bài đáng đọc : " Năm Mão -- đi tìm hình tượng " chú mèo" trong tiếng Việt ''/ Phan Văn Thạnh / tphcm -- trích : www.vanchuongviet.org> -- Jan ., 31/ 2023.
Tiểu luận | |
Năm Mão – đi tìm hình tượng “chú mèo” trong tiếng Việt Phan Văn Thạnh | |
Không biết đích xác có mặt tự bao giờ trên thế gian này,họ mèo nhà (Felix Catus) thuộc bộ ăn thịt(Carnivora) là giống vật rất quen thuộc trong nhiều gia đình Việt Nam. Mèo đã góp phần làm cân bằng sinh thái khi nhiệm vụ chủ yếu của nó là săn lùng,tiêu diệt lũ chuột bọ tàn hại. Trong tiếng Việt “mèo” với những đặc trưng cá tính,thói quen sinh hoạt,là một thành tố ẩn dụ,hàm súc đa nghĩa rất sinh động. -“Mèo/Chuột” lập thành hai vế đối,tuy cùng“hộ khẩu”nhưng không đội trời chung.Quan hệ một mất một còn này phát sinh nhiều khái niệm ngữ nghĩa : “Con mèo,con mẻo,con meo/Muốn ăn thịt chuột phải leo trần nhà.”- Câu ca dao khuyên mèo ta nhưng cũng chính là bảo nhỏ với mọi người: muốn có cái ăn,cách lương thiện nhất là hãy chịu khó bươn chải,đổ mồ hôi sôi nước mắt. “Rình như mèo rình chuột”- quan sát mèo rình chuột mới thấy sự kiên nhẫn chờ đợi của mấy tay chuyên gia săn bắt - Câu nói hàm nghĩa phê những kẻ có ý đồ rình rập,tìm cơ hội hại người. Mèo có thói quen vờn con mồi trước khi ăn thịt.Ta có thành ngữ“như mèo vờn chuột”- nhằm chỉ sự tương quan hơn kém về trình độ khả năng trong thi đấu. “Mèo nhỏ bắt chuột con” là lời khuyên phải tự lượng sức mình,không nên phiêu lưu liều lĩnh làm quá khả năng cho phép - “mèo con bắt chuột cống” rất dễ thất bại. Kiểu nói ngược: “Chuột gặm chân mèo” tương tự “Chuột cắn dây buộc mèo”,nhằm chỉ hành động phạm thượng dại dột đầy nguy hiểm. Mèo-chuột xung khắc như nước với lửa,làm gì có chuyện mèo ta đến viếng tệ xá của lũ chuột - đời nào có chuyện bọn chuột quan tâm ngày giỗ “cha mèo” – có chăng là lời vạch trần ý đồ thâm hiểm của những tên “mèo già hóa cáo” ! Bài đồng dao phản ánh sự giả tạo của con mèo và sự khôn ngoan của chú chuột. Ý hàm ngôn là trong xã hội còn kẻ mạnh ức hiếp người yếu và kẻ mạnh thường nguỵ trang tinh vi bằng bộ mặt giả nhân giả nghĩa. “Con mèo mày trèo cây cau Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà Chú chuột đi chợ đường xa Mua mắm,mua muối,giỗ cha chú mèo “ Từ mèo có gốc Hán là “miêu” (貓)ta có câu “Sát nhất miêu cứu vạn thử” - giết một tên mèo cứu thoát hàng chục ngàn con chuột - nghĩa bóng : trừ khử một tên đại ác,cứu thoát hàng chục ngàn dân lành vô tội. Mèo ăn uống liếm láp nhỏ nhẻ,rất ít và khó tính.Ta có thành ngữ “Ăn như mèo liếm” hoặc “Nam thực như hổ,nữ thực như miêu”- (đàn ông ăn khỏe như hổ - đàn bà ăn nhỏ nhẻ và ít như mèo). Mèo rất khoái mỡ và mê món cá .Thành ngữ “mèo thấy mỡ”diễn tả sự ham muốn thèm khát.Do vậy không nên “treo mỡ trước miệng mèo”,dễ cám dỗ những ai mềm lòng nhẹ dạ. Thành ngữ “mèo vớ được cá” chỉ sự may mắn - “mèo mù vớ cá rán” là vận đỏ cực hiếm giống như trúng số độc đắc cá cặp Mèo có hai mắt tròn xanh,ban đêm chiếu sáng là do dưới lớp võng mạc có một lớp sắc tố xanh cấu tạo bằng chất Guanin (C5H5ON5) phản chiếu.Thành ngữ “xanh như mắt mèo” - xanh quá mức bình thường,hàm ý chê. Đuôi mèo dài cũng là một chi tiết trong câu nói lập sẵn “Mèo khen mèo dài đuôi”,chỉ thái độ chủ quan ,tự đề cao mình. Quan sát ta thấy mèo là một con vật ăn ở sạch sẽ,thích nằm chỗ ấm áp,mọi chuyện đều tươm tất từ sưởi nắng,liếm lông,rửa mặt đến chuyện tiểu tiện,khi đi ngoài bao giờ mèo cũng cào đất lấp cẩn thận .Thành ngữ “như mèo giấu c.”- chỉ sự che đậy bưng bít sợ người khác biết. Mèo vô chủ,sống lang bạt là “mèo hoang”- chỉ loại người không ra gì – tương tự “mèo mả gà đồng”. “Mèo lành chẳng ở mả/ Ả lành chẳng ở hàng cơm” Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du - Hoạn thư đay nghiến Thúy Kiều : “Ra tuồng mèo mả gà đồng/ Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào” Ở truyện Quan Âm Thị Kính - Sùng Bà mắng Thị Kính : “Giống nhà bà đây,giống phượng,giống công / Còn tuồng bay mèo mả gà đồng lẳng lơ” “Mèo và chó”cũng thường được cấu tạo trong một số thành ngữ so sánh bóng gió : “Như chó với mèo”chỉ sự xung khắc hay gây gổ. “Mèo đàng,chó điếm” chỉ hạng người lưu manh bịp bợm. “Chó chê mèo lắm lông” ý nói mình xấu kém lại hay chê người khác. “Chửi chó mắng mèo” - mượn cớ chửi cái khác để biểu thị sự tức giận. “Chửi mèo khoèo chó” dùng lời nói hoặc hành động cạnh khóe để tỏ thái độ bực tức bất bình. “Không có chó bắt mèo ăn c. thế”- nghĩa là thiếu người phải thay thế một cách gượng ép. “Chó treo,mèo đậy”- hàm ý trong ứng xử phải tùy đối tượng cụ thể mà có biện pháp thích hợp. “Chó tha đi,mèo tha lại” - chỉ những vật dụng bỏ bừa không ngăn nắp - cũng ám chỉ hạng người quá tầm thường,không ai ngó ngàng,không ai dùng - như vậy là người mạt hạng. “Chó giữ nhà,mèo bắt chuột”- ám chỉ công việc chuyên môn của mỗi người phải thi thố tất cả sở trường của mình mới đem lại hiệu quả,lợi ích.Ai có phần việc người nấy,đừng tị nạnh,dẫm chân lên nhau. “Chó ghét đứa gặm xương,mèo thương người hay nhử”chỉ thói đời người ta không ưa những người tranh giành quyền lợi của mình, nhưng lại thích đứa mơn trớn mình. “Con mèo đập bể nồi rang/Con chó chạy lại phải mang lấy đòn” – tương tự thành ngữ “quýt làm,cam chịu”chỉ sự hàm oan. “Mèo hoang,chó lạc”, “Mèo lừa,chó lọc” ,”Mèo đàng,chó điếm”- chỉ hạng người lưu manh,đểu giả,bịp bợm. “Mèo hoang lại gặp chó hoang/Anh đi ăn trộm,gặp nàng bới khoai”- Câu ca hàm nghĩa những người cùng cảnh ngộ,nghèo khó như nhau. Và thói đời thật oái oăm: “Mèo tha miếng thịt xôn xao/Kễnh(*)tha con lợn thì nào thấy chi”.Tha “miếng thịt” hay tha cả “con lợn” đều là trộm cắp.Thế nhưng “hạm lớn” nhẹ tay xử nội bộ,“hạm tép riu” thẳng tay trừng trị - Ấy là câu chuyện của ngày trước - nay khác rồi - “lớn bé” gì đều có thể đâm vỡ thuyền - muốn tồn tại phải kiên quyết làm trong sạch hàng ngũ . Tóm lại chung quanh hình tượng “chú Mèo”,nhiều khái niệm ngữ nghĩa được lập thành - diễn đạt tinh tế sinh động,chính xác nhiều trạng huống khách quan mà giá như thiếu nó,ngôn ngữ Việt nghèo đi thấy rõ ! Chào Quý Mão – cám ơn chú Mèo …
(Saigon,tháng 10/1998 - bổ sung 12/01/2023) (*)Kễnh(con cọp)
| |
Phan Văn Thạnh ================== |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ