THI CA & THI NHÂN: TÔ THÙY YÊN / CAO THẾ DUNG viết.
T Ô T H U Ỳ Y Ê N
bài viết : CAO THẾ DUNG.
Tên thực: Đinh thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gia Định. Động viên và
hiện mang cấp bậc trung úy, phục vụ tại ngành Tâm lý chiến.
Đã cộng tác với tạp chí" Sáng Tạo, Hiên Đại , Thế kỷ XX, Vấn Đề , Khởi Hành "...
Đã xuất bản : Tô Thùy Yên / Thơ Tuyển / tác giả tự xuất bản tại Saint Paul,
Minnesota, Hoa Kỳ, 1995 * ( * BT chú thích sau ) .
Trong nền thi ca Pháp, người ta yêu Rimbaud hơn là Verlaine. Thế giới Rimbaud mênh mang những đường nét ruồng rẫy vượt lên mọi khuôn tước trong sự sống bồng bềnh như một du tử . Rimbaud cũng là một vagabond, có khác hơn, là một vagabond văn nghệ.
Từ lòng yêu dấu Rimbaud- chúng tôi đọc thơ Tô Thùy Yên. Thơ TTYên hôm nay thể hiện rõ niềm đau trong cơn hằn thế kỷ và như sự sống trong thảng thốt, phung phá và bất cần. Ông có hơi hướm thơ Rimbaud là lẽ dĩ nhiên , cả sự ruồng rẫy rất thật Rimbaud nữa :
Xin hoàn trả cuộc đời tất cả gia tài
Tôi làm đưa con mất dậy đi hoang
Buộc phiến tâm hồn vào cổ cứng
Tôi gieo mình xuống đáy đau thương
Ẩn dật làm tinh như thủy quái
Không không ôm giữ khối u tình
Và mặc lòng kiêu như con vật đực
Cặp mắt xanh lồi hoen mãi lệ xanh.
TTYên hiện diện đầy đủ vóc dáng môt thi nhân có chân dung một con người chải chuốt trong cô đơn và tự dày vò mình vào cõi cô đơn. Qua thơ TTYên, người ta sẽ chợt bắt gặp một vóc dáng thật nghệ sĩ- một nghệ sĩ chìm đắm trong suy tư cũng cô đơn cùng cơn đau thầm nhức mỏi:
tôi rảo bước về đinh mệnh
biển động kinh không ngớt
nóc nhà thờ hoảng hốt túa âm thanh
thiên hạ truy nã nhau
để mình khỏi lẩn lút
tôi làm con én cuối cùng trễ chuyến nam du
trên bức tượng đồng dửng dưng mùa lạnh tới
chiếc cầu thang mải miết
không dẫn đến nơi nào
cỏ mọn hoa hèn phải cháy rụi
cây ăn trái cần rộng đất đai
tôi mang khắp hình hài những vết bỏng
đi suốt hòang hôn không hỏi chào ai
tôi chọn nơi nhiều đau khổ làm quê hương
nhưng chẳng nhận đồng bào bất cứ kẻ nào
tôi điểm chỉ tôi trước Thượng Đế
nó cũng là do thói da đen
với dấu chàm nguyền rủa trên hồn không gột được
và tôi xử tử tôi
giữa ngõ tắt đưa về định mệnh
(Tội trạng).
Thơ TTYên đã từng vang vọng. Vang vọng vì có sự mới lạ. Thơ của ông chịu ảnh hưởng khá đậm đà thi ca Tây phương hiện đại. Thực ra thi không phải một TTYên; đa số thi nhân bây giờ đều bị quyến rũ bởi những tư trào Tây phương bắt nguồn từ triết lý sưc mạnh của Nietzsche đến André Gide, Malraux, Camus, Sartre... và đặc biệt trong thơ TTYên còn nghi ngút cơn bốc bừng của một tâm hồn W.Faaulkner cùng với tư tưởng nhập thể cùng thái độ nhìn đời từ trong cuộc đời và nơi thân phận.
Trên khắp toàn cầu - ngày nay cuộc đời đang bừng bốc ở một cao độ và dẫy nẩy trong liên tục những biến động. Cho nên tư tưởng A. Malraux, A.Camus... đã có đất dụng võ trên địa hạt thi ca và ngự trị trong mọi chiều hướng suy tư của lớp người làm văn học mới. TTYên cũng chỉ là một trường hợp trong trăm ngàn trường hợp của một thế giới đi hoang được nuôi dưỡng bằng đủ mọi thứ mà nó tình cờ bắt gặp:
Chúng tôi còn sống như mặt biển
Chúng tôi còn sống như trời mây
Bởi vì đã đi nên đã đến
Lời thơ ấy như một phát đoan cho thế khí mới:
Xin hô hào người đau nín thở
Xin hô hào người khóc vỡ người
Lòng hy vọng cũng từ đó cháy ngút lên:
Xét vì trái tim là khí giới
Các anh các chị các em ơi
Chúng tôi đoạt lại nhiều hơi thở
Nào mặt trời đỏ của một ngày
Đoạt lại nào vòng hoa chiến thắng
Chúng tôi còn sống còn trong tay
Thơ TTYên mang sự quảng diễn một thái độ quyết liệt của một con người trước cuộc đời. Nhà thơ muốn lao thân vào đứng giữa cuộc đời để tham dự với đời và bước ra khỏi tháp ngà để đi thẳng vào cuộc sống, hành trình như một kẻ lãng du và cam chịu mọi đổ vỡ. Thi nhân khi sáng tác đã đành là phải chấp nhận cô đơn để có một riêng mình trong bốn bức tường hiu quạnh. Nhưng không thê tìm ra chất sống va khám phá chân thân, nếu tự thi nhân không dấn thân vào cuộc sống, nếu cứ giam hãm mãi trong tháp ngà kia. Sứ mạng của thi nhân, nếu muốn dấn thân là phải Đi và Sống- nhìn để thấy, nghe để cảm. Qua thế giới thơ TTYên , thì xem như ông đã đồng ý và say mê vẽ một quan niệm văn chương, như thế dể cùng dấn thân, chấp nhận cơn đau thời đại; dù có phải chìm trong lấy lợm, nhưng ít nhất cũng vớt được những thanh cao. Trên con đường đó, thơ TTYên- trước hết là sự quảng diễn thái độ kia để từ thái độ kia mà tìm vào cuộc đời, tìm cho ra thân thế:
Với một chân sa lầy tuyệt vọng
Chỉ còn một đeo đuổi tương lai
Tôi sống để quên, quên để sống
Chẳng thể đa mang tôi vốn tật nguyền.
Cuộc đời đã như vậy thì nó vẫn như vậy, không thể gia giảm gì hơn. Thân thế cũng không có gì khác sơn sự thế đó, nên đau khổ trở thành cần thiết. Hạnh phúc hay bất hạnh cũng thế thôi. Thành ra lẩn trốn đau khổ thì liệu có ích gì ? Từ đau khổ, con người có thể nhìn nhận ra sự hiện hữu của nó:
"... Đau khổ như biển khơi trên mặt cuồng điên mà dưới đáy im lìm, anh chìm xuống đó sâu thẳm, càng ngày anh càng lặng lẽ . "
Cái lặng lẽ của nhà thơ là dấu hiệu sự trưởng thành để nhìn ngắm cuộc sống. Sự im lặng từ một tangt hương trước hố thẳm ảo vọng. Và Hải Phận đó - Tang thương như kiếp người. Im lặng và sự im lặng của đêm đen. Người ta cuộn trốn trong sự im lặng kia- TTYên nhìn Hải Phận này như một biểu tượng của một thân thế lạc loài. Cũng một im lặng ấy, nhưng là sự cũng đành thể nhận sự đau khổ:
Như một con sò giữa vỏ
Chúng ta cuộn trốn trong tình yêu
Như đôi dã tràng không biết mỏi
Chúng ta khởi sự lại mối sấu
Từng chút vỗ về từng chút một
Em tạt vào anh rồi rút đi
Thương tích chẳng lành chan muối sót
Bào sâu thân đá nước tay ghì
Anh sống làm quen cùng cái chết
Liếm lấy mặn mà trên đau thương
Chìm mãi xuống em và mất tích
Như mặt trời rã trong nước loang
Vị thần mun, hải đăng trơ trọi
Trừng mỏi con mắt ngó không quen
Em trở về em chờ biến đổi
Trở về em như kim chỉ nam .
( Hải Phận).
TTYên có cái giọng thơ như vậy - như tiếng nói một người bộc trực. Nó không dìu dặt như lời tình tự. Nó cũng không ấp ủ những tươi mát... Nó như bước chân trên sỏi đá của một kẻ giã từ chính thân thế để đi hoang, rồi lại nương theo đau khổ mà trở về. Thi điệu của ông không bồng bềnh mà vẫn như bồng bềnh trên nền xanh của mặt nước bão tố. Đọc thơ ông, phần lớn ta có cảm tưởng như được nhìn ngắm những bông hồng tươi đặtv trên tấm áo xô- tấm áo của thời đại chúng ta.
Cái thanh chất mới của TTYên không nằm trong nội dung tư tưởng mà ở tiết điệu trong thơ ông - tiết điệu ấy bắt nguồn từ sự va chạm ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ của ông, nếu đứng riêng thí khúc mắc, nặng tai- nhưng trong toàn thể một bài, thì ngôn từ ấy lại đóng vai trò phối trí ( ordonnance ) thành nhạc cho thơ. Dĩ nhiên, nhạc vô chủ âm - một thứ điệu kèn clairinette của Benny Goodmen . Ta có thể dẫn dụ qua bài Một cánh đồng hoang - một con tàu- một con ngựa.
Người đọc tự ăặt cảm quan của mình rồi hoà mình vào thanh khí mới bài thơ này theo cách toàn diện ,thì sẽ khám phá ra cái hay, theo chủ quan riêng để suy định, có nghĩa cùng tham dự cùng thi nhân. Thực vậy, xem thơ bây giờ, cũng như ngắm tranh lập thể và vô thể - nó đòi hỏi người thưởng ngoạn nhiều cố gắng tham dự để cảm thông được cái hay, vẻ đẹp qua cảm quan của mình. Chúng tôi tìm vào thơ TTYên cũng một cách như thế, và đã thấy chính mình được hài lòng với chính mình- khi cảm thông được nỗi cơ hàn dằn vặt- nỗi niềm cô đơn vô hạn qua một số bài thơ TTYên. Xét kỹ hơn và hòa mình vào thế giới thơ TTYên, ai cũng nhận thấy ông có nhiều khám phá tình cờ và bạo. Thơ ông vừa xinh xắn, vừa hoang dại, lại có những tứ mới. Cái xinh xắn trong thơ TTYên không phải là cái xinh xắn của Lưu Trọng Lư, hay diễm lệ như Huy Cận. Ông mang nhiều hình ảnh phiếm du như Rimbaud, nên vẻ xinh xắn ở thơ ông lại thật đậm đà- như một chàng du tử ngỗ nghịch. Đi vào thế giới thơ TTYên, tự nhiên ta sẽ liên tưởng đến quan niệm của Vercors : " khi cuộc đời đã là vô lý thì mọi hành vi của nó cũng vô nghĩa, chẳng một ích gì ?!" . Vẫn theoVercors thì yêu nhau, ôm nhau, hoặc chém giết tàn nhẫn, thì cũng thế vẫn thế...rồi cũng tan vào giữa huyền bí hư vô. Và với TTYên, con người đeo đuổi cuộc sống chỉ là một chặng hành trình vô nghĩa, không khác hơn một chuyến tàu, một con ngựa, một đồng hoang- rối tất cả cũng tan vào hư vô một cách phi lý nhất:
Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau và qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa một tầu một tầu một tầu
Một cánh đồng hoang - một con tàu - một con ngựa như một cuộc đời rất trơ trọi, cô đơn và như một tha nhân " tù tội chung thân" giữa cuộc đời, giữa 4 bức tường vây hãm - TTYên trở nên một thứ ngựa vằn, qua bài Thi sĩ- ý tứ lạ như thế áày:
Vẫn cặp mắt phô trần
Không mang kính xậm
Vẫn thứ mực thông dụng
Không phải cường toan
Tôi giành giựt đổ máu với tôi
Từng chữ một.
Cùng với xiết bao thanh khẩn:
Người ta lánh mặt tôi
Một thằng lươn lẹo
Bài thơ mất nửa linh hồn
Ngù ngờ ngôn ngữ ngổn ngang
Những hòn đá vụn
Đầy núi cực hình phải đập tan hoang
Tôi mộng du trên quả đất mòn
Nơi tôi vắng mặt
Để làm gì ý thức
Tôi van nài tôi hãy xót thương tôi...
TTYên tự tạo cho thơ ông một ngôn từ đặc biệt, mang đủ yếu tính thơ cùng vẻ sắc riêng của nó.
Thơ TTYên là thơ tự do mà ông vẫn giữ được hợp điệu âm vận ( harmonie de vers) song hành cùng hợp điệu xúc cảm ( harmonie des sens) - khiến người ta trực cảm được ngay cái vẻ chân chất của thơ mà không cần lý giải. Phần lớn thơ tự do bây giờ đều bị cái bệnh lập dị, bí hiểm hóa. Thơ TTYên tất cũng không thể tránh khỏi . Mà ông còn thêm tật" sính" dùng tiếng Pháp. Như một " Vie posthume" ( tên bài thơ) - tên bài thơ như thế , sẽ làm tan loãng thực chất thơ, vì nó ngớ ngẩn. Sự thật, ta có quyền " sính văn tây"- nhưng phải sử dụng nó đắc địa hơn, đúng chỗ, thích hợp- mới có thể tránh được sự giả tạo. Không có gì có thể làm mất giá trị của một bài thơ cho bằng ngôn từ lập dị - mà lại quá tầm thường ( vulgaire). Gần đây, ngơời ta vẫn phàn nàn - thơ hôm nay có cái tệ bệnh- nào Budapest, nào vie posthume, Nocturne... và đầy dẫy danh tử : " thành phố, đai lộ, đời 20 thế kỷ, màu đen, màu trắng... con mèo đi hoang, cột đèn, nhà ga , công viên ...". Âu cũng là bệnh chung thời đại, nên ta không thể trách riêng TTYên. Một số nhà thơ hôm nay còn thêm cái " mốt mới" nói về Thuợng Đế-nói để mà nói cho có điều mà nói - kỳ chung thì rất vô nghĩa. Nhưng riêng TTYên - Thượng Đế qua nhãn quan của ông thì không phải thuần chữ nghĩa - tuy có lần mắc phải " hàm hồ":
Có đọc thuộc Thánh Thư
Linh hồn tôi vẫn vậy
Tôi vẫn không thể lụy
Dù đứng trước hư vô
Nó đậm đà, tuy có cái màu triết học mà lại như không triết lý:
Cuộc sống nhiễm lầm than
Thượng Đê điềm nhiên lạ
Tôi đành liều cười khan .
Tin Thượng Đế thì còn gì hơn, vì ai có Đức Tin, kẻ ấy bình an- dù bình an kiểu cách nào cũng được. Mà không tin Thượng Đế cũng được, vì đó là quyền của mỗi người. Nhưng phải nói lên cho thành thật với ý mình, với lòng mình'- nếu không sẽ chỉ là sự làm dáng, hay đúng ra là chỉ sự hợm hĩnh với chính bản thân. Đặc biệt, TTYen đã thành thực, nên mô tả Thượng Đế rất khéo ở cách biểu lộ. ( dù tôi không đồng ý với ông) - dù Thượng Đế của TTYên đã chết- ai cũng biết Nietzsche đã phán "Thượng Đế đã chết "- kể cà André Gide, André Malraux, Jean-Paul Sartre... đều là những người dùng một tay bóp chết Thượng Đế. Cỏn Thượng Đế có chết hay không lại là vấn đề trong kịch bản LesMouches của Jean-Paul Sartre ( nói lên đầy đủ ý nghĩa của ông về Thượng Đế. rồi từ đó noi gương Nietzsche - sau này các thi nhân hôm nay lấy làm hoan hỉ, như đã nhận ra rằng; " Thượng Đế có hay không sẽ không thành vấn đề, vì trước đau thương kiếp người thi Thượng Đế vẫn làm thinh và cũng không cần phải đặt ra vấn đế đó làm gỉ ? ").
Nhưng thực ra, quan niệm về Trời - bây giờ không cón là điều mới lạ. Ở địa hạt thi ca- Nguyễn Du, Cao Bá Quát cũng đã từng nói về Trời, mỗi người đều có khả năng tự do rất phong phú để diễn đạt theo ý mình về Thượng Đế, và dĩ nhiên như vậy- TTYên có quan niệm riêng của ông. Nhưng rất tiếc, Thượng Đế mà ông phủ nhận, tuy diễn đạt rất khéo léo- trong thơ ông chưa thể hiện được một giá trị tinh túy của riêng TTYên. Xem ra, đa số thi nhân bây giờ đều " mê" đặt vấn đề lớn này rồi bỏ quên sự bé nhỏ của đời sống. Thi nhân đã quên mất rằng: sự diễn đạt được những vụn vặt kia cũng đủ làm tròn sứ mạng- vì mỗi vụn vặt đều thể hiện trung thực từng góc cạnh con người, đời sống- và như thế cần gì đặt vấn đề to lớn hơn, khi vượt quá khả năng của mình. Somerset Maugham từng mang những vụn vặt ấy để làm được sự nổi bật sống động và trung thực đời nên thiếu để làm chất liệu cho tác phẩm Of Human Bondage ( bản tiếng pháp ' Servitude humaine' do Mme E.R. Blanchet dịch). Từ Of Human Bondage , S. Maugham đã tìm thấy chân thân, vì chính bản thân có bước vào cuộc đời thi mới có nỗi buồn thực. Một phẫn nộ thực và một lòng trắc ẩn thực. Maugham đi vào tuổi hoa niên bằng kinh nghiệm bản thân, kể cả nước mắt , hờn tủi - nên ông mới khám phá được thế giới muôn sắc, muôn hương của tâm hồn vả nhưng giá trị tiềm ẩn trong thấn xác. Vì có sống mới có sáng tạo, có sống mới có va chạm quyết liệt, tích cực. Nhờ va chạm quyết liệt, rồi sau văn thi nhân mới đạt được những pháu xuất tâần cung hiến cho nội dung phong phú tác phẩm.
TTYên chưa có sinh động của chất sống và rõ ràng là ông ham mê những ưu tư quá vội- từ sự vội vàng ấy Yên trở thành lớn tiếng. Duy có một điều, cái lớn tiếng của ông đều đáng yêu, là một điều đáng nói. Hơn nữa, đặc điểm mỗi bài thơ có cái khéo léo làm cho người đọc nhìn thấy một vấn đề, dù là một vấn đề lớn tiếng. Một khi yên trải rộng tâm tư qua xúc cảm thơ thánh khẩn, do đó mà nghệ thuật diễn đạt vừa thực, vừa cao, chan hòa ánh sáng mới của một tâm hồn vàng võ đa phiền, lại say nồng:
Tôi thổ huyết cuồng mê như núi lửa
Thiêu hủy hình hài ấm ấp chất cô đơn
Rồi trời đất hừng đông như trứng vỡ
Tôi đã đầu thai thức dậy độ sơ sinh
( Kiếp khác ).
Người ta bảo thơ TTYên có vẻ rất triết (?). Thực ra, giá trị triết học trong thi ca là một giá trị tự tại. Khi TTYên muốn tạo cho mình cái màu mè của triết học, thì người ta lại thấy cái màu mè triết học ấy chỉ là khuôn dáng mô phỏng qua lăng kính từ một số tư tưởng gia Tây Âu hiện đại mà thôi.
Nếu ta không bận tâm về những phần mô phỏng sách vở để ' làm dáng' - thì thơ TTYên thật đáng yêu - vì nó có một giá trị thơ. Tôi nói là đáng yêu, vì thơ ông qua xúc cảm đã bộc phát chân tình bản thân. Thơ ông vốn có hồn được chuyên chở bằng một kỹ thuật vững. TTYên sẽ còn đi xa, bởi tâm hồn ông là một bản chất có đam mê nghệ thuật- tuy nhiên bước đi phải lệ thuộc vào nhiều điều kiện khác nữa. Điều quan hệ, nếu muốn có' văn chương dấn thân' chẳng hạn - thì ông phải đích thân dấn mình vào cuộc - vì nhờ sự sống thì mới đủ chất liệu chín mùi cung cấp cho sự cần thiết của thi nhân - chất sống mới hồn nhiên kia sẽ được trải rộng qua sáng tác thơ ca. Và chỉ cần như thế, thi ca của Yên sẽ nắm được giá trị của một tầm vóc lớn. Élurad từng quan niệm: ".. khi ta sống say sưa, sống với tất cả đam mê và cả niềm phẫn nộ, thì một lúc nào đó ngôn ngữ sẽ bật tung ra, từ vô thức, tiềm thức kia sẽ phản ảnh cuộc sống mà mình đã sống trải..." Và lúc ấy, phần diễn đạt sẽ không thành vấn đề. Nhờ cuộc sống phong phú mà nhà thơ có thể nắm kỹ thuật diễn đạt như một André Breton - kỹ thuật như phát hiện như tình cờ, qua cơn say của thơ, để kết tụ thành nhịp điệu thơ qua ngôn ngữ, hình ảnh và cả tứ thơ nữa.
( Automatisme physique par laquelle on se propose d'exprimer soit verbalement, soit par écrit, soit de toute manière, le fonctionnement réel se la pensée).
Con đường ấy, người viết tin rằng, đã đến rất gần TTYên. Bởi thơ đã sẵn bản sắc phóng túng, hoang hủy lại giàu có ngôn từ. Thơ TTYên vốn sẵn nỗi buồn nản thực, có niềm phẫn nộ thực, khát vọng từ trong đáy tâm hồn, qua sự dồn nén, giữa khuôn khổ chật hẹp của sự sống. Cái gì đã đi qua nhà thơ Tô Thùy Yên ? Là những Nietzsche, Rimbaud, Élurad, Aragon, Breton... Nếu nói như thi sĩ Jean Cayrol: " Je dis ce qui me passe par tête.." - thì những điềuTô Thùy Yên nói qua ý thức bằng thi ca - là ý thức của mấy nhà văn học trên kia đã đi qua tư tưởng ông - nhưng nó đã được hòa vào thế giới riêng , và chỉ cần ngày, tháng... sẽ đồng hóa, cô đọng thành thể chất riêng của ông. Thơ Tô Thùy Yên có thể ví như con ngựa rừng hoang, lại làm cho người đọc thưởng ngọan phải thân quý, trọng nể. Thơ Tô Thùy Yên như mầu xanh lá cây rừng, qua cơn say người lặn đèo, trèo dốc đá cùng nỗi trơ trọi kiếp người cộng với niềm phẫn nộ không nguôi ! [] CTD.
( trích - Văn học hiện đại / Thi Ca & Thi Nhân / Cao Thế Dung -tr .209- 219)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ