Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

thư đáng đọc: " NGÃ BA ĐƯỜNG " TRAN THI BONG GIAY ( San Jose ] / forwarded to me... [ Thế Phong ] ,/ April 26/ 2023

 

TRAN THI BONG GIAY

08:26 27 thg 4, 2023 (13 ngày trước)
đến ChauDienKínhSonTuong-VyVaniPeterAUtôiNguyen

NGÃ BA ĐƯỜNG

(Tâm Bút TTBG)

[]

 

*/ San Jose, thứ Tư April 26, 2023

Trong cơn thức ngủ chập chờn, những bài giảng Thánh Kinh của đức cha Nguyễn Văn Khảm Sàigòn vẫn mở bên tai. Đêm qua ba giờ sáng, nghe được lời này nên bật dậy, ngồi vào bàn.

“…Đức Jésus đi cùng các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-mani. Người nói với các môn đệ: -Anh em ngồi lại đây trong lúc thầy đi đến đàng kia cầu nguyện. Rồi người đưa ông Phêrô và hai người con ông Giê-Bê-Đê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ người nói với các ông: -Tâm hồn thầy buồn đến chết được, anh em ở lại đây mà canh thức với thầy. Rồi người đi xa hơn một chút, xấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: -Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con mà hãy theo ý Cha.” (Sách Mathew chương 26, câu 36).

 

Thật là một an ủi tuyệt vời! Tôi tỉnh hẳn người, ngồi suy nghĩ mông lung!

*

* *

Nhìn lại cuộc đời, tôi luôn thấy mình bị đặt vào cảnh sống ngã ba đường trên đủ mọi thứ Tình (ngay cả tình quê hương, xứ sở).

-Ngày trẻ, muốn đem Vân San theo trong cuộc sống cô đơn nhưng đành nhường hạnh phúc nhỏ nhoi cho bà ngoại và các em ở Sàigòn.

-Ngày trẻ, bỏ Dalat ra đi vì thương nỗi cần thiết có một người cha của các đứa con anh Ngọc.

-Ngày trẻ, tự tay cắt đứt mối tình Trân Sa để Nguyễn không bị lựa chọn giữa chữ Tình và chữ Hiếu.

-Ngày trẻ, sợ hãi viễn cảnh sống đời đất khách nhưng vì lòng thương mẹ già và con trai nhỏ bé mà đành gạt nước mắt, bước lên phi cơ, bay về chân trời lạ. (Suốt đời còn lại, nỗi nhớ quê hương trong tôi âm ỉ hoài do từ điều đó.)

-Ngày trẻ… ngày trẻ… từng nhiều lần quyết định ngu si (!) để kết quả cuối cùng bao giờ cũng là nước mắt hy sinh và những lỗ trống tâm hồn soi rọi trong những đêm vắng lạnh.

 

Bây giờ sức tàn lực kiệt, ngã ba đường còn tái hiện. Cụm từ “bất như ý” giống như một thứ thiên la địa võng bao vây cuộc đời. Gánh nặng thực tế đầy tràn, gánh nặng tâm hồn càng làm nghẽn trí óc từng lúc.

 

Hôm qua cô Phú gõ cửa phòng, biếu tôi ổ bánh mì và hai quả cà tím. Lời cô:

“Em biết chị thích ăn cà tím nên có dịp đi chợ Đại Thành, thấy cà ngon, mua về cho chị.”

Tôi đòi trả tiền. Cô nói:

“Không. Em chỉ mong chị ăn uống nhiều hơn. Em thương chị lắm.” (Tôi bỗng thấy sợ theo chữ thương cô nói.)

 

Cái số tôi, hễ khi nào đạt được độ cao một tình cảm, một hoàn cảnh sống (tạm gọi là) ưng ý (dù vô cùng khiêm nhượng), tức thì thấy lù lù ngay sau lưng một niềm tan nát. Điều này xảy ra luôn luôn đến khiến tôi không dám nhận bất cứ tỏ bày nồng nàn nào (từ hai đứa con, dâu rể, họ hàng, học trò hay bạn hữu). Tôi sợ như sợ một ám ảnh ma quỷ. Không phải sợ lòng người tráo trở mà sợ bóng dáng Định Mệnh phía sau sẵn sàng giật mất của tôi món quà nhỏ nhoi nào tôi có trong tay.  

 

-Bốn năm trước, (May 2018), Âu Cơ từ VN đem chồng về Mỹ; anh em mẹ con đi chơi San Francisco, Sacramento, Santa Ana đầy vui thú.

-Không lâu, tháng Oct. 2018, đến lượt con dâu từ VN qua; sự êm ấm gia đình bắt đầu lay lắc.

-Mùa hè 2019, cùng con rể ra vườn giăng cọc, trồng cây, khi nghe chú Bill trong nhà nói: “Chị vậy mà thật may mắn. Trai gái dâu rể đề huề sống chung một nhà!”, tôi bỗng rùng mình sợ hãi.

-Quả y như rằng, không lâu sau, mọi sự trở thành con số không.

 

Dạo ấy, tôi bị khủng hoảng dữ dội. Nhiều đêm đang ngủ bỗng choàng tỉnh nhớ lại thực tại. Cái Đẹp vô vọng đi tìm trong đời nay lại càng vô vọng hơn trong tình con cái. Sự nhận thức “Cái căn cái cốt gieo trồng kỹ lưỡng trên Vân San & Âu Cơ không ngờ bay biến nhanh như một thứ ảo thuật” là điều làm tôi ngỡ ngàng trên hết. Nỗi đau khổ kiểu này, nếu đặt trên một người bình thường, hẳn không bị dày vò sâu xa cho bằng trong tâm hồn một nhà văn.

Tôi nhớ hai anh Hoàng Vũ Đông Sơn và Thế Phong. Anh Đông Sơn tàn tạ thân hình cho đến chết kể từ khi nhìn thấy cảnh tan nát của vợ chồng đứa con trai độc nhất. (Con đau một, cha mẹ đau mười). Anh Thế Phong có lần nổi điên gọi ve chai, bán rẻ tất cả các tác phẩm anh từng cho chào đời suốt mấy chục năm.

 

Tôi không như hai anh trên hoàn cảnh đồng dạng, mà là chấp nhận vai trò Père Goriot trong truyện Balzac hay Jean Valjean trong truyện Victor Hugo (hai trăm năm xưa). Nghĩa là, cứ âm thầm sống tâm trạng hồi hộp ở ngã ba đường tình cảm, không dám nhìn con trai, chẳng dám ngó con gái. (Điều dễ hiểu: Dâu rể không cùng máu mủ anh em; do đó vai trò làm mẹ của tôi phải nên rất tế nhị cẩn trọng.)

 

Có một điều rất thật cần ghi sau nhiều năm nghiền ngẫm:

-Sự tan nát, cuối cùng là chuyện bỏ đi của Âu Cơ vẫn không làm tôi đau khổ cho bằng câu tự hỏi hoài trong óc: “Sao các con tôi không hiểu lẽ rằng: Ở thời đại đầy quỷ ma này, chỉ mỗi tấm lòng biết xót thương cho nỗi đau của kẻ khác mới là điều cứu rỗi, giúp con người tồn tại?”

 

(Thật quả ngây thơ vớ vẩn!)

 

Bây giờ đến lượt con trai. Ngã ba tình cảm của tôi, lúc này nó đang phải đứng. (Thật tội nghiệp!)

 

Hôm Tết về Dalat, trò chuyện, nghe Phạm Gia Cẩn nói:

“Lọt vào được một gia đình như gia đình cô mà không biết quý.”

Tôi không dám đào sâu câu nói Cẩn.

 

Hôm qua cô Phú cũng nói:

“Người ta thèm đi Mỹ bằng bất cứ phương tiện nào, luôn cả chấp nhận cái chết. Hai đứa dâu rể chị quá là may mắn. Qua đây gặp được bà mẹ rộng lòng, có cái nhà để ở, không lo thuê mướn. Được phúc mà không biết giữ, Trời sẽ lấy lại. Mẹ thì chỉ một, còn vợ hay chồng đâu thiếu trên đời. Càng sống lâu cạnh chị, càng thấy thương hoàn cảnh và con người cô đơn của chị!”

Tôi cũng không dám đào sâu câu chuyện với cô Phú.

*

* *

Chúa Jésus cao cả, quyền năng, mà còn có khi “buồn đến chết được”, xá gì tôi, kẻ phàm trần đầy tội lỗi? Chữ an ủi viết ở đầu bài mang ý nghĩa như thế. Bên tôi có đấng đồng hành thật sự. Vậy còn lo chi mọi chuyện phù du nhìn thấy trong cuộc đời đầy con người có lòng ham muốn phù du?

 

“Chúa ơi, xin cho con đủ sức mạnh để cầm vững trong tay chén đắng đã được ngài ban mấy chục năm ròng.”

[]

 

Trần Thị Bông Giấy.

(Bài ghi nhanh chiều thứ Tư, April 26, 2023 lúc 4:50 chiều).

[]



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ