MỘT VÀI BÀI THƠ HAY CỦA Ý NHI / THẾ PHONG giới thiệu..
Lời dẫn:
' Ý NHI / THƠ / Nxb Hội Nhà Văn 01/2001', khổ sách 14,5x 20,5 cm, bìa Nguyễn Việt Hải, trình bày sách Lê Ký Thương, dầy 262 trang. Chân dung ảnh Ý Nhi của M.P.K (Dalat) Cầm trên tay tập thơ dầy, đồ sộ, thật thú vị !
Cuối năm rồi, tôi và Lữ Quốc Văn đến thăm chị , lại hỏi xin thêm một tập, nếu còn ? : ' .. Lại tặng cô nào rồi phải không?' - 'Không , thơ Ý Nhi, theo tôi, dành cho người lớn đọc, các cô trẻ đẹp
' rợn tơ hồng' như Lữ Quốc Văn tụng ca - nếu ưa thích, quả rất hiếm hoi !
Không ký tặng lần 2, chỉ lấy bút ghi vài dòng tiểu sử trích ngang:
Ý NHI
Tên khai sinh: Hoàng Thị Ý Nhi. Sinh năm 1944. tại Hội An , Quảng Nam. Tốt nghiệp Đại học, ngành ngữ văn năm 1968.
Tác phẩm:
Trái tim, Nỗi Nhớ, ( in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ), Cây trong fố, Chờ trăng ( in chung với Xuân Quỳnh ), Đến với dòng sông, Người đàn bà ngồi đan, Ngày thường, Mưa tuyết, Vườn, Thơ tuyển, Nhưng gương mặt-Những câu thơ...
THẾPHONG.
1.- Tự do
Chị đã lường trước được sự đói khát
đã lường trước được những đòn tra tấn hiểm nghèo
đã lường trước cái chết
nhưng chỉ đến khi đứng sau song sắt nhà tù
chị mới hiểu tự do.
Đó không phải là cái cách một người đói
hiểu giá trị của bữa cơm
một người ốm qúy trọng thuốc
cũng không giống như kẻ bất hạnh luyến tiếc
tình yêu
Lúc no người ta không nhớ đến cái ăn
lúc khỏe người ta quên thuốc
người ta cũng sẽ thôi nghĩ về sự may mắn
trong hạnh phúc
Nhưng với chị
ngay cả khi không còn tù ngục
tự do vẫn như một ám ảnh
một dày vò
một khát vọng.
6 -1985
2.- Nhà thơ và cái hồ nhỏ
Khi đời đã trụi trần, đối diện với mình đây
E.Evtouchenko
Mặt hồ quen từ thuở thiếu thời
chợt sáng lên như mảnh gương
trong mùa đông của tuổi sáu mươi
và cái ánh mới mẻ ấy
vừa đẩy ông ra xa
vừa vẫy gọi ông tìm đến soi nhìn.
Những cuốn sách mang tên ông
những phần thưởng
những diễn đàn
những bài viết ngợi khen
những chào mời vồ vập
những bức ảnh in to và rõ nét
những chương trình phát thanh và
vô tuyến truyền hình
Phải chăng đó là cuộc sống đời ông.
Giọt nước mát ràn rụa qua gương
mặt hạnh phúc
nụ cười cay đắng trước trò đùa
nghiệt ngã của số phận
cái giá của tự do
mặt trái của quyền lực
sự nhân nhượng của con người trước cái ác
ranh giới giữa cái đẹp và sự phù phiếm.(*)
bao ý nghĩ từng dày vò ông
và như một chứng bệnh
chúng không thể chữa khỏi bằng thứ vinh quang
ông có được
Phải chăng đó là cuộc sống đời ông.
Lòng đố kỵ được giấu kín dưới từ ngữ đẹp đẽ
sự phản trắc được giải thích bằng lý lẽ sắc sảo
ham muốn tầm thường được che đậy bằng
câu chuyện bông đùa
và nỗi sợ hãi
hầu như vô nguyên cớ
suốt đời đè nặng ông bằng sức nặng vô hình
suốt đời trói buộc ông bằng dây nhợ vô hình
Phải chăng đó là cuộc đời ông.
Trong những chiều
nhà thơ thương đi quanh cái hồ quen
vẻ như khách lạ.
3. Ngày thường
Tôi cầm những đồng tiền lẻ
như nhà thơ cầm giữ từ ngữ
những đồng tiền nhầu nát
như những từ ngữ đã được dùng bao thế kỷ
tôi tính cách tiêu tiền
kho khăn như nhà thơ đi tìm thi tứ .
Tôi đứng giữa chợ
cô độc như nhà thơ
đấu tranh cho sự công bằng của giá cả
của cân, đo, đong, đếm
tôi tìm đến cái tươi mới của thực phẩm
tìm đến màu sắc của rau cỏ
sự tương phản, cái đối chọi của mùi vị.
Và trong gian bếp nhỏ
như một nhà thơ biết tiết chế
tôi vừa đun nấu trên ngọn lửa bếp dầu
chút thức ăn ít ỏi
vừa nghĩ đến vẻ đẹp thực chất của bữa ăn
niềm hạnh phúc tôi có thể đem lại cho mọi người.
[]
Ý NHI
( trích Ý NHI / THƠ / Nxb Hội Nhà văn,
Hà Nội 2001 tr. 132-135).
-----
* bổ túc một đoạn thơ thiếu, đồng thời
bổ sung bài ' Ngày thường - một bài thơ hay nữa,
dành cho người lớn đọc.
Xin lỗi nữ thi sĩ Ý Nhi.
T.P.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ