Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

Mất tí ch & Thởi gian trong NGÔN NGỮ CẤU TRÚC CỦA A.I . / Bủi Vĩnh Phúc / Cailf. -- trích : https://vamndoanviet.blogspot.c...

 Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

Mất tích và Thời gian trong Ngôn ngữ & Cấu trúc động của Ai

Bùi Vĩnh Phúc

clip_image002

Ai là tiểu thuyết mới ra của Đặng Thơ Thơ. Quyển sách viết về cuộc đời, về ý nghĩa cuộc đời. Qua mắt nhìn, chính yếu, của một người mẹ và một người con. Hay qua mắt nhìn của một nhà văn, luôn trăn trở, tìm kiếm để nắm bắt những cái có vẻ nằm bên dưới nhịp chảy bình thường của cuộc sống.

Sống là lý giải. Lý giải những ẩn mã cuộc đời. Lý giải ý nghĩa của cuộc hiện sinh mình. Có những cách lý giải khác nhau. Đặng Thơ Thơ chọn cách lý giải cuộc sống qua việc phát hiện và tìm hiểu những cái mất tích trong đời. Nhưng, hình như, chính cái mất tích ấy lại là cái làm nên sự hiện hữu của con người. Một sự hiện hữu đầy ý thức khi con người, hay khi những nhân vật trong truyện, phát hiện ra là mình đang ở trong một vòng quay, một cuộc chơi lớn. Và họ muốn, bằng một cách nào đó, thoát ra khỏi cuộc chơi này. Để nhìn ngược trở lại. Nhìn ngược trở lại cái bóng của mình. Hay nhìn ngược trở lại những dấu chân mình.

Tác giả cho biết tiểu thuyết này được viết một cách ngẫu nhiên theo một tẩu pháp. Tôi nghĩ, cuộc đời này cũng chỉ bao gồm và được tạo tác từ những cái ngẫu nhiên. Trong một tẩu khúc, người soạn nhạc sẽ xướng ra một nhạc đề trên một bè nào đó. Các bè khác sẽ đáp lại, lần lượt, rồi mọi bè sẽ khai triển nhạc đề đó càng ngày càng rộng lớn hơn bằng những nguyên tắc khác nhau, khá phức tạp, rồi cuối cùng kết buộc chặt dần lại để đi đến chung cuộc. Theo cách diễn tả của tác giả, “tẩu pháp là một thể loại nhạc phức điệu, gồm nhiều bè đối đáp, chạy đuổi, trong đó một chủ đề được trình bày lúc ban đầu bằng mối tương quan chủ âm/át âm, sau đó được khai triển bằng kỹ thuật đối âm.” Từ nhạc đề mở đầu, nó chuyển qua phản đề, đáp đề, rồi tiếp tục biến hoá để mở ra những chủ đề và phản đề kép khác, liên tục biến thiên. Qua tiểu thuyết này, Đặng Thơ Thơ đã cho thấy nỗ lực sáng tạo đó của mình.

Fugue, tẩu pháp, bắt nguồn từ đanh từ tiếng Latin Fuga, liên hệ đến các khái niệm trốn chạy, lưu đày, và tỵ nạn. Từ đó, nó mang trong mình những ý nghĩa “chạy trốn” và “xua đuổi”. Chọn khung và phát triển tiểu thuyết của mình theo hướng tẩu pháp, hẳn tác giả đã manh nha trong ý thức mình, qua câu truyện này, nhiều ý tưởng phức tạp liên quan đến ý nghĩa cuộc sống của một/những con người tỵ nạn, trong cái sống cụ thể của những nhân vật mình. Hay, có khi, qua một cái nhìn có vẻ bi quan, tác giả đã cho thấy ý nghĩa của cuộc đời này là một sự chạy trốn, một sự mất tích. Mất vào nhau, mất trong nhau, mất để thoát, để không bị cầm nắm bởi những quy thức nghiệt ngã và dối trá của xã hội. Từ một giác độ nào đó, cái nhìn này có vẻ bi quan. Từ một giác độ khác, nó phản ánh tự do. Nó phản ánh sự chọn lựa của con người.

Bi quan hay lạc quan, tự do hay bị cầm nén, những dạng thức sống đó là hai mặt đắp đổi của cuộc sống. Sự việc nhìn ngắm, phân tích, đi vào trong chúng là điều thú vị cho cái viết và cái đọc. Về mặt giá trị, trắng hay đen, lạc quan hay bi quan, có thể là không quan trọng với người viết chữ. Cái đáng để ý là những khuôn mặt đó của cuộc sống, của những thái độ sống trong đời ấy, có được trình bày bằng một bút pháp đặc biệt hay không. Nó có làm người đọc bị thu hút, và lo lắng, xao xuyến, hạnh phúc hay đau khổ, xót xa qua những dòng chữ của người viết không.

Đặng Thơ Thơ có một bút pháp đẹp.

Ngay vào phần mở đầu của Chủ Âm.

Trong ký ức tôi, mùa thu thường tiết ra một thứ hương buồn bã dính chặt vào hơi thở, mùi những bụi cây thạch thảo um tùm lớn lên hoang dại từ mùa hè, rồi nở hoa âu sầu vào mùa thu. […] Dẫu sao thì mùa thu cũng đã tới, cũng phải tới, chẳng cách nào khác được. Cũng như những cụm hoa nở ra vào mùa thu thường mang vẻ u uất, như thể chúng hiểu rằng mùa thu sẽ qua nhanh và sự tàn úa phải đến. Chẳng còn cách nào khác, những đoá hoa dù đẹp đến đâu cũng chỉ là định mệnh ngoài ý muốn.

Những câu văn có vẻ đơn sơ, dịu hiền và như thoảng chút mùi hương từ những trang viết của Thạch Lam. Nhưng, rất lạ, tôi còn thấy và ngửi được cái mùi hương héo tàn, bí ẩn và thu hút của Amor en Tiempos de Colera (Love in the Time of Cholera / Yêu trong Mùa Dịch Tả) mà Gabriel Garcia Marquez đã sáng tạo nên. Dù sao, đó cũng chỉ là một vài ấn tượng ban đầu. Những ý tưởng và câu văn của Đặng Thơ Thơ có những nét riêng, không tách ra khỏi những dấu “vân tay” của người viết chúng.

Bút pháp là dấu ấn của một nhà văn. Nó cũng là dấu chỉ vào tâm hồn, cái nằm mãi sâu bên trong lòng con người ấy.

Ngoài bút pháp, cái mà người đọc để ý thấy trong tiểu thuyết này của Đặng Thơ Thơ là cấu trúc truyện. Tác giả đang chơi cấu trúc. Từ một câu chuyện về mùa thu, nó mở ra và được lắp ráp với những câu chuyện, những ẩn dụ khác bằng một mắt nhìn nghệ thuật. Đây là một cấu trúc mở và động. Đa thời-không. Phi tuyến tính. Nó là một bức khảm. Đầy tính lắp ráp. Đầy tính biểu tượng. Câu truyện mang chứa nhiều thể loại trong nó: tự sự, chuyện kể, ký, phim ảnh, điều tra xã hội học, phân tích tâm lý, v.v. Ở một góc độ nào đó, câu truyện lại mang tính metafiction, lồng ghép, sắp xếp truyện trong truyện, như kiểu những con búp bê Matryoshka của Nga nằm trong nhau, lồng vào nhau. Trong truyện của Đặng Thơ Thơ, điều này tạo một hiệu ứng ánh xạ và phản chiếu trong ngôn ngữ và ý tưởng.

Không khí truyện như chuyển dịch từ nước Mỹ, qua Âu châu, rồi vòng vèo về Nhật Bản. Với những khí quyển địa lý, tâm hồn và văn hoá đặc thù của mỗi vùng không gian.

Tôi thích cái không khí và cảnh tượng của Lisboa qua miêu tả của Đặng Thơ Thơ:

Rất dễ lạc hướng trong thành phố xây trên bảy ngọn đồi. Không gian và địa hình của Lisboa quá đa dạng. Thành phố thoáng đãng trên cao, hứng gió thổi từ ba mặt biển khơi nên mùi muối không quá đậm, lúc nào cũng phả đều trong không khí. Lisboa có nhiều thứ làm say đắm lòng người, kể cả vẻ cũ kỹ và hoang tàn của nó. Thành phố này như một khối tạp chất cần được tinh lọc lại. […]

[N]hững mái nhà chập chùng đổ dần ra biển, từng lớp ngói đỏ nhấp nhô xuôi theo vùng đồi. Lúc nào cũng có tiếng gió hú không ngưng nghỉ chạy luồn qua những hành lang bao quanh khu pháo đài. Ngoài xa, sóng biển quẫy mình lăn vào bờ như những con rắn bạc. Màu nước lúc nào cũng xanh dịu. Một thứ màu bất chấp thời gian trong ngày. […]

Căn gác nằm ở giao lộ của gió, mở hết cửa trở thành một nhạc khí phát ra tiếng sáo vi vu luồn trong hơi gió hú.

Những câu văn đẹp như một bức tranh, với những nét vẽ như tạo ra cái mùi vị của gió, của biển, của cái cổ cũ, của ký ức và thời gian. Mùi vị của thời gian, của ký ức? Đúng là như thế. Đó cũng là những nốt nhạc xa xưa thổi vào lòng ta những âm vọng vi vu. Một bức tranh rất hiện thực, nhưng nó lại được chạm, khảm trên một cái nền mang vẻ siêu thực.

Đó là Lisboa của Âu châu, với thành phố trên đồi cao. Gió. Những mái nhà chập chùng. Tiếng sóng biển và những con rắn bạc của biển. Rồi người đọc bắt gặp các nhân vật di chuyển toạ độ địa lý. Về nước Nhật. Từ một không gian hiện đại của thế kỷ thứ XXI, khung cảnh Nhật Bản được vẽ lại, được tái cấu trúc trên sự giao thoa của thực tại và hồi ức. Hồi ức con người chiếm phần áp đảo.

Bão từ biển thổi những luồng gió thốc vào thành phố. Khi xe điện băng qua cầu, tôi mơ màng thấy lại cảnh màn mưa trên tranh mộc bản thời Edo, những sợi mưa giăng dày đặc như những vạch xéo nối từ nền trời xuống mặt sông Sumida. Đường phố trở nên cũ kỹ hẳn, những dãy nhà gỗ san sát nhau dưới mái ngói đen tuyền đè nặng mang vẻ u buồn dằng dặc. Tôi thấy những nhân vật trong tranh khắc gỗ của Hokusai leo lên cầu, họ đi chân đất, lom khom trong những chiếc áo tơi rách, nón lá sùm sụp. Dáng họ xiêu vẹo cố chống chỏi với màn nước. Những sợi mưa sắc như dao cắt, vạch những đường chéo liên hồi, xoá đi mọi hình thù khác.

Đó là một thứ thực tại đồng hiện. Thời gian gặp thời gian; không gian tiếp không gian. Mọi thứ gắn kết qua một màn mưa của cái ở-đây và cái ở-đó. Tất cả giao phối, kết ước, và trở nên một dòng chảy hoà nhịp, tan biến vào nhau.

Đọc văn của Thơ Thơ, người ta cũng thấy được sự mẫn cảm trong cách hưởng thụ hạnh phúc và lòng yêu thương cuộc đời của tác giả. Người ta thấy được sự hoà vào nhau, tan trong nhau của các cảm giác. Thị giác. Vị giác. Thính giác. Khứu giác. Để cảm nhận điều này, ta hãy đi vào suy nghĩ của một nhân vật về chuyện ăn kem ở châu Âu vào những ngày mùa hè:

Mùa hè mà ăn kem ở châu Âu cũng giống như ăn một thứ âm nhạc đang chảy ra. Những mảng kem dâu hồng loang vào kem cà-phê sữa, kem bạc hà xanh mát, kem dứa màu vàng ươm trộn dừa tươi trăng trắng... các màu sắc toả hơi lạnh vào nhau như âm thanh của nhiều loại đàn trong một bản hoà tấu tuyệt diệu!

*

Bây giờ, hãy nói đôi chút về một vài nhân vật. Hai nhân vật chính, nổi lên rõ rệt trong hai đoạn đầu, chủ âm và đối âm, có lẽ là hai nhân vật được mô tả một cách rõ nét nhất. Cái đớn đau của người mẹ khi, ý thức buốt sắc về sự lướt qua của mỗi ngày, mỗi giây, mỗi khắc của thời gian, thấy rằng đứa con cứ dần dần trôi tuột khỏi tay mình. Cái bứt thoát của đứa con, như một mũi tên vuột thoát khỏi giây cung, để bật về phía trước, bắn mình vào trời xanh. Rồi sẽ tan loãng và mất tích giữa trùng vây của những nẻo đời. Hai nhân vật được lồng vào nhau, có lúc làm đối trọng cho nhau. Tình cảm, phong cách, sự tha thiết, nhịp sống, lối suy nghĩ của họ có những lúc đồng bộ, nhưng, ở nhiều chỗ khác, lại rẽ ra những ngã quành, những hướng tới khác nhau. Trong cái nhìn mở rộng vào cuộc trần gian, họ là hai mũi tên được phóng ra, từ cung thủ-nhà văn, ở toạ độ ban đầu, cho cuộc khởi hành vào mê lộ tìm kiếm và lý giải ý nghĩa cuộc đời. Rồi từ đó, hai mũi tên toả ra, chẻ ra, và được tiếp sức bằng các mũi tên khác.

Tôi cũng thấy một nhân vật rất phụ, nhưng, ở một giác độ nào đó, lại phản ánh một nét chính trong sự phát hiện ý nghĩa và tìm cách lý giải cuộc hiện-sinh-người của nhà văn. Đó là một cô bé con, khoảng bốn hay năm tuối, mặc áo đầm màu xanh ô-liu. Tác giả đã gặp cô bé vào sáng trước đó. Rồi gặp lại cô ở một tiệm kem ngày hôm sau. Cô bé được mẹ mình mua kem cho, rồi vào căn nhà lồng kính ngay gần đó, “ăn kem và ngắm cảnh qua lớp kính trong suốt”. Nhân vật chính trong truyện (xưng “Tôi” ở phần chủ âm) yêu thích cô bé, lúc đầu, chỉ vì vẻ xinh xắn, đáng yêu của cô. Nhưng khi họ cùng ngồi ăn kem trong công viên Retino vào buổi chiều hôm ấy, nhân vật chính này khám phá ra cô bé ấy chính là hình chụp của một cô bé mà bà đã nhìn thấy trong buổi triển lãm “Bí Mật Về Những Đứa Bé Mất Tích” của nhiếp ảnh gia Cartier-Bresson, chụp vào năm 1937, cho tờ nhật báo Ce Soir. Buổi triển lãm được tổ chức gần 100 năm sau khi những tấm hình chụp “các đứa bé bị mất tích” mà nhiếp ảnh gia chụp được công bố.

Đứa bé, ngồi ăn kem trong công viên Retino vào buổi chiều hôm ấy, chính là một trong những đứa bé mà nhân vật người mẹ đã được nhìn thấy trong loạt tranh triển lãm. Một con người, trở về từ gần một trăm năm trước, vẫn khuôn mặt, sắc diện, và vóc dáng ấy. Trước đó, bàn về chuyện ăn kem, tác giả viết: “Việc ăn kem cũng như chạy đua với thời gian, chạy đua với sự bốc hơi và những tảng băng đang tan dần.” Sự hiện hữu của cô bé khoảng một trăm năm trước, cùng với sự tái-xuất hiện của cô bây giờ, như thế, cho thấy cô bé con đúng là đã “chạy đua với thời gian, chạy đua với sự bốc hơi và những tảng băng đang tan dần.” Và cô bé đã chiến thắng trong cuộc chạy đua ấy.

Hình ảnh, và cuộc chạy đua với thời gian, hay cuộc “cút bắt”, trốn tìm với thời gian, cuộc chạy trốn, tỵ nạn, mất tích vào trong những nếp gấp của thời gian ấy, những nếp gấp của ký ức con người, là những bí mật của sự sống và của cuộc đời. Nó làm tôi nhớ đến nhân vật Jennie Appleton, một cô bé nhỏ với bộ quần áo theo phong cách thời trang cổ, mà nhà văn Robert Nathan, trong truyện “Portrait of Jennie”, đã cho nhân vật chính là chàng hoạ sĩ nghèo đói Eben Adams bắt gặp trong thời Đại Suy Thoái của nước Mỹ. Sự gặp gỡ của họ cũng xảy ra nơi một công viên. Công viên Central Park của New York. Cô bé ấy cũng đã từng hiện diện trong cuộc sống khoảng năm, bảy chục năm trước. Và, lúc này, cô đã trở lại cuộc đời. Với đúng lứa tuổi ấy. Với kiểu quần áo thời trang vào năm, bảy chục năm trước. Cô bé bảo chàng hoạ sĩ, “Em ước gì ông có thể chờ em lớn lên.” Gặp gỡ rồi chia tay. Rồi cứ bẵng đi một thời gian nào đó, sự may mắn (hay điều bí ảo, kỳ diệu) lại khiến họ mấy lần gặp lại. Cô bé cứ lớn dần, qua thời gian, mỗi khi gặp lại chàng hoạ sĩ. Mà cô lớn nhanh hơn rất nhiều so với nhịp độ của thời gian vật lý bình thường. Để rồi cuối cùng cô lại mất tích một cách bỉ ẩn vào nếp gấp kỳ diệu, kỳ bí, huyền ảo của thời gian. Mấy câu hát lần đầu tiên mà cô bé đã hát, khi gặp chàng hoạ sĩ Eben, khiến cho người đọc nhớ mãi: “Tôi từ đâu đến / Ai biết đâu nào / Tôi đi về nơi / Mọi sự đều đến / Gió cứ thổi / Nước cứ trôi / Nào có ai biết đâu / Tôi từ đâu đến / Có ai biết đâu nào”

(Where I come from Nobody knows;

And where I'm going Everything goes.

The wind blows, the sea flows –

Nobody knows. Where I come from

Nobody knows.)

Thời gian, ta tự hỏi, đó là gì nhỉ? Một hố đen trong lập trình của Tạo hoá, của Tự nhiên? Hay một vết gấp, một kẽ hở, để con người bước ra và/hoặc bước vào, hiện hữu và mất tích trong cuộc đời và vũ trụ này?

Một nhân vật phụ khác cũng rất đáng nhớ. Đó là người thanh niên đi qua Nhật lao động để tìm cách giúp đỡ gia đình. Những công việc lao động tay chân nặng nhọc, mệt mỏi. Việc bị bóc lột sức lực với đồng lương rẻ mạt. Cái thế khó khăn của một con người bị mua sức lao động và bị đẩy vào một cuộc sống không lối thoát. Người trai trẻ ấy luôn ôm một nỗi nhớ nhà, nhớ những khuôn mặt, những nét dáng thân yêu của quê hương. Anh tâm sự: “Em giờ chỉ mong được về quê ăn Tết. Ở bên này cô đơn, mới thấm thía nhớ quê mình, người mình, nhớ gia đình, nhớ mẹ. Bên này mỗi lần nhìn người ta ăn bánh mochi với trà xanh là em lại nghĩ đến mẹ thích ăn bánh nếp đậu, mẹ uống nước chè tươi trong những cái bát sành. Bây giờ em nhìn hoa anh đào chẳng thấy rung cảm gì, chỉ nhớ đến cây đào bích mẹ trồng ngoài vườn, mỗi dịp Tết em giúp mẹ chặt cành đem ra chợ bán lấy tiền sắm tết. Ngày trước em còn mong đi đây đó bay nhảy, bây giờ em chỉ muốn được về nhà săn sóc mẹ.”

Đây lại là một sự mất tích khác. Sự mất tích này đưa đến một cảm thức mất quê hương, lưu lạc, nhớ nhà. Đó là sự truy đuổi của định mệnh. Lưu vong. Nhưng, dù sao, đó chỉ là sự mất tích mang tính vật lý. Tuy thế, sự mất tích vật lý cũng có thể là mất tích vĩnh viễn. Cho dù thời gian trôi qua, quê hương và nỗi nhớ vẫn tạo hình dáng chốn cũ trong lòng. Và, thật sự, chính thời gian lại làm nổi rõ những đường nét của thời cũ, nơi cũ, chốn cũ. Cuối cùng, nhân vật trong truyện đi ra khỏi bức tranh. Anh đã giã biệt sự sống, đã bước qua một lằn ranh khác, tự để mình mất tích vào sự giáp nối của hiện-hữu-người. Nhưng sự thiết tha, nỗi ám ảnh quê nhà của anh vẫn còn sống mãi và cháy sáng trong lòng người đọc.

Như thế, cuộc sống con người, sự hiện-sinh-người là một dạng thức biểu kiến, một trạng thái ảo chăng? Có lẽ không hẳn là thế. Bởi lẽ, chính từ trạng thức đó, con người tìm ra ý nghĩa của cuộc tồn sinh, của đời sống mình.

Trong một tiểu luận về thơ tự do Thanh Tâm Tuyền, tôi đã có dịp viết:

Nếu nhìn hiện sinh con người, như trong cái nhìn của Heidegger, là một hữu thể bước vào thế gian, một sự Tồn tại trong Thế gian (In-der-Welt-Sein), thì con người được ném vào sự hiện diện của chính mình. Tồn tại trong Thế gian là một cơ cấu nền tảng của hiện hữu. Và con người là một Hữu-thể-hướng-tử, tức một tồn tại, một hiện hữu cho cái chết, hướng về cái chết (Sein-zum-Tode). Con người đi trước vào cái chết. […]. Yếu tính của con người là một trạng thức hiện hữu, và yếu tính ấy thuộc về thế giới hiện tượng, xuất hiện ra để mà qua đi. Bởi vậy, trong triết lý của Heidegger, khởi điểm của Hữu thể là Vô thể. Là Hư vô, Hư không. Trong Hư vô và qua cái Hư vô, con người nhận biết được hiện hữu mình, tồn tại mình. Và Hữu thể, như thế, được đồng hoá, hay có sự gắn bó, kết hợp với Hư vô. Suy tư về Hư vô làm con người ý thức về ý nghĩa cuộc tồn tại, hiện sinh của mình. Điều đó làm nó sống có dự phóng, có ý nghĩa hơn.

Sự “mất tích” trong cuộc đời này, kể cả sự mất tích tối hậu của con người qua cái chết, qua thời gian, như thế, đều có một ý nghĩa nào đó. Ý nghĩa ấy, tôi nghĩ, mỗi người phải tự tìm kiếm cho chính mình.

*

Xuyên suốt và nổi bật lên, qua bất cứ dạng thể kể nào, tiểu thuyết Ai của Đặng Thơ Thơ, trong ấn tượng của tôi, là một dòng sông màu xanh lục. Lượn lờ, khuất lấp, và như toả ra một chất tím của nhung và chất lá cây của lục diệp. Có những chỗ lại như những lớp rêu, phả ra cái màu, cái mùi bí ẩn của cuộc sống. Một cuộc sống có thể mất tích bất cứ lúc nào, bất cứ ở một khúc quanh nào. Ngay trước mặt.

Cấu trúc truyện của Ai làm tôi thoáng nhớ đến Hopscotch (Rayuela, tạm dịch ra tiếng Việt là “Nhẩy cóc”/”Nhẩy lò cò”), tác phẩm viết năm 1963 của Julio Cortázar. Đây cũng là một tiểu thuyết mở, một phản-tiểu thuyết. Người đọc được mời gọi để tái sắp xếp, tái cấu trúc những phần khác nhau của cuốn tiểu thuyết, dựa trên một sơ đồ được tác giả hoạch định, thiết kế. Tiểu thuyết của Đặng Thơ Thơ khác. Nhưng nó cũng được thiết kế tỉ mỉ. Nó được xây dựng, như đã nói, giống một tẩu khúc. Nó đưa ra nhiều bè, chạy đuổi, bám sát, ngắt khúc, truy lùng, mất tích vào nhau, mất tích trong nhau. Nó vận dụng nhiều nhạc tố, quãng âm, tiết tấu, giai điệu và cung thể để thực hiện những thao tác, những “hợp âm” trôi nổi, những sắc diện khác nhau của đời sống.

Đoạn kết của câu truyện cho thấy chủ âm tái hiện. Mà tái hiện để làm gì? Để đưa ra một dự cảm, trong cái nhìn của tôi, là một tẩu khúc khác lại sắp sửa bắt đầu. Nó sẽ biến thiên không dứt. Và, sau đó, hẳn là nó sẽ được tiếp nối, phóng chiếu vào tâm hồn người đọc, bằng một tẩu khúc mới khác nữa. Một mê lộ, một ma trận, hay một điệu valse, một điệu luân vũ. Trong ánh sáng hay trong bóng mờ. The labyrinth. The matrix. Hay La Valse dans l’Ombre. Đó là tuỳ cách nhìn cuộc đời của mỗi một con người.

Cứ thế. Mọi sự cứ rượt đuổi, lượn vòng, và quanh quẩn, trôi chảy mãi.

Mà sự quanh quẩn, lượn vòng, lặp đi lặp lại, ngẫu nhiên, tình cờ, ở một giác độ nào đó, có phải chính là cái thế và cái lý của cuộc đời?

Bùi Vĩnh Phúc

Tustin Ranch, Calif.

tháng IV, 2024

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ