THẾ PHONG,
VỚI NHỮNG TIẾNG CƯỜI
CHUA CAY VÀ NGẠO NGHỄ
(Bài 3)
Từ xưa trong giới văn nghệ VN đã có cái hiện tượng “áo thụng vái nhau” thật là đáng chán. Điều này, ở hải ngoại bây giờ, thấy càng nhiều hơn nữa. Nhan nhản mỗi ngày trên các báo, tôi đọc được từ những bài phê bình, bài giới thiệu một cuốn sách, một tập thơ mới ra lò nào đó, toàn những lời “bốc tận mây xanh một cách thật là đao to búa lớn”. Điển hình như một vị lão thành trong giới văn nghệ Sàigòn cũ, sẵn sàng đem thơ Tagore ra mà đặt ngang hàng với những câu trong thi tập đầu tay của một phụ nữ mới chập chững bước vào con đường thi ca. Hoặc như Diệu Tần, một “nhà văn viết văn chưa sạch nước cản” nhưng vì đã từng được Mai Thảo phóng bút “xoa đầu” bằng những câu những chữ làm dáng một cách thật là Mai Thảo (“một cõi viết mới mở”, “một trầm tĩnh viết, một ung dung viết”, “Càng thấy Diệu Tần không phải là một người viết chỉ. Chỉ mới, chỉ đây. Mà một người viết đã. Đã nhiều, từ lâu.”..v..v.)(*) nên đã không ngần ngại “xoa đầu lại” một anh “thi lão lăng quăng” bằng những câu những từ cũng rất “lăng quăng”:
“Dương Huệ Anh làm thơ rất dễ dàng, đề tài nào cũng có ông. Chuyện lặt vặt trong nhà, đưa con cháu đi học, về nhà cuốc đất là nảy ra thơ. Ngồi xe buýt hay dạo bộ cũng ra thơ. Nếu chuyện Lý Tống, chuyện một người vợ phi công Mỹ chết ở VN, chuyện thiên tai, chuyện đói khổ Phi Châu, chuyện tình Diana-Charles cảm hứng thành thơ đã dễ hiểu, nhưng ngay như chuyện kẹt xe giờ tan sở, chuyện ghé qua tiệm sách... cũng làm thơ được như họ Dương quá mẫn cảm. Chuyện gì cũng thành thơ: vào bệnh viện thăm bạn, động đất ở Cali, Nam Mỹ có sóng thần, lại có thơ. Một phụ nữ có bầu đứng xếp hàng chờ lãnh eo-phe hay là cái phiền toái 30 Tết cũng là cái cớ để Dương Huệ Anh cảm xúc thành thơ.”
(Thơ Dương Huệ Anh, Tổng Tập I, NXB Phương Đông, 1997)
Để rồi tới một tập mới ra lò khác của “nhà thi lão lăng quăng”, ông Diệu Tần lại phóng bút:
“Một lần nữa, tôi lại được có đôi lời về tác phẩm Những Cánh Thư Hồng của tác giả Dương Huệ Anh. Trong dịp bàn về thơ, tôi đã SO SÁNH Dương Huệ Anh đa năng, đa tài chẳng khác gì nhà văn Ernest Hemingway (!)”
Cái chuyện so sánh văn chương và con người một đại văn hào của thế kỷ với chữ nghĩa và cuộc sống “rất lăng quăng” của một “thi lão lăng quăng” thời hiện đại thế kỷ 21 thì thật là một điều rất đáng tội nghiệp cho Hemingway và cũng đáng kinh hoàng cho chuyện văn chương, thi ca VN! Cái hiện tượng quái đản đó xẩy ra không phải là ít trong giới văn nghệ hải ngoại. Nó làm cho chữ nghĩa VN nhìn vào thấy như bị bại liệt, làm cho tên tuổi (nếu có) của kẻ viết lời giới thiệu hay kẻ được viết tới trong các bài Tựa, bài Bạt, trở thành lố bịch một cách rất đáng thương!
*
* *
Thế Phong là nhà văn không nằm trong cái giòng sinh hoạt văn chương VN tàng tật đó. Nơi anh có điểm đặc biệt là cái tính lân tài và rất không hay đố kỵ với kẻ có tài. Anh đã từng “không sợ” đưa ra những lời thẳng thừng tàn nhẫn trong các tác phẩm của mình, mục đích đả phá những cái hủ bại làm ô danh giới văn chương nghệ thuật, thì anh cũng “không sợ” chối đi những lời nhận xét tốt của chính anh khi đọc văn người. Nhiều lần giới thiệu cho tôi một tác phẩm của ai đó trong hay ngoài nước bằng câu nói: “Anh này viết tốt lắm!” “Tác phẩm kia đạt lắm!”, tức là cái tốt, cái đạt tôi cũng đã cảm nhận chính xác sau khi trang cuối cùng được lật xong.
Những lời khen của độc giả, hơn nữa, của một người cầm bút, trên đứa con tinh thần mình đã sáng tạo, là một món quà đền bù rất lớn cho sự lao động trí não của tác giả. Nhưng phải nhận định cho rõ ràng “kẻ khen mình là ai, có đủ vô tư và thẩm quyền hay không trong sự định giá cái hay cái đẹp của chữ nghĩa?”
Trong cuốn Một Truyện Dài Không Có Tên tập I, tôi từng nói với Đào Khanh, tác giả tập truyện Đôi Mắt (NXB Trống Đồng 1986):
“Tôi thà nhìn tác phẩm mình bị dìm chết trong quên lãng ‘một cách cố ý’ bởi những tay viết đố kỵ khác, còn hơn được một người có sự thẩm thấu và hiểu biết về văn chương ‘cỡ như anh’ ngợi khen!" (MTDKCT I, NXB Văn Uyển 1994)
Và trong Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau tập II, tôi cũng nói với một người bạn:
“Nhà văn nào thì độc giả ấy. Tầm cỡ đã định, giống như câu tục ngữ ‘tiền nào của nấy’, không sai chạy đâu được. Vậy không nên bắt độc giả phải hiểu tác phẩm theo cái đầu của nhà anh phê bình. Riêng độc giả ‘cỡ như tôi’, khi đến với một tác phẩm văn chương, trước hết là đến bằng chính tâm cảm của mình đối với tác phẩm; sau nữa, tìm hiểu về tiểu sử tác giả để biết thêm do từ hoàn cảnh gia đình và xã hội nào mà tác phẩm được viết? Chứ tôi không bao giờ thèm đọc các bài phê bình văn chương trước rồi mới tìm đọc tác phẩm sau.” (...)
“Riêng các tác phẩm văn chương, với tôi, bài Tựa đóng vai trò khá quan trọng. Đó là cánh cửa đầu tiên mở ra cho độc giả hiểu được chủ ý tác giả trong nội dung câu chuyện. Đọc sách ngoại quốc, thấy các tay viết Tựa thường không phải tầm thường trong kiến thức nhận định văn học. Nhưng với văn chương VN, điều này trở thành rất dở. Đa số nhà văn nhà thơ VN thường không tránh được cái bệnh nhờ người nổi tiếng viết Tựa cho tác phẩm mình cấu tạo. Và các tay nổi tiếng VN lại thường không có mấy kiến thức văn chương, hoặc nếu có thì cũng không đủ thẳng thắn để đặt bút đúng đắn trong một bài Tựa về tác phẩm mà mình đang được (hay bị!) nhờ viết! Vì vậy, các tay ấy luôn viết láo, viết nịnh cho khỏi mất lòng kẻ nhờ cậy. Rốt cuộc, chỉ độc giả là bị lừa, đọc bài Tựa và tác phẩm, thấy một trời một vực cách xa nhau!” (NNBNN II, NXB Văn Uyển 1996)
Nói như thế có nghĩa rằng tôi không phải là kẻ ưa thích hay chờ đợi những lời khen giả dối. Cái hiện tượng bốc thơm nhau một cách thật lố bịch nói trên khiến tôi kinh tởm. Nhưng phải nhận thực rằng, ở hải ngoại, người ta “sợ” khen tôi, người ta “sợ” không dám đưa ra ý nghĩ thật của một nhà văn khi thẩm định văn chương tôi. Tệ hại hơn là dù rằng đã được phân phối qua tay các nhà mại bản sách thì mọi tác phẩm của tôi vẫn đều bị cái số phận hẩm hiu là không được bày ra trên các kệ sách. Điều này sở dĩ biết là từ những lời phàn nàn “không làm sao kiếm ra tác phẩm TTBG, ngoại trừ đọc chùa ở thư viện Mỹ” qua những cú điện thoại độc giả gọi đến tôi.
Thế Phong khác. Anh không ngần ngại kể ra với tôi những lời thẩm định của kẻ khác theo những gì tôi đã viết:
“Ảnh hưởng sách của BG đối với những người cầm viết ở VN đọc (cả những cây bút miền Bắc hiện ở Sàigòn) phản hồi ý kiến: sách viết hay, xúc động, rất thật, bản lĩnh, can đảm phi thường, hấp dẫn (không thể bỏ dở dang), có tầm cỡ của một nhà văn lớn (quốc tế)..v..v (Thư 31/1/2000)
“Hôm thứ ba Aug. 2/2005, cùng HVĐSơn, Ý Nhi, Lê Duyên đến thăm anh Nguyễn Ngọc Lan. Gặp Lữ Phương (nguyên Thứ trưởng Thông Tin của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) bảo tôi rằng BG viết bài phê bình tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên trên mạng rất độc. Rất nhiều người theo dõi loạt bài ấy, và rất khen tặng con mắt sắc sảo của BG, kể cả Giám đốc Bình, và Phó giám đốc Bích Ngân NXB/Văn Nghệ.” (Thư Aug. 5/2005)
Anh đọc tôi rất kỹ, không chỉ bằng thái độ một người bạn đọc một người bạn, một độc giả đọc một nhà văn, mà còn là một nhà văn đọc tác phẩm của một nhà văn nữa. Từng câu từng chữ được anh ghi nhớ, cảm thông và chia xẻ:
“Hôm nay tôi và anh Đắc Sơn đến thăm bác Lê Ngộ Châu, được bác giao lại cho mấy cuốn sách BG tặng. Thật cảm động, tất nhiên nói cảm ơn thì sáo, song không thể không nói. Cách đây mấy ngày, đọc Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau tập I suốt một ngày ròng. Lối viết nhật ký thành truyện dài như vậy coi như đạt, đọc bắt mắt, không dễ rời bỏ truyện. Lời của Lâm Ngữ Đường cho rằng một nhà văn nếu chưa từng một lần viết về cái Tôi thì chưa đáng gọi là một nhà văn, chưa hẳn là lời quyết đoán.”
(Thư 24/4/2000)
“Tuần qua, đọc lại lần hai Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau tập II, bỗng nhớ BG lạ thường! Ôi con đường Yên Đổ xưa (nay là Lý Chính Thắng) sao lại có những ống cống to như cái KHÁCH SẠN LỘ THIÊN để cho một tác giả cuộn tròn như con sâu nằm suốt đêm như vậy! Đọc xong càng thấy thấm.”
(Thư thứ bảy 23/4/2005)
Rồi chẳng những chỉ đọc thôi, anh lại còn có lòng phổ biến nó ra cho mọi người cùng biết.
Subj: Hà Nội Ngợi Ca NCQC
BGiấy ơi,
Dư luận văn chương ở Hà Nội, sau khi đọc Nước Chảy Qua Cầu, nhà thơ Nguyễn Khôi viết thư cho tôi, có đoạn:
“Cái tên TTBG nghe không văn chương chút nào, nhưng văn quả thật là có văn chương, có trình độ, nói lên được cái ‘thân phận con người’ với quê hương xứ sở đau thương ngàn đời này”… Thật đúng là ‘người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” Thế mới là "văn chương đúng nghĩa"..." (Thư gửi Thế Phong, từ Hà Nội, 23/9/2004).
Lá thứ hai cũng nhắc đến tương tự như vậy, anh Nguyễn Khôi trao cho nhiều bạn bè văn chương ở Hà Nội đọc, và hiện nay NCQC trở về với Nguyễn Khôi trong thời kỳ tái suy ngẫm một tác phẩm văn chương bất hủ của TTBG.
Sàigòn dạo này đêm và sáng lạnh, uống café đậm, thật tuyệt! Gửi BG hai đoạn trích trong thư của Nguyễn Khôi (Hội Nhà Văn Hà Nội) bình về TTBG với NCQC:
Từ trước đến nay trong số các nữ văn sĩ mà NK đọc thấy “có não” ở ta, có lẽ TTBG là số một, có thể sánh Nước Chảy Qua Cầu với Jane Eyre của Charlotte Bronte; tuy thể loại có khác nhau (Bút ký / Tiểu Thuyết) nhưng đọc rất cảm động về thân phận người phụ nữ. Ở TTBG, NCQC thật ra là một cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại (kiểu tự truyện), cái hay là nhân vật “tôi” không thiên kiến, cứ thực mà tả (tả chân) rất sống động, rất khách quan, rất đời thường, mọi cái đúng như thời của nó... Sau này con cháu người Việt Nam ta đọc sẽ thấy hiện lên mồn một cái thời sau 1975 ở miền Nam Việt Nam. (Một phen thay đổi sơn hà, tấm thân chiếc lá biết là về đâu?)
Các truyện Tầu của Quỳnh Dao đọc cũng “hay” nhưng nó không thực, nó xa lạ với người Việt Nam ta. Còn ở Dương Thu Hương thì đọc thấy cay độc quá. Ở Phạm Thị Hoài thì kích thích tình dục quá (sự cay cú, thiên kiến hay sự tha hóa thái quá... đọc nó mất cả cái vẻ tự nhiên vốn có của sự sống. Phải như Lão Tử, cái gì của đời hãy trả lại cho đời, mới được.) (...)
BG ơi, âu đó cũng là một tiếng nói tri âm khiến cho tác giả đang giữa khuya một mình một bóng trên highway đến sở làm, cũng cảm thấy đường không quá xa, lòng thì lại trở về gần hơn với quê hương xứ sở. (Thư viết ngày 19/2/2005).
Cũng vậy, anh chuyển cho tôi những lời khiến anh “mừng kinh khủng” như đã nói qua điện thoại vì:
“Theo lời Phó giám đốc Bích Ngân (một nhà văn) thì ‘NCQC thật cảm động, sâu sắc, anh Thế Phong hiểu nhiều về tác giả, nên viết một trang giới thiệu ngay đi để cho biên tập viên dàn trang, cấp phép’” (Thư Fri, 20 May 2005)
Và sau đó:
“Sáng nay, thứ ba July 5/2005, tôi đến NXB Văn Nghệ gặp Giám đốc Nguyễn Ðức Bình và Phó giám đốc Bích Ngân về cuốn NCQC. Cả hai người đều hết lời ngợi khen tài viết bút ký của BG. Riêng Bích Ngân cho là ‘Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bút ký đã hay, nhưng khi đọc bút ký của BG thì thấy không thể so sánh, vì NCQC vượt trội.’
Tôi định lấy bản thảo về (đợi một tháng chưa thấy cấp phép) thì Giám đốc Bình đề nghị: ‘Để thư thả đã, bởi lẽ Bích Ngân sẽ viết một bài ngắn về BG, đăng trên báo ở Sàigòn để rào đón dư luận rồi sẽ quyết định cấp phép hoặc là NXB Văn Nghệ sẽ mua bản quyền in’. Bích Ngân đọc trên website Giao Điểm, rất thích hai bài viết điểm sách Vũ Thư Hiên và Nguyễn Gia Kiểng của BG. Nhất là Giám đốc Bình lại cho rằng ‘chưa có một nhà văn nữ nào viết trung thực và hay như BG. Có vài từ hay đoạn (vì chưa thể in vào thời điểm này) nên phải lược bỏ thôi.’ NXB Văn Nghệ cũng muốn đọc qua bộ Tài Hoa Mệnh Bạc của BG.”
*
* *
Hơn tất cả những “đồng nghiệp vong niên” tôi đã trình bày ở các bài khác, giữa Thế Phong và tôi có nhiều kỷ niệm. Những chuyến xe khuya đưa mẹ con tôi từ phi trường Tân Sơn Nhất lên Dalat trong mỗi mùa hè về thăm quê cũ, đều có anh và Hoàng Vũ Đông Sơn hiện diện. Những chuyến xe băng băng trên con đường gập ghềnh dưới cơn mưa nhẹ hạt vẫn được nhìn như một thứ chứng nhân cho nhiều câu chuyện văn chương nổ ra như bắp giữa cả đám chúng tôi. Rồi lại các buổi café thật sớm nơi ngã năm khu Hòa Bình, ngồi với nhau trên những chiếc đẩu thấp, nhìn sương rơi giăng kín trời Dalat, chúng tôi dẫu chẳng ai nói gì thì tự mỗi người vẫn thấy như đang lâng lâng trong một thứ tình thắm thiết. Đó là Tình Bạn và Tình Yêu Quê Hương được bắt gặp bất ngờ giữa các con người đến từ hai vùng trời Đông-Tây cách biệt. Một thứ tình, giống như một gia tài quý giá, tôi đã được Thượng Đế bù đắp cho trong một chuỗi đời nhiều thống khổ đắng cay.
Nhiều lắm! Nhiều lắm! Kể sao cho hết những kỷ niệm êm đềm được tạo ra giữa hai (và nhiều) người bạn có cùng “cái nghiệp”. Là nhà văn, nhưng tôi tin rằng chẳng giấy bút nào có thể đủ cho tôi nói lên tâm cảm mình theo những mối ân tình Thế Phong và bạn hữu đã đem lại cho tôi.
Nhà văn thường là kẻ mơ mộng, yêu chuộng cái Đẹp, cái Mới. Thế giới nhà văn thường là thế giới đẹp, xa rời thực tế. Vì vậy cũng không thiếu gì con thiêu thân tự ý lao đầu vào cái “mác” ánh sáng văn nhân thi sĩ. Đó là cửa ngõ đầu tiên cho những cuộc thay lòng đổi dạ xảy ra trong bề trái cuộc sống các nhà văn.
Một người quen tôi từng nói:
“Trong các thứ nghề, không có nghề nào làm cho con người dễ trở nên kiêu ngạo cho bằng làm nhà văn. Và trong giới này thì nhà văn nam không mắc cái bệnh ấy nhiều cho bằng nhà văn nữ!”
Câu này ngẫm lại thật đúng.
Sự kiêu ngạo tạo nên từ tính hoang tưởng thiên bẩm của nhà văn, cái bả danh vọng lôi cuốn, là hai thứ dễ làm cho người ta quên đi cái nghĩa tào khang tấm mẵn. Trên chiều hướng này, một nhà văn (người có đầu óc) với một nghệ sĩ sân khấu (người thường bị cái ảo ảnh của ánh đèn màu làm mờ đi sự suy nghĩ) cùng có điểm (phản bội) giống nhau trong cái nhìn về Tình Yêu, Hôn Nhân.
Thế Phong, một người bạn văn chương với cá tính dọc ngang nào biết trên đời có ai!, được tôi thương quý không chỉ vì nỗi cô đơn “đồng bệnh” thôi trong những cảnh huống mà người trước kẻ sau cùng bị vướng mắc; mà còn quý vì tấm lòng thủy chung anh đối cho người vợ một đời tận tụy trên từng quãng sống cùng anh. Tôi hay nói đùa với anh và HVĐSơn:
“Các anh là những kẻ tài hoa mà không mệnh bạc nên không có duyên nằm trong sách Tài Hoa Mệnh Bạc của BG!” Nhưng, chính cái “khiếm khuyết” (mệnh bạc) nơi hai người bạn tôi lại đã là điều khiến cho tôi ngưỡng mộ, như đã từng ngưỡng mộ những cái đẹp nói lên sự thuần phác, đơn sơ.
Cái “đức” cần thiết trong tâm hồn của một nhà văn được biểu tượng gần nhất là qua điều thủy chung như vừa kể.
[]
THẾ PHONG,
VỚI NHỮNG TIẾNG CƯỜI
CHUA CAY VÀ NGẠO NGHỄ
(Bài 4)
Một lần trong năm 2002, từ San Diego, Phan Diên điện thoại lên tôi, báo cho hay rằng anh đọc thấy trên tạp chí Khởi Hành ở Nam Cali (do Viên Linh phụ trách) có vài bài lên án Thế Phong “đạo sách, đạo văn” của Đặng Văn Nhâm trong vụ Nữ Nhân Ngư đang ồn ào khi ấy.
Giọng Phan Diên tức tối:
“Tôi không tin Thế Phong làm như vậy. Nó có thể ‘cà chớn’ gì cũng được chứ không bao giờ thèm đạo văn ai. Đặng Văn Nhâm so với tên tuổi Thế Phong thì có ra gì mà Thế Phong cần phải làm thế với anh chàng ấy? Người ta đạo văn nó thì có!”
Và Phan Diên đề nghị:
“Tôi đã gọi nói cho Thế Phong biết sự việc mà thấy nó vẫn tỉnh bơ như pha. BG nên e-mail về hỏi nó cho ra lẽ. Với BG, chắc là nó sẽ nói thật tất cả.”
*
* *
Cái sự “muốn nghe Thế Phong nói thật” này, tôi nhiều lần gặp anh trong hai mùa hè kế tiếp về thăm quê hương, nhưng thấy anh không chút nào tỏ ra quan tâm đến ba loại chuyện ruồi bu như vậy, nên tôi không hề hỏi. Phải đợi đến tháng 7 năm 2005, “rảnh rang” nên vui miệng, tôi hỏi, và được anh cho biết chi tiết sự việc bằng một lá thư dài gửi tôi như sau:
Sàigòn, ngày 30/7/2005
BG ơi,
Vụ NỮ NHÂN NGƯ của tác giả Andersen do Đặng Văn Nhâm dịch là cái tựa do Chi nhánh NXB Thanh Niên in (2003). Còn MỸ NHÂN NGƯ là tựa sách ghi trên bản thảo của Đặng Văn Nhâm.
Năm 2002, Huy Sơn từ Mỹ viết thư gửi tôi báo cho hay rằng Đặng Văn Nhâm từ Đan Mạch sắp về VN và muốn xin gặp tôi. Vì là chỗ quen biết cũ từ thập niên 1950 nên tôi đồng ý cho gặp.
Một buổi, có cú điện thoại gọi đến nhà tôi, hỏi: “Đây có phải là nhà ông Thế Phong, 25/39 A Trần Khắc Chân, Tân Định?” Trả lời: “Đúng, xin lỗi, người đang nói chuyện với tôi là ai?” Đầu giây kia không thấy tiếng trả lời, cúp máy cái rụp.
Khoảng mười phút sau, có khách bấm chuông, vợ tôi ra mở cửa. Tôi từ trên gác xuống, thấy một vị khách mặc quần áo rất tề chỉnh, đeo kính đen, đang ngồi ở sa-lông.
“Mày có nhớ tao không?” (hỏi)
“Nhớ. Mày là Từ Quyên Đặng Văn Nhâm? Nhìn mày giống hệt nhân viên FBI.”
Sau đó bạn rủ tôi đi uống café và nhờ đưa đi tìm gặp đôi người bạn cũ, chẳng hạn nhà văn Thẩm Thệ Hà ở mãi bên quận tư. Những ngày kế tiếp, lại thường xuyên tìm gặp tôi, luôn luôn đi taxi chứ không chịu để tôi chở phía sau xe Honda. Lần đi uống café ở Givral với nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Đan, bạn cho biết có một số bản thảo dịch và từ điển, muốn nhờ tôi giới thiệu với một NXB ở VN in, và bạn sẽ không nhận tiền bản quyền. Nguyễn Mạnh Đan cũng giục tôi giúp đỡ bạn, như tôi từng giới thiệu Chi nhánh NXB Thanh Niên cấp giấy phép xuất bản sách ảnh của Nguyễn Mạnh Đan.
Nhận lời xong, tôi bèn đưa bạn đến gặp thi sĩ Thái Thăng Long, giám đốc Chi nhánh NXB Thanh Niên để giới thiệu. Bạn ĐVNhâm đề nghị được in MỸ NHÂN NGƯ trước. Rồi bạn mời toàn thể nhân viên NXB đi taxi ăn sáng ở Đồng Khởi, mời gia đình Thái Thăng Long ăn tối ở Bình Quới II khá tốn tiền.
Tiếp đó, Chi nhánh NXB Thanh Niên nhận in MỸ NHÂN NGƯ. Trong lúc đang in bìa, một trục trặc đưa tới: PA 25 (Phòng An ninh Văn hóa thành phố HCM) gọi điện thoại cho Thái Thăng Long yêu cầu sao đó nên ông Long tức tốc điện thoại cho tôi nhờ chữa cháy. Có nghĩa rằng ông Thái Thăng Long đưa ra với tôi cái đề nghị “nên in chữ ‘THẾ PHONG dịch’, chứ không phải tên ĐẶNG VĂN NHÂM”.
Tôi trả lời Thái Thăng Long:
“Hãy đợi tôi gửi điện thư hỏi ý kiến Đặng Văn Nhâm ở Đan Mạch đã, hoặc là nên đề tên TỪ QUYÊN dịch (một bút danh viết báo của ĐVNhâm có từ trước 1975).
Nhưng trong khi đang chờ sự trả lời của ĐVNhâm thì ông Giám đốc Chi nhánh NXB Thanh Niên lại điện thoại báo cho tôi hay là “phải in ngay, không thể chờ sự trả lời của Đặng Văn Nhâm được”. Ông TTLong còn nói: “Lần sau tái bản sẽ đề tên Từ Quyên.”
Sau, bởi vì ĐVNhâm yêu cầu tôi nếu có tiền thì xuất ra trả cước phí bằng máy bay, gửi cho bạn ấy vài quyển, rồi bạn sẽ trả lại sau, nên tôi gửi cho bạn 5 cuốn, dán lên trang 3 hàng chữ “Từ Quyên dịch”.
Tôi nhận được điện thư trả lời của bạn, hỏi:
“Vậy ai là người nhận tiền nhuận bút? Ai là người gạch bỏ nhiều đoạn trong sách?”
Tôi trả lời bằng e-mail:
“Ở VN, việc biên tập, in ấn, phát hành nằm trong hai Kế Hoạch: 1/ Kế Hoạch A: NXB bỏ tiền ra in, trả tiền bản quyền cho dịch giả.
2/ Kế Hoạch B: người liên doanh xin cấp phép trả quản lý phí cho NXB rồi tự lo chi phí ấn loát, trả bản quyền, tự phát hành.
(Tôi viết cho ĐVNhâm) Bạn hãy liên hệ trực tiếp với NXB Thanh Niên thì hơn.”
Cũng rất may là khi sách NỮ NHÂN NGƯ phát hành, tôi biết được chỗ in, nên đến Xí Nghiệp In của Bộ Thương Mại, xin được mẫu bìa đã in bìa NỮ NHÂN NGƯ đề tên Đặng Văn Nhâm dịch, rồi gửi sang Đan Mạch cho bạn ấy. Đồng thời tôi cũng gửi một thư cho giám đốc Thái Thăng Long phản đối việc NXB đề tên tôi là dịch giả; kèm theo cả mẫu bìa NỮ NHÂN NGƯ in lần đầu có đề tên ĐVNhâm; thêm với lá thư viết tay của ĐVNhâm gửi giám đốc NXB như sau:
“Thân gửi anh Thái Thăng Long và Thế Phong,
Tôi nghĩ nếu sách này in được, chắc anh phải viết giùm cho lời giới thiệu của NXB. Nếu có nhà xuất bản nào lo việc ấn loát và phát hành luôn thì tiện cho tôi lắm. Tôi không quan tâm đến tiền bản quyền đâu. Mong được ý kiến sớm của các anh. Nếu không có gì trở ngại, cuối năm nay tôi sẽ về gặp các bạn. Thân quý chúc các anh Long, Bình, Thế Phong... đều bình an thịnh đạt. ĐVNhâm. (Mấy trang đầu sách này tôi bỏ. Có sẵn dĩa chứa?”
*
* *
Từ Los Angeles, Phan Diên gọi về báo tin cho biết một tờ báo ở Nam Cali có bài đả kích tôi chiếm đoạt bản dịch của ông Đặng Văn Nhâm. Và Phan Diên lập tức scan ra gửi về cho tôi bài báo ấy, kèm theo lời thúc giục tôi viết một bài cải chính gửi cho báo Người Việt đăng. Phan Diên nói thêm, đó là ý kiến của Hoàng Khởi Phong, phụ trách trang văn nghệ báo Người Việt. Tôi giữ im lặng.
Năm kế tiếp, 2004, lại có một cú điện thoại gọi đến, giọng quen quen: “Tao và thằng Huy Sơn về Sàigòn rồi, muốn gặp mày.” Tôi trả lời: “Rất tiếc tao không có thì giờ đi chơi với mày nữa.” Và cúp máy.
BG ơi, tôi sẽ gửi cho BG phóng ảnh bìa NỮ NHÂN NGƯ có in tên ĐVNhâm là dịch giả và cả lá thư viết tay của ĐVNhâm gửi NXB Thanh Niên nhé.
Sau đây, chép lại cho BG một đoạn trong lá thư tôi gửi giám đốc NXB Thanh Niên tại T/P Hồ Chí Minh:
30/7/2003,
Thân gửi ông Thái Thăng Long, giám đốc Chi nhánh NXB Thanh Niên thành phố Hồ Chí Minh,
Thưa ông, xin đính kèm đây:
a/ Thư viết tay của ông Đặng Văn Nhâm, dịch giả Nữ Nhân Ngư do NXB/TN ấn hành 2003 mang tên dịch giả Thế Phong.
b/ Thư điện tử của bạn ấy phê phán tôi là “kẻ chiếm đoạt tác phẩm NỮ NHÂN NGƯ của ĐVNhâm.
Do đó, tôi đã xin lại được mẫu bìa Nữ Nhân Ngư nguyên thủy trước khi ra phim (thu thập được tại Xí nghiệp In Machino, Bộ Thương Mại) gửi ông để ông có cơ sở biện giải giùm rằng tôi chỉ là “dịch giả bất-đắc-dĩ” do chính ông yêu cầu thay tên dịch giả và tôi trở thành hình-nhân-thế-mạng. Trong ít phút chuyện trò qua điện thoại, khi nghe ông cho biết là sách đã in xong nhưng PA 25 yêu cầu không được đề tên Đặng Văn Nhâm (nơi trang bìa), tôi đã yêu cầu ông đổi lại là “dịch giả TỪ QUYÊN” cũng được (điều ấy tôi đã báo ngay cho ông Đặng Văn Nhâm).
Nhưng vẫn chính là lời của ông cho tôi biết rằng sách và bìa đã in xong nên quá muộn để thay tên dịch giả khác. Vậy hãy chờ khi tái bản sẽ đề tên Từ Quyên dịch vậy.”
*
* *
Năm 2004, Chi nhánh NXB Thanh Niên có in lại 400 cuốn Nữ Nhân Ngư, nơi trang 3 ghi tên Từ Quyên dịch, và đó là đúng ngay lúc ĐVNhâm về lại VN, có gọi điện thoại mời ông giám đốc đến cho gặp. Ông TTLong trả lời:
“Vì bận nên không thể gặp ông ĐVNhâm ở ngoài cơ quan; vậy xin mời dịch giả Nữ Nhân Ngư đến cơ quan nhận sách mới in lại và tiền bản quyền là 1.800.000 VND.”
Vẫn theo lời ông TTLong, chờ khá lâu không thấy ông ĐVNhâm đến cơ quan và nhận tiền nhuận bút.
*
* *
Còn anh chàng chủ nhiệm chủ nhiếc Viên Linh của báo Khởi Hành ở Mỹ sở dĩ có bài đả kích kia, là do yêu cầu của Đặng Văn Nhâm, vì bọn này chung một giuộc Văn Bút với nhau, phủ bênh phủ huyện bênh huyện. “Chàng Lùn Nhà Thờ Đức Bà” là sước danh báo chí Sàigòn trước 75 đặt cho Viên Linh, đại khái mang ý nghĩa “tài thì chỉ như anh lùn mà huênh hoang cao ngất ngưởng đến nóc nhà thờ” ấy mà.
Cũng vui thôi, chẳng có gì phải bận tâm, vì BG biết sao không? Tới tuổi này, cái gì vui thì cười cho hả hê, cái gì không vui thì bỏ qua, hơi đâu mà bực dọc, phải không BG?
Trở lại với tác phẩm Thư Viết Ở Sàigòn (NXB Văn Uyển 2000) đã được “chàng thi sĩ tài chỉ bằng anh gù lại tưởng cao hơn nóc nhà thờ Đức Bà” ấy đã có ít dòng trong bài “Thế Phong Bị Tác Giả Đặng Văn Nhâm Tố Cáo Đánh Cắp Tác Quyền” đăng trên báo Khởi Hành tháng 9/2003 như sau:
“Tác phẩm của Thế Phong cũng là lời bịa đặt, chửi bới tàn tệ các nhà văn khác (ngay trong năm nay, nhà văn Văn Quang phải lên tiếng cảnh cáo anh ta trên báo chí, mà tờ Kịch Ảnh ở Houston có đăng). Tuy thế những hành động vẫn chưa làm người ta định giá nhà văn Thế Phong. Lần này với chuyện ‘luộc sách’ cuốn Nữ Nhân Ngư, tên tuổi Thế Phong sẽ chính thức được ghi lại trong sinh hoạt xuất bản qua một việc làm có tính cách đạo tà.”
BG ơi, ngay cái tít bài viết trên đã không chỉnh rồi. Nếu gọi Đặng Văn Nhâm là TÁC GIẢ thì hoàn toàn không chính xác. Bằng như nếu có, thì phải gọi ĐVNhâm là “TỐI TÁC” (đối nghĩa với SÁNG TÁC) đúng hơn. Lý do giản dị là bạn ấy có sáng tác được một tác phẩm văn học nào đâu, có chăng là biên soạn. Ở đây nên dùng chữ “TÁC DỊCH” vì chắc gì trình độ bạn ấy có thể lột tả được nguyên bản của Andersen, chứ chưa nói đến “Traduire, c’est trahir”?
Thôi, bỏ qua các chuyện tào lao này đi, nghe BG. Coi như “chấm dứt chương trình tạp-pí-lù Tùng Lâm”, một thành ngữ thường dùng trước năm 1975 ở Sàigòn.
Thế Phong.
[]
THẾ PHONG,
VỚI NHỮNG TIẾNG CƯỜI
CHUA CAY VÀ NGẠO NGHỄ
(Bài 5)
Giới văn nghệ dù ở đâu, vẫn có kẻ tốt người xấu, kẻ đứng thẳng mình làm văn chương, kẻ khom lưng cúi rạp ngay từ bậc thềm thấp nhất của con đường danh vọng. Thì với Thế Phong, sẽ khó có ai nhìn ra được anh với thứ tình cảm bị giấu kín bên dưới cái mặt nạ châm chọc đầy tiếng cười ngạo nghễ. (Đâu ai muốn mất thì giờ để đi tìm “con người thật” trong anh?) Vì vậy mà anh cô đơn. Nhưng nỗi cô đơn của anh không mang tính đồng dạng như của Văn Quang, bác Lê Hữu Mục hay nhiều nhà văn khác. (Ở những người này, nỗi cô đơn thường bị chìm khuất đi trong cái chung của một giòng đám đông hòa nhập).
Như một vì sao đứng riêng một góc trời, hay như “cánh chim họa mi đậu dưới chân đèo Bạch Mã”, anh đã tự “cất lên tiếng hót anh hùng”(*) qua những bài ca “chua chát não nề” như để “tự xỉ vả”, như để “nguyền rủa một xã hội, một chế độ, một thế hệ.”(**) Tiếng hót này có nhiều người nghe nhưng không mấy ai cảm được cái hay của nó. Vì thế mà dập vùi, mà xua đuổi... để cuối cùng giọng chim trở nên khàn tiếng trong những lần gào thét cô đơn.
Đó là “nỗi đau” trong tâm hồn một nhà văn. Nỗi đau này của anh, nếu đem so sánh với nỗi đau của bác Lê Hữu Mục (như trong bài viết về bác, tôi đã đề cập) và của tôi từ khi bước chân vào văn nghiệp, thì đều có phần giống và cũng là thật khác. Hãy thử tưởng tượng một hàng ngang ba người, anh đứng giữa, thì vấn đề sẽ rõ. Phía bên trái là bác Lê Hữu Mục và một nửa con người anh. Điểm tương đồng giữa cả hai là “sự ưa thích tìm đến với đám đông văn nghệ”. “Nỗi đau” trong mỗi người đã được tạo thành từ hai cái nhìn và gây nên hai kết quả khác biệt:
1/ Anh, phẫn nộ theo những điều giả dối (trên sự giao thiệp), những nông cạn (trên sự suy nghĩ ) của đám đông văn nghệ, đâm thành muốn đạp đổ tất cả.
2/ Bác Lê Hữu Mục: dẫu vẫn nhìn thấy mọi nỗi như anh, nhưng hiền hòa nhẫn nhục hơn nên không tỏ thái độ phản kháng; thà rằng “tiếp tục tự lừa mình” hơn là “quay lưng hẳn với đám đông”.
Phía bên phải là tôi và nửa con người còn lại của anh
1/ Điểm giống giữa cả hai là có cùng cái nhìn phẫn nộ đối với đám đông văn nghệ và cùng phô bày sự phẫn nộ này ra trên chữ nghĩa. Kết quả là sự tẩy chay, thù ghét xẩy đến cho những đứa con tinh thần mỗi người đã cấu tạo.
2/ Điểm khác chính là anh vẫn tiếp tục lăn vào đám đông với thái độ cũ; còn tôi thì hoàn toàn quay lưng lại với đám đông. Vì thế mà tôi “đỡ khổ” hơn anh và giòng văn chương tôi vẫn không bị biến thành mỉa mai cay đắng!
*
* *
Cũng nhờ cái điểm tương đồng trong hai con người có cùng cái “nghiệp” như nhau mà thoạt biết nhau, cả anh lẫn tôi đều đã bắt đúng ngay “cái mạch” cô đơn của mỗi phía. Những lá thư trao đổi cũng là những lời chân thành giữa hai người bạn có cùng cảnh ngộ. Những giòng chữ im ỉm nhưng có sức mạnh chia xẻ bằng vạn lần các cuộc thù tạc với đám đông văn nghệ giả dối chung quanh.
Nhận thư Thế Phong.
Sàigòn, Thứ sáu 19/11/2004 (9:56 PM)
BG ơi,
Thế là lại sắp đến Noel, vì mới đây nghe Khánh Ly ca khúc hát Giáng Sinh về Dalat, lại một khoảng thời gian quá vãng xa lắc lư, trở về với hiện tại. Và lại nhớ đến mẹ con BG với những ngày đêm ở Dalat vào mùa hè năm 2000. Dạo này tôi có công việc làm mới, phụ với nhà tôi trông nom cháu nội gái, cho bố mẹ đi làm. Mượn người làm thì đến người thứ hai cũng không xong. Người thứ nhất quê ở Quảng Bình, có trách nhiệm, lại phải về quê săn sóc chồng ốm; người thứ hai, quê Cai Lậy, lãng mạn kiểu miền Nam, chỉ làm được tròn một tháng rồi trở về với sông nước Tiền giang.
Vài hàng thăm BG và cả nhà.
Thế Phong.
[]
Thư gửi Thế Phong.
Cali 20/11/04 (8:10 AM)
Anh Thế Phong thân,
Nhắc đến Noel lại càng buồn da diết vì một mùa Noel mơ ước ở Việt Nam (và Dalat) sẽ không bao giờ còn trở về với BG. Bên này lá vàng rơi rụng đầy sân. Nhìn lá mà ngẫm lại cuộc đời mình sao thấy trống vắng hoang liêu quá. Trước mặt chừng như có một tấm màn đen bao phủ khi nghĩ về tương lai sắp đến.
Nhiều đêm không ngủ được, nghĩ đến anh và anh Đông Sơn, thấy các anh còn may mắn hơn BG rất nhiều ở chỗ còn có người để chia xẻ từ chuyện lớn là nhà cửa đến chuyện nhỏ là... giữ cháu nội!
Năm tới đây (2005), BG không định viết gì mới ngoài chuyện ngồi sắp xếp lại tất cả các bài vỡ cũ, đánh máy vào một cái Laptop mới mua, dự định nếu nằm xuống vĩnh viễn, Âu Cơ còn biết đường mà truy tầm các tác phẩm của mẹ nó.
Đọc và viết lại các bài Tài Hoa Mệnh Bạc cất giữ vào trong máy, mới thấy rằng cuộc đời những người nghệ sĩ đều có điểm rất giống nhau là SỰ CÔ ĐƠN. Đọc Edgar Poe, Modigliani và Emily Bronte viết năm 1993, BG không ngờ rằng khi suy ngẫm về họ, BG đang ở vào một hoàn cảnh chồng con đầm ấm, hạnh phúc thừa mứa, tiền bạc dư dã, vậy mà sao lại có thể thông cảm được sự nghèo khó, nỗi cô đơn tuyệt vọng của họ một cách sâu sắc để biến thành chữ nghĩa? Hay phải chăng khi viết về họ (ở thời điểm đó) là BG cũng đã tự viết về mình (ở thời điểm này) mà không hay?
Cám ơn anh đã gửi Nước Chảy Qua Cầu đến các bạn miền Bắc. Lời ngợi khen của họ (và của độc giả) trên chữ nghĩa mình là niềm an ủi duy nhất cho cuộc đời cô quạnh của BG. Đó là sự thật. Cái sự thật rằng chỉ Văn Chương mới hiểu và chia xẻ được cùng BG mọi nỗi thống khổ, như muôn thuở. Bây giờ cứ cúi đầu ngồi viết, chấp nhận làm kiếp tằm nhả tơ cho đến chết là do bởi điều nhận định, chỉ Văn Chương mới là người tình, người chồng và người bạn thật sự yêu thương BG, hơn tất cả mọi con người hiện hữu ở thế gian. Và cũng chỉ Văn Chương mới giúp BG quên được những ngày giờ triền miên suy nghĩ theo mọi nỗi khủng hoảng về đủ thứ hiện nay thôi
Hè năm tới không biết có về Việt Nam được không? Tất cả hãy để Thượng Đế định đoạt. Dù sao vẫn rất nhớ Việt Nam và nhất là nhớ đặc biệt anh và anh Đông Sơn. Nhớ mái nhà nho nhỏ ấm cúng của anh Đông Sơn, nhớ những chuyến xe khuya Sàigòn-Dalat có anh em mình hiện diện. Nhớ tất cả... Nhưng thôi, sẽ dùng cái tất cả đó để ghi xuống thành văn chương.
Thân ái, TTBG.
[]
Nhận thư Thế Phong.
Sàigòn Chủ nhật 23 tháng 1 năm 2005
Thân gửi BG,
Những ngày cuối năm ta ở Sàigòn, sáng và đêm lạnh, đi uống café một mình (đôi khi cũng có Đông Sơn ngồi bên bờ Thanh Đa) nỗi buồn mông lung dấy lên khiến nhớ đủ điều. Nào chuyện mình, chuyện bạn bè, chuyện văn nghệ, chuyện đời... trăm thứ thật là “vạn vật mâu thuẫn”; và nếu không như vậy thì chẳng còn gì là sự sống ở đời này. Hoặc nói theo kiểu Lão Tử, “bất ngôn chi giáo” hẳn là được an ủi, vì chỉ có bản thân mình là hiểu mình, hiểu mình cặn kẽ, bỏ qua mọi lời khuyên can, chỉ giáo (vì những lời ấy không giải quyết cho bản thân, bởi thế mới gọi là “bất ngôn chi giáo”). Phải hiểu cặn kẽ được tâm linh bản thân (không ai ngoài mình hiểu thấu), nên có nhờ cậy giải tỏa ẩn ức nỗi niềm, ước muốn cho thân phận mình thì chỉ có mình thôi.
Tự pha café uống, đi photocopy Hồi Ký Ngoài Văn Chương đọc lại (bởi lẽ đã đóng thành tập dày không thể cầm đọc), thấy thương bản thân, lại nhớ đến bạn bè không còn gặp nữa (có kẻ đã qua đời, có kẻ ở xa chân trời). Ấy vậy mà tối thứ bẩy (22/1/2005) sang suốt sáng chủ nhật (23/1) đọc xong thật thú vị, càng hơn nữa một mình nghe dĩa Ánh Tuyết hát nhạc Đoàn Chuẩn & Từ Linh, cũng lại tuyệt vời! (...)
À quên, có bạn Vũ Ngự Chiêu từ Mỹ về, nhưng tôi không đến dự buổi uống rượu do bạn ấy mời ở quán Phổ Chiêu (Gò Vấp) mà chủ quán là nhà văn Cung Tích Biền đồng mời. “Anh ơi, có Nguyên Vũ về, mời anh đến gặp anh em, có cả Nguyễn Thụy Long và Hồ Nam. Anh đi tắc xi đến đi, có người trả tiền.” Cũng chỉ lắc đầu cảm ơn, đáp lễ: “Ông ơi, đi cà phê cà pháo, rượu chè thì phải có hứng. Tôi bây giờ không còn hứng, đành xin lỗi quý vị vậy, kể cả thằng bạn ở xa về...”
Mới lục cuốn River of Time để đọc tiếp, mở ra sách tặng đề “Sàigòn, July 5/2004” lại nhớ đến quán chả cá Lã Vọng.
Văn Quang về ở Lộc Ninh rồi, bạn làm nhà trên ấy, gửi thư điện tử báo là “Tao không còn muốn về Sàigòn nữa.”
Hai tuần nữa, 9 tháng 2/2005 là mồng một Tết Ất Dậu. Gửi lời chúc mừng bác, BG và Âu Cơ, Vân San một xuân tha hương (nhưng đầm ấm) ở phía bên kia trái địa cầu.
Thế Phong.
[]
Thư gửi Thế Phong
Cali, Dec. 7/2004
Anh Thế Phong ơi,
Hôm Dec. 2/2004, BG có nhờ một người quen đem sách về Sàigòn cho anh. Không biết anh đã nhận được chưa?
Bên này BG vừa trở lại phi trường làm việc nên rất bận, một ngày tiêu pha cho đủ thứ chuyện vừa lao động tinh thần vừa lao động thân xác hết 20 giờ. Không còn thì giờ để thở! Trời Cali mưa gió tơi bời lại càng làm cho lòng thêm áo não. Mỗi bận nhìn những chiếc lá vàng bay bời trong gió, lòng cứ thấy cô liêu, tự nhủ, đời mình có khác nào chiếc lá giữa giòng kia, chẳng biết bay về đâu?
BG thăm Sàigòn và cầu chúc tất cả bạn hữu được ấm áp trong mùa Noel 2004.
Thân ái, TTBG.
[]
Thư gửi Thế Phong.
Cali, Feb 6/2005
Anh Thế Phong ơi,
Hôm nay đã là 29 Tết Ất Dậu rồi. Buổi sáng thức giậy sớm, đọc thư anh, uống ly café nóng, hút hai điếu thuốc lá một mình trong sương sớm, giữa khu vườn hoang lạnh, mà lòng cứ man mác buồn khi hình dung Sàigòn ở xa có những bạn bè đang rộn ràng đón Tết.
Bấy lâu, tinh thần BG xuống dốc quá nên chữ nghĩa cũng quăng đi hết. Nhận thấy không thể cứ là như vậy, BG trỗi dậy, làm việc trở lại trên văn chương của mình để tự cứu trước khi quá muộn.
Thực sự, từ mùa thu vừa rồi ở VN về, BG có ý định NGƯNG không viết nữa, nhưng thấy như vậy là tự mình kết thúc đời mình (một hình thức TỰ TỬ chậm) và thấy có lỗi với người tình văn chương từng ôm ấp nâng đỡ mình những khi suy sụp trầm trọng, nên BỎ ý định ngưng viết. Chắc là đêm giao thừa năm nay lại vùi đầu vào bàn viết khai bút và tìm hứng thú văn chương cho một năm mới sắp đến. Mọi sự rồi cũng OK với cái đầu cương nghị cứng hơn thép này.
BG rất vui là cho đến bây giờ vẫn còn giữ được lòng quý mến của anh và nguyện sẽ không bao giờ ngu xuẩn đánh mất nó đi. Thăm và cầu chúc anh cùng cả gia đình ấm áp hạnh phúc trong ba ngày Tết.
Thân quý, TTBG.
[]
Thư gửi Thế Phong.
Cali, Feb 7/2005
Anh Thế Phong thân,
Còn ba tiếng đồng hồ nữa là đến giờ giao thừa Canh Thân – Ất Dậu ở VN, BG viết vội ít hàng chúc Tết anh và gia đình, cầu mong tất cả vui vầy hạnh phúc. Bên này, trời đang rất lạnh. Ngày hôm qua nhận thư anh và bản copy thư anh Nguyễn Khôi, đọc mà thấy lòng buồn man mác. Đặc biệt thư anh. Ngày mai rảnh, sẽ viết tay gửi anh bằng bưu điện mới nói lên được tất cả nỗi buồn hiện tại của mình.
Nước Chảy Qua Cầu từ trước được nhiều người ngợi khen nhưng chỉ khen bằng miệng, và chỉ trong giới độc giả, chứ chưa một nhà văn nào ở hải ngoại “DÁM” viết lên bằng chữ nghĩa. Nay anh Nguyễn Khôi là một, thẳng thắn nhận định văn chương BG mà không sợ BG “nổi tiếng” hơn anh ấy qua những lời khen!
Đúng như anh ấy viết lời của Lão Tử, “Cái gì của đời phải trả lại cho đời” thì NCQC được viết ra cho đời, cho độc giả, phải nên thẳng thắn trả nó lại cho đời, cho độc giả bằng những phân tích công tâm.
Viết vội cho anh ít hàng rồi đi làm đây. Ngày mai BG sẽ gửi lá thư viết tay về cho anh.Thân ái, TTBG.
[]
Thư gửi Thế Phong.
Cali Feb 11/2005
Anh Thế Phong thân,
BG bận khủng khiếp, làm việc một ngày 22/24 tiếng đồng hồ, không còn thì giờ để thở. Ăn, phải ăn tại chỗ nơi bàn computer; và ngủ, phải ngủ ngồi trên ghế salon khi quá mệt, vì sợ nếu nằm thẳng cẳng, sẽ ngủ quên! Vì vậy hẹn viết cho anh một lá thư tay mà mãi vẫn không làm.
Ngày mai có cô học trò nhận đem về cho anh một hộp quà và tuần sau sẽ đến tay anh. À quên, lần trước gửi một người đem sách và cigar về, không biết đã đưa anh chưa mà không nghe nhắc? E rằng thiên hạ “cuỗm” mất rồi chăng?
Thân ái, TTBG.
[]
Nhận thư Thế Phong.
Sàigòn, Sat, 12 Feb 2005 12:47:47 +0000
BG ơi,
Có lẽ BG quên là trong một thư điện tử, tôi có nói đến chuyện rút một điếu xì gà hút, rồi ngất ngây mất nửa buổi sao? Sau đó tặng lại tất cả cho anh Đông Sơn. Tết vừa qua, Đông Sơn bao thầu bốn bài, ký nhiều tên, nên ăn Tết khá huy hoàng. Mồng ba Tết vừa rồi có mời hai vợ chồng tôi đến dự bữa cơm đầu Xuân.
BG không cần phải viết thư gửi qua post làm gì vì BG rất mệt và bận bịu. Có điều quan trọng hơn hết là phải giữ gìn sức khỏe, ngủ tối thiểu năm tiếng đồng hồ một ngày, nếu không một khi ngã bệnh, mọi việc sẽ bị đình trệ. BG nên luôn nhớ rằng hiện nay BG đang là chủ gia đình, phải đảm đương mọi sự một cách hoàn hảo. Tránh sơ suất mọi việc (nhất là sức khỏe). Cây bông giấy ở sân thượng nhà tôi năm nay có một cành toàn là hoa, từ dưới nhìn lên y hệt một cây lúa trổ bông rực đỏ.
Thế Phong.
[]
Thư gửi Thế Phong
Cali, Mar 1/2005
Anh Thế Phong thân,
1/ Về chuyện Nước Chảy Qua Cầu: Thấy anh vất vả quá vì NCQC, BG rất ái ngại cho anh và cả xót xa cho tác phẩm.
Thôi thì giống như BG vẫn nghĩ xưa nay, mình là cha là mẹ đứa con tinh thần của mình thì việc cho nó chào đời MỘT LẦN đầy đủ chân tay đã là quá đủ, còn số phận nó về sau có thế nào là chuyện của nó, BG không mấy bận tâm. In được NCQC ở VN thì tốt, không cũng chẳng sao. Hữu xạ tự nhiên hương, BG luôn quan niệm vậy.
Bằng nếu như in nó ở VN mà phải bị cắt xén tư tưởng tác giả quá nhiều cũng không phải là việc đáng làm. Anh đừng cần lo lắng cho nó nữa anh nhé. Anh giao thiệp và hiểu BG cũng đã lâu rồi thì biết BG thuộc loại nhà văn quý trọng chữ nghĩa đến thế nào.
2/ Ở Mỹ, những người Mỹ nào từng đọc River of Time cũng đều yêu mến tác phẩm. Có một cặp vợ chồng triệu phú (đô la) rất ái mộ BG xuyên qua River of Time. Cuốn này họ được một cậu em quen tặng lại vì ông chồng là boss của cậu. Sau đó, cậu đến thăm BG, chuyển lại lời ông boss rằng muốn xin một tấm ảnh có chữ ký của TTBG về bỏ chung trong bộ sưu tập các tác giả ông ấy yêu mến. Ông ấy nói: “Đây là một trong vài cuốn hiếm hoi mà tôi đọc một cách say mê đến ba lần liên tục. Đọc xong lần thứ ba, mới hiểu thế nào là người VN. Chưa có tác phẩm nào lôi cuốn tôi như vậy. Đọc thấy quá buồn, nhưng đầy nhân sinh quan hướng Thiện.” Sau đó (theo lời cậu em), hai vợ chồng ông cứ lái xe đi qua nhà BG nhiều lần để tìm hiểu xem nơi cư trú của một nhà văn ông ta yêu mến là như thế nào. Và ông kể điều này cho cậu em nghe.
Đối với BG, bấy nhiêu cũng đã đủ cho River of Time (hay NCQC) rồi. BG là mẹ, không mong ước gì hơn cho đứa con tinh thần của mình. Lần nữa, hữu xạ tự nhiên hương, mình chẳng cần phải làm gì trên nó nữa anh nhé.
3/ Chuyện làm việc ở phi trường:
BG cảm ơn tấm lòng anh đã quan hoài đến đời sống mẹ con BG. Trách nhiệm là điều tiên quyết phải nghĩ đến, nhưng đôi khi quá mệt trên thân xác, nên chỉ muốn bỏ việc, buông xuôi. Nhưng rồi nhìn lại, thấy nếu mình không gánh gồng thì chẳng ai gánh giùm cho mình hết. Lại phải ráng. Và nghĩ, số tiền lương kiếm thêm ở phi trường là để dành in sách mới và hè sang năm lại làm một chuyến VN thăm bạn hữu và thăm anh.
Nhờ ý niệm đó mà lướt qua được những đêm cứ đúng 2:30 sáng, lại một mình một bóng lặng lẽ lái xe giữa đường khuya giá lạnh đó anh.
4/ Tác phẩm Dostoievski:
BG vẫn làm việc trên nó từ mười năm nay, mỗi lần một chút. Giai đoạn này, muốn kết thúc nó cho rồi vì đã “bỏ rơi” nó quá lâu cho những tác phẩm khác. Năm nay BG định sẽ cho nó chào đời. Đó là cuốn Tài Hoa Mệnh Bạc tập IV. Đến tập thứ X thì mình có thể ‘say goodbye’ với cuộc đời rồi.
Nếu anh đọc được bản thảo, BG tin là anh sẽ thích vì BG dành cho cuốn ấy rất nhiều yêu mến nên viết rất kỹ; đọc cuộc đời Dostoievski mà thấy thích thú y như đọc một cuốn tiểu thuyết diễm tình.
5/ BG không còn hợp tác với nhóm Giao Điểm nữa
(TTBG tự ý kiểm duyệt đoạn này khi cho in lại bài này vào Bộ Đi Tìm Thời Gian Đã Mất năm 2011)
Thân ái, TTBG.
[]
Nhận thư Thế Phong.
Sàigòn, Mon, 14/3/2005
BG ơi,
Tối nay vào internet tìm Giao Điểm tháng 12/2004, đọc hai chương 1 và chương 2 Truyện Hoa Đào Năm Ngoái trên mạng. Đọc xong mới hiểu ngay TẠI SAO đến đây lại tự động point final (như xưa kia các cụ thường viết chữ CHUNG). Hẳn đã có rất nhiều bạn văn chương của BG ở Mỹ khiếu nại hai chương đó mà dẫn đầu có lẽ là nàng Vi Khuê (nay trở thành “lão bà trong làng chậu úp”, một cây viết thích phô trương chữ nghĩa, sử dụng chữ “chòi văn” khác với “nhà văn”, hẳn là càng khác xa với “cư xá văn”, “chung cư văn”, mà khổ nỗi khả năng chữ nghĩa của nàng chỉ lướt trên đầu ngón tay là hết) đã khiếu kiện TTBG, người phụ trách Trang Văn Học Giao Điểm? Rồi lại hăm kiện luôn cả người chủ trương Giao Điểm? Vì vậy mà có cái tình trạng point final tức tưởi chăng?
Thôi thì như thế cũng đủ chơi với đời rồi BG ơi. Hai chương đó quả là có kích dâm, bạo dâm, nhưng không thủ dâm văn chương đâu. Lại càng cám ơn “lá gan tày đình của TTBG”, con người đã tận tình tận lực với bạn bè văn chương. (...)
Chúc BG có sức khỏe và tinh thần mạnh rắn như thép, một lúc thi hành hai nhiệm vụ cực kỳ gian nan: vừa là mẹ vừa là bố. Phần tôi, xin cúi đầu khâm phục chí khí của BG và tôi rất lấy làm vinh hạnh được làm bạn văn chương của BG.
Thế Phong.
[]
Thư gửi Thế Phong.
Cali, 14/3/2005
Anh Thế Phong thân,
Đi làm về đọc thư anh, thấy vơi đi rất nhiều mệt nhọc. Cám ơn anh đã chia xẻ với BG những tin tức văn nghệ liên quan đến anh ở VN.
Năm nay BG sẽ cho in cuốn Dostoievski và một tuyển tập Anh ngữ của Âu Cơ. Đồng thời, nếu thương lượng được với nhà in và có thì giờ làm việc, BG sẽ cho in luôn cuốn Truyện Hoa Đào Năm Ngoái của anh. Không có Giao Điểm thì mình tính theo lối khác cho tác phẩm ấy. Sở dĩ đi làm ở phi trường là muốn để dành tiền in sách. Nay công việc thấy tạm ổn, không có gì mệt nhọc lắm, nên chắc là sẽ ở lại đó thêm vài tháng, hễ cứ đủ tiền in sách và đi du lịch VN với Âu Cơ là báo với chủ xin nghỉ thôi.
Trong từng ngày, có một hạnh phúc nho nhỏ đến với BG là cứ mỗi 2:30 sáng thức dậy đi làm, trong khi ngồi chờ nổ máy xe thì BG uống vài hớp café và hút một điếu thuốc lá. Hạnh phúc là thế. “U cư sầu cực hốt truy hoan” như Nguyễn Du nói.
Mùa Xuân đã trở về trên Cali. Thấy nắng vàng lại nghe nao nức nhớ thương những mùa hè năm cũ, chuẩn bị đi VN sau khi Âu Cơ vừa học xong ngày cuối...
Năm nay lạc mất một mùa hè Dalat & Nha Trang, cả mẹ lẫn con đều buồn. Nhưng thôi, để mùa hè làm chuyện văn chương và dịp khác sẽ về VN thăm bè bạn và thăm anh.
Tối hôm qua dịch giả Những Bức Thư Tình Hay Nhất Thế Giới gọi nói chuyện với BG rất lâu. Tình nghĩa anh em vẫn thắm thiết như muôn thuở.
Tuần sau là Tết rồi. BG hy vọng mọi sự sẽ khá hơn cho mình, chứ năm vừa rồi xui quá là xui!
BG tạm ngưng. Thăm tất cả Sàigòn và chúc anh chiến thắng vẻ vang trong vụ kiện ông Nguyễn Q. Thắng đạo văn anh.
TTBG.
[]
(*) Thơ Thế Phong.
(**) Những câu phê bình của họa sĩ tạ Tỵ về Thế Phong.
THẾ PHONG,
VỚI NHỮNG TIẾNG CƯỜI
CHUA CAY VÀ NGẠO NGHỄ
(Bài 6)
Thư gửi Thế Phong.
Cali, 15/3/05
(TTBG tự ý kiểm duyệt đoạn này khi cho in lại bài này vào Bộ Đi Tìm Thời Gian Đã Mất năm 2011)
*
* *
Anh Thế Phong thân,
Hôm nay BG rất cám ơn anh trong việc đã chuyển thư anh gửi Giao Điểm cho BG, để anh ta biết rằng mọi chuyện giữa anh em mình, anh ta không thể chơi cái trò chia rẽ được. Giới văn chương hải ngoại nói chung và Giao Điểm nói riêng không hề biết rằng BG rất chán ghét chuyện phải lăn mình vào cái CHỢ dơ dáy của họ. Vì vậy, lánh xa được chừng nào, mừng chừng đó! Điểm tệ hơn cả của anh chàng Hóa này là anh ta còn nông cạn quá không thể nào hiểu được con người BG nên cứ tưởng BG “giận hờn” vì anh ta đã tự ý xóa đi trang văn nghệ TTBG!?
Một đời, BG vẫn là kẻ rất TRỌNG lời hứa, nên cám ơn anh ta không hết ở cái việc đã rút lại giùm cho BG lời hứa nhận viết cho Giao Điểm đến “chừng nào Giao Điểm còn chỉ một độc giả thì tôi còn hợp tác với Giao Điểm.”
Thật sự đọc Giao Điểm cũng như các diễn đàn văn chương khác ở hải ngoại và trong nước, BG thấy rõ đó không phải là văn chương, mà chỉ là những cái chợ bán toàn cá tôm tanh tưởi chứ không mấy ai muốn bán các cành hoa đẹp! (như chữ dùng của NVHóa khi “xúi” BG viết bài “quất” Tổ Quốc Ăn Năn của NGKiểng). Nên từ lâu và hơn bao giờ hết là ngay bây giờ, BG không hề có ý muốn mở riêng cho mình một website.
(TTBG tự ý kiểm duyệt đoạn này khi cho in lại bài này vào Bộ Đi Tìm Thời Gian Đã Mất năm 2011).
Anh chàng chủ bút diễn đàn Giao Điểm này không biết TTBG là ai, cứ tưởng là BG háo danh lắm!
Từ ấy, BG đã có ý muốn bỏ Giao Điểm mà chưa biết cách nào vì lỡ vướng vào lời hứa “Còn một độc giả, tôi còn viết cho Giao Điểm”. May thay, chính anh ta là người gỡ cho BG chuyện đó,
(TTBG tự ý kiểm duyệt đoạn này khi cho in lại bài này vào Bộ Đi Tìm Thời Gian Đã Mất năm 2011).
Anh Thế Phong thân,
Đôi khi nghĩ về con đường văn nghiệp của mình quá ư sóng gió và cô đơn, BG chỉ biết tự nhủ bằng câu: “Kiếp này thôi đã lỡ, đành chờ tái tạo mọi thứ ở kiếp sau!”
Riêng với anh, BG chỉ đáng hàng hậu bối mà được anh cư xử như người bạn thì cũng là một hân hạnh lớn cho BG. Nhưng không phải quý anh vì anh nổi tiếng, mà chính vì anh là anh Thế Phong, một nhà văn cô đơn trong giới văn chương Việt Nam, điều có phần trùng giống với sự cô đơn BG cưu mang hơn mười năm qua ở hải ngoại. Sự cô đơn đó xuất phát từ cái tâm thẳng thắn lương thiện của mình. Những mùa hè vừa qua ở Việt Nam, càng có nhiều điều từ anh đã khiến BG quý trọng anh hơn. BG tuy nhỏ hơn anh nhiều tuổi, nhưng không phải không đủ trí thông minh để nhận định con người cho đúng đắn. Trong giới văn nghệ, có đốt đuốc đi giữa ban ngày cũng không chắc gì tìm ra được một tâm hồn lương thiện. Anh là một trong số người hiếm hoi ấy dưới mắt BG.
BG hiện đang rất bận, làm việc liền tù tì, ăn ngủ gần như không có, nhưng trong óc lúc nào cũng suy nghĩ các điều cần phải viết. Mỗi ngày làm việc, được một giờ break lại dùng vào việc ghi chép vào nhật ký những cái gì nhận xét chung quanh như một hình thức để dành tài liệu cho những tác phẩm mai sau. BG dự định sẽ viết một bài về riêng anh, như một kỷ niệm lưu lại về một người bạn văn chương mình rất quý trọng, và sẽ gửi cho anh đọc.
Thôi BG tạm ngưng.
Thân ái,
TTBG.
[]
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ