Thứ Hai, 8 tháng 5, 2023

truyện đáng đọc: SAIGON COVID / Nguyễn Thị Hậu [ 1957 - / tphcm -- trích Việt Văn Mới ( Paris ) .

 Việt Văn Mới

       


SÀI GÒN COVID *



SÀI GÒN, NGÀY THỨ NHẤT


"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng"

@ Thương quá những con cá từ Quảng Bình, những cần xé rau tươi trái cây khoai củ từ miền Tây, từ Đà Lạt, những đồng tiền chắt chiu từ Hải Phòng và nhiều tỉnh còn nghèo khác... đã đến với Sài Gòn trong những ngày khó khăn này. Xin cám ơn tất cả!

@ Người Sài Gòn ơi không nên đổ xô đi mua quá nhiều thức ăn, càng làm vậy càng khan hiếm hàng và bị lên giá. Một người mua dự trữ thức ăn 3,4 ngày thì sẽ có người thiếu hụt 1,2 ngày! Năm ngoái chúng ta đã qua được qua hai tuần trong tình trạng “cả nước cách ly”. Năm nay dẫu khó nhưng nếu bình tĩnh, cùng nhường nhau chút xíu, rồi sẽ ổn!

@ Chính quyền ơi, cần lắm tiền hỗ trợ của nhà nước phát ngay cho người dân, gạo và nhu yếu phẩm hỗ trợ cần đưa ngay về từng gia đình thiếu đói... Dân yên thì thành phố mới ổn!

@ Cuối cùng, không thể không nói: Sao dị rứa, Huế ơi!

 Tạm cà phê ở nhà, sau 2 tuần nữa sẽ hẹn gặp nhau

Sài Gòn bình yên Lại về với những quán cà phê quen thuộc. Chỉ xa mười ngày đã nhớ. Quán cà phê là một phần rất đẹp của đời sống Sài Gòn, là một phần cuộc sống của nhiều người, trong đó có mình.

Có quán vài ngày lại tới, lần nào cũng ngồi cả ngày làm việc ở đó: đọc sách, viết bài, đọc luận văn luận án… Quán cũng không vắng lắm thậm chí có lúc còn ồn ào, nhưng mình thích làm việc ở đó. Thật ra lý do chính là vì quán có bánh Su Kem rất rất ngon, và rẻ nữa

Có quán hồi đi làm trưa nào cũng ghé, không ăn cơm chỉ cà phê và một đĩa khoai tây chiên, quán này chiên khoai rất ngon, miếng khoai bằng ngón tay, vàng ruộm mà ngoài thì giòn trong thì bở, chấm tí bơ đường ăn quên no. Chị chủ quán lần nào cũng nhìn mình rất thán phục: sao em ăn hay thế, không sợ béo à

Sài Gòn năng động sống nhanh, nhưng Sài Gòn cũng có những khoảng lặng đáng yêu, nếu tự mình biết dành thời gian tìm đến. (note cũ)
vào lúc tháng 7. 09, 2021 


SÀI GÒN, NGÀY THỨ HAI


Mới ngày thứ hai cách ly toàn thành phố nhưng tôi ghi nhận một vài chuyện sau.

- Siêu thị khá lớn cạnh nhà từ sáng sớm, mới mở cửa nhưng đã có rất ít thực phẩm, tôm thịt cá gà tươi rau... có vài loại mà chỉ qua lượt người mua đầu tiên là đã muốn hết (mặc dù hôm nay mọi người ko mua quá nhiều như mấy bữa trước). Có thể hàng không thiếu (như sở Công Thương nói) nhưng thực tế nhiều nơi hàng ít, lên giá nên người dân càng lo lắng, càng cố mua nhiều.

- Cũng ở siêu thị bánh mì ngay sáng sớm đã không còn để bán lẻ, chắc bán sỉ hết rồi. Hỏi thì nói trưa 12g mới làm nữa. Trong khi còn các loại bánh khác nhưng người mua bánh mì thì nhiều hơn vì nó giải quyết được bữa ăn cho nhiều người. Các lò bánh mì bên ngoài đã đóng cửa ko làm ko bán.

- Không cho các quán hàng nấu đồ ăn bán mang đi nên số lượng người cần đi mua thức ăn càng tăng cao, siêu thị càng nhiều người đến xếp hàng. Nhân viên đi giao hàng cũng không còn người! Nhiều siêu thị đặt hàng 1,2 ngày sau mới giao được. Mặt khác, những khu nhà trọ của người nghèo, nhiều người khác cũng không có điều kiện nấu ăn tại nhà.


- Các đô thị lớn hoạt động dịch vụ là một phần không thể thiếu và là một ngành kinh tế quan trọng. Đừng nghĩ chỉ là việc giao hàng hay bán quán bình thường, nhất là trong những ngày cách ly.

- Hiện nay nhiều nơi phát cơm từ thiện đã phải ngừng vì “không được tụ tập”, mặt khác cũng vì thực phẩm khan hiếm nên khó mua số lượng lớn để nấu kịp các bữa trưa chiều. Trong khi đó số người cần hỗ trợ bữa ăn tăng lên nhanh, nếu thiếu đồ ăn và thiếu người đi giao đến từng khu vực rồi giao lẻ từng người thì rất nguy! Lưu ý: phần lớn những nơi phát cơm từ thiện là các nhóm tự nguyện trong cộng đồng chứ ko phải là tổ chức xã hội của nhà nước! Vì vậy, chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ cho người thiếu đói một cách cụ thể và tích cực hơn.

- Việc kiểm tra mức độ “cần thiết” đi lại không nên quá máy móc! Đừng để một lời gay gắt, một thái độ quá cứng rắn mà mất đi sự thiện cảm với người làm công vụ cũng đang rất vất vả. Thậm chí có thể gây hậu quả khó lường.

Tôi vẫn luôn nghĩ: chống dịch rất khó khăn, nếu không trực tiếp tham gia được gì thì im lặng và chấp hành tốt những nguyên tắc chính quyền quy định. Tuy nhiên, đã thấy một số hiện tượng trên có thể gây hậu quả xấu, nên có vài lời góp ý.

Chỉ cần những bộ phận tham mưu ra quyết định thực tế hơn, đừng ngồi bàn giấy và tư duy bằng hoàn cảnh người đầy đủ điều kiện - thì sẽ có quyết sách khác phù hợp và thiết thực cho dân nói chung và cho dân nghèo nói riêng! Hình: "Cả dãy shop đường Hàm Nghi được "băng bó" và đồng lòng với câu slogan đanh thép :"Tăng Giá Là TỘI ÁC". Mình rất đồng tình và rất thích" Từ FB Minh Hòa
vào lúc tháng 7. 10, 2021 


SÀI GÒN, NGÀY THỨ BA


Vẫn ở nhà, chỉ ra đến siêu thị Nguyễn Kiệm nhưng tình trạng siêu thị này cũng như hôm qua! Nhà bạn nào gần siêu thị / chợ mà thức ăn có nhiều thì thiệt may mắn! Nhà còn ít rau mua từ bạn Kim Hoa, thịt cá mua được một ít hôm qua, chỉ thiếu trái cây tươi cho Sam Sam, đặt mua online mà chắc mai mốt mới có vì “không có người giao hàng”.

Thấy nhiều bà con xếp hàng mua đồ ăn sẵn ở siêu thị, tội quá... Mấy tuần giãn cách trước, có bà bán vé số ngồi ngay cửa siêu thị, mình đi mua hàng xong thường mua thêm một phần cơm hoặc cái bánh mì và ít chả lụa biếu bà, sau khi mua giúp bà tờ vé số (cho bà khỏi ngại). Hai bữa nay không thấy bà đâu, chắc không được đi ra ngoài. Không biết nhà bà ở đâu, có được hỗ trợ bữa ăn không...

Đọc tài liệu, xem lại bản thảo 2 bài viết – thực ra là hai chương trong hai cuốn sách do các cơ quan khác tổ chức. Từ đầu năm tới giờ viết lai rai cũng được 25 bài báo và vài chương sách, từ “KCH đại cương” đến các vấn đề quy hoạch KT-XH, thậm chí cả về “thành phố thông minh”. Tất nhiên mình chỉ viết nội dung liên quan đến chuyên môn của mình thôi (KCH, LS-VH), nhưng thấy vui vì rõ ràng sự liên kết/liên ngành các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ với văn hóa – xã hội không còn rời rạc như trước đây mà đã gắn bó hơn. Chứng tỏ, ít nhất trong quan niệm nhiều người nghiên cứu thì LS-VH đã có vai trò quan trọng hơn khi đóng góp vào sự phát triển của kinh tế và KHCN.


Hy vọng sự liên kết này sẽ mang lại cho những nhà quản lý tầm nhìn rộng hơn, sâu sắc hơn về mối quan hệ tổng hòa và chặt chẽ của tất cả các lĩnh vực trong phát triển xã hội. Tránh quan niệm chỉ nặng về kinh tế hay KHCN, bởi vì, tất cả các lĩnh vực này đều do MỘT chủ thể điều hành và thực hiện, đó là CON NGƯỜI. Con người quyết định cách ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội có tri thức, có nhân văn hay không, không thể không có sự hiểu biết bài học từ quá khứ - nhất là những bài học từ sự thất bại.

P/S. 1. Tự giảm bớt sự “theo dõi” một số fb, vì năng lượng tiêu cực ở đó tỏa ra liên tục và ngày càng trầm trọng.

P/S 2. Đề nghị Cục gì đó vừa có Cv về việc MC TTM cũng nên có hình thức xử lý với một FBker phát trên youtube một clip nhục mạ một số bà con nhận xuất cơm hỗ trợ từ thiện!
vào lúc tháng 7. 11, 2021 


SÀI GÒN, NGÀY THỨ TƯ


Sài Gòn thiếu bánh mì thịt thiếu cơm tấm “sà bì chưởng” là mất đi một nửa Sài Gòn

Lúc này, nói thèm bánh mì (hay thèm ăn món gì đó) dễ bị cư dân mạng nói: trời ơi người ta đói ko có cơm ăn, ở đó còn bày đặt thèm này kia; người ta lo bữa ăn hàng ngày chưa nổi, có ăn rồi còn đòi hỏi nọ kia... Nhưng, nhìn thấy sự thiếu thốn của SG trong những ngày cách ly cũng là một cách để cố gắng, sao cho mau hết cách ly, để SG trở lại bình thường CŨ.

“Bánh mì Sài Gòn ba ngàn một ổ, đặc ruột thơm bơ một ổ ba ngàn”, tiếng rao này đã vắng mấy ngày. Bình thường – cũ, bất cứ lúc nào hễ nghe tiếng rao này là mấy con chó trong hẻm nhà tui nhâu nhâu sủa theo, vì tụi nó... ghét tiếng rao bằng loa. Nhưng cũng anh bán bánh mì, bữa hôm không biết sao lại rao bằng miệng, như chị bán bắp nấu hay cô rau cá thịt hay bán dạo quanh mấy chung cư, thì chẳng có con chó nào sủa cả, thậm chí có ai hé cửa ra mua chúng còn vẫy đuôi mừng rỡ như thấy người quen.

Đầu hẻm có chị bán bánh mì thịt nướng trên chiếc xe đẩy, bán cho học sinh đi học và người đi làm sớm, khoảng 8g đã đẩy xe về. Ổ bánh mì của chị nhỏ thôi, xốp xộp nhưng lúc nào cũng nóng giòn, vì chị khéo ủ trong chiếc thùng giấy dày các lớp báo, lại cho lên bếp than có vỉ thịt nướng, lật qua lật lại trước khi xẻ ra cho vài miếng thịt thơm phức, hành ngò dưa leo, rưới nước sốt, rồi cuộn vào miếng giấy báo nhỏ, cho vô bao xốp cùng với một miếng giấy mềm có ghim thêm cây tăm. Thỉnh thoảng ra mua mấy ổ bánh mì không chị vẫn bán, vẫn cẩn thận cho lên bếp than lật qua lại cho giòn. Hỏi chuyện, chị nói bán bánh mì xong sẽ về đi làm thuê cả ngày trên mấy ruộng rau ở quận 12, tối về lo chuẩn bị các thứ, sáng sớm lại lấy bánh mì đi bán.


Bốn bữa nay siêu thị không bán bánh mì, mấy lò bánh mì từ gần đến xa cũng nghỉ làm. Mấy bữa trước còn giăng dây ngăn cách người mua người bán, nay đóng cửa, không còn cái tủ kiếng nhỏ đặt những túi bánh mì cắt lát nướng khô, bánh mì ngọt nhỏ, cả bánh mì tươi. Không còn mấy cái cần xé lót bao bố sạch sẽ để những ổ bánh mới ra lò, lớn nhỏ đều nóng hổi thơm phức.

Mua 4 tặng 1, 10 ngàn, vậy mà dễ bán hơn là 2 ngàn một ổ.

Bánh mì ăn sáng, trưa hay chiều tối, lúc nào cũng được. Ăn đỡ lúc lỡ bữa cũng được. Có thịt nguội có chả lụa càng ngon, mà bẻ miếng bánh chấm chút sữa Ông Thọ như ngày bao cấp cũng rất tuyệt! Nhiều lần tôi nhìn thấy người bán vé số, buôn bán vỉa hè, làm công việc giản đơn... bữa trưa chỉ là một ổ bánh mì với chai nước mang theo bên mình, ngồi dưới bóng cây, hay được bà bán quán bên đường kêu vô ngồi ghế cho mát, ăn xong ổ bánh họ tiếp tục đi...

Bình thường – mới là nhớ thôi rồi những bình thường – cũ, những điều bình dị, giản đơn, thiết thực, ai cũng cần không nhiều thì ít, nhưng khi nó bỗng dưng biến mất mới thấy thân thương nhường nào! Vậy, làm sao mà có thể quen với cái gọi là “bình thường mới”!

Đại dịch, cũng như chiến tranh, dẫu ác liệt thì cũng là nhất thời, đừng biến nó thành bình thường – mới tức là đừng để con người luôn trong tâm lý “chống lại, phản ứng, chiến thắng...”, phải quen với sự cấm đoán, xét hỏi, nộp phạt, phải cam chịu sự thiếu thốn thậm chí ngặt nghèo... Con người không coi thường chiến tranh và đại dịch vì hiểu cái giá phải trả cho nó, nhưng đừng biến nó thành “bình thường” theo nghĩa đời sống hàng ngày phải trở thành bất thường!
vào lúc tháng 7. 12, 2021 


SÀI GÒN, NGÀY THỨ NĂM


@ Truyền thông đưa tin đã có thêm hàng triệu liều vacxin do Mỹ, Nhật, Úc tặng, do công ty tư nhân trong nước mua hỗ trợ nhà nước. Là một người dân, tôi mong lắm, trên truyền thông có được một LỜI CÁM ƠN CHÂN THÀNH - ít nhất là từ Bộ Y tế thay mặt nhà nước, thay mặt nhân dân – tới những quốc gia và doanh nghiệp đã cứu viện VN trong tình trạng khẩn cấp này.  @ Người dân các tỉnh, cả những tỉnh nghèo và luôn gặp khó khăn vì thiên tai – vẫn không

ngừng tiếp tế hàng hóa thực phẩm cho Sài Gòn, dù chỉ là con cá, mớ rau, hũ mắm... Còn trên đường phố Sài Gòn, qua những tấm hình của NAG Minh Hòa chụp trước những quán hàng phải chăng dây giãn cách với người mua là tấm bảng ghi dòng chữ “Tăng giá là tội ác”.

Tôi ước gì trong những ngày dịch bệnh hoành hành cả nước này, tại mỗi cây xăng trên khắp đất nước đều có một tấm bảng ghi như vậy!

@ Người ta dễ nhận thấy những hành động giết người dã man, nhưng ít khi nhận ra lời nói ác độc cũng làm con người chết dần chết mòn. Đấy là cảm giác của tôi khi xem mấy clip mấy anh chị trẻ tuổi đi phát cơm, phát quà từ thiện mà sa sả mắng nhiếc người nhận! Loại người mồm miệng ác nghiệt đến vậy khi có cơ hội chắc cũng không chùn tay khi làm điều ác!


Chứng nào con người còn tự cho mình quyền tùy tiện thoải mái hả hê phun vào người khác ngôn từ ác độc, miệt thị, sỉ nhục, kể cả kiểu cạnh khóe “ném đá giấu tay”, thì chừng ấy xã hội sẽ còn những hành động giết người tàn nhẫn.

[Dù đã đoán trước nhưng tôi vẫn vô cùng thất vọng về kết luận điều tra cái chết của người lính nghĩa vụ Trần Đức Đô! Không phải thất vọng vì đã hy vọng vào ông BT QP mới như nhiều bạn bè tôi, mà vì đang phải chứng kiến một xã hội mà cái ác, cái xấu vẫn liên tục xảy ra, ngày càng dã man với những người “yếu thế”. Bởi vì tiếng nói, sự phản ứng của dư luận chỉ như hòn sỏi nhỏ ném xuống một cái ao tù nước đọng dày đặc rác rưởi!]

P/S. Có bạn nhắn hỏi: vì sao các stt này không là “nhật ký phong thành” mà chỉ là “ngày thứ nhất, thứ hai...”? Xin nói rõ: 1/tôi chỉ note lại vài sự việc của mình và mình quan tâm, để nhớ lại, nếu sang năm hay nhiều năm nữa FB vẫn còn tính năng “ngày này năm xưa”; 2/ Tôi không thích dùng chữ “phong thành”, vì đã có chữ Việt phù hợp hơn! (ha ha, sao cứ phải là “phong thành” như tác phẩm của cô gì đó ở Vũ Hán năm ngoái?); và 3/Nhật ký – cho – mọi – người – xem thì có còn là “nhật ký” đúng nghĩa không? Đây chỉ là suy nghĩ của riêng tôi thôi đấy nhé :)
vào lúc tháng 7. 15, 2021


SÀI GÒN, NGÀY THỨ SÁU


@ Tiết kiệm thức ăn tươi thì làm cơm nắm ăn với muối vừng, chà bông, thêm tô canh nữa, ngon :)

Các nơi nấu cơm hỗ trợ người nghèo nếu có thể thì làm cả cơm nắm, sáng cơm phần thì chiều cơm nắm ăn với thức ăn khô (cá, thịt, mắm kho khô), đi phát một lần được 2 bữa, lại gọn gàng tiện lợi ạ.

Những ngày cách ly trong nhà tôi có một điều hay, đó là lục tủ chứa thức ăn khô, dự trữ và... thanh toán dần cho hết. Các loại mì, cháo ăn liền, bún phở khô, mì miến, bánh tráng, mỗi thứ một ít nhưng dồn lại cũng nhiều phết! Tôi trữ trong nhà nhỡ khi mưa gió hay có khách đột xuất, thậm chí đói, thèm ăn bất chợt... Nhưng giờ mang ra chế biến các món, bởi vì đã có thứ sắp hết date sẽ phải bỏ đi, như đã từng! Thức ăn tươi cũng vậy, nhiều khi còn miếng canh hay vài miếng trái cây, không ai ăn cũng bỏ. Giờ thì nấu ít lại, và ăn hết. Đến hành lá cũng “cho ít thôi” vì không mua được hành :)

Hy vọng duy trì được thói quen tiết kiệm này, sau những ngày cách ly :)  @ “Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, vừa qua sở đã đề xuất với

UBND TP.HCM hỗ trợ 34.000 xe ôm truyền thống hai bánh (trừ xe công nghệ), xe xích lô chở khách bị mất việc làm, gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Trả lời về việc xe ôm công nghệ không được đề xuất hỗ trợ, ông Tấn cho biết xe ôm truyền thống được coi là lao động tự do, không bị lệ thuộc vào chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, xe ôm công nghệ làm việc cho một doanh nghiệp cụ thể nên không thuộc nhóm hỗ trợ này”. (tin từ VOV online)

Một số chủ trương chính sách gần đây của TP, của các sở ngành... khi triển khai đều ít nhiều gặp tình trạng lạc hậu, không phù hợp với thực tế, gây nên phản ứng trong người dân. Tất nhiên, người ký ban hành phải chịu trách nhiệm, nhưng người có lỗi đầu tiên là bộ phận tham mưu đã quá quan liêu và máy móc, thường xuyên không cập nhật kiến thức từ thực tiễn, bởi vậy mới dự thảo ra những văn bản sặc mùi máy lạnh từ những cái đầu đông lạnh!


@ Sau “lễ phát động Quỹ vắc xin Covid-19” theo thông tin trên báo chí thì đến nay số tiền MTTQVN nhận được từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ không phải là ít. Vẫn biết chống đại dịch thì “tiền càng nhiều càng ít”, nhưng trong những ngày này nhiều tỉnh thành đang “đuối sức” vì dịch bệnh, nhân dân nhiều nơi đang rất khó khăn nhưng vẫn ráng đùm bọc nhau, giúp nhau từng chút thực phẩm, từng bao gạo.

Bộ TTTT vẫn qua tin nhắn điện thoại và VTV vẫn thường xuyên kêu gọi người dân đóng góp “Quỹ vắc xin Covid-19”. À, sau “lời kêu gọi” và đưa ra cách thức đóng góp thì cần có LỜI CÁM ƠN NHÂN DÂN, vì như ông Thủ tướng nói, “Quỹ vắc xin COVID-19 là quỹ của sự nhân ái, tinh thần đoàn kết và trái tim kết nối trái tim” - mặc dù “đóng góp cho quỹ là thiết thực bảo vệ cho chính mình” – như câu kết của lời kêu gọi!!!  

Kể ra, để thể hiện sự cảm thông của chính phủ, thể hiện sự “khoan thư” của chính phủ khi “sức dân” đang hao hụt, cũng nên bớt bớt số lần kêu gọi “đóng góp, ủng hộ”, tăng cường những giải pháp thực tế giúp dân qua cơn khó khăn. Để yên lòng dân, để dân tin tưởng thì quan trọng là minh bạch việc sử dụng số tiền đó như thế nào, chứ không phải chỉ cần công bố đã được ủng hộ bao nhiêu tiền.  

@ Và xin được nói thêm, coi chừng nạn "kiêu binh" từ những chốt, chặn, kiểm soát... Làm nhiệm vụ trong lúc cả thành phố đang ngặt nghèo mà lạm dụng "quyền, hành", sử dụng công vụ quá cứng nhắc, hách dịch thì chỉ làm tình hình thêm phức tạp, làm lòng dân thêm bức bối!
vào lúc tháng 7. 16, 2021 


SÀI GÒN, MỘT TUẦN ĐI QUA

 

Vậy là đã qua được một tuần cách ly toàn thành phố. Đường phố đã vắng càng thêm vắng, những đoạn dây “cảnh báo”, hàng rào ở các ngõ hẻm, khu dân cư nhiều hơn, và số ca nhiễm bệnh tăng lên không ngừng.

Một tuần hầu hết chợ búa ngừng hoạt động, các siêu thị tăng hết công suất, nhưng vẫn còn nơi này nơi kia chưa đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân. Một tuần các nhóm thiện nguyện, dù khó khăn về nguồn lương thực thực phẩm vẫn hết sức giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cố gắng không để một ai bị đứt bữa.

Một tuần các bác sĩ và đội ngũ cán bộ y tế vẫn tiếp tục căng mình chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, tiêm chủng... cho người dân, trong khi bản thân họ cũng cần được nghỉ ngơi để hồi phục sức lực, để có thể tiếp tục cuộc chiến còn khó khăn này.

Một tuần ấy phần lớn dân chúng ở nhà, nghiêm túc chấp hành “5K” và những chỉ thị khác. Vì tất cả đều hiểu rằng, chỉ có thể vượt qua đại dịch khi tất cả đồng lòng, tự bảo vệ mình tức là góp phần bảo vệ cộng đồng.

Và trong một tuần ấy chính quyền thành phố đã khẩn trương hơn, quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành chống dịch. Những đồng tiền hỗ trợ đã đến tay những nhóm người ngặt nghèo nhất.


xếp hàng ngồi ở siêu thị (hình TN)

Kể ra những điều trên không phải chỉ để nhìn thấy những thiếu thốn khó khăn của Sài Gòn, không phải để bi quan, để kêu ca hay chê bai, mà để nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận và khắc phục cho tình trạng cách ly mau chấm dứt, để Sài Gòn trở lại những ngày bình thường. Hiện nay, để chống dịch và duy trì hoạt động kinh tế và đời sống một cách tốt nhất có thể, chính quyền cần tạo điều kiện và hỗ trợ cho xã hội và cộng đồng thực hiện vai trò một cách tích cực nhất. Tại các đô thị lớn, hệ thống dịch vụ là “những mạch máu li ti” nhưng không thể thiếu để nuôi sống thành phố. Những quán hàng, hệ thống phân phối qua vận chuyển đơn giản... góp phần đáng kể vào kinh tế đô thị. Việc ngừng bán đồ ăn sẵn mang về thực sự gây thêm khó khăn cho rất nhiều người, làm tăng thêm “gánh nặng” cho các siêu thị và tổ chức thiện nguyện.

Chợ truyền thống là nơi phục vụ phần lớn người dân, nhất là tầng lớp thu nhập thấp, giá cả linh hoạt thuận tiện cho mọi người, đồng thời còn là nguồn sống của hàng chục ngàn gia đình tiểu thương, nối liền với hệ thống phân phối linh hoạt nhạy bén từ nguồn nông sản các tỉnh, qua chợ đầu mối đến tận tay người tiêu dùng. Còn siêu thị, bên cạnh sự tiện nghi hiện đại thì chủ yếu phục vụ tầng lớp thu nhập trung bình trở lên (mà tầng lớp này cũng đang bị tụt xuống thu nhập thấp vì công việc giảm sút và đình trệ). Việc cấm nhiều chợ truyền thống (trong đó có chợ đầu mối) làm cho các siêu thị quá tải, nguồn thực phẩm về thành phố bị “bóp nghẹt”, làm sao tránh khỏi tình trạng khan hiếm, có nơi tăng giá, tâm lý tích trữ như những ngày vừa qua?

Vì vậy, hệ thống cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân và cứu giúp những người nguy cơ thiếu đói cần thay đổi cho phù hợp: cho phép mở lại - một cách có kiểm soát, tổ chức giãn cách nghiêm ngặt và được kiểm tra vệ sinh, 5K thường xuyên - các quán hàng bán thức ăn mang về và các chợ truyền thống để điều tiết và lưu thông hàng hóa theo “thị trường”, góp phần giải quyết ngay tình trạng quá tải ở siêu thị và việc tích trữ thực phẩm của người dân.

Cách ly toàn thành phố là phương thức ứng phó xã hội mang tính kỹ thuật, khi thực hiện sẽ khó khăn vì cuộc sống luôn có tình huống phức tạp ngoài dự kiến. Vì vậy, cần sự nghiêm khắc nhưng cũng cần lắm thái độ nhân văn của những người thi hành công vụ. Đừng để một biện pháp xử lý hành chính biến thành sự vô cảm, lòng trắc ẩn của con người bị mai một, gây thêm tổn thương cho xã hội đang chịu nhiều thử thách.

Sài Gòn vốn dễ thích ứng với những biến động. Nếu là điều mới mẻ, tích cực thì sẽ nhanh chóng được nhân lên nhiều lần, còn những gì không phù hợp thì cũng phải thay đổi ngay, thậm chí quyết liệt thay đổi! Sau một tuần thực hiện nghiêm túc CT16 của chính phủ, đã đến lúc thành phố cần phải nhìn lại để có ngay cách ứng phó mới phù hợp hơn với thực trạng mới.
vào lúc tháng 7. 17, 2021 


SÀI GÒN, NGÀY THỨ MƯỜI  


Chủ nhật, ngày thứ 10.

Chuẩn bị cho ít nhất 15 ngày tiếp, và có thể hơn!

Miền tây bị phong tỏa nhưng hàng hóa phải thông suốt! Nếu không lưu thông được hàng hóa thì cả SG và miền tây sẽ “chết chùm”! Vấn đề không phải chỉ là những tuyên bố "đủ hàng" của Bộ Công thương, mà là hệ thống phân phối đến tay người tiêu dùng có đủ năng lực và đủ lương tâm hay không!

Trong khi những doanh nghiệp ngành khác đang rộng tay hỗ trợ từng bữa cơm, từng chai nước cho người nghèo, hỗ trợ vật phẩm y tế và những thực phẩm cần thiết cho ngành y tế thì một số doanh nghiệp có siêu thị thực phẩm đã tăng giá, ghìm hàng, tạo sự khan hiếm, gây thêm tâm lý bất ổn cho người dân.

Trong khi anh Minh Râu (nhiều râu thật! :D ) vừa bán rẻ vừa tặng đồng bào từng bó rau vào lúc khan hiếm thì cũng có những siêu thị tăng giá vô tội vạ, lại còn được đoàn kiểm tra này báo chí kia “thanh minh thanh nga” giùm! Thiệt kinh dị kiểu giết người không dao!

Trong khi từng nhóm thiện nguyện, từng người dân có ý thức chia sẻ với người nghèo những thiếu thốn khó khăn thì có những người lợi dụng hoàn cảnh này để trục lợi! Tuy chỉ mới xảy ra vài lần nhưng việc xử phạt không biên lai - với ngay cả những người đi hỗ trợ cơm gạo cho người thiếu đói - là việc bất nhân! Cần phải xử lý các trường hợp lạm dụng quyền lực này để bà con thấy sự nghiêm minh của chính quyền trong “thời chiến”!

Trong thời gian này đề nghị các ngành khác hỗ trợ chính phủ và đồng bào theo cách của mình, ví như: ngành điện, nước không tính tiền theo “lũy tiến” (một cách tính chỉ nhằm trục lợi cho ngành mình!), các ngành khác đừng đưa ra những ý tưởng “làm nghèo đất nước” như “sáp nhập các tỉnh” (khắc nhập khắc xuất quay vòng mãi thôi!). Bài học của ngành giáo dục về chuyện vẫn tổ chức thi TN còn đó!



Đề nghị quốc hội nên họp online, hoặc hoãn họp một thời gian! Các quyết định của QH cũng không vì thế mà mất đi (mà có thật sự cần họp mới QĐ được về “nhân sự” ko?!). Tổ chức họp, phải lo vệ sinh, an toàn cho những ngày họp, cách ly đưa đón người từ vùng dịch về họp... không chỉ làm tăng thêm khối lượng công việc mà còn tăng thêm nhiều chi phí! Chưa kể rất nhiều ĐBQH đang có trọng trách ở những địa phương bùng nổ dịch, bỏ "nhiệm sở" lúc này còn là sự vô trách nhiệm! Nếu thực sự là những người phục vụ nhân dân, mong các ĐBQH suy xét!

Đây là trường hợp khẩn cấp, cần “Tổng động viên” mọi ngành mọi lĩnh vực tham gia chống dịch, chứ ko phải chỉ có chính phủ chung chung, ngành Y tế, công thương hay chính quyền các tỉnh lao mình vào việc, còn những ngành khác thì như vô can, và vô cảm!
vào lúc tháng 7 18, 2021


SÀI GÒN, NGÀY THỨ 11.  


Thứ hai đầu tuần, nhưng cũng chẳng để ý nếu không có cuộc hẹn làm việc online. Nhìn lịch mới sực nhớ thế là đã qua hơn nửa tháng 7 rồi, cũng là bước vào tuần thứ 3 giãn cách/cách ly.

Lần này cả Nam bộ Đông Tây gì thực hiện CT 16 hết. Miền Đông – vùng kinh tế trọng điểm phía nam với các khu công nghiệp – khu chế xuất lớn và quan trọng ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, với chuỗi các khu công nghiệp quy mô vừa kéo dài xuống Long An, Tiền Giang, lên Tây Ninh...

Thành phố du lịch Vũng Tàu bao quanh bởi các khu công nghiệp của Nhơn Trạch, Long Thành, Bà Rịa... Hàng triệu công nhân và gia đình của họ, hàng triệu dân lao động, buôn bán nhỏ, dịch vụ, nhân viên công ty tư nhân... trong vùng kinh tế và vùng đô thị lớn nhất nước này sẽ tiếp tục sinh sống thế nào đây?

Nói gì thì nói, khó khăn thì ai cũng bị tác động, nhưng dù sao công chức nhà nước hay cả người nghỉ hưu như tôi cũng còn có đồng lương cơ bản, dù khá nhiều cơ quan kinh doanh phải cắt giảm tất cả các khoản thu nhập thêm ngoài lương. Chưa kể tầng lớp khá giả hơn – có người quen của tôi nhắn nhe một cách buồn chán “cả năm nay không được đi nước ngoài shopping. Thực phẩm Mỹ, Úc nhập về làm sao ngon bằng đồ tươi ở bển?”.

Lại có bạn nhắn hỏi “SG có thật sự căng thẳng như nhiều người nói không?”.

Sáng con gái ra siêu thị Coopmark xếp hàng từ sớm, người xếp hàng cũng không đông lắm, trật tự, khẩu trang, không ai nói chuyện với ai. Siêu thị quan tâm hơn đến khách hàng bằng cách dựng mái che tạm nhưng khá chắc chắn, có ghế ngồi, căng dây xếp vòng mấy hàng như ở sân bay... Vì vậy trưa lúc nắng lên cũng bớt ngột ngạt, căng thẳng, bà con thấy nhẹ nhõm hơn, dù ai mua hàng ra cũng có người hỏi có món này không còn món kia không... Rau xanh ít hơn, có vài loại thôi, rau thơm và hành thì vẫn vắng mặt. Giá cả cũng nhích lên chút, nhưng phải chấp nhận thôi, tình hình sẽ còn khó khăn hơn.

Trưa em gái gửi qua một giỏ thức ăn: một nắm các loại lá đủ cho nồi xông, mấy trái khổ qua, chanh, tắc, đậu ve, hẹ, ớt chuông, xà lách rau thơm, có cả hành và ngò rí. Lại thêm một con vịt đã làm sạch sẽ... Ôi giời, nhà vui như thời bao cấp tìm thấy sổ gạo bị mất . Nhắn cám ơn em gái, em nói: chẳng bao giờ nghĩ SG lại thế này. Mình nói, tình trạng “trọng thương” này có lẽ Sài Gòn chỉ bị vài lần trong lịch sử, gần nhất là thời kỳ “cải tạo” và đưa hàng loạt người thành phố đi “kinh tế mới” ngay sau năm hòa bình đầu tiên, rồi “ngăn sông cấm chợ” các tỉnh không được vận chuyển bất cứ gì lên SG.

Chiều tối tôi lên lầu trên của siêu thị mua mấy thừ đồ dùng cho má tôi, rồi chạy qua nhà bà. Đến đầu đường ngay công viên Gia Định có một xe tuần tra của công an đậu ở đó, hai anh công an ngoặc tôi lại hỏi đi đâu. Tôi nói như vậy, lại thấy bịch đồ dùng, giấy vệ sinh treo kỉnh kỉnh trên xe máy, hai anh vui vẻ nói: chị đi nhanh về nhà nhé (chắc ý là tôi đừng đi đâu nữa?).

Tôi cười: vâng, nhưng đi từ từ thôi ạ, đường vắng mấy anh ship hàng chạy ẩu lắm

Nghe VTV phỏng vấn bà Phó cục trưởng cục đường bộ, về việc lái xe phản ánh sự khó khăn khi vận chuyển hàng hóa vì mỗi nơi đòi một kiểu kỳ hạn giấy xét nghiệm khác nhau. Rồi MC giọng rất nghiêm khắc đề nghị các bộ Giao thông, Công thương và các tỉnh cần “ngồi lại thống nhất với nhau các nguyên tắc để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ”.

Lại nghe thấy việc Bộ Công thường đề nghị vận chuyển rau củ từ miền Bắc vào SG bằng máy bay! Xin nhắc lại: chỉ cần đảm bảo thông thương miền tây – Sài Gòn thì không có chuyện SG thiếu rau!

Có khi nào việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ (phải) gặp nhiều khó khăn lại chính là “cơ hội” để VNA nhảy vào việc vận chuyển sẽ rất tốn kém mà chưa chắc có hiệu quả?!

“Đục nước béo cò”. Mà ai làm đục nước???

Ở Nha Trang người dân đi mua bánh mì nhưng bị chốt kiểm tra chặn lại không cho đi. Ly do:



vào lúc tháng 7 19, 2021 


SÀI GÒN, NGÀY THỨ 12.  


@ Câu nói "Mày ở rừng về hả" làm nhớ câu "về U Minh mà ở" hồi nào ở quận 1 TPHCM! Ở đâu ra cái thói coi khinh người dân, hống hách dọa nạt, tùy tiện tịch thu tài sản của dân như vậy? Khi những quy định liên quan đến đời sống thực tiễn của người dân, nhưng không cụ thể, không rõ ràng về nội dung thì khi đó sẽ có những người thực thi lạm dụng quyền/hành. Không chỉ xin lỗi mà ông PCT phường này cần bị cắt chức vì đã gây nên sự phẫn nộ trong cộng đồng, trong thời điểm cần chính quyền sự ủng hộ của người dân để chống dịch. Cán bộ phường, xã là cấp cơ sở gần dân nhất, mà có những hành vi, ngôn ngữ phản cảm như vậy, thì chính quyền làm sao có được sự tin tưởng và đồng thuận của người dân. Mất dân là từ những "cán bộ' như vậy chứ không phải từ "thế lực thù địch", từ sự xuyên tạc nào cả!  @ Trong một diễn biến khác, sáng nay QH vẫn khai mạc kỳ họp có vấn đề quan trọng là BẦU LẠI một số chức danh ĐÃ BẦU CUỐI KỲ HỌP TRƯỚC, và bầu các vị trí khác trong chính phủ.  Vâng, chống dịch như chống giặc, nhưng có lẽ nhiều vị "tư lệnh" ngành, địa phương có thể "chỉ đạo từ xa" được chăng? À, không biết sau phiên khai mạc QH sẽ có (dù là hình thức) một cuộc vận động các ĐBQH đóng góp cho người nghèo trong dịch bệnh không nhỉ? VTV thì vẫn kêu gọi đóng góp quỹ Vacxin đấy! (sực nhớ trend qua nay là "ngoại ơi"!) @ Đưa ra đề án sáp nhập kiểu "Khắc nhập khắc xuất" các đơn vị hành chính lúc này làm gì, ngoài mục đích làm cho bộ máy quản lý những nơi có khả năng phải "nhập" thêm lo lắng, nên phải abcd gì đó (góp phần "buôn chổi đót", chẳng hạn), lơ là bỏ qua những việc khác đáng phải ngay, không lo chống dịch mà lo "chống" ghế cho vững hơn? @ Dịch bệnh thì vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, đời sống nhân dân nơi phong tỏa vẫn thêm khó khăn, người từ các khu CN Đông Nam bộ đã phải bỏ về quê bằng mọi cách, kể cả phải đi xe đạp qua hàng ngàn cây số mà trong túi rỗng không! Sài Gòn lại đang mưa tầm tã! Thương những người làm việc thiện ngày càng vất vả, họ cũng đã đuối sức như các y bác sĩ và nhân viên y tế nơi bệnh viện, nơi cách ly... Nhưng còn bao nhiêu người thiếu đói, bao nhiêu bệnh nhân, nên họ không thể ngừng nghỉ một ngày. Sau này, vài năm nữa, nghĩ lại thời gian này, cái gì sẽ làm cho ta nhớ nhất?


-con bò nghĩ rằng nó đang giữ cho cột điện đứng thằng!


vào lúc tháng 7 20, 202

TS. NGUYỄN THỊ HẬU

* tựa đề do Việt Văn Mới tạm đặt cho bài viết.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ