Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

- nhà văn PHƯƠNG TRÀ & con đường văn chương nhân bản / Trần Lê Anh Tuấn -- nguồn : vanhocsaigon / trích: Giao Blog/ Hà Nội.

 

Nhà văn Phương Trà & con đường văn chương nhân bản


TRẦN LÊ ANH TUẤN 

Nhà văn Phương Trà là Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ban Biên tập trang Vanvn của Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, làm việc tại Báo Phú Yên. Chị đã ra mắt bạn đọc 2 tập truyện ngắn, 1 tập tản văn và 2 tập bút ký – phóng sự; được trao giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên lần thứ V, giai đoạn 2016-2020 với tập tản văn Nghe nắng qua thềm.

Nhà văn Phương Trà

Tiếp nối hành trình sáng tác không mệt mỏi, nhà văn Phương Trà tạo được dấu ấn đặc biệt trên văn đàn với nhiều giải thưởng văn chương để lại tiếng vang.

1. Phú Yên – một vùng đất nhỏ nằm giữa hai đèo: Cù Mông và Đèo Cả, với sông Ba dài rộng và núi Đá Bia sừng sững trời phương Nam – đã trở thành niềm cảm hứng sáng tác văn chương của bao tao nhân mặc khách. Sinh năm 1976, nhà văn Trịnh Thị Phương Trà (quê An Định, Tuy An) đã tiếp nối hành trình sáng tác không mệt mỏi và tạo được dấu ấn đặc biệt trên văn đàn với nhiều giải thưởng văn chương để lại tiếng vang.

Tác phẩm Con đường của Hạ của nhà văn Phương Trà đã đoạt giải nhất thể loại truyện ngắn Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam phát động, Báo Lao Động tổ chức trong năm 2023. Một cuộc thi sáng tác văn chương được giới chuyên môn đánh giá cao và tạo được sự lan tỏa trong công chúng.

Đọc Con đường của Hạ, không khó nhận ra một con đường văn chương nhân bản được nhà văn Phương Trà đã dày công tạo dựng xuyên suốt trong hành trình sáng tạo, mà dấu ấn gần đây nữa là tác phẩm Dưới ánh sáng thiên đường đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn “Người lao động hôm nay” do Báo Người Lao Động tổ chức trong 2 năm 2018-2019.

Nếu dấu ấn ngành y đậm đặc trong tác phẩm Dưới ánh sáng thiên đường thì tới Con đường của Hạ, thân phận của người nữ lao công vụt sáng lên với một tâm hồn sáng trong và trái tim ấm áp, dẫu đối diện với muôn vàn nghịch cảnh. Những người phụ nữ rơi vào nghịch cảnh lại trở nên mạnh mẽ phi thường, sự yếu đuối có chăng chỉ còn lại trong giấc mơ khuya khoắt, nhưng đó vẫn là những yếu đuối, mỏng manh trong sâu thẳm của người phụ nữ.

Nhà văn Phương Trà và các đồng nghiệp Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Phú Yên với nhà thơ Phan Hoàng

Con đường của Hạ một lần nữa nhắc chúng ta về đại dịch COVID-19, một phép thử cay đắng của tự nhiên với lòng kiên cường và nhân bản của con người. Sự lặng im sau những đoạn thoại trong Con đường của Hạ như là những nốt trầm buồn hậu đại dịch.

Hạ – nhân vật chính – từ cần mẫn quét dọn con đường, hiểu rõ từng hàng cây, góc phố, ngôi nhà đến yêu cả con đường: “Ngày nào cũng quét dọn sạch sẽ con đường rồi thấy mến, thấy thương. Cho nên những người làm công việc như Hạ, trừ lúc bệnh đau, còn lại thì ngày nắng cũng như ngày mưa, không ai bỏ con đường”. Hạ là một người có trách nhiệm: trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với cộng đồng… Vượt lên trên cả trách nhiệm, đó là thái độ bao dung, một hành trình thiện lương trong sáng, khiến cho những tị hiềm của con người nếu có cũng lặng lẽ thoái lui…

Nhà văn, nhà báo Phương Trà với các đồng nghiệp Báo Phú Yên.

2. Nhà văn Phương Trà là Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ban Biên tập trang Vanvn của Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, làm việc tại Báo Phú Yên. Chị đã ra mắt bạn đọc 2 tập truyện ngắn, 1 tập tản văn và 2 tập bút ký – phóng sự; được trao giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên lần thứ V, giai đoạn 2016-2020 với tập tản văn Nghe nắng qua thềm.

Con đường sáng tạo của mỗi nhà văn có thể khác nhau, nhưng tôi tin tác phẩm của nhà văn Phương Trà mang giá trị nhân bản sâu sắc. Trong thời đại nhân tính của con người bị đe dọa bởi những bản năng khác, thì nhân vật “chị” xuất hiện thấp thoáng nhưng đúng lúc trên Con đường của Hạ đã gieo lên một niềm tin, thắp lên một ngọn lửa, dẫu nhỏ nhoi nhưng ấm áp và đủ xua tan đi cái lạnh lẽo trong lòng Hạ và trong lòng người. Nhân vật Hạ có thể là chị của thời thanh xuân đã qua. Nhân vật chị có thể là ước mơ của Hạ sau những năm tháng bão tố…

Đọc Con đường của Hạ có cảm giác như nghe một bản giao hưởng của nước mắt, như thấy lòng được ủi an một cách kín đáo nhưng vẫn không cầm lòng được. Trong đêm đông, đọc Con đường của Hạ, tôi chợt nhớ mấy câu thơ trong bài Đêm quán của nhạc sĩ Văn Cao:

“Tôi đã lại

Bởi vì tôi thấy tôi ở đấy chỉ có một mình và giữa đêm khuya lại trở về một mình qua con đường tàu than bụi

Tôi đã lại tìm một cái gì không thể thấy được”.

Phải lâu lắm tôi mới gặp lại không khí Tuy Hòa trong tác phẩm văn chương đương đại qua Con đường của Hạ của nhà văn Phương Trà: “Ngày Hạ tới… trời ngập gió. Gió cuộn từng đợt, ào ạt, ngang tàng… Chỉ có gió với chị là quen, còn lại tất thảy đều xa lạ…”; “Gió đã yếu, đã thưa, như tiếc nuối những ngày tháng ào ạt tung hoành. Gió ngớt nhưng cái chảo lửa khổng lồ chụp xuống vạn vật, nhập nhòa, quay quắt”; “Trời hầm hập hầm hập rồi nổi gió, hốt từng bụm lá quăng tóe xuống đường. Cả một đoạn vừa mới quét xong lại tràn lá” Những cơn gió ngang tàng, những mùi cỏ cây, mùi đồng đất, vừa thân quen vừa dậy lên nỗi ngây ngất của quê hương xứ sở. Những cơn gió Tuy Hòa thổi mải miết trong văn chương để rồi tạo dựng nên nhiều tên tuổi lớn trên văn đàn cả nước. Và qua Con đường của Hạ, nhà văn Phương Trà một lần nữa tôn vinh hình ảnh người lao công quét đường bằng văn xuôi hiện thực nhân bản.

TRẦN LÊ ANH TUẤN

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ