Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

đọc thêm (2) : " Cho Một Cây Bút' Best -Seller ' Vừa Nằm Xuông " / Bùi Thuân / Biên Hoà -- trích: Đồng Nai Online 18/ 06/ 2022 .

 

.

Cho một cây bút best seller vừa nằm xuống

Cập nhật lúc: 10:08, 18/06/2022 (GMT+7)
.

Vào lúc 6 giờ 15 sáng 4-6-2022, cụ Phan Kim Thịnh, tức nhà văn - nhà báo Lý Nhân - Phan Thứ Lang đã vĩnh biệt trần gian, thọ 86 tuổi. Cụ là tác giả của hàng chục đầu sách tư liệu lịch sử cận - hiện đại rất nổi tiếng, trong đó có những cuốn như: Trần Lệ Xuân - giấc mộng chính trường; Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng; Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng; Thiệu - Kỳ - một thời hãnh tiến, một thời suy vong; Những tỷ phú từ tay trắng: Vua ngân hàng - địa ốc Nguyễn Tấn Đời, Vua tàu biển Bạch Thái Bưởi…; Sài Gòn vang bóng… được tái bản nhiều lần.


Nhà văn - nhà báo Lý Nhân - Phan Thứ Lang
Nhà văn - nhà báo Lý Nhân - Phan Thứ Lang

* Tác giả của những tác phẩm “ăn khách”


Gần đây nhiều tác phẩm “ăn khách” của Lý Nhân - Phan Thứ Lang được Saigon Books mua bản quyền tái bản. Đặc biệt, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch Saigon Books còn đài thọ toàn bộ chi phí cho nhà văn kiêm nhà báo này sang Mỹ gặp gỡ trực tiếp các nhân vật đình đám một thời của chế độ Việt Nam Cộng hòa để thu thập thêm tư liệu viết sách.

Phan Thứ Lang là cộng tác viên rất lâu năm của Báo Đồng Nai. Chính loạt bài Những tháng ngày cuối cùng của “Đại tá tình báo Việt cộng” Phạm Ngọc Thảo đăng nhiều kỳ trên Báo Đồng Nai từ tháng 5 đến đầu tháng 6-1994, Phan Thứ Lang được bà Marguerite Phạm Ngọc Thuần là em gái của cố đại tá Phạm Ngọc Thảo vừa từ Pháp về viết thư nhờ tòa soạn chuyển đến tác giả để xin gặp mặt và cung cấp thêm tư liệu sống. Cũng với loạt bài này, một doanh nhân tên tuổi ở Đồng Nai là ông Trần Xuân Roanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đại Á Ngân hàng thời bấy giờ đặt vấn đề với Tòa soạn Báo Đồng Nai xin được gặp tác giả Phan Thứ Lang. Thật bất ngờ, tại cuộc gặp mặt ở Trang trại Duyên Anh Đào cả chủ lẫn khách đều nhận ra là người quen, đã từng 2 lần gặp nhau, lần đầu ở Nam Định (năm 1945), lần thứ 2 ở Sài Gòn (năm 1958). Nay hơn nửa thế kỷ mới có cơ duyên gặp lại. Qua đó, nhà báo Phan Thứ Lang quyết định dành những năm tháng cuối đời chỉ để viết về vài nhân vật mà ông rất yêu quý như: đại tá Phạm Ngọc Thảo, BS Trần Kim Tuyến - Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị - văn hóa - xã hội trực thuộc Phủ tổng thống (thực chất là trùm mật vụ của Cố vấn Ngô Đình Nhu) và nhà tư sản Công giáo đi theo cách mạng Trần Xuân Roanh với những tư liệu chưa hề công bố, mà ông đang sở hữu độc quyền.

PHAN KIM THỊNH sinh năm 1936, tại Lý Nhân (Hà Nam). Vào Sài Gòn năm 1954. Đậu Tú tài 2 niên học 1958-1959, xin vào làm Thư ký cho Nguyệt san Quê hương với nhiệm vụ nhận bài, tiếp cộng tác viên, trả nhuận bút. Năm 1962 Nguyệt san Quê hương giải thể, ông đứng ra xin giấy phép xuất bản Tạp chí Văn học. Sau năm 1975, khi cầm bút trở lại, Phan Kim Thịnh được nhà thơ Trương Nam Hương đặt bài viết về gia đình Ngô Đình Diệm ở miền Nam cho tờ An ninh Thế giới, ông bèn lấy bút danh là Lý Công Nhân (có nghĩa là người ở đường Công Lý), nhưng Trương Nam Hương đề nghị rút gọn lại thành Lý Nhân.

Ưu tiên trước nhất của nhà báo này là viết về cuộc đời và sự nghiệp của một người tay trắng, khởi nghiệp từ cây bưởi, con heo trở thành Tổng giám đốc ngân hàng với biết bao trắc trở thăng trầm và là người bạn vong niên tri kỷ Trần Xuân Roanh. Như một số đồng nghiệp trẻ ở TP.HCM đã biết, trước đó nhà báo già Phan Thứ Lang đã thẳng thắn từ chối lời đề nghị viết hồi ký cho bà Đặng Tuyết Mai - vợ cũ của Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ khi cựu Đệ nhị phu nhân Việt Nam Cộng hòa về nước mở quán Phở ta trên đường Lê Quý Đôn.

Cuốn sách Chuyện đời của nhà tư sản Công giáo dân tộc đang viết dở dang thì tác giả bị đột quỵ. Sau mấy lần ngất vẫn lê la cà phê với các nhà báo, nhà văn trẻ, thường nhất là với Lê Văn Nghĩa, Lê Công Hiếu, Trần Nhật Vi, thậm chí ngồi hàng giờ trò chuyện với tri kỷ Trần Xuân Roanh…; đến sau ngày Lê Văn Nghĩa ra đi chưa đầy tháng, cụ Phan Thứ Lang lại đột quỵ, lần này thật trầm trọng, rơi vào trạng thái hôn mê kéo dài.

Trước đó, hầu như toàn bộ những cuốn sách đã viết, cụ Phan Thứ Lang đều sử dụng phương pháp diễn ngôn là trần thuật sự kiện, thì trong tác phẩm này lần đầu tiên tác giả dùng danh  xưng  “tôi” để tự thuật và đã “ tranh thủ” hé lộ thân thế, tiểu sử của bản thân trong phần đầu cuốn sách. Phải chăng dự cảm của tác giả cao niên đã báo trước rằng đây sẽ là cuốn sách cuối cùng trong cuộc đời cầm bút của mình!?'


* Một “người biết quá nhiều”


Đó là cái tít và là cái tên mà nhà văn Trần Áng Sơn đặt cho Phan Kim Thịnh trong tập Những trang sách khép mở (NXB Trẻ 2002). Trần Áng Sơn viết: “Trước năm 75, trong rừng báo chí ở Sài Gòn có một tạp chí xuất bản dưới dạng giai phẩm, đó là Tạp chí Văn học; với chủ trương: Nghiên cứu khoa học nhân văn, phê bình - sáng tác - nghệ thuật. Tạp chí này do Phan Kim Thịnh chủ biên. Tạp chí có sức sống rất bền bỉ, mặc những cuộc đảo chính, chỉnh lý, biểu giương sức mạnh... Từ đệ nhất sang đệ nhị cộng hòa, Tạp chí Văn học vẫn tồn tại, ra mắt đều đều, uy thế ngày càng củng cố. Hầu hết các cây bút tên tuổi đều viết cho Văn học. Đối thủ đáng kể nhất lúc bấy giờ của Văn học là Tạp chí Văn do Nguyễn Đình Vượng, Trần Phong Giao làm đầu tàu. Nhưng, Tạp chí Văn thiên về sáng tác văn học, trong tòa soạn lại thiếu một bộ óc kinh tài nên dù quy tụ được rất nhiều những gương mặt sáng giá nhưng thế và lực không thể so sánh với tờ Văn học của Phan Kim Thịnh. Không hiểu đằng sau Phan Kim Thịnh có một ê-kíp hậu thuẫn hay không, nhưng anh tỏ ra rất có năng lực, sáng kiến, làm cho Văn học ngày càng uy tín. Như thế cũng vẫn chưa đủ, Phan Kim Thịnh còn chủ biên Nguyệt san Nhân Văn, mỗi tháng chọn một chủ đề về một nhà văn, thi sĩ để xuất bản. Chẳng những thế, để guồng máy Văn học hữu hiệu hơn, Phan Kim Thịnh còn lập hẳn một nhà in riêng biến tờ Văn học và những bộ phận kèm theo thành một tập đoàn hùng hậu ít tư nhân nào có thể sánh kịp. Với một cơ ngơi như thế, tập trung quanh mình một lực lượng cộng tác viên danh tiếng, Phan Kim Thịnh đã góp phần làm cho đời sống văn học phong phú hơn. Đồng thời ở vị trí vô cùng thuận lợi của mình, Phan Kim Thịnh đã tập trung được cả kho tài liệu văn học nghệ thuật vô giá từ muôn phương gửi về. Đó chính là tài sản lớn nhất Phan Kim Thịnh có thể tự hào, và Phan Kim Thịnh tỏ ra rất biết khai thác nguồn tri thức phong phú của mình, anh trở thành người biết quá nhiều nhờ vào nguồn tri thức đã được dọn cỗ sẵn…”.


Tác giả Lý Nhân - Phan Thứ Lang (trái) trò chuyện cùng nhân vật Trần Xuân Roanh
Tác giả Lý Nhân - Phan Thứ Lang (trái) trò chuyện cùng nhân vật Trần Xuân Roanh

Trong công trình biên soạn Văn học Sài Gòn 1954-1975 - những chuyện bên lề  (NXB Tổng hợp TP.HCM 2020) nhà văn Lê Văn Nghĩa không ngần ngại thừa nhận: Phần lớn tri thức văn học Việt Nam, nhất là các văn nghệ sĩ ở miền Bắc, ông có được là nhờ đọc Tạp chí Văn học. Nhà báo kiêm nhà văn này còn cho biết: Văn học ra đời năm 1962 tồn tại đến năm 1975 được xem là tạp chí sống dai thứ nhì ở miền Nam Việt Nam, sau tờ Bách Khoa mà không có tài trợ của chính quyền. Chủ nhiệm đứng tên là Phan Kim Thịnh, nhưng chủ bút thay đổi đến 3 lần, trong đó 2 lần ông chủ nhiệm kiêm chủ bút. Lê Văn Nghĩa nhận xét: “Phải nói rằng Văn học từ tạp chí đến giai phẩm vẫn sống phà phà là nhờ vào tài lèo lái của Phan Kim Thịnh. Văn hữu chỉ biết là ông hay gọi điện thoại đặt bài, đi lấy quảng cáo, chạy mua giấy, thi thoảng mới có viết 1-2 bài nên đã hiểu lầm về vai trò của ông ở tờ Văn học, cứ tưởng ông cũng là “tiểu đồng” như thời kỳ ở Tạp chí Quê hương”.

Nhà thơ Nguyên Sa nhận định về Phan Kim Thịnh khá sâu sắc: “Tôi nghĩ rằng cái bí quyết làm cho Văn học sống lâu là nhờ sự kiên nhẫn, sự chịu khó của Phan Kim Thịnh. Nhưng không phải chỉ do 2 yếu tố đó. Kiên nhẫn và chịu khó là bề mặt. Ở chiều sâu, cái động lực mang lại sinh khí bền vững cho tờ báo là sự thủy chung với bạn hữu và sự yêu mến văn chương một cách say mê của ông Phan Kim Thịnh”.

Cụ Phan Kim Thịnh quả là một nhà báo, mà cá nhân tôi cảm thấy rất hiếm gặp trong đời.

Cũng sẽ không có gì để nói, nếu không có những bài viết dài kỳ đăng trên An ninh Thế giới, Báo Đồng Nai, Báo Đồng Khởi và sau đó được các NXB thi nhau in thành sách về những câu chuyện thâm cung bí sử của vua chúa, hoàng hậu, tổng thống, đệ nhất phu nhân cùng những nhân vật từng một thời “hét ra lửa” ở miền Nam hoặc các “vua ngân hàng”, “vua địa ốc”, “vua kẽm gai”… khuynh đảo thị trường; thì tác giả của loạt sách, báo best seller này rất được chú ý và có nhiều ý kiến bàn cãi về thân phận của Lý Nhân - Phan Kim Thịnh - một nhà văn, nhà báo được mệnh danh là... “cái gì cũng biết”.

Nhiều năm cộng tác với Báo Đồng Nai trong chuyên mục Lật lại hồ sơ do tôi phụ trách; tôi rất mê “kho tư liệu” mà nhà báo Lý Nhân - Phan Thứ Lang sở đắc; đặc biệt là rất khâm phục trí nhớ rất siêu việt của ông. Còn hơn một tự điển sống, ông nhiều lần trả lời vanh vách cho tôi về tên họ, tuổi, ngày tháng năm xảy ra sự kiện của nhân vật mà tôi còn đang ngờ ngợ một cách cụ thể, rõ ràng; dù là đang ngồi cà phê hay qua điện thoại.    





Bùi Thuận

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ