bài đáng đọc: " Dấu lặng của trường ca NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU "/ Xuân Ba / Hà Nội -- trích : Tiền Phong ( Hà Nội ) - 25/ 01/ 2023.
DẤU LẶNG CỦA TRƯỜNG CA
NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU
Xuân Ba
Tuân thủ lộ trình ấy, sau hai ngày đợi rồi tôi cũng được diện kiến. Gian phòng rộng thoáng trên gác 2 chỉ mỗi tôi với cốc cà phê nóng. Tôi biết mình đang may mắn được lạc bước vào một kho… báu!
Học giả Nguyễn Đình Đầu và tác giả bài viết. |
Đâu đó trong ngôi biệt thự này chứa khoảng ba ngàn bản đồ cổ kim của Việt Nam và nước ngoài mô tả đất nước Việt Nam từ thế kỷ thứ 10… Một tài sản vô giá không chỉ với riêng chủ nhân mà cả với nền khoa học sử địa Việt Nam. Những tấm bản đồ quý hiếm cùng với hàng ngàn cuốn sách nghiên cứu về Việt Nam được in bằng chữ Hán, Pháp, Anh, Việt và hàng trăm món đồ cổ có niên đại từ thế kỷ 13 đến 19 được sưu tầm.
Và tầng lầu nào đương bày biện những món gốm Chu Đậu sưu tầm từ thập niên 60-70 của thế kỷ trước - chúng chính là nguồn tư liệu gây cảm hứng và có lẽ là một phần linh hồn của cuốn sách Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông.
Có tiếng động nhẹ mé cửa. Một cụ già gày mảnh đương sải những bước chầm chậm theo cái xe lăn. Tôi vội vàng bước tới đón cụ. Nhưng động thái khoát tay kèm cái cười kèm chất giọng hẵng còn rành rẽ nhắc khách cứ tự nhiên. Rồi cụ cũng chầm chậm ngồi vào một chiếc ghế.
Tôi đang vinh hạnh được hầu chuyện học giả Nguyễn Đình Đầu 103 tuổi, một nhân chứng lịch sử kiêm nhà “địa bạ học”, nhà “cương vực học”…
Vấn an cụ già vóc hạc trăm linh ba tuổi. Da mồi. Cái cười nhẹ luôn lấp ló. Chất giọng nhỏ nhẹ…
Thoáng một lịch trình nghiêm nhặt. 9h30 tối lên giường cố dỗ giấc ngủ. 2 giờ sáng dậy uống thuốc trị nhiều thứ bệnh. Rồi những giấc ngắn chắp nối. 5 giờ sáng dậy. Chập chờn những ý nghĩ. Không phải chuyện bao đồng mà nghiền ngẫm những chi tiết cụ thể của một công trình nghiên cứu. 7 giờ ăn sáng. Chừng hơn 8 giờ lướt web, sử dụng iPad, Mac Book. Lối 9 giờ hơn bắt tay vô việc nghiên cứu.
Đại khái thế.
Một trong những tấm địa đồ quý hiếm |
Khối lượng những công trình nghiên cứu của nhà Địa bạ cùng Cương vực, của cụ già gầy mảnh suốt thời trai trẻ cho đến tuổi trên trăm này dường như hợp sức bầu lên một thứ trường ca Nguyễn Đình Đầu về non nước Việt?
Được hầu chuyện bậc thức giả cao niên, để ý thi thoảng cụ lại có một chút ngưng nghỉ? Hình như trong âm nhạc, dấu lặng có chức năng ngăn cách các tiết nhạc (câu nhạc) và tạo thời gian nghỉ (và thở, chẳng hạn đối với ca sĩ và người chơi nhạc cụ hơi) cho người biểu diễn nhạc. Dấu lặng của học giả Nguyễn Đình Đầu, tạm hiểu là những thời khắc cụ yên lặng. Vượng lại sức chuẩn lại giọng cũng chỉ là cái cớ? Mà như trong không gian tĩnh lặng trong ngôi biệt thự góc đường Nguyễn Du ở Sài Thành này, những khoảng lặng như thế, như thêm một hiệu ứng để mình và người hầu chuyện mình thấm thêm? Và mình như tạo cớ, tạo đà để diễn đạt tiếp nối thêm những suy tư, ý tưởng?
***
Những khoảng ngừng nghỉ giây lâu. Ấy là khi học giả đương nói về Cụ Hồ. Cứ như sự cảm cái ơn riêng vậy?
Đó là thời điểm sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Đầu được chọn là phụ tá cho Bộ trưởng Bộ Kinh tế quốc dân Nguyễn Mạnh Hà của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Không hiểu ông Bộ trưởng đã nói gì mà Nguyễn Đình Đầu được Cụ Hồ trực tiếp giao việc đi mua gạo, tiếp tế cho đạo quân Trung Hoa Dân quốc đang có mặt ở miền Bắc dưới danh nghĩa đại diện Đồng Minh giải giáp quân đội Nhật. Tính cách bộc trực thẳng thắn, Nguyễn Đình Đầu đã vạch rõ những uẩn khúc mờ ám trong chế độ quân lương của đám Lư Hán - Tiêu Văn. Bị bẽ mặt, Lư Hán cho bắt Nguyễn Đình Đầu tống giam và dự định thủ tiêu. Cụ Hồ biết được đã can thiệp kịp thời giải thoát cho Nguyễn Đình Đầu.
Là người từng gần gũi với học giả Hoàng Xuân Hãn thời gian ở bên Pháp, ấn tượng lâu bền những lần GS Hãn bộc bạch gan ruột, cụ nhắc lại vẻ mặt trầm ngâm của GS Hãn, khi GS cởi mở đại ý rằng GS rất ấn tượng về điều khác biệt giữa sự thắng ngoại xâm và sự giải phóng đất nước. Rằng nước Nam này chỉ có hai cuộc giải phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi, và thời 1945-1975 của Cụ Hồ. Rằng cả hai mặt phải nhờ gắn bó giữa mưu lược lãnh đạo và kiên cường nhân dân. Vì vậy, cái cần thiết nhất trong cuộc giải phóng là cái ĐỨC của những người lãnh đạo, cái đức để cho địch không tìm cách mua chuộc mình và làm gương cho nhân dân giữ lòng yêu nước.
… Nhiều dấu lặng khác. Mãi rồi tôi mới chắp nối cái khúc nhôi cụ có người bạn thân, Luật sư Nguyễn Văn Huyền, lúc đó là Chủ tịch Thượng nghị viện Việt Nam Cộng hoà. Ông Huyền không phải là người Cộng sản nhưng là một người theo đạo và là một người tốt. Đến 1975, ông Dương Văn Minh thành lập chính quyền đã mời ông Huyền làm Phó tổng thống phụ trách hòa đàm.
Rồi cụ bộc bạch, riêng tôi có một đóng góp nhỏ. Đó là tham gia vào nhóm bên phía chính quyền miền Nam nỗ lực kêu gọi ngưng tiếng súng trong những giờ phút cuối cùng.
Do hoàn cảnh đặc biệt và sự an bài ngẫu nhiên, đưa tôi đến chỗ có thể làm cái gì đó rất nhỏ nhưng trong lúc ấy lại rất quan trọng. Để trong ngày kết thúc chiến tranh, tại thành phố này, không còn tổn thương thêm về sinh mạng, vật chất. Cái đó là một phần thưởng. Có lẽ là cả đời con người có được phần thưởng như thế thì mình không thể quên được, không thể từ chối được nó.
…Tôi lấy làm tiếc vì sau ngày ấy, chuyện cải tạo, thay đổi xã hội miền Nam, vấn đề nhà cửa đất đai, cải tạo công thương nghiệp…, những chính sách như thế làm cho những người quen sống, tôi tạm gọi là quen sống trong xã hội miền Nam 20 năm, tự do theo kiểu dân chủ Tây phương ít nhiều, tất nhiên họ thấy bỡ ngỡ, khó khăn… Về phương diện xã hội, tôi thấy có sự căng thẳng.
Lại một khoảnh khắc ngưng nghỉ. Chất giọng trầm rè đương nhắc lại một quá vãng khó khăn sau Tháng Tư năm 1975. Mà như cụ đang cười nhẹ.
Tôi xin nói thật lúc đó cũng có quan điểm khá căng thẳng, cho rằng giải phóng về chính trị đã đành nhưng còn phải giải phóng con người về phương diện xã hội nữa. Điều này phần nào gây ra sự căng thẳng trong xã hội.
Bản thân tôi không phải là không gặp khó khăn, lại còn bị nghi ngờ. Tôi nghĩ lúc đó mình đã lớn tuổi, đã từng đi ra nước ngoài sống ít lâu nhưng tôi thấy tinh thần của Cụ Hồ, đó là tinh thần đoàn kết dân tộc và tin chắc sớm muộn gì mọi người cũng đoàn kết lại. Vậy là tôi quyết định ở lại. Nhưng thú thật là sự khó khăn ấy kéo dài quá lâu.
Rồi một ngày của năm 1983, người ta đã nhớ ra nhà nghiên cứu sử - địa với những trước tác nổi danh trước 1975. Nguyễn Đình Đầu được đưa đến gặp Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh. Ông Linh nhờ ông chú giải thêm về địa danh Bến Nhà Rồng cùng vài địa danh khác. Rồi hình như ông Linh lại giới thiệu Nguyễn Đình Đầu với ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt. Có thể nói đó là những ngày tương đắc của Nguyễn Đình Đầu. Ông như cái cầu nối thân ái giữa ông Sáu Dân với các chức sắc linh mục Giáo phận TPHCM khi ấy như các Đức cha Nguyễn Văn Bình, Huỳnh Công Minh… Nói như cụ là thời điểm gian nan ấy cả Đạo lẫn Đời đều vượt bao nhiêu những thương khó này khác. Ấn tượng cùng cảm khái sau những cuộc gặp vì mối lo chung ấy, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã viết cho các giáo dân của mình: “Là người Công giáo, chúng ta gặp Chúa trong lòng dân tộc. Đức tin không góp phần xây dựng trần thế là đức tin chết”. Còn ông Sáu Dân đã từng nói về Đức Tổng Giám mục: “Giữa bao mặc cảm và cả ngộ nhận, ông đã chia sẻ với một người cộng sản không phải để chiều thời mà để xây dựng trần thế”.
Cũng chả phải ngẫu nhiên, tình cờ. Học giả Nguyễn Đình Đầu vào dịp 100 ngày sinh ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt, đã làm cái việc chọn mặt gửi vàng. Nhà xuất bản Trẻ đã giữ quyền sử dụng toàn bộ các tác phẩm của tác giả Nguyễn Đình Đầu, theo hợp đồng tác quyền trọn đời vừa được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và bà Phan Thị Thu Hà – giám đốc Nhà xuất bản Trẻ ký. Lễ ký hợp đồng diễn ra tại tư gia Nguyễn Đình Đầu. Trong khi số lượng chi tiết các tác phẩm của ông Nguyễn Đình Đầu đang còn tiếp tục cập nhật, danh sách ban đầu các tác phẩm ông đứng tên riêng đã gồm hơn 40 đầu sách.
Một dấu lặng dài. Chất giọng mới trở lại rành rẽ khi cụ nhắc lại dịp cụ 102 tuổi, các ông Nguyễn Văn Nên - Bí thơ, Phan Văn Mãi - Chủ tịch thành phố đã đến đây, ngay tại chỗ chúng ta đang ngồi đây thăm hỏi và chúc thọ cụ. Mà cụ cho đó là sự tiếp nối sự cảm thông và cũng là bước tiến của tiến trình thân dân của lãnh đạo thành phố với trí thức!
Chợt nhớ hôm ngồi chuyện với ông Bí thư Nguyễn Văn Nên, đề cập tới chuyện chúc thọ và thăm gặp này, ông Bảy Nên bộc bạch đại ý, thành phố đương còn khuất lấp nhiều tầng vỉa văn hóa với những lấp lánh khác nhau. Chả riêng công việc của giới nghiên cứu mà người dân như ông cũng nên để tâm tìm hiểu…
Mong sao cho buổi sáng cuộc gặp như dài mãi ra cùng thêm nhiều khoảng lặng hồi tưởng suy tư của vị học giả cao niên này. Tôi chỉ mới được cụ hé chút chút về những tất tả gian nan khi hoàn thành bộ sách đồ sộ Địa bạ Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn. Đó là công trình nghiên cứu độc đáo mà như giới nghiên cứu từng nắc nỏm rằng, có thể xem bộ sách như một biểu tượng về “Đất” trong di sản của Nguyễn Đình Đầu (những nghiên cứu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) và với Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông học giả Nguyễn Đình Đầu đã ôm trọn dáng hình Việt Nam, dáng hình Đất – Nước.
Rồi khối lượng đồ sộ hơn ba ngàn bản đồ cổ kim nước Việt. Mà như cụ cho hay, mỗi tấm bản đồ là cả một câu chuyện. Chuyện chi thì chưa biết nhưng đành ôm mối tiếc hận bởi mình đâu có quyền quấy quả sức khỏe cùng thời giờ của một bậc cao niên?
Lại cũng thêm một chút tiếc nuối. Khi cụ ngỏ cái hồi tuổi 80 ấy, cụ đã phải trải qua những trận ốm liên miên. Nghĩ mình khó qua khỏi, cụ đã mau mắn và dễ dàng trong việc hiến tặng nhiều tư liệu, sách vở quý cho bạn bè, cơ quan này khác. Khi đã an vượng trở lại, lọ mọ đi xin hoặc mượn lại thấy khó khăn thì cụ cứ hùi hụi tiếc cho đến tận giờ!
… Về lại Hà thành, tôi tìm đến số nhà 57 phố Hàng Giấy nơi cậu bé Nguyễn Đình Đầu cất tiếng khóc chào đời. Chợt nhớ đến chuyện hôm gặp, chẳng hay cụ nói thật hay đùa là ngày trước ở phố Hàng Giấy có mấy nhà hát cô đầu. Hoặc các cụ của Nguyễn Đình Đầu khoái khoản hát cô đầu nên đặt tên như thế cho con cháu?
Căn nhà cũ đã nhiều lần có chủ mới. Chẳng có ai hay, nơi xứ phương Nam ấy có một người đã từng sinh trưởng ở ngôi nhà này. Đã có hơn 70 niên hòa hợp dung dị cái tên ĐẦU của mình cùng bao cái tên mộc mạc khác của vùng đất Nam Bộ. Và cái tên như một điềm triệu rằng con người thành danh Nguyễn Đình Đầu hiện đương đứng đầu giới nghiên cứu sử-địa-văn hóa phương Nam!
Xuân Ba
nguồn: báo Tiền Phong ( Hà Nội)
-------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ