Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

đọc thêm: " nhà thơ Giang Nam đã về với quê hương"/ Trần Đăng / -- trích: Thanh Niên (tphcm) -

 

Nhà thơ Giang Nam đã về với quê hương


Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1928 tại TX.Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa, trong một gia đình nhà nho nghèo hiếu học và học cực kỳ xuất sắc.

Đam mê văn chương và rất "mê tín" nhà thơ Hồ Dzếnh cùng câu thơ nổi tiếng của thi sĩ này: "Tô Châu lớp lớp phủ kiều/Trăng đêm Dương tử mây chiều Giang Nam" nên Nguyễn Sung đã lấy tên Giang Nam làm bút danh cho mình đến tận cuối con đường văn học hơn 70 năm của ông.

Nhà thơ Giang Nam đã về với quê hương - ảnh 1

Nhà thơ Giang Nam (bên trái)

TRẦN ĐĂNG

Xong bậc tiểu học ở quê nhà, Giang Nam thi đỗ vào Trường Quốc học Quy Nhơn để theo học lấy bằng Thành chung nhưng ông không lọt vào top 3 nên không có học bổng mà phải nhờ sự cưu mang của hai người anh ruột là Nguyễn Lưu và Nguyễn Quang cũng đang học tại đây. Ông Nguyễn Lưu bấy giờ vừa nhận được học bổng của trường này lại đi dạy kèm được nên có đủ tiền để "bao" cho em. Nhưng chỉ một năm đầu, từ một học sinh không nằm vào top 3, Giang Nam đã vượt lên và luôn giữ ba vị trí đầu bảng cho đến khi ông lấy được bằng Thành chung (1945).

"Rồi cách mạng bùng lên/Rồi kháng chiến trường kỳ/Quê tôi đầy bóng giặc/Từ biệt mẹ tôi đi". Giang Nam đã lên đường như bao thanh niên cùng thế hệ để tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Vốn là một thanh niên thông minh, lại giỏi tiếng Pháp và cũng tập tành viết lách, ông được tiếp nhận vào "văn phòng bộ" của Tỉnh ủy Khánh Hòa cho mãi đến năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Cũng trong thời gian này, ông gặp rồi yêu bà Phạm Thị Chiều - "cô du kích" trong bài thơ Quê hương nổi tiếng của ông, rồi lấy làm vợ.

Vì giỏi tiếng Pháp nên Giang Nam được cử vào phái đoàn đàm phán giữa chính phủ Việt Minh và Pháp trong cuộc bàn giao để tập kết giữa hai miền (tháng 7.1954). Theo phái đoàn của Việt Minh ra Quy Nhơn để xuống tàu tập kết nhưng Giang Nam bí mật lên Vân Canh - một huyện miền núi của tỉnh Bình Định để đi bộ ngược trở về Nha Trang tham gia "nằm vùng", hoạt động hợp pháp trong vai trò công nhân trong một xưởng gỗ nhưng rồi bị bại lộ ông phải rời Nha Trang để vào miền Nam, sau đó trở ra Khánh Hòa lên chiến khu tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Giang Nam là nhà thơ vô cùng hiền lành và giản dị. Ông gần gũi với tất cả những ai muốn "đến" với ông, hoàn toàn không tỏ ra "khệnh khạng" như một vài nhà thơ có chút ít thành đạt cùng thời. Vây quanh Giang Nam còn là những giai thoại, mà giai thoại nào cũng thấm đẫm bi kịch mà ông là "nhân vật chính" của những bi kịch đó.

Giang Nam có lần kể về vợ mình và một trong những "bi kịch" mà cả hai cùng "gồng gánh" trong một thời gian dài kể từ sau ngày ông "đi tập kết" nhưng bí mật trở lại "nằm vùng". Đó là khi ông nhận hung tin rằng bà đã bị sát hại và ông viết bài thơ "khóc vợ" mang tên Quê hương nổi tiếng suốt hơn 60 năm qua.

Nhà thơ Giang Nam đã về với quê hương - ảnh 2
Nhà thơ Giang Nam cùng vợ và con gái năm 1973

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Bà Phạm Thị Chiều tham gia kháng chiến chống Pháp từ lúc còn thiếu niên, giữ một chân liên lạc rồi đánh máy cho Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa lúc còn trên chiến khu. Thấy người đẹp xuất hiện trong cùng cơ quan, Giang Nam bắt đầu lân la làm quen rồi hằng ngày ông kiếm lý do để "nhờ" cô văn thư đánh máy các văn bản do ông "sáng tác" được núp dưới danh nghĩa là "công văn" của Tỉnh ủy.

Mối tình của họ cuối cùng rồi cũng có một cái kết đẹp bất chấp nghịch cảnh lúc bấy giờ là đang vào giai đoạn cuối của chiến tranh chống Pháp. Ông cưới bà trước khi đi "tập kết giả".

Khi Giang Nam bị lộ phải lánh vào miền Nam thì bà Chiều cũng bị chính quyền Sài Gòn bấy giờ bắt giam tại nhà tù Phú Lợi. Trong một chiều mưa buồn bã ở vùng chiến khu Hòn Dù của tỉnh Khánh Hòa, Giang Nam được cơ sở ở nội thành báo lên rằng vợ ông đã bị giết hại và mất xác. Hung tin ấy đã làm ông "chết nửa thân người" và bài thơ Quê hương cứ thế tuôn trào như một vết thương không băng bó được.

Bài thơ Quê hương lập tức được phổ biến rộng khắp vùng chiến khu và cả vùng giải phóng ở miền Nam lúc bấy giờ. Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu năm 1965 như một tưởng thưởng xứng đáng cho Giang Nam khi Quê hương được trao giải chính thức. "Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi vinh quang để nhà tôi được sống. Và sự thực là, thông tin vợ tôi bị giặc sát hại chỉ là tin nhầm. Thế là tôi "được" cả hai" - nhà thơ đã có lần hài hước về câu chuyện này với tôi khi tôi tò mò hỏi ông về việc "khai tử" bà từ những năm 60 của thế kỷ trước. Còn bà thì luôn luôn tươi cười khi ai đó hỏi về "cô du kích" Phạm Thị Chiều bị "Giặc bắn em rồi quăng mất xác/Chỉ vì em là du kích em ơi": "Nhờ ổng "khai tử nhầm nên tôi mới thọ đến hôm nay đó"!

Bà đã bỏ ông để "về với quê hương" cách đây đúng 10 năm (2013), giờ đến lượt Giang Nam. Cả nhà thơ lẫn "cô du kích" đã tan vào hư vô nhưng mối tình đẹp của họ cùng bài thơ Quê hương thì bất tử với thời gian.

Xin cúi đầu vĩnh biệt ông!


QUÊ HƯƠNG

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:

"Ai bảo chăn trâu là khổ?"

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Những ngày trốn học

Đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được...

Chưa đánh roi nào đã khóc!

Có cô bé nhà bên

Nhìn tôi cười khúc khích

Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi...

***

Cách mạng bùng lên

Rồi kháng chiến trường kỳ

Quê tôi đầy bóng giặc

Từ biệt mẹ tôi đi

Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)

Cũng vào du kích


---------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ