Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

bài đáng đọc (2) : " Nhớ anh Lê Văn Nghĩa : Một sát na vui vẻ của đường trấn "/ Phạm Xuân Loan /tphcm -- trích: tuổi trẻ online (tphcm)

 

26/07/2021 09:54 GMT+7

Nhớ anh Lê Văn Nghĩa: Một sát na vui vẻ của đường trần3

PHAN XUÂN LOAN
PHAN XUÂN LOAN

TTO - Một đồng nghiệp, một người bạn vừa ra đi. Từng làm việc chung khá lâu, khác ban, khác nội dung, nhưng nói theo kiểu miền Nam là "đụng mặt nhau mỗi ngày". Vậy mà khi cần, chẳng có câu chuyện gì liền lạc để kể.

Nhớ anh Lê Văn Nghĩa: Một sát na vui vẻ của đường trần - Ảnh 1.

Anh Lê Văn Nghĩa chấm giải cuộc thi thơ biếm bên lề chương trình trao giải Hai Cù Nèo vào tháng 1-2014 tại Thảo cầm viên TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Chỉ là những mảng rời rạc đâu đó trong ký ức.

Một người vui vẻ, chan hòa. Quan tâm tới người khác. Có lần tôi đi dự một buổi diễn của ca sĩ Duy Quang, một trong những buổi diễn cuối đời của người nghệ sĩ. Lần đó gặp cha anh, bác Phạm Duy, tôi chạy đến trò chuyện.

Là một người làm báo, tôi từng trao đổi email với bác nhiều lần, trong những email đó bác hay xưng là người ở "thị trấn giữa đàng". Tôi hỏi thăm sức khỏe bác, nói với bác tôi là người đã viết cho "người ở thị trấn giữa đàng". Không biết là khoảnh khắc đó đã được ai đó chụp hình, ghi lại.

Khá lâu sau... Một hôm nọ, anh Lê Văn Nghĩa đến trước cửa ban gọi tôi ra, chìa cho một trang báo. Tôi mở ra: một bài báo về bác Phạm Duy mà hình mình họa cho bài báo là tấm ảnh chụp tôi và bác Phạm Duy.

Trời, tôi ngạc nhiên nhìn anh, cảm ơn không sao xiết. Khi tôi nhận được trang báo đó, bác Phạm Duy lẫn con trai bác, ca sĩ Duy Quang hát chính hôm đó, đều đã về nơi "cõi hết".

Giờ thì người giữ và gởi cho tôi bài viết đó, có tấm ảnh đó, cũng đã ra đi.

Ra đi vào cái thời mà người ta không thể viếng nhau lần cuối để sống đúng theo kiểu được dạy "nghĩa tử là nghĩa tận".

Cái thời mà người ta không thể nói chắc gì về ngày mai. Chỉ có thể biết là sau này rồi sẽ rất khác, và những tháng năm này như một bản lề để chuyển sang một thời kỳ khác, vẫn còn bất định.

Cái thời mà những bạn bè, người thân không thể ngồi cùng nhau để nhắc với nhau về một người đã sống, về những ký ức về người đó mà mỗi chúng tôi còn lưu giữ, để ráp nối lại thành một bức mozaika đầy màu sắc về cuộc đời của một hạt bụi đó trong vũ trụ.

Tôi nghĩ gì về anh? Một con ong chăm chỉ, hơi cô đơn. Chẳng hiểu sao tôi liên tưởng như thế khi nhớ đến phòng làm việc nhỏ của anh, đầy những sách báo, tư liệu, hình ảnh anh cóp nhặt. Bụi bặm, xô lệch. Cũng bụi bặm và xô lệch như những năm tháng chúng tôi đã sống qua.

Tôi về Tuổi Trẻ muộn, năm cuối cùng của thập niên 1980, không biết nhiều về những năm tháng vật chất khó khăn trước đó của tờ báo. Nhưng những năm khó khăn đó cũng như suốt thập niên 1980, đầu những năm 1990, là những năm tháng làm nên tên tuổi của một tờ báo trẻ Sài Gòn.

Thời các nhà báo phải đạp xe hàng chục cây số đi lấy tin, trong nhà xe bói mãi mới ra một chiếc xe gắn máy. Thời khó khăn nhưng sôi động, lạc quan. 

Thời Tuổi Trẻ Cười có thể thu hút độc giả đến đầy sân với những tiểu phẩm cười để đời, với những ca khúc của các nhóm trẻ hát về thời lý tưởng họ mỏi mong.

Anh là một trong những người của thời kỳ đó. Chăm chỉ viết, họp mặt cộng tác viên, cần mẫn và lặng lẽ làm công tác tòa soạn, để những tiểu phẩm cười được in trên trang báo và diễn trước công chúng. Để độc giả có thể tự trào về cuộc sống khó khăn của họ, cười vào những thói quen xấu, những trái khoáy của công cuộc xây dựng thời Đổi mới…

Thời gian về sau, anh là người viết những câu chuyện về những đứa con nít quậy phá của Sài Gòn, những đứa học trò nhất quỷ nhì ma, về những chấm phá khác của một thành phố nơi chúng tôi sinh ra, và cùng nó trải qua bao thăng trầm.

Bệnh nhưng lạc quan, ít ai biết anh ốm đau gì dù anh gầy rộc đi thấy rõ. Nhưng sự tươi vui vẫn vậy. Gặp tôi, luôn luôn vẫn là câu chào đùa giỡn: "Naomi Campbell" hay "Loan mắt nhung" (dù tôi hoàn toàn không có chút nào tính cách của những nhân vật này, ngoài nước da, và một cái tên!).

Có lẽ anh sẽ muốn mọi người nhớ tới mình như thế, một chút hóm hỉnh, một chút vui vẻ. Suy cho cùng, chỉ là một sát na sống của "đường trần đâu có gì" thôi, có phải không?…

Thắp một nén nhang tâm tưởng vĩnh biệt anh, anh Lê Văn Nghĩa!

Nhớ anh Lê Văn Nghĩa: Một sát na vui vẻ của đường trần - Ảnh 2.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa ký tặng sách cho bạn đọc trong một lần giao lưu tại Đường sách TP.HCM - Ảnh: L. ĐIỀN

Nghĩa ơi, ông đi nhé!

Khi hay tin nhà báo Lê Văn Nghĩa qua đời, nhiều bạn đọc dẫu ở xa ông cả về không gian địa lý lẫn nghề nghiệp chuyên môn, cũng thốt lên: Ôi, vĩnh biệt anh Hai Cù Nèo. Quả thật, hình tượng Hai Cù Nèo cùng với những tác phẩm báo biếm của Tuổi Trẻ Cười là một thành công đỉnh cao trong sự nghiệp làm báo của Lê Văn Nghĩa.

Một cựu học sinh trường PTTH Lê Hồng Phong - đồng môn tuổi vong niên Petrus với Lê Văn Nghĩa - viết mấy dòng khi đọc tin trên báo biết ông ra đi trong đêm qua: "Ôi anh Nghĩa... Mong anh ấy yên nghỉ! Cả tuổi thơ của em luôn ấn tượng với Tuổi Trẻ Cười, những chuyện hài hước của anh Hai Cù Nèo..." (Hoàng Phúc Thông).

TS sử học Quách Thu Nguyệt ngỡ ngàng đến sáng nay 26-7 mới hay tin khi đọc báo Tuổi Trẻ: "Sáng nay mở tờ báo giấy Tuổi Trẻ, lướt nhìn góc trái trang nhất, cứ tưởng lại thêm một tác phẩm mới anh viết về SG trong mùa dịch vật... Đọc bài viết anh Huỳnh Như Phương ở trang VHVN lặng người! Mở FB thấy dầy đặc ảnh anh, lòng héo hắt.

Dịch COVID đã não lòng, dạo này lại nhiều tin bạn bè, người quen biết ra đi nhiều quá, phải chăng họ chán cảnh đời ô trọc, hiều rủi ro quá rồi sao? Buồn thật là buồn! Vĩnh biệt anh Lê Văn Nghĩa!".

TS Nguyễn Thị Hậu nhớ ông Lê Văn Nghĩa như một người em nhớ bậc đàn anh do lẽ trước đây: "Khi ba tôi còn sống, anh Lê Văn Nghĩa rất thân với ông. Hai anh em hay nhậu với nhau và "nói chuyện đời" dù khác nghề nghiệp: ba tôi làm việc bên sân khấu còn anh Nghĩa làm báo.

Hình như hai anh em biết và thân nhau từ những lần ba tôi đến Nhà văn hóa Thanh niên nói chuyện về "Lịch sử và đặc điểm của sân khấu cải lương Nam bộ", hay đưa Đoàn kịch Nam bộ đến biểu diễn ở các trường đại học từ những năm 1976, 1977...

Tôi hay đọc sách anh viết về Sài Gòn, từ truyện, tạp văn đến khảo cứu...

Từ anh và một vài người anh nữa mang lại cho tôi một hình dung về Sài Gòn như tôi đã viết "Sài Gòn như một người đờn ông từng trải, phong cách hào hoa phong lưu nhưng tâm hồn chân tình và đa cảm, dù cuộc đời lúc sang trọng khi nghèo khó, "lên xuống" bầm giập nhưng không làm mất đi lòng nghĩa hiệp và nhân ái.

Từ biệt anh Lê Văn Nghĩa. Anh đi bình an. Đừng buồn vì tụi em không đến tiễn anh được, anh nhé!".

Nhà báo Lê Thị Bạch Mai vốn thân thiết với Lê Văn Nghĩa từ hồi còn đi học. Đêm qua hay tin ông mất thảng thốt viết lên trang cá nhân: "23h30, trên trang nhà tôi toàn tin buồn về ông đó, Lê Văn Nghĩa! Vì tôi với ông có rất nhiều bạn chung. Buồn không nói nổi.

Trong tôi, ông còn hơn một người bạn. Tụi mình gắn bó với nhau từ thời tờ báo Bất Khuất của Pétrus, tờ báo Áo Trắng của Lê Văn Duyệt lận mà. Rồi cũng từ ông mới có một "chị Chích Chòe" trên báo Tuổi Trẻ Cười. Tụi mình lâu rồi không gặp nhau. Giờ thì ông đi mất luôn. Tôi biết hờn giận ai đây? Muốn tiễn đưa cũng không thể. Thôi thì bạn cứ đi, để nước mắt lại cho tôi...".

photo-1

Nhà báo Lê Văn Nghĩa (trái) và nhà báo Nguyễn Đông Thức (phải) trong lần giao lưu về đề tài Sài Gòn trong các sách gần đây - Ảnh: L. ĐIỀN

Cũng đồng nghiệp làm báo Phụ Nữ TP.HCM một thời với chị Bạch Mai, nhà báo Nguyễn Thế Thanh ngậm ngùi viết lời chia tay với nhà báo Lê Văn Nghĩa: "Sinh cùng năm (1953), bắt đầu làm báo cùng một thời điểm đặc biệt (1975), làm việc cùng tờ báo với vợ ông trong nhiều năm, chứng kiến đứa con trai đầu tiên và duy nhất của ông chào đời và dự đám cưới khá đặc biệt của cháu.

Rồi, khi từ giã cuộc sống độc thân, thật trùng hợp là người đàn ông tôi chọn làm bạn đời lại cùng tên với ông. Tưởng đã hết những cái cùng, vậy mà vẫn còn một cái cùng nữa: chỗ tôi đang làm việc là một cái nhà thuê tình cờ lại ở con hẻm nhà ông.

Ngồi với nhau cuộc này cuộc nọ, nói với nhau những câu chuyện rất sâu của cuộc đời trong hơn 45 năm quen biết, vậy mà 22h25 phút hôm nay khi ông bước vào cuộc viễn hành không trở lại tôi đã không đến được để chỉ nắm tay ông nói: Nghĩa ơi, ông đi nhé!".

Cùng chơi với nhà báo Lê Văn Nghĩa trong "nhóm bạn già" chung với thầy giáo Huỳnh Như Phương, nhà văn Trần Bảo Định cho rằng không ai kiên cường như Lê Văn Nghĩa. "Với tôi, Lê Văn Nghĩa là người bạn quý, lại đồng bệnh tương lân. Có thể thấy tinh thần kiên cường của Lê Văn Nghĩa bắt nguồn từ hồi thanh niên đấu tranh và bị đi tù Côn Đảo.

Những người nằm cùng SAM với Lê Văn Nghĩa cho biết cậu học sinh Petrus Ký khi nhập trại lại là người hay hoạt náo, ưa kể chuyện tiếp lâm chọc cười mọi người, có lẽ Nghĩa muốn giấu những lo lắng sợ hãi đằng sau cách hoạt náo gây cười cho mọi người.

Đến những năm cuối đời khi mắc bệnh hiểm nghèo, Lê Văn Nghĩa vẫn bình thản tranh thủ từng chút thời gian để viết sách. Chạy đua với bạo bệnh là các đầu sách của Nghĩa ra mắt đều đều trong các năm cuối cùng, tôi vẫn nói với Lê Văn Nghĩa rằng ông viết sách như một liệu pháp để vượt qua bạo bệnh".

Và với nhà văn trẻ Tống Phước Bảo, kỷ niệm với chú Lê Văn Nghĩa vẫn còn mới nguyên: "Nhớ chú bảo phải viết thiệt nhiều về Sài Gòn đó. Mình rón rén khoe cháu sắp in 1 tập về Sài Gòn. Chú cười nói viết tiếp nữa đi, in nhiều chứ, Sài Gòn có nhiều thứ để viết, nhất là phải nhìn bằng cái nhìn của người trẻ, phải ôn cố nhưng tri tân.

Bữa chiều đó mình thấy chú đúng là một người thương Sài Gòn mãnh liệt... chú mất nhưng chữ NGHĨA vẫn còn với Sài Gòn này. Thật vậy, mình tin trong làng Văn, làng Báo, hình ảnh ông Hai Cù Nèo sẽ khắc sâu với biết bao người".

LAM ĐIỀN ghi

Nhớ anh Lê Văn Nghĩa: Một sát na vui vẻ của đường trần - Ảnh 5.
Vĩnh biệt nhà văn - nhà báo - anh Hai Cù Nèo Lê Văn NghĩaVĩnh biệt nhà văn - nhà báo - anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa

TTO - Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, cây bút biếm và viết truyện trào phúng gắn bó với làng báo Sài Gòn - TP.HCM vừa qua đời lúc 22h25 hôm nay, 25-7, sau thời gian dài chống chọi với bạo bệnh.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ