Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

bánh xe khứ quốc/ hoàng vũ đông sơn [1939- saigon 12-9-2014] -- (di cảo)

bánh xe khứ quốc/ hoàng vũ đông sơn
(di cảo)


hình 1:
 bản thảo đánh máy di cảo Hoàng Vũ Đông Sơn 
hình 2:
                          trái qua,đứng ngoài cùng:  hoàng vũ đông sơn [1939 -- saigon 12-9- 2014]                            
                           --  Mr. ANH, bố vợ nhạc sĩ Trần quảng Nam (Mỹ) -- X..(cựu đại úy Hoàng văn  Phấn, anh ruột HVĐông Sơn)
                           --  nhà văn Văn Quang [1933-  ] --  X...(cháu gọi HVĐông Sơn bàng chú ruột)  -- Thế Phong  [1932-  ]
                           --  nhà thơ Nguyễn Hải Phương (chết) -- nhà báo Nguyễn quốcTthái ( giơ tay chào 'chốn hư không' 
                               trái qua (ngồi)-- nhà thơ+ họa sĩ Lê thị Kim [1950-     ]     -- nhà báo tự do [Nguyễn] Hàm Anh  [1957-  ]

                                              (ảnh chụp trước năm 2000 tại nhà hoàng vũ đông sơn/ cư xá thanh đa/ tp. hcm)


                                     bánxe kh quc
                                                    hoàng vũ đông sơn



Luận anh hùng hào kiệt ở đời, các bậc sử gia, học giả luôn có thái độ mặc định: 'không xét tới sự thành bại' của nhân vật đó; mà chỉ khen chê, ở thái độ ứng xử của họ trước các vấn đề nóng hổi -- khi đang ngất ngưởng quyền uy -- hoặc lúc thất cơ lơ vận, có giữ được phong độ hay không.

Buồn buồn đọc lại Bánh xe khứ quốc của sử gia Phan trần Chúc; tiểu thuyết hóa một giai đoạn phá gia vong của một vài dòng họ có thịnh thời vương, bá -- khiến tôi liên tưởng tới những bậc tài danh cận đại + hiện đại Việt nam, để cùng bằng hữu xa gần cùng suy ngẫm.  

Càng đọc càng thấy đau quá [cho] Việtnam !

Ngày còn trẻ chúng tôi đã ứa nước mắt; khi đọc lại 2 câu thơ cảm nhận của cụ cử La Sơn-Nguyễn Thành:

                                             Bố thiên vô lực đàm thiên di
                                             Tế thế phi tài tỵ thế nam

nghĩa:

                                              Vá trời không sức bàn nghe dễ
                                              Cứu thế không tài trốn ở đâu

tác giả bài thơ có 2 câu luận ở trên: 'tấm thân tội tù vì yêu nước bị đày ngoài Côn đảo'.

 Nhận liên tiếp 2 tin dữ từ gia đình là người con duy nhất; lại là con gái vì nhớ cha rồi bệnh hoạn mà chết-- phu nhân Nguyễn Thành cũng vì thương nhớ chồng con cũng mệnh một ngay sau đó. 

                                      Bởi vá trời không sức, bởi cứu thế phi tài thì: trốn ở đâu? 

Sào Nam-Phan bội Châu có mấy câu nhận định về khoản từ đày :

                                                Chạy mỏi chân thì hãy ở tù
                                                Đã khách không nhà trong bốn biển
                                                Lại người có tội giữa năm châu ...

Xã hội Việtnam xưa và nay có nhiều cuộc đổi thay; nhưng vẫn bàng bạc trong lòng dân nước những qui luật
'tam cương ngũ thường' không hề thay đổi.

  Nếu như có minh quân thì luôn luôn có lương tế, có lương sư thì có 'tử đệ kỳ tuyệt', có 'nghiêm phụ mới có hiếu tử' nối nghiệp nước nhà. Nước Việt ta kể từ khi dựng nước, có biết bao anh hùng hào kiệt, anh thư liệt nữ; đã xả thân vì đại cuộc từ thời "một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, 30 năm nội chiến từng ngày".  (Gia tài của Mẹ/ Trịnh công Sơn). 

Con dân nước Việt chống Tàu, chống Tây, chống Mỹ đã quen từ lâu rồi. Dân tộc Việtnam chỉ mong có sự đại hoà trong anh em, để vươn tới tương lai. Anh em một bọc (đồng bào) một nhà mà lập phe, lập nhóm thịt nhau, có giáo điều trợ uy, chỉ đạo; nay đã trở thành 'nhà quê'.


                                                                            ***

Quãng thời gian được gọi là nội chiến đó; có những đấng, những bậc như anh Phan-lạc Tuyên vốn không hiếm. Nếu may gặp được 'lương thần thiện thánh', thì mâm cao cỗ đầy; gặp 'dữ thần ác thánh' thì coi như cuộc đời bế mạc; ngay từ phút nhập cuộc đầu tiên.

Cùng làm chính biến để 'kính mời Ngô tổng thống anh minh đi chỗ khác chơi' không thành.

 Phải tan hàng, chẳng kịp nghe 'cố gắng'; thì đại tá Nguyễn chánh Thi qua [Cam bốt] được Mỹ đón đi, trung tá Vương văn Đông được Pháp mời qua, đại úy Phan- lạc Tuyên thì bơ vơ.  

Theo lời ông Giang Kim-Nguyễn thế Bình, chủ nhiệm báo [Trung lập] chống Ngô đình Diệm ở [Phnom Penh]; lại được lòng vua xứ chùa Tháp, ông Giang Kim (là bạn nhà dịch-lý-học Phan- lạc Vọng Húc ) đã bảo lãnh và đón đại úy Phan-lạc Tuyên về tòa báo; để đặc trách phần dịch các bản tin thông tấn Anh, Pháp ngữ. 

 Từ Phnom Penh, đại úy Phan-lạc Tuyên được MT DTGP MN VN  [Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việtnam] đón vào bưng biền; rồi đưa ra Bắc; sau nữa, đi Ba lan du học.

Phan-lạc Giang Đông, bào đệ anh Phan-lạc Tuyên cũng xác định lời chủ nhiệm báo Trung lập (đối lập cuội) chống nhà Ngô thuở ấy, là chính xác.  Nếu chuyện đến đây mà hết[ thì] đã tuyệt vời, coi như có đoạn kết.

 Nhưng nó lại cứ lai-rai rất khó chịu; như chuyện nhà văn Thế Phong mới vô nghề viết lách 'báo bổ'; ở mục
'Xe cán chó, chó cán xe' -- được một 'củ gừng già' trong làng báo hờn giận dạy dỗ rằng:

"Chó chết tưởng là hết chuyện rồi sao? sau khi chó chết còn vấn vương vô số chuyện phải bàn". 

Thuở thịnh thời của nhà họ Phan-lạc; [thì] đã có người ghen ăn, tức ở; khi thấy nhà phê bình Phan Canh viết,
" ... 'Văn thi sĩ Việt nam thi nhân tiền chiến' có liệt kê nhiều khuôn mặt văn nghệ. sách do nhà Khai Trí in ấn, phát hành."  

Đọc Phan Canh xong; có dư luận phê," Ba bố con một nhà đã ngồi chồm hổm trong văn học Việt nam, như kiểu'Ngô gia văn phái' ngày xưa" -- đó là cụ Phan-lạc Vọng Húc+ Phan-lạc Tuyên+ Phan-lạc Giang Đông.

Anh em tôi chơi với Phan-lạc Giang Đông+thân thích với thi sĩ-- vào thời gian anh Phan-lạc Tuyên tham gia đảo chính chống Ngô đình Diệm.

  Không phải chỉ có tôi; mà còn nhiều anh em to gan lớn mật, như Phạm Thiên Thư, Nghi Yên, Chu Tấn, Trần bất Bạt, Nguyễn Phan Nhu, Phan quốc Sử ... đã lập nhóm Quang Thùy (hoàng tử thứ nhì của vua Quang Trung, người có chí khí+ đảm lược); tiếc rằng không được làm vua. 

 Trong triều thì 'ông cậu' Bùi đắc Tuyên, ngoài nội thì 'bà dì' Bùi thị Xuân quyền uy ngất ngưởng.

  Ngoài Quang Thùy ra, trong đám hoàng thân 'bất tài vô tướng'; cơ nghiệp nhà Tây Sơn vì ngoại thích mà tiêu tan.

Nhóm Quang Thùy [chúng tôi] chống gió, chống mưa, chống không khí cho đến lúc bị bó thân bằng '3 thước Kaki' [đi lính] là 'xẹp'.

 Không biết nhà đương cuộc thuở ấy lại có ý nghĩ 'bất chiến tự nhiên thành', như lời sấm ký;  để cho 'tụi nhóc' ngây thơ vô số tội nghênh ngang. 

 Chả lẽ chính quyền sau thời Ngô đình Diệm có cái phong độ như ông bạn của ông Nguyễn Nễ làm quan cho triều Tây Sơn, bắt đươc em bạn là Nguyễn Du; [thì] chỉ đánh mấy roi, rồi cho về làm thơ -- thay vì chặt cổ.

 Vì thế 'phù Lê-Trịnh' mới có người hùng Hồng Sơn-Liệp Hộ tạo thế giá cho 'phe' chống Tây Sơn. 

Thuở Tây xâm, tông tộc nhà tôi đóng góp nhiều cương máu quá. Đến thời Tây tái xâm lăng; từ 1945 đến 1954 lại cứ bị bỏ mạng; bởi sự hiểu lầm.  Tây thì hê " à ,Việt minh, giết!"

 Thúc phụ tôi, cụ Hoàng ngọc Miện đã đưa được mấy anh em tôi vào Nam; để duy trì nòi giống.  Cụ cấm anh em+ con cháu trong nhà 'không có chính chị chính em gì hết'.  Bản thân cụ sống hiền hòa, không bon chen vào nơi 'gió tanh mưa máu'.

Thế hệ sanh trước và sau năm 1930, họ sống rất hào hùng. 

 Gặp thời thế sôi động, họ 'quậy' cho sôi động thêm; như kiểu anh Phan-lạc Tuyên.  Câu nói của một danh nhân chống Pháp ngày xưa; hợp với trường hợp anh Phan-lạc Tuyên,'không thành công thì thành danh'. 

 Hành động của anh Phan-lạc Tuyên đúng là không thành công, đã thất bại nhà tan cửa nát; cả đại gia đình -- còn anh Tuyên đã thành danh, tác giả một bài thơ Tình quê hương. [được nhạc sĩ Đan Thọ phổ nhạc rất thành công.] 

Sau khi anh Phan-lạc Tuyên đi rồi; bằng hữu, nhà văn nhà thơ đang là công chức, quân nhân có chức vụ lớn trong chính quyền ;vẫn qua lại thăm cụ Phan-lạc Vọng Húc, bút hiệu Sương-Tuyền-Dã-Phu, ký trên các bài viết về địa lý+ dịch lý học.

Trong những lần đến thăm Phan-lạc Giang Đông; tôi đều được cụ  cho uống trà rất ngon; mà chính tay Phan-lạc Giang Đông phải pha trà, từ A đến Z. 

 Mãn cuộc, thế nào Giang Đông cũng được cụ ban cho một chầu lau chùi ấm chén.

 [Có] một lần tôi ghé thăm cụ; nhưng Giang Đông vắng nhà; [bắt gặp] cụ Phan tự làm trà nô tiếp một ông khách là quan binh cấp trung/hay đại tá.  Cụ đang nói với khách về địa lý+ dịch lý; thì tôi bước vào. Cụ bảo,

" Hai ông bắt tay nhau đi.  Ông này họ Hoàng, người Đông triều, tỉnh Hải dương.  Còn ông này là Mạc Ly Châu; 2 ông có họ với nhau đấy, chỉ tiếc là tôi chưa nghiên cứu; để biết rõ là có bậc thế nào với nhau..."

"Thưa cụ, cháu họ Hoàng; còn ông đây ..."

"Thôi đừng khách khí nữa cậu.  Cậu là bạn của cháu Giang; còn anh đây là bạn của Tuyên.  Hai người cứ là anh em đi; còn thứ bậc trong họ, thì tính sau.  Xưa, tôi mê tìm hiểu địa lý; và sau dịch lý; lại ở địa bàn nhiều tranh chấp -- ấy là miền rừng núi phía đông Bắc việt, gíap ranh với Tàu; các dòng họ phế lập nhau hơi nhiều.  Sự thay thời đổi thế, thay tên đổi họ, thay đổi nơi cư trú; để sống còn, là chuyện thường mà.  Tôi đã từng là công chức ty Điền địa tỉnh Hải dương.  Công việc là đi kinh lý + đo đạc ruộng đất trong tỉnh.  Sau, tôi phụ trách phần điền địa 2 huyện Đông triều + Chí linh; nằm trên quốc lộ 18.  Đất Đông triều + Chí linh là đất nghịch; trong các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn.  Khởi nghiệp cũng từ đất đó, thua cơ cũng về đó; để rồi quật khởi.   Đến năm 1945, Đong triều là đệ tứ chiến khu của Việt Minh -- anh lấy bút hiệu Mạc Ly Châu; còn anh họ Hoàng; thì cũng 'sêm-sêm' thôi. (nếu viết chữ nho mà so tự dạng thì chữ Hoàng là chữ Mạc+ một nét ngang."

Anh Mạc Ly Châu vẫn ngồi im; thỉnh thoảng nhấp tí nước trà; gật gù vâng dạ; cho phải phép.

Tôi chưa cảm thấy hãnh diện, hoặc sung sướng là có viễn tổ là Mạc đĩnh Chi,  Nhưng sau vận nhà Mạc đã cáo chung; mọi cố gắng Mạc đăng Dung ...-- mà chỉ kính phục tướng quân Mạc ngọc Liễn đưa Mạc kính Cung lên thay Mạc mậu Hợp.  Nhưng vận nhà Mạc đã cáo chung; mọi cố gắng của tất cả những người họ Mạc hoá ra vô ích.  Trước khi chết, Mạc ngọc Liễn có lưu thư dặn Mạc kính Cung; lúc đó đang lẩn quất trong vủng Đông triều,

"Nay họ Lê lại dấy lên được; ấy là số Trời đã định, còn dân ta thì có tội gì; mà ta nỡ để khổ sở mãi về việc chiến tranh? Vậy ta nên đành phận lách mình ở nước ngoài; chứ đừng có đem lòng cạnh tranh, [thì] lại mời người Tàu sang làm hại dân nước mình."  

Cụ tổ lục đại nhà tôi chưa là họ Hoàng, đến cụ ngũ đại mới đổi họ. Cụ dạy con cháu rằng,

" Đã thua thì phải thiệt. Nếu như thay tên đổi họ, đổi nơi cư trú, duy trì được hương hỏa là tốt.  Còn không chịu nổi nhục nhã; thì cứ làm anh hùng ... "


                                                                        ***

Sau 30 -4-1975, anh Phan-lạc Tuyên trở về;  Phan-lạc Giang Đông phải đi học tập cải tạo. Cụ Phan-lạc Vọng Húc không được phép hành nghề bói toán 'mê tín dị đoan' nữa; cụ đã sống bằng nghề 'mài dao'; rồi sau là cụ từ trần. 

Tôi không được đưa tiễn thân phụ người bạn thân [Phan-lạc Giang Đông] đang đi học tập cải tạo-- và tôi cũng không có mặt tại Sài gòn vào ngày đó.

Còn nhớ ngày đó, tôi thưa vơi cụ Phan-lạc Vọng Húc,

"Thưa bác, không biết anh Mạc Ly Châu có hoài vọng gì về dòng họ Mạc.  Riêng con thấy họ Mạc+ họ Hồ cũng mang tiếng lắm ... "

" Tôi hiểu anh muốn nói gì rồi.  Chả làm gì phải băn khoăn thắc mắc những chuyện 'ẫm ương' của lịch sử.  Những điều chưa hay của 'đương triều' thì lấp liếm.  Những điều hay của 'tiên triều' bỏ ngỏ, không nhắc tới.  Những sử gia ăn lương vua làm theo ý chúa thời Lê-Trịnh, nói riêng -- và tất cả các vương triều đều có tụi 'bồi bút' lương cao, bổng lộc; [biết] đón ý chiều lòng để 'đề cao+ đề thấp'. Nên nhớ đất nước là của chung; đâu mãi của riêng ai, của một dòng họ đã gian tham, tàn ác ..."

Thấy cụ Húc luận thuyết về lịch sử đấy hứng thú, anh Mạc Ly Châu nhìn tôi để 'hội ý'; rồi kiếm cách để thúc cụ nghỉ mệt -- thì may quá, anh hạ sĩ tài xế của anh vào, "trình trung tá ra nghe máy, có chuyện khẩn". 

Nhân đó, tôi cũng xin ra về.  Nhìn đồng hồ tay; mới biết đã 12 giờ kém 10 ; thế là đã 'ám quẻ' cụ Húc những 4 tiếng đồng hồ. [suốt buổi sáng].

Những ngày cận 30-4-1975, chiến loạn ngập trời.  Tôi không còn được gặp người anh em 'đồng tông', có qúy bút danh Mạc Ly Châu nữa. 

 Qua nhà văn Thanh Thương Hoàng ở Mỹ, có gặp cựu đại tá Phạm văn Lợi [Mạc Ly Châu] trong buổi tiếp đón ông Nguyễn thanh Chiểu [bút danh Thanh Thương Hoàng], nguyên chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam Cộng Hòa; định cư ở Sacramento, thủ phủ California. 

 Và nay, thì anh Mạc Ly Châu cũng không còn nữa.  ...


                                                                          ***

Thời gian cứ lừng lững trôi đi.   Sau ngày dứt chiến; sự tan đàn xảy nghé đã xảy ra 'Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn'; lại tùy từng tâm trạng.

  Người tập kết trở về cùng đoàn quân giải phóng, người Bắc di cư nhanh chân; thì 'Thúy đã đi rồi!'; còn người chậm chân thì 'đi tù'.

  Phan-lạc Giang Đông, trung úy  Không quân QLVNCH, sĩ quan chuyên trách chiến tranh chính trị 'đi tù cải tạo' -- còn người anh Phan-lạc Tuyên [được thong dong] từ đội quân giải phóng ; trở về mái nhà xưa: giải phóng Sài gòn.  

Thảm trạng gia đình nhà PHAN-LẠC là những riêng tư; dù là thân thiết với vợ chồng Phan-lạc Giang Đông rất nhiều; cũng không được phép thêm lời góp tiếng *  

Rồi gia đình Phan-lạc Giang Đông chỉ đi được '2 mình'; còn 2 thằng cu con quá 21 tuổi phải đi sau.  Vài năm sau, Phan-lạc Giang Đông bị ung thư, thi sĩ qua đời ở Mỹ; giữa lúc tài năng đang chín.

  Anh em bằng hữu của Giang Đông ở Sài gòn đã nhờ cậy các thầy ở chùa Giác Minh làm lễ cầu siêu cho cố thi sĩ; người đã từng có nhiều bài thơ đăng trên tạp chí  Vạn hạnh;  cũng là nơi, hiện nay hòa thượng Thích đức Nhuận đang tĩnh tâm. 

Trí nhớ tôi không còn mấy tốt;  chỉ nhớ mang máng đâu có có mặt các văn nghệ sĩ: bà Thư Linh-Nghiêm Phái, Phạm Trần Anh và vợ+ Phổ Đức và vợ + Giang Hải + Ngọc Tự+ Huy Bằng+ Khải Triều+ Hà Vũ Giang Châu ...và tôi.  

Anh chị em đứng trước di ảnh ứa lệ; vì thương cảm số phận người đi về 'cội' vội vàng; còn nhiều hệ lụy nuối tiếc ở trần gian.

  Quỳ trước linh vị Phan-lạc Giang Đông là mẹ con chị Phương Nga + bé Phan -lạc Hoàng Anh mới lẫm chẫm biết đi. 

 Ngoài ra, không có ai trong dòng họ của anh trong lễ cầu siêu. (...)

--- 
*  cựu đại úy quân lực VNCH Phan lạc Tuyên theo Mặt trận Giải phóng miền Nam về lại Sài gòn, sau 30-4-1975; trở về nhà của ông bố Phan-lạc Vọng Húc ở phường 12 quận Tân bình, tp. HCM. Em trai  là Phan -lạc Giang Đông đi học tập cải tạo, em dâu tằng tịu với anh chồng [hay là anh chồng tằng tịu với em dâu] -- khi học tập cải tạo về, Phan- lạc Giang Đông biết chuyện, đã gửi thư tố cáo, gửi thẳng  cho  thủ tướng Pham văn Đồng, ở Hà  nội.  
Vợ cả Phan- lạc Giang Đông là cô giáo dạy tiểu học, đã có một thi tập xuất bản(Tuệ Mai viết tựa), sang hoa Kỳ định cư đã thay bút danh Thư Khanh, tác giả nhiều bài báo tố cáo'hành động dâm dục' người anh củachồng.  Cuối đời; Phan lạc Tuyên qua đờivào lúc
20 giờ ngày 10-11- 2011,  ở một ngôi chùa, do học trò cũ chủ trì; tại phường 13 quận Bình thạnh/ tp. HCM.  (Bt)


Với tôi, anh Phan- lạc Tuyên là chỗ thân tình; bằng mọi giá, tôi phải tới chùa Diệu Pháp (188 Nơ trang Lơng/ phường 13/ quận Bình thanh) điếu tang.  Cùng đi với tôi; chỉ có thầy giáo Lâm bình Phong là bạn của Phan-lạc Giang Đông.  Bây giờ thầy giáo Lâm là lương y, có phòng khám từ thiện tại chùa Tập Thành,133 Ngô đức Kế/ quận Bình thạnh.  (...)

Và ngày hôm sau 13- 11- 2011, ngày 'cất đám'; tôi đi một mình, không gặp bất cứ ai là thân hữu cũ của gia đình PHAN LẠC-- kể cả đồng nghiệp giáo sư đại học của anh.

  Trong đám tang, người đầu tiên gặp là cháu Phan thị Phương Lan, con gái đầu của anh Tuyên . Cháu Phương Lan nhận ra tôi là bạn của 'chú Phan-lạc Giang Đông'; cháu nói ngay:

" ...con nhận ngay ra chú lúc chú mới tới.  Ngày xưa, chú thường đến thăm ông nội con + chú thím [Phan lạc Giang] Đông." 

Hỏi qua chuyện gia đình+ hoàn cảnh sống của cháu Phan thị Phương Lan; thì được biết 'cháu đã là bà nội+ bà ngoại của nhiều đứa trẻ rồi' .

 " gia đình riêng của cháu đều túc trực bên quan tài cha, chú, ông ngoại; từ lúc đưa ra quàn ở ngoài này." -- lời cháu Phan thị Phương Lan.

Ngoài lời ai điếu theo nghi thức đọc trước linh sàng+ di ảnh anh Phan-lạc Tuyên; tôi phúng câu đối nôm na bái biệt:

                                                   NHẬP CUỘC VẪY VÙNG VĂN HOÁ VÕ
                                                   RA VỀ BÌNH LẶNG VÕ HOÀN VĂN


                                                                         ***

Cùng trong dòng đời Bánh xe khứ quốc này; tôi nhớ lại một gia đình cũng họ Phan khác: 'gia đình sử gia Phan trần Chúc'.  ...


Cụ bà Phan trần Chúc đã dẫn 3 con trai vào Nam; định cư ngay tại Sài gòn từ 1954.  

Còn con gái ở lại Hànội; để 'giữ nhà'.  Ai ngờ cuộc chia ly Nam- Bắc kéo dài. 

Cụ giáo bà có nỗi buồn canh cánh bên lòng về bà Phan thị Lan, đứa con gái ở lại 'để giữ nhà'

 Rồi trước 1973; cậu con thứ 2 của cụ mất tích trên đường Saigon--Dalat; khi lên dạy toán ở mấy trường trên đó. 

Sau 1975, cậu con cả lại mất trong trại học tập cải tạo.  Sự buồn chán u uất; khiến cụ ra đi ở trên tay đứa con út. 

 Bao nhiêu 'hùng khí nhược thôn ngũ đại châu' để chống bạo quyền gia đình họ Ngô + lũ gặm nhấm sau đó ... 

 Sau 30-4-1975, cậu trai út của họ Phan buồn chán, sống buông thả đến thân tài ma dại.  Mấy người bạn nhậu của cậu biết rõ cậu đang là chủ 2 căn nhà đẹp ở đường Nguyễn minh Chiếu/ Phú nhuận + đường Trương minh Giảng/ Saigon 3 -- các bạn cậu mạnh miệng tâng bốc 'người hùng' lên 9 tầng mây, rủ rê đến mấy quán -- ăn uống ghi sổ; khiến trương mục' mỗi ngày một phình lớn.

 Chủ quán tính sổ; khi có mặt 'những bạn quí' của 'người hùng' -- dĩ nhiên vì danh dự; cậu trai út đành phải gán nợ bằng 2 căn nhà kia; để khỏi bị kiện tụng.

Khi tôi về Saigon ghé thăm cụ; thì vật 'đổi sao rời' rồi.  Người lối xóm cũ cho biết vắn tắt như vừa kể ở trên.


                                                                          ***

[Có] một buổi sáng đẹp trời, nhà văn Thế Phong 'ới' đến một quán café không tên ờ chung cư Miếu Nổi/ Bình thạnh -- phần đất Cù lao Phú nhuận-- để nói cho nhau nghe chuyện thời sự văn nghệ cũ+ mới; chuyện về các nhà văn, nhà báo một thời vang danh.  

Bà chủ quán mang ra tiếp chúng tôi một bình trà Bắc-Thái; do bà bạn ở cạnh nhà vừa cho.

  Chúng tôi đang khen trà ngon; và cảm ơn thịnh ý, thì người cho trà xuất hiện; tiện thể chúng tôi cảm ơn  hương vị trà quê hương miền Bắc. 

 Chuyện 'mưa nắng ngoài ta', chuyện 'khói bụi thành phố ta bây giờ'. 

 Bà chủ nhà bên cạnh đó nhìn thấy ông Thế Phong để bên cạnh một chồng sách mới xuất bản; cất tiếng hỏi:

"Nghe ông nói chuyện mấy lần ở đây; tôi đoán 2 ông là nhà văn, nhà thơ gì đó.  Vậy 2 ông có biết; hay có đọc nhà văn Phan trần Chúc không nhỉ?"

Anh Thế Phong nghe có vẻ chối tai câu: "... nhà văn gì đó..." -- chắc bà này cũng liên quan đến 'văn nghệ, văn gừng'; khi anh em chúng tôi 'tán phó-mát' chuyện ' mẹ Văn chương'--khiến bà ta cũng bị chối tai chăng? 

 Anh em chúng tôi nhìn nhau; ý hỏi 'có nên trả lời bà ta hay không đây'

 Ắng lặng một lúc, anh Thế Phong đưa mắt ra hiệu cho tôi; có ý như 'trả lời đi'. 

 Tôi còn ngần ngại; thì anh Thế Phong nói :

" Bà gõ đúng cửa rồi; ông này biết rất rõ gia đình nhà văn Phan trần Chúc'.
  
Nghe dứt câu, mắt bà ta bỗng nhiên chớp chớp, ứa lệ.

Tôi thấy yên tâm, nên 'thành thực khai báo': 'biết rất rõ gia đình cụ giáo+ rất thân  với cả 3 ông con của cụ Chúc'-- vì là bạn học của Phan quí Hoạt.' 

 Bà ta tự xưng ngay

 "Tôi là con gái cụ, tên Phạm thị Lan. Tôi là em của anh Phan nhất Siêu +anh Phan trung Quát; là chị của Phan quí Hoạt. "--  bà chị của Hoạt đổi ngay cách xưng hô: gọi tôi là 'cậu', xưng là 'chị'.

  Chị Lan nói,

"Mấy năm sau thống nhất đất nước, chị mới có hoàn cảnh vào Nam tìm mẹ.  Cuối cùng; thì như cậu biết đó. "

"Vâng, em biết cụ bà nhất định không chịu lên máy bay vô Nam; vì còn chờ anh Quát về. Tiếp theo là Hoạt cũng không đi. Anh Siêu phải tống chị ấy+ cháu bé đi; chỉ tiếc là anh Siêu chưa có cháu trai.  Anh Quát+ Hoạt thì còn độc thân. "

"Cậu không biết thì có. Anh Siêu có thêm những 2 cháu trai nữa cơ."

" Thưa chị, thế là cụ Phan trần Chúc đã có  kẻ thừa tự nhang khói; có đích tôn thừa trọng rồi. Cụ đã hơn cụ Trần trọng Kim tới 2 cháu nội trai.  Đúng là danh 'sử gia tuy đồng, đức bất đồng'.  Em mừng cho cả 2 anh Quát+ Hoạt; bọn em không phải ăn cháo thí vào mỗi năm ,ngày rằm tháng 7 ta."

" Chị nhớ mẹ và anh em chị quá.  Cậu có nhớ kỷ niệm nào về bà cụ; thì kể lại cho chị nghe với."

"Thưa, chuyện về cụ + kỷ niệm về cụ; thì kể cả tháng chưa hết. Xin vắn tắt;' cụ là lớp người Việt khó kiếm'. Chị có nhớ câu:

                                                   "Đẻ con công tử khó chiều
                                            Lấy chồng công tử lắm điều đắng cay"

 Cái đắng cay của cụ là 'chồng+ con' đều hơn người 'ở tài năng+ trái tính, trái nết'.  Cụ ông là nhà giáo, lại làm báo, viết văn.  Cùng là sử gia đồng thời với cụ Trần trọng Kim; cụ Trần thể hiện công trình về tài liệu giáo khoa cho các cấp học ở Việtnam, khi đất nước mới đòi được chủ quyền từ tay thực dân Pháp. Cụ Trần viết 'biên niên sử dân tộc' bằng những thực chứng, rất khô khan; khác với cụ Phan trần Chúc viết lịch sử qua lối tiểu thuyết dã sử.  Khi cụ Trần trọng Kim viết Việt nam sử lược; cụ hy vọng các thế hệ sau sẽ có những sửa gia sáng giá hơn, viết được Việt sử hoàn chỉnh hơn.  Còn cụ Phan trần Chúc 'nhà ta', thì viết 'tiểu-thuyết-hóa lịch sử'.  Đọc cụ Phan; người không nghiên cứu, không là học trò vẫn thích thú 'thấy' các sự kiện lịch sử như đang diễn ra trước mắt. 

 Ai chưa tin, xin mời đọc Bánh xe khứ quốc + Hồi chuông Thiên Mụ/Phan trần Chúcthì biết liền thôi ..."

"Thế cậu còn nhớ gì về anh Siêu; trước + sau 30-4-1975 không; biết kể cho chị nghe đi, dầu chỉ là vài chi tiết nho nhỏ thôi cũng được."

" Trước 30-4-75; em ghé thăm cụ; thì lúc ấy cụ đang ở nhà anh Siêu bên đường Trương minh Giảng. Cháu gái con anh Siêu lúc ấy mới lẫm chẫm biết đi; cụ dắt cháu ra mở cửa, pha trà cho em uống; thì cháu bé rất ra dáng người lớn; 'giơ tay mời em ngồi' --  khi chưa đẩy nổi cái ghế bành.  Cụ và 2 anh Siêu+ Quát cứ đem em ra để so sánh để răn đe Hoạt.  Hôm ấy, anh chị Siêu đều đi làm, vắn nhà.  Đám cưới anh Siêu lấy chị Nghĩa; em là bạn duy nhất của Hoạt được cụ và anh Siêu mời.  Anh Quát là người nghiêm chỉnh, ít nói. Anh dạy môn toán ở trường Võ tánh/ Nha trang; còn dạy cả ở Trường sĩ quan Hải quân.  Hàng tháng, anh từ Nha trang về Saigon; rồi bay lên Cao nguyên dạy ở Đà lạt+ Trường Võ bị quốc gia... Còn Hoạt thì khỏi nói ..."

" Cám ơn cậu đã cho chị hay biết chuyện gia đình của chị ở trong này."

"Chị Siêu (Nguyễn thị Nghĩa) đã ra đi rồi.  Hai căn nhà của Hoạt thì đã 'gán nợ nhậu'.  Em muốn dâng 3 nén hương; trước anh linh 2 cụ + 2 anh Siêu+ Quát cũng đành chịu.  Đáng trách nhất; vẫn là 'tên Phan quí Hoạt'!"

" Chị không thể lập bàn thờ riêng các cụ+ 3 người anh tại nhà chồng; vì đã có tới 5 bài vị + 5 bát hương. Chị đã 'ký gởi' 2 cụ+ 2 ông anh+ thằng em hư hại; ở tại đền đức Lý Triều Quốc Sư, trên đường Lê văn Duyệt/ Hòa Hưng rồi. (bây giờ là đường Cách Mạng tháng 8).

                                                                    ***

Bánh xe khứ quốc cứ còn quay mãi tới bao giờ đây:

                                                   Ví bằng chết mất thì thôi
                                                    Còn sống như cóc bôi vôi lại về.

  (...) - tạm lược 13 dòng. (Bt)


Đọc lịch sử dân tộc Việt nam; thì 2 cụ Phan là Phan Sào Nam + Phan Tây Hồ; 2 vị đã gắn liền với những sự thảm hại của tổ quốc; vào thời Tây xâm . Riêng cũng là 2 cụ Phan: Phan trần Chúc (văn sĩ+ sử gia) thì tôi chưa hề được diện kiến -- còn cụ Phan-lạc Vọng Húc; tôi có quá trình được hỏi, khi được tương giao với con trai cụ là Phan-lạc Giang Đông.  

Lời xưa dạy chẳng sai: 'Đất có tuần, nhân có vận'

 Lớn lao là chuyện quốc gia, dân tộc; hễ có triều đại là có hưng vong.  Nhỏ thì gia tộc, gia đình + cá nhân có thịnh suy, có thiện ác đáo đầu. 

 Gia đình nào còn dư phúc của tổ tiên; thì dần dần sẽ khá lên, như gia đình cụ Phan trần Chúc chẳng hạn.  

Cứ nhìn vào cách ăn ở của cụ bà [Phần trấn Chúc]; thì 2 cháu nội của các cụ sẽ làm nổi cơ đồ, xứng danh dòng dõi sửa gia Phan trần Chúc.

Còn hậu duệ của cụ Phan-lạc Vọng Húc là 2 cháu trai, con của Phan-lạc Giang Đông lớn lên; sẽ lại theo chí 'cha ông'; để rồi sẽ nổi danh nổi tiếng, chăng?

Quĩ thời gian của tôi còn quá ít.

Chắc không bao giờ tôi có dịp xuất ngoại du thăm anh em bằng hữu quí mến-- kể cả những người bạn trẻ mới 'văn kỳ thanh' như anh Lưu Bá Bắc. [người dịch thơ Phan-lạc Giang Đông sang anh ngữ ở Hoa Kỳ].

  Lưu bá Bắc là người tôi biết, qua anh chị Nguyễn khắc Hiện có hẹn tôi: 'sẽ về Việt nam để tìm cái thú uống cà-phê ngoài hè phố, lúc sáng sớm hay ban chiếu'.

Lưu Bá Bắc là dịch giả bài thơ Tất cả dòng sông đều chảy của Phan-lạc Giang Đông sang tiếng Mỹ.  Bài thơ có tính cách ca tụng hoà bình;bằng tình nhân loại rất nồng ấm; và đã được giải văn chương của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. 

 [Chẳng lẽ] là: 'tôi rất vô duyên, không được xiết tay người dịch thơ tài năng] Lưu Bá Bắc, [hay sao?]   []  
        

hòang vũ đông sơn
SÀI GÒN 12- 11 - 2011. 
(sửa lại 10-6- 2012)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ