ngày 10 tháng 10 năm 94 ở hànội / bút ký thế phong .
hànội 40 năm xa-thế phong.
nxb thanh niên, hà nội, 1999.
ngày 10 tháng 10 năm 94 ở hànội
bút ký thế phong
HÀ NỘI 40 NĂM XA/ THẾ PHONG
( Nxb Thanh niên (Chi nhánh tãi tp.HCM] 1994)
Thế Phong ( ảnh chụp ở Hà nội- tháng 10/1994)
từ trên xuống:
- nữ văn sĩ Lý Lna -- Thế Phong và vợ-
- văn sĩ Thanh Hữu -- TP + văn sĩ Hoàng hải Thủy
- nữ thi sĩ Tôn nử Hỷ Khương -- nữ thi sĩ Vân Nương- Trần thị Vân Chung.
( ảnh ttư liệu TP)
ngày 10 tháng 10 năm 199...
Hai ngày 9 và 10, Kiều liên Sơn bận bịu đám tang em rể qua đời. Cô Ninh, em gái duy nhất của Sơn, vì, gia đình chỉ có 2 anh em, chồng cô em buông xuôi 2 tay, gây cho cô nhức nhối, niềm đau đớn cao độ. Sơn kể lại về ông bà cụ; kể cả Sơn- không mấy đồng tình cho cô cậu lập gia đình- sau đành chấp nhận, tình yêu thắng tất cả.
Hôm nay ngay thứ 2, chỉ còn một buổi nói chuyện văn chương điện ảnh của Jean Philippe Toussaint, ở trung tâm văn hóa Pháp- đồng thời cho chiếu cuốn phim mờ mờ ảo ảo, luc rõ, lúc không, đến câu chuyện văn chương nhạt phèo của Toussaint, đã giúp cho Tahar Ben Jelloun có giấc ngủ trưa chập chờn, đầu anh ta lắc lư như chiếc đèn đêm ngọẹo cổ.
Tôi trở về nhà, trông cháu Trung cho vợ chồng Sơn túc trực ở đám tang, cậu bé 3, 4 tuổi vắng mẹ, buồn ngủ nhíp mắt, nhưng miệng vẫn gọi mẹ tại sao lâu về. Những cú điện thoại liên tiếp của anh Sơn, chị Thái gọi về nhà, hỏi xem cháu có khóc không, và, đã chịu ngủ chưa ? Mỗi lần cháu sửa soạn khóc, lại dỗ cháu,
" hãy nhìn vào gương soi, nếu cháu thấy đẹp, thì khóc tiếp; nếu mếu máo không còn đẹp trai, thì cháu cứ việc khóc tiếp, hoặc, cháu thấy khóc mếu máo xấu quá thì thôi đừng khóc nữa. Cháu nhìn lên cửa sổ đi, và ,nghe tiếng mẹ cháu gõ cạch cạch, thì bác, cháu mình ra mở cửa cho bố mẹ cháu về".
Và, cậu bé đã nhiều lần mếu máo, gọi mẹ, nhưng, sau cùng đã chịu ôm gối ngủ, và, tôi cũng ngủ thiếp chập chờn cùng cháu. 12 giờ đêm, vợ chồng Sơn về; thấy con ngủ, hài lòng nghề trông trẻ của tôi. Nhớ lại ngày xưa, tôi thường bế con, con bé khóc, tôi bèn kề bộ vú nở nang cho cháu bú. Cháu mút chụt chụt, nhột quá, lôi miệng cháu khỏi vú, bé gái khóc ré lên- đúng lúc, vợ tôi kịp pha sữa lên, bế thay, cho cháu ngậm bình.
Khi Lý Lan cùng tôi đến hiệu ảnh Đạm trên phố Trần hưng Đạo lấy ảnh chụp lại, ảnh gốc do nhà văn Băng Sơn cho mượn- nhìn tấm ảnh chụp từ 1954 ở Hànội, bộ ngực nở nang, khoảng hơn 100 cm chu vi, cô văn sĩ bảo đó là bộ ngực có bơm silicone.
nữ văn sĩ Lý Lan nhìn tấm ảnh ( chụp năm 1954 ở Hà nội)
bảo đó là bộ ngực có bơm silicone.
và, tấm ảnh chụp vào năm 2000 ở Phi nôm (Dalat)
cùng rong chơi với nữ văn sĩ Trần thị Bông Giấy+ Hoàng vũ Đômg Sơn.
họa sĩ Phan Diên ở Mỹ về, mơi Lý Lan, vợ chồng Thế Phong
ăn trưa- tại tiệm cơn gà Hồng Phát ,Tân định tp.HCM.
Một số anh chị em về Sài gòn sớm hơn chương trình: Nguyễn nhật Ánh, Lý Lan vá Huỳnh như Phương.
Diễn giả Hữu Ngọc đã cao tuổi, tráng kiện, ăn nói lưu loát. ông từng là bạn họa sĩ Phạm Tăng, nhà thơ Trần lê Văn, nhóm viết báo, vẽ tranh từ trước thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam định. Họa sĩ Phạm Tăng di cư vào Nam năm 54, vẽ cho nhật báo Tự do , chủ nhiệm Phạm việt Tuyền, sau họa sĩ được học bổng sang Roma, vẽ tranh dự giải thi, chiếm giải nhất UNESCO tại Roma (1).
Một vị ở tuổi trung niên ngồi sát cạnh, nghe xong bài diễn văn Hữu Ngọc, ông ta chia sẻ với tôi, qua câu nói bằng tiếng pháp," ông ấy nói tiếng tây trôi chảy, nhưng đối với tôi, hình như chia động tự rất tồi" (2) . Có lẽ, người ngồi cạnh đã không ngủ gật, nghe chăm chú từ đầu đến cuối, phân biệt được sự khác nhau, qua những câu nói về thời quá khứ xác định (passé défini), thời quá khứ không xác định (passé indéfini).
Nhớ lại buồi khác, dịch giả Hoàng ngọc Hiến lên đọc tiếp một bài nói chuyện về Kiều. Bác sĩ Nguyễn khắc Viện nói được vài câu, vì lý do sức khỏe, rút lui trước. Ông Hiến, diễn giả 'đọc', giọng lên bổng xuống trầm, - khiến cô thông dịch viên, phải hơn 1 lần phát biểu bằng tiếng pháp," xin diễn giả đọc, cho có câu cú, có đoạn ngắt, thì, người dịch mới nắm được ý để thông dịch". Bởi, ông Hiến mỗi khi thấy cô thông dịch, dịch một chữ nào đó, thuộc phạm trù văn chương, triết lý- dịch một cách chung chung, thì, ông ra hiệu ngưng lại, nói nhỏ, cô thông dịch nhắc lại từ mà ông Hiến chỉnh . Có thể, đây cũng là cách làm mất mặt cô thông dịch viên, mặc dầu cô dịch rất cừ (theo tôi) - nhưng, có thể vì không quen dịch những cụm từ đặc ngữ về triết lý, văn chương, khiến có phút giây ngập ngừng, lúng túng.
Tôi nói với ông Jacques Audibert, tay cố vấn văn hóa tòa đại sứ ở Hànội: nên đưa trước cho thông dịch viên một bản tham luận, trước khi họ dịch, kể cả người tham dự cũng cần một bản dịch theo dõi, khi nghe diễn thuyết.
---
* Năm 1995, Phạm Tăng về Hà nội, cho in thi tập PHẠM TĂNG THƠ (nxb Văn học,
Hànội 1995.) Bạt của Hữu Ngọc, tác giả nhiều sách ngoại văn,như :"Hồ xuân Hương ou le voile dechiré" ( viết chung Francoise Corrèze, Hanoi, 1984.)
** " Je crois qu'il parle très couramment, mais il me semble qu'il a mal conjugué".
***
Chủ nhật, từ sáng sớm, tôi đến Ngõ Trạm, nơi có một nhà thờ Tin lành duy nhất ở Hànội để thờ phượng. Buổi nhóm khá đông, chừng trên 100 tín hữu, có cả vài thanh niên Hoa Kỳ, đen, trắng , đeo ba-lô vào thờ phượng Chúa. Tín hữu người Mỹ đến đây, có lẽ theo chân ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Hànội, ngài Warren Christopher- có thể nhà buôn, hoặc viên chức tòa đại sứ Mỹ 10 tầng ở Láng hạ, cũng có th, khách du lịch, nhưng, đa số họ là Cơ đốc nhân, " không bỏ nhóm như những kẻ quan làm". (1) Con cái Chúa được Ngài săn sóc, cả phần thuộc linh, thuộc thể- và, xe gắn máy Dream nhiều nhất, giống hết nhau về sở thích của người Hà nội hôm nay.
---
(1) Kinh thánh/ Hê-bơ-rơ, không nhớ địa chỉ đoạn+ câu. (TP)
Trong 1 quán lá gần khu Nhật tân (thôn Quảng bá), cạnh ngôi đình Quảng bá, có vài chiếc xe Dream dựng cạnh đó là của dân trồng hoa. Họ chỉ cần bán một nửa khu đất cũng được vài trăm cây, so sánh trồng hoa, cả mấy thế kỷ chẳng thể có được. Có người dân trồng hoa bỏ nghề, theo nghề buôn bán đất, xây biệt thự cho ngoại kiều thuê, kiếm vài nghìn đô-la/ tháng, chẳng mấy lúc giàu sụ. Nhưng, vẫn còn có người trồng hoa, tự chở hoa về nội đô bán, nhiều nhất là họ đi xe đạp chạy rong rong từ phía làng Chèm về Hà nội. Một chục bông hồng tươi rói, đẹp tuyệt, chỉ bán giá 3 nghìn, nếu bán cho khách du lịch, họ còn tặng thêm một bông. Người mua bó hoa hồng sang nay là nhà văn nữ Ngô thị Kim Cúc, từ Saigon ra, ở chung một phòng trọ trên gác phố Cửa Đông với 2 cô văn sĩ khác: Lý Lan + Nguyễn thị Minh Ngọc.
Tôi, từ nhà thờ Tin lành ở phố Ngõ Trạm đi ra, rẽ sang phố Yên thái, gặp ngay một quán bán bún chả giò. Những thỏi chả rán xinh xinh trong chảo chiên, bốc hương thơm ngon, đáp ứng bụng rỗng chưa ăn sáng, tôi tạt ngay vào thưởng thức hương vị món ăn Hànội. Cảm thấy có thể ăn hết chục cái một lúc- cuối cùng, chủ quán chỉ tính 3 nghìn đồng cho 6 cái, cho biết thêm chả giò chiên có thêm cua bể. Lại tạt vào bên lề đường, tráng miệng bằng 2 chung nước chè nóng , với giá 2 trăm đồng. Rồi, đạp xe đạp ngược sang ngõ Tạm thương, qua hàng Bông- ráo rác tìm xem có thấy nhà in nổi tiếng xưa, Imprimerie Lê văn Tân- thì, nay, vẫn là nhà in. Khác hẳn một nhà in lâu đời của Hànội, trên phố hàng Bồ- Nhà in Lê Cường, số nhà 75, thì chỉ còn lại chữ IMPRIMERIE trên tầng lầu cao, dưới nhà đã đổi khác. Ở phố hàng Bông còn vài căn nhà cổ, lối kiến trúc xưa còn lại, tuy nhiên , đa số nhà đã bị phá xây mới.
Khi qua nhà Hát lớn, tôi rất muốn ghé mắt nhìn vào cửa hông bên trái nhìn lên , vẫn còn mái auvent, nay đã bị rào kín. Cạnh đó, một nhà thờ Tin lành dành riêng cho người Âu, đang bị đập phá để xây một tòa bin- đinh, do chủ người Pháo bỏ tiền thì phải. Tôi còn muốn ghé thăm một cửa hông thứ 2, ở phía bện trái nhà Hát lớn, để hồi tưởng lại, xưa kia lang thang, từng ngồi nghỉ chân trên bậc thềm, từng ao ước, nơi này làm chốn dung thân qua một đêm không nhà. Và nhớ lại, Khoa (vai anh họ một người bạn cùng ra Hà nội lần này) kể cho nghe : Trường Bưởi cũ (nay Chu văn An) cũng được một người Pháp dự định mua lại, không hiểu xây dựng một cơ ngơi để sử dụng vào việc gì. Phía sau trường, có một dẫy nhà dành cho nhân viên, nhà chị Bội Trâm vợ thi sĩ Phùng Quán) ở đó. Kiều liên Sơn đưa tôi tới thăm, chị Bội Trâm niềm nở hỏi thăm ngay Thái, và cháu Trung (vợ, con KLSơn)- câu đầu tiên, hỏi ngay tới con mèo xiêm đem về nuôi ra sao rồi. Hiểu ngay thân tình giữa vợ chồng Sơn và gia đình Phùng Quán thật thân thiết.
Cạnh bàn thờ Phùng Quán, treo chiếc áo veston, trên áo đầy chữ ký bằng hữu thân thiết, chân dung ảnh Phùng Quán treo phía trên cùng, khói nhang nghi ngút. Sơn dốt nhang, chắp tay khấn vái. Còn tôi vẫn ngồi, bất động, rồi, thưa với chị Trâm, " tôi xin lỗi, không được phép vái lạy, bởi tín hữu đạo Tin lành làm theo lời Kinh thánh chỉ dạy". Đưa mắt sang nhìn vài cột nhà gỗ lim, lên nước bóng, chứng tỏ cột lim rất lâu đời- thấy tôi chăm chú ngắm ngía, chị kể: cột nhà được tháo gỡ từ căn nhà cha mẹ chị ở phố hàng Cân đem về đây dựng lại.
Chị Trâm ngỏ ý muốn đưa tôi lên thăm gác xép của Phùng Quán, buổi sinh thời, thi sĩ làm việc miệt mài ở chòi ấy (Phùng Quán gọi gác xép là chòi.) Nơi này, Tào Mạt từng ngắm cảnh hồ Tây cùng Phùng Quán, mỗi khi đến thăm bạn. Chị Trâm mở hết cả 6 cánh cửa sổ cho tôi ngắm cảnh vật hồ Tây. Nhìn vào vách phía trong, bức ký họa Phùng Quán, có lẽ, hoạ sĩ Bùi xuân Phái vẽ, cạnh đó ký họa thi sĩ Nga Essénine, không biết ai vẽ + bài thơ Trường ca Võ thị Sáu,'viết tay, treo tòng teng ờ cuối vách. Rõ ràng, buồi sinh thời, Phùng Quán từng uống rượu, có thể uống rất nhiều,, độc ẩm, không bạn bè, cô đơn, nhưng chưa đến mức như Essénine độc ẩm, lẻ loi, bạn-người không có, đành kết bạn với con chó cái, "chó cái ơi, hãy cùng uống với ta đi chứ!".
Chị Bội Trâm đưa chúng tôi xuống gác xép, cầm theo 2 tập thơ vừa in xong, bìa tập thơ màu vàng THƠ PHÙNG QUÁN- tên thi sĩ được chữ viết tay, in nhũ. Chị Trâm kể tiếp, đám tang anh chưa bao giờ đông người tham dự như vậy, rất nhiều bạn văn ghi vào sổ lưu niệm- và, người viết sau cùng, tính đến hôm nay, ông Hà Đăng, đương kim trưởng ban văn hóa tư tưởng Trung ương đảng.
Phùng Quán viết trong Thay lời tựa: Tào Mạ (1) thường đến CHÒI (PQuán viết hoa) cùng anh ngắm sóng hồ Tây lượn lờ. Tào Mạt thường hát chèo cho Phùng Quán nghe. Và, Tào Mạt có 2 điều ao ước, chắc hẳn không phải quân hàm cao hơn đại tá đang mang, không phải cái gì khác, mà, nếu bà Tiên cho Tào Mạt được phép chọn :
một là : giới thiệu Phùng Quán vào đảng Cộng sản Việtnam.
hai là : bài thơ Tào Mạt mang lại hôm nay, sẽ được đưa vào tập thơ
PHÙNG QUÁN sẽ in để làm bài TỰA.
-----
(1) tên thật Nguyễn đăng Thục. Sinh 1930, qua đời 1994. Quê Sơn tây. Tác phẩm: Sông Trà khúc (1965) -- Bông hồng và bà sư đuổi chuột (chèo,1968)-- Khúc hát dưới chân núi Nguyệt hồng. (chèo, 1978) ...
Nhưng Phùng Quán qua đời sau Tào Mạt, chưa kịp bảo lãnh cho Phùng Quán vào đảng CS- còn bài thơ Tào Mạt viết để làm bài TỰA - Phùng Quán viết:
" May thay, bước vào tuổi 64 (tính theo âm lịch), nhờ tình ưu ái của ban chấp hành hội Nhà văn, tôi đã thực hiện được 1 trong 2 điều ước của Tào Mạt đối với tôi..."
Bài thơ Tào Mạt viết bằng chữ hán, chính tác giả tự dịch:
TẶNG PHÙNG QUÁN
Tuổi trẻ đã có nhiều công tích vẻ vang
Như chim nhạn vượt qua mây thành
Ý thành nhưng vì lời chưa chín chắn
Tai họa hết là lính quay giáo
Chất ngọc bị bẩn bởi ghét bụi
Lòng trong sạch tự chiết xuất ra văn
Râu bạc trắng thì phúc cũng đến
Cả văn lẫn chất ngày càng dầy dạn.
TÀO MẠT
Thơ, đối với Phùng Quán không chỉ là giải thoát tâm linh, còn là năng lực tinh thần nâng đỡ tâm linh. tác giả ghi bút tích trên trang đầu PHÙNG QUÁN THƠ:
" Thơ đề trên thơ/ có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy.
Chi Bội Trâm mời nước chung tôi, sau, lấy cây bút bi ghi tặng, mà, chỉ tặng riêng tôi- người chưa bao giờ quen biết, hoặc, nhìn thấy tận mặt Phùng Quán. Vốn là nhà giáo, nét chữ rất chân phương, viết trên dòng kẻ bằng bút chì :
"Thơ là mạng sống, là lý lịch đời tôi
Một đời lưu lạc
Một đời cay cực
Một đời thơ
Phùng Quán"
KÍNH TẶNG ANH THẾ PHươNG
HỒ TÂY THU 1995
VŨ BỘI TRÂM
VỢ ANH PHÙNG QUÁN
gia đinh Phùng Quán :
Phùng Quán-- con gái -- con trai-- Bội Trâm [vợ P.Quán]
(ảnh chụp lại trên mạng Google.search/ Images)
chị Bội Trâm ( vợ Phùng Quán ) đứng trước tủ sách trong căn nhà mới.
(ảnh chụp lại trên mạng Google.search/ Images)
Kiều liên Sơn thấy viết sai tên người được tặng, chỉnh, " nó là Thế PHONG, chị Trâm ơi!". Chị bèn tô lại hai âm ư, ơ thành chữ o. Thưa ngay với chị," không hề gì đâu chị, vì, anh Sơn mới giới thiệu bắt tay một ông tướng làm văn nghệ, tên Hồ PHƯƠNG ở trước báo Văn nghệ quân đội. Đời thơ tôi trong lính Không quân miền Nam, mới chỉ là trung sĩ , rất hào phóng thích chữ PHONG thành PHƯƠNG. Cảm ơn chị đã tặng tập thơ, với người lần đầu tới thăm. bây giờ, tôi xin phép từ giã chị, hẹn lần sau. "
Tôi thắc mắc, sao chị Bội Trâm cầm 2 cuốn thơ, lại chỉ tặng 1- chị cất tập kia mà lại không tặng Kiều liên Sơn? Có thể, Sơn đã được tặng rồi, mà chị quên, nên đem xuống 2 tập, tặng 1, còn 1 đem cất đi. Chị cho biết thêm: chị bỏ tiền thêm cho nhà in in thêm 300 cuốn, để có sách tặng bè bạn. Tôi vẫn chưa dám hỏi thằng Sơn đã có PHÙNG QUÁN THƠ chưa- mãi đến vài ngày sau, về gác xép nhà Sơn ngủ, tôi lục lọi tìm sách được tặng bày trên bàn nhỏ, chẳng thấy mặt mũi tập thơ Phùng Quán đâu cả. Bởi, Kiều Liên Sơn * chỉ có một giá sách bào rất nghèo nàn, ai tặng cuốn sách, tờ báo, anh ta chỉ để trên chiếc bàn nhỏ kia mà thôi. Tôi hỏi, Sơn trả lời, " chưa được tặng, có lẽ bà ấy quân, lại tưởng là tao được tặng rồi."
-----
* KIỀU LIÊN SƠN (1936-2006). Tên khai sinh ban đầu Dương đức DZƯ (nay là DƯ). Nguyên quán Xuân Phương (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hànội) Hội viên Hội nhà văn Hà nội. Tác phẩm : Tinh yêu muộn mằn (thơ, nxb Hà nội 1992) -- Trước giờ xử bắn (kịch nói, Hà nội 1966)-- Chị Thúy (kịch bản chéo- viết chung với Trần huyền Trân, Hà nội 1976) -- Khoảnh khắc trời mây (bút ký, Hànội 1996) --Phía sau chiến tranh (nxb Hội nhà văn VN, Hànội, 2005) ...
Thế Phong [bênphải]chụp chung với Kiều liên Sơn- Hànội 1954
'VIẾT TRONG HÀ NỘI
( tuyển tập thơ văn 1950-1954)
một trong những tác phẩm do Kiều liên Sơn , Nguyễn Bắc, Giang Quân, Hoài việt sưu tập tác phẩm 45 tác giả sống ở Hà nội từ 1950- 195 4-gồm: Tạ Vũ, Hoài Việt, Trương Uyên, Hoàng phụng Tỵ, , Nguyễn quốc Trinh, Vũ minh Tân, Mộng Sơn ( nữ), Kiều liên Sơn, Băng Sơn Giang Quân, Thế Phong, Song Nhất Nữ, Mọc đình Nhân, Hiền Nhân-Đỗ trọng Quỳnh, Vân Long, Thy Ngọc[ Thy thy Tống Ngọc], Nguyễn minh Lang, Hoàng công Khanh, Đinh Hùng, Nguyễn thiệu Giang, Vũ Bằng, Phạm cao Củng, Ngân Giang, Băng hồ, Lương danh Hiền, Thạch Anh, Lý Giáp, Trần liên Hồ, Xuân Giang, Đỗ Huân, Dương tuyết Lan, Phạm huy khuê, Dương Linh, Huy Linh, Hồ MyL Lê Ngọc, Trần hoàng Long, Huyền Sơn.Tú Sụn.
( Nxb Hà nội, 2004, sách dày 550 trang, khổ 14x 21cm).
đăng trên nhật báo Tia Sáng/ Trang Học sinh
do nhà báo Hiền Nhân-Đỗ trọng Quỳnh chọn đăng.-
báo Tia sáng pha1 thành ở Hànội ngày 17/11/1952.-
thư và thủ bút văn sĩ Nguyễn minh Lang [tên thật Nguyễn như Thiện]
tác giả bộ tiểu thuyết 2 tập Cánh hoa trước gió (Hà nội 1953) rất nổi tiếng-
sau Hiệp định Genève 1054 chia đôi Nam Bắc, ở lai Hà nội.
thủ bút, chữ ký nhà báo Hiền Nhân-Đỗ trọng Quỳnh.
***
Chiều chủ nhật sau cùng ở Hà nội, dành trọn một lang thang vào vườn Bách thảo. Trên tay, cầm tờ tuần báo CA tp.HCM, mới mua ở một quán báo bên lề đường. Người giữ xe mượn ngay tờ báo, phát biểu, " báo Sài gòn bán ở thủ đô rất chậm, nếu không muốn nói là ế!". Người Hànội không thích đọc báo Sài gòn chăng? theo anh, không phải chỉ thích đọc báo từ tiền người khác mua, không mua không đọc, vì, lối viết báo miến nam chưa phù hợp với khẩu vị tinh thần người miền bắc.
Nhớ lại, một hôm tôi tìm mua tờ tuần báo CA tp. HCM, bán chạy hàng đầu ờ Sài gòn, qua bao nhiêu sạp, chỉ nhìn thấy còn lại một tờ nhàu nát, bày trước sạp báo Bưu điện trung ương ở bờ Hồ. Sách in ở trong Nam đưa ra, với người đọc ở thủ đô, hệt như báo chí, chỉ những tác phẩm gây được dư luận ồn ào, như TTKH. nàng là ai? thì bán được 950 cuốn/ 1000. Tiểu thuyết in nhiều nhất là 2000, so với 70 triệu dân- dầu giá sách bán rẻ mạt ,vẫn ít được độc giả mua đọc. " Bán váy maxi còn sướng gấp vạn lần bán sách, ông ạ!", một cô bán hàng bên đường nói vơi tôi, cái môi cong cớn. Thầm nhủ, cũng đành vậy thôi, biết đâu đây chẳng là bức tường lửa ngăn cách giữa sách văn chương tư bản xâm nhập làm hủy hoại nền văn chương quốc nội? Còn thi ca, thơ phú lại càng ế ẩm, thơ mộng, ai cũng cần, nhưng thơ in ra, chẳng mấy ai chịu bỏ tiền mua, kể cả" thơ không la điểm tựa vịn lên mà đứng dậy." (Phùng Quán). Có người còn cho rằng, trong mấy chục triệu dân việt, có đến hàng triệu triệu thợ thơ, làm được một bài thơ con cóc, đã đi in danh thiếp tự xưng thi sĩ, văn nhân, nhà in không kịp giao hàng! Hoặc, xuất bản được một tập sách, vội lên mặt thi nhân, chỉ tốn tiền ngồi đồng ở trà đình, tửu quán khoe khoang.
Nghĩ lại, với trường hợp tôi, khi tái bản tập thơ Nếu anh có em là vợ, nên in 500 hay 1000? Trần nhật Thu, tay làm thơ kiêm đầu nậu cấp giấy phép khống của nhà xuất bản Văn hóa, giám đốc là thi sĩ Quang Huy, khăng khăng khuyê in 1000 cuốn , thơ sẽ bán tốt thôi! Tôi tặc lưỡi tựa Thạch Sùng," ừ, thi 1 ngàn"
- quả là tác giả Nếu anh có em là vợ đã tái xuất giang hồ thật rồi, mà, thơ còn bán chạy, vượt ý muốn. Chỉ riêng trưởng phòng kinh doanh Tổng công ty phát hành sách miền Nam, Phạm hữu Thu, đã nhận 500 cuốn, chiết khấu 20 %, trả tiền rất sòng phẳng.
Vườn Bách thảo nây giờ không con con thú nào, vì đã từ lâu chuyển về Thủ lệ rồi. Cũng rất thú , nhìn thấy từng cặp hẹn hò ngồi bên ven hồ, xe gắn máy Dream dựng cạnh, lại sẵn một tấm áo mưa giăng lên, như không muốn cho kẻ lữ hành tò mò nhìn, họ đang rực thú của đôi tình nhân. Tôi ngẫm ra, công dụng váy maxi-jean không hề mất nếp, quả thật đầy ý nghĩa sâu xa, nhiều động tác nhanh, gọn, thanh lịch mà không hề mất nếp. Người phương tây có thể mở áo choàng, măng-tô, pardessus, đôi tình nhân hẹn hò hôn nhau công khai là chuyện thường tình, không bị cấm cản, chẳng ai cho là kỳ dị. Nhưng, không thể nào giống hệt cặp yêu đương ở ven hồ mà tôi nhìn thấy, đang rất rực thú giữa khách sạn lộ thiên giữa thanh thiên bạch nhật. Rất tự do!!!
Tôi không nhìn nữa, vội quay đi, leo lên dốc của gò cáo núi Nùng, nơi thờ Huyền thiên Hắc đế- tương truyền về một cậu bé giúp nhà Lý đánh giặc ngoại xâm. Bây giờ chỉ cón 1, 2 chiếc bàn lèo tèo, có một ông đồ già ăn vận theo lối mới, đôi mắt sắc đong đưa theo dõi, tưởng tôi là người theo dõi ông đang xem bói, hoặc giải quẻ.
Tôi đi xuống gò, bước qua cầu, vào một hòn đảo nhỏ, trong đó là vườn hoa, ở giữa là cột điện bằng sắt đã rất lâu đời, ngọn uốn cong, treo một bóng đèn, một loa to đùng đang phát ra âm thanh một bản nhạc giao hưởng tây phương. Cột điện lâu đời này không còn nằm ở trung tâm điểm vườn hoa, lại bị đưa ra sát gần bìa, chứng tỏ vườn hoa này được cải tạo lại, vòng tròn của nó được mở rộng hơn xưa.
Trở lại vòng phía bên kia đảo, rất dông người đang theo dõi một cuộc chọi gà, thú vui rất bình dị của nhiều người ưa thích, diễn ra vào ngày chủ nhật ở sở Thú.
và, tôi cũng thầm cảm ơn vườn Bách thảo, đã có một toa-lét dành cho khách nặng lòng muốn giải tỏa khí thải trong lòng Đã từng thầm cảm ơn rất bâng quơ cái đê Yên phụ, một toa-lét lộ thiên lâu đời, dành cho những ai thích câu ngạn ngữ 'nhất ị đồng, nhì chồng quan' Chính nơi này, rất có thể, có một ông cán bộ văn hóa làm ở bảo tàng viện, nhân đi giải tỏa khí thải ở toa-lét lộ thiên trên đê Yên phụ- ông đưa mắt nhìn ra xa, nhận ra ngay được một tấm bia đã chôn vùi nơi đây, lộ cái đầu nhọn tí ti lên mặt đất. Thế là, ông cán bộ bảo tàng vừa xách quần ,vừa giê lại chỗ tấm bia , hóa ra , tấm bia của một vị đã có công rất lớn làm ra chữ quốc ngữ- đó là cố đạo Alexandre de Rhodes. Ông cán bộ bảo tàng làm dấu, chạy về nhà, thuê người đào tấm bia quí giá, đem về nhà cất kỹ, đợi có một ngày, xu thế đánh giá lại những người có công, như ông Alexandre de Rhodes chẳng hạn, tấm bia kia có thể sẽ được dựng trước khuôn viên Thư viện quốc gia, chẳng hạn.
Tôi rất khâm phục ông cán bộ bảo tàng kia 'nhất ị đồng' đã đào bới, cất giữ tấm bia Alexandre de Rhodes- lại càng giận hơn, nghĩ đến một di tích lịch sử lâu đời, lăng cha Cả, ở trước cổng đường vào sân bay Tân sơn nhất , đã bị san bằng để trở thành một rond point cho xe qua lại đi vòng theo kim đồng hồ. Thật uổng phí một di tích lịch sử, có 1-0- 2 ,như lăng cha Cả của Sài gòn năm xưa, đã không còn!
Thôi thì, bây giờ hãy đưa bàn tay sờ lên bức tường có bề dày cả 100 năm, được xây bao quanh vườn Bách thảo- hoặc, bức tường sâu phiá trong chùa Quán thánh, chính những sợi rêu phong này là bạn đồng hành cùng bức tường cổ kính của đình làng Yên phụ ở Hà nội.
Có khi nào , tôi ra thăm Hànội, lại không còn được đặt tay lên những bức tường này nữa ?!
(...) - tạm lược khoảng 3 trang. (BT)
thế phong
(trích HÀ NỘI 40 NĂM XA/ THẾ PHONG/ nxb Thanh niên 1999 - ấn bản lần thứ 1- tr. 85-94)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ