Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

đọc thêm (2) : "... Nhật Chiêu : " nhà thơ Tô Thuỳ Yên là bậc thầy của tiếng Việt" / Khả Linh / tphcm -- trích: htttps://tuoitre.vn >

 

24/04/2021 22:50 GMT+7

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: Nhà thơ Tô Thùy Yên là bậc thầy của tiếng Việt

KHẢ LINH
KHẢ LINH

TTO - Lần đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, giữa TP.HCM có buổi trò chuyện về một nhà thơ lớn nổi tiếng trong giới tri thức miền Nam nhưng vẫn còn ít người trong độc giả đại chúng biết đến: nhà thơ Tô Thùy Yên (1938 - 2019).

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: Nhà thơ Tô Thùy Yên là bậc thầy của tiếng Việt - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ tham gia buổi cafe thơ Thơ Tô Thùy Yên - Để mà thương nhớ thơ - Ảnh: KHẢ LINH

Buổi trò chuyện mang tên Thơ Tô Thùy Yên - Để mà thương nhớ thơ diễn ra ngày 24-4 tại địa chỉ mới của không gian văn hóa Cà phê thứ bảy: 79A Phan Kế Bính, Q.1, TP.HCM.

Một tiếng Việt được chưng cất tài hoa qua thơ Tô Thùy Yên

Nhạc sĩ Dương Thụ - người chủ trì buổi café thơ - bày tỏ cuộc trò chuyện đặc biệt này như là một nén nhang "tưởng nhớ một người chúng ta kính trọng", để chúng ta cùng hưởng thụ những di sản văn hóa có giá trị, trong bối cảnh không tránh khỏi của sự phân ly về văn hóa mà lịch sử tác động đến. Ông khẳng định Tô Thùy Yên chính là một nhà thơ của Việt Nam, không phải của riêng miền Nam.

Nhà nghiên cứu, nhà văn Nhật Chiêu cũng khẳng định: "Tô Thùy Yên chính là một nhà thơ lớn của Việt Nam, một bậc thầy của tiếng Việt" - một tiếng Việt "được chưng cất tài hoa mà nếu nhiều người không biết là một cái tội". Ông thừa nhận trong thực tế, rất nhiều bạn trẻ chưa đọc thơ Tô Thùy Yên hay chỉ mới mang máng nghe tên nhà thơ, và hi vọng buổi trò chuyện về một nhà thơ sinh ra ngay thành phố này sẽ lấp một phần nào khoảng trống đó.

Dẫn lại một câu thơ trong bài thơ Ta vềBếp lửa nhân quần ấm tối nay, nhà văn - nhà thơ Nhật Chiêu nêu quan niệm: Sứ mệnh của thơ ca cũng chính là bếp lửa để mọi người đưa tay vào cùng hơ ấm. Thơ Tô Thùy Yên vượt qua mọi phía, phía này hay phía kia để đi tới "bếp lửa nhân quần" đó, đi trên một "con đường lớn" không có phân ly.

Theo ông Nhật Chiêu, đọc thơ của nhà thơ có tư cách triết nhân này sẽ thấy thi sĩ yêu ca dao, yêu tiếng Việt, có chiều sâu triết học, và có kiến thức về văn học thế giới "kinh khủng" đến mức nào.

Ông đi từ Đông sang Tây, từ cổ điển đến hiện đại, để hiểu thơ của ông hết các tầng nghĩa là không dễ với người đọc nói chung, "nhưng chỉ tiếp xúc với bề mặt thơ thôi, hiểu một đến hai tầng nghĩa thôi cũng đủ thấy tuyệt vời", như bài Con sáoCon sáo trong lòng con đã chết/ Bé ơi, sao bé còn đi tìm?/ Còn kêu lạc giọng sáo ơi sáo/ Rồi khóc trong chiều muộn nhá nhem? Hay bài Không kịp có "4 câu thôi mà cực thâm sâu": Gặp lại nhau nhìn sững chẳng ra/ Em thay đổi quá, tựa sơn hà/ Thơ làm không kịp theo dâu biển/ Mắt dẫu khô mà nhớ lại hoa.

Nhà thơ Nhật Chiêu cũng minh chứng về những biểu tượng đầy tính liên văn bản trong thơ Tô Thùy Yên qua các bài xuất sắc như Du mộng, Vườn hạ, Góa bụa…

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: Nhà thơ Tô Thùy Yên là bậc thầy của tiếng Việt - Ảnh 2.

Ta về - một bài thơ được xem là kiệt tác của Tô Thùy Yên được đọc vang trong không khí khá xúc động - Ảnh: K.LINH

Đầy lượng từ tâm, không nuôi oán hờn

Giữa buổi trò chuyện, 126 câu của Bài thơ Ta về - bài thơ được diễn giả Nhật Chiêu xem là 1 trong 4 kiệt tác của Tô Thùy Yên - được TS Hoàng Kim Oanh - vốn thân thiết với gia đình nhà thơ Tô Thùy Yên - và nhà thơ Ngã Du Tử cùng đọc cho khán phòng nghe. Không ít bạn trẻ nghe thơ mà mắt rớm lệ.

Dẫn lời thơ Ta về khai giải bùa thiêng yểm/ Giải oan cho cuộc biển dâu này, Nhật Chiêu bình: Từ Ta về, có thể thấy "thơ Tô Thùy Yên khai giải oan ức để đưa lá rơi về cội, về với giang đầu, về với con người, với cội nguồn, về với nhân quần, không phải về với phe phái nào, bởi lẽ phải là sự tương tác, thương yêu nhau. Khai giải là phương pháp trị liệu vết thương nhân văn nhất".

Từ đó, nhà nghiên cứu luôn tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Việt thêm một lần khẳng định: Thơ Tô Thùy Yên đề cao tình tự dân tộc, tinh thần hòa giải, mỗi người cần "góp vui" vào thay vì góp hận (Bao giờ, cho đến bao giờ nữa/ Em gánh vui về họp chợ đông?).

Kết lại bài nói chuyện của mình, ông trích đọc mấy câu trong bài Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai của Tô Thùy Yên để nhắc lại một tư tưởng triết học Phật giáo - Cơ hội làm người là hiếm quý vô cùng - và đúc kết: "Khi mà ta biết hư vô là gì, thì ta sẽ quý con Người":

Biểu dương - hãy biểu dương cùng tận/ Vinh dự lầm than của kiếp người/ Hi hữu một lần trên trái đất/ Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.

"Thơ cũng như đất trời đầy lượng từ tâm, không nuôi oán hờn. Đây là bài học vĩ đại nhất của Tô Thùy Yên. Nhiệm vụ của chúng ta là gỡ bỏ cái "bùa yểm" rằng dân tộc ta vốn quen với chia ly, với phân tranh (từ thời Trịnh - Nguyễn). Chiến tranh, phân tranh làm gì khi chúng ta là anh em với nhau" - nhà văn Nhật Chiêu nói.

Kết lại buổi trò chuyện, nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ: "Thơ Tô Thùy Yên đánh mạnh về cả trí và tâm. Tôi đã rất xúc động khi đọc Ta về. Một người rất dân gian là Nguyễn Bính. Một người rất tinh tế, bác học là Huy Cận. Tô Thùy Yên hội tụ cả dân gian lẫn bác học. Đầu óc những nhân vật lớn không nhỏ hẹp. Người hẹp hòi thì rất đông. 1 nhà thơ lớn, 1 tâm hồn lớn thì họ nhìn khác, rất bao dung".

Ông nói thêm với các bạn trẻ những lời thấm thía: "Những nhà thơ cỡ như Tô Thùy Yên không nhiều được. Tôi phải thừa nhận càng già càng ít đọc, những tôi sẽ tiếp tục đọc thơ Tô Thùy Yên. Chúng ta nên sống với những bài thơ thế này. Đây là một gia tài và chúng ta nên nhận lấy gia tài này. Tôi mong các bạn cũng hãy tiếp tục đọc Tô Thùy Yên, không phải để làm thơ hay mà để chúng ta sống tốt hơn, sống tử tế hơn".

Nhìn vào bên trong để hiểu con người

Trước nhận xét cho rằng Tô Thùy Yên "từ tâm" có lẽ được ảnh hưởng bởi nền giáo dục ông thừa hưởng, có mặt tại buổi trò chuyện, dịch giả Nguyễn Văn Trọng cho rằng thi sĩ có được cái từ tâm đó hay không là câu chuyện của mỗi cá nhân, tâm hồn mỗi con người là huyền bí và nói cho cùng là anh có ngộ hay không, ý thức thế nào về kiếp sống của mình. "Vấn đề là anh nhìn vào bên trong mình để hiểu thế giới con người, hiểu cuộc đời hay nhìn ra bên ngoài để kiếm một con vật tế thần nào đó mà đổ tội".

Dịch giả Nguyễn Văn Trọng cũng bày tỏ nỗi lo ngại khi con đường nhân loại đang đi có vẻ đều hướng về văn minh vật chất, và nếu vậy thì dù là ý thức hệ nào cũng sẽ nguy hiểm.

Tiếp nối ý này, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng các nhà thơ lớn đều là những người gìn giữ, lưu truyền những giá trị mà văn minh vật chất có thể cuốn trôi đi

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ