tháng tư :mỗi người chia nhau một chút khổ/ phạm cao hoang -- blog phạmcaohoang
THÁNG TƯ, ĐỌC LẠI MỘT CÂU CHUYỆN CŨ
Sài Gòn xưa: một khách sạn ở đường Trần Hưng Đạo
nguồn: thaolqd.blogspot.com
nguồn: thaolqd.blogspot.com
1.
Những ngày đầu tháng 5.1975 Sài Gòn lên cơn sốt thuốc tây và xe đạp. Thiên hạ đổ xô đi mua thuốc tây và xe đạp vì có tin đồn rằng tiền miền nam sẽ không còn giá trị và hai mặt hàng này sẽ trở nên khan hiếm trong những ngày sắp tới. Giá thuốc tây và xe đạp tăng vùn vụt nhưng người mua vẫn cứ tranh nhau mua.
Trong gia đình tôi, anh Bảy vốn là người nhạy bén với những biến động kinh tế theo kiểu này nên ngay từ lúc bắt đầu cơn sốt anh mua một chiếc xe đạp do Nhật sản xuất, sau đó anh tìm mua các loại thuốc tây thường dùng.
Sáng hôm ấy, anh Bảy tiếp tục đi mua thuốc tây rất sớm. Ở nhà chẳng biết làm gì, tôi lang thang ra chỗ đường Lê Văn Duyệt tìm một quán cóc để uống một ly cà phê sáng. Khi đi ngang qua tiệm thuốc tây, tôi thoáng thấy anh Bảy trong đó.
Tôi bước vào tiệm thuốc tây.
- Xong chưa? Đi uống cà phê với em.
Anh Bảy quay lại, thay vì trả lời tôi, anh nhìn ra ngoài đường, mặt biến sắc, hốt hoảng, lắp bắp:
- Chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp mới mua. Đứa nào lấy rồi. Anh mới vừa bước vào đây thôi mà.
Cạnh tiệm thuốc tây có một con hẻm nhỏ. Tôi phản ứng rất nhanh:
- Chắc nó đi chưa xa. Em đuổi theo con hẻm này, còn anh đuổi theo hướng đường Lê Văn Duyệt.
Nói xong, tôi chạy vào con hẻm. Chưa bao giờ tôi chạy nhanh như bữa đó. Cứ lao về phía trước. Không thấy gì cả. Được khoảng 200 mét thì thấm mệt. Tôi bắt đầu giảm tốc độ, chạy chậm hơn. Vừa lúc ấy một bé trai khoảng hơn 10 tuổi, dáng vẻ lanh lợi, đang đứng trước cổng nhà, hỏi:
- Có chuyện gì vậy chú?
Tôi dừng lại:
- Cháu có thấy ai đi một chiếc xe đạp mới ngang qua đây không?
- Xe màu gì vậy chú?
- Màu đỏ.
Đôi mắt cậu bé sáng lên:
- Có. Cháu thấy thằng Thảo vừa đi chiếc xe đạp màu đỏ ngang qua đây.
Tôi thoáng thấy một tia hy vọng:
- Cháu này. Hồi nào tới giờ thằng Thảo có xe đạp không?
- Không đâu chú. Nó thường chơi với bọn cháu, cháu biết rõ mà. Nó làm gì có xe đạp.
- Cháu biết nhà nó ở đâu không?
- Biết chứ chú, ở gần đường xe lửa phía sau ga Hòa Hưng.
- Cháu có thể đưa chú đến nhà thằng Thảo không?
- Được mà chú. Cháu sẽ đưa chú đến nhà thằng Thảo.
Trên đường đi, tôi hỏi:
- Cháu tên gì?
- Cháu tên Thắng.
- Cháu học lớp mấy?
- Cháu học lớp năm.
- Thằng Thảo học lớp mấy?
- Nó lớn hơn cháu hai tuổi nhưng nghỉ học lâu rồi. Nhà nó nghèo lắm. Cha nó đi lính chết trận. Nó phải nghỉ học theo mẹ đi lượm ve chai để bán.
- Trước giờ nó có thường ăn cắp không?
- Không đâu chú. Nó chơi thân với cháu, cháu biết rõ mà. Nó rất đàng hoàng. Chú này, lát nữa tới nhà thằng Thảo chú đừng vào. Mẹ nó sẽ đánh nó nếu biết nó ăn cắp. Cháu sẽ vào gọi nó ra gặp chú.
Thắng đưa tôi đi thật xa, dọc theo đường rầy xe lửa, rồi chỉ vào một căn nhà nhỏ tồi tàn, cũ kỹ, mái tôn, vách ván.
- Nhà thằng Thảo đó chú. Chú đứng né vào chỗ lùm cây kia chờ cháu.
Một lát sau Thắng trở ra, chạy nhanh đến chỗ tôi.
- Nó không có ở nhà. Mẹ nó nói nó đi từ sáng sớm đến giờ chưa về.
- Tối nay chú trở lại chỗ này, cháu cố gắng tìm thằng Thảo để chú gặp. Được không?
- Thôi chú. Biết giờ nào nó mới về. Chú cứ để đó cháu tìm nó rồi đưa nó lên phường gặp chú. Cháu biết chú là “cách mạng đang làm trên phường” mà.
Câu nói của Thắng làm tôi ngớ ra vì bất ngờ. Tôi là giáo chức trong chính quyền cũ, từ miền trung di tản vào đây, có biết trụ sở phường nằm ở chỗ nào đâu, bỗng dưng cậu bé này lại gọi tôi là “cách mạng đang làm trên phường”.
Tôi hỏi Thắng:
- Sao cháu biết chú là “cách mạng đang làm trên phường”?
- Chiều hôm qua cháu theo mấy thằng bạn chơi đá banh ở trên phường. Cháu thấy chú ở trong đó.
Như vậy là Thắng đã lầm tôi với một người nào đó trên phường. Tuy nhiên, tôi không giải thích.
- Thắng này, nếu cháu tìm được thằng Thảo, cháu đừng đưa nó lên phường, mà đưa nó đến nhà chú vào buổi tối. Được không?
- Phải đưa nó lên phường nó mới sợ chú ơi!
- Đừng cháu. Đừng làm nó sợ. Cứ đưa nó đến nhà chú là được rồi. Nhà chú cũng ở gần đây thôi.
Tôi đưa Thắng địa chỉ chỗ tôi và mấy anh em trong gia đình đang ở nhờ và hỏi Thắng:
- Cháu biết địa chỉ này không?
- Biết chứ chú. Dễ mà. Trong xóm này, hẻm nào cháu cũng biết mà.
2.
Về nhà, tôi kể lại mọi chuyện cho mấy ông anh nghe. Nghe chuyện tôi là “cách mạng đang làm trên phường” anh Năm cười ngặt nghẽo:
- Có khi như vậy cũng hay. Để đó xem sao.
Anh Bảy bàn với tôi sẽ đi mua một chiếc xe đạp khác. Xem như chiếc kia đã mất. Không mua, vài hôm nữa sẽ chẳng còn xe để mua. Chưa chắc thằng Thảo ăn cắp chiếc xe đó, và nếu nó ăn cắp thì chuyện lấy lại chiếc xe cũng không phải là dễ dàng.
Ngay sáng hôm sau, anh Bảy xuống các cửa hàng bán xe đạp để mua xe như đã bàn. Tuy nhiên, dự tính bất thành vì giá xe đạp tăng ngất ngưởng; số tiền ít ỏi còn lại trong túi anh Bảy không đủ để mua chiếc thứ hai.
Buổi tối, trời rất nóng. Tôi và anh Bảy đang ngồi trước hiên nhà bàn công chuyện cho ngày mai bỗng nhiên có hai cậu bé dừng trước cổng nhà, ngần ngừ một chút rồi bước vào.
Trời hơi tối, chưa kịp nhận ra hai cậu bé này là ai thì một trong hai đứa nói lớn:
- Cháu đưa thằng Thảo đến gặp chú. Nó lấy chiếc xe của chú đó chú ơi.
Thì ra là Thắng. Khi đưa địa chỉ nhà cho Thắng, tôi cũng đưa theo kiểu cầu may, không nghĩ Thắng sẽ đến.
Tôi bước ra, nói với Thắng:
- Cháu giỏi thật. Cám ơn cháu rất nhiều.
Để cho Thảo không sợ, tôi đến vỗ vai nó:
- Cháu vào đây chơi, nói chuyện với chú.
Tôi đưa hai đứa vào hiên nhà, ngồi trên bậc tam cấp. Thảo có khuôn mặt hơi khắc khổ, tóc khô, nước da ngăm đen. Tôi chưa kịp nói gì thì Thắng lại lên tiếng:
- Cháu tìm được nó chiều nay ở ngoài chợ Hòa Hưng. Cháu nói chú là “cách mạng đang làm trên phường” nên nó sợ lắm.
Anh Năm từ trong nhà nói vọng ra:
- Đem nhốt nó lại.
Nghe vậy, Thảo khóc rống lên:
- Cháu sợ lắm. Đừng nhốt cháu.
Anh Năm là sĩ quan trong quân đội vừa tan hàng, chưa biết sẽ bị người ta nhốt lúc nào, bây giờ anh lại dọa, đòi nhốt thằng Thảo. Quả là buồn cười. Tôi không nhịn cười được, nói vọng vào:
- Không nhốt thằng Thảo. Nhốt anh thì có.
Thảo thật thà:
- Thiệt hả chú? Không nhốt cháu hả chú?
Nãy giờ anh Bảy ngồi im nhưng mừng ra mặt. Anh dỗ Thảo:
- Cháu để chiếc xe đạp ở đâu? Cháu đừng sợ. Sẽ không nhốt
cháu đâu.
Thắng chen vào:
- Nó bán cho ông Bốn thợ mộc rồi.
- Tiền bán xe cháu để ở đâu?
- Cháu đã lấy một ít để mua thuốc và đồ ăn cho mẹ cháu. Gần một tuần nay bán ve chai không ai mua, nhà chẳng còn tiền, mẹ cháu lại bị đau…
Nói xong, nó lấy một gói nhỏ gói bằng giấy từ trong túi quần soọc đưa cho tôi:
- Tiền vẫn còn đây. Xin chú tha tội cho cháu.
Tôi đưa gói tiền cho anh Bảy đếm. Đếm xong, anh Bảy có vẻ không vui. Anh nói với Thảo:
- Chú muốn mua lại chiếc xe đạp này. Cháu dẫn chú đi gặp ông Bốn thợ mộc được không?
Thảo có vẻ do dự:
- Cháu không có tiền để trả lại ông Bốn. Chú ơi, cháu không dám gặp ông Bốn đâu.
- Cháu dẫn chú tới đó, còn mọi việc cứ để chú thương lượng.
- Mấy chú không nhốt cháu thì biểu cháu làm gì cháu cũng làm. Giờ này chắc ông Bốn đã đi ngủ.
- Sáng mai đi được không?
- Dạ được.
Thắng và Thảo chào rồi ra về. Tôi đi với hai cậu bé một đoạn, vừa đi vừa hỏi Thảo:
- Chú trông cháu cũng là người đàng hoàng, sao lại ăn cắp xe đạp?
- Gần một tuần nay ve chai lượm bao nhiêu cũng có nhưng bán chẳng ai mua. Mẹ cháu lại bị đau, nhà hết tiền, cháu làm liều kiếm tiền mua thức ăn và mua thuốc cho mẹ cháu.
- Cháu tự làm chuyện này hay có ai bày không?
- Thằng Toán ở cùng xóm bày cháu. Thằng này rất giỏi chuyện ăn cắp. Nó nói theo kinh nghiệm của nó, sau khi dựng xe đạp, người ta đi thẳng vào trong tiệm, ít khi quay lưng nhìn lại. Do vậy, mình canh sẵn, họ vừa quay lưng là mình chớp thật nhanh và chạy đi ngay. Cháu làm theo lời thằng Toán bày.
- Cháu có biết là ăn cắp thì sẽ bị ở tù không?
- Cháu không biết, nhưng mẹ cháu thường nói với cháu ăn cắp là không tốt, mai mốt chết xuống sẽ bị trừng phạt. Cháu đi lượm ve chai với mẹ, thấy đồ đạc người ta để quanh nhà nhưng không bao giờ cháu lấy. Chú ơi, chú tha tội cho cháu. Cháu lỡ lần này thôi.
- Chú sẽ chẳng làm gì cháu đâu. Chú cũng không phải là “cách mạng đang làm trên phường đâu”.
Tôi quay sang Thắng:
- Chắc Thắng lầm chú với người nào trên phường.
Thắng cười bẽn lẽn:
- Vậy mà cháu cứ tưởng …. Làm thằng Thảo hết hồn.
Tôi hỏi Thảo:
- Nghe nói mẹ cháu bị đau. Mai cho chú ghé thăm mẹ, rồi hẵn đến gặp ông Bốn thợ mộc. Được không?
Thảo lắc đầu quầy quậy:
- Không được đâu chú ơi. Lỡ chú nói với mẹ chuyện cháu làm bậy, mẹ sẽ đánh cháu.
- Chú sẽ không nói gì hết. Chỉ thăm mẹ thôi.
- Thôi chú. Cháu sợ lắm.
Tôi lấy một ít tiền lẻ dúi vào tay Thắng:
- Cho cháu cái này. Cháu mua cái gì cho Thảo cùng ăn. Chắc nó đang đói. Mai hai đứa nhớ đến, đưa chú đi gặp ông Bốn thợ mộc.
Thắng thích chí:
- Đúng đó chú. Chiều đến giờ thằng Thảo chưa ăn gì. Cháu sẽ mua bánh mì pa-tê. Mai tụi cháu sẽ đến sớm.
Tôi quay về, nói với anh Bảy:
- Có thiếu chút ít nhưng dù sao nó cũng trả tiền lại rồi. Đi tìm ông Bốn thợ mộc làm gì cho mất công?
Anh Bảy lật qua lật lại gói tiền Thảo đưa, cười buồn:
- Hồi nãy chưa kịp nói với chú. Đã nghèo còn gặp cái eo. Tiền thằng Thảo đưa chỉ hơn nửa số tiền anh bỏ ra để mua chiếc xe đạp. Chắc nó bán rẻ. Rẻ người ta mới mua. Bây giờ chỉ còn cách tìm người mua để lấy lại chiếc xe đạp.
3.
Sáng sớm, vừa mở cửa, Thắng và Thảo đã ngồi sẵn trước hiên nhà.
- Các cháu đến sớm vậy?
Thắng nhanh nhẩu:
- Thằng Thảo nói với cháu nó rất hối hận. Nó muốn đưa chú đến gặp ông Bốn thợ mộc ngay để lấy lại chiếc xe. Đêm qua nó chỉ mong trời sáng để sang gặp chú.
- Chờ chú một chút. Chú vào thay quần áo rồi đi.
Anh Bảy và tôi theo hai cậu bé đi lòng vòng qua nhiều đường hẻm ở phía ga xe lửa Hòa Hưng. Mất hơn 20 phút đi bộ mới đến nhà ông Bốn thợ mộc. Căn nhà không đến nỗi tồi tàn như nhà thằng Thảo nhưng nhìn vào có thể nhận ra ngay nhà của dân nghèo.
Bốn thợ mộc trạc 40 tuổi, người hơi thấp, tóc cắt ngắn, khuôn mặt trông có vẻ thật thà. Đặc biệt, đôi chân của ông hơi khập khiểng. Thấy chúng tôi đi với Thảo và Thắng, có lẽ ông đoán được chúng tôi là ai. Ông bước ra, mặt hơi ngượng ngùng, mời chúng tôi vào. Thắng và Thảo cũng vào theo.
Bước vào nhà, tôi thấy một bé trai và một bé gái khoảng hơn 10 tuổi, nước da tái, tóc tai bù xù, đang ngồi ăn cháo với cá khô. Nghề ông là thợ mộc, nhưng nhìn quanh nhà không thấy bàn, tủ, hay đồ đạc gì đáng giá. Tôi có ý quan sát để xem ông để chiếc xe đạp ở đâu nhưng không thấy.
Anh Bảy làm ra vẻ thân thiện:
- Chào anh Bốn. Chị đâu rồi? Sao không ăn sáng với mấy cháu?
- Bà ấy bệnh và qua đời cách đây hai năm. Tôi gà trống nuôi con.
- Anh làm nghề thợ mộc lâu chưa?
- Hơn 10 năm.
- Trước anh cũng ở trong quân đội?
- Không. Chân tôi bị tật nên được miễn dịch vì lý do sức khỏe. Từ khi mẹ cháu qua đời đến giờ, một mình nuôi con, cực khổ quá, có gì không phải mấy anh bỏ qua cho.
Tôi trấn an:
- Không có gì đâu anh Bốn. Thảo nói nó bán chiếc xe đạp cho anh?
Bốn thợ mộc gật đầu:
- Nó bán cho tôi trưa hôm qua. Nó đi ngang nhà, hỏi tôi có muốn mua xe không, nó bán.
- Anh có biết đó là đồ ăn cắp không?
- Thật tình tôi không biết. Tôi thiệt thà, ai nói gì cũng tin. Nó nói đó là xe của nó thì tôi tin là của nó nhưng khi thấy các anh đến đây tôi mới hiểu ra.
- Sao anh không mua xe ngoài tiệm, có hóa đơn, có nguồn gốc đàng hoàng?
Bốn thợ mộc thở dài:
- Bữa trước tôi có tính mua ngoài tiệm nhưng không đủ tiền.
Anh Bảy đứng dậy, nhìn quanh, rồi nói:
- Anh Bốn này. Thằng Thảo đã đưa tiền bán xe cho tôi, bây giờ tôi trả lại anh, anh cho tôi lấy lại chiếc xe đạp.
Nói xong, anh Bảy để gói tiền trên bàn.
Bốn thợ mộc ngồi im một một lúc, khuôn mặt thẫn thờ.
- Tôi bán lại cho người khác rồi.
Anh Bảy không tin:
- Mới trưa hôm qua anh mua của thằng Thảo, bây giờ anh nói anh bán cho người khác rồi. Sao mà nhanh vậy?
Bốn thợ mộc chùng giọng:
- Thấy rẻ thì ham và mua. Mua xong thấy kham không nổi. Gần một tuần nay không đi làm vì chẳng ai thuê. Nhà hết gạo, hết đồ ăn. Vốn liếng chỉ có chừng đó. Chiều hôm qua phải bán lại cho một người qua đường, cũng bằng giá tiền đã trả cho thằng Thảo, không lời lỗ gì. Tôi thật có lỗi với các anh.
Anh Bảy quay sang nhìn tôi, lộ vẻ thất vọng. Tôi nhìn Bốn thợ mộc. Khuôn mặt chơn chất hiền hậu thoáng có chút sợ hãi của ông trông thật tội nghiệp. Hai đứa nhỏ vừa ăn cháo xong, đang dọn chén bát mang ra ngoài sân rửa. Thảo đứng khép nép trong góc phòng. Thắng đứng bên cạnh, cầm bàn tay Thảo.
Tôi nói với anh Bảy:
- Thôi anh Bảy. Tiếc làm gì? Đáng lẽ mình đã chết trong chiến tranh, bây giờ vẫn còn sống là may lắm rồi. Còn người còn của mà. Anh Bốn đây thì nghèo, mình cũng khổ, mà mẹ thằng Thảo cũng cơ cực. Thôi thì mỗi người chia nhau một chút khổ trong lúc khó khăn này ./.
phạm cao hoàng
1975
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ