Giới nghệ sỹ tiếc thương nhà phê bình Đặng Tiến nhưng báo VN không được đưa tin?

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt
Nhà phê bình Đặng Tiến năm 2009

NGUỒN HÌNH ẢNH,LÝ ĐỢI

Chụp lại hình ảnh,

Nhà phê bình Đặng Tiến năm 2009

Nhà phê bình Đặng Tiến - tác giả cuốn "Vũ trụ thơ" - qua đời ở tuổi 83, tại Pháp sáng 17/4. Nhiều bạn bè, văn nghệ sỹ, người thân thương tiếc ông trong khi một số bài báo viết về sự ra đi ông đã bị gỡ bỏ.

Một nguồn tin của BBC từ Sài Gòn cho biết, báo chí được chỉ đạo miệng về việc không đưa tin về sự qua đời của nhà phê bình Đặng Tiến.

Nguồn tin không muốn nêu tên từ Hà Nội thì nói với BBC "đó là lệnh từ Bộ Thông tin và Truyền thông."

Điều đáng nói là rất nhiều người sử dụng Facebook ở nước ngoài chỉ quan tâm tới văn hóa VN ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Australia cũng đã chia sẻ tin buồn về sự ra đi của ông Đặng Tiến. Họ tôn trọng tài năng, đức độ của ông Đặng Tiến, người lúc sinh thời "không có vấn đề gì" với Nhà nước VN và đã có chuyến thăm quê hương vài năm trước.

Nhưng có vẻ sự kiện này gây ra phản ứng từ giới chức VN.

Một nguồn tin khác thì nói với BBC rằng, họ nhận được chỉ đạo qua tin nhắn như sau:

"Về trường hợp ông Đặng Tiến vừa qua đời tại Pháp, đề nghị các cơ quan báo chí không thông tin (nếu đã thông tin thì gỡ ngay) vì đây là nhân vật tham gia tổ chức chống Đảng và Nhà nước Việt Nam (Văn đoàn Độc lập). Trân trọng."

Văn đoàn độc lập là tổ chức của xã hội dân sự được thành lập năm 2014 với Trưởng ban vận động là nhà văn Nguyên Ngọc. Những cây bút nổi tiếng khác tham gia như: Bùi Chát, Bùi Minh Quốc, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Đặng Tiến, Đỗ Trung Quân, Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Lập, Phạm Đình Trọng, Phạm Xuân Nguyên, Lưu Trọng Văn, Võ Thị Hảo, Vũ Thư Hiên...

Báo Công an Nhân dân từng gọi "Văn đoàn Độc lập" là "một tổ chức bất hợp pháp, là cái cớ mà các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối muốn lập ra nhằm chống phá Đảng, Nhà nước."

BBC News Tiếng Việt kiểm tra đường link trên các trang như Tuổi Trẻ Online, Thanh Niên Online, Phụ Nữ Online viết về sự ra đi của nhà phê bình Đặng Tiến thì các link này đã không còn khả dụng. Riêng trang Vnexpress, Baomoi thì vẫn còn tin tức về ông.

Bài viết về nhà phê bình Đặng Tiến trên Thanh Niên Online là Phụ Nữ Online không còn khả dụng, còn bài viết trên Tuổi Trẻ thì bị đổi thành bài viết khác có tựa "Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam' lần thứ hai sẽ diễn ra tại Bình Thuận"

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Bài viết về nhà phê bình Đặng Tiến trên Thanh Niên Online là Phụ Nữ Online không còn khả dụng, còn bài viết trên Tuổi Trẻ thì bị đổi thành bài viết khác có tựa "Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam' lần thứ hai sẽ diễn ra tại Bình Thuận"

Báo in của Tuổi Trẻ ngày 18/4 và tờ Văn hóa &Thể thao ra số ngày 19/4 thì vẫn còn bài viết về nhà phê bình, nhà thơ Đặng Tiến. Nhưng bản online cùng một nội dung trên trang báo in của Tuổi Trẻ đã biến thành bài khác có tựa: "Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam' lần thứ hai sẽ diễn ra tại Bình Thuận".

Một nhà văn giấu tên chia sẻ với BBC rằng, dù lý do chỉ đạo không đưa tin về ông Đặng Tiến là gì thì có lẽ nhà nước Việt Nam xem ông Đặng Tiến thuộc về phía Việt Nam Cộng Hòa và "vẫn coi văn học miền Nam là thù địch và tìm mọi cách để xóa sổ nó. Một số tác giả được cho in lại hay nhắc đến cũng chỉ là cách họ muốn tỏ ra hòa hợp hòa giải thôi,"

"Nếu đưa tin rộng rãi ông Đặng Tiến sẽ dẫn đến nhiều người tìm đọc ông. Và người ta sẽ nhận ra, phương pháp hay nghệ thuật bình trong chế độ tự do của miền Nam nó sẽ rất khác với phê bình có định hướng, hay phê bình dưới góc độ Mac-xit. Ở một góc độ khác, điều này sẽ tạo ra sự so sánh bất lợi cho chế độ," người này nói.

Nhưng vượt lên trên câu chuyện các bài báo bị gỡ trên, những người từng có dịp tiếp xúc với nhà phê bình Đặng Tiến để đều bày tỏ niềm tiếc thương và kể lại cho BBC những kỉ niệm họ có với con người tài hoa này.

UGC

NGUỒN HÌNH ẢNH,UGC

Chụp lại hình ảnh,

Báo in của Tuổi Trẻ ngày 18/4 và tờ Văn hóa&Thể thao ra số ngày 19/4 thì vẫn còn bài viết về nhà phê bình, nhà thơ Đặng Tiến với những lời ngợi ca về tài năng của ông

'Khó trăm bề'

Khi còn là phóng viên văn nghệ của Vnexpress, nhạc sỹ, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh đã viết bài "Bùi Giáng - người thơ cuối cùng của thế kỷ 20" nhân kỷ niệm bốn năm ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng. Sau đó, ông Minh nhận được lá thư của nhà phê bình Đặng Tiến với những lời hoan nghênh.

"Bác Đặng Tiến hỏi tôi về chi tiết ông Bùi Giáng có vợ, sau đó vợ ông mất lúc sinh con ở Hội An là tôi lấy tư liệu ở đâu. Sau đó, tôi với ông trao đổi qua lại thì tôi biết bác Đặng Tiến học cùng thế hệ với bố tôi - nhà thơ Đông Trình, đều là bạn bè của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Nhưng bác Đặng Tiến nói trong văn nghệ không có giới hạn tuổi tác nên ông cho phép tôi gọi bằng anh."

Nguyễn Hữu Hồng Minh

NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

Chụp lại hình ảnh,

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh (thứ hai từ trái sang) cùng nhà phê bình Đặng Tiến (thứ tư từ trái sang) và Giáo sư Hoàng Như Mai (ở giữa) tham d hội thảo Thơ Việt Nam đương đại do khoa Ngữ văn Báo chí của trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thực hiện vào năm 2008

Lần đầu gặp gỡ "người anh" gạo cội trong giới phê bình là ở hội thảo Thơ Việt Nam đương đại do khoa Ngữ văn Báo chí của trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thực hiện vào năm 2008. Khi ấy, ông Đặng Tiến là khách mời danh dự và có cả giáo sư Hoàng Như Mai. Gửi cho BBC tấm hình cũ, ông Minh bộc bạch sự ra đi của nhà phê bình Đặng Tiến là "nỗi buồn kinh khủng" đối với ông.

"Cách đó chỉ khoảng ba ngày, tôi nhận được tin nhắn của anh Đặng Tiến gửi: "Tôi xém chết, may quá!" vì anh vừa trải qua một cuộc đại phẫu. Tôi mừng lắm mới nói anh ráng giữ sức khỏe để về Việt Nam, anh em ở quê hương, ở Đà Nẵng từng ngày từng giờ mong anh về. Nhưng Đặng Tiến nhắn lại rằng "Khó trăm bề". Khi ấy tôi hiểu ảnh không về được nữa và sau đó hay tin ảnh ra đi..." ông Hồng Minh nhớ lại.

Với nhà thơ Lý Đợi, ông bắt đầu đọc Vũ trụ thơ và các bài viết khác của Đặng Tiến từ khoảng 1999 và email qua lại. Một thập niên sau đó, ông Lý Đợi mới có dịp gặp nhà phê bình Đặng Tiến ngoài đời, ngay chính quê nhà Quảng Nam của ông Tiến.

"Đặng Tiến nồng ấm, nhiệt thành, không khác sự mường tượng bao nhiêu. Sau này, khi gần gũi và gặp anh nhiều hơn, thấy anh luôn luôn nồng ấm, nhiệt thành như vậy. Khi tôi gửi e-mail hỏi anh việc gì - hồi đầu thế kỷ 21, lúc tôi còn trẻ và vụng dại - anh đều trả lời rất kiên nhẫn, rất cặn kẽ. Anh không chỉ yêu quý tiếng Việt, rành văn chương Việt, mà còn biết nhiều về hội họa, chơi thân với nhiều nhà khoa học, nhiều văn nghệ sĩ trong các lĩnh vực khác, như âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, điện ảnh…"

"Người Quảng Nam - những người uống mạch nước sông Thu Bồn - nếu có dịp, sẽ ngược dòng về nguồn trên sông này. Đây là con sông nội lưu hiếm hoi, không muốn nói là duy nhất, của VN. Các sông lớn khác thường bắt nguồn từ bên ngoài biên giới, mà tận nguồn là Trung Quốc," nhà thơ Lý Đợi nói với BBC hôm 19/4.

Ông Đợi nhắc về dòng chảy căn bản của sông Thu Bồn: bắt nguồn từ núi thiêng Ngọc Linh cao trên 2.500m, chảy qua Hòn Kẽm - Đá Dừng, qua văn minh Chămpa, qua quê hương tằm tơ Mã Châu, qua đất học ngũ phụng tề phi, qua vựa lúa Điện Bàn, qua phố cổ Hội An, xuống biển Cửa Đợi (Cửa Đại Chiêm, Cửa Đại)… Hiếm có người Quảng nào - trừ những người làm nghề đường sông - đi ghe từ Cửa Đợi lên đến Hòn Kẽm - Đá Dừng, rồi lên đến sông Tranh, qua vùng chân núi Ngọc Linh - Nam Trà My.

Nhà phê bình Đặng Tiến và bằng hữu trên chuyến ghe ngược Thu Bồn, 2009

NGUỒN HÌNH ẢNH,LÝ ĐỢI

Chụp lại hình ảnh,

Nhà phê bình Đặng Tiến và bằng hữu trên chuyến ghe ngược Thu Bồn, 2009

"Đặng Tiến và chúng tôi cũng chưa từng đi hết hành trình này," Lý Đợi nói, pha chút ngậm ngùi của một chuyến đi còn dở dang mà người đồng hành nay đã khuất bóng. Ông kể:

"Năm 2009, chúng tôi chỉ có thể bắt đầu từ thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bản) để ngược lên làng Đại Bường, qua Hòn Kẽm - Đá Dừng. Tương truyền, Cao Biền (821-887) từng đến núi Quắp và Hòn Kẽm - Đá Dừng đặt bùa trấn yểm, nhằm làm cho Chămpa suy vong, để Đại Việt dễ dàng hơn trong việc mở rộng về phương Nam (Quảng Nam), phá bỏ thế đường cùng. Đặng Tiến muốn chỉ cho tôi xem chỗ được cho là có dấu vết còn lại của lá bùa ở Hòn Kẽm - Đá Dừng, nhưng do hôm ấy nước ròng, ghe không lên tới nơi được."

Nhà lý luận văn học Trần Đình Sử từng viết: "Là nhà phê bình văn học, Đặng Tiến đã thể hiện sự hiểu sâu và sành điệu với thi ca nước nhà. Ông là nhà phê bình theo diễn ngôn khoa học". Nhà thơ Lý Đợi trích dẫn cách nhìn nhận này của ông Trần Đình Sử và nêu thêm cảm nhận của cá nhân mình:

"Đa số bài viết của Đặng Tiến đều ẩn chứa các diễn ngôn khoa học, nên sáng sủa, dễ tiếp nhận. Ngoài tính phát hiện vấn đề, khả năng dùng tiếng Việt bậc thầy đã mang lại sự hấp dẫn cho văn bản. Nhiều người nhận xét văn phê bình của Đặng Tiến rất giàu chất thơ, có lẽ cũng là nói ở khía cạnh này."

Thời gian gần đây, sự ra đi của nhiều trí thức như dịch giả huyền thoại Dương Tường, giáo sư Trần Hữu Dũng và mới đây là nhà phê bình Đặng Tiến đã để lại nhiều nỗi niềm cho các văn nghệ sỹ, trí thức nói chung.

Ấn tượng khó phai của cuốn Vũ trụ thơ vẫn in hằn trong tâm khảm của nhiều người. Nhà thơ Lý Đợi hồi tưởng:

"Thời còn ngồi trên giảng đường đại học, cuốn này được các thầy cô cấp tiến rỉ tai nhau tìm photocopy, chứ chưa được tham khảo công khai. Sách này có nhiều gợi ý, phát hiện và đóng góp cho việc phê bình văn chương của Việt Nam. Trong các đóng góp đó, là đã đầu nhìn thơ ở khía cạnh siêu hình học, đi vào các cội nguồn sâu xa, có tính tiềm thức, phân tâm học, tinh thần sáng tạo, cấu trúc tâm lý… Dù anh "phê bình theo diễn ngôn khoa học", nhưng đọc lại không thấy nặng nề chuyện "tầm chương trích cú".

Khánh Thư

NGUỒN HÌNH ẢNH,KHÁNH THƯ

Chụp lại hình ảnh,

Đặng Tiến và Lý Đợi bên sông Thu Bồn, gần làng Đại Bường, năm 2009

'Không có sự phân biệt vùng miền'

Hôm 18/4, nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết trên Facebook cá nhân: "Đặng Tiến là nhà nghiên cứu, phê bình văn học tên tuổi. Ông lao động vô cùng nghiêm khắc , công bằng và tôn trọng sự sáng tạo của mỗi cá thể nhà văn. Ông coi văn bản là yếu tố quan trọng nhất trong nghiên cứu, phê bình. Những lý do ngoài văn bản không bao giờ ảnh hướng tới các nhận định của ông."

Trong bài viết trên báo giấy của Tuổi Trẻ (đã bị gỡ trên bản online), nhà phê bình Mai Anh Tuấn đánh giá cao Đặng Tiến ở khía cạnh là một nhà phê bình "sớm kết nối, kết giao với nhiều bạn văn thi sĩ, trong nam ngoài bắc, trong nước và ngoài nước, dù họ đã sống, sáng tạo ở những bối cảnh văn hóa-xã hội có nhiều điểm khác biệt."

Nhà thơ Lý Đợi nhận xét với BBC: "Đặng Tiến gần như không có sự phân biệt vùng miền, nên các bài viết của anh thiếu hẳn "tính mặt trận", tính phe phái, hội nhóm... Anh chỉ viết về những vấn đề mà anh hiểu rõ, những tác giả mà anh yêu thích, hoặc thân tình. Mà ngay cả viết về bạn bè, anh đều giữ sự phát hiện và sự trung dung trong cách nhìn."

Đánh giá về chọn lựa thái độ chính trị của Đặng Tiến, nhà thơ Lý Đợi cho rằng ông Tiến "có vẻ hơi thiên tả, nhưng khá kín đáo, còn về tính cách, thì khá trung dung, trung tính trong việc đánh giá, nhận xét mọi vấn đề."

Nhưng vượt lên trên mọi sự khác biệt về hoàn cảnh, Đặng Tiến trong mắt bạn bè, người thân là "người rất yêu Việt Nam, luôn để lòng và góp công sức vào những việc nào thấy có ích cho Việt Nam tốt đẹp hơn, khoa học hơn", ông Đợi nói với BBC.

Đặng Tiến sinh năm 1940 tại làng An Trạch, Hòa Vang, Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông từng đi dạy tại THPT Yersin ở Đà Lạt.

Từ năm 1966, ông sang Berne, Thụy Sĩ, làm việc trong ngành ngoại giao. Từ năm 1968, ông sang Pháp, làm giảng viên ngành văn học Việt Nam tại Đại học Paris 7. Sau 1975, ông đã viết vô số bài cho các báo và tạp chí ở trong nước.

"Thử đọc bất cứ bài nào trong số này của ông Tiến sau năm 75, sẽ thấy sự phát hiện, tính khoa học và sự trung tính của anh. Nói anh khoa học và cấp tiến, vì từ đầu thập niên 1970, anh đã áp dụng nhuần nhuyễn vào các nghiên cứu của mình, mở ra nhiều cách nhìn mới. Anh còn học thêm về lý luận văn học với Julia Kristeva và học dân tộc học với Claude Lévi-Strauss. Lý thuyết kết hợp của hai vị thầy này, cùng với thi pháp học của R. Jakobson đã thành nền tảng, công cụ để Đặng Tiến áp dụng vào văn chương, nghệ thuật và cả các vấn đề văn hóa khác của Việt Nam," ông Đợi nhận xét.

Còn trong mắt nhà báo Hồng Minh, nhà phê bình Đặng Tiến chỉ "đứng sau Hoài Thanh". Ông nói với BBC:

"Về phê bình thơ Việt Nam, cá nhân tôi cho rằng những phê bình của Đặng Tiến có giá trị lâu dài và trường tồn với văn học miền Nam lẫn miền Bắc. Bác ấy có những lời bình uyên bác, sâu sắc, không bị những lằn rành chính trị chi phối. Văn sỹ miền Nam hay miền Bắc đều được bác ấy thấy được sự vang vọng và sức hấp dẫn của thi ca. Người đọc thơ và người làm thơ là hai tri âm, tri kỷ với nhau chứ không phải nằm ở hai giới tuyến khác biệt. Họ không phải là người chia cách giới tuyến mà là người thẩm thấu, thấy được cái hay, cái đẹp của thơ ca và chính những người đó sẽ đưa nghệ thuật đi xa."

Nhà báo, nhạc sỹ, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh (phải) cùng nhà phê bình Đặng Tiến (trái)

NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

Chụp lại hình ảnh,

Nhà báo, nhạc sỹ, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh (phải) cùng nhà phê bình Đặng Tiến (trái)

Đối với nhà báo kiêm nhạc sỹ, nhà thơ Hồng Minh, ông Đặng Tiến trước khi làm một nhà phê bình thơ thì chính ông cũng là nhà thơ.

"Ba của tôi đã đọc cho tôi những bài thơ của Đặng Tiến từ năm Đặng Tiến 18 tuổi. Có lần tôi hỏi Đặng Tiến vì sao không làm nhà thơ thì ông ấy nói rằng, ông cũng từng mê làm thơ những không thể nào viết hay hơn Huy Cận và thơ của ông chỉ đến đó mà thôi. Ông cho rằng thơ của nhiều thi sỹ rất hay nhưng không có ai chỉ ra chỗ hay. Đó là lý do Đặng Tiến theo nghiệp phê bình.

"Ông đem tâm tư của một người thất bại trong thi ca để làm một việc đó là thẩm thơ và hầu hạ cho bạn đọc. Ông chỉ tới cùng cái điểm hay và ông thẩm thơ theo hai nghĩa: vừa là "thẩm mỹ", vừa là "thẩm thấu". Ông đi tìm cái đẹp và thấu cảm được câu từ của bài thơ. Đọc Đặng Tiến sẽ thấy một suối nguồn tươi mát và sự độc lạ. Ông đọc thơ vượt thoát khỏi văn bản."

Ông Minh lấy ví dụ về câu thơ của Nguyễn Du: "Chữ Tài liền với chữ Tai một vần" và phân tích cách nhìn độc đáo của nhà phê bình Đặng Tiến khác biệt như thế nào.

"Tôi đọc những tranh luận của Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế hay Huỳnh Thúc Kháng khi viết về Truyện Kiều và không ai thoát khỏi văn bản, đa phần ai cũng cho là "tài mệnh tương đố". Nhưng Đặng Tiến thì khác, ông hiểu "Chữ Tài liền với chữ Tai một vần" nghĩa là người nghệ sĩ phải có cái "tai" để nghe, để hiểu những đau thương của nhân loại. Ông trời cho người nghệ sĩ chữ Tài đi liền với đôi "Tai" biết lắng nghe thì mới làm nên phẩm chất của người nghệ sĩ. Khi Đặng Tiến tách câu thơ khỏi văn bản thì cách nhìn của ông sâu sắc vô cùng," ông Minh phân tích.

"Khó trăm bề" là tin nhắn cuối cùng của nhà phê bình Đặng Tiến gửi cho ông Hồng Minh.

Và như một lời tiễn đưa người anh, người chú, người bác mà ông Minh gọi là "kỳ nhân Quảng Nam", ông đã gửi cho BBC bản ghi chép bài thơ mà nhà phê bình Đặng Tiến làm lúc 18 tuổi về tình yêu:

MỘT NGHÌN LẺ MỘT

Ngã ba rồi chia tay chia tay

Đường trần mưa bay mưa còn bay

Ngày mai mình yêu nhau bằng cách khác

Mỗi đứa yêu một cách lưu đầy.

ĐẶNG TIẾN