bài đáng đọc: Vũ Hà Tuệ &" Thú chơi được thời gian ủng hộ "/ Lam Điền -- trích: tuổi trẻ online ( tphcm)
TTCT - Nhã Nam Thư Quán vừa thông báo dành nguyên tháng 8 này cho triển lãm các sách gốc và ấn bản liên quan đến Tự Lực văn đoàn. Cuộc trưng bày được tuyển chọn từ các bộ sưu tập tư nhân, một phần tư trong số đó đến từ tủ sách của kiến trúc sư trẻ Vũ Hà Tuệ, người tham gia đợt trưng bày các bản Kiều cổ vào tháng 7.
Anh đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi.
Vũ Hà Tuệ chuẩn bị cho đợt trưng bày sắp tới - Ảnh: L.Đ. |
* Những đầu sách của Tuệ chiếm vị trí thế nào trong triển lãm Tự Lực văn đoàn lần này? Đây có phải là những kết quả sưu tập tâm đắc?
- Tôi tham gia hơn chục đầu sách. Đó là các sách có thủ bút của các tác giả Thế Lữ, Tú Mỡ, Nhất Linh, Xuân Diệu. Có một tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng với chữ ký của cụ, trang bìa giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay số 4 với chữ ký của Nhất Linh - người chủ trương tờ báo này. Nếu nói ưng ý thì ở đây có quyển Fautes courantes do Phạm Tá và Nguyễn Tường Tam soạn vào năm 1927, trong đó sửa và giải thích những lỗi ngữ pháp Pháp văn mà học sinh thời đó thường mắc phải.
Đây là một quyển sách lạ, khi tôi tình cờ mua được ở nhà sách cũ, hỏi anh em trong giới sưu tập cái tên Nguyễn Tường Tam trên sách này liệu có phải là nhà văn Nhất Linh không, có khi nào Nhất Linh viết một quyển sách về văn phạm không thì không ai biết. Đến khi gặp một người bạn có quyển sách của Nhất Linh với trang bìa sau ghi các tác phẩm cùng một tác giả có tên quyển này, mới yên tâm đây là một quyển sách đặc biệt - sách dạy tiếng Pháp chứ không phải tác phẩm văn chương - của Nhất Linh.
* Là dân kiến trúc, liệu có mối liên quan gì giữa một kiến trúc sư với nhà sưu tập sách cổ, tư liệu quý?
- Vâng, tôi tốt nghiệp kiến trúc năm 2004. Nhưng vào năm 2002, khi còn đang học tình cờ tôi xem được bản Văn họa tập kỷ niệm Nguyễn Du, chú ý nhất là mấy tấm tranh. Từ tò mò tìm hiểu về tranh minh họa trong các sách, tôi lần theo các tranh minh họa Kiều, rồi quan tâm đến các bản Kiều và trở thành người sưu tập Kiều luôn.
Làm kiến trúc, tôi quan tâm đến bản vẽ các công trình cổ xưa, nếu bắt gặp thì sẵn sàng sưu tập. Còn thú chơi sách có lẽ bắt nguồn từ tủ sách gia đình. Ba tôi trước 1975 làm giáo viên văn, nhà có nhiều sách. Hồi nhỏ cứ lấy sách trong tủ ra đọc, lâu ngày tôi đâm mê sách, muốn tìm kiếm sách và bản thảo của các nhà văn.
* Tuệ bắt đầu việc sưu tập bằng những bản Kiều? Hành trình tìm kiếm ấy có kỷ niệm nào đáng nhớ không?
- Đã sưu tập thì tham gia vào giới, giao lưu trao đổi thông tin, kết nối anh em từ trên mạng Internet đến các vùng miền trong Nam ngoài Bắc. Kỷ niệm về sưu tập thì nhiều, như có lần nhờ tìm trên mạng mà phát hiện bên Pháp có chủ tiệm sách cũ rao bán hai bản Kiều được dịch sang Pháp văn, một của Thu Giang, một của L. Mass.
Giới sưu tập Việt Nam lâu nay xếp các bản Kiều tiếng Pháp vào hàng quý hiếm, kể cả hai bản này. Đến khi thương lượng mua được rồi, đem về xem thì thấy hai bản của Thu Giang và L. Mass giống y nhau từng câu chữ. Thấy lạ, tôi bỏ công tìm hiểu hai tác giả này thì phát hiện L.Mass với Thu Giang là một, đây là một tác giả Pháp, lấy tên Việt là Thu Giang.
Còn về Truyện Kiều quý hiếm thì phải kể đến bản của Phạm Kim Chi, in lần đầu năm 1917. Phạm Kim Chi phiên âm từ bản chép tay do cụ nghè Nguyễn Mai - cháu của Nguyễn Du - giữ được. Người chơi sách như cụ Vương Hồng Sển mà cả một đời cũng chưa tìm được bản này.
Đến nay, tôi có khoảng 30-40 bản Kiều được xem là có giá trị. Nếu theo bảng xếp loại của cụ Vương Hồng Sển về các bản Kiều quý hiếm thì tôi có gần đủ, chỉ thiếu vài quyển như bản Kiều dịch sang tiếng Pháp của A. Michel, bản của Bùi Khánh Diễn... Nhưng trong những năm gần đây, tôi tập trung sưu tập bản thảo và thủ bút của các nhà văn, cũng để chơi thôi chứ không nhằm mua bán.
Bìa tờ Văn Hóa Ngày Nay có chữ ký Nhất Linh - Ảnh: L.Đ. |
* Tại sao lại là thủ bút?
- Giới sưu tập thủ bút có nhiều mục đích, riêng tôi chỉ vì thích giữ lại những tư liệu của các tác giả văn học. Này nhé, mình cầm trên tay một trang giấy chép tay của nhà văn Vũ Trọng Phụng thì cũng như nhà văn nổi tiếng ấy đang hiện thân qua từng dòng chữ sống động, hay cầm quyển sách Trung Hoa sử cương có chữ ký của tác giả Đào Duy Anh, tức là ngày xưa cụ Đào cũng từng cầm trong tay quyển này như mình ngày nay vậy... Chỉ nghĩ đến đó thôi mình đã thấy sướng run lên rồi.
Ngoài ra, việc để lại thủ bút trên sách thường làm cho bản sách đó trở thành độc bản, làm tăng giá trị quý hiếm của bản sách. Có khi thủ bút mang những thông tin quan trọng về thời gian, địa điểm, gắn liền với cuộc đời nhà văn, có giá trị giúp nhà nghiên cứu đời sau sáng tỏ thêm một số vấn đề về tư liệu.
* Như vậy, có vẻ như người sưu tập phải làm luôn công việc khảo cứu để xác định các giá trị của thủ bút?
- Với tôi, tìm được thủ bút không quan trọng bằng tìm ra giá trị của thủ bút. Hành trình này tốn nhiều công phu nhưng mang ý nghĩa góp phần cho công việc tìm hiểu các nhà văn, chứ không nên nhìn người sưu tập chỉ là những anh chàng lắm tiền chỉ biết mua, cất giữ và hét giá. Như lần tôi mua quyển Trung Hoa sử cương do Quan Hải Tùng Thư ấn hành, sách còn chữ ký của chính tác giả Đào Duy Anh ký tặng “Mỹ Ấm tiên sinh”. Giới chơi sách lâu nay không biết Mỹ Ấm là ai, tôi tra cứu thì ra Mỹ Ấm tức là Trương Vĩnh Tống, con của Trương Vĩnh Ký.
Cũng trên hành trình ấy, tôi gặp câu chuyện về quyển Giông tố của Vũ Trọng Phụng, linh mục Nguyễn Hữu Triết sưu tập được, có cả chữ ký của Vũ Trọng Phụng tặng một người là Nguyễn Tài Thức, bên cạnh đó còn một thẻ nhà báo của Vũ Trọng Phụng cũng ghi tặng Nguyễn Tài Thức. Nhưng không ai biết Nguyễn Tài Thức là ai.
Một ngày tình cờ tôi mua được quyển sách phê bình văn học của Kiều Thanh Quế có chữ ký tác giả tặng “Đông Chi Nguyễn Tài Thức”. Từ chi tiết này, tôi lần tìm cái tên Đông Chi, hóa ra ông là một nhà báo ở Sài Gòn, từng viết phê bình văn học trên báo Điện Tín và đánh giá rất cao tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lúc đương thời (những năm 1930). Có lẽ mối quan hệ tương đắc ấy là lý do để Vũ Trọng Phụng ký tặng cả sách lẫn thẻ nhà báo của mình cho ông.
* Tuệ có thể “bật mí” về những thủ bút ưng ý sưu tập được và dự tính nghiên cứu trong tương lai?
- Hiện tại tôi có thủ bút của hơn 300 tác giả. Trong đó khoảng 20-30 cái là hiếm. Còn với các bản thảo chép tay thì quý hơn những chữ ký hay câu viết thông thường. Vì đấy là bản thảo hình thành trước khi in sách, có giá trị riêng. Hiện nay trong giới có thông tin có người mang giấy bút đến nhờ Nguyễn Huy Thiệp chép lại tác phẩm của mình, cũng là một cách sưu tập thủ bút là bản thảo chỉn chu.
Công việc kiến trúc của tôi bận rộn nhất là từ giữa năm đến cuối năm. Thời gian rảnh dành cho sưu tập, tìm hiểu, xem xét các tư liệu. Tôi cũng có dự định tập hợp anh em sưu tập có tâm huyết lại, cùng nhau xuất bản một tập sách với thủ bút và chân dung các tác gia Việt Nam.
Dự tính như vậy, còn hình thức và nội dung thế nào thì chưa định. Với các tác giả đương thời như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Thân, khi có dịp tôi cũng sẽ xin thủ bút để dành. Thú chơi này có cái hay là mình được thời gian ủng hộ.
* Cảm ơn Tuệ và chúc nhà sưu tập thành công.
Mỗi tháng một triển lãm sách gốc Từ ngày 6 đến 28-8-2011, gần 100 ấn bản sách báo cổ của Tự Lực văn đoàn sẽ được trưng bày tại Nhã Nam Thư Quán. Các bản sách quý hiếm này được tuyển chọn chủ yếu từ ba nhà sưu tập tại TP.HCM: Hoàng Minh, Trần Văn Trung và Vũ Hà Tuệ. Những người đam mê sách sẽ có dịp chiêm ngưỡng, tìm hiểu các bản sách Tự Lực văn đoàn ra đời cách đây 60-70 năm. Trong đó có những bản in đầu tiên của nhiều tác phẩm nổi tiếng như hai tập thơ của Xuân Diệu là Thơ thơ (NXB Đời Nay - 1938) và Gửi hương cho gió (NXB Thời Đại - 1945), tiểu thuyết Nửa chừng xuân của Khái Hưng (Trung Bắc Tân Văn - 1934) Vàng và máu của Thế Lữ (An Nam Xuất bản cục - 1934)... Người xem sẽ được tận mắt nhìn thấy hai tờ tuần báo nổi tiếng của Tự Lực văn đoàn là Phong Hóa và Ngày Nay, hai tờ báo được xem là những luồng gió mới của báo chí Bắc kỳ thời kỳ đầu thế kỷ 20. Đây là đợt trưng bày tiếp theo loạt “trình diễn” về các bản Kiều cổ hồi tháng 7. Ông Dương Thanh Hoài - phó giám đốc Nhã Nam - cho biết kể từ triển lãm Tự Lực văn đoàn này, Nhã Nam Thư Quán sẽ đều đặn tổ chức mỗi tháng một chuyên đề triển lãm sách gốc, tháng 9 tới sẽ là dịp trình diễn các ấn phẩm thuộc dòng Thơ mới. |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ