Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

về nhà văn bảo ninh [i.e. hoàng ấu phương 1952- ] -- blog phan nguyên

Monday, 11 November 2013

Bảo Ninh











Bảo Ninh

tên thật: Hoàng Ấu Phương
(18/10/1952 - ........) Nghệ An
nhà văn












Bảo Ninh quê ở Quảng Bình nhưng sinh ra tại Nghệ An. 
Tên thật là Hoàng Ấu Phương, con trai của giáo sư Hoàng Tuệ nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam. 
Trong thời kỳ chiến tranh, Bảo Ninh đã từng là lính bộ đội chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên với sư đoàn 10, sau giải ngũ, trở lại học Đại học Hà Nội từ 1976 đến 1981.
Từ 1984 - 1986 Bảo Ninh học khóa 2 trường viết văn Nguyễn Du và làm việc cho báo Văn Nghệ Trẻ.

Bảo Ninh cũng là nhà văn đặc biệt được biết đến trong thời kỳ Đổi Mới với chính sách cởi mở hay"cởi trói" văn học tại Việt Nam.
 Tác phẩm Thân Phận Của Tình Yêu được in lần đầu năm 1987, về sau lấy lại tên cũ là Nỗi Buồn Chiến Tranh. 
Quyển tiểu thuyết đã mau chóng trở thành một hiện tượng văn học được dịch sang nhiều thứ tiếng và giới thiệu khắp nơi trên thế giới.
Gần đây nhất đã được chuyển ngữ sang tiếng Ba Tư (Iran).












Văn là nghĩ



“Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn tự xem mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm và có ham thú đúc kết nhân tình thế thái đặng tìm ra cho bản thân mình và bạn đọc của mình những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người, một đời sống tuy ngắn ngủi và khá là ảm đạm, nhiều buồn đau và bất hạnh, song lại cũng hàm chứa vô cùng tận những lẽ đời đáng sống, những giá trị cao quý, những vẻ đẹp tuyệt vời, hạnh phúc và niềm vui” 



Bảo Ninh 
(in trên bìa tập sách Bảo Ninh - Những truyện ngắn)



















tác phẩm mới nhất









tập truyện ngắn
Nxb Trẻ 2013




đọc sách 'Bảo Ninh - Những truyện ngắn': Nỗi buồn không phải của chiến tranh


Bảo Ninh - Những truyện ngắn có bìa đơn giản, nổi bật nhất là chữ Bảo Ninh cỡ lớn, màu đỏ tươi được mạ bóng. Cuốn sách không cần cách “chào mời” nào khác, tên tác giả chính là lý do người đọc tìm đến. Nếu đã biết ông là ai, độc giả chắc chắn sẽ “vồ” lấy đọc ngay. Nếu chưa biết ông (dễ rơi vào lứa độc giả 9X), có thể người ta sẽ đi lướt qua cuốn sách trên giá như lướt qua bất cứ cuốn sách nào trông quá dày và giá hơi cao.

Đây là tuyển tập dày dặn, gồm 36 truyện ngắn của tác giả Nỗi buồn chiến tranh, mà NXB Trẻ khẳng định là một tuyển tập khá đầy đủ những truyện hay và ấn tượng nhất của một trong những nhà văn lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Nhà báo Dương Phương Vinh, người đọc khá kỹ văn Bảo Ninh, lại cho rằng gia tài truyện ngắn của ông còn nhiều nữa.


Truyện ngắn Bảo Ninh buồn, ảm đạm, không hẳn vì kể chuyện chiến tranh. Có những truyện hầu như không thấy bóng dáng chiến tranh, mà là đời sống ở một đô thị bắt đầu trỗi dậy (Hà Nội) thời mấy chục năm trước.

Bảo Ninh cũng là một nhà văn hay viết về Hà Nội và đề tài đô thị thời bình, có thể khẳng định như vậy bất chấp tên tuổi ông có lẽ gắn liền với đề tài chiến tranh/hậu chiến vì mức độ nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh.




nhà văn Bảo Ninh

Bảo Ninh ở một diện mạo khác

Không phải ngẫu nhiên mà tập truyện được ra mắt cùng với chùm sách về Hà Nội “Sách trẻ với thủ đô” của NXB Trẻ trong tháng 10 này, bên cạnh tác phẩm về Hà Nội của những tác giả có tên tuổi khác như Nguyễn Việt Hà, Phạm Ngọc Tiến, Đỗ Phấn. 

Nhà văn Bảo Ninh không có mặt ở buổi ra mắt sách ngày 7/10 ở Thư viện Hà Nội vì đang ở Hàn Quốc. Cũng lâu rồi ông không phát biểu trước công luận, ít thấy dự ra mắt sách. Có lẽ đó là cách ứng xử khôn ngoan của một tác giả đã được công nhận về tầm vóc, có vị trí trong nền văn chương, và của những người cầm bút có thực tài nói chung.



Bảo Ninh viết không nhiều như nhiều nhà văn cùng thế hệ và cùng tầm khác, nhưng cũng không phải là “nhà văn một tác phẩm” (Nỗi buồn chiến tranh) như nhiều người nhầm tưởng. Tập truyện ngắn này là một minh chứng.

Sống và chỉ sống mà thôi

Trong văn Bảo Ninh nổi bật một Hà Nội hậu chiến. Một Hà Nội gần gần mà xa xa, thỉnh thoảng vẫn được nhắc lại đâu đó trong một bài hát, một triển lãm ảnh, một đoạn phim... Vậy còn trong văn? Bảo Ninh góp một góc nhìn trầm lắng, phải nói là buồn, không thấy lạc quan, nếu nhìn vào kết cục của các nhân vật. 

Bảo Ninh viết về chiến tranh hay không về chiến tranh đều hướng ngòi bút vào các mối quan hệ tình cảm giữa con người, cá nhân nhưng không nhỏ nhặt và đòi hỏi sự quan sát tinh tường. 

Văn là nghĩ

“Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn tự xem mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm và có ham thú đúc kết nhân tình thế thái đặng tìm ra cho bản thân mình và bạn đọc của mình những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người, một đời sống tuy ngắn ngủi và khá là ảm đạm, nhiều buồn đau và bất hạnh, song lại cũng hàm chứa vô cùng tận những lẽ đời đáng sống, những giá trị cao quý, những vẻ đẹp tuyệt vời, hạnh phúc và niềm vui” - Nhà văn Bảo Ninh (in trên bìa tập sách Bảo Ninh - Những truyện ngắn)

Trong Mắc cạn, hình ảnh thời bao cấp khốn khó được lồng vào chuyện của đôi vợ chồng bỏ nhau nhưng cuộc sống vẫn gắn chặt vào nhau: “Con người ta thuở ấy cũng như con người ta muôn thuở chỉ lo sống, cứ thế sống, sống và chỉ sống mà thôi”. 

Trong Lối mòn dọc phố, Hà Nội khi loại bỏ phương tiện giao thông tàu điện là bối cảnh cho một mối tương giao kỳ lạ của người công chức nghèo và một cô gái đẹp lạ lẫm trên một chuyến tàu đêm muộn màng: “Không còn tàu điện nữa. Đường ray đã bị bóc. Cái bộ xương han gỉ, cái di tích sống động và tàn tạ của Hà thành cả một thế kỷ 20 đã thật sự chết rồi... Hàng ngày bám theo lối mòn giữa phố ấy, lòng tôi vẫn âm thầm ấp ủ một cuộc gặp gỡ không bao giờ còn có thể”.

Tiếc là các truyện ngắn trong sách không được ghi kèm năm sáng tác để độc giả dễ liên tưởng với hoàn cảnh xã hội. Thời điểm sáng tác, giả sử với những truyện ngắn có bối cảnh miền quê hoặc rừng núi không quá quen thuộc của Nguyễn Huy Thiệp (Con gái thủy thần, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ...) thì không quá cần thiết. Nhưng với bối cảnh Hà Nội như trong truyện ngắn Bảo Ninh, thứ bối cảnh đã quá quen thuộc với không chỉ người Hà Nội nhờ mức độ phủ sóng trên truyền thông, thì cần. Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử là thứ người ta luôn tò mò tìm hiểu và so sánh.

Vật đổi sao dời

Viết về thời đại của mình là việc chẳng có gì lạ lẫm. Nhà văn là người chấp nhận thách thức theo đuổi những thứ “vừa cố định vừa đổi thay” (chữ của Bảo Ninh), gắng tạo ra những tác phẩm có giá trị lâu bền, nhìn thấu cả sự ổn định và đổi thay. Là người cầm bút, ai cũng viết ở hiện tại nhưng mơ rằng mãi về sau vẫn còn người đọc mình.

Tiếc là cả Bảo Ninh và những nhà văn tên tuổi cùng thế hệ với ông (từ sau Đổi mới đến nay) hiện có phần mất nhịp với độc giả trẻ đương đại. Văn hay thì không cũ, ảnh đẹp cũng không cũ, nhưng rõ ràng có những đề tài văn học hoặc nhiếp ảnh cũ theo thời gian. Chúng hơi trôi ra ngoài mối quan tâm của xã hội đương đại, nắm giữ một vai trò thiêng liêng nhưng thiệt thòi là gợi về ký ức. 

Những đặc điểm từng cực kỳ quen thuộc khiến đông đảo độc giả đồng cảm, nay trở thành lạ lẫm với thế hệ độc giả mới. Vật đổi sao dời. Văn về thời bao cấp, cũng như những triển lãm ảnh về Hà Nội thời bao cấp, chúng cuốn người ta vào hoài niệm khi thi thoảng xuất hiện trong đời sống nghệ thuật đương đại, nhưng có vẻ không có nhiều mối liên quan với hiện tại và tương lai.

Tất nhiên, hiện tại nằm trong quá khứ và tương lai, nhưng dường như thế hệ nhà văn nào, thế hệ độc giả đó. Những người đọc “chệch” thế hệ, thực sự hoài cổ, có lẽ ngày càng thu hẹp thành số ít.




Bảo Ninh - Những truyện ngắn, 570 trang, do NXB Trẻ ấn hành tháng 10/2013. Các truyện tiêu biểu: Mắc cạn, Bí ẩn của làn nước, La Mác-xây-e, Khắc dấu mạn thuyền, Lối mòn dọc phố, Lan man trong lúc kẹt xe, Thời tiết của ký ức...

Trước đây, có vài tuyển tập truyện ngắn của Bảo Ninh đã được xuất bản như Chuyện xưa kết đi, được chưa? (NXB Văn học), Bảo Ninh - Tác phẩm chọn lọc (NXB Phụ nữ), Lan man trong lúc kẹt xe (NXB Hội Nhà văn), Truyện ngắn Bảo Ninh (NXB Công an Nhân dân).
Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của ông (được dịch ra 19 thứ tiếng) hàng năm vẫn được tái bản dưới nhiều hình thức, với cả tên gọi khác Thân phận của tình yêu.

(Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)


















































tác phẩm tiêu biểu đã được dịch sang nhiều thứ tiếng
















Nỗi Buồn Chiến Tranh

giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam
Nxb Hội Nhà văn. 1991












bản dịch tiếng Anh













bản dịch tiếng Pháp

















bản dịch tiếng Ba Lan















bản dịch tiếng Hàn













bản dịch tiếng Nhật















bản dịch tiếng Ba Tư








V.V.





















truyện ngắn được nhiều độc giả biết đến



Gió Dại



Kìa. Nghe thấy không. Hình như là Diệu Nương đấy!

Nhiều tháng, và chừng nhiều năm trời rồi, Diệu Nương, cô gái ấy đã bị bắn chết từ những bao giờ vậy mà vào mỗi buổi mai trước khi bắt sang một ngày mới ở làng Diêm người ta vẫn mơ hồ ngái ngủ bảo với nhau thế.

– Kìa...

Như thế có thể nghe thấy quá khứ, như thế có thể thu được hồi thanh của thời gian vậy.

“Ta rong chơi giữa đời biết đâu nguồn cội
Em xin làm bến đợi mà chân anh ghé qua...”

Khi đó là giờ của rạng đông yên tĩnh với ngôi sao Mai miền thảo nguyên to lạ lùng, toả ánh biếc trên tầng không quang mây đang tảng sáng. Vào giờ đó mặt trời chưa mọc nhưng trên đồng cỏ bóng tối và sương mù đang nhẹ tách khỏi nhau, đang tan. Trong mông lung, làng mờ hiện.

Một vệt đường 14. Những cụm nhà mái tôn. Một ngôi nhà thờ.

Eo óc tiếng gà gáy da diết và cọt kẹt tiếng những con ròng rọc quay trên các miệng giếng trong làng. Làng Diêm thức giấc, buồn ngắt, chơ vơ, nổi lên chìm lịm giữa bốn bề mênh mông thảo nguyên bao la quạnh vắng.

Vào giờ đó, phía bên kia đồng cỏ những cỗ 105 ly trong căn cứ pháo binh của quân đoàn 2 nguỵ vẫn đang ngon giấc nồng và chiếc thám thính cơ L19 bọn nguỵ dành riêng cho làng Diêm còn chưa chấm hiện lên ở chân trời. Dưới sông A Rang chảy ngoài rìa làng, chiếc xe tải qua ngầm trễ nhất vừa lội lọt sang được bên bờ bên kia, để lại những vòng sóng lan rộng tắt dần trên mặt nước mùa khô phẳng phiu.

Vào khoảng giờ này hồi trước, trong thinh không đang ngân vang tiếng chuông giục giã giáo dân đi lễ mi-sa buổi sớm, nhưng trúng phải đạn đại bác tháp chuông đã từ lâu rồi im hơi lặng tiếng. Khắp sân nhà thờ toác hoác những hố bom và hố pháo không ai buồn lấp. Um tùm lùm bụi và gai góc tràn lấn các lối đi. Hàng sáng trên thềm đá dưới hiên nhà thờ, một mình vị linh mục trong bộ chùng thâm âm thầm tựa cửa ngóng mặt trời lên và chờ đợi bóng dáng con chiên.

Suốt đêm, trên khúc đường 14 chạy ngang trước nhà thờ nườm nượp xe pháo và quân lính trẩy dọc qua làng. Bây giờ tất cả đã biến đi nhường chỗ cho buổi tinh mơ không một bóng người.

Sau sương, trên đường thôn nghe như có tiếng xe bò lăn bánh, lộc cộc lộc cộc ra đồng. Đây đó, im lìm rải rác những mái nhà tôn còn ẩm hơi khuya nhè nhẹ thở ra làn khói bếp.

“Ta rong chơi giữa đời... ới a... biết đâu nguồn cội...” , từ đâu đó dưới đáy sương nương theo ngọn gió sau chót của trời đêm đang lẳng lặng giã từ bờ sông và đồng cỏ, tiếng hát cất lên, bổng bay.

Trong cõi lòng ủ ê của linh mục thoáng rợn luồng cảm giác như dòng điện. Ông rùng mình, bàn tay chực đưa lên làm dấu thõng rơi. Nhắm mắt lại, ông cúi đầu xuống, khẽ thở dài.

Xa, sau rặng đồi thâm thấp nhấp nhô trên bờ đông đồng cỏ vừng dương ướt át, mềm mại và tươi hồng đang thầm lặng nhô lên. Từ tù mù xám đục không gian bỗng trong vắt một vùng và cả nửa vòm trời đã ngả màu lơ. Ánh sáng lung linh chảy thành dòng. Khắp nơi, những giọt sương lớn rực lên như những hạt kim cương chói ngời dính trên ngọn cỏ. Cùng với ngày mới tiếng hát dường như lớn lên mãi và tràn rộng ra, vừa sâu trầm vừa vút cao, tự thoát đi trở thành những thanh âm vô chủ, ngân lên hoang dã trở thành khúc du ca của thiên nhiên.

Trong làng, bọn trẻ hát với theo Diệu Nương. Người lớn, ai nấy sững sờ.

Bên sông, trong trận địa cao xạ bảo vệ ngầm, các pháo thủ đang làm công tác chuẩn bị chiến đấu trong ngày đều bất giác ngừng hết việc lại. Các trinh sát viên rời mắt khỏi bầu trời, dõi ống nhòm về phía làng.

“...trăng ơi mày quá tệ mà em đi không về...”

– Kìa. Trông kìa. Cô ta đấy!

Một người lính kêu lên, đưa tay trỏ.

Cảnh vật được ống nhòm làm cho xích gần lại. Sau những lùm cây che lấp con đường nhỏ viền quanh làng dường như thấp thoáng bóng người đàn bà đang hát. Trong màn ban mai ảo mộng và thực tại lẫn lộn, âm thanh và hình ảnh hoà nhập. Một thân hình thon thả, một dáng đi uyển chuyển. Suối tóc mượt xoã trên lưng. Song đó có thể chỉ là hư ảnh của bài ca, một ảo giác lồng trong tiếng hát. Một bóng ma. Một bóng ma tha thướt và quyến rũ, mềm mại và sống động nhưng có thể bỗng chốc tan biến trong huyền bí.

Đứng trên nóc hầm thông tin, đại đội trưởng và chính trị viên chuyền nhau chiếc ống nhòm.

Huyền thoại về Diệu Nương, nữ ca sĩ nguỵ Sài Gòn bị chiến sự thình lình cầm giữ lại trong vùng giải phóng, lâu nay là câu chuyện hàng ngày ở pháo đội này. Trí tưởng tượng của từng người thêm thắt vào làm giàu thêm những chi tiết hoang đường.

– Rong chơi! – Chính trị viên buông ống nhòm, nhăn mặt. – Không bắt cái đồ đĩ ấy câm miệng lại thì cả đại đội sẽ bị nó hớp hết hồn vía. Rồi sẽ khối đứa đâm đầu theo nó để rong chơi.

– Nhưng làm sao cấm hát được? – Đại đội trưởng nhún vai.

– Cấm! Vì đó là nhạc vàng phản chiến, là nguỵ ca.

– Đấy là Trịnh Công Sơn.

– Cũng thế thôi. Mà làm sao cứ đúng giờ này là nó lên giọng nỉ non, hay nó làm ám hiệu? Hay nó toan rủ rê, ve vãn lính mình bỏ trận địa để xuống ngủ với nó rồi sinh bệnh, mất sức chiến đấu? Có phải nó toan thế không?

– Nhưng cô ta hát mới hay làm sao. Thật là một giọng hát tiên cô.

Ở bên kia sông, một toán bộ binh đang lội qua vàm cỏ gianh. Ánh kim loại lấp lánh. Người đi sau cùng dừng lại, ngoái nhìn về làng Diêm.

Mặt sông A Rang màu lam bốc hơi nghi ngút. Gió sang sông mang theo tiếng hát. Cơ thể người lính đón nhận tiếng hát với cái rùng mình nhè nhẹ. Giai điệu của bài ca như đụng khẽ vào tim anh. Trong trẻo và sáng rõ như được tắm gội trong khí mát ban mai, nhưng càng lan xa bài ca càng rung lên nỗi buồn, một nỗi buồn sâu thẳm, cao vời vợi và rộng lớn vô biên, dường như tiếng hát ấy chính là nỗi niềm của thảo nguyên. Thảo nguyên tự do, mênh mông vô tận, chạy hút về phương trời xa xăm, không biết đến những đường ranh, không biết đến các tuyến tiền duyên, không màng gì đến chiến tranh, trận mạc, bom pháo, giết chóc.

– Buồn thay, khúc du ca lạc loài. Nỗi sầu thương hồ hải.

Mặc dù người ta đồn thổi, người ta thêu dệt, cuộc đời của Diệu Nương vẫn hoàn toàn là bí ẩn. Thiên hạ chỉ chắc chắn rằng Diệu Nương lưu lạc đến vùng sông A Rang này vào mùa hè năm 1972, sau ngày quân Giải phóng tổng tấn công và quân Sài Gòn tháo chạy, còn trước đó cô là ai, từ đâu cô phiêu bạt tới, tên thật của cô thế nào thì chẳng mấy người biết, mà những người xưng là có biết thì lại mỗi người kể mỗi phách. Ngay chính Diệu Nương hình như cô cũng không hề hay biết gì nữa về mình. Đời cô, cô dường đã quên cả.

– Nghe nói khi dạt về đến đây cô ta thậm chí chẳng còn lấy một manh vải che thân.

Tôi cũng có nghe nói vậy. Song, vào “mùa hè đỏ lửa” thì có riêng gì Diệu Nương mới ra thân tàn ma dại, tôi nghĩ. Cũng như cỏ cây, số phận con người mà bị khói lửa chiến tranh ngốn thì chỉ loáng chốc thôi là thành tro than.

Năm 72, mùa hạ rùng rợn, chiến sự giết hàng đống người. Người chết, chết ngả rạ dọc các ngã đường, nằm la liệt trên các nội cỏ và nổi lềnh phềnh trên mặt sông. Người còn sống, sống ngắc ngoải, dở sống dở chết. Tứ phương tan tác. Người ta bảo rằng cả đến thiên nhiên cũng thể như bị hoá kiếp. Cảnh làng biến tướng.

Thực ra thì không làm gì còn làng nữa, chỉ còn tàn tích. Ngày trước làng ồn ào nhộn nhịp, nửa làng nửa phố, nhà cửa san sát, trù phú, thịnh đạt lắm. Cách thị xã có mười cây số đường chim bay, làng được quân Mỹ gìn giữ. Đàn ông trong làng đi lính hưởng lương, đàn bà buôn bán chạy chợ. Cả làng ngoan đạo. Bây giờ bao nhiêu sự giàu có thời Mỹ-ngụy đều rữa nát và mục thối ra dưới những đống hoang tàn chìm lấp trong cỏ tranh và cỏ đuôi chồn.

Ngày ngày làng rơi trong tầm đại bác từ thị xã rót về và ngày ngày hàng đàn phi cơ tràn tới, hoặc cắn đuôi nhau bổ nhào hoặc bay bằng trút bom xuống làng, xuống hai bờ sông, xuống đồng cỏ. Cây cầu sắt bắc qua sông A Rang bị đánh sập. Công binh vận đá về làm ngầm, bom pháo càng thêm ác liệt. Đất trời nghiêng ngửa.

Giữa năm 73, tiểu đoàn 17 pháo cao xạ được điều về giữ ngầm A Rang. Ba đại đội pháo 37 ly chốt trên hai bờ sông, tạo thế chân kiềng quần nhau với không quân nguỵ. Đại đội tôi bám chân ngay kề làng Diêm.

Một cái làng cô hồn. Cỏ dại, gai góc, lùm bụi, những đống gạch vụn, ngói nát, rầm gãy ngổn ngang. Rải rác, xiêu vẹo những túp nhà nửa lều nửa hầm mọc ngoi lên trên nền đổ nát. Từ những đống hoang tàn, bầy chó trong làng bới ra được đủ thứ nát bét của đời sống một thời đã sụp đổ: những mớ nhầu bấy rách bươm và sặc sỡ váy áo, mũ mão, đồ da, đồ nhựa, những mảnh vụn đồ gỗ, đồ thuỷ tinh, vật dụng gia đình... cùng những khúc xương người mà đàn chó xâu xé, giằng giật của nhau, tha đi, chuyền cho nhau như đánh khăng.

Dân cư của làng thưa vãn và suy tàn, đầy rẫy những nhân vật hoang dại. Đàn ông còn chẳng được bao nhiêu thế mà đa phần lại là phế binh nguỵ đã hết thời được ngó ngàng chăm sóc, què cụt, đui mù, bẹp dí. Hầu như chỉ thấy đàn bà trẻ con ló mặt ra khỏi nhà. Những mụ vợ lính lạc chồng, những ả goá rách rưới, rạc rài, không lai lịch và bầy trẻ ranh ốm đói gầy giơ xương, trần truồng, bụng ỏng.

Phần đông bọn họ vốn không phải là người làng Diêm. Mùa hè năm 72 từ nhiều trị trấn, làng mạc, khu gia binh, họ nhập vào dòng thác người bại trận đổ xô theo đường 14 dồn về thị xã. Đụng phải xe tăng giải phóng, biển người bị nén lại ở làng Diêm. Tại đây, vào lúc nửa đêm đã diễn ra một cuộc thảm sát.

Người ta kể lại rằng đêm ấy, nghe tiếng động cơ của một chiếc C130 lượn ì ì trên bầu trời đồng cỏ, đám dân chạy loạn đã đốt lên cả ngàn ngọn đuốc. Một cây thánh giá khổng lồ đã được vẽ ra bằng lửa trên quảng trường trước nhà thờ. Trong đêm tối, người ta hò hét, kêu gào, vẫy bọn phi công, có nhẽ người ta hình dung chiếc máy bay ấy là con tàu Nô-ê cứu nạn do Chúa Trời điều tới. Không ai nghe thấy những loạt đề-pa, không ai nhìn thấy những loáng lửa đầu nòng chớp lên giần giật ở chân trời. Sau cả giờ đồng hồ chết chìm trong pháo bầy cấp tập, lại tiếp tục những lượt người tan xương nát thịt dưới trận mưa bom kéo rền rền cho tận sáng. Trong nhúm những người may mắn còn được sống có lẫn Diệu Nương.

Bọn họ trở thành người làng Diêm từ đấy. Từ đấy tất cả bắt đầu cuộc đổi đời bắt buộc. Bất kể xưa kia từng là nhân vật thế nào, gia thế ra sao, làm nghề gì, là ông hay thằng, sang hay hèn, tất cả đều phải cam chịu sống đời gian khổ, ăn đói mặc rách, đổ mồ hôi trên nương sắn rẫy lúa tự cày cuốc nuôi thân. Tất cả đều phải sớm biết thu mình vào khuôn khổ kỷ cương của chính quyền mới. Những kẻ cứng đầu, những tên to mồm đều bị thẳng thừng trấn áp. Nhiều tên bị bắn, nhiều kẻ bị bắt.

Cả Diệu Nương cũng đã một lần bị du kích tống giam. Họ nhốt cô ba ngày trong xà lim hầm đất vì tội nhiều lần tự do hát những ca khúc vàng vọt. Được thả, cô vẫn chẳng chừa nết điên, vẫn buông thả không khuôn phép, tự do lãng đãng sống tách khỏi cộng đồng, và sáng sáng chiều chiều, trong say sưa mê sảng cô vẫn cứ hát, giọng ca huyền hoặc quỉ ám. Người ta còn đồn rằng đêm đêm cánh đàn ông vẫn mò mẫm tới túp lều nát của cô ở ven sông. Họ gõ cộc cộc vào cánh cửa gỗ dán hoặc cào sột sột vào vách liếp. Họ thu trong tay họ, người thì phong lương khô hoặc túi gạo sấy, người thì hộp thịt, bao thuốc lá hay miếng vải, hay là kim chỉ, gương lược, diêm muối, đủ thứ để đổi lấy một thứ. Tất nhiên là những lời dè bỉu ấy chẳng có bằng cứ nào, chỉ là phỏng chừng, song dù vậy tiếng tăm điên rồ và vô liêm sỉ của cô vẫn xầm xì lan truyền đi. Có thể chính vì thế mà nhiều người bảo rằng ngày trước Diệu Nương là gái bán bar trong căn cứ Mỹ, thậm tệ hơn người ta còn bảo cô vốn là một con thiên nga, đại khái là đồ đĩ rạc. Hư thực ra sao chẳng ai quả quyết, bởi vì còn những lời đồn đại hoàn toàn khác, những thuyết khác hẳn về nguồn gốc của Diệu Nương.

Ví dụ, nhiều người đã nghe nói rằng thuở trước Diệu Nương là ca sĩ của một ban nhạc Sài Gòn. Ban nhạc này nhận lời lên biểu diễn cho một đơn vị biệt động quân đồn trú tại Tân Trấn. Suất diễn cuối cùng của họ rủi thay lại trùng với giờ N mở màn “Mùa hè đỏ lửa”. Xe tăng và bộ binh giải phóng tràn ngập Tân Trấn, tuyến phòng thủ bị vỡ, quân lính bị giết, ban nhạc tan tác. Diệu Nương theo dòng người chạy loạn về tới làng Diêm thì cùng đường. Áo xống lộng lẫy của nữ danh ca biến thành tã trong cuộc tháo chạy ngang đồng cỏ ngút lửa. Đêm đến, trong hoả ngục rùng rợn của cuộc tàn sát, pháo dập bom rơi, Diệu Nương bị vùi dưới núi xác chết chất trên sân nhà thờ. Hơn một ngày thở bằng hơi thở của các tử thi rồi mới được moi ra, toàn thân cô bê bết máu đặc như một thỏi son. Và bởi chấn thương tinh thần do nỗi kinh hoàng đêm ấy mà Diệu Nương trở nên điên dại – người ta bảo thế, lúc điên ngấm ngầm, lúc lấp lửng điên, lang thang, vật vã, nửa mộng du, lúc bột phát quay cuồng như mất trí.

Từ đấy, mặc dù được giải phóng nhưng đời cô mai một. Bàn tay cô quá mềm, da quá mỏng không cầm rựa phát cây được, không nhấc nổi cuốc để cuốc đất nên thân cô không được trui rèn, không tự cải tạo được bằng tăng gia sản xuất. Sắc đẹp của cô chỉ làm tăng thêm vẻ lạc loài. Giọng hát vàng của cô chẳng hữu ích cho ai trong thời buổi nghiệt ngã cam go, nay sống mai chết, nhọc nhằn và túng đói.

Tuy nhiên, ngày ngày, vào những ban mai và những hoàng hôn, bản năng xướng ca vẫn thúc bách Diệu Nương cất tiếng hát. Giọng ca tuyệt vời song thảng thốt như làn gió dại lướt xiên đồng cỏ trong ánh nhá nhem buồn thảm của mỗi ngày. Trong lời ca của Diệu Nương đau thắt nỗi nhớ quê nhà, nhớ cuộc đời nghệ sĩ, nhớ sàn diễn, nhớ khán giả, sắp đẹp và tuổi thanh xuân mà nay tất cả đã rời bỏ cô, đã xa lắc xa lơ ở bờ bên kia không thể vượt qua được cả chiến tuyến.

“... nhưng ôi, chúng ta , chính chúng ta đây
một thời chúng ta cũng có
một quê hương và một mối tình...”

Ở làng Diêm bây giờ vẫn còn nhiều người nhẩm lại được giai điệu và lại ca của bài hát buồn vô hạn ấy mà một buổi xế chiều xa xưa nọ Diệu Nương đã lần đầu hát lên. Chiều ấy, lúc xế tà, bộ đội dong tù binh qua làng. Hàng trăm tên áo rằn bị trói thành cặp, lầm lũi lê bước. Những người lính áp giải, đầu súng gắn lê, gay gắt và lạnh lùng lùa đàn tù, thúc họ đi mau lên để qua nhanh khỏi khu vực làng xóm.

Hai bên đường sau các ngưỡng cửa thấp lè tè lấp ló những khuôn mặt thấp thỏm, sợ sệt, bồn chồn. Dân làng mong tìm kiếm người thân trong đám tù nhưng chẳng ai dám mon men ra đứng ở vệ đường.

Chợt sau rặng cây phía cuối làng thấp thoáng một bóng người. Ấy là Diệu Nương, và giờ đấy, giờ tận chiều của mỗi ngày cũng là giờ xuất thần của cô.

Môi mấp máy, mắt nhìn chăm chăm, Diệu Nương rẽ đám cành lá đi theo đoàn tù. Những người đàn ông lưng còng đang lê bước trên đường không để ý tới cô. Trong bóng chiều chạng vạng mặt mũi họ tối om như mặt đất.

Bỗng người ta nghe thấy những thanh âm là lạ như tiếng ai khe khẽ nức nở. Diệu Nương lấy giọng yếu ớt và vấp váp hát lên một khúc ca hầu như chưa ai từng nghe thấy trên đời, thoạt nhiên hầu như không tài nào hiểu nổi. Tiếng hát nhỏ, giai điệu u tối và không rõ lời.

Như thể nghẹn ngào, Diệu Nương dừng lại lấy hơi rồi lại hát tiếp. Ở giữa khối tù một người chợt cất cao giọng. Rồi một người khác nối theo. Rồi nhiều người. Giọng hát của Diệu Nương như lướt một cái hôn dài trên môi tất cả. Đoàn tù biến thành dàn đồng ca. Những giọng đàn ông chung nhau một bè trầm át tiếng chân bước. Đội áp giải không bắt tù phải im miệng. Những ngọn lê chúc cả xuống.

Dân làng ra cả hai bên đường. Họ lặng lẽ đứng chôn chân nhìn theo đám rước đang khuất trong dám bụi mù bốc lên trên con đường tù đày hầu như vô định xuyên qua thảo nguyên bát ngát. Bài ca của Diệu Nương và của những con người xấu số đau khổ vang vọng trong thinh không lúc ấy đã tràn đầy bóng tối.

“Trong cuộc huynh đệ tương tàn
Chúng ta chỉ là con sâu cái kiến
Nhưng ôi, chúng ta, chính chúng ta đây
Một thời chúng ta cũng có
Một quê hương và một mối tình...”
*

Giờ đây Diệu Nương đã chết. Nhưng trên đồng cỏ, giữa vô vàn gò đống, nấm đất nào là nấm đất của Diệu Nương, ai là người có thể chỉ ra được? Và cả nấm mồ của người bị giết cùng cô nữa, thất lạc nơi đâu trong đất trong cỏ.

Cuộc sống triền miên trôi chảy. Cuộc sống không hề có trí nhớ. Những lớp lá rụng, những lượt thời gian. Đất cát. Cỏ cây. Mùa mưa. Mùa khô. Năm nay tấp lên năm khác.

Ngôi nhà thờ của làng Diêm cuối cùng rồi cũng bị máy bay triệt hạ. Cỏ dại chôn vùi các bức tường đổ, nuốt dần các bực thềm. Sân nhà thờ thành bãi tầm ma. Sáng sáng tiếng quạ kêu trong thánh đường hoang tàn gợi người ta nhớ tới vị linh mục. Ông đã bỏ làng ra đi, không ai biết là đi đâu...

Bên sông, trận địa pháo cao xạ giá chỉ còn chơ vơ những công sự hình móng ngựa đã sụt lở. Đây đó, vài hố bom đìa vẫn còn hoác miệng, những hố bom bi, bom phát quang và hố đạn pháo thì thời gian đã san bằng. Và cái lối nhỏ ngày xưa dính pháo đội với làng nay chỉ mù mờ một vệt trăng trắng uốn lượn lẩn khuất dọc bờ sông um tùm lau lách. Lính tráng đi xa rồi chắc vẫn chưa quên con đường mòn ấy. Trên đường ấy, hồi đó ngày hai bận anh nuôi từ trong làng gùi cơm canh ra trận địa. Ban đêm, nhất là những đêm tối giời, cũng lối ấy lính các khẩu đội tụt tạt mò vào làng “dân vận”". Thoáng bóng cán bộ đại đội hay là đội tuần tra của du kích, những kẻ xé rào đi ăn sương lẳng lặng né ngang xuống mép sông, thu mình trong bãi lau. Vẳng tiếng cuốc kêu phía đầu làng. Hơi ẩm màn đêm ướt lạnh vai áo. Cầm lòng không đậu.

Hồi ấy lệnh trên hầu như cấm tiệt bộ đội không được tiếp xúc với đám dân cư còn chưa được giác ngộ, còn nửa nguỵ của vùng mới giải phóng, không có nhiệm vụ tuyệt đối không được láng cháng vào làng. Kiêng kỵ như vậy thật kỳ cục, nhưng quân lệnh như sơn, lơ mơ bị bắt quả tang đang vi phạm thì tha hồ mà kiểm thảo lên kiểm thảo xuống, rồi kỷ luật đảng kỷ luật đoàn đủ vành đủ vẻ tai vạ rước vào thân. Song, mặc dù vậy, lính gần dân lửa gần rơm...

Dẫu không phải tình cá nước, nhưng thời gian trôi qua quan hệ vụng trộm giữa các khẩu đội với những túp lều nát trong làng đã thầm lặng in lên mặt cỏ một lối mòn. Ban ngày, trừ tổ anh nuôi, không ai lai vãng trên lối đi ấy, nhưng đêm xuống đó là đường ân tình. Có lẽ tới bây giờ trong mỗi túp lều còn có thể gom lại khối kỷ vật và ở trong lòng mỗi người thì chắc hẳn còn tơ vương nhiều kỷ niệm về các chàng pháo thủ ngày ấy. Người ta bảo rằng trong quan hệ quân dân khuất tất hồi đó đã lén lút sinh ra không ít niềm quyến luyến, gồm cả những mối tình, cho dù, hầu hết chỉ thoảng qua, vội vã, chợt nhen, chợt tắt, tù mù, chẳng dẫn tới gì, chẳng đi đến đâu, nhưng vẫn là tình.

Hồi ấy niềm ước hạng nhất của lính ngoài trận địa là được vào làm phụ bếp cho anh nuôi trưởng Cù. Cả đại đội chỉ mỗi mình Cù chốt hẳn trong làng, còn hai phụ bếp thì phải luân phiên, mỗi tháng thay một lần.

Chẳng hiểu là tới bây giờ hai cái lán nứa nền âm, một nhà kho một nhà bếp, được cất lên ngay cạnh khuôn viên nhà thờ có còn dấu tích gì không. Hồi đó, Cù nhắm vuông đất bên nhà chung bởi anh hy vọng đây là toạ độ tương đối ít phải ăn bom. Bất tiện là phải chung giếng với linh mục nhưng Cù thích cái giếng ấy, nước của nó trong và ngọt nhất làng. Còn cha cố thì tiếng vậy chứ cũng là người. Mặc dù trẻ tuổi song ông ta rất nghiêm túc, vẻ lễ độ khoan hoà, ứng xử biết điều hơn bất kỳ ai trong đám dân chúng làng Diêm. Cù không ưa gì họ. Rặt một phường vô dụng. Sống giữa đồng cỏ, đất đai vô thiên song vì là thứ dân tứ chiếng, một hạng nông dân miễn cưỡng, họ không thiết làm lụng để có ăn mà chỉ toàn một lối xoay xở đắp đổi qua ngày. Có lẽ bọn họ đã quá quen với viện trợ Mỹ, quá quen nằm ngửa ăn sẵn, nên giờ đây lòng họ chỉ canh cánh nhớ nhung hoài tiếc thuở vàng son thối nát đi lính và làm đĩ cho Mỹ cho nguỵ, Cù nghĩ. Có lẽ bọn họ đều ngấm ngầm một lòng với địch, ngấm ngầm mong ngóng một thời cơ, sau cái vẻ bề ngoài nhẫn nhịn và cam chịu mà Cù thấy là đê tiện.

Và nhất là bọn đàn bà. Cù không hiểu nổi cớ làm sao mà đồng đội của anh nhiều tay lại chịu để cho chúng hớp hồn dễ vậy. Cả đại đội năm chục thằng, bao nhiêu năm tút hút trong rừng sâu với nhau chẳng thành vấn đề gì, nhưng vừa kéo nhau ra nơi trời đất quang quẻ, có sông, có làng, có thấp thoáng bóng đàn bà là có chuyện. Mà nào phải là người phụ nữ hiền thục, trung hậu đảm đang nơi quê xa ngoài Bắc hay các chị em giàu truyền thống cách mạng trong vùng hậu cứ. Cả làng, Cù nghĩ, rặt một lũ vi trùng giống cái.

“Vi trùng giống cái truyền bệnh tiêm la, giang mai...”, chí ít thì đấy cũng là cách anh thường nói để răn đe các tay phụ bếp.

Không phải bất cứ gã nào ngoài trận địa Cù cũng nhận vào tổ anh nuôi. Những tay nom tốt mã, những tay bẻm mép, láu lỉnh, lắm tài vặt, dễ léng phéng sinh chuyện gái trai rắc rối là Cù gạt ngay. Có tay bề ngoài củ mỉ cù mì nhưng làm anh nuôi mới quá một ngày đã bị Cù tống khứ về với mâm pháo vì hoá ra là một thằng tẩm ngẩm tầm ngầm.

“Đã là thằng anh nuôi ngày ngày thường xuyên với gạo nước rau mắm của đơn vị – Cù bảo – thì hai bàn tay phải tinh khiết, cấm đụng chạm tới một sự dơ dáy uế tạp, nhất là cấm kỵ không có được vọc vào đàn bà”.

Dân làng cũng hãi Cù. Chẳng ai dám mon men tới gần giếng gần bếp của anh. Dẫu có bắt quen được với tay phụ bếp nào, muốn xin xỏ đổi chác gì cũng phải đợi lúc Cù gùi cơm ra trận địa mới hòng.

Ngày hai lần, tinh mơ và chiều, để một người coi nhà, còn Cù cùng một anh nuôi viên nữa mang bữa ăn ra cho các khẩu đội. Con Ních, một con chó săn nòi Lào nhỏ vóc và nhanh nhẹn, thính mũi cực kỳ chạy mở đường. Họ đi trên đường 14 một đoạn ngắn rồi rẽ xuống, lối đi lượn vòng vèo trong làng qua các túp lều nghèo nàn tường đất mái tôn. Họ đi, người hơi đổ về phía trước, hai bàn tay vòng sau chắp lại đỡ lấy đáy gùi. Hai cái gùi to như hai cái thùng phuy, bọc bao tải, toả hơi nóng và mùi cơm chín tới, mùi thức ăn lính.

Bày chó trong làng thoáng bóng con Ních, chạy dạt cả. Đói meo, chúng núp sau các đống đổ nát hai bên đường, nhìn ra nhưng không dám sủa. Chỉ có mấy thằng bé rách rưới bị mùi nóng sốt quyến rũ bám theo hai cái gùi.

– Bác anh nuôi ơi, bác anh nuôi – Chúng kêu lên khàn khàn như đàn quạ.

– Bọn nguỵ con, cút xéo! Cù quát.

Nhưng nếu có ông lỏi nào gan lỳ bám theo tới cuối làng thì Cù dừng bước, vẫy nó lại. Anh móc trong cái bị cói đeo bên hông ra một củ sắn nướng hoặc bắp ngô luộc, có hôm cả một con cá khô. Anh bảo:

– Đó. Có vậy. Cơm canh bộ đội có chó gì. Sắn cõng gạo. Tàu bay chấm muối riềng. Ơn cách mạng đời chúng mày được giải phóng nhưng phải biết chịu kham khổ. Phải biết cuốc cày mà nuôi lấy nhau, về bảo mẹ chúng mày thế. Đừng có ưỡn ườn ra trên giường mà chờ sung. Cách mạng còn lâu dài. Đến hết đời chúng tao. Hết cả đời chúng mày...

Nghe nói đến bây giờ người ta vẫn thấy con Ních đi và về trên con đường ấy. Nó lần ra bờ sông, ngửi hít những cái vỏ đạn 37 ly đã rỉ xanh rồi leo lên một cái hầm pháo phòng không ngập trong cỏ gianh, đờ đẫn ngó làn nước trôi.

– Bác anh nuôi ơi, bác anh nuôi.

Một trong những thằng bé hồi ấy giờ đã lớn, quen miệng cất tiếng gọi khi trông thấy con chó già cô độc đi trên đường thui thủi. Dường như thằng bé còn nom thấy đằng sau con chó hình bóng hai người lính anh nuôi cõng trên lưng hai chiếc gù.

Con chó bị riết chặt vào con đường mòn. Và bao giờ nó cũng qua làng vào hai thời điểm thấp nhất của mặt trời: khi ban mai, khi hoàng hôn. Không gì có thể làm xao lãng cuộc mộng du ấy. Không ai dám đụng tới con vật đó.

– Chính con chó này đã giết chết Diệu Nương.

Những người mang máng biết chuyện bảo thế. Nhưng những người không hay biết gì về tấn thảm kịch cũng sờ sợ con chó, mơ hồ cảm thấy cuộc dạo chơi buồn thảm nhịp nhàng, lặp đi lặp lại của nó một vẻ mù quáng và điên dại đặc biệt con người.
*

Lần ấy, đến hẹn, khẩu đội 3 và khẩu đội 4 cử mỗi A một người vào làm anh nuôi thay cho Bình khẩu đội 1 và Tuấn khẩu đội 2 đã hết phiên. Nhưng trái lệ thường, Cù chỉ thay Bình còn giữ Tuấn lại. “Thằng ấy thạo việc rồi với lại nó rất chịu thương chịu khó có thể kế cận cho tôi làm anh nuôi mãi cũng được”. Cù giải thích thế.

Tuấn vốn gốc gác bộ binh. Bị thương nặng, đáng lý được ra Bắc rồi nhưng nghe động viên thế nào đó đã tình nguyện ở lại chiến trường. Người ta không điều Tuấn về lại đơn vị cũ mà bổ sung cho tiểu đoàn cao xạ. Anh về đại đội tôi mới được nửa năm, giữ chân pháo thủ số 3 ở khẩu đội 2.

Vóc người anh cao, ốm yếu, võ vàng, cổ lộ hầu, một vết sẹo dữ dội do đạn bắn thẳng cày chéo từ mang tai xuống sát mép. Miệng anh vì thế méo đi, cho anh cái biệt danh là Tuấn “mếu”. Mặc dù là dân Hà Bắc nhưng Tuấn lầm lỳ, nói ít lạ lùng và nói miễn cưỡng. Giữa một đám pháo thủ luôn ăn to nói lớn, thích tán dóc đấu láo, chuyện trò nở như ngô rang, Tuấn âm thầm nín thinh, chẳng góp lại, chẳng bật cười, chẳng bao giờ tức khí nổi xung. Tuyệt đối thờ ơ lãnh đạm. Một nhà quý tộc hay một gã chán đời?

Tuấn dửng dưng với những cú bổ nhào trực tiếp lao cắm xuống trận địa của máy bay cường kích. Bom nổ xa, nổ gần, róc két nã trúng bờ công sự, Tuấn kệ. Song cái thứ tính khí lạnh nhạt, bàng quang với tất thảy ấy lại có vẻ hết sức thích hợp để làm pháo thủ số 3. Giữa cuộc hỗn chiến, số 3 chân chính là người không hề để mắt tới máy bay, tới bom, tới đường đạn bắn lên trúng hay trượt, mà hoàn toàn ung dung tự tại, anh ta chỉ một nhiệm vụ điềm nhiên bình thản quay tay quay điều chỉnh cự ly bắn đón cho pháo theo nhịp đếm của trắc thủ đo xa.

– Đánh nhau kiểu cao xạ sao mà tẻ – có lần Tuấn ra lời bình phẩm như thế với tôi – Đánh nhau mà như thể đánh máy chữ ấy. Chẳng có kịch tính nào, khác xa bộ binh.

– Tại cậu đứng mãi số 3 nên thấy thế đấy, – Tôi bảo – Nếu thích thì đề nghị khẩu đội trưởng cho hoán vị, tớ đứng số 3, cậu ngồi ghế số 2 này mà dận cò.

– À không. Là nói thế. Chứ bảo mình thế nào thì mình thế nấy. Chả xin chả ước gì. Thế tuốt!

– Chán đánh nhau sao cậu không ra Bắc, lại ở lại?

Tuấn nhún vai.

– Hay thất tình? Chắc hay tin vợ ở nhà ngủ với dân quân chứ gì hả?

Tuấn “à” một tiếng rồi lại ngậm tăm. Miệng méo xệch.

Thực ra Tuấn vợ con chưa, ai mà biết. Cả chính trị viên cũng không nắm được gì về Tuấn ngoài mấy dòng trong lý lịch quân nhân. Tuấn chẳng tâm tình chẳng thiết thổ lộ. Chẳng bao giờ thấy anh viết thư hay được thư. Họp hành, anh ngồi im. Cùng lắm là ậm ừ.

Nhưng ngoài cái nết kín bưng nổi bật ấy, Tuấn có nét nổi bật nữa là tài chơi đàn. Anh chơi ghi ta rất được, có lẽ là được nhất đại đội. Khác với lối chơi đàn của lính, Tuấn không vừa đàn vừa dậm chân rung đùi, không lúc lắc vai, không vừa đàn vừa huýt sáo hay là ư ử trong họng, anh đàn một cách thẫn thờ chẳng cuốn hút ai, chẳng phải để cho ai nghe, cũng chẳng phải cho mình.

– Cậu chơi bài gì vậy, nhạc nghe lạ thế, Tuấn?

Tuấn lại chỉ “à” khẽ một tiếng.

Lúc vào làm anh nuôi, Tuấn xách đàn theo. Một cây ghi ta cũ kĩ, thùng đàn xây xát sắp nứt, dây không chuẩn nhưng mà tiếng rất tốt. Nghe nói Tuấn đã mang theo cây đàn vào bộ đội và mọi người đều lấy làm lạ không hiểu bằng cách nào mà anh vẫn giữ được nó qua bao nhiêu là chặng của đời lính.

Vào làng buổi sáng, chiều Tuấn đã cùng Cù đưa cơm ra trận địa. Gùi canh môn thục tổ bố bốc khói trên lưng.

– Vất vả không Tuấn?

– Cũng vất.

– Bọn đàn bà làng Diêm thế nào, giàu kịch tính không?

– À.

Tuấn hờ hững. Bảo ở pháo thì ở, bảo vào anh nuôi thì vào, anh chẳng sốt sắng cũng chẳng thoái thác. Im lìm nguội lạnh, chẳng nói chẳng rằng, song anh làm việc hết mình, không hề nề hà ngại khó, chẳng bao giờ kêu ca.

Thời gian đầu Cù không thích Tuấn, anh bực với cái nết âm thầm ngậm tăm ấy, nhưng rồi cũng đâm quen. Trầm tính không phải là một cái phốt, với lại làm anh nuôi thì cả ngày đầu tắt mặt tối, túi bụi, tất bật, luôn chân luôn tay còn đâu thời gian hở ra nữa mà chuyện vãn.

Chỉ có một khoảng ngắn ngủi về khuya, khi một ngày cơm nước cho đơn vị đã chu toàn, ba chàng anh nuôi mới được tắm táp nghỉ ngơi, tranh thủ trao đổi với nhau đôi lời trước khi mệt nhọc rủ người xuống võng. Cù lôi rượu ra. Mỗi thằng nhấp mỗi chén và nghe Cù cắt cử phần việc phải làm ngày mai. Hôm nào được chút thảnh thơi, Cù và Bình đánh bài, còn Tuấn thì gỡ cây đàn treo trên vách xuống, chầm chậm so dây rồi nhè nhẹ phác một giai điệu.

Bấy giờ, khoảng đầu tháng năm ta, đêm thường mưa. Ngoài sông A Rang nước lên, con lũ chuyển mùa ầm vang đồng cỏ. Trên mây sấm lăn rền rền.

Bình khẽ huýt sáo nhịp theo khúc nhạc. Cù buông bài, quay sang lặng lẽ nghe Tuấn đàn. Âm điệu quá đỗi quen thuộc mỗi sáng mỗi chiều “Ta rong chơi giữa đời biết đâu nguồn cội...”

Ngoài trời miên man mưa, không khí trong lán ẩm ướt. Quầng sáng đèn dầu vàng ủng. Đời lính buồn rầu hiu hắt. Như tiếng thở dài.
*

Bếp anh nuôi và căn nhà của linh mục nom sang nhau qua một vườn rau. Hai bên dùng chung cái giếng xây và cùng đi một lối để vào làng.

Nhà của linh mục cũng nền âm, lại thêm bốn ụ đất bao quanh nên từa tựa một cái hang. Trong tu phòng chẳng có đồ đạc gì. Một cái chõng tre với nệm rơm và gối gỗ, một cái bàn, một cái kệ để sách và ảnh thánh. Ở bên ngoài cửa ra vào treo một cái giá, hàng sáng con chiên trong làng đưa cơm nước tới để lên cái giá đó cho linh mục. Mỗi ngày ông ra khỏi tu phòng đôi ba lần và hầu như chưa hề đi đâu vượt ngoài khuôn viên nhà thờ. Ông sống thu mình kín đáo trong vòng chí thành như một ẩn sĩ.

Bỗng dưng ông rời bỏ nhà thờ, rồi bỏ làng Diêm, lặn mất tăm. Và không hiểu có phải là do ngẫu nhiên không mà ngày ông bỏ đi trùng với ngày Diệu Nương bị giết. Lập tức sinh ra những lời đồn thổi. Tất nhiên chẳng có bằng cứ gì cả. Có điều là từ đấy trong hầu hết các câu chuyện và các giả thiết về đời Diệu Nương người ta đều thấy thấp thoáng bóng cái áo chùng thâm của ông.

Bản thân linh mục cũng là một số phận xui xẻo. Tai hoạ đến với ông cũng bất ngờ, na ná như tai hoạ của Diệu Nương. Nhằm đúng hôm ông lĩnh mệnh bề trên về làng Diêm để cai quản ngôi nhà thờ của làng thì Việt Cộng đùng đùng đánh lớn. Chiếc xe đò đưa ông từ thị xã về làng chưa kịp vào bến đỗ đã nghe súng nổ ran dọc bờ sông A Rang. Pháo 130 ly cấp tập nã và chiến xa T54 xuất hiện thình lình trên con đường 14 tàn nhẫn cắt lối chạy lui. Hành khách đổ xuống xe xô nhau chạy và đám đông con chiên đang tề tựu để mừng đón cha cũng lập tức nháo nhào tan tác.

Người ta bảo rằng đúng vào cái đêm khủng khiếp, đêm bọn Mỹ dội bom xuống biển người di tản, tình cờ Diệu Nương và linh mục nằm kề bên nhau. Chính ông đã moi cô ra khỏi núi xác chết. Và mặc dù khi ấy cô chỉ còn là một cái xác loã lồ và một các xác bê bết máu me, ông đã làm cô hồi tỉnh, đã cứu sống cô. Ông cưu mang cô từ đấy.

Diệu Nương đã được sống nhiều tháng trong nhà thờ, kề cận bên linh mục, y như thể cô là một ma-xơ hay là một người bõ, một người bõ đàn bà. Sống như thế tất nhiên là trái lẽ song giữa hỗn mang đại loạn của thời cuộc lúc bấy giờ thì chẳng điều răn nào là còn hiệu lực, chẳng lề luật nào mà không bị nới lỏng.

Về sau, khi đã bỏ ra sống ở túp lều ngoài rìa làng, Diệu Nương vẫn thường lẻn về nhà thờ gặp cha. Để xưng tội, chắc thế nếu cô là giáo dân, và để tiếp tế cho cha những tặng phẩm mà hàng đêm người này người khác vẫn lén lút đưa tới dấm dúi biếu xén cô. Ấy là những thức họ san sẻ ra từ khẩu phần lính mỗi ngày của họ, hoặc là những đồ nhu yếu họ quơ được khi thu chiến lợi phẩm. Diệu Nương nhận quà cáp và ngủ với tất cả, khi thì ở trong lều, khi thì ở ngoài bờ sông trên bãi cỏ dưới trăng mờ.

Cô là đồ điếm, song từ bao giờ cô đâm ra như thế, cô không nhớ mà mọi người cũng vậy, không nhớ không biết. Không lẽ từ ngày được giải phóng, được đổi đời, cô trở thành đồi bại?

Rất có thể bản tính Diệu Nương đã hư hỏng sẵn rồi. Chẳng vậy mà thiên hạ đồn cô vốn gốc gác “thiên nga”? Ngủ với cô rồi giữa hai chầu rượu nhiều kẻ kháo nhau về cô, bảo cô là cái ổ của những tật bệnh xấu xa.

Riêng tôi, mà có lẽ chẳng riêng tôi, không coi cái nết lang chạ của Diệu Nương là hư đốn hay đồi bại gì sất. Đến với Diệu Nương tôi đã được hưởng những phút giây chưa từng được hưởng bao giờ ở quê nhà ngoài kia.

Nhiều năm qua rồi mà tôi vẫn không muốn quên và thực ra thì cũng không thể nào quên nổi. Bần thần, ký ức tôi mơ màng mường tượng ra trước mắt hình bóng của Diệu Nương, khi Diệu Nương một mình đi trên đường vắng, dáng đi mềm mại uyển chuyển đung đưa toàn thân, hay là khi cô thẫn thờ ngồi lặng bên sông, hay là khi...

Những khi ấy, trái tim rộn ràng kinh hãi, tôi từ ngoài đêm tối rẽ manh chiếu Diệu Nương dùng thay mành cửa, bước vào trong lều tối đen.

– Lại đây, anh lính của em. Đừng sợ. Chỉ có mình em trong này thôi.

Tôi bước tới một bước và bất ngờ chạm vào một cái gì tuyệt vời, một cái gì nóng hổi, mềm mại, dập dờn, một cái gì không thể diễn tả. Và ngay lập tức tôi bị du vào một địa ngục ngọt ngào.

– Bạn tình của em, anh tên là gì? Có phải lần đầu anh đến với em không?

Tấm thân óng ả của Diệu Nương mà đời sống cơ cực vùng giải phóng chưa kịp huỷ hoại thấm đượm một vẻ gì thật quá đỗi đàn bà, đàn bà hơn tất cả những người đàn bà khác hoà lại. Không chỉ có những cái vuốt ve của cô, không chỉ những lúc cô xuất thần thác loạn, tận lực nồng nàn âu yếm, cô rên rỉ, cô dở trò, cô im lặng hổn hển mà cả khi đã nguội đi, mệt nhoài bải hoải, ở cô vẫn dạt dào ma lực của tội lỗi đàn bà.

– Anh đã đi à, đã đi rồi sao? – Cô níu tay tôi – Còn lâu trời mới sáng. Hãy nán lại một lát đã anh. Em còn muốn ngỏ với anh điều này. Chỉ một điều này thôi...

Nhưng không mấy ai chịu nán lại. Càng không ai muốn nghe cái điều duy nhất mà Diệu Nương mong được thổ lộ với người bạn tình thoáng chốc. Không ai muốn nghe bởi không ai có thể làm gì cho điều mong ước ấy của cô. Nó quá tội lỗi, quá đáng sợ, lại hão huyền. Có lẽ Diệu Nương tưởng đâu rằng trên đời này vẫn còn sẵn lắm những kẻ điên rồ dám vì tình mà liều mạng và vì tình mà cả gan làm phản.

Nhung dĩ nhiên, để lần sau lại có thể đến với Diệu Nương, nói chung chẳng ai dại gì làm cô mất hy vọng, người ta cứ hứa, hứa đại. Lời hứa gió bay.

Bởi vì ai cũng vậy cả nên chẳng ai ngờ rằng ấy thế mà vẫn có kẻ giữ chữ tín với Diệu Nương. Y hứa sẽ giúp cô và y đã y lời.
*

Về sau, khi sự đã rồi, mới nghe nhiều người nói rằng thực ra trước đây khi còn ở bộ binh Tuấn đã có nhiều dịp ghé làng Diêm và vì thế anh đã quen Diệu Nương từ hồi ấy. Hồi ấy cánh cao xạ của chúng tôi chưa về lập trận địa ở trên bờ sông A Rang và Diệu Nương hồi ấy vẫn đang dung thân dưới mái nhà của vị linh mục.

Người ta kể rằng làng Diêm dạo đó đói dài. Một chút ít lương thực được bộ đội cứu trợ cho hồi mới giải phóng đã cạn. Chính quyền kêu gọi nỗ lực tăng gia tự túc. Cả nhà thờ cũng phải liệu lấy kế sinh nhai.

Bởi vì một vị linh mục thì không đời nào lại cày cuốc, Diệu Nương phải lo làm lụng cho cả hai. Cô theo những người đàn bà khác trong làng đi phát nương trồng sắn. Nhưng không quen nhọc nhằn lam lũ, cầm rựa chặt được một nhát là lại một lát cô cám cảnh ngồi ôm mặt sụt sùi. Gần trọn một ngày rồi mà dám nương của cô vẫn y nguyên cây cối lùm bụi.

Bấy giờ có một tốp mấy người lính dừng chốt mắc võng nghỉ ở ven sông và họ đã chứng kiến cảnh ngộ của Diệu Nương. Thoạt đầu họ cười nhạo, tếu táo với nhau, chế giễu và thương hại thay cho cái giống đàn bà gốc nguỵ chẳng khác chi người giấy, quen thói lười nhác, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, bây giờ đây đổi đời mới được biết thế nào là mồ hôi nước mắt một kiếp người. Nhưng dần dần tình cảnh khổ sở của Diệu Nương nhói vào lòng những người lính nỗi thương tâm. Họ rời võng, đi tới bên cô, họ an ủi và đề nghị được ra tay giúp đỡ cô.

Và vậy là từ đầu tới cuối đêm, mấy chàng bộ đội xoay trần đốn cây cho nhà chung. Họ phát quang cả một vạt rừng. Họ còn dốc ba lô, ruột tượng kỉ niệm Diệu Nương một gùi đầy lương thực. Lúc từ giã, một người trong tốp lính xưng tên là Tuấn. Anh hứa dăm hôm nữa sẽ trở lại giúp Diệu Nương đốt rẫy. Và anh đã giữ lời.

Rẫy của Diệu Nương được đốt gọn và sạch nhất làng, cháy đều, không sót một thân cây nào cháy dở dang. Chia tay, Tuấn lại hẹn ngày về cùng Diệu Nương vùi hom sắn.

Cơn mưa đầu mùa, sắn lên xanh non và chẳng bao ngày mà lá sắn đã phủ kín rẫy. Quanh rẫy, Tuấn gieo thêm hạt bầu và trên vạt đất phía sau nhà thờ Tuấn giúp Diệu Nương mở một vườn rau.

Và cứ vậy không hiểu xoay xở bằng cách nào, cách năm ngày, cách mười ngày, từ chốt vùng ranh ven thị xã, Tuấn băng đồng cỏ về thăm làng Diêm.

Cũng vào thời gian này Diệu Nương rời nhà thờ ra xóm ở túp lều mà Tuấn đã dựng cho cô ở rìa làng. Hình như nhờ có Tuấn, Diệu Nương đã mất đi cái vẻ não nùng của những ngày mới được giải phóng. Người ta thấy ánh mắt cô long lanh và đôi khi người ta thấy cô mỉm cười.

Có những lần, từ chốt Tuấn lẻn về với Diệu Nương mang theo cả cây ghi ta. Anh đàn khẽ cho Diệu Nương thầm thì hát. Hồi ấy cô chỉ hát nho nhỏ thế thôi, nồng nàn, giữa hai người với nhau.

Chắc là giữa hai người đã có sự thề bồi. Chắc là Diệu Nương đã thổ lộ điều nguyện ước da diết nhất của cô. Cô ước được thoát khỏi kiếp sống cày cuốc cực khổ ở chốn gian lao xa lạ này, cô ước được người đáng tin đưa cô vượt qua chiến tuyến trở về với quãng đời êm ấm thân thuộc của mình trước ngày được giải phóng.

Với Tuấn, vượt hơn mười cây số với những bãi mìn, những điểm chốt chặn không phải là điều không thể. Thêm nữa, ấy là những ngày mở đầu thời hiệp định, những ngày bỗng dưng đất trời yên lặng. Mùa khô mà vắng bặt tiếng máy bay và tuyệt nhiên không một phát đại bác.

Say đắm ái tình và bốc đồng hy vọng thái bình, Tuấn đã hứa hẹn. Hứa thật lòng, có lẽ. Chỉ có điều là bỗng nhiên anh biến mất. Năm ngày, rồi hàng tháng trời trôi qua, biệt vô âm tín Tuấn không trở lại làng Diêm.

Từ đó, lặng lẽ Diệu Nương trở nên ngẩn ngơ và âm thầm cô trở thành sa đoạ. Cô không hề nói gì với ai về Tuấn. Hình ảnh của anh và lời hứa của anh có lẽ đã tàn trong tâm trí cô. Duy có khát vọng tự do thì vẫn sống, vẫn lay lắt. Niềm ao ước mà cô từng thổ lộ với Tuấn biến thành tiếng hát cất lên dài dại mỗi sáng mỗi chiều. Và đêm đêm Diệu Nương vẫn tìm kiếm những hứa hẹn viển vông, mỗi ngày một viển vông hơn theo đà chiến sự càng ngày càng tàn bạo. Bom đạn tơi bời tàn phá làng Diêm, phũ phàng quét sạch mọi manh nha của hoà bình.

Cho tới một đêm nọ, một đêm mưa, trên đường mò vào nhà thờ với cha cố, khi đi tắt qua vườn rau gần lán của những người lính anh nuôi, Diệu Nương chợt nghe thấy văng vẳng tiếng đàn. Lẳng lặng cô đi gần tới, ghé nhìn qua các bụi cây. Đèn dầu lập lờ mờ tối. Diệu Nương không trông thấy người đang đàn, nhưng điệu đàn quen thuộc của những đêm xưa giúp cô nhận ra người ấy.

Thất thần, vô tri giác, Diệu Nương từ từ bước tới cửa lán. Bất ngờ, con Ních từ góc lán chợt chồm lên, cất tiếng sủa.

– Ai ? Cù vùng khỏi võng, chộp lấy súng, hét.

Diệu Nương lùi lại một bước, và khi tiếng đàn trong lán vụt ngắt, cô quay người chạy.

Cù lao ra cửa. Mưa đổ ào ào trước mặt anh.

– Thám báo! – Cù quát – Mày đứng lại!

Dưới một nhoàng chớp bóng Diệu Nương hiện thoáng lên, rũ rượi, xiêu đảo.

– A! Con đĩ! Đứng lại, tao thì giết!

Cù gầm lên, phóng mình ra mưa và trượt chân, anh ngã sấp. Nhổm phắt dậy, điên tiết, Cù nâng súng quạt cả một tràng theo tiếng chân đang chạy chấp chới phía trước.

Tuấn xô tới, giật súng.

– Thằng ngu xuẩn! Đồ nông nô!

Tuấn gào, khản đặc và mê muội đấm vào mặt anh nuôi trưởng. Anh quăng khẩu tiểu liên xuống vũng bùn cạnh Cù rồi băng mình vào mưa đêm đen đặc, đuổi theo Diệu Nương. Khắp làng ran tiếng kẻng báo động. Du kích từ nhiều ngã ập tới.

Bình vực Cù vào lán.

– Bọn du kích tới, mày bảo là không có chuyện gì cả – Cù lấy ống tay áo lau khuôn mặt ròng ròng nước mưa và máu, nhổ cái răng cửa bị gãy ra, khó nhọc bảo Bình – Nói là tao mê hoảng bắn bừa... Rồi thì đi xem xem hai đứa chúng nó ra sao rồi...

Anh thở dài:

– Mà tại sao nó lại vùng chạy cơ chứ, hả?

Rất lâu sau này, kể lại chuyện đêm ấy, Bình ngậm ngùi bảo tôi:

– Giá kể Diệu Nương nó không dính đạn, hai đứa chúng nó dắt nhau trốn đi ngay trong đêm ấy thì không chừng đã thoát được rồi cũng nên.

Giờ đây ngẫm lại, tôi thấy trong toàn bộ tấm thảm kịch xảy ra hồi đó chỉ có Cù là nhân vật duy nhất không tài nào ai hiểu nổi.

Chính anh đã cố tình xả súng vào Diệu Nương, lại cũng chính anh suốt một thời gian dài đã tận tình giúp vào việc chăm sóc cô. Ông linh mục chỉ chấp nhận hé cửa tu phòng cho một mình Cù vào thăm Diệu Nương mỗi ngày. Bông băng, thuốc men, đồ ăn ông chỉ nhận nếu là do Cù mang sang. Tuấn hoàn toàn bị ông ta cấm cửa.

Cù và Bình không hé răng và hở chuyện. Ngoài đại đội không ai biết kẻ bị Cù bắn chính là Diệu Nương. Cũng không người nào biết có cuộc xô xát giữa Cù và Tuấn. Càng chẳng ai ngờ mối quan hệ nung nấu mà mơ hồ giữa Diệu Nương và Tuấn.

Đến kỳ thay anh nuôi, Cù xin đại đội cho giữ Tuấn lại.
*

Bỗng nhiên, Diệu Nương biến mất. Không còn nghe tiếng hát của cô nữa. Túp lều ở rìa làng bỏ chơ vơ, trống huếch, xiêu mọp, ngập cỏ. Người ta đồn rằng cô đã bỏ trốn. Hoặc đã chết. Chết đuối hay là chết tan xác vì trúng phải một trái bom, trái pháo giáng trực tiếp xuống đầu.

Mùa mưa ấy dài đằng đẵng, buồn bã, ê ẩm. Dần dần tôi mới thầm hiểu tôi buồn vì nuối tiếc Diệu Nương, vì nhớ nhung tiếng hát của cô, một ả đàn bà chẳng đáng gì. Mà không riêng tôi, tôi cảm thấy thế, cả đại đội đều rầu rĩ. Chúng tôi không còn lý do gì để bám lại trên mảnh đất này nữa.

Đột nhiên vào ngày nắng hửng đầu mùa khô, chúng tôi được biết Diệu Nương vẫn còn sống. Suốt mùa mưa cô ẩn trong nhà thờ để chữa trị vết thương. Nay cô đã gần khỏi... chỉ có điều, nay cô mới thực sự bỏ trốn.

Người bảo cho chúng tôi tin đó chính là ông linh mục. Ông lần ra trận địa vào lúc tảng sáng, cái áo chùng ướt đẫm sương.

– Người của các ông đã quyến rũ cô gái. Cái tên mặt sẹo, dáng vẻ lầm lầm ấy. Hắn đã phản bội các ông, lại kéo cô ta phản Chúa.

Ông còn cho biết ông đã mật báo với Cù ngay khi Tuấn và Diệu Nương bỏ trốn, nghĩa là ngay từ tối qua. Vậy mà Cù không hề báo cáo cho đại đội. Anh ta đứng đấy, đầu trần, răng nghiến lại nghe chính trị viên xỉ vả.

– Nên để cho họ đi – Cù nói, sa sầm – Còn nếu cần bắt lại thì cũng được. Cô ta bị thương không thể đi nhanh. Với lại có con Ních đấy.

Tôi có vinh dự tham gia nhóm tác chiến cùng với Cù và hai trinh sát. Chúng tôi khẩn trương xuất kích. Con Ních thoăn thoắt chạy dẫn đường, kéo căng sợi dây da trong tay Cù.

Chúng tôi lặng lẽ tiến theo. Hàng dọc, súng lăm lăm. Lệnh trên là kiên quyết không để chúng trốn thoát mang theo bí mật về cuộc hành quân sắp tới của đơn vị.

Chỉ lạ là không hiểu tại sao dấu vết con Ních dò theo không nhằm về thị xã mà cứ men mãi bờ sông A Rang, ngược sang mé tây đồng cỏ. Phía đó chỉ có rừng rậm.

Ý chí đuối dần. Chúng tôi lết đi chậm chạp. Bụi bốc lên dưới chân. Nhiều giờ trôi qua. Con Ních vẫn cần mẫn lần theo dấu vết vô hình lượn ngoằn ngoèo.

Chính vào lúc chúng tôi đã nản chí, bắt đầu bàn chuyện quay về thì hình tích hai kẻ chạy trốn thực sự hiện ra.

Dưới tán một cây kơ-nia mọc chơ vơ giữa tảng cỏ tranh cao lút đầu Tuấn và Diệu Nương đã nghỉ chân. Đàn kiến đang tha đi những vụn cơm. Một mẩu thuốc lá rê vấn bằng giấy báo. Nhưng đặc biệt rõ ràng, hằn sâu trên cỏ, như thể cỏ đã tạc nên thân hình người đang nằm. Một bức hoạ khắc nổi dáng vóc đàn bà, không thể nhầm lẫn...

Chúng tôi đuổi kịp họ trước lúc mặt trời lặn. Đã chớm tới cánh rừng thưa bên bờ tây đồng cỏ.

Mệt nhoài, chúng tôi dừng lại trước một dòng suối. Con Ních bị dòng nước xoá dấu vết. Chúng tôi ngồi xuống nghỉ. Im lặng đè nặng lên buổi hoàng hôn màu hồng thẫm.

Thốt nhiên, giữa sự im lặng và tiếng rì rầm của dòng suối, lướt nhanh qua không gian một âm thanh bất ngờ giống như một gợn sóng mỏng.

– Tiếng đàn – Cù khẽ thốt lên.

Chúng tôi sững sờ, lắng nghe, hồ nghi. Đã tưởng chỉ là một cảm giác sai lạc, không ngờ sau một lát nín thở chờ đợi, chúng tôi nghe thấy thầm thì tiếng hát.

Chúng tôi vượt nhanh qua suối, nhẹ chân tiến tới nơi vẳng lên giọng ca. Đấy là một dải rừng thông. Những cây thông cao vút mọc cách thưa. Một tà khói mỏng bốc lên trong chiều. Chúng tôi khom rạp xuống, áp sát lại.

Một tiếng cành khô gãy dưới chân. Tiếng hát tắt lặng.

Tôi đứng thẳng lên sau mọt thân cây và căng mắt quan sát. Một cái bếp nhỏ với chiếc ăng-gô treo bên trên. Cây đàn ghi-ta vứt bên bếp. Một chiếc võng dù căng giữa hai cây thông. Tôi biết rằng hai con mồi đang núp sau một bụi cây không xa bếp lửa.

Im lặng kéo dài, kéo dài mãi. Một cách máy móc tôi gạt chốt hãm khẩu AK vào nấc liên thanh.

– Các bạn... các anh em... – Giọng Tuấn – Chúng tôi không làm hại gì cả... Hãy để chúng tôi đi...

– Câm mồm! – Bào, trinh sát viên hét – Đứng dậy. Giơ cao hai tay. Đi ra!

Một phút. Nhiều phút. Vẫn lặng ngắt. Cù bỗng buông sợi dây da. Tôi thấy con Ních chạy xéo qua và giây lát sau tôi nghe tiếng nó sủa ở bụi cây. Tiếng sủa rối rít, mừng rỡ.

Nhưng cũng đúng lúc đó, bụi cây lay động.

“Ta rong chơi...” – Tiếng hát.

– Con điên – Cạnh tôi, ai đấy gầm lên – Đồ đĩ!

Và tức thì súng nổ. Cả bốn khẩu AK cùng khạc đạn. Chớp đạn nhằng nhằng, xé rách lượt bóng tối đầu tiên đang phủ xuống.

Bốn khẩu tiểu liên cùng bắn hết băng, cùng câm bặt. Bốn chúng tôi cùng lao vọt lên, cùng chết sững lại.

Sau bụi cây bị đạn băm, hai con người ấy quấn lấy nhau. Những vết đạn như càng vặn xiết hai cơ thể vào nhau. Vào giây phút cuối cùng, người đàn ông cố dùng thân mình đỡ đạn cho người đàn bà. Nhưng đạn khoan qua người họ. Ánh lửa từ bếp lấp loáng trên hai mảng lưng trần.

Chúng tôi đứng chết trân. Màn đêm vây dần lại. Cả bốn chúng tôi như bị trói vào nhau trong sự cam chịu một cái gì vô hình vô tận đang đổ xuống. Mùi thuốc đạn là dấu vết duy nhất của ý chí điên khùng, đã tan đi.

– A a a... – Cù bật rống lên.

Ngồi xuống bên Tuấn và Diệu Nương, tôi gỡ họ ra khỏi nhau.
*

Hai hôm sau chúng tôi nhận lệnh hành quân, cơ động về phương Nam. Vĩnh viễn giã từ làng Diêm. Tôi đã bình tĩnh trở lại. Cả Cù cũng vậy. Cuộc chiến đấu đang chờ đợi sẽ là lối thoát cho tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi sẽ chiến đấu và sẽ quên.

Mùa khô nung vàng đồng cỏ. Và những ngọn gió dại gào hú làm bốc lên những cột lốc đỏ lòm bụi. Những ngọn gió điên rồ như có móng vuốt, cào xé mặt đất.

Chúng tôi chỉ không ngờ rằng chúng tôi đang tiến vào mùa khô cuối cùng của cuộc chiến. Chúng tôi đã bắn chết những người báo trước hoà bình, vậy mà hoà bình vẫn đến.

Trên đồng cỏ, suốt mùa khô, gió thổi. Những trận gió lành và những cơn gió dại.



Bảo Ninh

























những tập truyện khác 















Trại Bẩy Chú Lùn

Nxb Văn Học 1987

























Khắc Dấu Mạn Thuyền


Nxb Văn Học



























Lan Man Trong Lúc Kẹt Xe


Nxb Hội Nhà văn 2005


























Chuyện Xưa Kết Đi, Được Chưa?

Nxb Văn Học 2009


















Bảo Ninh /Tác Phẩm Chọn Lọc

Nxb Phụ Nữ 2011





















(...)

-------------------------------------
(trích từ blog phan nguyên)
-------------------------------------



















0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ