bài đáng đọc (2) : " tác giả Nguyễn Khôi với " BÀNG GIA VỌNG TỘC"/ Phạm Cao Phong / Paris -- posted by Bâng Khuâng at 29 December 2019.
Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019
TÁC GIẢ NGUYỄN KHÔI VỚI “BÀNG GIA VỌNG TỘC” - Phạm Cao Phong
Phạm Cao Phong
Người Việt vốn kiệm lời khen. Bây giờ còn tệ hơn, “khen cho mày chết”, khen dìm hàng. Nhà văn lại càng kẹo, viết cho ai một dòng đã khó, viết một quyển sách về ai thì đếm trên đầu ngón tay. Đời vốn có câu: “Văn mình, vợ người”. Vì vậy, khi cầm tập ba “Bàng gia vọng tộc” trong chùm sách bốn tập gồm đến hơn 900 trang “Cổ Pháp cố sự” của nhà văn Nguyễn Khôi tôi thấy bất ngờ.
Nhà thơ Nguyễn Khôi
Hơn nữa “Bàng gia vọng tộc” lại dài hơi nhất, mất công cầy cuốc nhất, dẻo chân điền giã nhất để nhà văn cho ra mắt cuốn sách dầy hơn 360 trang in. Đây là tập ba của bộ sách mà ông tập trung viết những nhân vật, sự kiện liên quan đến vùng đất Bắc Ninh, cội rễ của ông.
Đối thoại với nhà văn, tôi nhìn vào mắt ông, trong lòng tự hỏi: điều gì đã hối thúc một ông quan trước kia của chế độ, chuyên tháp tùng các quan chức Quốc hội, Chính phủ, thậm chí cho cả phó thủ tướng, gà chữ, viết hộ diễn văn cho các cụ lớn, bây giờ về già lại tuột mất “lập trường chính trị”, bỏ được giọng văn “lưỡi gỗ” của các bài lên lớp, chưa nói đã hiểu, mà nói gì cũng không ai hiểu. Quá quắt hơn, lại đi viết về một văn sĩ như Bàng Bá Lân, Phó Chủ tịch Hội Văn bút Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Ngày trước vẫn bị gọi là “Ngụy”, mà là “Ngụy gộc”.
Điều gì đã xảy ra vậy?
Ở miền Bắc thời trước - quen miệng gọi là Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa dù chẳng biết hình thù cái XHCN ấy tròn hay méo - vẫn tồn tại cho đến bây giờ những cấm kỵ, những giáo điều mà ai cũng biết, đó là tài năng, văn thơ của nhà văn, nhà thơ không đo bằng tác phẩm của họ được đón nhận ra sao trong công chúng. Một xã hội ngự trị lối tư duy sơ sài, duy lý, chỉ có “ta” và “địch”, anh không đồng ý với tôi nghĩa là anh chống tôi.
Cuộc kháng chiến chống Pháp khởi đầu bằng những ngày Hà Nội khói lửa chặn giặc của Trung Đoàn Thủ Đô:
Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời.
Hà Nội hồng ầm ầm rung,
Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên!
Hà Nội đẹp sao! Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng.
Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng.
Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn ngàn nguồn sống tràn đầy dâng.
Hà Nội đẹp sao. Những cửa đầu ô.
Tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm.
Sống vui phố hè. Bồi hồi chàng trai, những đôi mắt nào.
Quanh co chen quanh rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ.
Hàng Đào ríu rít Hàng Đường ,Hàng Bạc, Hàng Gai.
Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu! Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi.
Một ngày thu non sông chiến khu về, đường vang tiếng hát cuốn lòng người…
(“Người Hà Nội”, Nguyễn Đình Thi)
Một nỗi nhớ Hà Nội của Quang Dũng mang theo cuộc trường chinh mà lời thơ đẹp, hùng tráng như cuộc chiến của cả dân tộc đồng lòng:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
(“Tây Tiến”)
Sau này, càng ngày càng thưa vắng và gần như biến mất khỏi văn đàn những điều tuyệt vời ấy. Phải chăng những cố vấn Trung Quốc, những chỉnh huấn, chỉnh quân, cải cách ruộng đất đã làm những văn sĩ, nhà thơ ngỡ ngàng, thất vọng, vỡ mộng?
Nhà thơ Bàng Bá Lân (1912-1988) - Ảnh tư liệu
Rất nhiều trong số họ đã từ bỏ cuộc kháng chiến, trở về thành và sau đó vào Nam sau Hiệp định Geneve. Thi sĩ đồng quê Bàng Bá Lân là một người trong đó.
Nhận định về nhà thơ, nhà văn Hồ Nam đã viết: “Muốn đi tìm những âm hưởng của đồng quê Việt Nam thì không gì hơn là đọc thơ Bàng Bá Lân, thi ca của lũy tre xanh, của đồng lúa vàng, của xã hội làng xóm, của thành trì dân tộc.
Thơ Bàng Bá Lân nhiều khi có những vần hiu hắt buồn mà đẹp đến độ toàn bích…
Chỉ vài nét nhỏ, chỉ thế thôi, Bàng Bá Lân đã nói lên tất cả sự hoạt động của buổi sáng mùa gặt ở đồng quê, bằng những vần thơ đáng yêu lạ lùng, đáng yêu một cách không làm sao phân tích nổi”.
Nhận định của Hồ Nam những dòng tiếp theo càng làm chúng ta suy nghĩ hơn nữa: “Trong cuộc chiến đấu cho tình người, trong cuộc đấu tranh nối tiếp truyền thống của dân tộc, Bàng Bá Lân đã cất tiếng ngâm những vần thơ đượm tình đất nước, thắm ý quê hương và rạo rực nhân tính”.
Một thi nhân viết những dòng này có thể là một tên ác ôn?
Lửa hè đốt bụi tre vàng,
Trưa hè ru ngủ xóm làng say sưa.
Khóm chuối lá bơ phờ nghĩ ngợi
Rặng cau gầy nghển với trời cao
Trong nhà, ngoài ngõ quạnh hiu,
Đầu thềm con Vện thiu thiu giấc nằm.
Trong nhà lá tối tăm lặng lẽ,
Tiếng ngáy đều nhè nhẹ bay ra
Võng dây chậm chạp khẽ đưa
Ru hai bà cháu say sưa mộng dài...
Cháu bỗng cựa, rẫy hoài khóc đói,
Tỉnh giấc mơ, bà vội hát lên:
“Ạ ơi...” mấy tiếng. Rồi im.
Nhện tường ôm trứng nằm yên mơ màng.
Ruồi bay thong thả nhẹ nhàng
Muỗi vo ve khóc bên màn thiết tha
Hơi thở nóng luồn qua khe liếp
Làm rùng mình mấy chiếc diềm sô.
Bụi nằm lâu chán xà nhà
Nhẹ nhàng rơi phủ bàn thờ buồn thiu...
(“Tịch mịch”)
Tôi không tin, hồn thơ của ông tinh tế và chân tình quá, thơ của người không làm ác được.
Theo các nguồn tư liệu, trước Cách mạng tháng Tám, Bàng Bá Lân đã có những tác phẩm: “Tiếng thông reo” (1934), “Xưa” (hợp tác với nữ sĩ Anh Thơ, 1941), “Tiếng sáo diều” (1939 - 1945).
Vào Sài Gòn, ông dạy học và cộng tác với nhiều nhật báo, tuần san, bán nguyệt san và xuất bản thêm: “Để hiểu thơ” (1956, “Thơ Bàng Bá Lân” (1957), “Tiếng võng đưa” (1957).
Năm 1969, Bàng Bá Lân xuất bản các tập truyện: “Người vợ câm”, “Vực xoáy”, “Gàn bát sách” (phiếm luận) và tập thơ “Vào thu”. Ông cũng cho in hai quyển sách “Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại” cùng một số sách Giáo khoa Việt văn cho nhiều cấp lớp. Ông còn đứng làm chủ bút tập san “Bông Lúa” vào thập niên 1950 ở Sài Gòn.
Từ 1977 đến 1984, Bàng Bá Lân viết thêm “Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại” quyển 3, hồi ký “Trọn đời cho thơ” (bản thảo đã thất lạc). Ngoài ra, ông còn viết truyện ký danh nhân “Anh em Lumière, ông tổ nhiếp ảnh”, viết sách bình khảo, dịch truyện, dịch thơ, v.v…
Chúng ta cảm động về một tình yêu nhẹ nhẹ, bồi hồi:
Buổi một nàng qua dưới mái hiên
Đường mưa in một gót chân tiên
Ta nhìn theo bước đi ren rén
Bỗng cả lòng yêu náo nức liền...
Từ ấy trên đường loang loáng mưa
Tìm hoài đâu thấy gót chân xưa!
Đường mưa bao gót chân mưa bước,
Gợi mãi tình yêu buổi dại khờ!
(“Tình trong mưa”)
Những bài thơ ấy của Bàng Bá Lân đã không được nhắc tới ở miền Bắc. Những ca sĩ dám hát những bài của Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Trúc Phương, Trần Thiện Thanh… có thể bị tù đầy.
Tư duy “địch”, “ta” vẫn tồn tại và ngự trị ngay đến bây giờ.
Ở đây, tôi chỉ muốn lướt qua một thí dụ nhỏ, chỉ để làm nền. Một mớ hỗn độn, nhưng đủ vô lại và chẳng chút nào quyến rũ. Đó là cuốn “Biên bản chiến tranh 1, 2, 3, 4.75” của Trần Mai Hạnh.
Có nên chăng, những dòng này phải viết ra như vậy. Tư liệu từ đâu, ai kể, ai biết?
Hãy nghe Trần Mai Hạnh viết những dòng về cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia phía VNCH, thời điểm sau khi vừa mất Quân khu 1, Quân khu 2, mô tả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh được lồng cho cảnh, tướng này ngủ gật, kẻ say rượu, người thả hồn vãng lai giữa cảnh nước mất, nhà tan.
“Thiệu gằn giọng, đấm tay xuống bàn làm Nguyễn Văn Toàn choàng dậy. Cặp mắt nung núc thịt trên khuôn mặt giống lính Đại Hàn của Toàn đỏ ngầu. Toàn là tên tướng bẩn và đểu giả nhất quân đội Sài Gòn. Toàn không cầm gậy chỉ huy của tướng, mà cầm ba toong, những lúc nổi điên, y quật cả lính và sĩ quan cấp tá dưới quyền. Toàn nổi tiếng là kẻ háo sắc. Vợ sĩ quan thuộc cấp và vợ lính trông ngon mắt là Toàn tìm cách xài bằng được...
Thiệu dứ dứ chiếc tẩu về phía Toàn:
- Với lực lượng hiện có trong tay, anh giữ được những đâu? (cho Tổng thống Thiệu nói giọng Bắc, chắc tác giả quên?).
Toàn vớ chiếc mũ nồi đen - mũ của lính xe tăng mà lúc ngủ gật đã để rơi xuống bàn, chụp lên đầu…”.
Tả Đặng Văn Quang:
“Dưới ánh điện, tấm thân phì nộn của Quang trông kịch cỡm, tức cười. Cả Sài Gòn biết Quang, Thiệu là kẻ đồng lõa tội ác: cả hai cùng đi lính khố đỏ, cùng được quan tây cho đi học lớp võ bị ở Huế…
Quang thường ngậm xì gà Côrônat, ba hoa với tay chân “các tướng Lắm, Thi, Đính, Du bắt đi học Pholovân uôt, chớ tao đây, tao cóc cần đi học, cứ giết nhiều cộng sản là tao được thăng tướng. Bọn cộng sản khố rách áo ôm, một đồng đô la không dính túi, sức mấy mà chống lại thế giới tự do, chống lại Hoa Kỳ, Nhật Bản. Hố! Hố! Hố”.
(Tôi giữ nguyên phiên âm Trần Mai Hạnh viết)
Trần Mai Hạnh về già, được ngồi “luyện chưởng” 2 năm sau song sắt, với cái án 9 năm tù do đưa cả chân lẫn đầu vào vụ Năm Cam, bị cách tuột chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, âu cũng có thời để ngẫm. Song không phải càng già càng khôn. Vào chốn lao lý, chắc thấm cái máu anh chị làng đao búa mà luyện ra giọng văn? Hay dối trá mãi thành quen, tự chui vào mó bòng bong của chính mình, rồi không chui ra nổi?
Song điều đáng nói, quyển sách lại được Giải thưởng Văn học về văn xuôi, tiểu thuyết năm 2014. Sự vô lại, trâng tráo ấy chường ra, như nói hộ thay các nhà văn Việt Nam?
Lẽ ra không cần dông dài, nhưng vẽ vẻ đẹp của một bông sen, đôi khi phải nói chấm phá một chút về không gian sinh tồn, chốn bùn lầy, nước đọng.
Một thoáng so sánh chợt đến trong đầu tôi về những cây bút thiếu chữ nhân, què quặt trong tâm hồn, khá đúng với những dòng này của Tô Thùy Yên: “Tôi rời ghế, bước vòng ra phía sau chiếc xe G.M.C dùng làm hậu trường. Bài hát chấm dứt. “Ðể đáp lại tấm thịnh tình của quý vị...”. Một bài hát nữa trổi lên. “Let’s twist again”. Tôi nhìn trong khung trống cánh gà thấy nàng hò hét, nhún nhẩy quay cuồng, hạ thổ, vặn vẹo cần máy vi âm. Thiệt là thảm thương. Càng thảm thương hơn là nàng lại biểu diễn hết sức hăng say, quá mức lương tâm nghề nghiệp. Tôi không thể không nhớ tới một đứa bé gái chừng chín mười tuổi, con của một người mù đánh đàn ăn xin. Ðứa bé gái đó ốm yếu, dơ dáy, quần áo rách rưới, bôi hai cục son đỏ lòm nơi má như trái cà chua, người cha hom hem với mái tóc khô cháy, để dài tận ót, đánh đàn - một cây tây ban cầm sai tiếng và tróc lở - đứa bé gái tuýt lăn ra trên vỉa hè thành phố, nó cũng ưỡn ngực, ngoáy mông, làm đủ mọi thứ. Không hiểu ai dạy nó như vậy. Cha nó mù làm gì biết mà dạy nó”.
(“Nơi chốn đi qua”)
“Bàng gia vọng tộc” bắt đầu bằng cảm hứng từ những vần thơ, về văn tài của một thi sĩ lẽ ra phải được biết đến trên văn đàn, gợi lại ký ức nắng buồn hơn mưa.
Con người có những câu thơ, chỉ một câu thế thôi là đủ hơn nghìn trang sách, lại bị lãng quên cố ý, để câu thơ có tên có tuổi bị gán cho bước từ ca dao tục ngữ?
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
Thơ Bàng Bá Lân đẹp, trầm buồn, tinh tế.
Thời gian dừng bước trên đồng vắng
Lá ngập ngừng sa nhẹ lướt ao.
(“Trưa hè”)
Không lạ khi biết Bàng Bá Lân là một nhiếp ảnh gia có hạng. Những người say mê nhiếp ảnh thường có sự nhạy cảm, trực giác phong phú và khả năng đọc hình ảnh rồi lấy ánh sáng vẽ lại cảm xúc của mình. Thời nhiếp ảnh còn manh nha ở Việt Nam, thậm chí ở cả Châu Âu, ông đã giải nhì cuộc thi của Phủ Thống xứ Bắc Kỳ với bức “Phó cả thợ mộc”, giải 7 với bức “Bát cơm” năm 1938. Năm 1939, ông lại làm thủ đô Pháp ngỡ ngàng với huy chương của Tạp chí “Revue Francaise de Photographie et de Cinématographie”.
Thơ của ông kết từ mầu sắc thu về từ ống kính máy ảnh:
Núi thẳm mầu lơ, mây trắng phau
Mây trùm đỉnh núi, nước sông sâu
Nước trong xanh nhạt in đôi bóng
Một cặp thuyền nan lặng thả câu.
(“Chiều thu”)
Trời cao, mây bạc, trăng tròn
Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
Diều ai gọi gió véo von
Cành xoan đùa ánh trăng xuông dịu dàng...
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
(“Trăng quê”)
Cảnh đã xưa rồi, tình chửa xưa,
Nâng niu chuốt lại chút danh thừa.
Bao giờ đến hội tao phùng nhỉ?
Xem nước hồ soi bóng liễu mơ.
Liễu có gầy chăng? Tóc có thưa?
Chao ôi! Lòng nặng mãi thương hờ!
Kiểu nhà xưa đã thay hình mới,
Hay vẫn còn nguyên dáng cũ xưa?
Nghiên đá đền Sơn có sẫm rêu?
Kình thiên bút nọ đã lên meo?
Muốn về nâng bút dầm nghiên đá
Pha nước hồ Gươm viết thật nhiều.
Giấy lụa: Trời xanh trải phẳng ra,
Bao nhiêu tứ đẹp đợi chờ ta.
Phen này thơ múa trên Hà Nội.
Vang rộn kinh kỳ khúc lạc ca.
(“Mơ về Hà Nội”)
Tôi đã dừng lại những vần thơ của ông, tư lự nghĩ rằng không biết thơ Nguyễn Bính và thơ Bàng Bá Lân, thơ ai cảm động hơn:
Đường đi ra tỉnh xa xôi
Ai ra mà gửi mấy lời thơ quê
Chuồng sau xao xác gà về
Mưa còn sùi sụt bên hè chưa thôi
Ai lau ráo lệ cho trời
Ai lau ráo lệ cho người… tương tư!
Bài thơ này sẽ quá tiếc nếu mất đi trong văn học:
Mặt trời đỏ thẫm sau tre,
Tiếng trâu nghé ọ trên đê gọi đàn.
Buồn thiu trong mảnh ao làng,
Bè rau rút ngủ lá vàng héo hon.
Ngừng viết, nhìn lên: Mắt rạng ngời
Lắng nghe nhè nhẹ bước chân ai.
Đôi tà áo lụa bay trong nắng
Tha thướt mình tơ lướt cửa ngoài.
Em đẹp làm sao! Vóc dáng thon,
Đôi vai thuôn mịn, cánh tay tròn.
Lưng mềm não nuột đường tơ óng,
Uyển chuyển ngồi, đi, dáng trẻ son.
Ai dệt nên tơ lụa nõn nà,
Nhẹ nhàng, êm dịu, mát như da.
Ai khâu chiếc áo vừa xinh quá
Phô hết đường cong vóc ngọc ngà.
Ta nhớ chiều kia dưới nắng trăng
Cúi dâng tà áo nhẹ tay cầm
Mơ màng ngỡ nắm tơ trăng biếc,
Áo lụa ngời trăng đẹp mỹ nhân.
Áo lụa còn đây, người ở đâu?
Buồn thương vuốt lại nếp tơ nhầu.
Chút thừa hương phấn còn lưu luyến,
Gợi mãi tình xưa để nhớ nhau!
Tìm mãi trong tơ vóc dáng thon
Đôi tay thuôn mịn, cánh tay tròn
Lưng mềm não nuột đường tơ óng...
Ngắn ngủi duyên hờ... vạt áo con!
(“Áo lụa”)
Thủ bút của nhà thơ Bàng Bá Lân
Cuốn sách của Nguyễn Khôi làm đầy đủ như một công trình khảo cứu. Ông tìm những nhận định của các nhà phê bình, các bạn thơ, những trang báo cũ viết về nhà thơ tập hợp lại để nếu cần một chân dung văn học đa chiều về một con người Bàng Bá Lân, thì là đây.
Hơn nữa ông làm công việc như một người cùng dòng máu với nhà thơ. Ông dành những trang sau viết về Bàng Sĩ Nguyên, Bàng Ái Thơ.
Nhà văn Nguyễn Khôi dũng cảm nhận xét: “Thơ Bàng Sĩ Nguyên còn ở tầm thấp, thua xa Quang Dũng, Trần Mai Ninh. Chưa có bài thơ kháng chiến nào đạt tầm cỡ để nhớ. Phải đến “Vợ chồng đi Xuân” - Việt Bắc, 1956. Đó là lối đi của Tô Hoài (văn), Cẩm Giang (thơ). Tuy không đặc sắc, vượt trội. Nhưng phải nói là hay và đẹp vào thời điểm lúc ấy”.
Tôi sẽ không đi sâu vào thơ ông mà muốn đến gần, chạm vào thơ của Bàng Ái Thơ. Chị là thi nhân đích thực và là họa sĩ.
Thơ của Bàng Ái Thơ có chiều sâu tinh tế và đau thắt, khó nhà thơ nào có rung động triết học, giầu hình ảnh và rỉ máu, đẹp mà quặn lòng như thế:
Anh nói bằng ngôn ngữ nào?
Chuyện là như thế?
Một phần anh cất giữ
Một phần dành để cho em
Em không muốn chơi vơi
Một mình em
Với con thuyền độc mộc
Ngôn ngữ nào của anh
Để thuyền em vào bến
Anh xuống thuyền
Hay em bước lên
Anh nói bằng ngôn ngữ nào?
Em lặng lẽ chia tay
Với phần nửa tình anh để lại
Chia tay - không có nghĩa là mãi mãi
Ngôn ngữ nào để níu lại tình em
Một nửa ngôn ngữ
Một nửa anh về
Tình em buồn hoang dại
Em khóc phần không thuộc về em.
(“Ngôn ngữ chia đôi”)
Người con gái khóc “phần không thuộc về em” mà lại chính là khóc cho cơ thể, hồn xác chính mình. Phần hồn và xác ấy đã chót nhập vào người tình, một nửa không tách rời, song đau đớn vì có một hội nhập hoàn hảo, không tồn tại cuộc hóa thân trọn vẹn, vẫn có vết hằn, gợn, đau.
Người bạn tình có trao gửi phần đời đã dứt áo ra đi, như dấu hiệu cảnh báo ngay ngày đầu tiên đã có không lành, chàng trai đắn đo xuống thuyền đón người tình hay đợi cô bước lên.
Khác nào:
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.
(“Những giọt lệ”, Hàn Mặc Tử)
mà câu chữ còn tài hoa hơn, lung linh hơn.
Chị có những câu thơ:
Những chiếc lá vàng thoi thóp
Góc tường ứa đầy bóng đêm
… Nghe con chim góa bụa
Về đậu trên cành mồ côi.
Hay:
Mưa gió mòn tường phơi gạch đỏ
Đường mòn bước lệch chân thấp cao.
Nữ thi sĩ đã tạo được hồn phách riêng mà nỗi đau cuộc đời qua văn tài của chị được vẽ bằng những vết quét xước rất mạnh, rất sâu, đơn giản như ký họa nhưng đủ gợi cả ba chiều thoi thóp, chân thấp chân cao, góa bụa của một xã hội mất hướng.
“Bàng gia vọng tộc” đi tìm nguồn gốc của họ Bàng và những xuất xứ chìm nổi từ đời Lý dẫn đến việc thay họ đổi tên.
Những chính biến lịch sử, những cuộc tàn sát đã làm cái nôi Kinh Bắc của nhà văn tan hoang. Song những con người dù tha hương, tản mát khắp bốn bể, chân trời không còn được mang dòng họ Lý vẫn giữ được cốt cách, tài hoa qua thiên kỷ.
Bạn đọc chắc sẽ tìm thấy những thú vị về những hình ảnh, những câu chuyện lịch sử trong cuốn sách. Ở đây, tôi chỉ lướt qua ba cá nhân nổi trội nhất trong làng thơ Việt trong gia đình thi sĩ Bàng Bá Lân.
Cuốn sách là niềm an ủi, động viên trong một xã hội ngày càng thiếu vắng tình người.
Phạm Cao Phong
(từ Paris)
Nguồn:
Posted by Bâng Khuâng at 12/29/2019 11:39:00 SA
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 00:11 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ