Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

TRẨN DZẠ LỮ -- Một Đời Khổ Lụy / Phạm Chu Sa -- trích: https://dutule.com/auth...

 PHẠM CHU SA - Trần Dzạ Lữ, một đời khổ luỵ

23 Tháng Tư 20244:13 CH(Xem: 5)
PHẠM CHU SA - Trần Dzạ Lữ, một đời khổ luỵ
Vừa rồi tôi bàng hoàng khi nghe tin Trần Dzạ Lữ mất. Bởi tuy mấy năm không gặp nhưng vẫn nghe, biết tin sau khi vợ mất một thời gian, bạn đã quyết định ra sống với con gái ở Bà Rịa - Vũng Tàu, gần khu Hồ Tràm khá yên bình. Mấy tháng trước họa sĩ Nguyễn Đình Thuần từ Mỹ về Sài Gòn tổ chức triển lãm, nghe tin Lữ từ Bà Rịa lên Sài Gòn gặp gỡ bù khú với Thuần. Hai người là bạn văn nghệ gốc Huế với nhau. Khi tôi từ Bảo Lộc xuống Sài Gòn thì Lữ đã về lại Bà Rịa. Tiếc không được gặp bạn. Nghĩ là thôi thì lần sau gặp vậy. Bất ngờ bạn lại ra đi…

Trần Dzạ Lữ - chàng thi sĩ hiền như đất, hơn nửa đời vất vả với áo cơm nhưng không bao giờ bỏ thơ. Chàng luôn thèm khát những chuyến đi, nhưng “lực bất tòng tâm” ít có cơ hội hay điều kiện đi đây đó. Khi in tập thơ đầu tay năm 1995, Trần Dzạ Lữ lấy tựa là “Hát Dạo Bên Trời” như một cách biểu lộ khát vọng giang hồ mà thỉnh thoảng gặp nhau Lữ thường cảm thán: “Thấy mi rong chơi khắp nơi tau bắt thèm. Ước gì tau có điều kiện giang hồ một chuyến.” Thế nên sau khi vợ mất ít lâu, bạn ta cũng làm một chuyến quy cố hương, gặp bạn bè thời tuổi trẻ ở Huế, ôn lại bao kỷ niệm: “Đi mô Huế vẫn trong tim / Ăn mô cũng nhớ trái sim trên đồi / Chuông chùa đậu ở đôi môi / Kim Long yểu điệu dáng người trâm anh.”

Tôi đọc thơ Trần Dzạ Lữ từ những năm sáu mươi thế kỷ trước trên các tạp chí văn học. Chỉ nhớ loáng thoáng những câu thơ tình nhẹ nhàng, hồn nhiên, dễ thương. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 ít lâu, hình như năm 1976, tôi được tin các bạn văn nghệ cũ là Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Đạt, Trần Dzạ Lữ… được một cán bộ lãnh đạo quận 4 TPHCM là Triệu Công Tinh Trung, tức nhà thơ Triệu Cung Tinh (sau này anh đổi là Triệu Từ Truyền) là bạn thân của Nguyễn Tôn Nhan “kéo về” làm cán bộ văn hóa cho quận 4. Nhan làm ở Nhà bảo tàng quận; Đạt tôi không nhớ làm gì, nhưng Lữ tôi nhớ là làm quản thủ thư viện. Thư viện chỉ là một căn nhà phố hai tầng với mấy tủ sách, ít thấy người đọc. Một lần tôi ghé thăm, thấy bạn ta mang một chùm chìa khóa lủng lẳng bên hông giống như một thủ kho hơn là một quản thủ thư viện. Thỉnh thoảng có ai đến mượn sách ngồi đọc, chàng quản thủ đi qua đi lại như sợ người ta lấy mất sách!

Một thời gian sau, Trần Dzạ Lữ nghỉ làm cán bộ văn hóa chuyển sang chạy xe ôm. Tôi hỏi sao đang làm cán bộ lại nghỉ ? Lữ nói lương bèo bọt quá không sống nổi mi à. Năm 1980 tôi đang bán thuốc tây chui ở đường Nguyễn Thông, một bữa thấy Lữ đẩy chiếc xe Kawasaki chết máy đến gặp tôi, vừa lấy vạt áo lau mồ hôi nhễ nhại, nói “Mạ, cái xe hư hoài. Mi cho tau mấy đồng sửa xe.” Tôi rủ bạn qua quán cà phê bên kia đường uống nước cho khỏe đã rồi hẵng đẩy đi sửa. Tôi đưa hắn mấy đồng, hỏi đủ chưa? Hắn gật gù nói chắc đủ. Lữ chạy xe ôm bằng dầu hôi, có bình xăng mồi nhỏ đeo bên cạnh xe. Xe mồi xăng khởi động, sau khi máy nổ thì tắt ống dẫn xăng chuyển sang chạy bằng dầu hôi, xả khói mù mịt. Mùi dầu hôi bốc lên khét lẹt ai cũng phải nheo mắt, bịt mũi. Bởi xe quá cũ lại chạy bằng dầu hôi nên hư hoài. Và ít khách chịu ngồi trên cái xe khói mịt mù, khét lẹt. Tiền chạy xe ôm không đủ sửa xe. Lâu lâu lại thấy Trần Dzạ Lữ đẩy bộ chiếc Kawasaki đến, thở hào hển. Nhìn anh bạn nhà thơ vật vã đẩy chiếc xe cà tàng chết máy, mồ hôi nhễ nhại ướt đầm lưng áo, lòng tôi thấy dâng trào một nỗi niềm đắng chát! Hình ảnh ấy của Trần Dzạ Lữ ám ảnh tôi mãi.

Rồi tôi nghe nói có thời gian Trần Dzạ Lữ đi mua bán ve chai, đồng nát với Phù Hư. Hai người vốn là bạn học thời trung học ở Huế. Nhưng Phù Hư “đánh đâu thắng đó,” trong khi Trần Dzạ Lữ vẫn cứ ạch đụi không ra sao. Nên một thời gian sau chàng bỏ nghề đồng nát. Phù Hư kể, sau đó Lữ về Huế theo bạn đi lên núi tìm trầm. Tìm trầm mà trúng là giàu to, đổi đời. Nhưng dĩ nhiên không dễ dàng gì. Có người bạn Huế kể lại “giai thoại” nghĩ lại thấy thương bạn quá: Một người tìm trầm chuyên nghiệp đi cùng chuyến với Lữ, dặn dò nhà thơ: “Đi rừng coi chừng cọp. Khi nghe tiếng gầm thì nhảy vào bụi cây.” Đang vạch lá đi giữa rừng, bỗng nghe tiếng con gì gầm gừ, Lữ sợ quá nhảy đại một bụi cây, số xui lại đúng ngay bụi mây gai, bị gai mây cào nát hết người. Trần Dzạ Lữ có bài thơ kể chuyện tìm trầm ở Thừa Thiên - Huế rất hiện thực, như tự sự:

Trong đám đi tìm trầm
Chốn thâm sơn cùng cốc
Có người là nông dân
Bỏ cày lên mạn ngược
Có kẻ ở thị thành
Bỏ bút làm hảo hán!
(Khi qua dốc Mạ Ơi ở Ba Làng)

Sau khi tìm trầm thất bại, chàng thi sĩ quay lại Sài Gòn và bắt đầu một công việc khá vất vả: Bán rau. Mỗi ngày chàng đạp xe sang chợ Cầu Muối mua rau từ những người bán sỉ, chở về chợ Trần Hữu Trang, Phú Nhuận cho vợ bán. Ngôi chợ nhỏ gần cổng xe lửa số 6, Phú Nhuận. Lữ bảo, bán rau tươi là một nghề đau tim, bữa đắt không đủ bán, bữa ế mang về cả đống không ăn hết, phải nhờ hàng xóm… ăn giùm! Một thời sau, Lữ chuyển sang giữ xe trước cổng chợ. Chỉ là giữ thuê cho tay tay đầu nậu thầu giữ xe nào đó thôi, lương tuy ít nhưng ổn định. Lại có thời giờ rảnh rỗi trong khi chờ khách, thì ngồi… làm thơ!

Trần Dzạ Lữ nhịn ăn nhịn mặc, gom góp từng đồng để… in thơ. Bởi làm thơ mấy chục năm nhưng chưa có tập thơ đầu tay cũng sốt ruột. Năm 1995, khi đã bốn mươi sáu tuổi, Trần Dzạ Lữ mới in tập thơ đầu tay “Hát Dạo Bên Trời,” được một số anh em mua ủng hộ kha khá. Kể cả bạn ta gởi sang Mỹ bán, được thân hữu bên đó mua ủng hộ mấy chục tập. “Hát dạo bên trời” tuyển những bài thơ từ những năm 1960 đến 1990. Có những bài rất hay:

Về đây mỏi cánh chim trời
Ngó sông khói đụn, trông đời dần thưa
Mùa xuân ngắt tạnh như tờ
Én trong mưa bụi bay khờ lẻ loi
…Về đây cảnh tượng điêu tàn
Mờ mờ nhân ảnh, bẽ bàng gương xưa
Hồn buồn vọng những âm mưa
Áo xanh tôn nữ bây giờ ở đâu
Bất cần sao vẫn còn đau
Mùa tôi dựng tóc lạnh màu thanh niên…

Hai năm sau, “thừa thắng xông lên,” Lữ in tiếp tập “Gọi Tình Bên Sông.” Cả hai tập trình bày và ấn loát khá đẹp. Tập thứ hai không được ủng hộ như lần đầu, bạn ta ôm cả chồng thơ ra quán 81 ngồi nhâm nhi bia hơi chờ gặp bạn để tặng. Thế cũng tiện. Quán 81 là điểm hẹn lý tưởng. Chàng thi sĩ quá nửa đời vất vả áo cơm, khổ lụy với thơ lại còn lụy tình:

Có một lần nhớ quá
Ra sông đứng gọi tình
Tình xa người hóa lạ
Chiều mồ côi cánh chim
…Có một đời xưa quen
Đã mù sa cổ tích
Kỷ niệm sầu chia nhánh
Địa ngục và thiên đường…”
(Gọi tình bên sông).

Nhưng tôi rất ấn tượng với tựa tập thơ “Thơ Tình Viết Trên Bao Thuốc Lá” của Trần Dzạ Lữ ấn hành hơn mười năm trước. Nó rất hình tượng với một nhà thơ hơn nửa đời thống khổ! Với những câu thơ chân chất hiền lành như con người nhà thơ:

Anh viết bài thơ trên bao thuốc lá
Lời muộn mằn khi biết… thương em
Rất nhiều năm cố tình làm khách lạ
Sợ nói ngay… hai đứa sẽ buồn
…Khi biết yêu em lại không gần
Bởi cuộc đời đã chia ngăn đôi lứa
Em theo người mang vầng trăng đi mất
Có nghĩa là đâu còn thuộc về anh…
Thôi em nhỉ! Tình thơ này nghiêng ngả
Thì sá gì cơm áo kiếp phù sinh” ( 2012)

Năm 2015, Trần Dzạ Lữ ấn hành tập thơ thứ tư: “Cứa Nát Muôn Ttrùng” bìa của nữ họa sĩ đồng hương Ái Lan và phụ bản tranh Đinh Cường. Cả bìa và phụ bản đều rất đẹp. Riêng cái tựa tập thơ khá lạ, không có gì là “chất Trần Dzạ Lữ.” Cả câu giới thiệu “Viết riêng cho một người.” Nàng thơ nào đã làm động lòng nhà thơ U 70 vậy? Không chỉ có cái tựa lạ, mà Trần Dzạ Lữ đã mang đến bạn đọc những câu thơ lạ với giọng điệu và ngôn ngữ trẻ trung, mạnh bạo bất ngờ:

…Yêu em ở tuổi muộn mằn
Vẫn say như thuở hoang đàng ngày xưa
Em! Em! Thấy hết hồn chưa?
Tình anh mọc rễ không ngờ quá lâu”
(Hết hồn)

Hoặc:

…Đừng bắt anh phải hôn em hàm thụ
Mã phu này quen thói ăn đêm
Nơi vắng vẻ trước chiếc môi mềm
Không hâm nóng làm sao anh chịu nổi?”
(Đừng bắt anh phải hôn hàm thụ)

Nhưng đó chỉ là khoảnh khắc bộc phát của chàng thi sĩ hiền lành khi yêu quá thôi. Thơ Trần Dzạ Lữ luôn gắn với những câu nhẹ nhàng, buồn man mác.

Chàng vẫn luôn nhớ Huế. Nhớ cái “đặc sản” của Huế là mưa Huế:

Huế mưa không thấy mặt trời
Sầu nghiêng tay nón che đời hoàng hoa
Lạnh từ trong ruột lạnh ra
Em co ro mộng đêm qua nhớ người
Mưa từ cổ độ mưa ơi
Nghìn khuya còn nhớ tóc người sông Hương
(Ở Sài Gòn nhớ mưa Huế, tháng 8. 2014 - “Huế mưa”)

Nhưng khi về Huế chàng lại nhớ Sài Gòn:

Hương bưởi thơm lừng hương tóc em
Về đây đêm Huế nhớ Sài gòn
Mười năm trở lại nơi vườn cũ
Ngơ ngẩn một vầng trăng lưỡi liềm
Đêm Huế thật tình không có em
Nhưng mà tình vẫn ở trong tim
…Anh ở nơi ni sầu Vỹ Dạ
Đâu còn hoa bắp để lung lay
Bên tê đèo còn ai lúng liếng
Con mắt tình không rượu mà say!”
(Đêm Huế nhớ Sài Gòn)

Mấy năm trước Trần Dzạ Lữ có viết về tôi và post lên trang của bạn nhưng mãi sau này tôi mới biết. Đọc thấy được chân tình của bạn, nhưng tiếc vài chỗ Lữ viết không chính xác mấy. Tính khi nào gặp sẽ nói nếu có in thành sách thì chỉnh lại, không thì thôi. Bài trên mạng sẽ trôi đi thôi. Bạn viết về mình là vui rồi.

Giờ đây ngồi viết mấy dòng muộn màng nhớ Trần Dzạ Lữ - một bạn thơ hơn nửa đời khổ lụy, vẫn cảm thấy nao nao… Mong bạn ta bay đến cõi trời nào đó, tha hồ ngắm nhìn các tiên nữ và ung dung làm thơ, Lữ nhé

PHẠM CHU SA
 Tp. HCM

==========

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ