Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

nữ nhiếp ảnh gia người Hải Phòng & 10 năm ' thu ' Sài Gòn vào ống kính/ Hồ Lam -- tuoitreonline/ tphcm.

 

23/04/2024 10:41 GMT+7

Nữ nhiếp ảnh gia người Hải Phòng và 10 năm 'thu' Sài Gòn vào ống kính

Nghe đọc bài
5:19
1x

'TP.HCM có những phận đời lao động bộn bề nhưng tôi vẫn thấy sự nhân ái, hào sảng trong mắt họ. Họ sẵn sàng sẻ chia khi cần thiết. Đó chính là bản sắc một Sài Gòn mà tôi muốn kể'.

Bìa sách Saigon - the LifeStyle and the Food với hình ảnh ca sĩ Sitti Gomez

Bìa sách Saigon - the LifeStyle and the Food với hình ảnh ca sĩ Sitti Gomez

Nhiếp ảnh gia Ngọc Trần chia sẻ như thế về cuốn sách ảnh Saigon - the LifeStyle and the Food vừa ra mắt của cô.

Đây là dự án Ngọc thực hiện trong hơn 10 năm để ghi lại những câu chuyện về văn hóa, ẩm thực, con người Sài Gòn.

Ngọc Trần nói với Tuổi Trẻ lý do cô chọn TP.HCM làm địa điểm tiếp theo để ghi lại những khoảnh khắc đường phố vì Sài Gòn là một trong những thành phố đa dạng về văn hóa và ẩm thực tại Việt Nam.

Sự sôi động, nhộn nhịp của cuộc sống đô thị cùng với sự phong phú của ẩm thực đường phố đã làm cho Sài Gòn trở thành một điểm đến lý tưởng cho dự án này.

Gian hàng bán nước mắm của cô Tú trong chợ Bà Chiểu - Ảnh: NGỌC TRẦN

Gian hàng bán nước mắm của cô Tú trong chợ Bà Chiểu - Ảnh: NGỌC TRẦN

Ăn bánh mì "mệt mỏi" và chụp hình miệt mài

Hành trình của cuốn sách ảnh bắt đầu từ việc Ngọc Trần chụp một ổ bánh mì trong studio. Cô nhận ra mình phải vật lộn khi chụp trong một không gian chật hẹp.


Ngọc ví von rằng trong mắt cô, chiếc bánh mì là một người lính và cô sẽ phải nói chuyện, chụp ảnh "chú" trên tay của một người đang hối hả ăn vội để đi làm vào buổi sớm hay trong chiếc rổ tre ấm nóng của người bán.

"Tôi bắt đầu kết nối với các anh chị bán bánh mì quanh nhà, vừa ăn bánh mì "mệt mỏi" và cũng chụp hình miệt mài.

Chính điều đó tập cho tôi cách tương tác với con người, chó, mèo, viên gạch, những bức tường... để kể lại những câu chuyện sôi động của Sài Gòn sau này", Ngọc Trần kể.

Ngoài các quán xá và nhà hàng tấp nập, ống kính của Ngọc Trần cũng kể những câu chuyện của ẩm thực đường phố Sài Gòn: xe bánh mì, xe hủ tiếu gõ, cà phê hè phố, cà phê vợt...

Saigon - the LifeStyle and the Food được xuất bản bằng tiếng Anh bởi Ngọc nói cô muốn giới thiệu cho du khách nước ngoài dù đã đến Việt Nam hoặc chưa đều có thể ít nhiều hiểu thêm về văn hóa và đời sống của người dân nơi đây.


Bánh mì Sài Gòn - - Ảnh: NGỌC TRẦN

Bánh mì Sài Gòn - - Ảnh: NGỌC TRẦN

Những gương mặt hào sảng, chân thành

Trong cuốn sách Saigon - the LifeStyle and the Food của Ngọc Trần, không ít lần độc giả bắt gặp những gương mặt "rặt" Sài Gòn hoặc một nhân vật đại diện cho sự giao thoa văn hóa cởi mở của nơi đây.

Như người xuất hiện trên bìa sách là ca sĩ Sitti Gomez (người Philippines). Sitti Gomez là ca sĩ chuyên hát nhạc jazz, ballad, cô sống và làm việc đã nhiều năm ở Sài Gòn.

Ngọc Trần chia sẻ: "Nhân một ngày tháng 4 nắng chói chang, Sitti mặc áo dài, đội nón lá cùng tôi đi ăn phở và khám phá quận 5.

Với tôi, đây là bức ảnh là đại diện cho sự chân thành, cởi mở của thành phố này đối với các cá nhân đã, đang, sẽ sống và làm việc tại đây.

Bức ảnh cũng là kỷ niệm cho tình bạn của chúng tôi".

Đường phố Sài Gòn về đêm - Ảnh_ NGỌC TRẦN

Đường phố Sài Gòn về đêm - Ảnh_ NGỌC TRẦN

Hay như anh Ngọc Đức, chủ một tiệm bánh mì hơn 30 năm tại Sài Gòn, đã cho phép Ngọc Trần chụp các hình ảnh ở tiệm rất nhiều lần trong hành trình rong ruổi "săn" ảnh của cô trên đường phố Sài Gòn.

Và một nhân vật cho cô nhiều cảm xúc nhất để chụp bức ảnh cuối cùng khép lại cuốn sách ảnh Saigon - the LifeStyle and the Food là một người shipper chạy xe máy đi giao bánh canh.

Ngọc kể đó là một ngày bình thường, khi Ngọc đang cầm máy ảnh đi trên đường thì bắt gặp một người đang chạy chiếc xe máy màu xanh, tay cầm một chiếc khay đựng nhiều tô bánh canh. Theo phản xạ, cô chụp lại khoảnh khắc ấy nhưng ảnh hỏng.

Khi giao bánh canh xong, người shipper đó hỏi Ngọc Trần rằng cô đã có được tấm ảnh mong muốn chưa.

"Khi biết tôi vẫn chưa chụp được, anh đã quay về quán. Sau khoảng ba phút, anh quay lại với một vận tốc từ từ, một tay anh lái xe, một tay bê khay đựng sáu tô bánh canh và cười một cách hào sảng, ấm áp. Đó là hình ảnh mà tôi không bao giờ quên được", cô vừa cười vừa kể lại.

Người ship bánh canh thân thiện - Ảnh: NGỌC TRẦN

Người ship bánh canh thân thiện - Ảnh: NGỌC TRẦN

Tôi bước chân vào thế giới của nhiếp ảnh không chỉ chụp mà còn tìm hiểu, khám phá và cảm nhận mọi thứ xung quanh. Mỗi sự vật, sự việc trên đường phố đều trở thành đề tài của tôi. Bởi qua đó, tôi có thể cảm nhận được hơi thở của cuộc sống. Đam mê với nhiếp ảnh đường phố của tôi đã bắt đầu như vậy.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ