Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

bài đáng đọc : " HOÀI VŨ , nhà thơ của những ca khúc đi cùng năm tháng "/ Hà Tùng Sơn -- trích : GIAO BLOG ( Hà Nội)

 

Hoài Vũ, nhà thơ của những ca khúc đi cùng năm tháng

“Thì thầm với dòng sông” là chương trình thơ Hoài Vũ do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM kết hợp với Hội Nhà văn VN thực hiện, được tổ chức vào sáng ngày 01.7 tới để ghi nhận những đóng góp lớn lao của nhà thơ Hoài Vũ, một nhà thơ quê tại Mộ Đức – Quảng Ngãi nhưng sự nghiệp và văn chương của ông hoàn toàn gắn với vùng đất và con người Nam Bộ.

Những người yêu thơ và nhạc của nước ta có lẽ không ai là không biết đến và yêu thích những bài ca nổi tiếng đi cùng năm tháng như Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn. Tác giả phần nhạc của những bài ca đó là các nhạc sĩ rất nổi tiếng như Trương Quang Lục, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, còn phần lời là từ những tác phẩm thơ của nhà thơ Hoài Vũ được các nhạc sĩ phổ nhạc. Và từ đó, thơ Hoài Vũ ngày càng cất cánh bay cao để đi vào lòng người.

Nhà thơ Hoài Vũ

Tuy nhiên do sơ suất của các chương trình nghệ thuật và của các biên tập viên nên nhiều lúc các bài hát đến với công chúng chỉ giới thiệu tác giả phần nhạc mà quên đi tác giả phần lời. Đó là một khiếm khuyết khá phổ biến ở nước ta. Vì thế mà ai cũng biết đến nhạc phẩm Chia tay hoàng hôn là của nhạc sĩ Thuận Yến nhưng không mấy ai biết tác giả phần lời của bài hát là nhà thơ Hoài Vũ với nguyên bản bài thơ có nhan đề Hoàng hôn lặng lẽ, trong đó chứa đựng những ca từ day dứt làm lay động mọi con tim: “Anh phải về thôi, xa em thôi!/ Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng lên môi…”. Rất nhiều ca khúc nổi tiếng khác của Hoài Vũ cũng rơi vào trường hợp như thế.

Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng. Ông sinh năm 1935. Quê Hoài Vũ ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi nhưng sự nghiệp và văn chương của ông hoàn toàn gắn với vùng đất và con người Nam bộ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước cách mạng, từ năm 12 tuổi, Hoài Vũ đã được vào học trường Trường Thiếu sinh quân khu 5. Năm 1954 khi vừa tròn 18 tuổi, ông tập kết ra Bắc và được cử đi du học tại khoa Văn học Trường Đại học Bắc Kinh. Tốt nghiệp trở về nước, ông được Đảng cử trở lại miền Nam chiến đấu từ rất sớm. Năm 1963, ông cùng các văn nghệ sĩ: Trần Đình Vân, Ngô Y Linh, Kim Chi, Hồng Sến, Thái Ly… đã có mặt ở chiến trường Nam bộ (B2) hoạt động trên lĩnh vục văn hóa văn nghệ và với tài năng thơ ca thiên bẩm, Hoài Vũ sớm trở trở thành một gương mặt sáng giá của thơ ca cách mạng miền Nam.

Hương tràm bên anh mà em đi đâu?

Hoạt động trên chiến trường miền Nam từ đầu năm 1963, thơ Hoài Vũ lấy đề tài từ những miền đất và con người của xứ sở Nam bộ. Con sông Vàm Cỏ Đông chảy xuyên tỉnh Long An có thể sẽ không trở nên nổi tiếng như thế nếu nó không trở thành hình tượng trữ tình trong bài thơ mang tên Vàm Cỏ Đông được Hoài Vũ sáng tác từ năm 1963, ngay khi ông vừa đặt chân đến Long An: Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết? Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông. Ngay từ khi bài thơ của Hoài Vũ được phổ biến trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào năm 1966 thì bài hát Vàm Cỏ Đông với phần phổ nhạc của Trương Quang Lục cũng lập tức được ra đời. Từ đó dòng sông Vàm Cỏ của miền Đông Nam bộ trở nên thân thuộc với đồng bào cả nước. Những lời thơ chan chứa tình người: “Anh ở đầu sông em cuối sông/ Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ Thương nhau đã chín bao mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông” cứ thế đi vào lòng người đọc thơ và người nghe nhạc.

Cũng từ đó, thơ Hoài Vũ với sự chứa đựng những tên đất tên người của miền Đông Nam bộ ngày càng được phổ biến rộng rãi và trở nên nổi tiếng.

Đi trong hương tràm được ông sáng tác từ năm 1971 và được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Thuận Yến cũng là một bài thơ như thế. “Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu/ Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng/ Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng/ Hương tràm bên anh mà em đi đâu?”. Những lời thơ nói về sự chia cắt của tình người trong chiến tranh như những vết cứa vào con tim những người đang yêu. Qua thơ Hoài Vũ, Đồng Tháp Mười của miền Đông Nam bộ, của đất Long An không chỉ có bông sen lãng mạn, đó còn là một chiến trường khốc liệt đầy hy sinh và mất mát.

Hoài Vũ đã xúc động kể về những năm tháng đó: “Năm 1968, khi theo đại quân vào Sài Gòn, không may tôi bị sốt rét phải nằm lại Trạm giao liên Đồng Tháp Mười. Tại đây, tôi đã gặp 5 – 6 nữ giao liên. Tôi đặc biệt có cảm tình với một cô tên là Lan. Đến năm 1971, khi tôi quay lại thì cả rừng tràm đã xác xơ vì bom đạn tàn phá và tôi rất buồn khi biết tin Lan đã hy sinh. Một đêm, cảm xúc đau xót và mất mát ùa ra, tôi viết ngay được bài thơ Đi trong hương tràm, trong đó có hai câu: “Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng/ Hương tràm bên anh mà em đi đâu?”… Cái hương tràm thơm ngát tình yêu ấy của Hoài Vũ còn đọng mãi trong lòng bạn đọc cũng như vẫn đọng mãi trong những nốt nhạc du dương của Thuận Yến.

Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi….

Hoàng hôn lặng lẽ cũng là một bài thơ được Hoài Vũ sáng tác trong một hoàn cảnh tương tự nói về sự chia ly và hy sinh mất mát của tình yêu người lính trong chiến tranh.

Năm 1968, Hoài Vũ tham gia cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Là một nhà thơ chiến sĩ, ông đã chiến đấu như một người lính dũng cảm trên chiến trường. Cho đến tháng 6 năm 1968, khi ta buộc phải lui quân, Hoài Vũ cùng đồng đội đã nhận được sự che chở và đùm bọc của người dân vùng địch hậu. Đó chính là thời điểm để Hoài Vũ sáng tác nên bài thơ Hoàng hôn lặng lẽ như một sự đền đáp tấm ân tình của người dân Nam bộ thông qua hình ảnh của một cuộc chia tay đôi lứa trong chiến tranh: “Anh phải về thôi xa em thôi/ Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng lên môi/ Anh phải về thôi xa em thôi/ Xa vườn xưa, đôi chiền chiện tha mồi/ Hoa khế rụng tím hầm ngầm bí mật/ Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi”. Thật lãng mạn mà cũng thật cách mạng.

Nhà thơ Hoài Vũ với nhà thơ Phan Hoàng, nhà văn Trần Nhã Thụy

Khiêm nhường và kín đáo

Ít người biết rằng ngoài hàng trăm bài thơ đã trở nên nổi tiếng, Hoài Vũ còn sáng tác nhiều về văn xuôi với các tập truyện ngắn: Tiếng sáo trúc, Rừng dừa xào xạc (1977), Quê chồng (1978), Bông sứ trắng (1980), Bên sông Vàm Cỏ (1980), Vườn ổi (1982). Ông cũng là một dịch giả từ các tác phẩm văn học Trung Quốc đương đại ra tiếng Việt với các tác phẩm đã xuất bản: Loạn luân, Người đàn bà bất hạnh, Nữ điền chủ cuối cùng, Hồn ma, A Sư Ma bé bỏng.

Cũng ít người biết rằng là một nhà thơ nổi tiếng như thế, Hoài Vũ còn là một cán bộ cách mạng tầm cỡ. Sau 30.4.1975, khi đất nước thống nhất, nhà thơ Hoài Vũ có thời gian làm thư ký cho Bí thư Thành ủy TP Sài Gòn – Võ Trần Chí. Sau đó ông chuyển sang làm Tổng biên tập bản tiếng Hoa của Báo Sài Gòn Giải Phóng. Dù ở cương vị nào, ông cũng là một người khiêm nhường và lặng lẽ. Cho đến nay, các nhạc sĩ phổ thơ ông đều đã được vinh danh qua các giải thưởng lớn về văn học nghệ thuật như Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Riêng nhà thơ Hoài Vũ, tác giả phần lời đã góp phần quan trọng làm nên những ca khúc nổi tiếng ấy vẫn đứng ngoài các giải thưởng danh giá của nhà nước.

Năm 2023 này Hoài Vũ đã ở vào tuổi 88. Thơ của ông vẫn tiếp tục lan tỏa, đi vào lòng người đọc với một giọng thơ thấm đẫm phong cách trữ tình và lãng mạn. Thơ ông luôn mang đến cho bạn đọc niềm tin yêu và lạc quan trong cuộc sống, thắp lên trong tâm hồn bạn đọc ngọn lửa của những tình cảm trong sáng thấm đượm tình người.

Vào ngày 1.7 tới, để ghi nhận những đóng góp lớn lao của nhà thơ Hoài Vũ, Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM kết hợp với Hội Nhà văn VN thực hiện chương trình thơ Hoài Vũ mang tên Thì thầm với dòng sông. Đó cũng là một sự góp phần khẳng định giá trị thơ Hoài Vũ, ghi nhận những đóng góp lớn lao của thơ ông trong nền văn học nước nhà nói chung và văn học Nam bộ nói riêng.

Chương trình thơ Hoài Vũ mang tên Thì thầm với dòng sông được Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM kết hợp với Hội Nhà văn VN thực hiện sẽ diễn ra ngày 1.7.2023 góp phần khẳng định giá trị thơ Hoài Vũ, cũng là một sự ghi nhận những đóng góp lớn lao của thơ ông trong nền văn học nước nhà nói chung và văn học Nam bộ nói riêng

 HÀ TÙNG SƠN

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ