' Hai Gốc Thông Xanh / Trần thị Bông Giấy [ 1950- / San Jose -- forwarded to me ... - June 26/ 2023
HAI GỐC THÔNG XANH (Tâm Bút TTBG)Hộp thư đến
HAI GỐC THÔNG XANH (Tâm Bút TTBG)
*/ San Jose, thứ Hai June 26, 2023 Buổi sáng thức giậy, tự nhiên thấy buồn và nhớ Âu Cơ. (Hai từ ngữ này, thú thật, đã mấy tháng qua, tôi không nghĩ tới). Mở YouTube xem chút chút trong khi uống cốc café đầu tiên, hình ảnh những con đường Sàigòn đập vào trí nhớ. Bây giờ người ta hay có thói quen cầm điện thoại di động, chạy xe vòng vòng, quay quang cảnh Sàigòn rồi đăng lên YouTube. Những hình ảnh, bao giờ tình cờ bắt gặp, tôi chỉ liếc qua. Vậy mà sáng nay sao lại ngồi nhìn chăm chú lên màn ảnh đến gần một tiếng đồng hồ theo sự hướng dẫn của cậu nhỏ. Có lẽ vì cậu có lòng nói cho “các anh chị em cô bác” biết tên cũ từng con đường Sàigòn, nên đánh động được sự hình dung trong trí não tôi?
Sàigòn thay đổi quá nhiều đến thành xa lạ cho người Sàigòn cũ (nhất là với những người Sàigòn xa quê hương đã từ lâu lắm). Những con đường thân thuộc đều bị Việt Cộng hóa tất cả. Ví dụ, đường Bà Huyện Thanh Quan có trường Nữ Trung học Gia Long ngày xưa êm đềm là thế, nay trở thành Nguyễn Thị Minh Khai, một cái tên sặc mùi CS liên hệ ông Hồ; đường Yên Đổ có ngôi nhà màu gạch, bây giờ cái ông Lý Chính Thắng xa lạ nào nhảy vào chiếm chỗ. Đường Trương Minh Giảng gợi lên hình ảnh một vị anh hùng dân tộc, sau 30/4/1975 bị cái ông Nguyễn Văn Trỗi, rồi ông Lê Văn Sỹ giả tưởng nào trong lịch sử CSVN hất cẳng… Chỉ vài con đường rất hiếm (ví dụ Nguyễn Du, Pasteur…) mới còn giữ tên cũ. Mà những con đường này thì dẫy đầy kỷ niệm, hễ tôi nghe tới đều lắc đầu xóa vội.
Từ lâu, nghĩ về Sàigòn, tôi không còn chút ý niệm thân thương nào. (Xa lạ y hệt như khi nghĩ về Hà Nội hoàn toàn là của người khác). Tôi muốn quên hết, quên hết. Những lần về thăm quê hương, tôi chỉ nhìn thấy Sàigòn ở buổi đầu và buổi cuối đi vào và rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, hoàn toàn trống rỗng! Những tháng hè kéo lôi được bước chân và cái tâm hồn nhậy cảm của tôi chỉ là Nha Trang và Dalat. Nhưng, đến mùa nghỉ năm ngoái, Dalat cũng biến dạng méo mó đến đau lòng theo lời nguyện “Chẳng bao giờ quay lại Dalat kể từ đây.”
Dự trù mùa đông 2023, sẽ về Nha Trang lần nữa. Tiếng biển thét gào vẫn nằm trong ước muốn tìm gặp. Vị thần văn chương trong căn phòng 210 khách sạn 36 Trần Phú vẫn chờ tôi quay lại. Tôi phải về, ít ra là nhìn quê hương lần cuối trước khi nhắm mắt. Nếu không, e rằng ở kiếp nào sắp tới, tôi sẽ sống hoài kiếp dã tràng, vùi đầu trong các vùng biển xứ người để tìm cho ra một vùng trời Nha Trang ở kiếp đã qua.
Có phải khi cố quên chính là khi lòng đau đớn nhất trong niềm nhớ? Tôi quên Sàigòn, cũng như quên Âu Cơ, bằng sự tuyệt vọng “Không bao giờ thời gian quay lại.” Sàigòn của tôi đã vĩnh viễn không còn là của tôi từ ngày sống đời lưu lạc. Âu Cơ của tôi không còn là Âu Cơ của tôi từ một ngày trong tháng 6/2021, nó bỏ ra đi.
Mùa Noel 2018, cùng vợ chồng Âu Cơ và con dâu Ngọc Tú đi chợ Walmart, tôi mua hai gốc thông nhỏ, mỗi gốc 15 dollars. Đem về, tự tay tôi đào đất trồng. Tôi bảo: “Một bói cho đời vợ chồng Âu Cơ, trồng trước cửa phòng Âu Cơ; một bói cho vợ chồng anh San, trồng trước căn nhà chính.” Ngoảnh đi ngoảnh lại, thấy hai gốc thông cao nghều nghệu. Hôm qua, thuê một người Mễ đến tỉa những cành héo của một cây thông già (hai mươi năm xưa tôi và Âu Cơ trồng); cũng nhờ anh ta nhổ gốc thông trước nhà, đem trồng vườn sau, cách ba sải tay đối diện gốc của Âu Cơ. Buổi chiều tà, đứng nhìn hai gốc thông vươn cao bằng nhau, thấy lòng ấm lại. Hạnh phúc bây giờ là vậy! Hai gốc thông biểu tượng cho hai đứa con. Đem nỗi niềm ấy vào trong giấc ngủ, sáng tỉnh giậy, ra nhìn hai gốc thông đầu tiên, sao thấy lòng chạnh buồn?! Hai mươi năm sau, hai gốc thông ngất ngưởng nhìn nhau dưới bầu trời xanh thắm, nhưng còn tôi thì chắc chắn chẳng bao giờ còn dịp nhìn hai đứa con mỉm cười với nhau! Buồn là thế! []
Trần Thị Bông Giấy (Vài giòng ghi nhanh. Sáng thứ Hai, June 26, 2023. 7:00 AM) |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ