Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2023

bài đáng đọc : " Thái Thăng Long : " Hồn thơ Hà Nội giữa lòng Sài Gòn "/ Xuân Tiến -- trích : https://nguoiduatin.vn>

 Thái Thăng Long: Hồn thơ Hà Nội giữa lòng Sài Gòn

Thái Thăng Long: Hồn thơ Hà Nội giữa lòng Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Trong thẳm sâu trái tim nhà thơ mang bút danh của kinh thành nghìn năm tuổi, ký ức về Hà Nội vẫn chưa bao giờ quên lãng.

Gần 40 năm rời xa Hà Nội, Thái Thăng Long vẫn lưu dấu trong tâm hồn mình vẹn nguyên những ký ức đẹp nhất về mảnh đất kinh kỳ. Chính từ nơi đó, một tâm hồn nghệ sĩ đã được "nuôi dưỡng" bằng những gì tinh túy nhất. Để đến hôm nay, 500 bài thơ viết về Hà Nội đã ra đời, đưa Thái Thăng Long trở thành một cơn gió mát lành từ phương Bắc thổi vào Sài Gòn đô hội.

Xã hội - Thái Thăng Long: Hồn thơ Hà Nội giữa lòng Sài Gòn

Nhà thơ Thái Thăng Long

Ký ức tuổi thơ là ký ức sôi động nhất của đời người

Với người thi sĩ ấy, bút danh Thăng Long cũng chính là nàng thơ của anh trong suốt cuộc đời cầm bút. Anh sinh ra ở Hà Nội, trong một gia đình dòng dõi 5 - 6 đời cư ngụ ở Ngọc Hà. Kỷ niệm về những tháng ngày ở Hà Nội trong anh là những kỷ niệm thơ ấu thật đẹp, thật êm đềm. Tất cả những ký ức tuổi thơ ấy luôn cùng đồng hành trong từng giấc ngủ, trong mỗi hơi thở, trong mỗi nhịp đập nơi trái tim anh. Tình yêu Hà Nội trong anh là sắc đỏ phù sa của sông Hồng thân thuộc, là những con đường cũ rêu phong với những cơn gió heo may nhè nhẹ, là lây phây mưa phùn dưới mái ngói vảy cá phố cổ, là tất cả những gì thuộc về Hà Nội, một Thủ đô nghìn năm văn hiến. Vì thế, bút danh Thái Thăng Long của anh, tất nhiên là có ẩn ý rất rõ.

Nhớ lại năm đó, năm 1969, anh vào chiến trường B2 - Nam Bộ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, anh bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên cho tờ Văn nghệ Quân giải phóng với bút danh Thái Thăng Long (anh họ Thái). Thăng Long - tựa như một lời nhắn gửi tha thiết rằng các anh sẽ trở về với Hà Nội trong vinh quang của ngày độc lập chiến thắng. Thăng Long - đó còn là lời hứa quyết tử quyết sinh cho Hà Nội thương yêu.

Sau khi chiến tranh kết thúc, nhà thơ Thái Thăng Long chỉ về thăm lại Hà Nội để thỏa nỗi nhớ mong trong suốt những tháng ngày gian khổ nơi chiến trường bom đạn. Để rồi cuối cùng, anh quyết định chọn thành phố Hồ Chí Minh để sinh sống và làm việc, vì anh thấy nó thích hợp với tính cách của mình hơn. Đó là một thành phố trẻ, sôi động, khiến con người lúc nào cũng có cảm giác phấn chấn, luôn muốn hoạt động. Rồi anh thi vào khoa Văn, Đại học Tổng hợp (nay là Đại học KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh). Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh công tác trong lĩnh vực xuất bản cho đến khi nghỉ hưu. Từ đó đến nay, đã gần 40 năm, Thái Thăng Long gắn bó với thành phố năng động này.

Với nhà thơ Thái Thăng Long, làm thơ về Hà Nội không khó, đề tài chỉ là một phần, cái gốc vẫn là sự tài hoa và cảm xúc. Hà Nội muôn năm là vậy. Cứ tìm cái tinh hoa của Hà Nội ngày xưa và nay ở trong đời sống hằng ngày thì trong sáng tác sẽ thăng hoa. Cảm nhận từ nỗi đau, nỗi buồn và khát vọng. Từ đó khởi nguồn cho những tứ thơ kỳ diệu. Nhưng có một sự thật, nếu anh vẫn sinh sống ở Hà Nội, có lẽ những bài thơ về Hà Nội của anh đã không có được cái chất sâu lắng, đằm thắm, nồng nàn và day dứt như nó đang có và sẽ có. Dường như, nhà thơ trưởng thành từ mưa bom lửa đạn cũng dự cảm được điều đó nên trong buổi trò chuyện với tôi, anh thừa nhận rằng: "Bởi chỉ khi ta xa, khi ta nhớ, thì tình cảm mới được bộc lộ hết, mới có được những lúc lắng hồn để mà cảm nhận trong ký ức, trong kỷ niệm, để rồi hiện ra thành con chữ, câu thơ bằng cả tâm hồn mình, trái tim mình". Nói rồi, tôi thấy anh như thả hồn về một nơi nào xa xăm lắm, nhưng nét hài lòng lại thoáng hiện trên gương mặt.

Xã hội - Thái Thăng Long: Hồn thơ Hà Nội giữa lòng Sài Gòn (Hình 2).

Nhà thơ Thái Thăng Long (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn hữu

Thơ hay phải "sống" được cùng thời gian

Nhà thơ Thái Thăng Long luôn có nhiều trăn trở, suy nghĩ trong cuộc sống. Từ kinh tế đến chính trị, từ văn học đến con người, đất nước trong tương lai. Với anh, nhà thơ, nhà văn phải tự thân là một nhà tư tưởng. Nếu không có tư tưởng thì đừng là nhà văn, nhà thơ. Thơ ca, văn chương phải có trí tuệ, phải ẩn dụ, phải có tư tưởng, phải dấn thân.

Theo nhà thơ Thái Thăng Long, thơ hay là thơ muôn thuở, là thơ sống được, sống mãi với thời gian. Thơ hay là ngôn ngữ phải có tính ẩn dụ, giai điệu gợi cho người thưởng thức nhiều trạng thái xúc cảm, ám ảnh với từng câu, từng chữ, từng hình ảnh được thể hiện qua bài thơ. Để thơ mình tồn tại trong lòng bạn đọc thì phải có sự phấn đấu, phải có thái độ nghiêm túc với thơ, phải sống thật với cảm xúc chính bản thân mình. Văn học phải phản ánh thân phận, khát vọng nỗi đau tâm trạng hiện thực của con người. Vì vậy, nếu văn học mà đứng ngoài cuộc, đứng ngoài nhân dân thì khó mà tồn tại.

Luôn giữ vững một quan điểm như thế về sáng tác thơ ca, nhà thơ Thái Thăng Long cảm thấy lo ngại về tình hình xuất bản thơ ca hiện nay. Có lẽ phong trào xã hội hóa của kinh tế thị trường đã đi đến từng ngóc ngách của các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có thơ văn. Vô hình trung, ý nghĩa của danh từ nghệ sĩ đã bị giảm đi phần nào sự thiêng liêng, tinh túy. Ai cũng có thể làm thơ, xuất bản thơ. Lại thêm sự hà hơi tiếp sức của báo chí, ngoài văn chương mà đơn thuần là các kiểu PR - quảng cáo, khiến cho công việc làm thơ dần biến dạng, trở thành một món hàng trên thị trường mua bán. Trong hoàn cảnh ấy, người làm thơ, nếu tự bản thân hoang tưởng về tài năng của mình như những lời người khác ca tụng, thì đó cũng chính là sự xuống cấp của thơ và thơ mất giá là đương nhiên. Mặt khác, người thiệt thòi hơn chính là những người yêu thơ, độc giả thơ.

Nhưng điều đáng trân trọng ở Thái Thăng Long là đi qua những băn khoăn, trăn trở ấy, anh vẫn luôn dành niềm tin vào lớp trẻ hôm nay. Họ sẽ làm được những điều mà các thế hệ trước kỳ vọng. Thơ ca Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước phát triển, tạo nên diện mạo mới cho văn chương Việt Nam sánh vai với các "cường quốc" văn chương nghệ thuật khác trên thế giới. Anh không quá lo ngại về nền văn chương nước nhà vì anh quan niệm, văn chương cũng như nguyên lý tảng băng trôi, chiều sâu đang bị chìm đi, sau này mới có giá trị. Những gì tung hô nhất thời mà không có giá trị thật thì sau này sẽ bị rơi vào quên lãng.

Cho đến thời điểm hiện tại, nhà thơ Thái Thăng Long đã có hơn 40 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc. Trong đó, có nhiều bài được đông đảo bạn yêu nhạc mến mộ, yêu thích. Những bài đó xem như sống được với thời gian. Tuy vậy, anh chia sẻ, khi làm thơ, thật sự anh không nghĩ bài thơ này, bài kia sẽ được phổ nhạc hay không. Anh vốn mê âm nhạc, hội họa từ bé. Lớn lên lại luôn tìm hiểu về vũ trụ, sự tinh diệu của bầu trời và những tinh tú, sự hình thành trái đất, con người. Có thể những điều đó đã ngấm trong anh và như một điều tự nhiên mà ngôn ngữ thơ là dòng chảy của nhạc điệu. Vả lại, theo anh, thơ ca vốn dĩ nó cũng đã mang trong mình một phần của nhạc cảm.

Nhà thơ Thái Thăng Long tên thật là Thái Gia Trí, sinh năm 1950, tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Năm 1969, anh vào chiến trường B2 Nam Bộ, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau giải phóng, anh định cư tại TP.HCM. Thái Thăng Long là nhà thơ có nhiều bài được phổ nhạc về Hà Nội như Chiều phủ Tây Hồ, Mơ về nơi xa lắm, Chiều hoang… Cho đến nay, sáng tác của anh có đến hơn 500 bài thơ in trong nhiều tập: Ám ảnh, Chiều phủ Tây Hồ, Hà Nội của tôi, Thời gian huyền thoại, Đồng hành thế kỷ.

Xuân Tiến


--------------------


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ