Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

bên lề triết học/ huỳnh ái tông -- source: blog huỳnh ái tông


                                                    bên l triết hc
                                                              huỳnh ái tông


Năm đầu ở Đại học, tôi học về lịch sử triết Tây với giáo sư Nguyễn văn Kiết, ông cũng là giáo sư dạy Pháp văn năm tôi học lớp đệ nhị Trung học Kỹ thuật Cao Thắng, Sàigòn. Vài năm sau đó, ông là giáo sư ở Đại học Văn khoa, Đại học Vạn Hạnh, Sàigòn.

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, ông theo kháng chiến. Là một người du học tại Pháp, về nước ông dạy ở trường Phan thanh Giản/ Cần thơ, có tinh thần yêu nước, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi lại chống Mỹ, ông theo Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam, trở thành bộ trưởng giáo dục của Chánh phủ cách  mạng lâm thời  Miền Nam Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn văn Kiết luôn luôn mặc quần trắng, áo trắng, thường là áo ba túi, đặc biệt là mang vớ trắng, đi giày sandal nâu. Ông dạy tôi về lịch sử triết học Tây phương, tôi bắt đầu học về Platon. (khoảng 427-347 TCN), Aristoteles (384-322 TCN), Socrates (469-399 TCN) …

      Platon (427-347 TCN)  

 Aristoteles (384-322 TCN)     

 Socrates (469-399 TCN)

Năm thứ hai tôi học với giáo sư Lê thành Trị, ông dạy về René Descartes (1596-1650), là cha đẻ của Tân triết học, vì trước ông, các triết gia Tây phương bàn về vũ trụ, đến Descartes ông đặt vấn đề con người. Câu nói của ông: “Cogito, ergo sum -- Pháp văn: "Je pense donc je suis"-- Anh văn: "I think, therefore I am". có nghĩa: “Tôi suy tư là tôi hiện hữu”.

René Descartes (1596-1650)

Giáo sư Lê thành Trị cũng mặc quần trắng, áo trắng, mang vớ trắng đi giày sandal. Đó là một trường phái, thể hiện cung cách ăn mặc của họ.

Khoảng năm 1978, tôi đi 'học tập cải tạo về', một hôm đạp xe đi ngang qua khu nhà thờ đường Kỳ Đông, thấy thầy tôi, giáo sư Lê thành Trị ngồi chồm hổm, bên cạnh một ông ngồi bán thuốc lá lẻ bên vệ đường, cạnh thầy là một cái giỏ bàng, thầy đi mua hay bán sách cũ, để sống qua ngày, qua cái thời buổi 'củi quế, gạo châu', cũng không rõ thầy có phải học lại Mác Lê-Nin không ?

Về sau, tôi học triết với giáo sư Lê tôn Nghiêm, ông dạy tôi về lịch sử triết học Tây phương, khác với Nguyễn văn Kiết và Lê thành Trị -- Lê tôn Nghiêm mặc áo trắng nhưng quần sậm màu, có lẽ vì ông xuất thân từ một trường đại học khác, trưòng đạo; đương nhiên là ông phải có bằng tiến sĩ thần học để trở thành một linh mục.

Và sau cùng, tôi học về triết thực dụng của James Deway với kỹ sư công chánh Ngô trọng Anh, ông tốt nghiệp kỹ sư công chánh khóa 1 của Việt Nam, khóa đó cùng học với giáo sư Nguyễn văn Hai, tiến sĩ toán, xuất thân từ trường Sorbonne, về nước làm phó viện trưởng Viện Đại học Huế; còn ông Ngô trọng Anh sau đó tu nghiệp ở Mỹ và từng là bộ trưởng bộ giao thông vận tải VNCH.

Trong những giờ dạy ấy, ông Anh cho biết một người Mỹ muốn chế tạo xà-bông, tìm công thức thí nghiệm thế nào khi chế tạo thành ra nước uống, Mỹ đã dùng nó để sản xuất ra Coca Cola; còn bột ngọt là một chất ở sau đuôi con cá chi đó, khi nó bơi lội chất ấy tỏa ra, làm cho cá khác tìm tới bơi theo, nhờ đó nó quay lại ăn những con cá hám mùi vị. Ông khuyên không nên uống Coca cũng không nên dùng bột ngọt nấu ăn. 

Nếu tôi nhớ không lầm, kỹ sư Ngô trọng Anh, có pháp danh là Tâm Tràng, ăn chay trường từ những năm 1970. Sau này, di tản sang Mỹ, ông làm cố vấn cho một chánh phủ lưu vong của Nguyễn Hữu Chánh, có cựu quốc trưởng, đại tướng Nguyễn Khánh (1927-2013) làm quốc trưởng của Chánh phủ lâm thời Việt Nam Tự do. 

Trước 1975, tôi mua đọc sách báo về văn học, về triết Đông của giáo sư Nguyễn Đăng Thục, của Giản Chi và Nguyễn hiến Lê. Mặc dù, những quyển sách triết như Triết học Hiện sinh của Trần thái Đỉnh do Thời Mới xuất bản, sách dịch Câu chuyện triết học của Will Durant do Nha tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh in lần thứ nhất, … tôi có mua hay không, nay không nhớ; nhưng trong tủ sách của tôi không có vì mất mát sau cuộc bài trừ văn hóa đồi trụy. 




Có lần con gái tôi không bảo quản tốt, bị mối mọt ăn mất nhiều quyển sách hiếm.


 sách bị mối ăn vì ẩm ướt

Lần về này tôi muốn tìm mua vài quyển để đọc, tìm nhà sách Nguyễn văn Cừ trên đường Nguyễn văn Cừ không thấy, hỏi có người chỉ nhà sách dời ra đường Trần hưng Đạo. Đến thăm một người bạn ở đường Nguyễn cảnh Chân, Quận 1, khi chào ra về, tiện hỏi. Con dâu người bạn đứng gần đó, chỉ dẫn:

- Bác ra đường quẹo phải, có nhà sách Xuân Thu ngang sở Cứu hỏa.

Tôi đến đây, vào chỗ kệ sách văn học nhìn xem vài quyển sách, rồi tìm kiếm kệ sách triết học không thấy, hỏi cô nhân viên bán sách về sách triết, cô ta trả lời:

- Bác hỏi về triết học Mác – Lê-nin phải không bác ?

Tôi nghĩ nhanh trong đầu, Mác – Lê-nin người Âu châu đã giật sập các tượng đài, ngay cả ở Liên xô, tấm gương cho những tượng đài. Có lẽ sách triết ở đó chăng ? Nên đáp:

- Dạ phải!

Cô ta cho biết ở lầu 3, tôi dùng thang máy lên đó, tầng đó chỉ bán sách thiếu nhi. Tôi nghĩ chắc là ở tầng trệt và gần kệ sách văn học mà thôi. Tôi xuống tầng trệt, đúng như tôi nghĩ, sách triết nằm trên kệ kê sát tường, tôi thấy nào là Câu chuyện triết học dịch của Will Durant, Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn 2 [tập], Triết hiện sinh của Trần thái Đỉnh …, tôi chọn mua quyển sách dịch và nghĩ sẽ trở lại mua sau sách Triết hiện sinh, Lịch sử triết học Tây phương, đọc lại để nhớ, cũng như tìm mua một vài quyển sách đại số, chương trình lớp đệ nhị năm xưa; để giúp cho trí nhớ làm việc, cũng như đi bộ hàng ngày giúp cho cơ thể hoạt động vậy. Đó là cách giúp cho đời sống khỏe mạnh, về thể chất cũng như tinh thần của người cao niên.

Hôm nay, là ngày Donald Trump sẽ lên cầm quyền, điều hành nước Mỹ, sẽ là một ngày đáng ghi nhớ chẳng những cho tôi, cho người Mỹ mà cho cả thế giới ngày nay. Chúng ta đón chờ xem ông sẽ hành động như thế nào ? Chỉ có thời gian mới trả lời được chính xác mà những chính khách, báo chí đặt ra nhiều câu hỏi về Donald Trump, vị tổng thống thứ 45 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.


huỳnh ái tông

trích lại từ Blog Từ Hoài Tấn






Tuesday, January 17, 2017


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ