Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

mười năm ngồi trên cao -- truyện ngắn dương hùng cường [1934- 1979] / tập thơ truyện không quân thời chiến -- nxb vàng son, saigon 1974)


--
                                                     dương hùng cường
                                        ----------------------------------------------------------
                                     mười năm ngồi trên cao

                                                     văn sĩ dương hùng cường  [1934- 1979]
                                                                             (ảnh: TẬP THƠ TRUYỆN KQ THỜI CHIẾN)

Những ngày làm việc ở đài kiểm soát phi trường, tôi có thật nhiều thì giờ rảnh rỗi.  Làm việc một ngày, rồi nghỉ 2 ngày.   Những ngày đầu tiên phải làm việc một ngày 24 giờ, tôi mệt lắm.  Những ngày được nghỉ, tôi chỉ ngủ.  Ngủ quên cả ăn.  Ngủ li bì, đến nỗi thằng nằm cùng phòng với tôi, tưởng tôi sắp chết.  Lu`c chúng nó đi làm về, tiếng ồn ào đánh thức tôi dậy; nhưng cái mệt mỏi vẫn giữ tôi lại ở giấc ngủ nửa chừng.  Tôi nghe rõ cả tiếng xì- xào nho nhỏ;
  - Từ sáng tới giờ mà nó chưa dậy.  Hay là nó 'ngỏm' rồi.
Tôi cựa mình, xoay mặt vào trong tường để cho chúng nó biết rằng tôi vẫn còn có thể hưởng thụ được tứ khoái.  Chiếc giường sắt kêu cót két.  Một bàn tay nhè nhẹ sờ lên trán tôi.  Tôi hơi cảm động, mở mắt nhìn:
-  Mấy giờ rồi mày?
-  12 giờ rồi đấy con trai ạ.
Tôi uể oải ngồi dậy, đang lúc tiếng còi hụ rú lên trên nóc hồ nước, báo hiệu giờ tan sở.  Tôi chớp mắt, nhếch mép cười:
-  Đỡ được mấy chục đồng tiền ăn sáng.
Mấy thằng ở cùng phòng với tôi reo ầm lên . Thì ra, từ nãy tới giờ, chúng nó tưởng tôi đau nặng, nên đi lại còn rón rén, nói chuyện thì thầm.  Bây giờ, chúng nó mới được cười lớn để xả hơi;
-  Sư mày, ông tưởng mày chết, thì ông phải dọn sang phòng khác ngủ.  Mày còn sống đã sợ mày rồi, thì chắc là lúc mày chết, mày phải ghê gớm lắm.
Rồi mấy đứa xúm lại, nói chuyện về những thằng bạn đã chết.  Như thằng Thắng, kể về chuyện thằng Hưng, cái thằng trưởng xưởng, lái 'tracteur' húc đầu vào cửa sắt, bị cái cửa sắt đập ngược trở lại vỡ ngực, chỉ ngáp được có vài cái là ưỡn mình lên, đi một đường về bên kia thế giới.  Tiếng thằng Thắng thấp hẳn xuống;
-  Một hôm tao trực ở 'hăng ga' .  Nửa đêm, thấy tiếng xe chạy, tao lấy làm lạ, mở cửa ra ngoài thì  thấy thằng Hưng  lái xe 'tracteur' chạy vù vù.  Nó lại còn nhìn tao cười.  Tao định vẫy nó đứng lại, để bắt tay nó một cái; thì nó biến mất.   Chiếc 'tracteur' đậu chình ình ở giữa 'hăng ga'. máy vẫn còn nổ, tao phải tắt máy rồi mới đi ngủ.
Tôi không thể tin được cái câu chuyện khó tin ấy, nhưng vẫn thấy lòng mình nôn nao một cách lạ.  Khuôn mặt của thằng Hưng vừa thoáng hiện trong tôi.  Tôi nhớ lại một buổi trưa đầy nắng trên sân đậu phi cơ khu trục.  Nắng làm bốc hơi mặt nhựa,  cuồn cuộn dâng lên nhè nhẹ.  Ngồi trên lầu nhìn xuống, tôi thấy mấy thằng bạn đang đùa rỡn trước cửa 'hăng ga'.  Trên nóc 'hăng ga' , chiếc ống gió nằm yên ủ rũ như tương tư những chiều gió lộng thổi.  Màu trắng, màu đỏ loang lổ.  Chợt tiếng chuông điện thoại reo vang.  Toi uể oải cầm lên;
-  Bốn chiếc Phượng hoàng xám, biệt phái đi Pleiku.  Xin giùm điều kiện khí tượng đường Biên hòa- Pleiku.  Sẽ cho người tới lấy luc 2 giờ.  Làm giùm cả chương trình bay nhé.  Nếu khi tượng tốt, thì cho cất cánh, với khí tượng ' trời quang'.
Tôi đặt máy điện thoại xuống, rồi lại nhắc lên, gọi về Sài gòn  .  Biên chép một lúc, mồ hôi toát ra ướt đầm lưng áo, ướt đàm cả 2 bên nách.  Chiếc ống gió vẫn nằm im.  Tôi giao việc lãi cho thằng Trọng, rồi xuống nhà đi tắm.   Vòi nước ở mãi tận phía 'hăng ga' khu trục.  Những thằng bạn đang đùa rỡn hồi nãy, chắc cũng vừa nhận được điện thoại, nên sửa soạn xông ra ngoài nắng, coi lại phi cơ trước khi cất cánh.   Thằng Hưng ngồi lái chiếc 'tracteur' , kéo những chiếc phi cơ từ 'hăng ga' ra ngoai sân đậu.  Có tiếng gọi với theo;
-  Chờ tao quá giang với.
Những thằng lính  thành phố vẫn ngại đi bộ.  Từ 'hăng ga' ra chỗ phi cơ đậu, chừng 300 thước, nhưng ngồi xe vẫn khoái hơn.  Chúng bám vào xe  'tracteur' như những con nhặng xanh bám chặt lấy cục đường.  Chiếc xe chạy trên vỉ sắt rào- rào.  Thả chúng nó xuống, thằng Hưng lái xe chạy về 'hăng ga', thì  một thằng có lẽ vừa nằm ở đây ngủ trưa, chợt thức dậy chạy ra, tay còn xỏ thắt lưng quần.
- Cho tao ra ngoài sân đậu đi mày.
Nó lạch bạch chạy ra xe , với đôi giày chưa kịp buộc dây.  Đôi giày bật lên bật xuống, một chiếc muốn văng ra, làm nó phải ngưng lại, co chân lên, ngón tay chỏ thò xuống khoanh một vòng quanh gót.  Khi nó gần tới xe, thằng hưng đạp thêm một ít 'ga', cho xe vọt về đằng trước.  Thằng kia vừa đuổi theo, vừa chửi;
-  Mẹ mày, cho tao đi với.  Đừng có làm khó .
Nhưng khi chạy gần tới xe, thằng Hưng lãi đạp thêm một tí 'ga', rồi ngoảnh mặt lại đằng sau cười.  Tới lần thứ 4, thì 'xầm' một tiếng, chiếc xe tông mạnh vào chiếc cửa sắt cao vòi vọi tung lên, nhưng bên trong còn vướng nhiều bánh xe, nên đập ngược trở lại, quật gãy tay lái và đập ngực thằng Hưng. Nó chỉ còn ngáp được mấy cái, rồi máu trong mồm ứa ra.
Tôi đang tắm, không kịp mặc quần áo, chạy vội ra.  Những tiếng la thất thanh vang lên trong 'hăng ga' và loãng ra ở sân đậu.   Lũ bạn bè chạy lại, phải khó nhọc lắm mới kéo được thằng Hưng ra ngoài.

Buổi trưa ngày hôm đó,  tôi cầm 'micro' nói chuyện với tàu bay mà nước mắt chảy đầm đìa.  Hưng học trên tôi một khóa ở trường thợ máy Rochefort.  Nhưng về nước, tôi phản bội nghề thợ máy, đi học cai nghề ngồi ở trên cao.  Đôi lúc thấy mình thật cô đơn.  Tôi đã không chịu được nổi cái nghề, mỗi khi đi làm việc về, dù rửa tay thật kỹ, hết cả một bánh xà-bông mà những kẽ móng tay vẫn còn đen thui.  Tôi ghét cái không khí tù tu1ngt rong một cơ xưởng.  Tôi thích đứng trên cao nhìn [bao quát] phi trường.  Tôi càng thấy mình cô đơn khi nhìn thấy không gian mà không thoát được ra ngoài. Những ngày trời mưa, mấy xuống thấp dần, vây lấy tôi, mù mù một màu đục; những sợi mưa đan nhau, xiên ngang, chạy dọc, như một cái lưới, vây lấy tôi, trói chặt tôi lại bằng một cái chán nản và u ám, thê lương.


Ngày đó, ở Biên hòa còn rợp bóng cây cao su cổ thụ.  Ban đêm, tiếng tắc-kè  vang vang đối đáp nhau; từ chỗ gần, rồi xa thật xa.  Những đêm thao thức, tôi nằm nghe cao su đổ lá ào ào, những chiếc lá khô đuổi nhau xào sạc trên mái tôn.  Mùa nắng, cỏ lau trắng xóa phi trường.  Gần cuối mùa nắng, cỏ hoa lại tàn tạ, lá cỏ xác sơ; và chỉ cần một mồi lửa là phi trường bốc cháy.  Tôi đã được hưởng cái sung sướng của một kẻ châm mồi lửa vào đống cỏ khô.  Lửa cháy, tôi đứng ngạo nghễ nhìn mà tưởng mình như là bạo chúa  đang thiêu hủy cả một kinh thành. Lúc ngọn lửa từ từ nằm xuống, những đống tro tàn đen nằm trải dài, lẫn màu với phi đạo lót bằng vỉ sắt PSP.  Những buổi tối, tôi trèo lên đài kiểm soát nhìn xuống, chỉ thấy một màu đen.  Hai hàng đen phi đạo như đôi rèm mi người con gái.  Bên trái là rừng Tân phong tối mò mò.  Bên phải là sân đậu phi cơ, hai hàng phi cơ khu trục nằm yên lặng, 4 cái cánh chong chóng, cái nghiêng nghiêng nổi bật lên trời mờ mờ ánh sáng của khu cứu hỏa ở đằng kia xa tít.

 (...) - tạm lược một đoạn - Bt)

                                                                         ***

Cây cao su đổ xuống thì cũng vắng đi tiếng tắc-kè.  Ban đêm vắng hẳn tiếng gọi mấy thằng Bắc kỳ..
.' bắc... kỳ... bắc... kỳ... bắc kỳ ...' Chuyện khôi hài nhạt thếch ủa vài ba thằng răng sún.  Có một ông vào làm phu đồn điền, buổi tối nghe tiếng cắc-kè kêu, lấy làm ngạc nhiên: ' quái, sao nó lại biết mình lá Bắc kỳ mà nó gọi mình?'
Tiếng trung sĩ Khỏe:
-  Chặt thêm mấy cây nữa đi, đủ khoảng trống để làm nhà che mấy cái máy phát điện.
Tôi bước chầm chậm về phía câu lạc bộ.  Tiếng búa đuổi theo sau lưng rầm rập.  Tôi ăn cơm vào lúc 11 giờ để thay phiên 12 giờ cho thằng khác.  Bữa cơm thật nhạt nhẽo.  Ăn như cố tống cơm vào dạ dày. Thằng Trọng ngồi trước mặt tôi cằn nhằn:
-  Ngày thì ăn sớm, ngày thì ăn muộn.  Ngày thì ăn tới 2 lần ăn sáng, ngày thì ngủ quên.  Cứ cái lối sống như thế này, chẳng mấy lúc tao và mày biết bay.
Tôi đặt bát cơm xuống, nắn chỗ bắp thịt cánh tay, không một tí 'con chuột' nào, mà chỉ thấy nhẽo nheo nhèo, như cái của quý của một con đĩ già.  Thằng Trọng lại càng thảm hại hơn.  Lúc nó đang làm việc, tay phải cầm 'micro', tay trái chống xuống mặt bàn, cái khuỷu tay cong cong gập thành chữ V -- làm cho tôi có cảm tưởng rằng, chỉ đụng nhẹ cũng đã gẫy.  Nhìn cái cầu thang sâu hun hút, thằng nào cũng ngại leo lên, leo xuống.  Mỗi lần đi tiểu, chúng nó cứ đằng sau mà đái, tưới nước lên nóc nhà  ban Khí tượng. Mái lợp 'fibro-ciment', chỗ tiếp giáp với đài kiểm soát, rêu mọc xanh rì.  Nhưng làm việc ở đài khí tượng , rất khổ sở, khi nghe tiếng nước rơi lộp độp trong những buổi trưa hè nắng chang chang.  Những chiếc cầu vồng nước lung linh rơi trên mái rồn rập, tiếng động ở đằng sau lưng, ở trên đầu,  rồi trước mặt; rồi ngắt quãng làm cho thằng ngồi dưới muốn điên lên.

 (...) - tạm lược ít dòng- Bt)

Trọng gấp cuốn sổ, than một câu thật cải lương;
-  Thôi mày!... câm mồm đi, sao không lấy vợ đi? Lấy vợ rồi thấy thời gian đi lâu lắm.  Nhất là những ngày cuối tháng.
Trọng trầm ngâm;
-  Tao nhớ 4 câu thơ đường luật, trong một bài hát nói nào đó, " Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông/ ông chê Tuyết bé/ Tuyết không biết/  bây giờ Tuyết đã đến thì/ ông muốn lấy Tuyết/  Tuyết chê ông già.."
-- đại khái như vậy, không biết tao nhớ có đúng không? ... -- hay là tao với mày kiếm một nghề gì học thêm.  Rồi khi nào ra lính, lại có thêm một nghề nữa.
Chẳng biết  làm gì, tôi gật đầu ưng thuận.  Hai đứa chở nhau trên chiếc 'vespa', phóng đi, ngược về phía Bửu long   ...  [ tìm mãi mới thấy] một trường đánh máy chữ.  Ông chủ trường đánh máy chữ tiếp 2 thằng, không niềm nở cho lắm. Trọng mở đề;
-  Thưa ông, chúng tôi muốn học đánh máy chữ.
Chủ nháy mắt, cười tình;
-  Đừng rỡn mà, cha nội.
Hai thằng tỏ thiện chí, bằng cách đóng tiền 1/2 tháng học phí.  Chủ xếp chỗ cho 2 đứa ngồi.
Chỉ vài ngày sau, 2 đứa đã đánh máy, [tiếng động máy chữ nghe] như mưa rào; nhưng thứ chữ này phải chờ vài ba thế kỷ nữa, mới có người đọc nổi.  Cô nàng mắt lé ngồi trước mặt, ngước mắt nhìn , thán phục.  Trọng bảo tôi;
-  Tao chán rồi mày ạ!
-  Tao cũng chán rồi ... !
Hai thằng bỏ ra đằng trước nhà, ngồi lên bực lan can cao, ngắm người đi qua lại.  Thằng con trai ông chủ , khoảng 8, 9 tuổi , ra gạ làm quen, sờ vào chiếc quần ka-ki;
-  Tại sao chú đi lính hở chú?
Tôi nhăn mặt;
-  Không biết nữa ... một buổi sáng thức dậy, chú bỏ nhà, đi giang hồ. Người ta bắt chú phải mặc bộ quần áo này; mãi về sau chú mới biết là mình đi lính ...
Thằng nhóc con lao lên lan can, ngồi lọt thỏm ở giữa, đung đưa 2 chân;
-  Cháu cũng thích bỏ nhà đi như chú, nhưng qua đường một mình, cháu  sợ má thấy, má mắng.
Tôi và Trọng cười vang, át cả tiếng gõ lách cách ở trong nhà.  hai đứa nhảy xuống, phóng 'vespa' về lại căn cứ không quân.  Không bao giờ trở  lại trướng đanh máy chữ. Không bao giờ còn thấy cô nàng mắt lé nửa. Và may mắn làm sao  rũ sạch được tư tưởng kiếm ăn bằng nghề đánh máy chữ.

(...) - tạm lược ít dòng- Bt)

Tôi buồn bã, đi về dài kiểm soát Không lưu.  Dưới chân tôi, vỉ sắt PSP rập rình, tiến thằng bạn vẫn      lải nhải. Thèm thịt chó, sao không vác mồm xuống Hố Nai. Thì ra nó tưởng tôi thèm thịt chó.  Nhìn về phái đài kiểm soát Không lưu, đằng sau Ban Khí tượng, đã thấy có khói bốc lên.  Mấy ông lính  Cứu hỏa đã nhóm lửa, ửa soạn thui chó.  Bực mình,tôi bắn bâng quơ 2 phát súng lên trời.  Lũ bạn bè đang xúm xít bàn tán về chuyện  chó, bỗng bỏ chạy ùng ùng như ma đuổi; ví chúng tưởng tôi là thằng điên.  Mà may làm sao, tới bây giờ, tôi chưa phát điên. Nhưng tiếng'chưa' không phải không có nghĩa là 'không bao giờ.'

Trọng ơi ! 
Mày đừng coi đây là một lá thư.  Có bao giờ tao viết thư cho mày đâu.  Có lẽ chỉ  một lần, tao viết thư cho mày, khi mày còn ở bên Hoa Kỳ, tao nhờ mày mua cho tao cái tẩu thuốc la 'Dunhill'.
Bởi vì không là một lá thư, thành ra mày đừng tưởng tao nhờ mày mua cái gì.  Với al5i, ở cái đất Pleiku của máy hiện giờ; thì còn có cái gì để mà mua.  Họa chăng, chỉ có vài vài con 'gô-nô-cốc' ở cái trung tâm khang lạc.
Mỗi lần mày ở Pleiku về, mày tìm đến tao, kễ những chuyện ở Pleiku; rồi mày rủ rê tao xin đổi lên trên đó với mày.  Tao đâu phải là thằng dại; đang là một thằng lính ở thành phố, dại gì bỏ đi; dù mày có kể hàng ngàn chuyện như: tắm suối chung với những người em bản Thượng tắm, không mặc quần áo; lúc lên bờ mắc cỡ; mày lấy chiếc mũ 'cát-kết, úp vào chỗ kín, bỏ cả 2 tay ra mà chiếc mũ kết vẫn không rơi ...
Tao viết thư cho mày, bởi vì hồi này tao khó ngủ.  Y như cái ngày ở Biên hòa, đêm nằm nghe bao nhiêu tiếng tắc-kè tắc lưỡi, đã hết đủ hết.  Tao nghĩ đến cái số phận  chuyên viên già chúng mình-- mà một ông lớn đã kết tội trong một bài phỏng vấn ' những thằng chuyên gia già chỉ làm việc tà-tà, chờ ngày giải ngũ'. 
Chúng tao một lũ lính già,  rất 'cảm khái' về câu nói đó.  Thằng Đinh, khóa 2 Rochefort, thợ súng, to tiếng uất ức;
-  Không hiểu sao lại chê những chuyên viên già/  Mỗi ngày, trung bình tao vác một trăm bom đưa lên máy bay. Mày thử làm một cái tính  nhân, coi xem sơ sơ, 15 năm nay, tao vác lên  máy bay m16y trăm tấn bom.  Như vậy, tao cũng có ích cho quốc gia đấy chứ!

Chúng mình đối với cái quân chủng này, kể như ta những kẻ 'khai quốc công thần'-- thằng nào cũng đã gần 18 năm quân ngũ.  Nhưng cái thâm niên quân vụ, kể từ thời đại tướng Nguyễn Khánh, nó đã hết là một thứ hết được kính nể, vì đâu nó có được lĩnh tiến.  Gần đến lúc 'ăn tiền thâm niên quân vụ' thiên hạ cho lên một cấp bậc, là cái thâm niên ấy theo gió mà bay lên trời.  Đi lính hơn 10 năm vẫn chỉ là lính mới. 

Tao bước xuống bậc thang .  Trước phòng tuyển binh, đông thanh niên xin vào lính mũ xanh không quân. Tao gặp thằng con ông chủ trường đánh máy chữ [ở Biên hào xưa kia, mày nhớ chứ?],  sắp theo học lớp phi công.  Mày ngạc nhiên lắm hay sao? 10 năm rồi còn gì. Ngày đó, nó, 8, 9 tuổi; thì bây giờ nó đã 18; đủ tư cách đi học lái tàu bay rồi.
[Gặp tao], nó gọi tao bằng 'anh', chứ không bằng 'chú'. như xưa nữa.  Mức xưng hô bị tụt thang. Rồi, ít lâu nữa. mức xưng hô, chắc sẽ còn tụt thang  một cách thảm hại.
Tao ghi tiểu sử của nó vào trong một quyển sách thật đẹp.
Thuở mới lên 8, 9 tuổi, 'Người' đã muốn thoát ly gia đình; nhưng "Người' sợ sang qua đường một mình, má thấy, má mắng..." -- tạo cứ ghi vào đó..., biết đâu một ngày kia, nó sẽ làm lớn-- phải -- biết đâu ...?
[]

   DƯƠNG HÙNG CƯỜNG
  THÁNG 5- 1967.


                                                                ( trang  159- 175 - TẬP THƠ TRUYỆN KQ THỜI CHIẾN.)


                                          bút tích & chữ ký dương hùng cường [1934- 1979]

  vài dòng tiểu sử.

- Tên thật dùng cho bút hiệu chính.  Còn ký Dê Húc Càn.  Sinh ngày 1-10-1934 ở  Hà nội  Tình nguyện nhập ngũ vào Không quân từ 1953.  Sau 20 năm phục vụ Kq rồi thuyên chuyển sang Bộ binh, tới một sư đoàn dữ dằn là Sđ 3 Bộ binh. Sau, được trở về Kq; trong quân đội hay ngoài đời, làm rất nhiều nghề.  Tốt nghiệp Cơ khí hàng không Rochefort,  lại không hành nghề 'thợ máy tàu bay'.  Tốt nghiệp 'Cao đẳng Không lưu', chỉ hành nghề này trong vòng 10 năm..  Cuối cùng, làm một nghề, không học ở đâu cả: 'nghề làm báo, viết văn'.   Sự nghiệp làm báo cũng phức tạp, viết đủ các mục, thể loại văn.   Loại châm biếm (potin), hoặc 'trào phúng thời đàm' tạo anht rở thành 'nhà báo thứ dữ'.   DƯƠNG HÙNG CƯỜNG cộng tác với nhiều nhật báo, tuần báo ở thủ đô Saigon.

  tác phẩm đã xuất bản.

-  Buồn vui phi trường (truyện dai)
-  Lính thành phố     (tự truyện)
-  Vĩnh biệt Phượng   (truyện dài)

 truyện trích tuyển

 - mười năm ngồi trên cao     ... tr. 159-175.

 tiểu sử các tác giả do nhóm điều hợp thực hiện:

1- trung sĩ kiều văn bảng -- số quân: 56/600.594.
2- trung sĩ 1 đỗ mạnh tường -- số quân: 56/ 600.595.



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ