' THẾ PHONG, Mênh mông một hồn thơ phóng đạt "/ Lê Ngọc Trác [ Lagi / Bình Thuận ] -- trích Du Tử Lê Blog ( Mỹ ) .
LÊ NGỌC TRÁC
- THẾ PHONG, Mênh mông một hồn thơ phóng đạt.
Không biết phải gọi Thế Phong với danh vị nào? Nhà thơ, nhà văn, nhà biên luận, nhà báo, dịch giả... Ở vị trí, công việc nào, Thế Phong cũng thành công và khẳng định vị trí của mình sau khi tác phẩm của ông đến với người đọc.
Thế Phong tên thật là Đỗ Mạnh Tường, sinh năm 1932 tại Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Thế Phong sinh sống bằng nhiều nghề: Làm nông, phóng viên, dạy học, đi lính... Dấu giày của Thế Phong đã đi qua nhiều miền trên đất nước.
Hiện nay ông thường trú tại Sài Gòn.
Cuộc đời của Thế Phong gắn bó, sống hết mình với văn học.
(Ông còn ký các bút danh: Tương Huyền, Đường Bá Bổn, Đinh Bạch Dân).
Xuất hiện lần đầu tiên trên văn đàn với truyện ngắn "Đời học sinh", ở báo Tia sáng Hà Nội vào năm 1952.
Đến hôm nay (2009), Thế Phong đã xuất bản trên 50 tác phẩm, bao gồm các thể loại: Thơ, truyện, khảo luận, dịch thuật. Tác phẩm của Thế Phong còn được các dịch giả tên tuổi chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Pháp xuất bản ở nước ngoài đến hơn 11 đầu sách, gồm: tự truyện, thơ, phê bình văn học...
Chúng ta nhận thấy gia tài văn chương của Thế Phong thật đồ sộ. Và, cảm phục sự chuyên cần trong sáng tạo nghệ thuật của ông. Chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 50, tác phẩm của Thế Phong hẳn sẽ còn thêm nữa.
Nửa đường đi xuống (Tự truyện), Nhà văn, tác phẩm, cuộc đời (Tự truyện), Lược sử văn nghệ Việt Nam (Khảo luận, 4 tập), Tổng luận 60 năm văn nghệ Việt Nam (Khảo luận), Nietzsche và chủ nghĩa đi lên con người... là những tác phẩm của Thế Phong đã để lại dấu ấn trong lòng người đọc.
Riêng lĩnh vực thơ Thế Phong đã xuất bản: Nếu anh có em là vợ (1959), Sai biệt (1960), Vương Miện Mai A (1961), Cho thuê bản thân (1962), Trước mắt nhìn thi sĩ (1963), Đàn bà và tổ quốc (1964), Thơ làm lớn dậy con người (1965), Việt Nam vùng trời lửa đạn (1966), Nam Việt Nam, đứa trẻ thơ của vú em Huê Kỳ (1968)...
Qua toàn bộ thi phẩm của Thế Phong, chúng ta cảm nhận tâm hồn của ông thật phóng đạt. Rung động thật sự từ đáy lòng, thể hiện với một bút pháp mới lạ "mở và thoáng". Có lẽ, bài thơ Thế Phong viết về nơi ông chào đời, lớn lên, về mối tình đầu và cả những đắng cay, hệ lụy là cả một bức tranh sinh động, thu hút người đọc ngay từ những dòng thơ đầu tiên:
"Tôi lớn dậy mang đầy mù sương Việt Bắc
quê hương tôi cây đứng thẳng nhiều hơn rừng chông
người tình đầu đã bỏ tôi vào điểm giờ cách mạng 1945
núi rừng ơi! nhớ mãi cùng bằng không
những cái mấp mô
gồ ghề
hình ảnh cuộc đời không
mềm như thạch trắng
mà người tôi yêu thích được nuông chiều
đu đẩy như tình yêu
đu võng
ngươi bỏ tôi rồi
nên côi cút
thiếu thốn hoài ở tuổi ba mươi hai
tâm hồn tôi phức tạp
nhiều đa mang
nên nhiều buồn thảm
trăm nghìn bài thơ yêu
chẳng nói lên một ảnh hình
một cạnh góc tình yêu
tâm hồn tôi đa sầu
vì lần đầu tiên
theo người yêu ra nghĩa trang
biết khóc
mồ mả kẻ nào đây
mà thương vay
tôi cắm một bông hoa
với mẹ cha bỏ cuộc đời
giã từ hôm qua
xa xôi quá
một tiếng khóc, một bông hoa không có
Nhà tôi
nằm trên đỉnh ngọn núi cao vời vợi
chiều chiều mặt trời làm bạn thưở
ấu thơ
áo chàm xanh Nghĩa Lộ
dân bản thổ Sơn La
con gái áo "kỏm" bỏ ra
bức tranh khỏa thân
trong suốt giòng nước suối
tâm hồn lớn dậy trong tình yêu
bắt đầu vú nở và sớm nhiều hơn từ độ ấy
..."
(Trích trong tập "Thơ làm lớn dậy con người, 1965)
Thế Phong còn là một con người phản kháng. Ông chống lại những hiện tượng xu phụ. Đối với lĩnh vực sáng tạo trong văn chương, theo Thế Phong:
"Bổn phận của người sau là phải tổng hợp cái dữ kiện hôm qua cùng cái hôm nay, tạo cho ngày mai và sự diễn tiến của nhân sinh cứ luân chuyển mãi mãi như vậy" .
Chính vì có tư tưởng như thế nên Thế Phong đã nặng lời phê phán cái kiểu "bái đầu", tung hô "thần tượng"một cách a dua,thái quá. Bài thơ "Cho thuê Nguyễn Du" của Thế Phong là một dẫn chứng về tinh thần phản kháng:
"Thắt nút cà vạt cổ cồn không thấy ghét bám phía sau
lên giọng thầy giảng văn chương khỏi mang tiếng học trò
mang sự lúng túng đền bù thuốc lá châm liên miên
chưa nghiện thuốc nặng sao phà hơi qua lỗ mũi
bảo đảm vợ con trưa chiều áo cơm lên giọng
gõ mặt bàn tiếng văn chương Nguyễn Du
ba trăm năm chưa hết – còn ai khóc Tố Như?
có chăng phường bất tài ám ảnh mượn danh tràn
thi nhân ngày xưa hẳn mặc toàn áo gấm?
túi đầy tiền rủng rỉnh tay nào với tha nhân?
tôi không còn hứng cảm thông Kim Vân Kiều
tôi nhổ bọt vào mặt tôi chót khen thi hào
lời khen tặng mười năm ròng không đổi mới
ba ngàn câu thơ chưa làm tôi xúc động
họa chăng đôi ba câu tả thật đời lãng mạn
dăm ba điều kinh nghiệm của lần trao ái tình
một vài cảnh đẹp nước chảy qua cầu tiết Thanh Minh
mua gương Từ Hải vì ai mà lơ láo triều đình?
...
Tôi khinh tôi ra mặt cứ khen tràn cổ nhân
tôi phỉ nhổ mặt tôi thực sự phê bình Kiều danh tiếng
văn học sử này tôi sổ toẹt thi hào vỏ
đại diện một góc cạnh cỏn con nhìn đời nho nhỏ
cả tên làm thơ quan lại nịnh bợ danh tướng công
mong danh tiếng mình mãi gắn bó cùng non sông
ca tụng cái đẹp vẻ hay nhà trường đổi đồng tiền
Tôi hy vọng học trò không bằng lòng lời khen giảng
áo cồn thôi vòng cổ tôi đấm bóng tôi gương soi
cho thuê Nguyễn Du thật cần thiết không đòi bồi thường
(Trích trong tập thơ: "Cho thuê bản thân" , 1962)
Bài thơ "Vương niệm cuộc đời" Thế Phong viết cách đây gần 50 năm, hôm nay đọc lại vẫn còn nguyên tính thời sự. Chúng ta thấy đau nhói trong lòng. Xã hội ngày xưa – xã hội hôm nay vẫn còn nhiều cảnh đời đau khổ, bất công. Trong thơ Thế Phong, không chỉ có phẫn nộ, mà chúng ta còn bắt gặp ở Thế Phong một tâm hồn nhân hậu, đầy tự trọng:
"Những đêm sao mọc bừng – đêm thứ bảy
anh vào phố tìm mua áo bông mầu
không sao có mầu anh tìm
tìm hoàng hôn tắt vội – đường chiều em về heo hút gió
đời chán quá anh tìm ăn trong quán
đời bơ vơ – ghế trống quá – hàng ba
đời lứa đôi thiên hạ chen đua
xương còn lại chất đầy trong bàn tiệc
kiếp ăn mày nạng chống gầy lũ lượt
tay loang lổ ghẻ tầu, miệng run đôi môi
xin lại miếng ăn thừa chất đầy trong túi hẹp
nốc rượu vang thừa – cằn cốc đá nước tan
- đời còn nhiều hứa hẹn – gặm xương thừa,
gầm cầu, lề phố vắng
Những đêm sao mọc bừng – đêm thứ bẩy
anh thôi vào phố để không nhìn ăn mày
không sao có mầu sáng anh tìm mua
vương miện đầy sương hoa – đợi chờ đến
bao giờ phủ lên đầu mọi người một sớm
đời chán quá! anh không đưa em vào phố
chúng mình bơ vơ – ghế trống quá – hàng hai
ăn mày nô lệ miếng ăn thừa
chúng mình cúi gầm ăn mà sao không ngẩng mặt?
(Trích "Muôn hoa" trong tập "Vương miện Mai A", 1961)
Trong thi ca, Thế Phong đã tạo ra một con đường của riêng mình, không giống một ai.
Từ năm 1959, nhà văn Thiên Giang, một cây bút tên tuổi của miền Nam đã có những nhận định, đánh giá cao về Thế Phong:
"Sự hiện diện của Thế Phong trong bình diện văn nghệ là kích động, thúc đẩy, tạo sự chuyển động cho cả guồng máy văn nghệ...".
Và, khi đọc thơ của Thế Phong, học giả Hoàng Xuân Việt đã cảm nhận: "Thơ Thế Phong mãnh liệt cảm xúc, đê mê trong nghệ thuật".
LÊ NGỌC TRÁC
______________________
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Thơ Thế Phong
- Nhà văn, tác phẩm, cuộc đời ( Thế Phong, 1970)
- Những nhà thơ hôm nay ( Nguyễn Đình Tuyến, 1967)
- Chiêu niệm bốn nhà văn Sài Gòn ( Thế Phong , 1999)
---- ------------------------------
- bài đăng lại / 23/ 01/ 2023
-------------------------------------
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 13:43 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ