành cùng diện, nay lạc đàn lạc đội gọi nhau ơi ới vì trót gởi nhau mấy đồ lỉnh kỉnh từ lúc xuất quân. Quân ta quen miệng to tiếng chửi thề, khiến bọn cán binh phải la lên, ‘các anh lày nại chửi tục lói lăng thiếu văn hóa!’ Tôi là kẻ Bắc kỳ di cư vốn không quen nói ngọng hay văng tục nên trộm nghĩ chửi thề theo kiểu Nam bộ là một nét ‘văn hóa’, nghe không tục mà lại có thể ngăn ngừa cơn giận đi xa hơn. Nghe nói người công nhân họ Tôn gốc Long xuyên làm tới Chủ tịch nước mà ông vẫn còn tật chửi thề, nhiều người mến ông già ở điểm này.
      
Hai anh em tôi vốn có duyên có nợ nên không lạc nhau. Cả hai được biên chế về một trại mới được cất vội có số mà chưa có tên: trại 8. Đây là một quần thể gồm chín trại nằm sâu trong thung lũng của dãy Hoàng liên Sơn, thuộc đất Yên Bái nơi một thời Nguyễn thái Học đã lên máy chém, cũng là nơi Tây nó giam  các nhà cách mạng gộc hồi thập niên 30, trong đó có cả mấy ông xô-viết Nghệ Tĩnh.

Những ngày ra bắc, lao động nhọc nhằn thế nào khỏi cần phải tả, chỉ biết sau khi chặt tre đốn nứa trên rừng gần ba tháng thì anh Thụ và tôi cùng được điều về đội nhà bếp. Ấm thân vì thoát cảnh nắng mưa muỗi vắt trên rừng, lại đôi khi có chút cơm cháy bồi dưỡng nên anh em tôi có phần may mắn hơn các bạn đồng tù. Anh thì không biết sao, có thể trong lứa tuổi 50, chứ tôi thì biết chắc có tay cán bộ cùng quê xếp ngầm tôi vào đội này, chẳng phải để làm ăng ten chỉ điểm, nhưng chỉ vì chút tình đồng hương gốc đất Nam Hà. Lúc này còn do bộ đội quản lý, chưa phải là loại cai tù chính tông, nên tôi nghĩ quan hệ tình người cá biệt cũng còn người nọ kẻ kia nhất là tôi với anh ta có một thời sinh ra và lớn lên vùng đồng chua nước mặn.
      
Về đội nhà bếp, biết anh Thụ là người có thời tu xuất nên anh em có phần kính trọng (thường gọi thầy Thụ nếu không có cán bộ gần bên) nên họ giao cho anh phụ trách chia cơm. Nói cơm cho oai chứ đúng ra là khoai, sắn, bo bo, bắp ngô đủ loại, cơm chỉ chừng nứa chén độn thêm mà thôi. Chẳng cần đong đếm anh chia rất đều tay kể cả lúc trời mưa củi ướt anh vẫn phân phát đúng giờ. Có điều tôi để ý anh ăn uống rất điều độ, có bữa ăn dưới tiêu chuẩn dù tiêu chuẩn người khác ăn chẳng đủ no. Anh khuyên tôi phải tập ăn ít cho quen dạ, con đường cải tạo còn dài kẻo lúc ra lao động ngoài khó mà chịu nổi. Anh coi vậy mà hiểu cộng sản hơn cánh di cư, anh còn quả quyết đừng tin vào chính sách, cứ nhớ lời ông Thiệu, đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm. Lúc đó bán tín bán nghi tôi vẫn chưa tin dù có trọng nể kiến thức của anh.
      
Rồi ngày tháng trôi qua, anh em nằm gần nhau nên hay tỉ tê to nhỏ. Anh vốn ít nói, dáng người trí thức nhưng trông khắc khổ, giọng nói nhỏ nhẹ tuy vẫn còn âm sắc miền Quảng qưê anh. Anh vốn sinh ra trong một gia đình khá gỉa ở Đà nẵng, gốc đạo dòng, được ăn học chu đáo. Từ nhỏ anh đã có ý hướng đi tu để trở thành linh mục. Vào chủng viện tu lên tới chức bốn, chỉ còn hai năm nữa là thụ phong thì anh được Bề Trên khuyên trở về đời. Lý do sau này anh dọ hỏi hình như trong gia tộc phía bên nội có người ly dị. Rời chủng viện cũng là lúc lứa tuổi động viên, anh đi Thủ đức ra sĩ quan. Anh làm nhiều nơi nhiều ngành cho đến khi được một ông tướng cũng tu xuất kéo về làm ngành tuyển mộ lính cho quân đội.

Anh vốn kín tiếng, không thích bàn chuyện chính trị, chỉ khi nào tôi khơi chuyện ra thì anh mới mở miệng than thở, “chú biết không, người Việt mình ít khi nghĩ đến chuyện thống nhất, mà hay coi nhau như những kẻ nội thù. Từ ngày huyền thoại năm mươi trứng theo cha lên núi, năm mươi con theo mẹ ra khơi, rồi tích cổ Sơn tinh, Thủy tinh đất tràn núi lở, mẹ Việt nam có lúc nào yên. Đến khi đi vào chính sử thì Lý Trần lại thanh toán nhau, Trịnh Nguyễn xua đuổi nhau, Nam kỳ Bắc kỳ chia rẽ nhau, cuối cùng quốc gia cộng sản tiêu diệt nhau để ba mươi năm nội chiến từng ngày, kết cuộc bây giờ anh em mình con cháu mình lãnh hậu quả âu cũng là do vận nước!”Ngồi nghe anh cứ như đang lên lớp, muốn chảy nước mắt vì thấy chí lý, nhưng cũng chỉ là những khoảnh khắc hiếm hoi ít khi anh mở lời thêm.

Chúng tôi ở nhà bếp không lâu, mấy tháng sau do tình hình biên giới căng thẳng, các trại viên được tái thanh lọc để chuẩn bị cho các đợt di chuyển xuống miền xuôi. Anh em tôi thuộc diện trọng điểm được giao cho công an Vĩnh Phú và trở thành ‘phạm nhân’ cứ theo lối xưng hô khi báo cáo xuất nhập trại của các đội trưởng lao động khi về trại mới. Được biên chế theo tuổi tác, anh về đội tăng gia trồng chè, tôi về đội cầy làm ruộng, hai anh em chấm dứt sinh hoạt chung.

Khi các đồi chè đến kỳ thu hoạch thì anh Thụ lại có duyên với củi lửa được giao đứng bếp sao chè, số lượng chè búp sao xong bán cho hợp tác xã mang lại nguồn lợi nhuận khá lớn cho trại. Mấy năm đầu, anh cũng ấm thân do được bồi dưỡng đúng mức, nhưng về lâu về dài anh bị mất sức vì đứng liên tục bên lò có lúc gặp thời vụ cả chục tiếng mỗi ngày. Bàn tay gầy guộc lại phải xoa đều trên chảo gang với ánh lửa liu riu, đông cũng như hè làm cho người khô da héo ăn uống dù được xuất cơm trắng với chút mỡ heo nhưng nuốt cũng không trôi. Cán bộ trại họ lại tin anh, vừa thật thà vừa tay nghề quen, giao cho hình sự thì sợ ăn cắp vì chè búp là vật dễ đổi chác lấy thuốc lào và thực phẩm. Anh bạn tôi lại ít nói, ngại phàn nàn nên thân tù cứ tiếp tục bị khai thác, chính vậy mà khi ngã bịnh dễ mất mạng sau này.
      
Một hôm tôi nghe phong phanh anh lên nằm bệnh xá. Gọi là bệnh xá, nhưng không có y sĩ, thuốc trị xuyên tâm liên và thuốc nam là chính, nhưng có một y tá giúp việc gốc trợ y người cùng phe ta thường liên lạc trao đổi thuốc men giữa vòng anh em, nên cứu được nhiều người, nặng nhất là hai bệnh kiết lỵ và sốt vàng da thường có số tử vong khá cao. Anh rơi vào bệnh kiết lỵ, tuy ăn uống rất cẩn thận, ít khi cải thiện linh tinh như tụi tôi, nhưng do ruồi muỗi hoặc thực phẩm của trại thì số trời kêu ai nấy dạ. Còn may cho anh, nhờ anh em thương mến đã gởi thuốc cho nên cơn bệnh có dứt sau gần hai tuần lễ nhưng người gầy đét vì mất nước mất sức.
      
Một buổi sáng trong giờ khám bệnh từng đội, tôi được anh y tá dúi cho mảnh giấy nhầu nát. Lao động về tôi dở ra coi thì có mấy dòng nguệch ngoạc viết theo kiểu như điện tín, “chú Tê/ anh mới bị kiết lỵ/ rất thèm đường/ chú gởi cho anh/ cám ơn chú”. Đây cũng là điềm lạ vì anh vốn khí khái không bao giờ chịu xin của ai, anh em nào có quà cáp mời anh chỉ ăn một chút lấy thảo, không bao giờ nhận thêm. Anh đúng là có căn tu hay sống ép mình, khác hẳn với đám chúng tôi kiếm được thứ gì cũng cho vào bụng cốt để mưu sinh.Tôi như sởi tấm lòng vì được anh tin yêu, vội gói ghém ít đồ chuyển lén cho anh yên chí anh sẽ sớm bình phục.
    
Nhưng chuyện đời khó đoán, ít ngày sau anh vĩnh viễn lìa đời. Qua y tá kể lại anh nhờ nhắn về gia đình ‘anh chết lành’. Nhóm từ này đối với tôi không có gì xa lạ vì nó là đức tin bất biến của anh, nhưng cứ làm tôi trăn trở theo lối suy nghĩ đời thường khi thấy một người có lòng, đạo đức trong lối sống lại phải bỏ thân trong chốn lao tù. Tấm hình chụp với chị và ba cháu có lần anh khoe với tôi nghe nói anh đã ôm vào lòng trước lúc tắt hơi, âu cũng là chút an ủi cho một người mà tôi biết chắc luôn lấy gia đình làm tình yêu, niềm tin là lẽ sống.

Cứ tiếc một điều nếu đừng bỏ anh em đi sớm thì chỉ ít lâu sau chúng tôi lại cùng nhau đáp chuyến xe lửa quay ngược về nam, cũng con tàu bít bùng với chiếc còng hai người chung một, nhưng lần này sẽ đưa anh qua vùng đất Quảng và nhiều cơ may được nhìn mặt vợ con anh.

đỗ xuân tê
(truyện trích từ MỘT THỜI U ÁM (Giao Chỉ xuất bản 2016)

(trích từ blog phạm cao hoàng)


dấu ngụy đỏ / đỗ xuân tê  (T.Vấn& bạn Hữu xuất bản, USA 2017)
       - tác giả bộc bạch: "Tác giả bỏ ngỏ bản quyền; và, dành mọi dễ dàng cho cá nhân, tổ chức         
 (không vụ lợi) muốn in ấn lại; hoặc, phổ biến trên mạng."  <e-mail:thaoxdo@yahoo.com>


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ